Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / XỨ SỞ CỦA SISSI...

XỨ SỞ CỦA SISSI...

- Xuân Sương — published 26/10/2017 22:20, cập nhật lần cuối 26/10/2017 22:19

XỨ SỞ CỦA SISSI...


Xuân Sương



Chúng tôi đi thăm Budapest, thủ đô và là một trong những thành phố quyến rũ nhất của Hung Gia Lợi xa xôi mà cho đến bấy giờ, vẫn nghĩ nó tầm thường vì vừa thoát khỏi khối Liên Xô thì... có gì đáng nói.

Ấy vậy mà lạy Chúa, nhờ hướng dẫn viên tuyệt vời đã khiến cả đoàn cảm thấy nước Hung gần gũi, thân thiện, đáng yêu. Là một nhà báo người Việt sinh sống tại đây, kiến thức của anh đã giúp du khách ngoài việc cảm nhận một Budapest cũng từng đau đớn và dũng cảm, một Budapest từng bị chiếm đóng và lòng quật cường, một Budapest đoàn kết yêu thương và có lòng tự trọng – mà còn gợi mở cho người nghe nhiều chi tiết đời thường thú vị.

Lại may mắn ở khách sạn trên đại lộ mang tên Andrassy, được coi là đại lộ Champs Élysée của Budapest, và... đẹp nhất thế giới. Xứ nào cũng có con đường đẹp nhất thế giới. Sự tích là nó hình thành từ mong muốn của Thủ tướng Andrassy trong mười mùa thu lưu vong tại Pháp sau cuộc cách mạng năm 1848 dành độc lập cho nước Hung, thất bại. Ông mong muốn Hung có con đường như vậy.


buda1
Bấm chuột nút phải vào hình để xem rõ hơn

Một mảng đời bước vào nghệ thuật


Vào những năm 70, người miền Nam không ai không biết phim Nữ hoàng Sissi. Về mối tình lãng mạn giữa Sissy và Thủ tướng Andrassy lồng vào lịch sử đế quốc Áo-Hung cuối thế kỷ 19, và sự đương đầu giữa bà hoàng trẻ đẹp cùng mẹ chồng nghiêm khắc mực thước.

Khó quên được nụ cười rạng rỡ cực kỳ duyên dáng của Romy Schneider vai Sissi, lúc hãy còn là nữ quý tộc Áo đang câu cá, giật cần câu và vướng vào áo nhà vua Hung trẻ trung ngời ngời do Karlheinz Böhm thủ vai, đang ngồi xe đi ngang qua đấy. Khi gỡ lưỡi câu từ áo nhà vua, Sissi đã hóm hỉnh nói Đâu phải ngày nào cũng câu được một ông vua, xem đoạn này đố ai không cảm thấy ngọt ngào trong dạ. (Tức cái hướng dẫn viên bảo trong sử sách không có cảnh này, chỉ là do đạo diễn bịa ra. Nhưng mình cứ coi như có thật cho đã, ai cấm).

Dù Nữ hoàng Sissi có đúng là người đẹp nhất thế giới vào thời đó hay không, nhưng theo hình thì rõ ràng bà rất đẹp, lại có cái eo thon nhất thế giới, 53-56 cm hay gì gì, giống em gái chân dài gì gì đó bên mình.


buda2


Trong khi đó ngoài bắc chiếu phim Những ngôi sao thành Eger, theo quyển tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng của nhà văn Géza Gárdonyi, về trận chiến lịch sử của quân và dân thành Eger năm 1552, một cuộc chiến dựng nước, giữ nước hùng hồn chống lại quân xâm lược Thổ Nhĩ Kỳ. Với sự xâu xé nội bộ của triều đình cùng giới quý tộc và giáo hội tham tàn, dân chúng dù ít người gồm phần đông là tầng lớp nông dân, nhưng được các tướng lĩnh thực sự yêu nước, đặc biệt nhiều tướng xuất thân từ tầng lớp dưới, đã một lòng quyết tử bảo vệ quê hương trong một thành trì đơn độc không được triều đình tiếp viện. Và họ đã chiến thắng vẻ vang đoàn xâm lăng ồ ạt, khiến cả thế giới quan tâm. Trận chiến này đã là đề tài của nhiều tác phẩm các bộ môn văn học nghệ thuật.


buda3


Thành cổ Eger


Trên đường từ Budapest đi thành cổ Eger, khoảng 50 km thì tới Esztergom, từng là thủ đô Hung từ thế kỷ thứ 10 đến giữa thế kỷ 13 và có Giáo đường Thánh Adalbert nổi tiếng, nằm bên bờ Danube. Dù không còn là thủ đô nhưng Esztergom vẫn lôi cuốn giới trí thức, nghệ sĩ và du khách, vì nó vẫn là một trung tâm quan trọng. Năm 1920 với Hiệp ước Trianon làm biến mất đế quốc Áo-Hung, Erztergom tự nhiên trở thành vùng biên giới và nối liền thành phố này với Slovaquie bằng chiếc cầu Marie-Valérie trên dòng Danube.

Đi thêm hơn trăm cây số nữa tới thành phố cổ Eger. Thành phố hiền lành êm ả làm sao, và dù trời nắng đẹp mềm mại nhưng đường sá vắng vẻ. Nó thanh bình như thể suốt đời chưa hề biết nỗi đau chiến tranh hay mất mát. Nằm giữa các đồi xanh tươi phía bắc nước Hung, Eger có nhiều công trình lịch sử, như nhà thờ Eger lớn thứ 3 của Hung đang chế ngự thành phố, hay tháp giáo đường Hồi giáo sau gần trăm năm chiếm đóng của Ottomans, biểu tượng của Eger thời đó còn lưu lại. Nơi đây trường Y khoa đầu tiên của Hung đã được thành lập vào cuối thế kỷ 18.

Lâu đài Eger trở thành điểm tham quan du lịch sau khi cuốn sách của Géza Gárdonyi ra đời. Ngoài việc trưng bày lịch sử thành Eger, có phòng trưng bày mỹ thuật và một cuộc triển lãm hình sáp nhân vật các Ngôi sao thành Eger, bộ sưu tập vũ khí cùng tiền đồng. Từ trên cao du khách có cái nhìn bao quát rất đẹp xuống thành phố và các ruộng nho xanh tươi trong vùng, con sông êm ả lượn lờ trước mặt.

Đây là một trong các thành phố nổi tiếng của Hung, có rượu trắng rượu đỏ ngon, đình đám nhất là rượu mang tên Máu bò tót. Thăm thành phố xong, cuối ngày cả đoàn được dẫn vào một hầm rượu để nhâm nhi xúc xích rượu vang. Ngon, nhưng chẳng ai mua vì đi máy bay xách chi cho nặng, và nếu được so sánh với rượu Bourgogne thì ta về ta nhắm rượu ta cho khỏe.

Với hiệp ước Trianon, Áo-Hung nằm phía thua trận Thế chiến thứ nhất, nên Hung bị mất 2 phần 3 lãnh thổ cho các nước láng giềng, mất đường ra biển, toàn bộ mỏ vàng, bạc, đồng, thủy ngân..., 5 trên 10 thành phố đông dân nhất và khoảng 60% rừng, đường sắt, nhà máy và đất canh tác... Ngoài ra hơn 3 triệu dân Hung phải thuộc dân nước khác. Vì thế ngay đến ngày nay, chỉ nghe nói tới tên Trianon nằm trong khuôn viện điện Versailles thôi, vẫn là nỗi uất ức kinh hoàng cho con dân toàn thể nước này.


Trở về Buda và Pest


Kiến trúc Âu châu nói chung nơi nào cũng đẹp, đông tây gì cũng có kiểu gô-tích, ba-rốc, tân cổ điển... uy nghi, kiêu kỳ, lộng lẫy. Nơi nào cũng có quảng trường thênh thang và các tượng đài lịch sử điêu khắc nghệ thuật công phu. Nơi nào cũng có công viên xanh tươi ngạt ngào hoa cỏ. Nơi nào cũng có dấu tích một cái gì vừa tráng lệ mà gần gũi, vừa trang trọng mà ngọt ngào, vừa xa xưa mà còn nóng hổi.

Và ở Budapest, chúng ta sẽ thấy giòng Danube dịu dàng chia đôi thành phố, đã từng có hai cuộc đời, hai xã hội, mãi đến năm 1849 mới được chính phủ cách mạng thống nhất hai miền, cùng với Buda cổ.

Buda xanh rờn cây cỏ, nơi có cung điện vua chúa xưa và quyền uy lịch sử, mỗi ngày chào đón khách thập phương trong các khu ba-rốc tân trang, chễm chệ trên ngọn đồi chế ngự con sông.

Pest ngược lại đại chúng, rộn ràng quán ăn quán rượu, cửa hàng, nhà hát, vui chơi buổi tối. Nhiều kiểu kiến trúc đan xen nhau, ba-rốc, tân cổ điển, nghệ thuật đương đại..., hay tệ hơn, cũng có một ít kiểu cọ thời vô sản. Đủ kiểu vậy chen nhau mà sao – hay nhờ vậy – khiến thành phố duyên dáng quá, êm đềm quá, thân thiện quá, dễ cảm thấy hòa mình đồng lõa quá.

Hai bên được nối liền nhau bằng 7 cây cầu vắt ngang mình Danube. Đặc biệt có chiếc cầu mang tên Tự Do, nơi đó từng có người cảm thấy tự do trèo lên cao để tự do gieo mình kết liễu cuộc đời...

Một căn nhà màu xám đậm, bên ngoài khá đẹp, nhưng bên trong là nơi đại loại kiểu Bảo tàng tội ác Mỹ Ngụy, trưng bày đồ nghề tra tấn từ thời Quốc xã.

Là khu bán buôn sầm uất và văn nghệ tiệm tùng, tới đâu cũng có thể dùng tiếng Anh. Nhiều khu phố đêm rộn ràng vui, tiệm ăn nào hầu như cũng có nhạc sống. Du khách cần đi họp hành sớm thì nhớ lo bữa sáng ở nhà, đừng hy vọng người ta mở trước 8 giờ nhé. Kiểu cách buôn bán ở đây có vẻ nhẹ nhàng thong thả, không hấp tấp bôn ba hay chụp giựt. Dân Hung cởi mở hiếu khách. Một ông vào tiệm cà phê hỏi toa-lét, nhìn theo hướng tay chỉ, đưa tay lên túi muốn rút tiền, liền thấy chủ quán khoát tay bảo không cần. Cảm động quá. Chả bù một lần ghé vào tiệm Việt Nam ở Las Vegas hỏi tương tự, chủ tiệm bảo chỉ dành cho thực khách thôi. Cái khác nhau tuy rất nhỏ nhưng đo lường được cái to tát của cả một nền văn hóa.

Thêm cái từ 65 tuổi trở đi, có loại xe buýt các cụ cứ hiên ngang bước lên miễn phí, văn minh hơn cả Pháp. Pháp thì cụ nào không bị đóng thuế mới được khỏi tốn tiền.

Budapest được coi là nơi nghỉ dưỡng xanh lý tưởng, nhiều nhà tắm hammam sang trọng lộng lẫy giá cả phải chăng, xã hội dễ chịu, con người nhã nhặn, thức ăn có vẻ rất hạp khẩu vị Việt Nam. Ngộ cái, tình cờ vào một tiệm phở đổi bữa, lại ngon hơn cả phở ở Việt Nam! Cũng ngộ cái tiệm thì chỉ có toàn chín, tiệm chỉ toàn tái. Đây là xứ tái-chín thọ thọ bất thân.

Budapest cũng được gọi là Paris phía đông. Nhưng nếu Paris-thiệt chẳng ưa gì Tàu dù vẫn phải qua lại, thì Paris-được-gọi-là lại cố ý thân Tàu. Hơi dễ ghét chút.

Khu lâu đài Buda, đại lộ Andrassy cùng tuyến tàu điện ngầm Millenium được thành lập đầu tiên từ cuối thế kỷ 19, được UNESCO xếp hạng vào di sản thế giới.

*

Ngược đường về nhà sau cuộc hành trình, cả đoàn mang mang nỗi niềm lưu luyến Budapest. Các vị đâm ra muốn tìm hiểu lịch sử xứ này, ngay cả muốn xem lại hay tìm xem phim Nữ hoàng Sissi và tìm mua quyển Những ngôi sao thành Eger. Nhiều vị còn hẹn sẽ quay lại.

Liệu hướng dẫn viên nhà mình, có được bao người có thể khiến du khách ra về với niềm hoan hỉ và quyến luyến Việt Nam ?


Xuân Sương

Paris, 9-2017



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss