Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Vẩn vương ký ức Tết

Vẩn vương ký ức Tết

- Minh Thu — published 09/04/2017 22:40, cập nhật lần cuối 09/04/2017 22:41

Vẩn vương ký ức Tết


Minh Thu



Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa

Có những bài nhạc xuân xưa lắm rồi, được sáng tác còn trước khi tôi chào đời. Có những ngọt ngào của Tết tuổi thơ cứ ở lại mãi trong trí nhớ. Để rồi mỗi khi Xuân về Tết đến lại nao nao.

Tự hỏi mai này khi trẻ con lớn lên bằng tuổi mình bây giờ thì ký ức về Tết của tụi nhỏ sẽ đọng lại những gì? Rồi đây các con mình sẽ kể lại gì với cháu của mình về những ngày Tết? Là những chuyến đi chơi xa mà cũng là đi nghỉ dưỡng. Là những ngày được nghỉ học tha hồ chơi games. Là những thời khắc Giao thừa xem những chùm pháo hoa nở rực rỡ trên cao. Mà rồi cũng chỉ mấy mùa bắn pháo hoa thôi, bọn trẻ đã không còn mấy hào hứng, vì năm nào dịp nào cũng chỉ chừng ấy kiểu hoa pháo. Vì cũng chỉ mới mấy mùa bắn pháo hoa thôi, những chung cư cao tầng đã mọc lên rất nhanh, san sát nhau, che chắn tầm nhìn về hướng sông Sài Gòn bến Nhà Rồng, về phía toà nhà Bitexco 68 tầng... Thấy bảo sẽ có cầu Thủ Thiêm 2 nối Quận 2 với Quận 1, không xa đó là bến phà Thủ Thiêm nay đã đi vào dĩ vãng. Những ngày này con đường đi làm của tôi lại bụi bặm hơn nhiều chút. Vì đường đang mở rộng, cầu Cá Trê mới sắp làm xong. Cây cầu cũ bắc qua con rạch nhỏ lúp xúp dừa nước và mang cái tên dân dã đậm chất Nam Bộ khẩn hoang - thỉnh thoảng đi ngang qua tôi đã băt gặp những equipe chụp ảnh cưới cho những đôi lứa muốn lưu lại kỷ niệm với ký ức vùng ven đô thị …

Tôi chuyển về sống ở quận 2 mới mấy năm nay, chưa kịp có trải nghiệm đi phà Thủ Thiêm như những cư dân sống lâu đời ở mé bên này của con sông Sài Gòn. Cũng chưa đến thăm nhà thờ Thủ Thiêm của họ đạo được thành lập sớm nhất vùng Sài Gòn - Gia Định, như một chứng nhân cho chặng đường dài lịch sử của một vùng dân cư và thăng trầm từ hơn 150 năm nay. Tu viện và nhà thờ dòng Mến Thánh Giá thuộc giáo đoàn Thủ Thiêm được thành lập năm 1859, mấy hôm nay lại được nhắc đến nhiều trên facebook qua câu hỏi trên trang của LSQ Canada tại thành phố Hồ Chí Minh: “tại sao lại phải phá đi một nhà thờ có lịch sử lâu đời hơn cả quốc gia Canada?”.

Có lẽ, rồi một ngày nào đó cũng sẽ chỉ còn trong ký ức đô thị tàn cây trứng cá với những bông hoa trắng li ti và những trái tròn tròn mọng đỏ, với bu gà là chỗ ngủ cho những con gà ban ngày được thả rông quanh rẻo sân đất...Với khói lam nhạt bay lên từ những nồi bánh chưng bánh tét nấu bếp củi dựng tạm trước nhà và mớ cỏ rác quét vun lại một chiều Ba Mươi cuối năm Âm lịch...

Tết của con tôi không có mùi thơm và tiếng đì đùng của pháo Tết. Do vậy mà không còn biết đến ý nghĩa tiếng pháo của phong tục “tống Cựu nghinh Tân”. Những đứa trẻ thời @ không có ký ức về nỗi vui thú khi “dè sẻn” tháo một vài viên pháo từ bánh pháo hoặc khi "xông pha" nhặt được viên pháo rơi xuống đất trong lúc cả dây pháo đang nổ rộn rã trong đêm Ba mươi, sáng Mùng Một -rồi thập thò cầm que hương dí vào ngòi pháo, mắt nhắm mắt mở, tay bịt tai... Niềm vui đơn sơ mà "nổ trời".

Những ngày giáp Tết của con không có lan man hoài niệm, khi nghe văng vẳng tiếng nhạc "Bài ca Tết cho em" vọng lên từ "xóm nhà" dưới chung cư.

Mà cũng phải, bọn nhỏ làm sao cảm nhận được câu "Tết này anh không thèm kẹo mứt..." trong bài hát. Còn nhớ năm tôi học lớp Bốn, Tết năm 1979 là một năm với nhiều biến cố, thiên tai và khó khăn chồng chất. Con nhỏ tôi đã sung sướng diện một cái áo cổ cánh sen màu hồng may bằng vải phin pha nilon. Vẫn nhớ như in cảm giác mong chờ có áo mới, và đó là cả một cố gắng của ba mẹ để con gái có áo mặc tết. Ấy là đã nhờ may mắn có bác hàng xóm làm ở xí nghiệp dệt được đăng ký thêm suất áo phân phối Tết...

Nói nào ngay, mai này con tôi cũng không thể kể lại cho cháu nội của tôi rằng hồi trước những ngày giáp Tết bà của con cặm cụi ngồi sên chảo mứt. Con của tôi không có được kỷ niệm về nhà ông bà lăng xăng phụ việc lặt vặt ngâm đậu, rửa lá dong lá chuối, xem ông ngoại gói bánh. Ông tôi gói bánh chưng rất khéo, không cần khuôn mà bánh chưng chiếc nào cũng vuông đều chằn chặn. Bao giờ gói bánh, tôi cũng được phần cái bánh chưng "thừa thẹo" được ông gói riêng cho và bao giờ cũng mong chờ hồi hộp khi đến công đoạn sáng sớm vớt bánh chưng. Giờ thì biết mua ở đâu cái bánh chưng vuông vức nhỏ xíu không nhân thịt ấy?

Sẽ nhớ những ngày được nghỉ học trước Tết, con nít đứa nào cũng được phân công ở nhà dọn dẹp lau chùi nhà cửa tuỳ theo độ tuổi. Nhưng thể nào cũng tranh thủ đạp xe đến nhà nhau chơi. Nhà Phượng, cô bạn học cùng năm lớp 10 nhưng chơi thân với nhau suốt ba năm PTTH, ở trong một con hẻm không xa cầu chữ Y. Những con hẻm Sài Gòn tráng bê-tông ngoằn ngoèo nhiều ngõ ngách, có thể xuyên thông nhau bằng nhiều lối và có khi chỉ vừa đủ cho hai đầu xe tránh nhau. Đến chơi nhà bạn, ngồi vắt vẻo trên yên xe đạp tán gẫu, thấy chung quanh nhà nào cũng quét lại tường vôi, cũng lau bàn thờ, cũng đánh bóng lư hương. Và tiếng nhạc Xuân phát ra từ băng cassette nhà ai làm rộn ràng nôn nao cả con hẻm "Anh cho em mùa Xuân ".

Nhưng ít ra là hai đứa trẻ nhà tôi cũng còn biết tên nhiều loại hoa, do ở nhà luôn có bình hoa tươi. Cuối tuần nào cũng đi mua hoa cùng mẹ đến nỗi được những nhân viên ở shop Dalat Hasfarm nhớ mặt biết tên. Những khi mẹ đi công tác Hà Nội về, được mẹ gọi xuống dưới nhà xách giùm đồ đạc lên, vì mẹ thường có ôm theo một bó hoa, được gói rất kỹ lưỡng trong lớp lá dong buộc lạt tôi thường ghé mua ở hàng hoa quen trên đường ra sân bay. Có một chuyện (theo đúng nghĩa đen) buồn cười trong một lần tôi ôm bó hoa lay-ơn màu hồng phấn xếp hàng check-in tạị sân bay Nội Bài. Một chị đứng ngay sau tôi hỏi thăm rằng hoa này là hoa thật hay hoa giả mà đẹp thế. Khi tôi đáp rằng hoa thật chứ thì chị lại hỏi tiếp có phải là hoa đào không. Tôi luôn có một ưu ái cho vẻ đẹp riêng biệt từng mùa của hoa Hà Nội. Đã nhiều lần ôm về Sài Gòn hoa loa kèn của tháng Tư, sen Hồ Tây mùa hạ, cúc họa mi báo Đông về và hoa hồng quế, hoa hồng tỉ muội chỉ có ở Hà Nội… nhưng vừa rồi lần đầu tiên tôi “được” ôm một cành đào và một bó hoa violet. Lòng bỗng thấy bình an nhẹ nhõm khi ngắm “cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng” gợi nhớ cái Tết Hà Nội xưa cũ. Tết Hà Nội bây giờ có thể mua hoa đào tại rất nhiều nơi, rất tiện. Thế nhưng tôi vẫn muốn cành đào mình ôm về Sài Gòn mua ở chợ hoa Tết Hàng Lược, dẫu rằng phong vị của chợ hoa truyền thống này cũng đã phôi pha đi nhiều rồi…Bởi ba chục năm rồi tôi mới lại có dịp đi chợ hoa Hàng Lược, mới lại được "chen giữa đào hoa hoa tươi thắm". U50 bỗng có cảm giác vui sướng y như trẻ nít khi cầm cành đào đi trong chợ được nhiều người hỏi thăm vì cành đào quá đẹp, chi chít hoa và nụ!

Một thoáng ngược chiều với dòng xe cộ và dòng thời gian xuôi về ký ức. Hà Nội mãi là miền nhớ xanh thẳm trong lòng tôi. Theo năm tháng, những đổi thay của thành phố đã xoá đi hoặc đã làm cho những kỷ niệm của tôi trở nên không hình hài rõ nét về nơi chốn chào đời ấy, về tuổi thơ của tôi và về một năm học dự bị đại học tiếng Đức ở cái tuổi mà bây giờ tôi biết đáng được gọi là tươi đẹp nhất trong đời học trò ở đó... Nếu ví tâm hồn và cuộc đời con người như một mảng tranh ghép mosaic thì tôi biết chắc một điều rằng Hà Nội đã ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm tưởng, đã tạo nên một phần đời sống của mình. Nhưng tôi cũng biết, Hà Nội trong trí nhớ của tôi đã khác nhiều so với “Hà Nội -phố” của nhà thơ Phan Vũ.


“Em ơi! Hà Nội - phố
Ta còn em đường lượn mái cong
Ngôi chùa cổ.
Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương.
Ai còn ngồi bên gốc đại già?
Chợt quên vườn hồng đã ra hoa.
Chợt quên bên đường ai đứng đợi...
Cuộc đời có lẽ nào.
Là một thoáng bâng quơ!”


Mà Hà Nội trong thơ Phan Vũ lại cũng đã khác với những gì mà nhà thơ Du Tử Lê lưu giữ trong ký ức:


“ôi trí nhớ ta cùn nhụt
chỉ còn ghi ảnh hình
chú nhỏ ngây ngô một mùa đông xưa cũ
một chú nhỏ nhà quê
giữa sân trường Hàng Vôi lá bàng rất đỏ
mới thoáng đó
còn đâu đây”


Tình cờ mà hai bài thơ được Phan Vũ và Du Tử Lê sáng tác vào thời điểm cuối năm 1972. Vâng, “mới thoáng đó còn đâu đây”…Tháng 8 năm 2016, tôi có dịp gặp nhà thơ Du Tử Lê ở Sài Gòn, được ông ký tặng cuốn tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời”. Chứng kiến nhà thơ sáng uống cà phê Vy ngắm cảnh sinh hoạt phố xá Sài Gòn, thấy ông vẫn nặng lòng yêu tha thiết thành phố này. Và cũng thấy mắt ông ánh lên niềm cảm động, giọng ông rưng rưng khi tôi nhắc đến trường tiểu học Hàng Vôi và bài thơ “Khi bắt đầu của tuổi ba mươi”.

Thế nên tôi tin rằng, các con tôi rồi sẽ giữ cho mình một ký ức riêng khác về thành phố Sài Gòn, sẽ có những kỷ niệm riêng và chung với bạn bè cùng tuổi về Tết cổ truyền để nhớ lại và để kể về. Dẫu Sài Gòn Tết Đinh Dậu này không có pháo hoa và đường phố thì trang hoàng nhiều phần lòe loẹt; ngay cả chợ Bến Thành cũng “thất thủ” với hoa mai hoa đào giả và đèn hoa sen bao quanh quảng trường Quách Thị Trang nay đã không còn tượng Trần Nguyên Hãn…
Chừng nào con tôi còn “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”.

Minh Thu


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss