Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Vẩn vơ với bản sắc

Vẩn vơ với bản sắc

- Cao Huy Thuần — published 22/08/2022 21:35, cập nhật lần cuối 23/08/2022 10:44


Thư gửi Chị Bùi Trân Phượng


VẨN VƠ VỚI BẢN SẮC

Cao Huy Thuần


​Chị Phượng thân mến,


​Vậy là, cuối cùng, các bài giảng của chị ở Collège de France tháng 3 sang năm, 2023, sẽ được trình bày dưới đề tài "Phụ nữ Việt Nam. Quyền năng, Văn hóa, Đa bản sắc / Căn tính" (« La femme vietnamienne : Pouvoirs - Cultures- Identités plurielles »). Điểm mới nhất của chị, và cũng là điểm khó khăn nhất mà chúng ta đã trao đổi với nhau lần trước, vẫn là vấn đề bản sắc. Lần này, vấn đề khó khăn gấp đôi, bởi vì, nếu bản sắc đã là một khái niệm mông lung khi nói về một dân tộc, nó còn mông lung biết bao khi nói về một thành phần của dân tộc đó, ở đây là phụ nữ. Bản sắc của người đàn bà Việt Nam là gì, còn phải tìm ở mối tương quan với người đàn ông, mà người đàn ông Việt Nam là gì, hỏi văn học tiếu lâm, tiếu lâm sẽ trả lời là râu quặp. Ai dám nói là hoàn toàn sai ?

​Ấy vậy mà, lạ thiệt, ai cũng nghĩ là có một cái gì đặc thù nơi người đàn bà Việt Nam, chẳng ai nói rõ ra được nó là cái gì, rành mạch, khúc chiết để chẳng ai dám cãi lại, chỉ nghĩ rằng có một cái gì đó đẹp, cần giữ, từ ông bà để lại. Tôi chỉ biết có thế để trả lời chị. Biết tôi bí, chị tìm cách khai thông bằng một số câu hỏi, xin chép lại nguyên văn:

"Xin anh nêu những cảm nhận, trải nghiệm và suy tư của anh về quyền năng, văn hóa (giá trị, lối sống, cách ứng xử...) và bản sắc (cái khiến chính họ và người khác cảm nhận họ là chính họ, là người phụ nữ Việt) của:

1/ những người phụ nữ VN trong gia đình đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho anh (mẹ, chị, em gái, người yêu, bạn đời...)

2/ những người phụ nữ VN trong quan hệ xã hội đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho anh

3/ những người phụ nữ VN trong lịch sử đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho anh

Khái niệm "phụ nữ VN" bao gồm mọi người phụ nữ cảm thấy mình (còn) là người Việt vì bất cứ lý do và dưới bất cứ hình thức nào."

Ối giời, có cả người yêu, chị muốn tôi viết tiểu thuyết ? Vâng, nhưng trước khi trổ tài hư cấu, đúng là các câu hỏi của chị gợi lên trong tôi một vài ý, một vài kỷ niệm sâu thẳm có thể có liên quan ít nhiều đến vấn đề đang làm chị bận tâm. Dù xa dù gần, dù trực tiếp, dù gián tiếp, tôi thử đi vào cái mông lung của khái niệm như tìm một cánh buồm giữa đại dương.

°°°

​Trong những người mà chị dẫn ra, chỉ có mẹ tôi là hình ảnh rõ nét nhất, cho phép tôi có chút ý kiến gì về người “phụ nữ Việt Nam truyền thống”. Tôi đã viết khá nhiều rồi về mẹ tôi, chắc chị đã đọc trong ba bốn quyển sách đã xuất bản trong nước. Về các nhân vật khác, hình ảnh người phụ nữ ghi dấu ấn không phai trong tôi từ thuở nhỏ là qua văn thơ. Ba hình ảnh hiện ra làm tôi xúc động trước số phận của người phụ nữ từ khi biết đọc thơ là ba gương mặt buồn của ba người : khuê phụ, chinh phụ và quả phụ.

​Khuê phụ: “Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu”. Người thiếu phụ trong bài thơ Đường bất hủ không phải là người Việt Nam, nhưng đó không phải là vấn đề của tôi lúc nhỏ đọc thơ: đó là nỗi nhớ nhung thương tiếc của người vợ trẻ mùa xuân đến mà không có chồng bên cạnh. Mùa xuân, tuổi trẻ, mà tình quân xa vắng. Không có gì buồn, không có gì bất hạnh, bằng người yêu xa người yêu, vợ xa chồng, trái tim tôi nói với tôi như thế từ nhỏ. Và trái tim ai cũng nói với ai như thế khi bao nhiêu khuê phụ trong lịch sử gần đây phải xa chồng năm năm, mười năm, mười hai năm, mười bảy năm đằng đẵng.

​Thuở tôi đọc bài thơ Đường ấy cũng là lúc bài hát “Buồn tàn thu” của Văn Cao rất được phổ biến. Văn phong của bài hát rất cổ, hình ảnh cũng vậy, nhưng rất xúc động: người thiếu phụ ngồi đan áo bên cửa sổ, nghe lá thu rơi, tưởng bước chân ai đó trở về, nhưng không phải chàng, chàng đã quên mất lời thề rồi:

Nhờ bóng chim uyên
Nhờ gió đưa duyên
Chim với gió bay về
Chàng quên hết lời thề.

​Chuyện phụ bạc không phải chỉ có ngày xưa, ngày nay là chuyện thường, nhưng ngày nay khác: anh phụ tôi, tôi phụ anh, bình đẳng. Ngày trước, ít ra là trong văn chương, hình như người đàn bà là nạn nhân của phụ bạc mà người đàn ông là chúa. Người đàn bà nuốt nước mắt, cam chịu. Và tôi nuốt nước mắt theo với nhiều người tôi biết xung quanh tôi. Nhưng lạ thiệt, chắc vì tại cái máu lãng mạn đã sẵn có từ nhỏ, tôi thấy người đàn ông thấp xuống, người đàn bà đẹp lên. Sau này, hai bên bình đẳng nhau quá trong chuyện phụ bạc, cái đầu tôi có phân vân đôi chút, nhưng tim thì vẫn thế, vẫn thấy người đàn bà rất đẹp trong câu hát ru của mẹ tôi:

Tay bưng dĩa muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng phụ nhau.

​Có người đàn ông nào bưng dĩa muối? Cay với mặn, tự người đàn bà nếm, tự người đàn bà thề. Chẳng thấy người đàn ông nào “xin”. Chỉ người đàn bà “xin đừng”. Tôi không thấy người đàn bà hạ thấp xuống trong câu hát ru khác của mẹ tôi:

Chàng ơi phụ thiếp làm chi
Thiếp là cơm nguội đợi khi đói lòng.

​Tôi chỉ thấy anh đàn ông thấp quá. Thấp quá trước người đàn bà đẹp thế kia.

​Vậy thì chung thủy là đức tính riêng của người phụ nữ? Của người phụ nữ Việt Nam? Chắc chắn, nếu tôi hỏi mẹ tôi, câu trả lời sẽ là ừ. Và nếu tôi hỏi thêm: thế là Khổng Mạnh, thế là tam tòng tứ đức?, mẹ tôi sẽ nói không phải, tự nhiên thế. “Tự nhiên thế” có thể là do ảnh hưởng của truyền thống. Nhưng “tự nhiên thế” của mẹ tôi cũng có nghĩa là không có gì bó buộc, mình nghĩ thế thì tự nhiên cư xử như thế. Thì tôi cũng nghĩ như thế ngày trước, và xót thương cho mọi khuê phụ, mọi chờ đợi, mọi nạn nhân của thuyền phụ bến, Bến là hình ảnh của người đàn bà, của chung thủy mà trong sâu thẳm của tâm thức, có thể là do ảnh hưởng văn chương, tôi từng nghĩ như một giá trị đẹp của người phụ nữ.

​Hình ảnh thứ hai của người phụ nữ khắc sâu trong tôi từ nhỏ qua văn chương là người chinh phụ trong “Chinh phụ ngâm”. Buồn ôi là buồn, buồn đứt ruột khi tiễn chồng chinh chiến phương xa:

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai

​Nhớ nhung ôi là nhớ nhung, nhớ nhung quay quắt khi một mình ôm gối đêm khuya. Nhưng người chinh phụ không phải chỉ biết buồn và nhớ. Đẹp ôi là đẹp khi xa chồng mà bổn phận vẫn vuông tròn:

Lòng lão thân buồn khi tựa cửa
Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm
Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân

​ Lại tứ đức tam tòng chăng? Không, “Chinh phụ ngâm” dạy tôi yêu.

​Yêu thì bổn phận không còn là bổn phận. Là người yêu vui thì mình vui. Nhưng “Chinh phụ ngâm” còn dạy tôi thêm một cái ghét: ghét cái nguyên nhân đã làm cho người chinh phụ của tôi phải xa chồng. Tôi ghét, tôi oán chiến tranh. Mở quyển thơ, hai câu đầu đã oán:

​​​ Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên

​Chiến tranh: đâu phải chỉ có chuyện người đàn ông ra trận; biết nói sao hết nỗi khổ của người đàn bà! Nói sao cho xiết, nên người chinh phụ của tôi chỉ còn biết kêu trời:

​​​ Xanh kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?

​Câu hỏi “Vì ai?” ấy xuyên suốt lịch sử của nước tôi từ khi “Chinh phụ ngâm” ra đời. Vì ai? Chưa kịp trả lời, người chinh phụ của tôi bật thêm câu hỏi nữa, đố cả nhân loại trả lời cho được:

Trong cửa này đã đành phận thiếp
Ngoài mây kia há kiếp chàng vay?

​ Chồng tôi… chồng tôi… số kiếp chồng tôi là làm chiến tranh? Con người sinh ra để làm chiến tranh? Để chết giữa trận mạc? Để vợ trở thành quả phụ?

​Quả phụ: đó là hình ảnh “ấn tượng” thứ ba về người phụ nữ trong tôi. Không phải hình ảnh chít khăn tang đâu! Cởi khăn tang! Cởi khăn tang ném trả lại cho chiến tranh, má hồng chiến thắng phận bạc. Hàng vạn, hàng triệu phụ nữ Việt Nam như thế, tôi chỉ kể ở đây một trường hợp nhỏ bé trong gia đình.

​Anh Duệ, con bác tôi, nhưng ở với tôi trong một nhà, thân nhau như anh em ruột. Quảng Trị lúc đó chưa có trường trung học, anh phải vào trường kỹ nghệ sau khi xong tiểu học để học nghề. Không được học chữ, anh bất mãn, bỏ học nửa chừng, nhưng chính nhờ mấy năm học nghề mà khi bị động viên, nhập ngũ, anh được sung vào ngành quân cụ, khỏi phải cầm súng ở chiến trường. Yên thân như thế cho đến năm 1965-66, cả miền Trung nổi dậy chống Thiệu-Kỳ ở Sài Gòn. Được Mỹ yểm trợ, Nguyễn Cao Kỳ đem thủy quân lục chiến ra Đà Nẵng và Huế đàn áp phong trào Phật giáo - quần chúng và triệt hạ hiểm họa ly khai của cả Quân Đoàn II. Là Phật tử, anh Duệ tích cực tham gia phong trào Phật giáo quần chúng; là lính, anh Duệ tích cực đứng về phía Quân Đoàn ly khai. Sự việc bất thành, anh Duệ bị đuổi ra khỏi quân cụ ở Đà Nẵng, tống ra chiến tuyến Quảng Trị tơi bời bom đạn. Được về thăm nhà một lần năm 1972, anh ghé qua nhà tôi ở Huế trên đường trở lại đơn vị. 1972, vài tháng trước khi ký hiệp định Paris 1973, chiến trận bùng lên ác liệt hơn bao giờ cả, đơn vị anh đang thử lửa. Lúc đó, trời đã xế chiều, gia đình tôi năn nỉ anh ở lại qua đêm, sáng mai đi cũng không muộn, nhưng anh nhất định đi, phép đã hết, kỷ luật phải tuân. Anh vừa đến đơn vị, chưa kịp chào ai thì ăn ngay quả pháo. Con chó vừa vẫy đuôi mừng anh, thoắt một cái, anh chết, chắc nó cũng không tin.

​Chị Duệ tôi làm gì để nuôi sáu đứa con trong tay và một đứa trong bụng? Có lúc, quá tuyệt vọng, trong đầu chị đã lảng vảng cái ý uống thuốc chuột với sáu đứa con. Nhà đang ở, phải trả. Nhà cũ, đã cho thuê và người thuê không chịu đi: Đà Nẵng người đông, nhà thiếu. Chị Duệ phải mang con đến ngủ la liệt ngoài hiên nhà. Như thế vài hôm… tôi kể tiếp nhé, chị Phượng nhé, chị nghe được thì nghe, không thì thôi, bởi vì tôi cũng bán tín bán nghi, mình là dân khoa học mà. Vài hôm như thế… chị Phượng ạ, không chừng đây cũng là vấn đề bản tính phụ nữ Việt Nam mà chị đang khổ công tìm kiếm, ít ra cũng là vấn đề văn hóa mà chị em phụ nữ ta rất trân trọng. Vài đêm ngủ chui vô gia cư như thế, một hôm người thuê nhà ríu rít trả lại nhà, thành thật kể lại cho chị Duệ: “Từ mấy hôm nay, đêm nào anh ấy cũng đến bảo tôi phải dọn đi chỗ khác, để nhà cho vợ con anh ở”. Thế là chị Duệ lấy được nhà. Nhưng ngay đêm đầu, rồi liên tiếp mấy đêm sau, chị cứ nghe tiếng chân ai lên xuống cầu thang, rõ mồn một. Chị thắp hương, khấn: “Anh ơi, thôi, anh đừng về thăm vợ con nữa, để em sống mà nuôi con”. Cầu thang từ đó im tiếng.

​Chị Duệ không biết làm sao sinh sống, gánh một nồi bún bò ra chợ. Chị đã nấu bún bò lần nào đâu, cứ nấu đại, vậy mà người khách đầu tiên đến ân, khen lấy khen để, tiếng khen lan truyền, nồi bún cứ thế mà nửa buổi chợ đã cạn. Chị nhất quyết bảo không phải chỉ có sức chị. Nhờ sức ai nữa mà nồi bún cứ được tiếng ngon? Không chừng cái đó cũng là bản sắc. Đâu phải chỉ một mình chị Duệ tôi đặt câu hỏi đó trong thâm tâm? Từ đó mà nảy ra đạo đức, đạo đức đối với người chết, đạo đức đối với người sống, đạo đức đối với chính mình. Một thứ đạo đức hồn nhiên, không ai bắt buộc. Đạo đức ấy là một thành phần của văn hóa. Văn hóa ấy tạo nên bản lĩnh của chị Duệ.

​Tôi về thăm chị Duệ cách đây ba năm. Từ bún bò, chị tiến lên hàng cơm, thành công tiếp nối thành công, nhà cửa bây giờ khang trang, con cái đều xong đại học, cháu đầu là kiến trúc sư. Cháu xây mộ cho ông nội tôi, khiêm tốn, nhưng rất đẹp. Chẳng lẽ cháu muốn dạy tôi bài học đạo đức của mẹ cháu: không phải chỉ tự sức tôi mà tôi nên người như ngày nay? Lại cũng vấn đề bản sắc chăng?

°°°

​Chị Phượng thân mến, cái khe khắt của luân lý ngày trước đã dần dần bị xóa bỏ qua nhiều thời đại, do chính chị em là chủ lực. Chính người phụ nữ tự mình xóa bỏ những gì không chấp nhận được nữa, và cũng chính người phụ nữ tự mình thấy nên giữ lại những gì mình cho là phải, là hợp, là đẹp. Cái gì bỏ, có thể phân tích. Cái gì giữ, cái gì đang còn, đang tồn tại đấy, cái ấy mơ hồ. Bởi vì, tuy còn, nó đâu còn nguyên vẹn, nó đã ít nhiều pha lẫn cái mới, mà cái mới đưa vào cũng đâu có nguyên vẹn, cũng đã ít nhiều pha lẫn cái cũ. Những giá trị cũ và những giá trị mới thanh lọc nhau, đan xen với nhau, đưa đến cái mà chị gọi là “identité plurielle”, và tôi mơ hồ thấy như một sức mạnh nơi người phụ nữ Việt Nam mà tôi vừa gọi là “bản lĩnh”. Có bán lĩnh thì mới dám đan xen, không thì đã bị nuốt chửng.

​Bản lĩnh ấy bàng bạc trong văn chương, tiểu thuyết, đặc biệt trong ca dao. Tìm đâu, nếu không phải trước hết trong ca dao, cái đẹp thuần khiết của đạo đức cổ truyền xen lẫn với nụ cười hóm hỉnh “xét lại”, cười những khe khắt, áp bức, bất công lỗi thời. Tìm trong ca dao sẽ thấy cái thế quân bình lành mạnh đặc biệt của văn hóa dân gian nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung, mà phụ nữ là một biểu trưng. Tôi đã có lần động đến vấn đề này trong bài giới thiệu quyển sách “Phật giáo Việt Nam qua phong dao tục ngữ” của Nguyên Mai. Tìm đâu, nếu không phải trong ca dao, cái gì là đặc biệt có thể gọi là Phật giáo Việt Nam?

​Gần với ca dao nhất là Truyện Kiều. Tôi muốn nói: gần với cái thế quân bình nhất của ca dao trong văn chương bác học là Truyện Kiều, đỉnh cao nhất của văn học Việt Nam mà một người phụ nữ bất hạnh là nhân vật chính. Thử tưởng tượng mà xem: cái chữ “trinh” nó quan trọng đến thế nào trên giá trị của người thiếu nữ ngày xưa. Chữ “trinh” của Nguyễn Du không phải thế. Không phải là thể xác. Nói đến Kiều thì động đến Phật giáo, mà trong Phật giáo thì tâm ý dẫn đầu, cô Kiều hiểu chữ “trinh” như vậy. Cô quân bình hóa quan niệm chính thống. Cô quân bình hóa như vậy nhiều lần lắm, từ cái lần bắt chuyện với Kim Trọng qua hàng dậu, vượt tường qua nhà chàng giữa đêm khuya, cho đến cái đêm thề thốt trăm năm dưới trăng sao với tình nhân, chừng đó đã là quá mới, đã dám tự “cởi trói” mấy trăm năm trước khi hậu thế của cô biết “cởi trói” là gì. Chưa đủ: lần này, bị vùi dập trong lầu xanh, cô cởi thêm một cái khúc mắc nữa trong tư tưởng, vốn là húy kỵ:

​​​Biết thân đến bước lạc loài
Nhụy đào thà bẻ cho người tình chung

​Bẻ? Trước khi cưới? Ngày nay, câu hỏi có vẻ lỗi thời, ngớ ngẩn. Nhưng ở thời đại Nguyễn Du, nó đáng làm ta ngạc nhiên. Nó mới, nhưng đố ai nghĩ khác cô Kiều. Cái mới đã đi vào cái cũ một cách hợp tình hợp lý, khó mà bắt bẻ.

​Nhưng cái cũ cũng nằm trong cái mới một cách không kém hợp tình hợp lý. Và đẹp. Nhiều ví dụ lắm trong văn chương, tôi chỉ chọn một, vì nó đẹp quá, cái cũ đẹp nhất lẫn trong cái mới đẹp nhất của một tình yêu giữa thời chiến tranh. Tôi trích một đoạn trong hồi ký của anh Nguyên Ngọc, đoạn anh ấy bất ngờ gặp lại chị giữa chiến trường:

« Và bây giờ lại gặp nhau giữa chiến trường. Tôi nhớ đêm ấy máy bay “mô-hốc”, loại máy bay trinh sát dài, đen trùi trũi, bay rất nhiều, sà thấp, len cả vào các hẻm núi hẹp. Đó là loại máy bay chuẩn bị cho B5 vài ngày sau sẽ đến “làm ăn”. Kệ “mô-hóc”. Hai anh em ngồi trên gốc dừa đổ, kể đủ thứ chuyện.Tôi trách – Sao em để cho con Năm nó đi lấy chồng sớm thế? Năm cũng là một cô bé tập kết theo kiểu như Tĩnh.– Em ngăn thế nào được. Mà anh cứ lo lung tung, bộ anh coi bọn em còn con nít cả à… Năm nó tốt, anh đừng lo. Nông dân vậy mà rất dễ say đắm.Lâu lắm, tôi mới hỏi được :

Còn em ?
Em thì chưa có gì đâu.

Tôi nắm tay em, thương quý, giản dị, trong sáng như ngày xưa hai anh em nắm tay nhau đi dọc bờ sông Lấp… »

Văn anh Nguyên Ngọc hay trong từng chữ, mỗi chữ là mỗi suy nghĩ đắn đo. Bởi vậy, tôi không thể không đặt hết tất cả chú ý và suy nghĩ trên hai chữ “trong sáng”. Đẹp! Yêu nhau như thế là quá đẹp! Đừng hỏi anh Nguyên Ngọc “trong sáng” là gì. Là cái đẹp nhất trong đầu anh lúc đó. Là cái đẹp nhất trong đầu chị lúc đó. Cho nhau cái đẹp nhất, cô Kiều cũng làm như vậy, trong hành động giữa đêm hôm với Kim Trọng hay trong tư tưởng giữa lầu xanh. Văn hóa ấy trong Truyện Kiều cũng là văn hóa ấy trong anh Nguyên Ngọc, đan xen cũ mới với bản lĩnh, tạo nên nét đẹp riêng của Việt Nam.

​Nét đẹp đó, một lần nữa, tiềm tàng trong ca dao, nơi đan xen rõ nhất giữa những giá trị của Nho, Lão, Phật, giữa Nho như là cái cũ, thắt chặt, Phật như là cái mới, cởi mở. Chung thủy chẳng hạn, cả Phật và Nho đều đề cao trong ca dao, nhưng chữ “duyên” của Phật đi vào ca dao đem lại không khí mới: vì “duyên” mà chung thủy, thì cũng vì “duyên” mà phân ly, không giận, không hờn:

Đôi ta là nợ là tình
Là duyên là kiếp đôi mình kết giao

​Thế nhưng:

Còn duyên như tượng tô vàng
Hết duyên như tổ ong tàn ngày mưa

​Cho nên:

Đây anh không giận, đó em cũng chớ hờn
Kiếp tái sinh sẽ nối phím đờn tri âm


​Hẹn hò ở kiếp sau ! Mỗi người một đường nhưng hai đường lại gặp nhau ở kiếp sau. Thì lại chung thủy! Nhưng cũng đừng thắt nhau chặt quá, đừng ghen tuông, khi anh còn ở kiếp này, em thì đã kiếp sau! Em hỷ xả cởi trói cho anh:

​​​Em thác ba năm xương tàn cốt rụi,
Em đầu thai con nhạn bạch về đậu bụi chanh,
Cất tiếng kêu anh đi lấy vợ,
Đừng chờ đợi em như hồi buổi xuân xanh đang còn.

​Ôi, hèn chi ai cũng nói người phụ nữ Việt Nam dễ thương! Bởi vì, không thấy ca dao nói ngược lại, “anh thác ba năm… anh làm con nhạn bạch…” bay về xúi em thong dong cởi trói.

​Chị Phượng thân mến, tôi chỉ có đôi chút vẩn vơ như thế để trả lời thư chị. Tôi vừa mong vừa tin chắc có một cái gì đó trường tồn, nhưng nó mông lung nên ý tứ cũng mông lung. Hình ảnh trước mắt tôi là cánh buồm trên biển cả, đôi khi tôi thấy nó, đôi khi tôi chỉ thấy sóng bạc đầu. Tôi nghĩ: nó còn ở đó là vì nó còn giữ được cái thế quân bình. Văn hóa của ta không biết thái quá. Văn hóa của ta không biết độc quyền, độc tôn. Nho vinh danh cha, thì Phật vinh danh mẹ. Nho có tam tòng thì Phật có Vu Lan. Nho trọng ông chồng thì Phật dạy vợ chồng bình đẳng. Ca dao ví cha mẹ trong nhà là hai ông Phật. Mẹ cũng là Phật, không chỉ riêng cha. Làm mẹ, làm vợ, người đàn bà là cột trụ trong gia đình, nhà đổ, cột vẫn còn. Vẫn đứng vững. Để gánh mọi gian truân, dù chiến tranh hay bạc mệnh. Cái bản lĩnh ấy, dễ thấy. Cũng dễ thấy, khi người đàn bà biết trọng khuôn phép nhưng cũng biết vượt qua khuôn phép tùy duyên. Cái tôi sắp nói đây mới thiệt là kỳ : khó thấy, nhưng ai cũng thấy ; khó nói, nhưng ai cũng nói ; vì thế mới xứng danh là bản lĩnh từ xưa đến nay : người phụ nữ Việt Nam nhún nhường để cai quản.

​Trong một nền văn hóa không biết độc quyền, độc tôn, lại có thêm nụ cười của ca dao, bị cai quản mà cứ tưởng rằng mình cai quản : có phải ấy là số kiếp hạnh phúc của mình chăng, thưa các ông chồng Việt Nam ?


Cao Huy Thuần

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us