Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Yêu – Chết

Yêu – Chết

- Phan Huy Đường — published 06/02/2008 15:15, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Song truyện


Yêu – Chết

Ở xứ sở giống em
(Beaudelaire)


Phan Huy Đường



Trò chơi Babel, một thế nhìn ngụ cư


Thượng Đế tạo con người theo hình ảnh của mình.
Ngài thổi sinh khí vào mũi nó,
thế là con người trở thành một thực thể sống1.


Tượng nhỏ bằng cát bụi, con người như tất cả con thú lúc nhúc sống trên quả đất. Của Chúa, nó chỉ có dáng vẻ. Đấng Sáng Tạo thiêng liêng quên ban cho nó điều cơ bản nhất, tư duy. Thế hệ này qua thế hệ khác, xuyên suốt đêm thời gian, con vật khốn nạn ấy đã sáng tác chính mình từ sự ngu xuẩn, hoài nghi, từ nỗi kinh hoàng đớn đau. Vượt gian nan, nó lôi mình ra khỏi sinh giới, sáng tạo lời nói, biểu hiện của tự do, ký ức của bao cơn kinh hoàng, đau khổ, tội ác, của hoài bão làm người. Vươn qua vòng kìm sinh-tử, nó sáng tác sự vĩnh cửu. Nó tạo kỷ niệm, tương lai, niềm hy vọng. Nó phát minh tình yêu, lời hứa một thế giới do con người làm cho con người ở. Ngắn gọn, nó nhân hoá thiên nhiên. Bằng ngôn từ.

Công trình khổng lồ ấy vượt xa sức một người, giới hạn của nó ở trần gian. Nơi nơi, loài người kết hợp, mày mò thực hiện nó. Nhờ linh khiếu tất cả đều tìm ra nghi lễ thụ ngôn để nên người : một hôm, có hai người nói cho nhau thế giới chung của mình. Họ đặt tên đồ vật, cảm xúc – những quan hệ chung với thế giới, với chính mình. Cứ thế, xuyên qua mọi khác biệt, họ xác nhận rằng loài người chung định mệnh. Họ đúc lời thề ấy trong một âm thanh trao lại cho những người tương lai. Và ngôn ngữ hình thành. Thuở ấy nó cứng như pha lê, đa dạng như khoáng sản trong lòng đất, mong manh như sự sống. Nhưng, khác với đồ vật đều có ngày tiêu tan thành cát bụi và sự sống luôn luôn phải kết thúc trong cõi chết, nó biết nhập thể xuyên qua tình yêu, trở lại cuộc đời để tái sinh quá khứ của loài người, tái tạo lời hứa hẹn tương lai : làm người.

Thế kỷ này qua thế kỷ khác, thế hệ này nối đuôi thế hệ kia, loài người tái lập nghi lễ thuở ban đầu, thắp lại lời thề cổ xưa. Mỗi đứa trẻ bú ngôn ngữ của người chết ngay từ vú mẹ, và nên người. Điều ấy cũ kỹ tới mức người đời tưởng nó tự nhiên : họ có linh hồn ngay khi chào đời. Họ quên nguồn gốc người cực đau đớn của nó, gán nó cho Thần Linh. Tiếc thay, vũ trụ vừa hình thành thì các Thần Linh liền đi nghỉ hè, lặng tiếng. Vĩnh viễn. Thế là phù thủy, thầy cúng, giáo sĩ vĩ đại, ayatollahs, mollahs, rabins, lính thánh chiến đủ loại, những đội quân thủ nghề môi giới, thông tin, những thuật sĩ đủ kiểu lông cánh, đánh cắp, lạm dụng sự im lặng của Thần Linh, khoác áo huyền bí lên hiệp ước đã bị quên lãng giữa những con người. Mỗi đứa xây cho mình một tháp ngà bằng đá, pha lê, thép hay thủy tinh để bảo vệ Tiếng-Nói của riêng mình và áp đặp nó lên cả thế giới.

Hùng vĩ thay, những cuộc tàn sát ! Chóng mặt thay, những Tháp keo kết bằng máu và sự im lặng… Chúng càng vút cao càng soi sáng bầu trời thì cõi dã man càng thôi miên loài người, màn đêm càng lan tràn mặt đất.

Một hôm, một người đàn bà nhìn con chết vì im lặng và nghèo đói, nhỏ một giọt nước mắt vào mặt Đấng Vĩnh Cửu. Có người thấy nàng khóc. Họ không cầm được nước mắt bằng diễn văn. Họ đột ngột hiểu rằng tiếng nói của Thần Linh sinh nở từ sự im lặng của con người. Họ quyết định cất tiếng nói nhân danh chính mình, xây dựng lại ngôn ngữ. Họ không thể là anh em ruột trong lòng Thượng Đế nữa. Họ muốn trở thành anh em họ bằng tiếng nói. Họ đuổi sự nghi kỵ, hung bạo, thù hằn khỏi ngôn ngữ. Họ liền tìm lại được lòng hiếu khách, tình đoàn kết, tình yêu. Mọi hình thái của tình người.

Và cứ thế, họ sáng tác một nhân loại rất cũ và rất mới.


Pháp, 1 tháng 5 năm 2002

Nguyên tác : Le Tour de Babel

tác giả tự dịch, 2006




Yêu


Tình yêu có thật, tình bạn có thật, văn chương có thật. Tôi đã được gặp ở Paris mùa thu vừa qua. Sông Seine rung rinh ban chiều mịn phấn. Một thoảng gió ấm âu yếm ve vuốt nước sông. Trời đẹp.

*

Mày không tin nổi mắt mình khi đọc tờ fax của Linh. Linh sắp tới Paris. Linh đã xoay xở thế nào mà được cấp hộ chiếu ? Từ ngày ra tù, Linh bị quản thúc nghiêm ngặt. Eva sẽ từ New York qua để chào đón Linh. Một tuần nữa mày sẽ được nối vòng tay ôm bạn. Thế là lại được gần nhau. Để hoàn thành bản dịch tiểu thuyết mới nhất của Linh.

Sân bay, bạn bè đông đúc. Eva ôm một bó hồng khổng lồ.

– Tao mới gặp Linh hè vừa qua ở Hà Nội. Linh rạng rỡ, mày gặp là mê liền.

Florence bật cười ngất, khiêu khích nhìn Eva.

– Tao sẽ nổ xâm banh, tặng một bông hồng cho người đàn bà nào biến được nó thành kẻ si tình. Nó không biết yêu.

– Đối với một nhà văn, thật hết nói !

Mọi người phì cười.

Mày sống với Florence đã hai mươi năm. Thỉnh thoảng Florence đi với một người đàn ông khác. Cũng có lúc mày mê một người đàn bà khác. Thiên hạ kêu ầm xìcăngđan. Thiên hạ nhìn mày, ánh mắt đượm chút khinh khi, tội nghiệp. Dù sao người đời cũng đành công nhận điều hiển nhiên, hai đứa thật tình yêu nhau. Và đàn ông ngấp nghé Florence. Và đàn bà lườm. Ao ước. Ganh ghen.

Florence chào đời ở Sàigòn, thời thực dân. Florence không sao quên được, nhớ mãi tiếng ru của bà vú, hy vọng có ngày trở về đó sống. Mày quen Florence trong thời chiến. Thuở ấy, Florence sống với Đức, một người hoạt động trong Hội Người Việt Nam Tại Pháp, hào quang của Hội, bằng chứng rực rỡ rằng trí thức Việt Nam gắn bó với cách mạng. Nó là cựu học sinh trường Polytechnique duy nhất đi theo phong trào với tư cách một người hoạt động cơ sở. Nó chẳng bao giờ đọc diễn văn trên khán đài, nó tình nguyện thực hiện những công việc tổ chức vật chất tối tăm hèn kém.

Florence cũng hoạt động, dũng cảm và đẹp. Tuy nhiên, mày cảm thấy lãnh đạo ngấm ngầm nghi ngại Florence. Một hôm, mày hỏi một người vì sao.

Mối tình này thật không phải lẽ, thế nào cũng hỏng. Không một người đàn bà Pháp nào có thể thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của nước ta, của cuộc cách mạng của chúng ta.

Mày phẫn nộ. Florence đã bỏ hết để đi theo lý tưởng. Mày không thấy vì sao Florence không thích nghi được tốt như chính mày. Ra thế, họ giả vờ thương Florence, nhưng họ sợ. Đức có thể bỏ cách mạng vì yêu Florence. Mày hỏi Đức nó thấy thế nào ? Nó thở dài, cúi mặt, nói bóng gió cho mày hiểu rằng chủ nghĩa xã hội không tươi hồng như mày tưởng. Mày tưởng nó sợ điều kiện sinh sống khắc nghiệt trong một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị hàng chục năm chiến tranh tàn phá. Mày giận nó dám coi thường người đàn bà nó yêu. Mày chẳng hiểu gì cả.


Đức về nước ngay sau khi Sàigòn được giải phóng. Nhân một chuyến đi, mày gặp lại nó tại một văn phòng tăm tối ở Bộ Ngoại Giao, đang dịch diễn văn vớ vẩn của lãnh đạo. Nó đã lấy con gái một quan chức của chế độ, có một con trai xinh đẹp, cư ngụ trong căn hộ hai phòng mục nát của một toà nhà lắp ghép ở ngoại ô Hà Nội. Nó phô trương niềm vui dễ lây, tinh thần lạc quan không sờn chút rạn nứt đối với tương lai của cách mạng. Một buổi chiều, hai đứa lang thang bên Hồ Hoàn Kiếm. Ve sầu đã lặng tiếng. Mặt trời tắt dần.

Thỉnh thoảng mày thiếu Paris không ?

– Không. Nhưng tao thiếu Florence.

– Nó đang sống với tao, mày có biết không ?

– Dĩ nhiên tao biết, người ta đã cho tao biết ngay tức thì.

– Mày vẫn yêu nó phải không ?

– Ừ.

– Mày muốn tao nói lại cho nó không ?

– Để làm gì ?

– Tao tin nó vẫn yêu mày.

– Tao mong vậy, nhưng để làm gì bây giờ ?

– Trời ơi, sao mày bỏ nó ?

– Mày đừng giả vờ ngốc nghếch, mày đã về đây, mày đã thấy hết, làm sao nó có thể sống ở đây ?

– Mày biết điều ấy trước khi mày về ?

– Ừ. Chính vì vậy mà tao đoạn tình với nó. Tao không ân hận, hối tiếc. Còn kinh hoàng hơn tao đã từng tưởng tượng.

– Nghĩa là thế nào ?

– Thối nát từ bên trong.

– Sao mày không ở lại Pháp ? Ở đó, mày có ích hơn cả trăm lần ở đây.

Đức cười, mỉa mai.

Mày không thay đổi bao nhiêu. Mày vẫn tin ở tự do, phải không ? Tao còn nhớ, tự do chỉ là khắc khoải lựa chọn.2 Chúng ta, người Việt, chẳng đến nỗi khắc khoải cho lắm vì chúng ta không thể có được sự lựa chọn. Tuổi trẻ của chúng ta thú vị quá ! Dưới đá lát đường, bãi biển…3 Mày cũng không sai, con người là sinh vật duy nhất biết tự tử. Nhưng mày vừa xa rời những khái niệm cúng trừu tượng, đối với chúng ta, những thằng Việt Nam chào đời trong giới tiểu tư sản, khả năng lựa chọn thật eo hẹp. Chúng ta vừa không có đôla vừa chẳng có người. Một mình, chúng ta chẳng có kilô nào trên mặt đất. Phải đi với quần chúng, và quần chúng, chúng nó nắm và điều hành. Mày cứ việc lựa chọn. Chung thân phận hay tự loại mình với vinh quang truy tặng trong sự thỏa mãn ghê tởm của kẻ đã có lý.

– Mày còn tin vào quyền năng của ý tưởng không ?

– Càng ngày càng bớt.

– Vậy sao không làm lại từ đầu ?

Nó nhìn mày, sững sờ.

Khi mình không còn khả năng đổi đời, dù chỉ bằng một hạt bụi sống, khi mình hết cả khả năng tạo ý nghĩa cho đời mình, dám yêu sao được ? Tao chưa là một con thú.

*

Sau khi Đức bỏ đi, Florence sống loạn xạ, vui, phù phiếm, gây xìcăngđan. Florence đẹp và coi dâm hơn bao giờ hết. Đàn ông vây bủa. Florence cứ tự tiện, lấy thằng này, bỏ thằng kia qua ngày. Cuối cùng Florence kết hôn với Châu. Mày mừng cho nó. Châu yêu nó đê mê. Họ như đã được tạo ra để cho nhau. Vừa cưới xong, Châu liền tra tấn Florence, phanh phui quá khứ, truy bức kỷ niệm, lôi những dan díu đã qua của Florence ra trách móc. Nó không ngừng tra hỏi Florence về quan hệ của Florence với Đức, giày xéo, làm ô uế mọi chuyện. Florence lồng lên, giải thích, cố khiến Châu hiểu mình. Cuối cùng, Florence đành khoá mình trong im lặng. Châu quay ra uống rượu, và đánh.

Thỉnh thoảng, mày gặp lại Florence ở quán cơm Maubert, nơi hò hẹn của tuổi dấn thân. Ăn với bạn, cười cợt những khoảnh khắc đã chung sống với nhau. Rồi mày dắt Florence dạo chơi bờ sông Seine. Florence cho mày biết tin về Đức. Florence biết rõ lạ lùng Đức đang sống thế nào ở Hà Nội. Florence nói về Châu, lửa ghen trầm uất của nó. Châu muốn có con. Florence do dự, cảm thấy mình mắc lưới, không biết nên định đoạt ra sao.

– Nó đã yêu tao, nó vẫn yêu tao. Có lẽ tao cũng vẫn yêu nó. Tao muốn có một gia đình, có con. Nhưng bây giờ, tao không biết tao muốn gì nữa.

– Mày vẫn yêu Đức ?

– Ừ, nhưng tao chỉ có khả năng sống với Châu mà thôi.

– Kết hôn là một thể chế đang chìm xuồng nơi nơi, thanh thiên bạch nhật cũng như lén lút, nhưng không ai biết thay thế nó bằng cái gì. Khi cưới một người đàn ông, mày cưới luôn cả thể chế ấy, sự bạo liệt muôn đời của nó, tất cả những niềm tin cũ kỹ của thế gian. Chiếm hữu, ghen tuông, tình yêu.

Không có gì khác sao ?

– Tao không biết.

Thường thường mày chẳng có gì đáng nói với Florence. Florence cũng vậy. Chỉ có thú vui đi dạo bên nhau. Mày yêu những cuộc lang thang câm lặng kéo dài đó và sự hiện diện trìu mến thấm thía của Florence bên mày. Florence cũng thích có mày ở bên. Florence thấy dịu người.

Một hôm, Florence không tới quán cơm Maubert nữa.

Mày gặp lại Florence đêm Tết tại điện Maubert-Mutualité, trong dạ hội mừng Tết Nguyên Đán. Florence đã ly dị. Florence kể lại như kể một chuyện vặt. Mày cảm thấy Florence cô đơn. Mày chẳng biết nói gì. Mày mời Florence khiêu vũ. Florence lắc đầu. Mày thấy mình thừa thãi, khó chịu. Mày tìm cách hồn nhiên lẩn trốn. Florence vươn tay giữ mày lại.

Ở lại với tao, tao cần mày.

Thiên hạ nhảy. Đêm trôi đi. Tản sáng, mày tiễn Florence về trong sương mù tháng hai trên ke hoang vắng dưới ánh đèn phờ phạc soi đường phố. Trước của nhà, Florence bảo : Mày lên với tao.

Mày ấm úng. Florence mỉm cười.

Mày đừng sợ, tao không có nhu cầu làm tình đâu.

Mày đỏ mặt. Florence ve vuốt má mày.

Mày đang mệt. Lên ngủ với tao.

Hôm sau, lần đầu tiên trong đời, mày đã dám xin.

Florence, mình sống chung với nhau đi. Tao cảm rõ, chúng ta sinh ra để hiểu nhau.

Florence trầm ngâm một lúc lâu, quay mặt ra cửa sổ, nhìn trời.

Để xem.

Và đã thế. Không tuần nào qua mà mày không gặp lại Florence. Thỉnh thoảng, Florence tới nhà mày ngủ. Thỉnh thoảng mày tới nhà Florence. Năm tháng trôi đi, Florence quyết định sống dưới cùng mái nhà với mày, mỗi đứa trong phòng riêng của mình. Florence không muốn có con. Rất hợp với mày. Mày thấy thế giới chẳng có gì hấp dẫn cả và mày không còn khả năng khát khao một thế giới nào khác. Thế giới Florence cho mày khiến mày toại nguyện. Có biết bao hạnh phúc nho nhỏ chung. Lang thang Paris. Du lịch tuỳ hứng. Rượu ngon, cơm ngon, sách đẹp. Thú vui tán gẫu đủ thứ chuyện, chẳng đáng gì, chẳng để làm gì. Và, thỉnh thoảng, làm tình, tuyệt vời. Có khi lúc hừng đông, Florence len lỏi vào giường mày, ve vuốt, mơn trớn, dịu dàng khiến mày căng cứng. Khoảnh khắc mày thích nhất. Mày thấy yên ả, thoải mái, tin cậy. Mày không yêu gì hơn là làm tình với Florence trong ban mai sơ sinh. Florence cũng thích tỉnh giấc trong ve vuốt chầm chậm của mày.

*

Không tin nổi mà vẫn thật. Linh đã tới. Eva và mày sẽ thực hiện được giấc mơ, một bản dịch hoàn hảo tiểu thuyết của Linh. Vẻ mặt rạng rỡ của Linh thôi miên mày. Giọng cười tươi vui, cử chỉ thân thiện của Linh khiến mày xôn xao. Nhưng khi Linh không cười, mặt Linh đanh lại, ánh mắt xa vời.

– Linh làm sao mà ra được khỏi nước ?

– Linh gửi một lá thư cho chính quyền, đòi quyền du lịch của Linh. Chắc họ ớn những khó khắn mà thiên hạ đã gây cho họ vì đã bỏ tù Linh. Họ để Linh đi.

– Họ có thể lợi dụng chuyện này để đày Linh luôn chăng ?

– Linh sinh ở Việt Nam. Ở đó, Linh sẽ sống, sẽ chết. Linh không cho ai phép cấm Linh điều ấy.


Mày hẹn hai người mỗi sáng trong vườn Luxembourg. Ốc đảo đầy lá lặng thinh ngay giữa Paris, một quán ăn nhỏ màu xanh dựng đứng giữa vườn, hoang vắng.

Linh kêu tách trà. Eva mê càphê Pháp. Đùa nó, mày đòi ly coca cola. Linh bật cười.

– Linh nên nếm thử càphê Tây, ngon nhất thế giới đó.

– Xưa kia, Linh rất mê. Bên mình, ở Blao, trên Tây Nguyên, đất đỏ sản sinh một loại càphê tuyệt hảo. Người ta sấy nó kiểu Pháp với một tí bơ và Cognac. Sáng nào Linh cũng uống.

– Tại sao bây giờ Linh không uống nữa ?

– Lúc đó Linh ở tù. Ngày nào cũng bị hỏi cung. Một kiểu tra tấn trí não. Những câu hỏi vớ vẩn trở đi trở lại, ám ảnh nhức nhói, hàng chục, hàng trăm lần. Đồ ăn thấy mà ghê người. Linh sụt nhiều cân. Một loại nấm gặm mòn da Linh. Linh đã chuẩn bị chịu đựng tất cả, phản kháng, tự sát. Linh sống sao cũng được, không còn nhu cầu, ham muốn. Nhưng Linh thèm càphê. Một buổi sáng, ra phòng hỏi cung, Linh ngửi thấy mùi càphê thơm. Họ đặt một tách trước mặt Linh. Tay đại tá lấy cung bảo : nếu chị muốn, chúng tôi sẽ hầu chị càphê mỗi sáng. Linh cười : xin khen, gián điệp của ông đã cho ông thông tin chính xác, đúng là tôi có một nhược điểm, tôi không thể thiếu càphê buổi sáng. Nhưng ông không nên phí công, từ nay tôi sẽ không bao giờ uống càphê nữa.

Linh bật cười, giọng cười vui vẻ khiến mày rùng mình.

– Chúng nó hiểu chủ nghĩa duy vật biện chứng và thuyết duy thực như thế đấy. Thế là Linh đột ngột theo chủ nghĩa duy tâm và lãng mạn. Từ ấy, chúng nó còn muốn bẫy Linh kiểu khác : một thằng đực rựa. Từ khi ly dị, Linh chưa nếm thằng nào. Ở nước mình, không gì hơn là bép xép về đời sống tình dục để hại uy tín của một người đàn bà. Một tay thầy lang bán cho Linh một toa thuốc giết nhu cầu tình dục. Linh ngốn đều đều từ nhiều năm rồi. Nó phá tan hoang thận của Linh, nhưng cơ thể để Linh yên thân. Linh đã trở thành một thằng đàn ông 75%. Đúng hơn, một con người bị thiến.

– Linh uống một tách càphê với tôi đi. Lời thề của Linh có giá trị ở Việt Nam. Nhưng chúng ta đang ở Pháp và tôi không phải là một gã công an.

Linh lắc đầu. Và cười.

Ở tù, Linh học được chút từ Pháp trong từ điển. Eva biết nói tiếng Tàu nên đoán được phân nửa ý nghĩa những từ Việt Nam. Mày biết đủ tiếng Anh để đọc sách, không đủ quen để nói chuyện. Một tam giác lạ lùng thần diệu – Việt Nam, Pháp, Anh – tràn ngập tiếng cười ngất.

– Yêu.

– Aimer.

– To love.

– Plutôt loving, comme dans I can’t stop loving you.

– Alors, c’est aimant.

– Yêu c’est yêu, où est le problème ?

– Vấn đề ở chỗ chúng ta, người Việt, không chia thì động từ. Mọi người đều luôn luôn yêu y hệt mọi lúc.

Và ngôn ngữ sổ lồng loạn, hàng giờ, nhân một câu, một từ. Những ký ức pha trộn rối bời, ngôn từ thấm đậm kỷ niệm đọc sách, khát vọng, những cuộc đời. Việt Nam, Pháp, Mỹ. Chiến tranh, kiếp đọa đày, lang thang. Nỗi khắc khoải già cỗi của tuổi thơ, những lưỡng lự ngờ vực ở tuổi trưởng thành. Và khao khát yêu.

Rất nhanh Linh và Eva không cần tới mày để hiểu nhau. Chỉ nửa lời, họ đã hiểu nhau. Mày phát ghen. Giữa đàn bà có một sự đồng cảm vĩnh viễn loại mày.

Trong tình thân sâu kín của ngôn từ, chẳng còn gì bị cấm đoán, mọi chuyện đều có thể nói với nhau. Yêu và hiểu, giấc mơ của tình nhân… Mày không còn biết tình bạn ngưng ở đâu, tình yêu bắt đầu từ chỗ nào. Mỗi khi ánh mắt Linh lạc vào nơi xa vời, mày thèm ôm Linh trong vòng tay, ve vuốt Linh, kéo Linh trở về mày. Một lần, mày hé tay. Dịu dàng, Linh đẩy mày ra.

Đừng thử. Muộn quá rồi. Cho chúng ta. Bên kia, Linh dựa vào quá khứ để không bị hiện tại này đè bẹp. Ở đây, anh vươn tới tương lai để thoát nó. Đều vô vọng. Chúng ta sẽ không có một hiện tại chung. Với Eva, cũng thế.

Càng ngày mày càng khó che dấu tình cảm. Mày linh cảm thảm họa rập rình tới. Mày tự cấm mọi cử chỉ trìu mến. Mày không còn dám lướt mê bộ ngực kiêu kỳ của Linh, vành môi khiêu gợi của Eva.

Sửa bản dịch tiếng Anh, mày coi lại bản tiếng Pháp. Lần lần, mày thất lạc trong đó. Đó là giọng của Linh, của mày hay của Eva ?

– Văn mày quá hồn nhiên, không dịch được.

– Linh viết như mọi người để cho ai cũng đọc được. Đó là vũ khí. Linh dùng nó khi trắng tay.

Eva nhìn mày, vẻ lạ lùng.

– Còn mày, mày chẳng viết giống ai. Quá rõ ràng và chẳng rõ ràng tí nào. Luôn luôn có điều gì sổ thoát, chạy đi.

– Tao suy nghĩ với khái niệm Tàu, cảm xúc với từ ngữ Việt, lý luận như một thằng Tây và phục tùng văn phạm của Viện Hàn Lâm. Làm quái gì được với một mớ hẩu lốn như thế ? Chẳng gì hết… Văn chương… Văn gừng…

– Một cuộc gặp gỡ, có thể lắm chứ ?

Ngày ngày trôi đi. Chẳng ai ý thức cả. Quyển sách từ từ thành hình. Mày nhận thấy ở nó giọng cuồng nhiệt của Linh và giọng, yêu mến, của Eva, giọng của chính mày.

*

Khúc trưa, Florence và François tới nhập bọn. François là họa sĩ. Sợi dây tăm tối nào trói chặt nó với Việt Nam ? Nó mới chỉ độ ba mươi tuổi, chưa từng sống những năm tháng đam mê của thời chiến. Nó hầu như chẳng biết gì về nước Việt, lịch sử và văn hoá Việt Nam. Nhưng nó mê ăn chả giò, phở và sử dụng đũa điêu luyện. Nó gặp Florence trong một buổi khai mạc triển lãm tranh. Suốt buổi tối, nó không rời gót Florence. Nó yêu cầu Florence làm người mẫu cho nó. Florence đỏ mặt. Nó năn nỉ, gần như van lơn.

Từ ấy, nó chỉ vẽ Florence thôi, vẽ, rồi bỏ, rồi vẽ lại miên man vô tận chỉ một bức tranh. Tình yêu của François thôi miên Florence. Florence tìm lại được ở nó quyết tâm dữ tợn của Đức, nỗi đam mê hung dữ của Châu, và một điều gì đó mà chỉ có một họa sĩ mới tiết lộ cho Florence được, sự tôn thờ đắm đuối thân thể của Florence. Nhưng François làm Florence kinh hãi. Nó không cho Florence yên thân một phút nào, săn bắt ngày đêm, khắc khoải lo sợ không tìm ra Florence ở đầu bên kia giây điện thoại.

Florence đi với François từ một năm nay. Mày ít khi gặp. Thỉnh thoảng, Florence về nhà, mệt lử, cân não rã rời, nhưng vẫn hạnh phúc. Florence cuộn mình trong vòng tay mày, lấy lại sức, và lại ra đi.

*

Đại lộ Saint-Michel, nơi hò hẹn rạo rực, nhộn nhịp của tình yêu thuở sinh viên. Trước nhà thờ Đức Bà, mày chỉ ký hiệu cây số 0 của nước Pháp cho Linh.

– Tao hẹn tất cả ở đây, đúng ngày tân niên năm 2000, để chôn thế kỷ khốn nạn này. Tao hứa sẽ tặng đứa nào y hẹn một bông hồng đỏ. Trong khi chờ đợi, chúng ta đi nhậu.

– Rất tiếc, Linh và tao đã định đi dạo mua ít giẻ rách. Nếu muốn, chúng ta ăn cơm tối với nhau.

– Nghìn lần luyến tiếc, rượu Beaujolais Đầu Mùa đã tới ! Florence với tao đã thề cùng đón mừng nó mỗi năm. Rong chơi vui nhe, giẻ rách đẹp nhe, hẹn nhau ngày mai.

– Được, sáng mai tại vườn Luxembourg. Tao có một món quà bất ngờ tặng tụi bay.

Linh chẳng thể mơ tìm được người hướng dẫn hơn Eva. Eva lớn lên ở Paris, biết thành phố như đũng túi của nó, danh lâm thắng cảnh cho du khách, quán rượu nhỏ, khu phố cổ xưa, những khoảnh khắc Paris để lộ cho ai yêu nó một chút lòng thầm kín âu yếm xa xưa của nó. Mày chẳng biết gì về những cuộc rong chơi, trò chuyện giữa hai người. Linh không bao giờ đề cập tới. Eva che chở cẩn mật khu vườn bí mật của những mối tình bạn gái của mình.

*

Chiều hôm, mày gặp lại Florence ở quán Boul'mich. François có đó, khiến mày ngạc nhiên. Xưa nay, bữa tối uống Beaujolais Nouveau luôn luôn tay đôi. Florence nhìn mày, gương mặt hốc hác, mắt sưng vù. Căng thẳng, đen tối, François bắt tay mày, đứng dậy, bỏ đi, không một lời.

– Chuyện gì vậy ?

– Cũng vẫn chuyện ấy.

– Nó điên rồi. Nó ngủ với mày mà nó còn xa xỉ ghen tao ! Nó bệnh hoạn rồi, tống nó đi chơi chỗ khác là vừa.

– Tao xin mày, đừng nói bậy, nó yêu tao, nó muốn lấy tao làm vợ.

– Còn mày ?

– Không. Vừa rời xa nó, tao thấy thiếu nó ngay, nhưng hễ gặp lại nhau là cãi lộn. Hai đứa chỉ thực sự hợp nhau khi nó ôm tao làm tình. Nó âu yếm quá, kiên nhẫn quá, rộng lòng quá khi nó làm tình với tao. Nhưng khát vọng chiếm hữu của nó khiến tao khựng lại, lửa ghen của nó khiến tao kiệt quệ. Tao không thể sống được nếu thiếu nó, tao không thể sống được với nó. Chỉ với mày, tao mới cảm thấy được là chính mình. Mày yên ả quá, mày mang lại cho tao sự thờ ơ mà nếu không có được, tao sẽ không chịu đựng nổi kiếp sống này.

– Bỏ qua cho tao. Tao biết, mày yêu nó, nó mê mày điên cuồng. Nhưng mày đừng tới quá gần sự im lặng của một thằng đàn ông nhe, đừng bao giờ chịu bị nhốt trong nỗi cô đơn của nó. Nó sẽ huỷ diệt mày đó.

– Tao biết.

Mày ve vuốt tóc Florence. Màu sắc nó luôn luôn khiến mày ngỡ ngàng. Tên Florence gợi ở mày hình ảnh một người đàn bà tóc rất vàng, mắt rất xanh. Florence có cặp mặt xanh lơ đậm mãnh liệt, nhưng tóc Florence dài, mềm mại, óng ả đen tuyền. Mái tóc đàn bà của xứ sở mày. Những mặt trời thời thơ ấu của mày nhuộm tóc Florence. Florence co mình trên vai mày. Mày cảm thấy thân mình Florence duỗi ra, nhịp thở yên dần. Mày đề nghị hai đứa về nhà.

Trong càphê bên cạnh, từ đáy một bức gương, cặp mắt điên loạn của François đuổi theo mày.

*

Hôm sau, Eva tới vườn Luxembourg cùng với một tay khổng lồ tóc vàng, mắt xanh, râu ria rạng rỡ.

– Giới thiệu các bạn vị hôn phu của tôi.

Linh mỉm cười, sững sờ. Eva chưa từng nói đến người hôn phu này. Mày vờ đùa, che giấu lòng bối rối.

– Nàng Linh thân mến của tôi, nàng mê đàn ông râu ria, vậy là được toại nguyện nhé, kiếm một bộ râu chinh phục đến thế này chẳng phải chuyện dễ đâu.

Eva kêu hai tách càphê.

Tụi tao quen nhau từ nhỏ. Cha mẹ đôi bên là láng giềng và là bạn. Học chung đại học. Thất lạc nhau khi tao đi Trung Quốc. Mới đây, tình cờ gặp lại nhau ở New York, tụi tao khám phá rằng đã luôn luôn tìm nhau. Tao đã đi một vòng quả đất để chẳng được gì. Bây giờ tao rớt trở lại khởi điểm.

Eva cười ngất.

Tao để tụi mày làm việc nhe. Peter nhảy qua Paris để cùng tao chọn áo cưới.

Họ đi. Mày tiếp tục làm việc với Linh. Nhưng sự vắng mặt của Eva để lại một khoảng trống lạ lùng. Tiếng Eva đã phụt tắt. Rốt cùng, Linh cũng chán ngán.

– Thôi, bỏ đấy. Đợi tuần tới làm lại, khi Eva có mặt. Đi dạo thôi.

– Ừ. Ngôn từ chẳng là gì cả khi vắng mặt người.

– Khúc tình ca giữa mày với Eva chấm dứt ở đây thì phải.

Chuyện này phải tới, không lúc này thì lúc khác. Hai đứa tới từ những chân trời quá xa lạ. Khao khát cùng một thế giới, nhưng lại không có quá khứ chung và chẳng bao giờ được có cùng một tương lai.

– Mày đau ?

– Ừ.

– Đó là điều may, mày biết chứ ?

– Ừ.

– Dù sao cũng cố giữ tình bạn.

Đảo Cité. Đêm ngả bóng. Những viên đá già nua óng ánh, lem nhem trắng. Cây lá cứng im. Gió mơn trớn. Vài ánh đèn chao đảo trong dòng nước im ắng đen. Dưới cầu Tournelle, sông Seine chảy. Lần đâu, Linh nói về mình với mày.

Khi tao quyết định ly dị, cha tao bắt tao quỳ úp mặt vào tường, tự phê, bỏ ý định ly dị làm ô nhục gia đình, tên họ tổ tông. Đến ngày thứ tư, tao tự thấy nhục, tao đứng dậy, nhìn thẳng vào mặt ông và nói : Từ nay con sẽ không bao giờ tự phê nữa. Và tao bỏ nhà ra đi.

Linh ngửng đầu, nhìn chân trời.

Ông ấy yêu tao. Đó là người đàn ông duy nhất mà tao quý trọng. Bây giờ tao hiểu tại sao tao đã chấp nhận chịu đựng bấy nhiêu năm khổ ải. Những ngôn từ cao thượng, những nguyên lý vĩ đại, tình yêu, cũng được dùng để trói chúng ta. Người ta trói thú bằng thừng, người ta trói người bằng chữ nghĩa. Tao yêu bố. Tao không hề giết bố, ngay cả một cách tượng trưng. Từ bỏ bố, tao đã giải phóng chính tao khỏi chính mình.

Mày rùng mình. Mày cực ghét trò tự phê, thú tội. Vũ điệu lột truồng tâm hồn ấy, mày chỉ chịu đựng được xuyên qua hành động – ca khúc của thể xác, hay văn chương – ca khúc của ngôn từ.

– Thiên hạ biết đấu tranh của mày chống chiến tranh, độc tài, sự hèn nhát, gian dối. Nhưng hầu như không biết gì hết về chính mày. Sao mày không viết chính mình đi ? Những năm tháng kinh hoàng sẽ chẳng là gì cả nếu chẳng ai nhớ tới. Viết những gì mày đã nghiệm sinh đi.

Tao không có nhu cầu kể lể đời tao.

– Điều ấy lại quan trọng đối với tao, với người đời.

– Mày sẽ làm gì với đống giấy ấy ?

– Tao không biết. Dịch nó, đăng nó như lời nhân chứng về thời đại của chúng ta. Hay biến nó thành tiểu thuyết, một tác phẩm thuần hư cấu. Xét cho cùng, tại sao không ? Chỉ có những ảo tưởng mới sống sót được trong ký ức loài người. Tao thèm viết mày thành tiểu thuyết. Tiểu thuyết chỉ là chuyện hoang đường, nhưng cũng là khao khát hiện thực của con người. Mày là hiện thực mà tao chúc cho tất cả những thằng đàn ông.

– Được, thế cũng là làm bạn.

Đó là một đêm thu ở Paris, trên ke đảo Saint-Louis. Có đá lem nhem trắng, có cây lặng cứng. Sông Seine trôi đi, im áng, đen ngòm. Mày lững thững bước về parking ở công trường Maubert. Từ cầu Tournelle, mày nhìn mỏm Đảo Cité. Ở đó, dưới đất, có đài tưởng niệm những người bị đày ải vào lò sát sinh thời nhị thế chiến. Mày đã dịch cho Linh nghe một câu thơ của Aragon, một câu văn của Sartre khắc vào tường đá. Lún sâu trong lòng một cái hang, những vong hồn lấp lánh. Rất lâu, Linh ngắm chúng. Rất lâu, Linh nhớ sổ tay thầm kín của những chàng lính trẻ đang mục nát trong hang đá trên giải Trường Sơn. Mày đã ngắm sông Seine, mày đã thấy bóng người trôi theo dòng nước.

*

Cùng với Linh và Eva, mày tiếp tục sửa quyển sách. Im lặng ngấm ngầm len vào câu chuyện. Eva ở đâu khác. Càng ngày nó càng bớt nhận ra ngôn từ của mày. Càng ngày mày càng bớt hiểu câu chữ của nó. Mỗi lúc, hiểu nhầm nhau càng nhiều. Giải thích, khôn cùng, vô lối thoát. Tam giác thần tiên biến thành vực thẳm ma quái. Nói chuyện biến thành cãi nhau. Linh chấm dứt.

Quyển sách cơ bản đã xong. Mình ngừng ở đây. Eva cần được nghỉ ngơi.

Im lặng ụp xuống, nặng nề, ngột ngạt. Eva trơ trơ nhìn bã càphê.

Tao sợ… Tao ao ước, kêu gọi cuộc hôn nhân này. Xưa nay, tao vẫn muốn xây dựng đời tao với một người đàn ông mạnh, hào hiệp, âu yếm, biết yêu tao và hiểu tao. Lập một gia đình, có con, tạo hạnh phúc. Bây giờ, tao cảm như sắp lao mình vào khoảng trống.

Linh nghiến răng. Mày ngước mắt đi nơi khác. Eva đứng dậy.

Tao về. Tao cần một chút cô đơn.

Mày tiễn Eva. Trên thềm cửa, nó sụm người trong vòng tay mày.

Đừng bỏ tao.

Một lỗ hổng khoét thủng ngực mày. Mày đã hiểu. Đó là lời từ biệt.

*

Linh nhất định coi một nghĩa địa của Paris trước khi về. Eva thích rong chơi giữa những nấm mồ. Mày dẫn hai người tới Père Lachaise. Dưới Mur des Fédérés, Linh im lặng ngắm mộ, nhớ những năm chinh chiến của chính mình, nhớ những người bạn đã mất. Trên bia đá trong khu Nghĩa Trang Cổ, vẫn đọc mò được những dấu ghi mà thời gian đã gặm mòn. Nghĩa địa Père Lachaise là nơi đậm tình anh em nhất thế gian, một mảnh đất ẩn náu cho người ngụ cư khắp năm châu, ở mọi thời đại… Họ gặp nhau ở đây, loạn xạ, từ người tiếng tăm nhất tới kẻ hèn mọn nhất, với những kiếp vô danh.

Nắng chiều ngả bóng. Mùa thu tàn tạ trên những vòm cây màu hung trong ánh sáng chao đảo của hoàng hôn. Linh yêu màu sắc mùa thu. Trời lạnh.

Những nấm mồ này có từ thế kỷ 15, có thể còn xưa hơn nữa. Chẳng ai chăm sóc, chẳng ai nhận đòi, chẳng ai biết ai an nghỉ ở dưới. Nhưng người ta vẫn tôn trọng chúng. Người ta có lý. Người chết đã tạo ra tiếng nói cho phép ta suy nghĩ, cảm nhận. Tinh thần của chúng ta, xét cho cùng, chỉ là một bãi tha ma từ mênh mông, nhưng không có bãi tha ma ấy thì chúng ta sẽ sủa như chó. Tao tin cậy văn chương. Nó chẳng gì cả, nhưng chỉ nó mới nói được điều cơ bản nhất của con người ở thời đại chúng ta.

Linh thở dài.

– Bên mình, người ta biến chùa, đình, lăng miếu thành kho, chuồng lợn. Sắp tới, sẽ chẳng còn gì ngoài cái lăng xấu kinh người.

– Chúng ta được cùng nhau ở đây ngay giữa Paris, là một phép lạ. Hãy cứu nó, mỗi đứa mình viết một quyển sách nhé.

Eva mỉm cười. Linh cười vang.

– Hai người đàn ông yêu một người đàn bà.

– Hai người đàn bà yêu một người đàn ông.

– Một người đàn bà yêu hai người đàn ông.

– Một người đàn ông yêu hai người đàn bà.

– Và cứ thế ! Cuối cùng mọi người sẽ yêu mọi người, chúng ta sẽ xây dựng thiên đường ngay trên quả đất chẳng cần đến một phát súng canông.

– Ngay cả súng đôla.

– Chỉ bằng ngôn từ thôi.

Một niềm vui loé sáng rực hoàng hôn.

Điều này không tới nỗi ngu xuẩn, không có gì kháng cự được thời gian hơn là ngôn từ. Chúng ta là những thực thể duy nhất mà thời gian không vĩnh viễn tiêu diệt được. Chúng ta chỉ cần đã từng được yêu, và có người đã nói điều ấy cho người khác. Chỉ ngôn từ mới chống lại được cõi chết.

Eva thở dài.

Chỉ tiếc rằng nó quá thiếu máu thịt.

Một người canh gác hô : Đóng cửa !

Mày không có nhu cầu viết nhưng mày thấy ý đó hấp dẫn. Mày đưa tay về phía Linh.

Tao nhận lời thách thức này.

Linh nắm tay Eva.

Tao cũng vậy.

Eva siết tay mày.

Được, chúng ta làm đi.

Một ngày thu ra đi, lấp lánh ngũ sắc.

– Tao sẽ thử. Tao sẽ viết một quyển sách hạnh phúc mà không ngu xuẩn. Văn chương của chúng ta thống khổ, nhỏ nhen quá. Thế giới này cần hạnh phúc, tương lai.

– Mày mơ rồi đấy. Chính khách của chúng ta đều đã trở thành những con người của quyền lực, những con rối. Họ đã học khom lưng trước sức mạnh, tiền bạc, media. Còn bọn trí thức…

– Ngay lũ triết gia cũng lỗi thời đối với kiến thức, thời cuộc. Chúng nó thêu dệt, lải nhải suông.

– Chính vì thế mà ta nên thử hành văn. Chỉ văn chương mới có thể…

– Được bao lâu nữa ?

– Đủ một thời để yêu và một thời để chết. Thế cũng đủ để nhân hoá một cuộc đời.

– Vậy thì chúng ta thử đi !

*

Ngày Tết xích gần lại. Linh phải ra đi. Là con gái đầu lòng, Linh muốn về chuẩn bị ngày lễ lớn của gia đình, tôn kính bàn thờ tổ tiên. Eva đã về New York tổ chức đám cưới. Một mảnh đời đang khép lại.

Mày cảm thấy trống rỗng, rối loạn. Một lỗ trống kỳ dị gặm mòn lồng ngực mày. Có điều gì đang ngắc ngoải ở đời cứ đòi vượt sống ở mày. Mày cần chút cô đơn, chút lãnh đạm. Mày phải đi, phải ra khỏi những cơn lốc của tình bạn, tình yêu. Quên. Tự quên. Tìm lại mình. Nếu còn gì để tìm lại. Rời Paris, mảnh đất lục giác ngộp thở, những hình ảnh, ngôn từ liên tục lải nhải mỗi một điều : chẳng có gì. Và ngày ngày đè bẹp con người bằng báo chí, đài phát thanh, TV, một cách hiển nhiên : chẳng thể làm gì khác ngoài chấp nhận, chịu đựng, tự thích nghi, khuất phục, an phận. Và tự mua mình bằng chữ nghĩa.

*

Tôi gặp lại Florence co quắp lả người, mặt dúi giữa hai bàn tay. Tôi ôm em. Em oà khóc nức nở. François đã hoàn toàn phát khùng. Như trong tiểu thuyết nhà ga. Nó đã đập nát xưởng vẽ của nó, đập tan những điêu khắc, rạch tả tơi tranh, dọa tự tử. Tôi đặt Florence nằm xuống tràng kỷ. Tôi để em khóc. Tôi chuẩn bị một bồn nước nóng cho em tắm. Tôi bế em vào. Tôi chà lưng em với một chiếc găng bằng cước cứng, xoa nắn mãnh liệt vai và gáy em. Tôi cảm thấy gân bắp em giãn dần dưới ngón tay tôi, nhịp thở của em lần lần bình yên. Em nhắm mắt, buông mình trong nước và bọt xà phòng.

*

Florence uống trà xanh với tôi, chậm rãi.

– Mình cút khỏi nơi đây vài ngày. Anh ngộp thở. Mình đi nơi nào có mặt trời, nước và gió.

– Nhưng còn Linh ?

– Mình sẽ gặp lại trước khi nó về.

– Còn Eva ?

Nó chuẩn bị đám cưới của nó ở New York. Nó sẽ trở lại Paris để tiễn Linh đi. Vinh đang hí hửng tổ chức một buổi chiêu đãi. Chúng ta sẽ được hưởng một buổi chia tay nhớ đời.

– Anh đau ?

– Ừ. Cũng như em. Thêm một lý do để yên ả đau nơi khác, trong một cái xó ít ô nhiễm hơn ở đây.

Florence ôm hôn tôi. Tôi đặt em xuống giường. Tôi ngả mình bên em. Bỗng nhiên người em lồng lên, run rẩy, khóc nức nở. Tôi rùng mình.

– Em thù anh, phải không ?

– Phải.

– Nhưng vì sao ?

– Vì em yêu anh. Em cần anh như khí trời. Xa anh, em ngộp thở.

– Nhưng ở bên anh ?

– Không đủ, không là tất cả.

– Anh không biết yêu cách khác. Chiến tranh sinh ra anh, người ta đã dạy anh trốn chạy, chưa ai dạy anh yêu. Anh cũng thấy đau.

– Tại sao anh không thử ?

– Anh ghê tởm sự giả dối.

– Trời ơi trời ! Tại sao ? Tại sao ?

*

Florence ngủ thiếp. Tôi nghe em thở yên ả, sâu đậm. Tôi luồn ra khỏi giường, đi vào đường phố, vẫy gọi taxi.

Xưởng vẽ của François như vừa bị một cơn bão xoáy tàn phá. Những mẩu thạch cao, thủy tinh, đồ gốm trải đầy mặt đất nhuộm nước sơn, đầy khung tranh gãy, tranh vải bị dao rạch, bị dẫm nát. Lưng tựa tường, François nhìn một mảnh vải trắng. Trên lò sưởi, vất vưởng một chai whisky. Tôi rót hai ly đầy, đưa cho François một ly. Nó uống ực cạn. Tôi lại rót đầy ly nó. Nó nhấp nháp, lặng thinh.

Sao mày không để nó yên một lúc ? Nó yêu mày, mày thừa biết thế.

Nó nhìn tôi, căm hận.

– Tại sao nó không muốn tao ?

– Nó đã cho mày tất cả, tình yêu, thể xác, thời giờ, mày còn muốn gì nữa ?

– Chính nó.

– Là cái quái gì thế ? Ý thức của nó ? Cái ấy không có thực, không thể chiếm hữu được. Chẳng ai có thể chiếm đoạt hay vứt bỏ nó, chỉ có thể căm thù hay yêu nó và, nếu được, cùng đi với nó. Mày là nghệ sĩ đến mấy cũng vô ích, mày không là Đức Chúa Cha. Không bao giờ từ thạch cao hay khối đá của mày vươn ra được một thân người đích thực. Chẳng bao giờ bút cọ của mày khai sinh ra được một người đàn bà thực thụ. Yêu khó thế sao ? Nó rảnh lúc nào, nó đi tìm mày ngay lúc đó, nó luôn luôn nghĩ tới mày.

– Nhưng nó luôn luôn trở về với mày. Mày cho nó điều gì hơn tao ?

– Chẳng gì hết. Tao chưa hề cho nó cái gì cả. Tao cũng chẳng xin nó điều gì. Tao để cho nó yên thân. Nó trở về với tao khi mày làm nó kiệt sức.

– Mày cút đi !

Tao cũng đang định thế. Ngày mai tao đi đảo Guadeloupe, tao mang nó theo. Nó cần được nghỉ ngơi. Mày đừng mất công điện thoại cho nó. Ở đầu dây sẽ chỉ có một cái máy hồi âm. Nó sẽ kêu mày khi nó trở lại Paris.

– Cút ngay đi !

Tôi cạn ly. Tôi đi ra. Tôi nghe thấy sau lưng chai whisky vỡ toang vào mặt gương gắn trên lò sưởi.

*

Trước sân bay, Florence chỉ cho tôi một cái cây.

– Anh thấy không, cây xoài đấy. Ở đây quả xoài không thuôn thuôn như ở nước mình, nó tròn, màu xanh, cắn vào rất giòn.

Tôi nhận ra cây xoài, lá xoài, nhưng không nhận ra quả xoài. Tôi nhớ độ đặc, hương vị của nó. Cách nói của Florence đập mạnh vào tôi. Em là người Pháp, nhưng hễ nói tới Việt Nam, em cứ nói nước mình. Còn tôi bây giờ, tôi nói tới nó như tới bất cứ một nước nào. Trong đầu hai đứa, không còn có cùng một mảnh đất. Đâu đó, ký ức tôi đã rạn nứt. Nhiều khi tôi tự hỏi, từ bao giờ và qua đâu, nhưng chẳng bao giờ tôi tìm được câu trả lời.

Anse Bertrand. Một vịnh thu nhỏ có núi đá đầy cây nhiệt đới vây quanh. Nhà sàn nho nhỏ nhô cao trên mặt vịnh. Bãi cát trắng nhỏ long lanh bên bờ nước xanh lơ. Gió khô thơm ngào ngạt ve vuốt phổi tôi, sưởi ấm má tôi. Từ ban công, tôi ngắm sóng chồm lên, trắng xốp, những đỉnh núi đen chạy thấu chân trời.

Florence tắm mình dưới vòi hoa sen, mặc áo dài nâu cũ. Em chẳng bao giờ khoả thân đi lại trong nhà. Tôi cởi áo em chầm chậm trong gió mát, tiếng ve sầu rên, dế gáy. Một nghi lễ thiêng liêng. Mỗi khi đậu xuống đâu, hai đứa làm tình. Thỉnh thoảng điều ấy khiến tôi nghĩ tới tập quán của thú vật. Có những mãnh thú đóng dấu lãnh thổ săn của chúng bằng nước đái. Tôi không còn một tổ quốc để bảo vệ. Florence là neo của tôi trong thế giới này. Bất kể tôi từ đâu tới, bất kể tôi sẽ đi đâu, ngày nào tôi còn cảm thấy em bên tôi, ngày nào tôi còn được làm tình với em, tôi chưa thất lạc trên quả đất này.

Tôi nghe thấy một con gà gáy, một con chó sủa, một con chó đáp lời. Thỉnh thoảng, một con cóc gào lên. Ve sầu đốt không gian với điệp khúc trước hoàng hôn của chúng, trong thoảng gió nóng phà ra lần cuối trong ngày.

*

Tôi rùng mình. Có ai đang ve vuốt tôi. Tôi mở mắt. Ngồi sắp chân vòng tròn trong ánh trăng, một người đàn bà nhìn tôi. Tôi cảm thấy mình trần trụi. Ai thế ? Florence, Linh, Eva ? Hay là người đàn bà vô danh vô diện ám ảnh lời ru tuổi thơ của tôi ? Nàng vươn tay khép mắt tôi. Tia nhìn của nàng thấm vào tôi, rung động trong xác thịt tôi. Da tôi rên rỉ sống lại. Miệng nàng hút tôi, nuốt tôi, chầm chậm, ray rứt, đòi hỏi, đam mê. Nhẫn nại, âu yếm, tha thiết vô cùng tận. Tôi mở mắt, ngước đầu lên. Nàng quyết liệt ép tôi xuống giường, khép mí mắt tôi, thủ thỉ : Cho em xin. Tôi buông trôi mình tự giao nộp tự giải phóng tôi hết còn ý chí cơ thể hình hài tôi không có thực nữa tôi là cơn rùng mình tới lui càng lúc càng mãnh liệt càng sâu càng dài tôi là nỗi chờ đợi trống vắng khát khao vô tận tôi là sự ve vuốt ám ảnh của một người đàn bà xa lạ. Nàng là cõi im lặng run rẩy của tôi. Tôi là nàng.

*

Em đứng một lúc lâu trên ban công ngắm biển, ngắm đêm. Rồi em đi vào ngủ. Tôi châm tẩu thuốc. Một mình. Tôi đưa mắt tìm chòm sao Đại Hùng, Tiểu Hùng, sao Vệ Nữ. Từ khi rời nước ra đi, tôi hết nhìn trời, tôi chưa hề thấy nhiều sao đến thế trên đầu tôi. Một ngôi sao chổi băng qua, rơi xuống, biến mất trong đại dương. Tôi yêu tia sáng sao băng. Tia sáng đầu tiên. Từ lâu lắm rồi.

Tôi ngắm trời, đất, nước. Rất lâu, tôi thấy những đường ranh. Ở đây, hết còn là đất. Ở đây, bắt đầu là biển. Ở đây, vùng trời vụt đứng. Tôi nghe thấy tim tôi đập nhịp thời gian, sự im lặng phập phồng. Tôi hết biết đất bắt đầu từ đâu, trời chấm dứt nơi nao, ở đâu biển hết rên rỉ và tôi đang ở đâu.

Cõi im lặng thấm thân xác lan trí não nhuộm cả màn đêm gầm trên bãi biển đen ngòm màu trời màu nước trắng xoá bọt biển long lanh ánh sao mênh mông, không sờ được, hoà tan tất cả. Tôi kiếm một từ để nêu danh nó. Tôi nhớ tiểu thuyết của Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh. Tôi thì thầm, nỗi buồn vì yêu. Một sự im lặng độc nhất, khoanh lại, khép kín, toán học, bao phủ cả vũ trụ. Sự im lặng của một thằng đàn ông. Chính tôi. Có thể nó như ánh sáng, làn sóng vô sắc, không mùi, vô vị, vô nhiệt, vô thanh. Nó toả ra xuyên suốt không gian, coi thường khoảng cách, chướng ngại vật, thời gian. Nó hoà trộn với làn sóng khác, tan loãng, đổi độ dài, hình thù, bất diệt, trường tồn. Như nỗi buồn vì yêu trong thời đại cách mạng không thể làm được. Thời đại của tôi, thời gian của tôi. Tôi chẳng thể có thời nào khác. Tôi phải sống nó và, dù sao, vẫn yêu, vượt những chuẩn mực một tí xíu, ở rìa những ý chung. Một bước bé tí vượt qua quy ước của loài người. Một động từ nho nhỏ thay vì một danh từ vĩ đại. Yêu. Thoạt tiên có Lời, sự gian trá tồi tệ nhất. Người ta đã thay yêu bằng một cái gì ấy. Người ta đã nhốt cuộc sống và nghệ thuật vào một chất thể lai căng, Tình Yêu. Lời Tình yêu. Từ ấy người ta có thể ra đi mà không chết trong lòng một tí. Tôi bỗng hiểu vì sao tôi thích gặp người đời ở thuở hoang mang. Trong thế giới ấy, có thể có một chỗ cho tôi. Tôi yêu những khoảnh khắc lang thang khi tiếng nói cá nhân vút lên từ sự im lặng. Sau đó, trong tiếng ồn ào nhốn nháo dai dẳng của cuộc tồn sinh, chỉ còn lại con đường chung của nhân loại, tiếng nói của những xác ướp.

Tôi nhớ sự gần gũi lạ lùng gắn bó Linh, Eva và tôi, chung quanh một hư cấu bằng ba thứ tiếng, ba giọng người. Tôi tìm một từ để nêu danh nó. Tôi chẳng kiếm được từ nào. Lần đâu tiên, tôi cảm thấy sự vắng mặt của hai người. Một lỗ hổng há miệng gặm mòn lồng ngực tôi. Thế là hết. Tình bạn âu yếm giữa chúng ta đang hấp hối. Chắc chắn, cuộc sống sẽ lơ đễnh giết nó mỗi ngày một tí. Rồi sẽ có ngày, không biết vì sao và như thế nào, sẽ chẳng còn gì giữa chúng ta, chỉ còn lại những ngôn từ thường ngày, nỗi đau của mọi người. Ngôn từ, rặt là ngôn từ. Để trao đổi thông tin, áp đặt ý chí, ra lệnh, dọa nạt, quyến rũ, van xin, thương lượng, gian dối, thoả hiệp, sống hoà đồng với xã hội. Giọng nói của ta sẽ chụm lại, tan rã trong đầm lầy của mọi ý thức, nơi hò hẹn say sưa của mọi sự gặp gỡ, mọi điều gian dối, ý chung của người đời. Sẽ chẳng bao giờ ta lại vươn nắm tay nhau bên trên hàng rào di động, không nắm bắt được, không vượt qua được ấy. Sẽ chẳng bao giờ ta gặp lại nhau phía bên kia thế giới ngôn ngữ, nơi vút lên những tiếng cười, những ngôn từ, những thì thầm mà ta có thể khẳng định : là tôi, là chúng ta.

Tôi nhớ cuộc thách đố giữa ba người. Mỗi chúng ta sẽ viết một quyển sách. Tôi sẽ trở về đây viết nó, giữa Thái Bình Dương, trên hòn sỏi xanh lam trôi giạt giữa màu xanh của trời và màu xanh của nước. Ở đây, mọi sự đều thanh tao tuyệt diệu. Màn trời, ngọn gió, lá cây, bông hoa, người đời. Và thèm khát hành văn đã tìm lại được. Nó không còn như xưa, đau đớn ám ảnh. Nó đậm đà sâu sắc. Nỗi khát khao dài bắt nguồn từ những khắc khoải tăm tối của thời thơ ấu. Tôi sẽ viết một quyển sách hạnh phúc. Tôi sẽ từ bỏ ngôn ngữ xiních của Sự Thật. Một nhân ngôn khác có lẽ khả thi. Tôi sẽ thử tạo nhân ngôn của tôi.

Một con gà cất tiếng gáy. Ban mai đang tới. Phía núi, một khối đen lộ nét. Thế giới đang thành hình. Bầu trời tách rời mặt biển, núi non chia lìa mặt nước. Tiếng biển gầm dựng mình thành sóng vỡ tan tành bọt. Lưng trời sáng dần màu xám, màu xanh, màu hồng. Từ sau dãy núi, một chùm tia sáng ngũ sắc vút ra đốt rực bờ quằn quại của một áng mây to. Áng mây trôi giạt ra đại dương, tan rã. Băng lưng trời, hình bóng con người con vật hình thành siêu vẹo biến dạng lẫn lộn với nhau. Mãi cuối cùng, một áng mây trắng. Ban ngày đã tới. Ba con dê con ôn tồn gặm cỏ trên một mỏm đá. Chúng ngước đầu vểnh tai nhìn tôi. Tôi hồi tỉnh. Đúng, không gian có ba chiều. Mặt trời nhô lên, chói loà. Lát nữa ve sầu sẽ làm rung động không gian. Florence nhúc nhích trong giường. Tôi mong muốn em ngủ thêm một chút. Nhưng Florence thức dậy rất sớm. Em ra ban công.

– Anh không ngủ hả ?

– Không. Anh không buồn ngủ.

– Anh đã ở đây suốt đêm ?

– Ư, đẹp tuyệt vời, và đỡ mệt lắm.

Florence thả mình bên tôi. Tôi mở cánh tay. Em ngả đầu trên vai tôi, nắm tay tôi. Rất lâu, hai đứa im lặng thụ hưởng sắc đẹp của ban mai.

*

Ở quán ăn, bà Ardente thông báo có điện tín. Tôi rùng mình. Chỉ có thể là Linh.

Linh phải về Việt Nam gấp. Chẳng có gì nghiêm trọng cả. Vẫn tuồng xiếc cũ. Hãy chăm lo sức khỏe. Đừng quên cô em nhỏ Eva của Linh. Tuy nó hay quạu, nó rất trìu mến, mảnh dẻ. Và nó thương mày.

Tôi điện thoại cho Linh. Chẳng ai trả lời. Tôi gọi Vinh. Chính quyền dọa đày ải Linh ra nước ngoài vì những tuyên bố của Linh với báo chí. Linh đã quyết định giải quyết tức khắc tận gốc, lấy chuyến máy bay đầu tiên trở về Việt Nam.

Florence ve vuốt vai tôi.

– Ngày mai có một chuyến bay về Paris. Nếu may, anh còn một dịp gặp lại Linh trước khi Linh đi.

– Khả năng ít lắm, Linh quyết đoán nhanh và hành động cũng như vậy. Anh về tới nơi thì Linh đã đi mất rồi.

– Nếu họ lại bắt giam Linh thì sao ?

– Vinh và các bạn sẽ làm tất cả những gì làm được. Họ sẽ kêu chúng ta nếu cần.

– Có thể hai người sẽ chằng bao giờ gặp lại nhau nữa.

– Ai biết được ? Xét cho cùng, như thế là tốt nhất. Anh không thích những cuộc chia tay. Cứ như vậy, hai người chưa hề chia tay nhau. Mình cứ làm như mình đã định, quên cái thế giới điên khùng này đi, mình sẽ gặp lại nó sớm thôi, mình đi thăm hòn đảo này đi.

Sáng hôm sau, Vinh kêu lại.

Nó đã mời François dự buổi họp tại quán rượu Rhumerie để bàn về hành động phải tiến hành nếu Linh lại bị bắt. François nghe, tích cực tham gia thảo luận. Đột nhiên nó gục xuống bàn, chết say. Vinh lau mặt nó, định đưa nó về nhà. Nhưng François giãy giụa, gào thét những lời điên loạn. Người hầu bàn kêu cảnh sát tới. François chửi bới cảnh sát. Họ bẻ tay François quặt sau lưng, xích lại, lôi lên xe giam, nhốt nó trong một căn tù biệt lập sơn vàng sơn xanh. Sáng hôm sau, thấy nó nhớn nhác, người gục lả trên bệ bê tông, họ đưa nó đi nhà thương.

Florence ứa nước mắt kể lại sự việc. Em bắt đầu lắp bắp. Tôi nắm tay em.

– Kệ nó. Nếu nó muốn tự tử, chẳng ai cản nó được, nhất là em, em là người đau khổ nhất nếu nó chết.

– Không thể được. Em phải về Paris. Nếu nó mệnh hệ gì, em sẽ không bao giờ tha thứ mình được. Nó yêu em. Ngay nào nó chưa bỏ em, em sẽ không bỏ nó.

Tôi đã tiễn Florence ra sân bay. Tôi đã thấy em vững bước vào khu lên tàu bay. Trước khi biến mất, em đã quay lại, mỉm cười, kín đáo vẫy tay từ biệt.

Tôi hồi tưởng nỗi sợ hãi bị bỏ rơi xa xưa của tôi, sợ đột nhiên trơ trọi, nghẹn ngào giữa những đống điêu tàn cháy trụi bên lề đường tan nát trước những xe đầy thây người da bọc xương do những con bò xác xơ kéo đi. Đó là tuổi thơ của tôi, là thời đói kém, chinh chiến, cách mạng. Thời của Hy Vọng, sự phủ định chất người. Đó là thế kỷ 20, ít nhất là theo Chúa Jésus. Tôi bỗng hiểu vì sao ai ai cũng trách tôi lãnh đạm, chẳng quan tâm tí nào tới mọi sự, người đời, nhu cầu được khâm phục, được yêu của họ. Tôi không biết tôi đã đánh mất khả năng gắn bó ở đâu và từ bao giờ. Có thể phẩm chất quái dị ấy đã giúp tôi sống còn.

*

Tôi lại thức trên ban công. Tôi ngắm tia sáng cuối cùng của ban ngày biến đi, màn đêm hoà tan mặt đất, xoá sạch hình núi, nuốt chửng đại dương. Tôi thiếu Florence, tôi thiếu Eva, tôi thiếu Linh. Tôi thiếu em. Chưa bao giờ tôi cảm thấy tôi bị cắt xẻo, cụt cằn đến thế này. Tôi thèm được ôm em trong vòng tay tôi, thèm cảm thấy sự hiện diện âu yếm của em ở tôi. Tất cả đã bỏ đi. Mỗi người theo mối tình của mình. Một người đàn ông. Một gia đình. Một xứ sở. Tôi tự cảm thấy bị loại trừ ra khỏi mọi tình người, mờ ảo, mơ hồ. Có thực là tôi đã thực sự yêu không ? Trong tất cả những ngờ vực, đã ngờ vực tình yêu, chẳng thể nào trở lại cõi người được.

Tôi nhìn lại đời mình qua những biến động co giật của thế kỷ của tôi. Sẽ còn lại gì ? Một sắc thái của một ngôn từ thôi, có lẽ. Yêu. Tôi cảm thấy hàng nghìn nhân vật lột xác ở tôi. Mặt nạ đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con, người sống, người chết. Những tôi khác nhau của tôi. Dường như họ đã có từ muôn thuở. Tôi đập tan mảnh sáp khắc ghi những bộ mặt của tôi. Đằng sau, chẳng bao giờ có gì cả. Tôi rùng mình, nhẹ nhõm. Nhưng sáp vụn cứ tụ lại, kết keo, phủ đầu tôi với một mặt nạ mới, luôn luôn khác, nhưng rất đỗi thân thuộc với bạn bè, kẻ thù và chính tôi. Mặt nạ nói, người ta nghe nó, trả lời nó. Nó có vẻ thật đến mức tôi giật mình phát hiện rằng tôi tin nó là tôi. Thỉnh thoảng vài ngôn từ, vài câu chữ len lỏi vào trong sáp, trượt xuống đáy quên lãng. Rồi có lúc chúng kết tinh, tua tủa mũi nhọn sắc, khoét mặt tôi, những hố đen không đáy. Những từ rỗng tuếch, háu ăn, khát máu thịt, khẩn thiết, cuồng loạn, day dứt, không hiểu được, nhẫn tâm. Có chiến tranh, tiếng kêu đầu nguồn thời thơ ấu, sự im lặng khắc khoải trốn chạy ban đêm dưới ánh lửa napalm trong tiếng máy bay rú tiếng đạn rít. Có một mẹ già ru xác chết bằng lời cầu nguyện. Có hàng triệu miệng người đòi chút hơi thở chút gạo ăn chút tương lai. Có những niềm tin chết người của thời đại, tiếng cười ngạo nghễ bi thảm hèn hạ của khoảnh khắc, lời ba hoa cam phận của bọn tri thức, quyền lực, sở hữu… Và sự im lặng của một người đàn bà, lời bập bẹ mê sảng yêu lúc da thịt tái sinh. Và có… những giới hạn… mãi mãi… yêu cầu hiểu… vô tận… Nhưng hiểu giới hạn của một thời đại không giảm được nỗi đau phải sống nó và tự do nói của tri thức, tự do làm nhờ hiểu biết sự vật không mang lại tự do yêu của con người. Tôi chưa hề có thực. Tôi không có thực. Đó là một huyền thoại. Nhưng nó đáng thành danh, nỗi khắc khoải xa xưa của màn đêm vẫn thầm lặng rình rập. Biết đâu, sẽ có một ngày, một người đàn bà sẽ tới cây số 0 của tất cả các nền văn minh, đòi đoá hoa hồng đỏ mà tôi đã hứa cho nàng.


Hỡi anh em, những con người sẽ sống sau chúng tôi,4 xin tha thứ cho chúng tôi tội thất bại. Chúng tôi đã đấu tranh, chúng tôi đã cố yêu. Cũng như anh em, chúng tôi sẽ chết. Cũng như anh em, chúng tôi đã từ chối chết luôn. Và chúng tôi đã dám yêu. Bất kể tương lai sẽ thế nào, chúng tôi đã thành tâm sống, và chúng tôi đã từng hạnh phúc. Mỗi người chúng tôi sẽ viết một quyển sách, trong một ngôn ngữ không cần phải dịch. Sẽ có một ngày, ở đâu đó, có người mở ra đọc, và khao khát yêu, tranh đấu, hành văn. Lúc đó, chúng tôi đã không sống thừa. Từ những chân trời xa xăm đã khai sinh ra chúng tôi, từ tình bạn, tình yêu của chúng tôi, sẽ còn lại một điều gì đó ngay trong trái tim trâng tráo, nặng nề, buồn tẻ của thế giới này, bên kia sự im lặng ngộp thở nặng trĩu của nó.

Nguyên tác : Aimer, 2002

Tác giả tự dịch, 12-2006




L'Épitaphe de Villon

ou " Ballade des pendus "


Frères humains, qui après nous vivez,
N'ayez les coeurs contre nous endurcis,
Car, si pitié de nous pauvres avez,
Dieu en aura plus tôt de vous mercis.
Vous nous voyez ci attachés, cinq, six :
Quant à la chair, que trop avons nourrie,
Elle est piéça dévorée et pourrie,
Et nous, les os, devenons cendre et poudre.
De notre mal personne ne s'en rie ;
Mais priez Dieu que tous nous veuille absoudre !


Se frères vous clamons, pas n'en devez
Avoir dédain, quoique fûmes occis
Par justice. Toutefois, vous savez
Que tous hommes n'ont pas bon sens rassis.
Excusez-nous, puisque sommes transis,
Envers le fils de la Vierge Marie,
Que sa grâce ne soit pour nous tarie,
Nous préservant de l'infernale foudre.
Nous sommes morts, âme ne nous harie,
Mais priez Dieu que tous nous veuille absoudre !


La pluie nous a débués et lavés,
Et le soleil desséchés et noircis.
Pies, corbeaux nous ont les yeux cavés,
Et arraché la barbe et les sourcils.
Jamais nul temps nous ne sommes assis
Puis çà, puis là, comme le vent varie,
A son plaisir sans cesser nous charrie,
Plus becquetés d'oiseaux que dés à coudre.
Ne soyez donc de notre confrérie ;
Mais priez Dieu que tous nous veuille absoudre !


Prince Jésus, qui sur tous a maistrie,
Garde qu'Enfer n'ait de nous seigneurie :
A lui n'ayons que faire ne que soudre.
Hommes, ici n'a point de moquerie ;
Mais priez Dieu que tous nous veuille absoudre !

(1431-?)

 

Tạm dịch nghĩa, Chân Phương đã giúp sửa mấy câu văn vụng :


 

BÀI CA CỦA NHỮNG KẺ

BỊ TREO CỔ


Hỡi anh em, những con người sẽ sống sau chúng tôi,
Xin chớ khe khắt tấm lòng với chúng tôi,
Vì nếu anh em thương hại chúng tôi, những con người tội nghiệp
Thượng Đế sẽ sớm khoan dung đối với anh em.
Anh em thấy đấy, chúng tôi, năm sáu người bị trói nơi đây :
Còn xác thịt mà chúng tôi đã quá nuôi nấng,
Từ quá lâu rồi, nó đã bị ngấu nghiến thối rữa,
Và chúng tôi, mớ xương, đang thành tro bụi.
Xin đừng ai cười nỗi khốn khổ của chúng tôi,
Mà hãy lạy Chúa xin mọi người tha thứ chúng tôi !


Nếu chúng tôi gọi các bạn bằng anh em, xin đừng
Khinh miệt chúng tôi, dù chúng tôi đã bị công lý
Giết. Dù sao anh em cũng biết
Đâu phải mọi người ai cũng đầu óc điềm tĩnh như ai.
Hãy thay mặt chúng tôi, vì chúng tôi đã chết,
Để xin lỗi con của Đức Mẹ Marie,
Sao cho lòng ân xá của ngài không cạn đối với chúng tôi,
Sao cho ngài che chở chúng tôi khỏi bị sét địa ngục đánh.
Chúng tôi chết rồi, xin đừng ai hành hạ nữa,
Mà hãy lạy Chúa xin mọi người tha thứ chúng tôi !


Mưa đã tẩy rửa chúng tôi
Và nắng đã nung chúng tôi khô cháy ;
Chim ác là và quạ đã khoét mắt
Nhổ râu bứt lông mày chúng tôi.
Chưa bao giờ chúng tôi được ngồi yên một khắc,
Đây đó, phó mặc theo chiều gió,
Gió không ngừng tuỳ hứng xô đẩy chúng tôi,
Chúng tôi bị chim mổ thủng chi chít hơn các lỗ đê khâu
Vậy hãy đừng bao giờ nhập phường chúng tôi,
Mà hãy lạy Chúa xin mọi người tha thứ chúng tôi !


Hỡi Đức Hoàng Jésus, hỡi Đấng toàn năng,
Hãy khiến chúng tôi thoát quyền uy địa ngục :
Chúng tôi không có nợ nần gì với nó.
Hỡi người ơi, đây không phải chuyện đùa,
Mà hãy lạy Chúa xin mọi người tha thứ chúng tôi.



Chết


Bác sĩ bảo bệnh ung thư của bố đã đi vào đoạn cuối. Bố dựng đứng người, không tin nổi. Rồi bố sụm xuống giường. Bố rên.

Sớm quá, tệ quá, tôi vẫn chưa viết xong quyển sách, vẫn chưa nói được…

Đó là lần đầu tôi nghe bố ta thán.

Tôi cố an ủi bố.

Bố đừng buồn. Bố đã được sống một cuộc đời đẹp. Bố để lại một gia đình đoàn kết, hạnh phúc, yêu bố. Đó là điều quan trọng nhất, đúng không ?

Bố cười, yên tâm.

Ừ, đó là điều quan trọng nhất. Bố sẽ chết trong niềm vui.

Cơn đau bóp môi bố méo xẹo. Bố lắp bắp.

Hết, sẽ chẳng còn gì cả. Thời gian và người đời sẽ phá trụi hết, xoá sạch, như với người Incas.

Tôi ve vuốt trán tái mét của bố.

Bố sẽ mãi mãi ở trong tim gia đình.

Bố nhăn mặt, hôn mê. Cô y tá tiêm cho bố một ống mocfin. Mũi kim vừa đâm tay bố, bố mở mắt, môi run rẩy.

Tôi phải viết xong quyển sách của tôi, nhất định phải… Con tim chỉ là im lặng…

Đã hai mươi năm nay bố viết tự truyện, gạch, xé, viết lại không ngừng cuộc đời của bố. Mẹ với tôi không biết câu nào. Nhưng buồn thấy bố không ngừng xé bản thảo. Giận dữ, tỉ mỉ, bố xé tan tành. Thỉnh thoảng bố vui vui dập thành giấy bướm. Cuối cùng, bố luôn luôn vứt những linh hồn trắng đen bé bỏng ấy vào cầu tiêu. Thắt ruột, mẹ và tôi nghe bố giật nước, một lần, hai lần, ba lần… cho tới khi không còn gì cả.

Bác sĩ yêu cầu mẹ đưa bố về nhà.

Chẳng thể làm gì được nữa, chết ở nhà vẫn hơn, ít ngao ngán hơn ở đây. Y tá sẽ ghé qua nhà tiêm mocfin cho ông ấy mỗi ngày ba lần.


Những ngày đầu, mọi chuyện đều yên ả. Lả người, bố để cô y tá trích, không phản ứng và thiếp ngủ yên. Mẹ nuôi bố ngay trước khi cô tới. Sau mũi tiêm, mẹ đợi một lúc lâu, chờ bố ngủ. Mẹ cởi quần áo, lau chùi, thay đồ cho bố. Và mẹ ngồi đan trong một góc phòng khách. Mẹ muốn đan cho bố một áo len cuối cùng, che lạnh cho bố một lần chót. Tôi luôn luôn rời phòng khi mẹ rửa ráy bố. Tôi không hiểu từ bao giờ đạo lý chưa từng thành văn bản ấy đã áp đảo tôi : con cái không được phép nhìn thân thể trần truồng của cha. Rửa ráy xong, tôi mang quần áo đi giặt. Phải giặt ngay tức khắc. Một mùi hôi thối kinh hoàng, ngộp thở, không sao chịu nổi. Mùi chết chóc.

Mẹ không bao giờ khóc, than phiền. Nhưng tôi cảm thấy rõ, đối với mẹ cũng vậy, cơn hấp hối này kết thúc càng nhanh càng tốt. Thỉnh thoảng tôi lén nhìn mẹ đan. Nhưng tôi không dám nhìn mẹ thẳng mặt vì tôi thường thấy kim đan của mẹ run run. Suốt đời, mẹ luôn luôn biết chế ngự xúc cảm của mình, phô ra ngoài một tư thế trang nghiêm. Mẹ sẽ nhục nếu mẹ thấy tôi thấy mẹ khổ đau.

Thực ra, chẳng ai biết bố mắc bệnh gì. Nó hao hao như ung thư, nhưng không phải là ung thư. Căn bệnh đã đánh vào óc não bố. Thường thường những tế bào não nhốt trong sọ có thể thoái hoá, đổi chỗ, chức năng. Nhưng ngay từ tuổi trưởng thành, chúng không tăng thêm. Ở bố, chúng đột ngột sinh sôi nảy nở. Sự bành trướng hỗn loạn, quấn quít hỗn độn giữa chúng khiến tất cả bác sĩ ở bệnh viện lấy làm lạ.

Tuần đầu trôi đi trong chờ đợi lặng thinh giây phút giải thoát.

Một buổi sáng, trong khi mẹ cho bố ăn, tôi mở cửa sổ để thông gió. Ngoài trời tuyết rơi. Nụ tuyết quay cuồng, dày đặc, day dứt, không nhìn xuyên qua được. Chẳng còn gì tồn tại bên kia sự im lặng trắng hỗn mang này. Ngoảnh lại, tôi thấy môi bố run run, mắt bố trừng trừng. Tôi vội đóng cửa sổ lại, sợ bố cảm lạnh. Bố nhìn tuyết bay điên loạn, rất lâu, chăm chú. Bố thở dài, nhắm mắt lại. Môi bố run run.

Bảo cô ý tá đi đi thôi. Tôi không muốn chết như vậy. Trước thềm cõi chết, đau đớn có nghĩa gì đâu. Điều quan trọng là sau đó.

Mắt mẹ thoáng loé sáng, như thể rùng mình. Có lẽ mẹ ngạc nhiên, hoảng sợ. Bố coi thường thế giới bên kia, chẳng tin ở đấng thần linh nào. Bố hay nhắc.

Mọi cuộc sống đều kết thúc trong cõi chết, mọi cơ thể đều sẽ thành cát bụi, chẳng có cứu thế, hoá kiếp gì cả, điều ấy phi khoa học. Cuộc sống vĩnh cửu chỉ có trong ngôn từ và chính ngôn từ cũng không vĩnh cửu.


Mẹ ngập ngừng trình bày nguyện vọng của bố cho cô y tá. Cô nghe mẹ nói, bình thản. Cô lắc đầu.

– Chớ có điên. Ông ấy sẽ đau như một con thú. Trong trường hợp ông, căn bệnh không tới từ cơ thể, nó nằm ngay trong óc, chẳng có cách nào để chống cự với nó, sẽ đau kinh hoàng… Tôi chẳng thể quay lại đây để tiêm cho ông, nhiều bệnh nhân khác chờ đợi tôi.

Tôi thấy mí mắt mẹ run run.

– Tôi không thể làm khác được. Ông ấy cứng đầu lắm. Nhưng xin bà cứ giữ những cuộc hẹn giữa chúng ta, tôi sẽ thanh toán hết. Nếu ông ấy đổi ý, tôi sẽ cho bà biết liền.

Cô y tá nhìn mẹ, vẻ tội nghiệp. Cô thì thầm vài lời khuyên. Mẹ năn nỉ cô uống một tách nước. Chắc mẹ hy vọng bố đổi ý khi bắt đầu đau điếng. Cô y tá vừa bỏ đi, một tiếng nức đau phá tan im lặng. Mẹ và tôi chạy vào phòng bố. Mắt lộn tròng, cứng đờ, bố cắn chặt răng. Mặt bố đanh lại, cứng nhắc, như đẽo trong gỗ. Đột nhiên, bố há miệng kêu một tiếng khàn khàn. Bố chớp chớp mắt, cắn chặt răng lại. Mồ hôi vã ra trên trán trên cổ bố. Mẹ dịu dàng chùi đi với một tấm khăn ẩm nóng. Mẹ năn nỉ bố tiếp cô y tá. Bố lắc đầu kịch liệt. Mẹ im.

Bao nhiêu lâu rồi ? Tôi không nhớ nữa. Những tiếng kêu càng ngày càng thưa. Lúc đầu khô khốc, giật giật, chúng từ từ thoi thóp. Cuối cùng, chỉ còn lại tiếng rên nho nhỏ.

Đột nhiên, hàm bố giãn ra. Bố nhắm mắt lại. Mặt bố dịu đi. Bố như đã chết. Tôi nắm mạch bố. Nó đập đều đều. Coma ? Tôi ngước nhìn mẹ. Mẹ chỉ vào môi bố. Chúng lặng thinh mấp máy.

Ngày theo ngày trôi đi trong mùa đông âm u buồn tẻ của Paris. Trong cùng nỗi đau cùng sự im lặng. Những cơn đau của bố càng ngày càng mãnh liệt nhưng cũng càng ngày càng ngắn. Ngay sau đó, bố rơi vào một giấc ngủ kỳ dị. Hoàn toàn vô thức, bố không còn nghe thấy mẹ khi, thỉnh thoảng, mẹ nói với bố. Gương mặt bố trở nên yên ả, thanh thản. Nó vẫn bất động nhưng dường như nó bớt bầm, khởi sắc. Dường như nó sống lại. Môi bố mấp máy càng ngày càng rõ nét.

Rồi một hôm bố thở dài, yên ả. Một giọng nói tôi không quen biết cất lên, rất khẽ, rất trong.

Ừ… Hôm đó là Tết. Em đẹp quá. Em mang một cái áo dài màu ngọc lam thêu một bông hoa trắng. Đời thật của anh bắt đầu với em.

Tôi nhìn mẹ. Mẹ mỉm cười, lạ lẫm, như cho chính mình.

Bố nói về buổi đầu gặp nhau. Bác Jean lôi kéo bố đi dự Tết, lễ Tân Niên của người Việt. Một sự tình cờ đơn thuần. Bố không có bạn Việt. Bố chỉ chơi với người Pháp. Bác Jean là người lai duy nhất mà bố quen, họ là bạn từ thuở chung sống ở cô nhi viện. Mẹ mặc áo dải cổ truyền màu ngọc lam. Một cô bạn Việt đã tặng cho mẹ. Bố mời mẹ nhảy. Bố mẹ quen nhau như thế.

Như thế chuyện ấy có thực. Trước thềm cõi chết, con người chớp nhoáng thấy lại tất cả những mảnh nổi bật trong đời mình. Một cảm giác hạnh phúc mung lung tràn ngập tôi. Cho mẹ. Tôi cảm thấy mẹ sung sướng. Kỷ niệm đầu tiên bố nhớ trước khi đi, bố dành cho mẹ. Bố vẫn thì thầm những lời rất âu yếm. Tôi đi ra để mẹ một mình cùng với kỷ niệm chung của bố mẹ.

Một cõi im lặng dịu dàng buồn thấm vào bầu không khí phòng khách. Mẹ vẫn đan, từ từ, đều đặn. Mẹ có vẻ thanh thản. Thỉnh thoảng, tôi lén nhìn tay mẹ. Chúng không run nữa. Tôi yên tâm.

– Mẹ ơi, sao bố không chơi với người Việt ? Bản thân bố lai Việt mà.

– Có lẽ chính vì vậy. Thuở đó là thời chiến. Phải thuộc phe này hay phe kia. Ai không lựa chọn thì chẳng có nhà mình ở đâu cả.

– Nhưng ngoài Bác Jean, bố cũng chẳng chơi với người lai.

– Bố không thấy thoải mái bên họ. Bố hay nói, những người lai Âu-Á không có tổ quốc, thế giới chung duy nhất của họ là khổ đau. Bố, bố muốn sống hạnh phúc.


Đêm qua, tuyết lại rơi. Sáng nay, mái nhà long lanh dưới nắng. Cảnh tuyết sáng ngời, huy hoàng, lạnh buốt, đanh cứng. Trời rưng rưng xanh thắm, không khí trong suốt phập phồng. Rất lâu, tôi ngắm cõi im lặng trắng. Một niềm khắc khoải lạ lùng tràn ngập lòng tôi, cứ như tôi đang chờ một điều gì tôi kinh hãi. Một con quạ đen vút bay cắt không gian. Tôi bỗng hiểu. Tôi đón đợi lời của bố. Tôi xấu hổ. Tôi biết bố sẽ đau khủng khiếp trước khi được cất tiếng. Tuy vậy, tôi nôn nóng đón đợi giây phút, mắt lộn tròng, bố kêu đau.

Bố đã đau đớn mãnh liệt hơn. Bố đã rên rỉ, và bố đã câm đi. Tôi cúi gầm mặt mang quần áo bẩn đi. Tôi không dám ngước nhìn mẹ. Mẹ cũng đã mòn mỏi chờ đợi hão. Có lẽ phải cần nhiều thời gian và đau đớn mới tái sinh được một loại kỷ niệm.

Ngày đêm theo nhau đi, giống nhau và không giống nhau. Vẫn những cơn đau ấy, vẫn chờ đợi khắc khoải ấy, nhưng chẳng bao giờ là những ngôn từ như nhau. Giọng bố ngày càng trong càng rõ. Những kỷ niệm trở về dễ dàng hơn. Bố chỉ kể những thời hạnh phúc trong gia đình. Hoàn toàn hỗn độn. Chẳng có một mối liên hệ nào với nhau, chẳng có thứ tự nào trong ý tưởng. Mỗi khoảnh khắc dường như biệt lập, đủ cho chính mình, tự mình tồn tại, hoàn hảo lạ thường. Một niềm hạnh phúc ngược đời quy tụ bố mẹ và tôi chung quanh những tiếng kêu đau, những tiếng rên rỉ, những ngôn từ của bố. Nhiều khi tôi chẳng hiểu bố nói gì. Nhưng mẹ có vẻ hiểu vì, thỉnh thoảng, mẹ giải thích cho tôi. Không ở đâu trời xanh, mây trắng, cát mịn, nắng rực cháy như ở đây. Biển này quả là một niềm hạnh phúc đích thực… Quả xoài đấy em. Ăn nó khi còn xanh, nó hơi chua và giòn… Mẹ mỉm cười, mơ màng. Bố mẹ đi đảo Guadeloupe. Coi như đi tuần trăng mật. Lúc đó vẫn chưa cưới nhau. Cha mẹ của mẹ khó chịu, không muốn gả vì bố là người lai. Vì thế, lần đầu trong đời mình, mẹ đã nói dối cha mẹ. Mẹ bảo mẹ đi với một cô bạn. Thuở ấy bố mẹ trẻ. Bố mẹ yêu tương lai, chẳng sợ gì hết. Thật là huyền diệu.

Tôi cười.

– May mà con không cần nói dối.

– Ngày nay không còn là thế giới cũ, thời đại cũ ấy nữa. Ngày xưa, con cái thế nào cũng đến lúc phải nói dối với cha mẹ. Bây giờ thì không cần nữa.

– Mẹ còn giữ hình về cuộc du lịch ấy không ?

– Không, bố mẹ không chụp hình. Bố không thích hình ảnh. Bố bảo đó là những hình ảnh chết. Bố chỉ yêu những gì sống còn trong ký ức của bố thôi.

Tim tôi quặn thắt. Những lời của bố nhắc lại nhiều khoảnh khắc hạnh phúc trong đời tôi. Nhưng nhiều cảnh tượng của tuổi thơ của mình hoàn toàn xa lạ với tôi.

Tay con bé tí, ấm áp, mềm mại, bố thích cảm nhận tay con trong lòng tay bố trên đường ra nhà giữ trẻ.

Tôi nhìn bàn tay tôi. Nó cứng cáp, sần sùi, xương xảu. Bố không nắm nó trong bàn tay bố từ lâu rồi.

Bố thích mang con trên vai đi vào nắng trời dọc bãi biển, đi vào trong nước.

Sắp tới, bố sẽ mang đi những hình ảnh ấy. Sẽ chẳng gì còn lại.

Điều quan trọng nhất là được thương yêu trong thời thơ ấu. Thế nào cũng còn lại một cái gì trong những lúc hoạn nạn, cho tương lai của con người.

Sẽ còn lại điều gì cho tôi, từ tình yêu mà tôi không còn nhớ nữa ?

Suốt đêm tôi không ngủ được. Những cơn mê sảng của bố ám ảnh tôi day dứt. Ngày qua ngày, tôi chứng kiến những mảnh đời của tôi tan biến trong hư vô. Tôi nghe thấy mẹ quay đi quay lại trong giường và, thỉnh thoảng, mẹ thở dài. Chắc mẹ đang hồi tưởng những khúc hạnh phúc trong đời mẹ. Những kỷ niệm đích thực. Còn những kỷ niệm của tôi có vẻ hão, trống rỗng khủng khiếp. Chúng chưa hề là của tôi. Chúng chỉ tồn tại trong ký ức đang nhoà của bố và ký ức ấy đang chao đảo trong đêm đen.

Tản sáng, tôi mở cửa sổ, hớp ít hơi mát. Bầu trời Paris xám làm lắng dịu những tia đá pha lê trắng cứa mắt. Trên ban công phủ đầy tuyết, tôi thấy vết chân một con chim sẻ. Tôi nghe thấy nó chiêm chiếp. Nó làm thế nào để tồn tại trong thế giới hoang vắng, lặng thinh, buốt lạnh này ? Ai đã dạy nó hát ? Một sự dịu dàng, một hơi ấm lạ lùng toả ra trong tôi. Bố không để lại hình ảnh tuổi thơ của tôi, nhưng bố đã để lại cho tôi ngôn từ của bố. Chúng sẽ khắc sâu vào ý thức của tôi. Qua chúng, tôi đã thấm thía sống lại những khoảnh khắc đã quên đi trong đời tôi. Ngôn từ giữ lâu hơn hình ảnh. Ta có thể tái sinh chúng, sống lại chúng ở ta, cho ta. Bố đã thành công trao lại cho tôi ngôn từ của bố, chúng sẽ sống ở tôi vượt qua cõi chết của bố.

Lạ thật, bố chẳng bao giờ nhắc tới cuộc đời lao động của bố. Xưa kia, đó là đề tài hàng ngày quanh bữa cơm tối. Bố hãnh diện với sự nghiệp của bố. Con nuôi của cô nhi viện, bố ít học. Chỉ có bằng tú tài. Bố đã tự học tất cả qua thực tiễn. Tuy vậy, bố đã leo từng bực trong xí nghiệp của mình để tiến tới một chức trong ban điều hành. Mỗi lần được thăng cấp, bố dắt mẹ con tôi tới một quán ăn ngon. Trên bàn luôn luôn có một bó hoa hồng đỏ. Những lúc vui mừng không thể quên được. Trước thềm cõi chết, bố dường như không còn nhớ tới.

Ba ngày nay, giọng bố trở nên ngập ngừng, lời lẽ ngày càng rời rạc.

Cái làng địa cầu… Một ma trận bạo liệt, tối tăm, phi tình, phi lối thoát, bất tận… Toàn chuyện tầm phào… Chẳng đưa tới đâu…

– Bố mê sảng hả mẹ ?

– Không, bố nghĩ như thế từ lâu. Lưới mạng không làm khoảng cách co lại, nó giảm bớt thời gian và bót nghẹt nó, nó chứa trong đáy lòng nó một vực thẳm, nó làm con người càng ngày càng cô đơn bất trắc. Thực ra, từ khi bố làm việc qua mạng, thế giới của bố co lại. Nó tự khép kín trong một vòng nhỏ người đơn điệu giữa vô vàn kẻ xa lạ. Đồng nghiệp khiến bố chán nản, bố hết dịp gặp ai. Bố luyến tiếc thời sinh viên khi bố lê la thảo luận trong quán càphê với ai cũng được.

Tôi linh cảm giây phút định mệnh tiến gần lại khi bố bắt đầu lắp bắp. Có lẽ óc não bố bắt đầu tan rã. Bố có thể làm kịch sĩ. Bố có cách nói hoàn hảo. Bố nói chậm rãi, rõ rệt, nhắc lại không mệt mỏi dòng suy tư của mình mỗi lần nó bị cắt ngang. Nhiều khi điều ấy khiến bè bạn bực mình. Họ trách bố lải nhải. Nhưng khi có thời giờ hàn huyên, nghe và nói chuyện với bố tới cùng, quả là thú vị. Bố hay nhắc tôi :

Khi con nói chuyện với ai, nếu con muốn được người ta hiểu mình, con phải nói chậm rãi, phát rõ từng âm, xây dựng từng câu mạch lạc. Ngôn ngữ được trao lại cho con người để họ hiểu nhau, để họ tồn tại lâu đời qua ký ức của tha nhân. Phải tránh khiến nó tối nghĩa trong những mớ ngôn từ chưa được thuần hoá, những câu kệ lùng nhùng trối tai. Phải tránh giết nó với những khái niệm thời thượng chẳng có nghĩa lý gì cả.

Đã ba ngày nay, bố bắt đầu lắp bắp. Bố vẫn phát âm đúng đắn. Nhưng càng lúc càng nhiều, bố phát ra hai âm kỳ lạ : bơ bớt. Tôi bới tìm trong Robert, cuốn từ điển bố ưa thích nhất. Bố đã gặm nó tới mức bìa long. Nhưng bố vẫn quyến luyến quyển sách cũ kĩ ấy, không bao giờ chịu bỏ đi ngay cả khi tôi muốn tặng bố một quyển mới. Bố như thế đối với đồ vật trong đời bố. Trên người, bố chẳng mang gì quý báu, chẳng mang gì có thể khiến bố khổ nếu mất đi. Bố không gắn bó với đồ vật. Khi mất, bố không hối tiếc nhưng vẫn bực mình. Bố thích dùng mòn những đồ bố dùng, từ cái áo cánh tới cây bút. Trong từ điển, tôi thấy có : beuglant, beuglante, beuglement, beugler, beurre, beurré, beurrée, beurrer, beurrerie, beurrier, beuverie. Chẳng có từ nào giống bơ bớt. Có lẽ là âm thanh thoát ra khỏi cặp môi hết bị kềm chế của bố.

Điều ấy khiến tôi nhớ một người mà bố quý trọng, một dịch giả lớn, một trong những người Việt hiếm hoi bố quen biết. Ông ấy sống ở Mỹ nhưng nói thạo tiếng Pháp. Ông đã dịch sang tiếng Anh tác phẩm trác tuyệt trong văn chương Việt Nam của thế kỷ 18, truyện Kiều, một tiểu thuyết bằng thơ. Về cuối đời, ông ấy bảo vệ một luận đề kỳ lạ : tất cả loài người đều cùng tổ tiên, tất cả các tiếng nói đều cùng nguồn gốc. Bằng chứng là ngôn từ chỉ định người mẹ trong những ngôn ngữ rất xa lạ với nhau vẫn hao hao giống nhau : mata, mutter, mother, mama, maman, me, mẹ, má, mum, v.v. Loài người là anh em họ với nhau qua ngôn ngữ. Có lẽ vì vậy mà họ dễ giết nhau đến thế vì ngôn từ.

Khi ông ghé Paris, chúng tôi đã hưởng một buổi tối ấm áp, nhớ đời. Tôi còn thấy ông say sưa khẳng định rằng trong tiếng Việt những từ mường, mình, người cùng nguồn gốc. Bây giờ mường ám chỉ một dân tộc thiểu số ở Việt Nam, mình, thân thể, tôi, chúng ta, ta, và người, loài người. Nhưng ngày xưa, tất cả đều có nghĩa là người. Những từ ấy chỉ do sự biến dạng của từ mẹ, mère, mà hình thành. Vì, ông nói, ai cũng có mẹ và những từ biểu hiện quan hệ ấy đều phát sinh ra từ âm thanh mà môi đứa trẻ phát ra khi bú vú mẹ. Có thể ông có lý. Nhưng như vậy thì bơ bớt thể hiện quan hệ với ai ? Với tử thần, sự vắng mặt vĩnh viễn của Tha Nhân ? Ai cũng phải chết một mình, nhưng không ai chết như nhau, trong cùng ngôn từ. Những ngôn từ này dường như không thuộc ngôn ngữ nào cả. Phải chăng chúng là ngôn từ của cõi chết ?

*

Sáng nay mẹ đi mua vài món ăn Việt ở khu chợ Tàu để đãi bác Jean. Một phần tư máu tôi gốc Việt. Tuy vậy cộng đồng Việt Nam ở Pháp xa lạ với tôi. Nó khiến tôi phân vân. Người Việt không tụ đàn. Họ ưa phân tán tứ tung, hoà mình với người đời, tan biến trong xã hội nơi họ sống. Ở Pháp, họ đông đảo từ một thế kỷ nay, nhưng chưa hề có khu phố Việt Nam ở Paris cũng như các đô thị lớn khác. Xưa kia, đúng là đã từng có vài trung tâm tập hợp người Việt. Chúng giống trại tập trung hơn là những cộng đồng người. Hễ họ có khả năng di chuyển, người Việt liền tan mình trong thế giới. Thế mà hễ họ gặp nhau, họ lại nói tiếng Việt. Ít nhất là đối với những người lớn tuổi. Những người trẻ nhất thì dùng một thứ ngôn ngữ lộn xộn nửa Pháp nửa Việt. Bác Jean hay dịu đùa.

Tất cả người Việt đều lai, về mặt chủng tộc cũng như văn hoá. Khi người Tàu chinh phục nước ấy hồi đầu Công Nguyên, họ gặp tại trận những người họ gọi là Giao Chỉ vì ngón chân cái của họ cong cong một cách lạ lùng, chỉ vào nhau. Mười thế kỷ thực dân quyết liệt đã dẹp bỏ đặc điểm sinh học kỳ lạ ấy. Đầu thế kỷ hai mươi, người ta vẫn còn gặp người có ngón chân như thế trong những làng hẻo lánh. Bây giờ chắc không còn nữa. Ba mươi năm chiến tranh, bảy mươi quả bom Hiroshima, hàng triệu lít dioxine, hàng trăm nghìn quả mìn sát thương, vô vàn vùng bắn giết tự do nơi người ta săn người như bắn thỏ với những khẩu đại liên khạc ba nghìn viên đạn mỗi phút, là quá nhiều cho sự sống sót của một loài thú không được bảo vệ.

Lắm khi tôi tự hỏi, bác Jean đùa tới mức nào, bác, đứa con của quân đội, con lai của một người chết và một đàn bà nông thôn vô danh. Bác đã rời xứ Pháp ngay khi có dịp để sống ở đảo Réunion có khí hậu, cây cỏ quyến rũ bác. Có lẽ do hồi ức tuổi thơ của bác ở Đông Dương. Hôm qua, bác đã lấy máy bay qua đây để gặp lại người bạn cô nhi viện một lần chót.

Mẹ đi chợ về với kẹo bánh và một hoa lan trắng. Mẹ cắm hoa trên Bàn Thờ Tổ. Một hôm bực mình, bố nhạo báng đặt tên ấy cho tầng cao của giá sách nhỏ trong phòng ngủ. Trên ấy, có một lư hương bằng đất xét nung. Mẹ mang nó về nhân một cuộc du lịch ở Ấn Độ. Nó là nơi trú thân của đồ vật riêng duy nhất bố mang trên người khi người ta trao bố cho cô nhi viện, một thẻ gỗ nhỏ đen nhánh, rất cứng, có khắc một chữ Tàu. Tôi nhớ có lần hỏi bố chữ ấy nghĩa là gì. Bố không biết và cũng chẳng quan tâm. Mẹ quý di vật ấy, giữ gìn nó cẩn thận. Không nhờ mẹ chắc bố đã đánh mất nó từ lâu.


Bố đang mê sảng khi bác Jean tới. Bây giờ thì bố chỉ còn lắp bắp. Bố nói đi nói lại không ngừng : bơ bớt, bơ bớt… Bác Jean kéo ghế ngồi bên giường, ve vuốt trán bố, im lặng nắm tay bố. Ngược với bố là người nói nhiều, bồng bột, bác Jean rất hà tiện ngôn từ. Mẹ với tôi ra khỏi phòng để bác một mình với bạn. Họ có biết bao kỷ niệm xót xa chung.

Mẹ bày bánh kẹo, rót trà. Bác Jean hỏi thăm bệnh tình của bố. Bác có vẻ mệt, bâng khuâng. Bác rụi mắt và nhắm mắt.

– Anh từ xa tới. Chắc hành trình khó nhọc, nhất là đối với anh, người không thích bị nhốt trong những không gian tù túng. Ngủ một lát cho đỡ mệt đi.

Bác Jean gật dầu. Nét mặt bác thư giãn dần, hơi thở bác chậm lại, ngực bác phập phồng nhe nhẹ. Phòng khách chìm vào im lặng, thỉnh thoảng vỡ toang tiếng ấp úng của bố.

Đột nhiên tôi phát hiện rằng bác Jean không còn ngủ nữa. Bác cau lông mày, dường như nghĩ về một vấn đề gì, rình một ai. Bác bỗng mở trừng mắt.

– Trời ơi ! Bèo bọt !

Mẹ quay sang nhìn bác, như muốn hỏi han.

– Tiếng Việt đó !

Mẹ, rụng rời :

– Không thể nào. Anh ấy đâu biết tiếng Việt. Em chưa bao giờ nghe thấy anh ấy nói tiếng Việt.

– Anh cũng thế, ngay từ hồi hai đứa còn ở cô nhi viện. Anh ấy mấy tuổi khi tới Pháp ?

– Ba hay bốn tuổi. Chẳng ai thực sự biết.

– Ở tuổi ấy, trẻ con Việt Nam đã nói sõi. Anh qua Pháp lúc tám tuổi. Anh đã quên nhiều, nhưng anh vẫn hiểu người Việt ở đảo Réunion khi họ nói chuyện với nhau.

– Nhưng anh vẫn luôn có bạn Việt Nam hay Âu-Á để nói chuyện.

– Chắc chắn là tiếng Việt.

– Bố nói gì vậy, bác Jean ?

– Bèo bọt. Bèo nghĩa là lentilles d'eau. Loại rau này mọc đầy trên dòng sông lớn nhỏ, ao ở nông thôn Việt Nam. Lá nó bé và tròn trông như giấy bướm xanh nổi bềnh bồng trên nước tù đọng, trôi giạt theo dòng nước chảy. Nông dân đong nó về nuôi vịt nuôi lợn. Bọt, là écume hay bulle d'air, thường phủ kín mặt nước ao, nước tù đọng. Hai từ ấy ghép lại khơi một điều gì phù du, không có giá trị, chẳng đáng quan tâm. Người Việt dùng chúng để nêu thân phận của kẻ bần cùng, vô gia cư, chế giễu những ảo tưởng về cuộc đời.

Bác Jean nhăn mặt, cúi đầu, thở dài :

– Cơn mê sảng đã giải phóng ký ức của nó, nó nhớ lại nỗi đau của tuổi thơ.

Tôi bỗng nẩy một ý. Tôi đứng dậy, đi tới Bàn Thờ Tổ, lấy thẻ gỗ đen trong lư hương ra, đưa cho bác Jean xem.

– Bác Jean, bác có biết chữ Tàu này nghĩa là gì không ?

– Không. Xưa kia, bố cháu có lần hỏi bác. Bác đã đưa cho bạn người Tàu xem. Vẻ ngoài như vậy chứ đây không là chữ Tàu.

Bác do dự một lúc, rồi :

– Cháu đưa chiếc thẻ này cho bác. Cuối tuần này, bác đi Hà Nội để thăm dò thị trường. Hãng của bác có ý tham gia một joint-venture với người bên ấy để khai thác gỗ quý trên dãy Trường Sơn. Bác sẽ nhảy qua thăm quê hương của bố cháu. Biết đâu bác kiếm được người biết giải mã cái ẩn ngữ này.

– Bác Jean, bố cháu từ đâu tới ?

– Bác không biết rõ lắm. Đâu đó trong tỉnh Bình Định. Người ta nhặt bố cháu trong mảnh vụn của một trại đồn trú bị Việt Minh tấn công tàn sát. Một viên trung uý Pháp ôm bố cháu ngất lịm trong vòng tay. Trung uý đã chết vì một viên đạn xuyên quai hàm. Trước khi ra đi, nó nguệch ngoạc được vài chữ vào mặt đất với một cục sỏi : Hãy cứu con của J. bạn tôi. Người ta tìm mãi cha của đứa bé trong những đơn vị có lính có tên hay họ bắt đầu bằng chữ J mà viên trung uý đã từng tham gia. Chữ J không có trong tiếng Việt. Người ta kết luận rằng cha đứa bé là lính trong quân đội Pháp và người ta gửi bố cháu vào thiếu sinh quân. Từ đấy, người ta chuyển bố cháu về Pháp cho cô nhi viện nuôi. Bác chỉ biết có vậy. Bố cháu không thích nói về thời thơ ấu của mình. Đừng khóc. Đó là chuyện cũ rồi. Tốt nhất là quên đi. Bây giờ là một thế giới khác, một thời đại khác, những con người khác.

– Không ai biết mẹ của bố cháu là ai ?

– Không. Có lẽ là một người đàn bà Việt Nam vì bố cháu có nét mặt Âu-Á và đeo trên cổ thẻ gỗ này. Đó là một loại gỗ rất quý, rắn như sắt, đen như mun, một loại cây chỉ mọc trong rừng rậm của nước ấy. Nhưng điều bác nói không có gì chắc chắn. Ở vùng đó có nhiều dân tộc thiểu số. Đưa cái thẻ cho bác.

Bác Jean nhét thẻ gỗ vào túi. Bác trở lại phòng ngủ, hôn bố, ve vuốt má bố :

– Nghỉ chút đi em. Mình sẽ cố tìm xem nó nghĩa là gì. Đợi mình nhé5.

Bác quay lại và, như để xin lỗi :

– Anh bảo nó đợi anh trở lại.

Bác Jean đã đi. Bố đã im lặng. Mẹ đan, mắt gắn chặt vào mũi kim đan. Chưa bao giờ tôi thấy thời gian chậm như thế, sự im lặng nặng nề như thế. Có cái gì lảng vảng quanh đây, đe dọa, đè nặng hơn cả cái chết.

– Mẹ, bố sống ra sao trước khi gặp mẹ ?

– Mẹ không biết. Bố chẳng bao giờ nói tới tuổi thơ, tuổi trẻ của bố. Bố mẹ hạnh phúc quá, chỉ bàn về tương lai thôi. Bây giờ tương lai chung sắp bỏ đi, mẹ thiếu hụt cả một mảnh quá khứ của bố, cả một phần người của bố.

Tôi lấy quyển Atlas lớn ra xem. Tôi tìm mục Việt Nam. Chỉ là một dãy đất mỏng lụt giữa vùng Birmanie-Thailande-Indochine. Cách nhìn thế giới của chúng ta. Tỉnh Bing Ding không còn nữa. Tôi không dám cho mẹ biết. Nên đợi bác Jean về. Cả một tỉnh của một nước làm sao có thể mất đi như thế được.

Bố vẫn tiếp tục im lặng mấy ngày nay. Bố khó nhọc nuốt nước canh mà mẹ nấu cho bố, nhăn mặt đau đớn một lúc, mỉm một nụ cười, đắm vào im lặng. Một giấc ngủ yên ả, không gợn một tiếng than. Mặt bố coi bớt đờ, bớt khắc khổ, dịu dàng hơn. Càng ngày bố càng bớt đau đớn. Điều ấy an ủi tôi, khiến tôi khắc khoải. Bố đang nghĩ gì ?


Suốt đêm qua tuyết lại mưa. Tôi bắt đầu yêu cảnh sầu não trắng, câm, lan tràn tận vô tận dưới bầu trời xám của Paris. Sáng nay, bố không đau đớn nhăn mặt nữa. Sau bữa ăn sáng, bố thiếp ngủ liền. Rồi bố bắt đầu mê sảng. Với một giọng kỳ dị. Không là giọng sâu trầm, ấm áp, lanh lảnh kim khí mà tôi yêu. Cũng không phải cái giọng ôn tồn kể lại những khúc đời hạnh phúc của gia đình tôi. Một giọng trong suốt pha lê, giọng của trẻ con. Nó trong veo, sáng lạn. Nhưng mẹ và tôi chẳng hiểu nó nói gì. Lần đầu tiên tôi thấy mẹ khóc :

– Tiếng Việt đó, chắc chắn là tiếng Việt.

– Mẹ, đừng khóc. Về già, người ta thường rơi về thời thơ ấu, nhắc đi nhắc lại những vết thương xa xưa mà thời gian lẫn sự quên lãng không khép miệng sẹo được, trở thành lẩm cẩm. Nhưng bố không lẩm cẩm. Giọng bố hát. Chắc bố đang mơ. Được chết trong cơn mơ thật là may mắn.

– Con nói đúng.

Mẹ đặt áo đang đan xuống, đứng dậy.

– Trong tủ lạnh có đủ đồ nấu súp bò. Con nấu cho bố ăn trưa. Đừng để bột súp. Bố gớm mùi vị của nó. Đừng dùng nồi hầm thịt. Bố sợ nước súp đục mỡ. Con cắt hạt lựu rau và thịt, nấu lửa nhỏ, thật lâu, với chút muối. Thế thôi. À, nhớ vớt bọt và mỡ váng đều đều cho nước súp trong nhe.

Tôi nhìn mẹ, phân vân.

– Mẹ đi mua chút đồ rồi mẹ trở về.

Tôi nấu súp. Vào giờ trưa, tôi bón cho bố ăn. Bố thiếp ngủ liền sau bữa cơm, tiếp tục mê sảng trở lại. Tôi lắng nghe giọng trẻ con long lanh, tiếng hát của loài chim, tiếng thì thầm thầm kín của thiên nhiên, cả một vũ trụ tôi chưa hề biết tới. Tôi chỉ là một đứa con của thành phố.


Mẹ trở về với một máy ghi âm và một hộp băng ghi âm nhỏ. Tôi khắc khoải nhìn mẹ mở gói hàng, ráp hệ thống ghi âm.

– Đừng, mẹ. Mình không có quyền làm như thế. Thế giới ấy là của riêng bố. Chúng ta sẽ chẳng hiểu gì cả. Hơn thế, bố không còn làm chủ tư duy của mình nữa, bố có thể nói bất cứ gì. Chuyện này chẳng có ý nghĩa gì cả.

– Mẹ muốn biết, mẹ phải biết…

– Con xin mẹ, đó là bố con, nếu mẹ thu lời bố, sẽ có ngày con cũng muốn hiểu và con không muốn. Xứ sở của con là nước Pháp. Con không thể có tổ quốc nào khác. Đó là quá khứ duy nhất mà con có thể chiếm hữu, có thể hiểu, và ngay cả như thế… Có gì để hiểu trong chuyện này ?

– Mẹ sẽ huỷ bỏ mấy cuộn băng sau khi nghe bác Jean dịch cho mẹ.

– Mẹ thừa biết, mẹ sẽ không làm nổi và con cũng vậy. Con van mẹ…

Ngày ngày theo nhau, quấn quít nhau, và giống nhau. Những cơn mê sảng của bố không khiến chúng khác nhau nữa. Cứ một chuỗi tụng niệm mà mẹ và tôi chẳng hiểu gì cả. Mẹ và tôi không nói chuyện với nhau nữa. Tôi vừa mang áo quần đi giặt là mẹ chuẩn bị thu thanh, rình đón môi bố mấp máy. Tôi không ở lại phòng. Cái giọng trẻ con không biết kể chuyện gì ám ảnh tôi, khiến tôi khắc khoải, kinh hãi.

*

Tôi rùng mình khi nghe tiếng người bước trong hành lang. Bác Jean từ Việt Nam về, gày gò, da cháy đen sạm. Một nếp nhăn sâu chẻ ngang trán bác. Bác đưa cho mẹ một gói giấy nhỏ màu đỏ tươi rói, màu pháo ngày Tết.

– Trà sen ngon nhất Hà Nội đấy.

Bác Jean bước vào phòng trong, ngồi cạnh bố, nắm tay bố.


Mẹ rót nước trà. Một mùi hương nhẹ, đậm đà, ngọt ngào tuyệt vời. Bác Jean quay qua tôi :

– Mấy ngày vừa qua, bố cháu ra sao ?

– Hầu như hết đau đớn. Bố vẫn nói trong mơ. Chỉ bằng tiếng Việt. Nhưng bố không nói bơ bớt nữa. Gần hai ngày nay, bố đã im lặng.

Bác Jean thở dài, uống một hơi cạn tách trà.

– Anh đã tìm được. Thực ra đó là chữ Tàu và không là chữ Tàu. Đó là một chữ Việt viết bằng hai ký hiệu Tàu, một ký hiệu gợi nghĩa, một ký hiệu để phát âm. Người ta gọi nó là chữ Nôm. Việt Nam là một mảnh đất có văn hoá lâu đời. Văn hoá cổ xưa ấy còn để di tích của thời đồ đá, đồ đồng, đồ sắt… Anh đã thấy một số trong viện bảo tàng Guimet. Nhưng người Việt đã không biết tạo ra một cách viết. Văn hoá riêng của họ chẳng còn lại bao nhiêu ngoài ngôn ngữ. Ngôn ngữ đó cũng già nửa là gốc Trung Hoa. Người Việt Nam đích thực là người Tàu giả. Ở thế kỷ 13, có nhà nho Việt Nam đã nẩy ý mượn chữ Hán để ghi từ Việt, viết tác phẩm của họ trong tiếng mẹ đẻ. Đầu thế kỷ này, có trí thức cũng làm vậy, họ chọn ký tự latinh để biểu đạt, đăng tác phẩm của họ. Đó là nước Á Châu duy nhất viết như thế.

Bác Jean cười :

– Chúng ta là anh em họ qua chữ viết. Ở Hà Nội, anh đưa cái thẻ cho tất cả những ai anh gặp. Chẳng ai giải mã được. Nhưng những chuyên gia hiếm hoi về vấn đề này đều khẳng định đó là chữ Nôm. Khốn thay, chữ Nôm không là chữ viết chính thức của triều đình. Mỗi người tuỳ hứng mà tạo ra nó. Nói chung, cũng có một phương pháp, một sự đồng tình. Nhưng có thể có vô vàn cách viết cùng một từ vì ở đó, từ tỉnh này qua tỉnh khác, có cơ man giọng nói khác nhau. Thế nào đi nữa, chẳng còn mấy ai có khả năng giải mã những chữ ấy.

Bác Jean hớp một ngụm trà. Mắt bác mờ đi, xa xôi.

– Đáng tiếc là dân tộc ấy đã không biết tạo cho mình một lối viết. Văn hoá mấy nghìn năm của họ hầu như chẳng còn lại gì. Truyện cổ tích, truyền thuyết, toàn là ngôn từ, tục ngữ, thơ, ca dao. Tất cả đang mất đi với một tốc độ kinh hoàng do cuộc di dân của nông thôn về thành thị, sự xâm nhập của đài phát thanh, đài truyền hình vào nông thôn. Nhiều đứa trẻ chưa hề được nghe lời ru hời thời xưa. Có lẽ quá trình này bất khả kháng. Một nền văn hoá truyền khẩu có thể còn lại gì, sau 30 năm chiến tranh và chế độ ấy, hai mươi năm toàn cầu hoá bừa bãi, tư bản rừng ? Chưa kể hàng thế kỷ tàn bạo, nghèo khổ, nhồi sọ bằng ngôn ngữ hầu như ngoại quốc.

Bác cười, cay đắng.

– Một tay trí giả biết tiếng Pháp và sính Pháp cười nói toạc với anh : Tất cả người Việt đều bị phân tâm bởi vì họ đều lai căng hết. Họ nói tiếng Việt, suy luận với khái niệm Tàu, lý luận theo kiểu Descartes, viết với ký tự Latinh do cố đạo Bồ Đào Nha nhào nặn, học tiếng Anh và mơ đi Mỹ. Ngay năm mươi năm trước, có một ngạn ngữ mô tả hạnh phúc ở đời như thế này : ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật6. Chỉ còn lại thơ… Nhưng chỉ hai mươi năm nữa nó sẽ biến mất trong đời sống thường ngày trong khi đó ngày xưa, thuở tôi còn bé, chẳng thể nào sống một ngày mà không nghe một bài hay vài câu thơ. Người Việt chỉ trở thành chính mình ngày nào nó sáng tạo được một nghệ thuật sống trung thực với bản thể rạn vỡ của chính nó. Nếu có ngày ấy… Tay đó chẳng nói đùa tí nào.

Mẹ, hồi hộp :

– Thế cuối cùng anh có tìm được ý nghĩa của chữ ấy không ?

– Có. Anh đã mất hết hy vọng soi sáng bí ẩn này. Làm xong nhiệm vụ, anh vẫn đi đến tỉnh Bình Định.

– Vậy thì nó vẫn còn hả, bác Jean ?

– Dĩ nhiên, sao cháu hỏi thế ?

– Cháu xem bản đồ, không tìm ra tên.

– Tự nhiên thôi. Sau chiến tranh, người ta ghép nó với hai tỉnh khác để thành lập một tỉnh mới với một cái tên mới. Nhưng ở đó, mọi người vẫn gọi nó như xưa.

Bác Jean thở dài :

– Chỉ một thế hệ nữa, nó sẽ không còn nữa. Bên ấy như vậy. Mỗi lần đổi triều đại, người ta xoá sạch quá khứ, xoá tất cả, cải tên tất cả, và làm lại hết từ ban đầu. Trời đất, hoang phí hết chỗ nói !

– Kể tiếp đi, Jean.

– Anh không chắc, nhưng có lẽ bố anh cũng chết ở nơi đó. Một mảnh đất tuyệt đẹp. Nghèo không tưởng tượng được. Nhưng con người đầy nhân cách, cực hiếu khách ! Tại một làng, đang ăn bún giò heo sả trong một quán Tàu, anh thấy một bức tranh cổ với chữ Tàu. Anh giật mình nhận ra chữ khắc trên tấm thẻ. Anh nhờ chủ quán dịch. Ông ấy lắc đầu :

– Không phải chữ Tàu, đó là chữ Nôm. Trong làng vẫn còn một cụ có khả năng giải mã.

Anh liền bảo người hướng dẫn đưa tới nhà cụ. Anh đưa tấm thẻ cho cụ xem. Cụ nói :

– Đó là chữ Bình.

Bác Jean rút tấm thẻ từ trong túi ra.

– Riêng lẻ, nó có nghĩa là lọ bình, bình trà, những dụng cụ đựng chất lỏng… Một loại mạo từ. Chúng ta có mạo từ xác định, vô định, đực, cái, số ít, số nhiều… Đó là cách chúng ta chiếm hữu thế giới. Họ, họ suy luận theo loại tự nhiên, hay chức năng. Họ có đầy từ kiểu ấy. Tình7 chẳng hạn, ứng dụng cho mọi quan hệ trìu mến giữa con người, tình bạn, tình anh em, tất cả các hình thái tình người, nhưng không có tình yêu thú vật hay đồ vật. Bình hay được dùng ghép với những từ khác. Lúc đó nó có thể có một đống nghĩa khác nhau. Hoà bình, bình đẳng, bình địa, bình thản, bình định… Tỉnh Bình Định có lẽ trước kia nghĩa là một tỉnh đã được bình định. Có điều chắc chắn, người ta dùng từ này đặt tên cho con trai hay con gái một cách phổ biến. Đoàn đại biểu của Việt Cộng đàm phán với Mỹ ở Paris do một người đàn bà tên là Nguyễn Thị Bình dẫn đầu. Cậu sinh viên bị lính Mỹ ám sát trong chuyến bay đưa cậu từ Mỹ về Việt Nam tên là Nguyễn Thái Bình. Người ta đã vinh danh cậu trong một bài hát nổi tiếng thời ấy. Thái bình ! Những con người tội nghiệp ấy mơ tới nó hàng thế kỷ rồi.

Bác Jean bước tới Bàn Thờ Tổ, cất tấm thẻ vào lư hương. Bác cúi xuống mặt bố, ve vuốt, thì thầm :

– Em à, anh đã trở về nơi em ra đi. Anh đã tìm ra. Tên em là Bình. Tên ấy hợp với em. Hãy yên tâm mà ra đi. Nay mai, anh sẽ tìm gặp lại em.

Mẹ rót trà, đưa tách cho bác Jean. Tôi không dám nhìn tay mẹ. Tôi biết nó đang run.

– Jean, vì tình bạn, anh giúp em một việc nhé.

– Ừ.

– Từ khi anh đi, anh ấy mê sảng không ngừng. Chỉ bằng tiếng Việt. Hôm qua, anh ấy đã im lặng. Em sợ anh ấy sẽ chẳng bao giờ nói gì nữa.

Mẹ chỉ mấy cuộn băng ghi âm.

– Anh dịch hộ em.

– Em chắc em muốn nghe không ? Có thể là bất cứ gì, em biết chứ ?

– Em muốn. Em chỉ có thể tin anh thôi.

Bác Jean do dự một lúc, rồi quyết định :

– Được, nhưng không thể dịch hết, mình không có đủ thời giờ. Anh dịch cho em một cuộn, cuộn em muốn.

Mẹ lấy cuộn băng cuối cùng, tra vào máy. Bác Jean nhấn nút đọc, lắng tai nghe.

– Anh ấy nói về ánh nắng rọi trên mặt nước ruộng. Nước8 ! Cũng có nghĩa là xứ sở, tổ quốc. Dân tộc này sinh ra từ những thửa ruộng, nó lặn lội trong bùn đã hàng thế kỷ. Nắng trang trang, đúng vậy. Trang trang. Một cảm giác không sao quên được. Mỗi mặt nước như một tấm gương bạc lỏng mênh mông. Nắng phản chiếu bạo liệt không sao chịu nổi. Không thể trực diện nhìn nước được. Phải ngoảnh mặt đi, nheo mí mắt, liếc xéo để thoáng thấy những tia xét của nó. Ngữ vựng cổ của người Việt có đầy từ tượng thanh không thể dịch được. Tiếng nói này quá nhiều nhạc tính, dâm tính, nhục cảm. Ngôn ngữ thơ tiêu biểu nhất. Một loại quan hệ nguyên thủy với thế giới. Anh tin thế, ngôn ngữ tự nó là quan hệ nguyên thủy của con người với thiên nhiên, một quan hệ giữa người với người xuyên qua quan hệ chung của họ với thế giới, một thế giới không chỉ có vật chất, sự sống, mà còn có cả ký ức của muôn đời tổ tiên, của vô vàn thế hệ người đã tiêu vong. Thôi, anh dịch tiếp.

Bác Jean quay băng ngược lại, cho máy đọc tiếp.

Bão tố, gió hung tợn, nước xối xả liên miên, cái mát ẩm ướt nước mưa. Nó giải phóng con người khỏi hơi nắng hè ngột ngạt, mồ hôi nhễ nhãi áo quần. Trong vắt, xanh thăm thẳm. Cái trong vắt của không khí, màu xanh thăm thẳm bất tận của bầu trời sau cơn giông tố. Nó xanh hơn cả bầu trời đảo Réunion. Bên ấy, mặt trời xuất hiện liền sau cơn mưa, nóng bỏng, kịch liệt. Gió đẩy mây bay ngang lưng trời. Mây trắng rực rỡ, bay rất nhanh. Khi mây che nắng, mình thấy một lằn ranh giữa bóng tối và ánh nắng lướt trên mặt ruộng, mặt đồng. Có khi bóng tối chạy theo ánh sáng. Có lúc chính ánh sáng chạy theo bóng tối . Tuỳ gió. Trời ơi, sao nó có thể nhớ tất cả chính xác đến thế ?

Bác Jean ngả mình vào lưng ghế bành, nhắm mắt lại.

Ừ, ta đã từng sống tất cả những điều này. Những con đê, đâu đâu cũng có, tua tủa mọi phía. Mình đi bắt dế ở đó. Những con diều xòe cánh trắng giữa trời xanh, giữa những chùm mây trôi giạt. Tiếng sáo của chúng vang tận chân trời. À, mùi cào cào nướng, vị ổi chín ! Hà hà ! Chim chích chòe ! Nó bé như chim sẻ. Nó có đuôi dài. Nó đậu trên cây sậy. Nó xòe đuôi và hát, như thể giễu cợt người đời : chích chòe, chích chòe ! Một con vật nhỏ tinh ma ! Ta đã săn nó với ống xì đồng.

Mẹ im lặng nghe bác Jean, yên lòng.

Tôi không còn biết tôi đang nghe kỷ niệm của bố hay nỗi hoài hương của bác Jean.

Chưa bao giờ tôi lắng nghe một ngoại ngữ tha thiết như thế. Bác Jean giải thích tới đâu, ngôn từ của bố hiện thân trong tôi tới đó. Chúng soi sáng, vang vọng, rùng mình qua máu thịt tôi. Tôi nhìn thấy màu sắc tôi chưa từng thấy, tôi nghe thấy âm thanh tôi chưa từng nghe, tôi ngửi thấy mùi tôi chưa từng hít, tôi nếm thấy vị tôi chưa từng nếm. Tôi cảm thấy sự dịu dàng, cứng cáp, sôi nổi, sự trìu mến vô tận của một tiếng người.

Bây giờ tôi hiểu vì sao bố muốn tôi học phát âm rành rọt từng từ của tôi. Tiếng mẹ đẻ của bố độc âm. Mỗi âm tiết là màu, mùi, độ đặc, nhạc điệu, hình ảnh, cảm giác và ý nghĩa. Mỗi từ là khao khát, là chờ đợi. Hồi âm của tha nhân.

Đột nhiên một ý không chịu nổi giày xéo tôi. Cho tới lúc bi thảm, khi khối óc tan rã, bố toàn nói tiếng Pháp với tôi. Nhưng có lẽ trong vô thức bố vẫn nghiệm sinh nó như một ngoại ngữ. Trẻ sơ sinh biết phân biệt tiếng mẹ đẻ với tất cả thứ tiếng người khác. Vậy thì những lời yêu thương, trìu mến… Tôi sẽ không bao giờ chịu mất chúng được.

Tôi nhìn chồng băng ghi âm. Bây giờ, với bất cứ giá nào, tôi sẽ không huỷ hoại chúng. Tôi sẽ học tiếng ấy. Không chỉ như một công cụ tiếp thu kiến thức, trao đổi thông tin, một phương tiện chinh phục quyền lực, quyến rũ người đời.

Máy ghi âm đã câm lặng. Bác Jean thở dài, nhắm mắt lại.

– Lời ru con cổ xưa… Nó kể người mẹ và đứa con, gió mùa thu rít qua canh đêm. Ta biết. Mẹ ta đã hát cho ta nghe mỗi khi chiều về, lúc hoàng hôn. Một nỗi buồn không biết có từ bao giờ, khắc khoải, tuyệt vọng, khiến ta muốn khóc, muốn thiếp ngủ vĩnh viễn.

Mẹ lại rót trà cho bác Jean.

– Cảm ơn Jean, đó là qua đẹp nhất mà anh đã cho em. Em chẳng biết gì về tuổi thơ ấu, thiếu niên của anh ấy. Anh ấy không thích nói tới. Em tưởng anh ấy đã quên hết. Hạnh phúc ít trí nhớ quá mà. Anh nghỉ ngơi một tí đi. Một hành trình dài đang đợi anh.

– Đừng lo. Hành trình dài nhất là hành trình đưa ta quay về chuồng cừu của ta. Hành trình ấy, chắc chắn ta sẽ thực hiện được tới cùng.

Bác Jean đứng dậy, đi vào phòng trong. Mẹ và tôi không vào theo. Chắc bác muốn ở một mình một lúc với bố, im lặng nắm tay bố một lần chót.

*

Chiều nay, bố đã ra khỏi giấc ngất lịm dài. Đột nhiên bố mở mắt. Bố không kêu, không rên rỉ. Bố quá yếu để còn khả năng đau. Rất lâu, bố nhìn Bàn Thờ Tổ. Một nụ cười mơ hồ lướt qua môi bố. Giọng bố yếu ớt nhưng vững vàng, đầy đặc.

– Chắc là sắp tới lúc rồi.

Tôi rùng mình. Bố đã tỉnh trí. Sự sáng suốt của con người trước khi chết, có lẽ vậy.

– Em tắt đèn đi, châm một ngọn nến.

Mẹ tắt đèn. Mẹ đặt ngọn nến trên Bàn Thờ Tổ.

– Ừ, anh đã từng thấy một bàn thờ như vậy, xưa kia. Trong ánh sáng này, anh nhận ra nó. Màu đêm đâu đâu cũng vậy trên quả đất này. Chính ánh sáng của chúng ta mang lại màu sắc cho đêm. Hoa lan này trắng quá, đẹp quá ! Y như một người đàn bà khát tình. Người ta gọi nó là mỏ vẹt. Bình thường nó không có mùi, nhưng thỉnh thoảng nó tỏa ra một hương thơm lạ lùng, ngọt ngào. Em đốt tí trầm nhe.

Mẹ nhìn bố, sững sờ. Trong nhà chưa bao giờ có trầm. Bố mỉm cười :

– Ờ, đúng thế, mình chưa đốt trầm trong nhà bao giờ. Chẳng hề chi. Hai mẹ con đừng buồn. Anh chết, mãn nguyện. Anh cũng đã từng có mẹ, có một tuổi thơ âu yếm. Anh đã tìm lại được tiếng nói đánh mất. Nối lại được sợi dây đứt của đời anh. Bây giờ anh về nhà, xứ câm lặng khai sinh ra anh. Anh chẳng để lại gì đáng kể, ngay cả một tổ quốc, trừ hạnh phúc. Tổ quốc ấy chẳng thua kém gì những tổ quốc khác. Hãy che chở nó. Đừng bao giờ để nó chết, đừng bao giờ để nó biến khỏi thế gian này.

Mẹ bật khóc nức nở. Tôi lau nước mắt. Tôi thấy ánh mắt bố phai đi. Tôi khép mắt cho bố. Tôi hôn bố. Tôi để mẹ ở một mình với bố.


Ánh đèn phòng khách bào mắt tôi. Tôi hạ bớt. Tủ sách mênh mông của bố lùi trong bóng tối. Ở đấy, xưa kia, tôi khám phá rung động đầu tiên của thú đọc sách, sự mê hoặc của truyện cổ tích, truyền thuyết, hứa hẹn đầu tiên của ngôn ngữ, lời thề đầu tiên của ngôn từ. Những giây phút mê hồn. Cười, khóc, khắc khoải. Một khối đen sẫm, dày đặc, khủng khiếp. Tại sao bố đọc nhiều thế ? Mấy năm qua, bố đọc những gì ? Tôi tăng ánh sáng. Trong hai cột tủ sách, tôi thấy những sách tôi chưa hề phát hiện. Tôi xích gần lại. Bible, Coran, Talmud, tôn giáo Ấn Độ, Trung Quốc và nơi khác. Truyện thần thoại của không biết bao nhiêu nước. Phần còn lại đầy đặc tác phẩm triết của Marx, Sartre, những triết gia nổi tiếng, vô danh, kinh điển, hiện đại, thậm chí hậu hiện đại. Bố chưa bao giờ nói về những gì bố đã đọc. Bố đã giữ lại phần đời ấy cho riêng mình. Mẹ và tôi cũng chẳng quan tâm tới. Chẳng để làm gì. Có đầy chuyện khác phải lo toan. Mẹ và tôi đã là, vẫn là của thế giới này. Gắng hoà mình vào nó, ở lại trong nó, ít nhất trong chừng mực có thể. Còn bố, bố hay nói : Bất khả thi phi nhân tính. Tôi thường cười. Xưa nay tôi vẫn học làm người biết điều, chỉ khát khao những gì khả thi. Có thể tôi sai. Tôi vơ đại một quyển sách rách nát. Tôi mở ra xem. Trang giấy chằng chịt ký hiệu nho nhỏ. Dấu thập, chấm than, ghi chú mỉa mai… Bên dưới, trong phần cước chú, một câu phết mực đỏ trong :

đúng lúc cạn ý
có liền một ngôn từ.

Tại sao bố nhấn mạnh câu ấy ? Tại sao bố chú ý tới thơ của Goethe trong Tư Bản Luận ? Tôi tới kệ sách chứa tác phẩm của Goethe. Tôi lôi quyển sách ra, lật xem. Đúng là đầy dấu thập, chấm than, ghi chú, nhiều câu được gạch dưới. Nhưng câu đó thì không. Chắc bố chỉ chú ý tới nó trong khi đọc Marx. Không hiểu bố đã nghĩ gì khi bố nhấn mạnh câu ấy ? Trong những gì bố viết để lại có thể có điều giúp tôi hiểu.

Trên bàn giấy của bố, chễm chệ, một quyển sách đóng gáy cực sang trọng. Bố đã đặt mua của một tay thợ thủ công mê sách đẹp. Bố muốn ghi vào đó những kỷ niệm đẹp nhất trong đời mình với nét bút đẹp nhất của bố. Tôi lưỡng lự một lúc. Bố chết rồi. Tôi có quyền đọc. Tôi mở sách. Chuyện đời tôi. Tôi lật trang. Toàn là giấy trắng. Tôi nhớ lại bướm giấy bố vứt vào cầu tiêu. Tôi run rẩy khép sách lại. Một tờ giấy nhỏ rời ra, rơi xuống đất. Nó đầy nét mực. Tôi nhặt lên.

Tôi muốn được thiêu xác, tro tàn vứt vào chồ, giật nước trôi đi.

Tôi rùng mình. Ngạc nhiên, cay đắng, căm thù đè bẹp tôi. Sao bố nỡ ác độc như thế với mẹ và tôi trước khi bố chết ? Tôi nghe thấy mẹ đứng dậy. Không thể để mẹ thấy mẩu giấy này.

Tôi nhét vội nó vào túi, tôi lao vào cầu tiêu, tôi xé nó vụn, tôi giật nước. Tất cả biến đi cùng một lúc.

Rất lâu, tôi lau nước mắt, bóp nghẹt tiếng nức nở, cố gắng làm chủ lại nhịp thở. Cuối cùng, một ý nghĩ an ủi tôi. Thông điệp không ghi ngày tháng. Bố đã viết nó từ lâu lắm trong một cơn uất ức, thịnh nộ, tuyệt vọng, trong tình yêu không sao thành lời. Nhưng chính bố đã nói, bất khả thi phi nhân tính. Sẽ có một ngày tôi nói được điều bất khả ngôn, nói được tình yêu, lối thoát duy nhất chấp nhận được trong kiếp sống này. Tình yêu trong mọi nhân ngữ. Bố đã chết. Chắc chắn đó không là ý nghĩ cuối cùng của bố vì bố đã chết trong sự toại nguyện. Mẩu giấy ấy không còn nữa, nó chưa hề có thực. Thế là hết. Bố đã trở về nơi xuất thân. Sự im lặng.


Nguyên tác : Mourir, 2002

Tác giả tự dịch, 11-2006


1 La Bible, Thánh Kinh, Société biblique de Genève, ISBN 2-8260-1004-2.

2 La liberté, c'est l'angoisse du choix. Sartre.

3 Sous les pavés, la plage… Thơ vẽ trên tường Paris, tháng 5-1968.

4 Frères humains, qui après nous vivez, thơ François Villon. Theo truyền thuyết tác giả làm bài thơ này trong tù, trong khi chờ đợi bị treo cổ.

5 Tiếng Việt trong nguyên tác.

6 Tiếng Việt trong nguyên tác.

7 Tiếng Việt trong nguyên tác.

8 Đoạn này, chữ nghiêng viết bằng tiếng Việt trong nguyên tác.


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Mậu Tý 2
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss