Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Về biển Tây tìm thấy nàng tiên cá

Về biển Tây tìm thấy nàng tiên cá

- Trần Ngân Hà — published 16/12/2013 12:30, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Hành trình trở về, thật chỉ là một bước chân yên.

Về biển Tây tìm thấy nàng tiên cá


Trần Ngân Hà


Trước khi tìm đến những hòn đảo của xứ Hà Tiên, tôi cũng vừa từ giã một người em thân thiết. "Em phải đi chuyến này, đây là một hành trình tìm kiếm nguồn cội, xứ sở, quê hương của mình. Em đã mất gốc từ lâu, giờ em phải đi thôi dù Sài Gòn là nơi em không còn chỗ khác để dung thân. Nhưng đó đã là và sẽ là, hiện tại, em muốn biết mình là ai để còn sống tiếp", em nói. Lý do giản dị đó khiến tôi đặc biệt lưu tâm. Tôi nói với em, thì cứ đi đi, nhưng tôi tin chắc là hành trình tìm về xứ sở của mình, không phải là một nơi nào đó, ở chốn nào đó, mà chính là ở bên trong mình, về lại với mình.

Tôi không thể hình dung hết là chuyến đi này, tôi cảm thức được sự trở về hơn hết. Bởi nơi mà mọi thứ đều đẹp đẽ, long lanh chiếu sáng dưới ánh mặt trời thì nơi đó hẳn không còn sự băn khoăn về bóng tối dù nó chứa những điều bí ẩn cỡ nào. Và trong một buổi trưa nắng trắng trời, gió Bắc hiu hiu thổi bên bờ biển Tây cuối năm, ngắm nhìn tán lá cây bàng biển xòe to cố che nắng cho tôi và những hòn sỏi nhỏ dưới lưng tôi, tôi nhận ra sự tĩnh lặng trong mình, tôi nhận ra mình đang sống thực hiện trên cõi đời này dù tôi đã trải qua những tháng ngày nhọc nhằn đi chăng nữa thì phút tĩnh tại này, vẻ đẹp hiện tồn này chính là nơi tôi cư ngụ. Vì vậy, có đi đâu đâu mà trở về cơ chứ !

Hành trình trở về, thật chỉ là một bước chân yên.


Ngày thứ nhất: Sài Gòn - Rạch Giá


6 giờ sáng. Sài Gòn, quận 3, khởi hành. Dọc đường đi, chưa qua khỏi Bình Chánh, vẫn mùi xe và khói, mùi người lộng lẫy phố xá đô thị trộn trong không khí ẩm xám của Sài Gòn giao mùa – giao thời.

Xe gần đến Cai Lậy, bọn muốn đốt thời gian trên xe bằng rượu đang bối rối vì không biết tìm rượu ở đâu thiệt và ngon... Cuối cùng một người bỗng thốt lên: "Sao không ghé ông Quân (Phạm Hoàng Quân – nhà nghiên cứu)? " Thế rồi hành trình xuống một chốn mà chưa ai biết bỗng trở nên sáng rõ. Một cuộc điện thoại: "Alô, anh Quân hả, anh có nhà không, nửa tiếng nữa bọn em đến ! " – " Trời, xuống sao không nói trước để chuẩn bị ? " – " Đâu cần chuẩn bị gì, chỉ cần rượu. " – " Rượu có mà không có mồi. " – "Đâu cần mồi, nhậu anh được rồi ! " – "Trời, vừa uống vừa cắn tui hả ! " ... Cả bọn trông chờ đến cây cầu Mỹ Đức Tây. Chuyến xe trở nên sôi nổi hẳn. Nào là " cái thằng cha chuyên nghiên cứu Tàu thì tìm đến chỗ có Mỹ-Đức-Tây để ở ". Tới nơi, đằng trước cửa khóa, đằng sau lối vào rậm cỏ, nhưng người thì đứng chờ sẵn. Thi sĩ Trần Tiến Dũng lần đầu tiên ghé nhà Quân kể từ khi ông bạn cho chữ hàng năm của anh chuyển về đây ở hẳn đã hai năm. Một vòng xem nhà, thi sĩ kết luận: " Nhà gì mà không có chữ gì đọc được thì có gì coi nữa đây ! ". Nhà báo KT đòi rượu, còn ông đồ Quân thì thủng thỉnh cầm gói bánh pía và mời trà. " Tới đây rồi thì đừng có vội, cứ từ từ chầm chậm ngồi xuống đi ! ". Nghe đến cái từ từ, chầm chậm, chợt nhớ ông Bùi Giáng chuyển ngữ Nhà sư vướng lụy của Tô Mạn Thù có cái đoạn này đọc mà cười lăn lóc: “ Chuyện gì trong nhân gian đều phải chậm rãi từ từ mới được. Mê gái cũng từ từ. Tụng kinh cũng phải từ từ. Mò cua bắt ốc cũng phải từ từ. Tiếc thương cũng phải từ từ. Lành vết thương cũng phải từ từ ”.

Cuối cùng thì lát sau nơi hiên nhà đã có rổ trái cây, mấy cái ly nhỏ và chai rượu trắng được bày biện thiệt hấp dẫn.

Hàng hiên – terrace, là một nơi lý tưởng để con người ta hóng nắng hóng gió. Ở nhà Phạm Hoàng Quân còn hơn cả thế, còn là một nơi lý tưởng để nhâm nhi cuộc đời với đôi ba lời gian dối, chân thành trộn lẫn cho giọt rượu thêm ngọt-cay…

Đến phà Vàm Cống, gọi cho một nhân vật khác: Anh Tùng, hội Nông dân làm du lịch, một người thú vị và chịu chơi. Nghe cuộc điện người Sài Gòn hỏi về món lá chúc. Anh gọi lại nói là đã đặt nhà hàng làm món gà hấp lá chúc. Rồi anh nói sẽ kiếm cây chúc về cho mọi người. Cái bọn nấu món Tom Yum của Thái Lan ở Sài Gòn dùng lá này để nấu thay cho gia vị chua của Thái mà lại còn ngon hơn món Tom Yum của Thái. Tiếc là anh Tùng đem có một cây nên cả bọn dành lại cho một người trong đoàn mới dọn nhà, còn tụng ca thêm là có được cái lá chúc này nghĩa là đã có lời chúc tụng đầy nhà, quý lắm, đem về trồng đi. Chúc còn được Tây gọi là chanh kaffir. Thi sĩ nói, thì ra bây giờ mới biết miền Bắc có "gà hấp lá chanh" nhưng kém xa "gà nấu lá chúc" miền Tây vì nó ngọt, thơm và đậm đà hơn, lại không bị chanh chua, bị đắng…

Anh Tùng nói mùa Tết miền Tây giàu có nhất, trái cây đủ loại, tôm cá đầy đìa... du lịch về miền Tây mùa này giống như trở lại về với tuổi thơ và thiên đường, không phải lo nghĩ gì, chỉ cần uống rượu ngâm ủ vài năm và ăn hương đồng cỏ nội, vậy là đời lên tiên.

Vừa mới làm tiên, cả bọn lên xe rũ người vì buồn ngủ đánh thẳng giấc từ 1 giờ rưỡi trưa đến 3 giờ rưỡi thì tới Rạch Giá. Không ngờ cái Resort 4 sao Hòa Bình lộng lẫy quá, không giống chỗ nghỉ của bọn giang hồ dãi nắng dầm mưa chỉ thèm nước mắt quê hương và cá đồng nấu rau…

dao-ba-lua

Đá ở quần đảo Bà Lụa

Thổ địa Kiên Giang, cô Lụa giới thiệu món sò lụa trong bữa tối. Nhưng không may, lụa mập hôm nay không có hàng, chỉ có lụa gầy, các anh không thích, thế là không ăn lụa nữa chỉ ngồi ngắm nhìn và trò chuyện với Lụa cũng đủ rồi! Cô bạn Lụa nói ngay, không sao, ngày mai mọi người đi đầm bà Lụa còn có nhiều thứ hay hơn nữa. À, thế là đã có bà Lụa thay thế, nhưng thi sĩ không chịu, nhất quyết ngày mai sẽ biến bà Lụa thành cô Lụa, vậy mới thú. Thi sĩ hỏi cô Lụa có làm thơ không, cô Lụa thủng thẳng trả lời, muốn làm thơ hay phải yêu dữ dội mới được. Ở đời chỉ đến cái khúc yêu đương mới làm được thơ !

Rồi cô Lụa dẫn đi uống cà phê, cái phố cà phê đường mang tên bác Tôn này mới thiệt là choáng ngợp, nó lộng lẫy còn hơn Sài thành, quán xá gọn gàng, người ngồi gọn gàng, chỉ có nhạc là lộn xộn thôi. Nguyên một con đường vài ba cây số chỉ toàn quán cà phê. Có cả quán cháo vịt bán chung với cà phê luôn. Bà chủ quán cà phê Balê đon đả mời khách, bà ân cần với từng người và tất nhiên cũng là bạn của cô Lụa. Cà phê chuyện gẫu với bà chủ dăm ba câu… Đến khi tính tiền, sáu người uống mà có chín chục ngàn, thiệt rẻ gấp mấy lần Sài Gòn…

Biển Rạch Giá đêm mùng ba, tối thui, đen thui và chân trời không có luôn.

Ngày thứ hai: Kiên Lương, Hòn Đầm


Một tô bún cá và một ly cà phê đen đá không đường cho buổi sáng… Rồi từ giã Rạch Giá, xe chạy bon bon từ 7 giờ rưỡi. Đi để biết hòn Phụ tử tật nguyền, Chùa Hang và Resort Hòn Trẹm. Nhưng chỗ này chưa phải điểm đến, cả bọn đang háo hức lên tàu tìm đến những hòn đảo hoang nổi danh của vùng Kiên Lương. Bạn hiền dưới này chỉ cho hành trình như sau: Đến bến tàu, đi ra Hòn Bà Lụa, chọn một Hòn mà nghỉ chân, nhưng bạn khuyên chỉ cần đến Ba Hòn Đầm. Nơi đó phần biển tiếp giáp các hòn có thể lội qua, nước có cao nhứt cũng chỉ tới bụng. Lúc lội có thể mò ốc, bắt cua. Trời! nghe vậy mà không đi mới lạ!

Qua khỏi nhà máy xi măng Kiên Giang, trước mặt có cây cầu nho nhỏ, đó là cống Bình An. Lại điện thoại nhờ chỉ đường ra bến thì anh Tài chủ tàu nói là rẽ phải đi theo đường đất dưới chân cầu thẳng vô khoảng 500 mét là tới.

ong-hai-muc

Ông Hai Mực

Tàu Thủy Tài đã đợi sẵn ở bến... Resort Hòn Trẹm cử một anh chàng tuổi đôi mươi ra làm bạn nói chuyện biển, thiệt là chu đáo. Ông chủ tàu tên Hiền, hóa ra là con của chúa Đảo Hai Mực ở đây. Từ ngày vợ qua đời, ông Hai Mực phiền muộn không ở đảo nữa mà về Hà Tiên, còn đảo thì để lại cho các con. Ông bà có bốn người con, hai trai, hai gái. Chị Hà, anh Hiền, chị Thủy thì ở lại đảo còn chú Út thì đã ở trong bờ làm công tác Đoàn ở Huyện.

Từ đất liền ra đến đảo Ba Hòn Đầm mất khoảng một giờ đồng hồ. Mùa gió Bắc, có chút sóng nhưng vì được bao bọc chung quanh hơn bốn chục hòn đảo lớn nhỏ nên biển vẫn êm. Một giờ đó chỉ như khoảnh khắc vì cảnh vật trên biển như đã sắp sẵn cho người thưởng ngoạn. Các hòn đảo lô xô dọc hai bên mạn thuyền. Nằm giữa trời - mây - nước trong xanh thơ mộng khiến người ta chỉ muốn quên hết thời gian hiện hữu mà chìm đắm, mơ màng trong nó. Rơi vào nó như hố thẳm của tình yêu say đắm. Chưa định thần thì thuyền đã cập bến. Không ngờ, cái bến này còn đáng để đậu hơn cả vì nó đẹp như một giấc mộng lành. Sóng vỗ bờ, cây bàng biển đơn độc xòe tán lá, ánh nắng trưa chiếu sáng lấp lánh dát vàng từ ngọn đến thân. Nếu như có thiên đường hạ giới, thì đó cũng đẹp như thế này mà thôi.


hinh2


hinh3


Ba Hòn Đầm là ba hòn đảo nhỏ: Hòn Đước (trồng Đước), hòn Dương (cây ở đây chủ yếu là cây dương) và hòn Giếng, là nơi đào được cái giếng lớn nhất ngay giữa đảo, có độ sâu gần 40 mét. Hỏi ai đào giếng, anh Hiền nói cà rỡn: " Hình như là bom thả đào sẵn hố sâu, sau đó người mới đến đào miết, đào miết cho có thấy nước mới thôi " Riêng hòn Giếng có thêm cây trái như mít, xoài, ổi... Ba hòn cách nhau khoảng vài trăm mét lội nước, cao nhất cũng chỉ đến ngang ngực. Lội từ hòn Đước sang hòn Dương, cát mịn hơn thảm nhung vì có lẫn phù sa, thi thoảng chân có chạm vào vật gì đó hơi gai một chút, cúi xuống sờ soạng, lấy lên một vốc tay đầy ốc và cả sò lụa... " Trời đất ơi, tới đảo hoang mà mò cua bắt ốc nè ! ", một cô gái địa phương cất tiếng sang sảng, bọn đàn ông đâu có nghe vì đang mải chèo thuyền đi mò nhum. Chỉ có khi đem chiến lợi phẩm về thì không ai biết làm hết, mình anh Hiền cặm cụi ra góc biển ngồi nạy từng con, bỏ vào dĩa cho khách nhậu.

Con cá mú tươi rói, chị Thủy đem kho cái mình, còn đầu đuôi nấu chua ăn ngọt không thể tả. Chị nằm trên võng đong đưa nhìn mọi người vừa ăn vừa hít hà không ngưng, miệng không khép lại được vì nụ cười mãn nguyện…

Hoàng hôn trên biển Tây và nàng tiên cá dưới trăng


4 giờ chiều, cậu quản lý khách sạn Hòn Trẹm đi theo đoàn báo là nên về cho kịp để ngắm hoàng hôn biển Tây. Nghe cũng nôn nao. Đã từng ngắm hoàng hôn biển Đông trên ngọn đồi nhỏ chùa Hải Đức, Nha Trang. Lúc nhìn mặt trời lặn khuất sau rặng núi, lòng tự hỏi người đối diện cũng đang dõi theo bóng đỏ chìm khuất nơi đường chân trời kia là ai? Ở đây là núi, liệu đằng kia có phải là biển chăng? Giờ thì biết rồi, nhận ra rồi. Một gương mặt thôi, một mặt trời thôi. Bây giờ cũng mới thấu hiểu " ta là người mà người cũng là ta ".


bien-tay


bien-tay


Thuyền cập bến, mọi người hối hả lên xe về Hòn Trẹm. Xe đi vào khu resort, lăn bánh thẳng lên đỉnh đồi. Bước xuống nhìn thấy mặt trời đỏ ngầu từ từ lặn xuống mặt biển. Cái cảm giác thân thể như tách đôi rồi nhập lại. Thấy lại đồi Hải Đức và mặt biển bao la đang dần chìm trong bóng tối, nhớ lại cái hôm mình thử dạng hai chân ra rồi cúi gập người xuống, nhìn mặt trời lặn giữa hai chân, tưởng là mình đã hoàn tất buổi ngắm hoàng hôn ở hai phía. Giờ thì hoàn tất rồi. Màu trời và mặt nước đều nhuộm ráng vàng, ráng hồng lung linh. Cái quả tròn đỏ ối kia nối hai bờ Đông-Tây, biến mọi cái trở thành thể thống nhất. Cho nên chỉ riêng cái vụ ngắm hoàng hôn thôi mà Saint-Exupéry đã tự cho mình cái thú một ngày có bốn mươi tám lần, như thế một giờ có hai lần nhìn hoàng hôn, cứ để mọi thứ xoay chuyển đi, nhưng nửa giờ nữa mình sẽ trở về, rồi lại xoay. Đó là cái thực tại đáng sống nhất nhưng khó đạt được nhất trên đời.

hu-tiu

Tô hủ tíu trên hòn Trẹm

Cái tên Trẹm khiến nhiều người phán đoán. Cô Hải giám đốc giải thích chữ Trẹm này là từ chữ "trèm trẹm", một tiếng của người dân địa phương để chỉ những vật gì nó không quá, nó vừa vừa. Nhưng trong từ điển của xứ Hà Tiên lại có từ "chèm chẹm" nghĩa cũng gần như vậy. Nhưng "trẹm" nghĩa là gì thì không ai biết. Giống như "lá diêu bông", cái hư hư thực thực của nó khiến người ta nhớ mãi, cho đến khi người ta cũng chẳng còn muốn giải nghĩa nó nữa. Gọi là gì chẳng được, " Tôi gọi Mỹ Tho là Mỹ Thỏ ", thi sĩ Bùi Giáng đã chẳng nhắc nhở, chấp vào tên làm gì, sự vật, như nó đang là, là một hòn bán đảo bao bọc bởi biển mênh mông và những ráng hồng vàng không bao giờ tắt trong tâm trí.

Đêm, trăng lưỡi liềm sáng quắc đến nỗi chỉ mong có một cái liềm bạc như thế để làm kẻ nông dân dắt trâu cùng nghỉ ngơi giữa cõi đời mông muội mỏi mệt. Lại một cây bàng biển lớn đẫm sáng. "Em nhìn kìa, có thấy nàng tiên cá cô độc dưới trăng?", một lời thì thầm, một câu hỏi đau đớn về một hòn đá chơ vơ có hình hài của một người phụ nữ ngồi bó gối, đầu gục lên hai đùi khép hờ hững. Đã cô độc rồi mà còn lạnh lẽo thế kia ư! Lòng biển ấm không sưởi được em vì đã cố nhoài lên khỏi mắt nước mong chờ một cõi lòng ấm khác nhưng làm gì có. Còn có vẻ đẹp nào hơn thế nữa. Còn có vẻ đẹp nào buồn hơn thế nữa…

"Có khi tôi nhận ra trong bầu trời những bãi biển vô tận với những đoàn người trinh trắng vui tươi. Một con tàu lớn lấp lánh vàng ở phía trên tôi, đang phe phẩy những lá cờ sặc sỡ của nó trong những làn gió nhẹ buổi sớm mai. Tôi đã tạo ra tất cả những lễ hội, tất cả những chiến thắng, tất cả những bi kịch. Tôi đã thử phát minh những loài hoa mới, những tinh cầu mới, những da thịt mới. Tôi vẫn ngỡ rằng mình đã đạt được những quyền lực siêu nhiên. Thế mà tôi phải chôn kín trí tưởng tượng cùng những kỷ niệm của mình! Một vinh quang tốt đẹp của người nghệ sĩ và người kể chuyện bị cuốn phăng!" (Arthur Rimbaud).

Một sớm mai gió chớm xuân hây hẩy chốn quê cuối tận cùng cùng của đất nước xứ Hà Tiên, một ngày thật thích hợp để có thêm những lễ hội, và chúng tôi, những người tự tạo ra lễ hội cho mình, trong lúc chờ đợi thời gian cuốn phăng mọi thứ, thì lần mò tìm đến dưới một gốc cây trứng cá, ngắm nhìn bà chị đang chuẩn bị món hủ tiếu cho thực khách qua đường, tóc mai lóng lánh những giọt ánh sáng mồ hôi. Anh chàng Gò Công mê hủ tiếu đi đến đâu cũng hỏi tô hủ tiếu mà chuyến này toàn ăn nhà hàng, quá xá sang trọng anh không ưng bụng lắm, lại không gặp cô Thắm duyên quê khiến anh càng thất vọng. Lễ hội của ảnh là hủ tiếu và cô Thắm mà thôi. Nhưng cái lễ hội nào cũng đáng sống để mà hưởng cả. Ngay cả khi mãi mà không có được lễ hội, thì ta đem cái lễ hội đã từng mà ta chôn chặt trong lòng, rồi lâu lâu cũng lấy nó ra phủi bụi mờ và mặc áo hoa.

Còn lễ hội của tôi, chỉ là một chút ảo ảnh của màn đêm: 

"Khi bóng hoàng hôn phủ núi xa
Khi niềm tơ tưởng vướng chân, và
Khi cầm không được anh ngồi khóc
Ấy lúc em tôi đã tới nhà

(Huy Cận).

Lễ hội ở Hà Tiên mùa gió Bắc, mùa Xuân lộng lẫy con ruốc về cũng là lễ hội của những kẻ tìm ra chốn lưu trú cho riêng mình.


Trần Ngân Hà
(ảnh Trần Tiến Dũng)


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us