Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Xin cảm ơn những con sóng nhỏ

Xin cảm ơn những con sóng nhỏ

- Kim Dung — published 20/11/2010 12:36, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
viết nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11)


Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11)


Xin cảm ơn những con sóng nhỏ


KIM DUNG

Bài này, chúng tôi mạn phép tác giả Kim Dung và trang mạng Hiệu Minh, đăng ngay trên "trang nhất" này của Diễn Đàn, thay vì nối kết như thường lệ trong mục Thấy trên mang. Trong lời nói đầu, nhà báo Kim Dung viết, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11) :

Kính chúc các thầy, cô sức khỏe, dạy giỏi, luôn công bằng và yêu thương học trò.
Chúc các còm sĩ – nhà giáo ở Blog HM sức khỏe, hạnh phúc, tài lộc hanh thông.
Và tự chúc các còm sĩ – học trò, học nữa, học mãi…

Đây là một trang viết ấm áp kỉ niệm, tình người, chua xót về một tình trạng bắt nguồn từ lậu, bức xúc về hiện tại -- nhưng trước hết, một bài văn hay.

Đọc xong, chúng tôi tự hỏi : còn nhà giáo ở miền Nam trước 1975 ? Trong khi chờ đợi một bài văn hay, xin mời bạn độc giả đến với nhà giáo Hoàng Đình Hiếu, qua bài viết của nhà thơ Bùi Minh Quốc (xem Bauxite Việt Nam hay Diễn Đàn)



Đường quê một thuở


Trong ký ức mình, ngôi Trường Bưởi - Chu Văn An nổi tiếng không phải là những phòng học cao tầng, đẹp đẽ lộng gió Hồ Tây, là sân trường với những hàng cây cao tỏa bóng mát vừa êm đềm vừa thơ mộng, là những tà áo dài trắng nữ sinh làm xao xuyến bao con tim học trò.


Trái lại, mình chỉ nhớ cái cảm giác lạo xạo của đá răm dưới đôi dép cao su, khi còn là cô bé 14 tuổi ngày ngày đội mũ rơm, vai quàng khăn đỏ, rảo bước trên đường đê từ Đình Mễ Sở, đoạn xã Bình Minh (Khoái Châu- Hưng Yên) tới lớp học. Mình cũng không biết văn phòng trường, cổng trường ở đâu. Vì những lớp học đều được sơ tán trong làng, học nhờ nhà dân, hoặc dựng lên bằng nhà tranh vách đất, bên cạnh là những căn hầm chữ A


Ấn tượng nhất về làng quê Khoái Châu là gì? Chính là những con đường làng nhỏ rất đẹp, hai bên đường, gạch xếp chênh chếch lên nhau đều tăm tắp, và những rặng nhãn lồng xanh um. Ngày xưa, nhà nào có con gái đi lấy chồng đều phải nộp một số gạch nhất định để làng xây làm đường đi, như một sự cảm tạ và báo đáp làng quê.


Câu chuyện phong tục quê nhãn đẹp và ấn tượng đến nỗi, mỗi khi cắp sách đi trên con đường làng, mình lại thích thú cúi xuống ngắm những viên gạch lát đường, tự hỏi có bao nhiêu cô gái làng này đã đi lấy chồng gần, lấy chồng xa, gìờ họ ở đâu, thân phận họ ra sao? Với mình, cả con đường làng và câu chuyện những cô gái thân phận “12 bến nước biết bến nào đục, bến nào trong” hư ảo như cổ tích, trong trí tưởng tượng phiêu diêu của đứa con gái thành phố lần đầu về sống ở nông thôn.


Bài học đầu tiên không phải trong sách giáo khoa, mà là bài học dân vận. Buổi sáng mắt nhắm mắt mở, cả nhóm 3 đứa con gái vốn thân nhau, đứa quét nhà quét sân, đứa rửa cốc tách cho bác chủ. Lúc rỗi bọn mình cùng lũ trẻ nhà chủ tước vỏ đay, sát dong riềng. Hoặc vào bếp đun nước, đun cám lợn. Ngay việc đun bếp rơm trông thì dễ cũng phải học đến… toét mắt. Bởi nếu không nhanh tay nhanh mắt rơm có thể tắt ngóm, nước mắt ràn rụa, ho sặc sụa. Mà mình thì thuận tay trái, hậu đậu, lóng ngóng lắm.


Chỉ có một điều không đứa nào vượt qua, đó là bệnh ghẻ. Nhiều khi ngồi học, đứa nào đứa nấy gãi sồn sột, nhất là về đêm. Ngứa phát cuồng. Ngứa ơi là ngứa. Ngứa khổ ngứa sở. Khổ nhất là cô bạn thân, con gái Hàng Đường có đôi mắt to tròn, rất xinh xắn, mà gấm hoa tưng bừng nở trên cặp chân còn to hơn cả con mắt.


Nhưng thích thú nhất với mình lại là những ngày đi lao động, đắp ụ pháo cho các chú bộ đội. Đó là những buổi được nghỉ học, được cùng lũ bạn nô đùa, chòng ghẹo nhau. Đứa trẻ thành phố hầu như chưa bao giờ phải lao động chân tay bỗng như cảm thấy khôn lớn hơn. Cả lũ vừa chuyền tay nhau từng tảng đất to, vừa hò hát: “Có những ngày vui sao, cả nước lên đường, xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục…”. Có cái gì đó thiêng liêng lắm như rưng rưng trong ngực khiến mình xúc động. Hay là mình vừa bước ra khỏi tuổi thơ ?


Những người thầy tuổi thơ

 

Có một điều đáng nói, những năm tháng phải học nơi sơ tán, vất vả và thiếu thốn đủ mọi thứ, việc học vẫn được các thầy, cô giáo dạy gắn với thực hành. Nhưng 2 năm sau, có lẽ do chiến tranh ác liệt, việc học có thiết bị giáo dục sinh động đã không còn. Có những bài chỉ thấy các thầy mô tả bằng miệng, hoặc vẽ sơ đồ, không có thí nghiệm minh họa. Cách dạy ấy không hiểu vì sao kéo dài đến tận bây giờ, dù chiến tranh đã xa 35 năm.


Mình vẫn nhớ tới thầy Hưng dạy hóa, thầy Cảnh dạy lý, thầy Vinh dạy toán, cô Liên dạy tiếng Nga…Lúc nào gặp cũng thấy các thầy lỉnh kỉnh chở chai lọ, các vật dụng thí nghiệm trên chiếc xe đạp dã chiến. Cô Liên có mái tóc phi dê dài từng búp to bay trong gió trông rất mềm mại, nữ tính, và gần gũi bọn trò gái như một người mẹ, khiến mình rất thích.

Tuổi thơ đứa nào cũng nghịch ngợm, dù thầy Cảnh, dạy lý, chuyên gọi mình là “công chúa Kim Dung”. Có lần giờ giải lao, “công chúa” đã chơi đá cầu với bọn con trai, đá luôn cả quả cầu trúng vào người thầy Hưng, đúng lúc thầy dắt xe đến. “Công chúa” dúm người lại vì ngượng, vì sợ. Còn thầy chỉ bật cười, lắc đầu, giữa đám học trò trai ồ lên cả lượt, thú vị …


Nhưng nhớ nhất là 2 thầy chủ nhiệm và phó chủ nhiệm: Thầy Chiến dạy văn, và thầy Sửu dạy địa. Thầy Sửu có cách dạy rất hay. Có lẽ nếu thầy còn sống đến giờ, thầy sẽ được báo chí nhắc nhớ đến về một cách dạy học thực sự thông minh, gợi mở. Ngoài tranh ảnh bản đồ minh họa, thầy thường mô tả nội dung bài giảng bằng những biểu đồ, mô hình thú vị khiến trò nắm bài rất nhanh ngay tại lớp. Tính thầy lại hóm hỉnh, hay đùa.


Không hiểu sao mình cứ nhớ đặc điểm, thầy có đôi bàn chân rất phẳng, rất bẹt, mà có lần thầy giơ lên cho cả lũ xem. Mỗi lần trời mưa, thầy phải rón rén bấm chặt ngón chân trên con đường đầy bùn đất đến lớp, lôi thôi vồ ếch như chơi. Chiếc mũ lá trên đầu, quần xắn cao, gương mặt đỏ ửng lên vì mưa lạnh, nhưng lúc nào cũng thấy thầy tươi tỉnh bên chiếc xe đạp nam không chuông không phanh không gác đờ bu…trông nghệ sĩ hệt thầy.


Dạo đó, tiếng Nga là thứ tiếng nước ngoài phổ biến. Có mấy ai dám nói đến tiếng Anh, như một thứ tiếng xa lạ, nghi ngại, đầy định kiến. Không hiểu nghe bạn nào nói, lũ con gái chúng mình xúm lại trêu: “Thầy ơi thầy, thầy nói một tràng tiếng Anh cho bọn em nghe đi”. “Tôi mà nói một tràng tiếng anh, anh, anh…thì các em chạy hết!”. Thầy trò cười như nắc nẻ. Tiếng cười trẻ thơ trong vắt, vô lo.

Người thầy nghiêm nhất mà lũ chúng mình sợ là thầy Chiến, chủ nhiệm. Thầy dạy văn không bay bổng, nhưng khúc chiết, sâu sắc như tính cách và số phận thầy. Có thể không phải lúc nào cuộc đời cũng mỉm cười với thầy, mình chỉ lờ mờ cảm nhận được điều ấy qua một vài bạn kể, nhưng có lẽ nhờ đó, thầy có được một triết lý sống thanh thản, ung dung tự tại. Đặc biệt thầy là người công bằng, không thiên vị cũng không bao giờ trù dập trò.

Sau này, có trải nghiệm trên đường đời rồi nghĩ về thầy, mới càng thấy thầy là người thầy hạnh phúc và tư duy của thầy rất trẻ. Không một lứa trò nào gắn bó mật thiết và thủy chung với thầy, bằng lứa học sinh 8b- 9b- 10b (cũ) chúng mình đến tận giờ, khi thầy đã hơn 80, còn lũ chúng mình cũng đã ở xế chiều.


Cuộc sống như một dòng chảy trôi nhanh. Cái gì đã đọng sẽ còn đọng lại. Có lẽ bởi những năm tháng sơ tán, thầy luôn phải bám chúng mình, lũ trẻ 14-15 dở dở ương ương, tâm lý đầy biến động, lại xa cha mẹ xa gia đình ruột thịt. Mà mệt nhất lại là chuyện iu đương tuổi học trò. Bạn này thích mình, mình lại thích bạn khác…Cứ như trò ú tim. Bây giờ, mỗi lần đến thăm thầy Chiến, là cả lũ “tố’ nhau, hồi đó đứa này iu đứa kía. Mình cũng bị tố, đến khổ… Cả lũ được phen cười ngặt nghẽo.


Vâng, xin được cảm ơn mảnh đất Hưng Yên, mảnh đất văn hiến có những câu chuyện đẹp dung dị. Cảm ơn những người dân chân thật, quê mùa đã che chở cho lũ học trò thành phố xa lạ trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh.


Thế nhưng, trở lại thăm quê nhãn giờ bỗng thấy ngỡ ngàng. Con đường xã khấp khểnh như răng bà lão. Ao làng toàn tù đọng, váng vàng dễ sợ dù nhà cao tầng khá nhiều. Đâu rồi những cái đầm nước xưa trong xanh, lũ học trò thỏa thích bơi lội, tiếng cười trẻ thơ loang cả một vùng, đi trên đê làng cũng nghe thấy. Gương mặt người dân đăm đăm, thảng thốt, như họ đã mất một cái gì bện hơi lắm, dù họ đang ở chính mảnh đất của mình.


Những con sóng nhỏ…


Bây giờ, nhiều người hay nói đến thói đạo đức giả của xã hội, bệnh thành tích của giáo dục. Nhưng mình đồ rằng nó có tự rất lâu rồi. Đã có những năm tháng, những thời khắc con tim bé nhỏ và thơ dại bị tổn thương nặng, trở thành nỗi ám ảnh khó quên, cả sau này mình làm báo, chuyên viết về giáo dục. Ai trong guồng máy đó, đều phải vận hành. Thầy vận hành, và trò trẻ nít cũng phải vận hành.


Ấn tượng nhất là chuyện viết sổ tu dưỡng vào Đoàn. Giờ nó chả ý nghĩa gì, chứ những năm tháng đó, chuyện Đoàn Đội thiêng liêng lắm. Sổ “tu dưỡng” là một loại nhật ký cá nhân, cuối tuần cán bộ lớp thu lại đọc kiểm tra, nhận xét


Không hiểu sao mình đã trầy trật không thể viết. Khi suy nghĩ riêng tư của con người bị kiểm soát, nó có còn chân thực không, hay sẽ phải viết vào đó những cái không phải là mình? Có cái gì đó cứ nghẹn lại. Con tim của đứa trẻ là mình cảm thấy đau đớn. Sớm muộn cái thật nhất trong con người cũng bộc lộ. Mình không thể nói dối. Quả thật, mình đã cảm thấy rất cô đơn, và đã rất muộn vào Đoàn, nếu không có giải nhì văn và nhất địa cấp thành phố (những năm chiến tranh, không có kỳ thi học sinh giỏi miền bắc).


Là đứa con gái thị dân, cha là công chức cũ thời Pháp, hưởng lương lưu dung, những năm sơ tán, cuộc sống đã sa sút lắm, nhưng mẹ vẫn quen mua áo hoa cho mấy chị em. Thế là cứ xầm xì đâu đó rằng “tư tưởng tiểu tư sản”, “đi sơ tán còn mặc áo hoa làm mục tiêu cho máy bay Mỹ”…Những dư luận váng vất mà thật ác nghiệt với tâm hồn non nớt và dễ tổn thương, đến mức mình phải khóc lóc, xin mẹ mua cho áo nâu, áo đen. Đến mức mình sợ học giỏi văn, sợ phải đi thi văn, sợ bị cho là “tình cảm ủy mị, vụn vặt”.

Năm lớp 9, ở vòng thi của trường, mình dứt khoát không học ôn cho đến sát ngày thi. Dĩ nhiên bị trượt. Không ai biết mình đã thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng. Chỉ có cô Liên, dạy Nga văn đã nói: “Tuy không được điểm cao, nhưng các thầy các cô chấm bài lại thích bài em viết, cho rằng em có ý tưởng riêng”.


Em xin cảm ơn cô. Bằng cách nói khách quan, vô tình cô đã an ủi nỗi lòng đơn độc của em…

Bây giờ nghĩ lại chuyện xưa, có thể ai đó sẽ chê cười: “Chuyện trẻ con!”. Nhưng lúc đó, nó là nỗi đau sâu sắc không thể quên. Đó là nỗi đau đầu đời của một đứa trẻ, một con người.


Ba đứa con gái thân nhau, mỗi đứa một số phận. Một bạn là kỹ sư xây dựng, chẳng may bạo bệnh đã mất. Bạn kia, cô bé nhà phố Hàng Đường có đôi mắt hút hồn, là cô giáo nay sống ở Sài Gòn, may mắn có cuộc sống khá hạnh phúc.


Còn mình, run rủi thế nào trở thành nhà báo, dính chuyện chữ nghĩa. Trải nghiệm nhiều cay đắng ở đời, mình vẫn tâm đắc và sống theo triết lý: Yêu ai thì bảo rằng yêu/ Ghét ai thì bảo rằng ghét. Người ta bảo giống đàn bà yêu ghét rõ ràng quá, sẽ rất khổ. Hi…hi.


Nhưng, mình vẫn phải cảm ơn những con sóng nhỏ, giúp cho mình có nghị lực, bản lĩnh và nhân cách lao động, để trên đường đời sau này, vẫn là mình trong cơn sóng lớn…


Kim Dung

20-11-2010


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss