Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Yêu trong hoàng hôn

Yêu trong hoàng hôn

- Ninh Kiều — published 08/01/2011 09:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20


tua




(Đây là một truyện ngắn hoàn toàn hư cấu mua vui ngày Tết.
Song nếu lỡ có sự trùng hợp với chuyện người là ngoài ý muốn của tác giả.)


Mai, Lan, Cúc và Trúc, bốn tên trùng với tên bốn mùa. Mai gốc Bắc. Lan người Đà Nẵng. Cúc và Trúc sinh đẻ ở Sài Gòn. Bạn thân từ thuở nhỏ. Qua Pháp du học không ở gần nhau song vẫn giữ liên lạc. Tốt nghiệp, lấy chồng đẻ con, bặt tin một thời gian nhưng khi con cái lớn rồi thì lại thân tình. Đến khi có cháu nội ngoại càng thêm gắn bó. Trong những năm gần đây, họ thường gặp gỡ để kể chuyện tào lao. Và lần này thì mọi người nóng ruột đợi Trúc, đã hơn một giờ trưa vẫn chưa thấy đến. Vậy là tin đồn có thể thật ?

– Trúc đã nói gì với Mai ?

– Trúc hứa thế nào cũng đến. Có nhiều chuyện vui kể cho bọn mình nghe, bảo đảm cười vỡ bụng. Trúc bảo đang đọc cuốn gì đó dày hơn nghìn trang.

– Thôi Cúc biết nó đọc sách gì rồi. Cuốn hồi ký “Đời tôi” của bà Sofia Tolstoï.

– Năm nay kỷ niệm 100 năm ngày mất của văn hào Léon Tolstoï, Mai có thấy trên Internet.

– “ Chiến tranh và Hoà bình ”, Lan chưa đọc cuốn sách này nhưng vừa mới xem bộ phim nhiều tập trên đài 5.

– Hồi nhỏ Mai có nghe mẹ Mai kể là Léon Tolstoï đã bỏ nhà ra đi giữa mùa đông, hấp hối trong một nhà ga hẻo lánh và còn cấm không cho bà vợ đến gặp mặt. Đấy là bà đã đẻ cho ông 13 đứa con mà còn thế.

– Chắc bà cũng dữ lắm cho nên mới tới nước đó. Cúc nghe nói bà hay lục đồ đạc của ông để coi ông có lén viết giấy phế truất quyền thừa kế của con cái không ? Ban đêm, ông nghe tiếng sục sạo tìm kiếm như nhà có ma.

– Khi lấy nhau, bà mười tám, ông ba mươi bốn, cách nhau mười sáu tuổi. Mẹ Mai hay bảo lấy chồng lớn hơn mình nhiều tuổi và từng trải thì đỡ lo sau này chồng ăn chơi hư hỏng.

– Cúc nhận thấy xã hội nào cũng ưu đãi đàn ông, thiệt không công bằng.

– Chắc tại chính mình cũng hay phân biệt con trai con gái.

– Ai chứ Mai thì không. Mai dạy con trai nấu ăn. Bây giờ nó có vợ Hàn quốc, lại gặp ngay con vợ chả biết nấu nướng. Rốt cuộc hai đứa dẫn nhau đi ăn nhà hàng !

– Lan nghe nói trong chế độ mẫu hệ, đàn ông cũng bị đàn bà hành hạ khổ sở. Nhưng khi chuyển qua phụ hệ, các ông khôn hơn mình, phát minh ra chữ viết, đặt luật lệ và ghi hết trên đá. Con cháu cứ rứa mà làm. Đàn bà mà ngoại tình thì ném đá cho chết.

– Bây giờ luật lệ đã thay đổi nhiều, cởi mở hơn cho phụ nữ nhưng trên thực tế, chính người đàn bà tự ràng buộc mình với gia đình, khó rứt ra lắm.

– Cúc nói rứa chớ các bà ly dị ào ào. Mười vụ thì hết chín vụ do các bà đưa đơn.

– Lan nói không sai nhưng Mai thấy số phụ nữ bị giết chết mỗi năm ở Pháp không phải ít. Cứ hai ngày rưỡi, một bà bị chồng đánh chết, chưa kể số bà bị thương hay tự vận. Chết do bạo hành thì dễ thống kê chứ chuyện quát tháo, khinh bỉ người đàn bà thì làm sao biết. Chồng sỉ nhục vợ xảy ra trong mọi giới, từ trí thức tới bình dân, chưa kể con cái bị vạ lây. Người ta đang sửa đổi luật lệ để bảo vệ đàn bà con nít nhưng Mai thấy lạ một điều, nhiều bà thoát nạn nhờ các cơ quan xã hội cứu giúp vẫn muốn quay trở về với chồng.

– Chẳng lẽ phụ nữ maso(1) ?

– Bị đánh đến chết thì chắc cũng đã từng bị đánh ít nhiều rồi, vậy mà vẫn không lo trốn. Thiệt lạ lùng !

– Trốn đi đâu. Dẫn con ra đường, trước mắt là tối nay ngủ ở đâu ? Cũng chả có thể thổ lộ với ai vì xấu hổ.

– Vậy lỡ Mai bị chồng đánh thì có nói cho Lan biết không ?

– …

– Nói cho cùng, hạnh phúc chỉ là cảm giác.

– Vậy thì chúng mình đều hạnh phúc.

– Gặp nhau toàn nói chuyện cháu nội cháu ngoại.

– Lan hạnh phúc với kinh kệ.

– Mai vui với cây đàn.

– Cúc tưng bừng nhảy nhót.

– Chúng mình có chồng, có con có cháu, có nhà có cửa. Còn muốn gì nữa.

– Nhưng chúng ta vẫn cô quạnh...

– Cô quạnh hai mình !

– Chúng ta lại không có quyền than phiền mà than phiền cũng chả ai thèm nghe !

Có tiếng gõ cửa. Trúc tươi cười bước vào. Mai, Lan và Cúc đồng thanh kêu lên.

– Trúc ơi, sao bây giờ mới đến ?

– Xin lỗi bắt các bạn chờ. Trúc đói bụng lắm.

– Trúc bây giờ ở đâu ?

– Tui ở nhà tui.

Mai, Lan và Cúc nhìn nhau : vậy là tin đồn có thật ?

Trước vẻ lo lắng của ba bạn, Trúc lắc đầu :

– Trúc không sao cả. Đã tìm được chỗ núp lạnh ! Rồi lại quơ được cuốn sách quá hay của bà...

Mai, Lan và Cúc cùng kêu lên :

– Sofia Tolstoï.

– Giỏi, sao đoán hay quá vậy ! Ăn xong mình kể cho nghe.

Sau bữa cơm, Trúc kể :

– Trong bọn chúng mình, có ai đẻ đều đều từ 18 tới 46 tuổi không ?

Cả ba :

– Không ạ !

– Trong bọn mình, sau một đêm ân ái nồng nàn, sáng hôm sau có ai thấy chồng mình viết trong nhật ký “ đêm tội lỗi ” không ?

– Chồng em chả bao giờ viết nhật ký.

– Chỉ ưng sửa đồ cũ, cũ mấy cũng sửa.

– Sao lại tội lỗi ?

– Tội lỗi vì trái với nguyên tắc sống của Léon Tolstoï là phải từ bỏ tình dục, từ bỏ mọi ham muốn vật chất trên đời này.

– Thế thì Léon Tolstoï đi tu cho rồi chứ lấy vợ làm gì.

– Trong chúng ta, có ông chồng nào hàng ngày viết nhật ký lên án vợ mình là kẻ tham lam vật chất, sống trên đau khổ bóc lột người khác không ? Chưa hết, nhật ký còn được cất giữ trong viện bảo tàng để hậu thế tham khảo.

– Chồng em chỉ đánh máy báo cáo khoa học.

– Chồng em chỉ biết viết toa thuốc.

– Còn chồng em thì gõ chương trình máy tính ạ.


vochong

Ông bà Sofia và Léon Tolstoï

– Ban ngày, bà Sofia nghiến răng cho con mới đẻ bú vì bị lở vú, tìm bác sĩ chữa bệnh cho một đứa khác, mời thầy về nhà dạy học cho mấy đứa lớn, điều khiển người làm, đầu bếp, vú em và còn cắt may quần áo cho con lẫn chồng. Ban đêm, bà thức chép và sửa chữa 7 lần “ Chiến tranh và Hoà bình ”, chưa kể “ Anna Karénine ”, “ Phục sinh ”. Khi chép lại truyện ngắn “ Xonat tặng Kreutzer ”, bà vừa khóc vừa giận vì Léon Tolstoï đã thoá mạ đàn bà “ Phụ nữ chỉ giỏi khai thác những khía cạnh nhạy cảm của đàn ông chúng ta ”, “ Hôn nhân chỉ là một kiểu mãi dâm được hợp thức hoá ”. Bà cũng không vừa gì, viết cuốn tiểu thuyết “ Lỗi tại ai ? ” để trả đũa chồng bằng văn học.

– Về phương diện này, mình không có vấn đề vì sống như hai người mướn nhà ở chung, mỗi đứa một phòng. Nghe nói có bà nào đó không chung phòng với chồng hơn 30 năm và khi dọn dẹp nhà cửa thì dừng chổi trước cửa phòng chồng !

– Vợ chồng nhà này thì thường nằm xây lưng, cần thì mới đối mặt. Bây giờ không còn “ lưng ” nữa vì “ lưng ” mắc ở bên Việt Nam, một năm hết chín tháng. Không biết làm gì bên ấy mà dạo sau này mỗi lần trở về thấy mặt mày tươi rói.

– Mình thì hay bị đạp xuống giường nên không còn gì phải bàn.

– Để Trúc nói tiếp cho nghe. Bà Sofia bận bịu suốt ngày với công việc nhà như tiếp đãi, cơm nước cho khách khứa khắp thế giới đến hâm mộ ông Tolstoï trong số đó có đám đồ đệ nhếch nhác của ông mà bà gọi là những kẻ “ u tối ”. Bàn ăn nhiều khi có tới ba bốn mươi người. Bà con hai bên ghé ở chơi vài tuần là chuyện thường. Bà là con gái bác sĩ riêng của Nga hoàng, quen sống thành phố. Lấy chồng rồi thì phải sống trong nông trại, xa Moscou, giữa đồng không mông quạnh, mùa đông tuyết trắng xoá lạnh khủng khiếp với đẻ chửa và bầy con ngày càng đông, đau ốm triền miên. Vậy mà khi cần tới ông thì ông bận chẻ củi, kéo nước giếng, cắt cỏ cho bà nông nô goá bụa trong nông trại của chính ông. Tối tối ông còn bận đóng giày ủng cho nông nô...

– Nhà mình thì hô đâu có đó nhưng đóng đinh vô cột thì đinh cong mà cột không thủng.

– Nhà mình thì chưa đến nỗi như rứa. Chỉ phải tội có cái tật lạ lùng là chín giờ tối lên giường, hai giờ sáng đã xuống giường, đái một cái, rồi đi thẳng ra cửa, lái xe tới phòng mạch ngủ tiếp. Chẳng cần biết có người mất giấc ngủ nằm nhắm mắt lo bãi đậu xe ban đêm ban hôm vắng vẻ...

– Mình thì nhờ gì cũng quên, nhờ đi đón con quên đón. Sợ quá !

– Để mình kể tiếp nghen. Nhà Tolstoï giao thiệp rộng. Những tên tuổi kê ra trong cuối cuốn sách, Trúc đếm sơ sơ, có trên nghìn người. Đó là các nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ, nhà xuất bản, bà con họ hàng hai bên, các nhân vật trong giới quý tộc, trong chính quyền Nga hoàng như các bộ trưởng, các sĩ quan và những kẻ “ u tối ”... Sống xa ông, bà rất đau khổ mà sống gần ông, bà càng khổ hơn. Bà là người gợi hứng cho ông và cũng là người cản trở ông sống như ông muốn. Nghe hoà nhạc ông xúc động đến rưng rưng nước mắt nhưng ông lại chống âm nhạc vì theo ông không thể ngồi nghe nhạc trong khi nông nô đói rét. Mà đúng là dân Nga có lúc đói rét khủng khiếp thật ! Ông muốn giúp đỡ nông nô, sống khổ như họ nhưng khi họ đau ốm ông không biết phải làm gì vì ông ghét bọn bác sĩ trong khi bà vận dụng hiểu biết y học thông thường qua việc chữa bệnh cho chồng con để giúp họ. Cuối đời, bà đã thảng thốt kêu lên “ Tôi không hiểu nổi người đã chung sống với tôi trong 48 năm ”. Theo Trúc, bà có hiểu ông và nhất là đã dũng cảm nhận xét “ ông chỉ thích chăm lo danh tiếng của mình ”.

– Có người mở mắt ra chỉ thấy có mình, không thấy ai ngoài mình !

– Bởi vậy người ta mới làm được việc lớn !

– Mắc lo hạnh phúc nhân loại đâu có thời giờ cho vợ con !

– Trúc đã đọc hết cuốn “ Đời tôi ” trên nghìn trang của bà rồi gập sách, nhắm mắt để coi còn đọng lại những gì trong lòng mình. Hạnh phúc. Khổ đau. Hạnh phúc vì bà Sofia là một phụ nữ được chồng yêu và yêu chồng, đau khổ vì bà sống tất cả vì chồng, vì con cái, trân trọng thiên tài của chồng mà không được nhìn nhận lại còn bị trách móc, buộc tội nặng nề. Nhiều lần bà đã muốn tự tử.

– Theo Mai, cho dù bà có chấp nhận sống nghèo khổ như nông nô cùng cực, như ý ông muốn thì Mai tin là cũng không sao vừa lòng ông, ông vẫn sẽ không bao giờ thỏa mãn về bà.

– Vì bản thân ông cũng không có lối thoát.

– Chính ông cũng không biết trên thực tế phải làm gì cho hợp với lý tưởng ngoài thí mạng vợ con.

– Đúng vậy. Ông cũng thừa nhận là ông sống trong mâu thuẫn, giữa niềm tin và thực tế… Lạ một điều là ông bà suốt đời chung thuỷ với nhau. Có lẽ nhờ ông đã quá ăn chơi trác táng trong suốt thời thanh niên chưa vợ. Trước ngày cưới, ông đã trao cho bà đọc cuốn nhật ký kể tất cả các mối tình của mình. Sau khi lấy ông, một hôm bà gặp hai cô người làm lúi húi chùi sàn nhà. Một trong hai cô là người yêu cuối cùng của bá tước Tolstoï, một phụ nữ thôn quê chắc nịch đã đẻ cho ông Tolstoï một thằng con trai giống cha như đúc. Khi bà đặt vấn đề với ông, ông hứa với bà sẽ lo chuyển hai mẹ con người này đi ở một nông trại khác nhưng ông chẳng bao giờ thực hiện. Về sau đứa con vô thừa nhận này lại trở thành phu xe ngựa cho đám con chính thức của ông.

– Mai nhận thấy người ta dễ tha thứ tội lỗi của đàn ông. Một ông già nói chuyện tình yêu không thấy kỳ mà mình nói sao thấy kỳ kỳ vì làm như mình... yêu trong hoàng hôn !

– Chắc vậy mà Cúc bị chê “ Mẹ không biết yêu ”.

– Còn Lan bị mắng “ Mẹ không biết giữ chồng ”.


bercy

Cầu Simone de Beauvoir

– Để nghe Mai kể chuyện này, chưa bao giờ dám thổ lộ với ai. Mình hay mơ gặp lại mối tình đầu. Nhớ lúc mình múc gáo nước rửa tay, tự nhiên anh ấy rút mùi soa đưa cho mình lau. Mình còn nhớ mùi thơm. Nghe nói bây giờ anh ấy ở bên Úc, đã có vợ có con, thỉnh thoảng về Sài Gòn. Biết đâu có lúc gặp nhau ở chợ Bến Thành…

– Lan thì gặp anh ấy của Lan trên Internet, viết mail cho nhau nhưng chưa gặp. Chín tháng cô đơn trong khi “ lưng ” vui vẻ ở Sài Gòn mà mình không hề dám hò hẹn.

– Dường như chúng mình chỉ biết lấy chồng chứ chưa biết yêu.

– Chưa yêu sao lấy người ta được ?

– Ban đầu chỉ có đôi chút cảm tình rồi khi được người ta nắm tay thì mình thấy rung động vì tất cả đều quá mới mẻ. Thế thôi !

– Suốt đời chỉ biết có một người, hay dở gì cũng chỉ một ! Lại vớ phải cái anh chàng cả đời chẳng bao giờ nhớ sinh nhật vợ !

– Chớ đừng nói tới tặng một đóa hoa !

– Đừng hòng gì nghe “ Anh yêu em ” !

– Bởi thế mới có bà già bảy mươi mê vidéo Hàn quốc, xem đi xem lại đoạn phim có câu “ Anh nhớ em ”, năm lần !

– Chẳng lẽ ở tuổi này rồi mà chúng mình vẫn còn cần một mối tình thơ mộng ?

– Tại sao không ? Nắm tay nhau đi dọc bờ sông Seine.

– Dừng lại hôn nhau trên cầu Bercy(2) có gió vuốt ve hai mái tóc nhuốm bạc.

– Nhìn nhau để em vẫn còn thấy em trong mắt anh.

– Chia sẻ !

– Chỉ hai chúng mình !

– Giấc ngủ.

– Miếng ăn.

– Nhắc nhau uống thuốc.

– Đo huyết áp.

– Bằng lời âu yếm dịu dàng.

– Em đàn anh nghe.

– Em niệm Phật thì anh đợi em ngoài sân chùa dưới bóng cây bồ đề.

– Em nhảy nhót thì anh ngắm bóng dáng em.

Bỗng dưng, tất cả im bặt.

Một lúc sau :

– Có buồn không hở Trúc ?

– Không ai có quyền đuổi Trúc, có biết không ?

– Không chịu đi thì làm gì nhau nào ?

– Ra được khỏi nhà là một may mắn vì khó bỏ đi lắm ! Nhất là ở tuổi chỉ muốn yên thân. Trúc quen sống hai mình. Rất sợ quạnh hiu.

– Chín tháng thui thủi một mình để được ba tháng có cảm tưởng hết cô đơn. Ra đi chắc còn khổ hơn nữa !

– Nhưng biết đâu có ngày Lan gặp “ Độc Cô Cầu Bại(3) ”,  Mai gặp Tử Kỳ(4) và Cúc thì có người dìu để “ Trên vũ trường em vẫn còn bay nhảy. Như cánh diều lên như lộc mùa dâng(5) ”.

Mai, Lan và Cúc đồng thanh kêu lên :

– Tìm đâu ra ?

– Có một nhà khoa học đã nói “ Người tìm ra cái gì đó là người đã bỏ công tìm kiếm nó lâu nay ”. Không tìm thì chẳng bao giờ thấy. Biết đâu nó ở ngay bên cạnh. Còn nếu không thích tìm thì cứ tự chăm sóc bản thân để mãi mãi là một chiếc lá, một bông hoa tươi tắn để ngày nào đó có nhà sưu tầm đồ cổ chợt phát hiện ra ! Và nếu không ai thấy mình thì mình vẫn sống vui vẻ. Chẳng sao ! Trúc tin như vậy...

Mai, Lan và Cúc nhìn nhau và cùng hướng về phía Trúc :

– Hỏi thật, nghe đồn Trúc có người yêu, phải vậy không ?

Trúc phá lên cười :

– Không có nội tình thì ngoại tình. Trong đời cũng nên ngoại tình một lần cho biết !


Ninh Kiều

Hà Nội giáp Tết Tân Mão 2011




_______________

(1) maso : lối nói tắt của từ tiếng Pháp masochiste (người thích bị hành hạ).

(2) Bercy : chiếc cầu vắt qua sông Seine dành cho người đi bộ cạnh công viên Bercy rất đẹp (cầu này được đặt tên Simone de Beauvoir).

(3) Độc Cô Cầu Bại : một nhân vật điển hình trong các tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung, tượng trưng sự cô đơn của một con người không tìm ra đối thủ ngang tài sức với mình.

(4) Tử Kỳ : Bá Nha và Tử Kỳ là hai người bạn tri âm thời Xuân Thu Chiến Quốc. Tử Kỳ biết thưởng thức tiếng đàn của Bá Nha.

(5) Thơ Trụ Vũ.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss