Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Xem kịch VÙNG BIÊN GIỚI

Xem kịch VÙNG BIÊN GIỚI

- Lê Minh Hà — published 07/09/2010 23:50, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20


Chị thích những câu chuyện trong vở kịch
hay là cách kể chúng ?

LÊ MINH HÀ

 

Chị thích những câu chuyện trong vở kịch hay là cách kể chúng ? Đạo diễn hỏi.


Tôi thích hình thức vở kịch trong sự phát triển của nó. Hoàn toàn đoạn tuyệt với cái gọi là kịch trong quan niệm vẫn còn chế ngự hầu hết chúng ta. Không có thiện và ác, không có cao cả hay tầm thường, không có xung đột, không cao trào. Tất cả những tình tiết lắt léo để tạo nên một cốt truyện bi hay hài đều không có mặt ở đây. Không có sự hóa thân tuyệt đối vào vai diễn. Cũng chẳng gián cách. Tác giả những vở kịch kinh điển của những thế kỉ vừa qua sẽ phản ứng như thế nào khi xem buổi trình diễn này? Liệu lời phán xét có thể là soạn giả không hiểu thế nào là tính kịch hay không? Đạo diễn nổi tiếng của những trường phái kịch đã khẳng định mình trong lịch sử sân khấu thế giới có lắc đầu khi xem các diễn viên trình bày mình ở vở kịch này? Thật thú vị khi hình dung ra câu trả lời cho những câu hỏi.


Vùng biên giới - vùng biên của những trải nghiệm thế hệ, cũng là tên vở kịch do hai nhà hoạt động sân khấu người Đức thuộc nhóm Rimini Protokoll dàn dựng, trong khuôn khổ lời mời từ Zipp (một dự án văn hóa của Đức và Tschechien, có sự tham gia của nhà hát kịch Dresden, Liên hoan sân khấu Praha bằng tiếng Đức, nhà hát kịch quốc gia Praha).


Trong khi đi sâu vào mối quan hệ giữa hai nước Đức và Tschechien như dự định ban đầu của dự án khi đưa ra lời mời, những người thực hiện đã phát hiện ra Việt Nam, thông qua mối quan hệ giữa hai thế hệ người Việt đang sinh sống ở vùng biên giới giữa hai nước.


Biên kịch và đạo diễn : Helgard Haug, Daniel Wetzel


Diễn viên : Phạm Thanh Vân, Phạm Anh Thu, Đỗ Thu Trang, Cao Thế Hùng, Phùng Hằng Thanh, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Hùng Sơn, Karl-Heinz Kathert


Được trình diễn ở hai nước Đức và Tiệp và ở một số festival các nước từ năm 2009, hiện Rimini Protokoll tạm dừng trình diễn vở kịch này.


Có thể tìm biết thêm qua :


http://www.projekt-zipp.de/en/life_worlds


http://www.rimini-protokoll.de


Sân khấu được dàn dựng ở mức giản lược tận cùng như có thể. Diễn viên cũng giữ luôn vai trò của người lo đạo cụ và chuyển cảnh. Đến cả một tấm màn ước lệ ngăn cách sân khấu và khán giả cũng trở nên không cần thiết trong sự giản lược này. Không có màn giáo đầu dù sẽ có cái hình như là kết thúc. Diễn viên trong trang phục hàng ngày của người thường ngoài đường đứng nói chuyện với nhau, trong khi những người làm công việc phụ trợ cho buổi diễn bận rộn ngay trong tầm mắt của người xem. Người ta biết vở kịch bắt đầu lúc nào thật ra là nhờ vào tờ giới thiệu chương trình. Hình thức sân khấu mở này là sự chuyển dịch theo thời gian của hình thức sân khấu dân gian xưa, đầy tính diễn xướng, mời gọi sự tham gia sáng tạo của người xem ngồi xung quanh.


Một bục gỗ thấp, trên có mấy người Việt đứng bên mấy quầy hàng bán quần áo rong, xung quanh là dây rợ và những người lo ánh sáng âm thanh. Nếu khư khư với cảm quan quen thuộc về một vở diễn trên sân khấu, nhất định sẽ nghĩ những người Việt kia cũng là một vài trong số những người lo vòng ngoài cho vở diễn. Họ đứng nói chuyện với nhau, chuyện hàng ngày của rất nhiều người Việt nơi này.


vbg

Nhưng cũng là chuyện của chính họ. Không phải là diễn viên chuyên nghiệp, họ trình hiện lại cuộc đời đã và đang sống của mình. Có người từng là sinh viên, có người là lao động xuất khẩu, có người là học sinh học nghề cái ngày còn một quốc gia Đức cộng sản trên bản đồ thế giới. Một ông lão người Đức từng là thanh tra của lực lượng công an biên phòng thời Đông Đức. Ba gương mặt con gái sáng bừng sân khấu thật ra tuổi tác chỉ vào hàng con cháu mấy người kia, hoặc sinh ra và lớn lên hoàn toàn ở xứ người, hoặc qua xứ người khi còn bé. Hỏi một cô bé - diễn viên về phục trang khi biểu diễn, tôi bất ngờ vì cô bé người Việt lại không nói được tiếng Việt, càng bất ngờ hơn khi một cô bé khác cho biết trang phục biểu diễn không cầu kì và cũng không cố định, muốn mặc gì thì mặc, như mỗi ngày vẫn sống.


Nhưng giữa những ngày sống đó là một khoảnh khắc lịch sử: Bức tường Berlin sụp đổ. Nước Đức phục sinh. Với một số người Việt, cuộc sống của họ cũng hoàn toàn thay đổi. Tất yếu lịch sử kia là một ngẫu nhiên để có một chọn lựa mới cho cuộc đời: Sống tại châu Âu, nơi buổi đầu họ chỉ muốn tới một thời gian như là chọn đi một vùng kinh tế mới.


Nếu vở kịch Vùng biên giới chỉ là dựng lại cuộc sống của những người Việt này theo cái cách sân khấu hoá cũ, tức là gây ấn tượng như thật nhằm cuốn chặt lấy người xem, áp đặt họ sau khi xem bằng định hướng của biên kịch và đạo diễn, còn người xem chỉ có một chút tự do (mà không biết khi khoan khoái bình phẩm về diễn xuất của từng nghệ sĩ hay tính cách của các nhân vật thì đã không có bài viết này. Thật khó có được niềm khoan khoái chỉ bày cho nghệ sĩ nên và không nên diễn như thế nào, vì họ không diễn. Đơn giản là họ chỉ kể về họ, những sự thật tầm thường, đáng thương, trần trụi, những trích đoạn tiểu sử khô khan. Nhưng chi tiết, vốn là nơi thể hiện khả năng thấu đáo của người viết tiểu thuyết hay một đạo diễn sẽ mất ý nghĩa ở đây nếu như nó không được khuôn lại trong các thời đoạn lịch sử, hoàn toàn không được tái hiện theo kiểu hoành tráng, mà chỉ là sự gọi trở lại qua những khẩu hiệu, nghị định, lời các ca khúc chính trị thịnh hành một thời, các triết lí, được trích dẫn lúc theo kiểu minh họa , lúc lại đầy tính giễu nhại hiện thực. Và hình thức để cho lịch sử trở lại ở vở kịch này thật đơn giản, nhưng bất ngờ: hàng chữ điện tử chạy bên trên sân khấu, y như quảng cáo ở một đầu đường góc phố bất kì, hoặc chỉ là tiếng đùng đoàng giả taọ phát ra từ khẩu súng máy đồ chơi do một trong các diễn viên dùng, cùng tiếng đế của họ, hoặc có lúc còn là tiếng tạch tạch bốp bốp của mấy viên pháo nhựa do các diễn viên rải ngay trên sấn khấu. Đó là những dấu hiệu hìện hình của lịch sử, mà cũng là thủ pháp chuyển cảnh cho vở diễn, thực hiện dễ dàng nhờ vào sự phổ cập của kĩ thuật. Cách xử lí mảng miếng thẳng băng, không giả tạo, nhịp điệu gấp gáp này xa lạ với quan niệm về các thể loại kịch từng biết từ chính kịch, bi kịch tới hài kịch.


Vừa cụ thể vừa mơ hồ, thông qua những mảnh đời thật được người tham dự kể trực tiếp trên sân khấu và thông qua những liên tưởng mà hiệu quả của việc xử lí sân khấu cực kì đơn giản đem lại, vở kịch, hoàn toàn không có đối thoại giữa các nhân vật mà lại là một đối thoại không ngừng với khán giả, gợi những chiều liên tưởng và suy ngẫm hết sức khác nhau về cuộc đời đang sống của các nhân vật - diễn viên, về lịch sử. Xem vở kịch và quan sát khán giả quanh mình, có thể nhận thấy rất nhiều chi tiết trong các câu chuyện được kể tạo ra nhiều hiệu ứng khác nhau. Chẳng hạn chuyện về đám trẻ ở miền trung Bắc Việt Nam đi sơ tán, hoàn toàn không biết mình rời đạn bom nơi này để tới với đạn bom nơi khác, lòng hoan hỉ với ý nghĩ cuối con đường gian khổ sẽ là Bác dáng cao cao râu hơi dài phát kẹo cho ăn tạo nên tiếng cười vui vẻ từ phía nhiều khán giả Đức. Tôi cũng cười, lòng đau lại nỗi đau thiếu thời, và muốn khóc, khi nhớ tới bài phóng sự được viết ba mươi năm sau chiến tranh trên báo chí Việt Nam: mấy chục ngàn trẻ em miền Trung ngày đó phải rời quê hương ra đi, còn cha mẹ ở lại bám đất bám làng vì tiền tuyến lớn; rất nhiều đứa trẻ đã chết ngay trên đường vì bom Mỹ oanh tạc, nhiều đứa trẻ khác, do còn quá bé, bị tách khỏi người thân, từ đó không bao giờ biết cha mẹ đẻ mình là ai, ở đâu. Nỗi đau này sẽ phải nhân lên bao nhiêu lần nếu hình dung tới nỗi đau của những người cha người mẹ khi đó rứt ruột gửi con đi?


Cũng như thế, câu chuyện một người Việt nhân lúc bức tường vừa sập toan tính đi tham quan tây Berlin vài ngày, loay hoay thế nào từ tây Berlin chui xuống ga ngầm rồi chui lên đúng cái nhà ga ở đông Berlin hôm trước mình vừa rời đi, hay câu chuyện một người Việt đi lao động xuất khẩu từng rán 60 tấn thịt vịt, từng bị bắt vì bán thuốc lá lậu và bị quên ở chính nơi bị bắt, tay bị còng, tay cầm cặp đựng thuốc. Chiếc cặp, hay thói quen xách cặp liệu có phải là dấu tích còn sót lại từ một đoạn đời làm trí thức xã hội chủ nghĩa đi xe cố vấn mặc áo chuyên da ăn uống qua loa? Người Đức ngồi quanh tôi cười ầm, còn nhiều người Việt ngồi trong khán phòng cúi mặt? Nỗi chua xót về phận đời của cả một lớp người Việt mà câu chuyện xới lên rất cần phải được gạt đi. Nhưng?


Những người Việt đang sống ở vùng biên giới Tiệp và Đức kể về cuộc sống của họ với vẻ cực kì trung tính, và sự trung tính này liên kết những câu chuyện đó, tạo một hình dung về cuộc sống của con người gần như chính nó trong tâm bão lịch sử và trong các dư chấn. Hình thức sân khấu mở, gần với hình thức sân khấu dân gian, sự chuyển đổi linh hoạt tác dụng của các đạo cụ đơn giản tạo hiệu ứng đối thoại rất cao với người xem, buộc người xem vừa phải tập trung vào vở kịch, vừa có thể gián cách khỏi nó, nghĩ, một mình. Tuy nhiên, khác với các ông trùm phường khi xưa, đạo diễn vở Vùng biên giới làm mờ đi ấn tượng họ mang cuộc đời lên sân khấu mà ngược lại, dịch chuyển sân khấu xuống cuộc đời. Hiệu ứng của cách xử lí này vì thế không bó hẹp lại trong duy nhất một khả năng định hướng các cung bậc cảm xúc, mà, như đã nói, tạo nhiều chiều cảm xúc vừa có khả năng liên kết vừa phân tách khán giả. Nói cách khác, hiệu ứng của vở kịch phụ thuộc vào không chỉ kinh nghiệm nghệ thuật, mà còn là kinh nghiệm sống, kinh nghiệm văn hóa, kinh nghiệm lịch sử của từng người, ở đây còn là từng sắc dân, ít ra là người Việt và người Đức.


Trong khi một số nhân vật - diễn viên luống tuổi sống lại các trải nghiệm cũ thì nhân vật - diễn viên trẻ lại sống luôn ngày sống hiện thời. Thật khó phân tích cảm giác trong tư cách người xem khi đồng thời chứng kiến cuộc sống của hai thế hệ người Việt: người đang kể về một cuộc chiến tranh có thật (Mỹ Việt) mình từng trải, người nằm dài xem phim hành động của Mỹ. Người kể về sự hi sinh của cha mẹ mình thời trước, người lại nói về những mâu thuẫn của mình với cha mẹ hiện nay, những mâu thuẫn không thể trực tiếp nói bằng tiếng Việt, phải diễn giải qua một ngôn ngữ khác chỉ vì đứa con bị mất tiếng ở xứ người do (rất có thể là) mong mỏi cho con hạnh phúc của bậc làm cha mẹ. Niềm hân hoan vì niềm tin một thời „cuộc đời vẫn đẹp sao… dù đạn bom man rợ thét gào“ chứa đựng một cái gì cực kì phi lí, cũng phi lí như chuyện cha đánh Mỹ con ngồi xem phim đánh nhau của Mỹ thật ra là một nét bình thường trong đời sống người Việt mấy chục năm nay. Và chỉ có những lúc được ngồi quan sát lại mình, thông qua những tác phẩm nghệ thuật như vở kịch này, ta mới nhận ra cái bình thường đó bất bình thường tới mức nào.


Cuộc sống bất bình thường đó không phải là đáng sống, nhưng bao nhiêu thế hệ người Việt đã sống nó một cách xứng đáng. Cách xử lí cho diễn viên cầm ảnh của chính người thân trong gia đình lên sân khấu không hoàn toàn mới (đã có trong vở múa Hạn hán và Cơn mưa và đã gây một hiệu quả nghệ thuật khổng lồ) tới vở kịch này lại tạo một chuyển đổi cách nhìn khác từ phía khán giả. Khác ở Hạn hán và cơn mưa (múa), các bà già chân đất áo cánh quần chân què lặng lẽ nhìn xuống khán giả, trong tay là di ảnh các thế hệ đàn ông của gia đình đã hi sinh vì chiến tranh, những bức ảnh được sử dụng ở Vùng biên giới được chọn ra từ sưu tập của các gia đình, trong những khoảnh khắc đời thường. Tôi biết một nhân vật - diễn viên của vở kịch và biết tất cả những người có mặt trong các bức ảnh mà chị giới thiệu trên sân khấu. Vậy mà vẫn bất ngờ. Trong biến diễn của vở kịch, những con người đã cùng mình sống qua bao biến thiên lịch sử chợt hiện ra với một gương mặt khác lạ. Đạo diễn trao cho ta một thế nhìn, và một cách nhìn mới xuất hiện, khó cưỡng, ta thấy họ trong vở kịch, ta thấy ta trong đời thường, đa diện hơn, sắc nét hơn.


Tên vở kịch là Vùng biên giới, không gian, con người trong vở là người Việt sống tại biên giới Đông Đức và Tiệp (cũ). Chắc đây không phải là một cái tên được chọn lựa với dụng ý nghệ thuật cao siêu nào. Và vì thế, tôi muốn hỏi dạo diễn liệu có biết khán giả đã bắt buộc phải nghĩ tới những biên giới từng đi qua, đã bị đạp bỏ và những biên giới đang hình thành, đang cần những bước chân vượt qua không? Những vùng biên của trải nghiệm, ngẫm nghĩ, của phát triển và của những giới hạn.


Bỗng nhiên cáu. Hai mươi năm qua rồi, người Việt sống tại cái vùng biên bé tí này, ưu lạc nhiều lúc sao mà tỏn mỏn. Thế mà một chàng nàng tây, lại còn trẻ nữa nhìn vào hiện thực đó, rồi mở lại cho ta bao nhiêu chiều thời gian, buộc ta định vị lại mình.


Bỗng nhiên giật mình. Có vô khối sắc dân của các quốc gia cộng sản cũ cũng nhào qua xứ này kiếm sống, đâu cứ người Việt. Vì sao họ không dựng cảnh đời của, chẳng hạn người Mông Cổ nhỉ?


Khoái! Tự nghĩ tâm tình người Việt chắc hàm giữ nhiều điều lắm, vô thiên lủng để cho nghệ thuật khám phá.


Lại còn muốn nghĩ thêm: khi nào người Đức tìm tới Việt Nam, cứ cho là với ý thức đi vùng kinh tế mới như dân mình khi tới Đức, chúng ta sẽ dựng kịch về họ. Ít nhất cũng có một điểm chung: Lịch sử của người Việt và người Đức thời hiện đại là lịch sử của một đất nước bị chia cắt.




Lê Minh Hà

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss