Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Về Quê

Về Quê

- Hà Dương Dực — published 10/01/2011 10:15, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20


Về Quê


Hà Dương Dực


Tôi đã về quê nhiều lần, đã đôi lần thắc mắc trong hoán đổi lũy tre xanh lấy hàng cột điện, cũng đã vui mừng nhìn thấy nhiều nhà ngói hơn nhà tranh và thấy nhiều khuôn mặt học sinh, sinh viên vui tươi và sáng ngời. Đất nước tôi quả đã đang chuyển mình vươn lên, nhân dân Việt Nam đã đến lúc được làm chủ trên con đường mưu cầu hạnh phúc ? Đó là các năm 1994-95, khi Việt Nam mở rộng bang giao với quốc tế (trong đó có Mỹ quốc) niềm hy vọng hòa hợp, hòa giải, dân chủ và phát triển đang dâng cao.

Đến nay ta thấy: hòa hợp về viễn tượng tương lai của dân tộc thì bế tắc vì ĐCSVN nhất định kiên trì với chủ thuyết của họ, chính vì thế nên hòa giải với quá khứ trở nên hời hợt và trơ trẽn; phát triển chậm và chập chững, không có căn bản, không có phối hợp, chỉ muốn đi tắt đón đầu. Áp dụng tư duy thời chiến cho tư duy phát triển vì vậy nhiều công trình chưa đưa vào sử dụng đã hư hại và còn đưa tới nhiều người giàu quá mức, ăn chơi tung trời trong khi mọi tầng lớp nhân dân đều phải tranh đấu hết mình để sống còn và người nghèo còn quá đông. Nhiều việc làm hình như chỉ cốt để ghi vô sổ Guiness book, từ chùa chiền tới con đường tới thi hoa hâu...

Mặt trái của phát triển lại càng ngày càng lộ rõ. Không chỉ có sông Thị Nại làm ô nhiễm, còn có phá rừng xây đập thủy điện gây lũ, có bauxite gây lo ngại, Vinashin gây thất thoát quá lớn... tham nhũng tràn lan, trường học vô kỷ luật, thầy đánh trò, trò đánh thầy rồi đánh nhau tàn nhẫn.

Báo điện tử Hanoimoi ngày 24/11/2010 có tiêu đề: "bạn có kiến nghị gì để giải quyết tình trạng bạo lực học đường ngày nay".

Vấn đề dân chủ và phát triển được nói từ 20 năm rồi mà nay vẫn còn nguyên. Các từ “nhạy cảm”, “lề trái, lề phải” được đưa ra để ngụy trang cho những việc làm trái đạo lý trái nhân tâm. An ninh là cái cớ nhưng an ninh tối thiểu là bảo đảm an toàn cho sinh mệnh và tài sản của người dân vẫn chưa có khiến cho nhiều người nghĩ rằng đã đến lúc phải thay đổi toàn bộ. Dân VN trong bao năm tranh đấu hy sinh để 35 năm sau đất nước như vậy sao? Chưa kể chúng ta còn đang phải đối đầu với ảnh hưởng quá lớn từ Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, mùa thu năm nay tôi về Việt Nam lần thứ 12, về để chính mắt mình nhìn thấy quê hương và chùm khế ngọt, ước mong thấy quê hương tôi như tôi đã thấy trên mặt các em học sinh, sinh viên 15 năm trước: vui tươi và hy vọng.

DL

Đền Quán Thánh (ảnh trên mạng)

Xa Hà Nội khi tôi 18, thành phố có cỡ 300.000 người, ngày nay Hà Nội có cỡ trên 3 triệu người chỉ kể các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy và Thanh Xuân. Xưa, vào cỡ 8 giờ tối, ngày mưa xuân đường Quan Thánh thật vắng vẻ yên tĩnh, thơ mộng, đạp xe đi trên đó như đi trên con đường tình. Ngày nay trên khắp các quận vừa kể từ 6 giờ sáng tới 8 giờ tối chúng ta chỉ thấy xe và xe. Người người hối hả, xe cộ đông đúc chen lấn, còi xe không bao giờ ngưng, sức sống thật ồn ào, thật mãnh liệt. Tôi có cảm tưởng nhìn thấy vẻ tò mò trên nét mặt các du khách Âu Mỹ.

Nếu họ đến VN cốt nhìn sức sống hiện tại để hiểu sức sống của dân tộc trong quá khứ thì họ đã được như ý. Sức sống đó, sức bùng lên đó phải kể là có từ ngày bắt đầu đổi mới, khi Chính phủ Cộng sản không biết cách và không có tiền để trả lương cho nhân viên nên trả lương không đủ sống và buộc phải cho phép nhân viên có giờ đi làm thêm.

Đó là biện pháp cùng tắc biến, biện pháp trông cậy vào khả năng thích nghi, sáng tạo của nhân dân: có đất thì trồng lúa bán, có mảnh vườn thì trồng sắn, trồng rau, nuôi gà lấy trứng, chặt được cây thì bán gỗ, có trí óc thì bán hiểu biết, có sức vóc thì làm cửu vạn, hay xuất khẩu làm lao công, nhiều cô con gái phải tha phương lấy chồng chú khách hay tận cùng là bán của trời cho.

Nhân viên chính phủ thì bán rừng bán biển, bán mỏ, bán đất, bán lời hứa bán uy quyền, buôn thần bán thánh, và vay mượn để chi tiêu để tham nhũng. Biện pháp cùng tắc biến đáng lý chỉ được dùng trong nhất thời rồi sau đó phải được chỉnh đốn bằng luật pháp nghiêm minh, hành chánh có trách nhiệm, công nhân viên phải được trả lương đủ sống (giáo viên, quân đội, công an, viên chức chính quyền...).

Nhưng chính phủ đã không làm vậy, mà còn khuyến khích nó bằng hào quang ảo tưởng trong quá khứ, làm như là một câu chuyện đòi nợ. Giành được độc quyền cai trị Đảng Cộng Sản đã nhanh chóng thành đảng tham nhũng, đảng của tập đoàn Vinashin, của tập đoàn bán... lấy tiền.

Trong khi nhân dân tất bật lo cơm từng bữa.

ketxe

Ảnh trên Internet

Nhìn dòng xe chen chúc trong khói bụi ồn ào mà buồn mà lo...

Nhưng có nhiều người nhìn dòng chảy đó với hứng thú, họ trông thấy ở đó sức sống và năng lực có thể dùng, nếu không thế họ đã chẳng xây nhà máy sản xuất lớn nhất Đông nam Á ở VN. Đó là nhà máy của hãng Intel (?). Dĩ nhiên các nhà đầu tư ngoại quốc trông vào đầu tiên là giá nhân công rẻ nhưng sau giá nhân công rẻ là năng suất phải đạt tiêu chuẩn. Một nhà máy muốn có năng suất đạt nhu cầu thì nhân công phải có kỷ luật và biết làm.. Với hệ thống giáo dục bị chê bai như hiện nay thì nhân công VN ở mọi cấp từ thấp tới cao liệu có khả năng làm trong nhà máy điện tử không? Tôi hỏi thăm thì được biết là các hãng ngoại quốc bao giờ cũng có thời gian huấn luyện nhân viên, sau một cuộc thi thử nghiệm. Nếu chúng ta không dạy nhau được thì họ dạy giùm.!!!

Tôi hỏi vài ông tài xế taxi rằng có bao nhiêu người sử dụng công lộ ở VN tuân theo luật giao thông thì câu trả lời đều là cỡ 30%. Tôi quan sát thì thấy hình như là ít hơn. Luật giản dị nhất là luật giao thông, kỷ luật nhẹ nhàng nhất là kỷ luật giao thông còn không được đa số dân ta tuân theo thì liệu dân đó có chịu được kỷ luật làm việc dây truyền và giới hạn thời gian rất khắt khe trong sản xuất kỹ nghệ?

Xí nghiệp ngoại quốc nhìn thấy chúng ta có khả năng và huấn luyện được (nói tắt là: dạy bảo được).

Tại sao ra nông nỗi ? Chỉ có một câu trả lời đúng: Thượng bất chính hạ tắc loạn

Tới nay, trong đời tôi có một lần bị móc túi ở phi trường Tân sơn Nhất (1997, 98?), hai lần đánh rơi ví tiền và nhiều lần mua hoa.

Lần thứ nhất tôi đánh rơi ví tiền là ở Mỹ năm 1969, lần thứ hai ở Đà Nẵng năm nay ( trên 300 đô la), cả hai lần người nhặt được đều mang trả không thiếu một đồng. Tôi không có số đánh rơi mất ví tiền, chỉ bị móc túi thôi. Dầu sao tỷ lệ giao tiếp trong nhân gian cũng không tệ lắm.

Mua hoa, tặng hoa có nhẽ là kinh nghiệm vui buồn, hứng thú mà chúng ta đều đã trải qua.

Hoa nở sáng sớm, hoa nở đêm khua, hoa có muôn màu ngàn sắc, hoa thơm ngát trên cách đồng lúa, hoa khoe sắc với giòng suối trong, hoa đùa gió mát trên đỉnh núi cao, hoa lác đác trong sa mạc làm mát lòng lữ khách, đóa hoa hồng trên môi thiếu nữ, hoa và gió đông cười chàng trai đa tình, hoa trong vườn giúp hành giả tĩnh tâm.

Từ ngàn giống hoa lan, tới màu hoa sim tím tới bông cúc vàng vương giả, trên khắp mặt đia cầu nếu không có hoa loài người sẽ sống nghèo hơn nhiều.

Biết vậy, tôi vẫn không thể tả nổi tình cảm của mình, khi tám giờ sáng, đứng trước khách sạn phố Hàng Đàn Hà Nội tôi thấy bà già gánh hoa đi bán.

Giữa phố cổ Hà Nội, xe cộ chen chúc trên đường chật hẹp, có một bà già gánh hoa lững thững đi.




Hà Dương Dực

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us