Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / 48 năm, một mẩu chuyện nhỏ

48 năm, một mẩu chuyện nhỏ

- Hồ Ngọc Nhuận — published 08/07/2015 09:50, cập nhật lần cuối 10/07/2015 20:32
Thân gửi các bạn tôi và “Gia đình Tin Sáng” nhân ngày giỗ Ngô Công Đức lần thứ 8



48 năm, một mẩu chuyện nhỏ



Thân gửi các bạn tôi và “gia đình Tin Sáng”

Nhân ngày giỗ Ngô Công Đức lần thứ 8 (22/6/2007–22/6/2015)

Nhằm ngày 8 tháng 5 năm Đinh Hợi


Hồ Ngọc Nhuận




Các bạn thân mến,

Vừa qua có một số bạn đã liên tiếp hỏi tôi về cuốn hồi ký của anh Dương Văn Ba trong đó có nói về tờ Tin Sáng và về chủ nhiệm Tin Sáng, anh Ngô Công Đức.

Chị Minh HIền, nguyên Tổng biên tập báo Doanh Nghiệp, anh Võ Văn Điểm, tức nhà văn Võ Ngàn Song, thành viên của “gia đình Tin Sáng trước và sau 1975”, và mấy bạn nữa đã gọi điện. Có bạn đã viết thư.

Anh Tống văn Công, người từng lần lượt điều khiển ba tờ báo Công Đoàn, Người Lao Động, Lao Động MớiLao động, trong thư gửi tôi đề ngày 29-3-2015, đã viết : “… Lâu quá không có liên lạc với anh. Nay có chuyện hồi ký Dương Văn Ba, tôi muốn hỏi ý kiến anh. Cách đây mấy năm khi đọc hồi ký này, tôi thấy nhiều chỗ không đúng. Vì không thân anh Ba nên tôi yêu cầu Trần Trọng Thức góp ý. Khi thấy Viet-studies đăng, tôi liền góp ý với anh Trần Hữu Dũng. Anh THD trả lời : anh ấy cũng thấy nhiều chỗ không đáng tin, nhưng anh DVB “sắp đi”  và muốn gửi gắm quyển hồi ký cho THD nên anh ấy cứ phải đăng, sau nay ai thấy sai thì có ý kiến.

 Sáng nay có anh bạn gọi điện hỏi tôi về nguyên nhân Tin Sáng "hoàn thành nhiệm vụ" có đúng như DVB nói không?

Và anh tiếp : “Anh Ngô Công Đức đã qua đời. Anh Nhuận là người có đủ tư cách để trả lời câu hỏi này : Một là trả cho lịch sử đúng sự thật. Hai là minh oan cho người bạn đã qua đời” (Tống Văn Công, 29-3-2015)

Tôi chân thành cám ơn và xin lỗi các anh chị, vì đã chần chờ khá lâu. Bởi tôi không biết viết những gì và viết như thế nào. Mà viết thế nào thì cũng như là bới thêm chuyện gia đình mà phơi thêm ra. Tốt đâu chưa thấy, đã thấy tự mình vạch lưng mình. Mặc dù, với tư cách là một trong hai người chủ trương tờ Tin Sáng cũ, rồi Tin Sáng mới, và cả tờ Điện Tín của cựu Nghị sĩ Đại tá Hồng Sơn Đông, nếu tôi lên tiếng thì không phải chỉ để minh oan cho “người bạn đã quá cố” mà thôi, mà còn là minh oan cho chính tôi và cho cả tập thể gia đình Tin Sáng. Bởi có thể nói tờ Tin Sáng trước 1975 là một tờ báo đối lập chánh trị có nhiều độc giả nhất nhì Sài Gòn lúc bấy giờ, với những cây viết nổi tiếng mà ai cũng biết. Và tờ Tin Sáng sau 1975 là một tập hợp hiếm thấy chẳng những trong làng báo, làng văn xưa nay ở Sài Gòn, mà còn trong một số khá đông những thành phần tiêu biểu của Sài Gòn cũ, lại có cả sự tiếp tay của một số cây viết của Hà Nội hay từ Hà Nội về. Vì vậy, nếu có ai nói rằng mối quan hệ giữa chủ nhiệm Ngô Công Đức và tập thể Tin Sáng là mối “quan hệ chủ thợ” thì chẳng những là nói oan cho Ngô Công Đức, mà còn xúc phạm cả một tập thể rộng lớn những người từng đóng góp công sức cho Tin Sáng và xúc phạm cả chính tôi nữa.

Nhưng tốt nhất là đề cho các sự kiện lên tiếng. Và vì vậy tôi xin gởi đến các bạn một mẩu chuyện nhỏ sau đây. Một mẩu chuyện nhỏ có thực, đã thực sự diễn ra tại đây đến nay đã được 48 năm. 48 năm, một mẩu chuyện nhỏ, về một “gia đình” mà tôi gọi là “gia đình chánh trị nhỏ” của chúng tôi, mà trong đó cũng có một vài anh em thuộc “gia đình Tin Sáng”, và nhật báo Tin Sáng cũng là một thành phần quan trọng có liên quan 1. “Gia đình chánh trị nhỏ” nầy trong một thời gian dài mấy chục năm, qua mấy thời kỳ lịch sử tiếp nhau, đã cùng chung sức với nhau trong nhiều hoạt động, vui buồn, hoạn nạn thường có nhau. Trong đó có Ngô Công Đức, có Dương Văn Ba, có Nguyễn Văn Binh, có Hồ Ngọc Nhuận, có Hồ Văn Minh, có Nguyễn Hữu An và nhiều người nữa. Trong đó còn có nhiều anh từ nhiều miền đất nước lưu vong qua nhiều nước sau 1975, và có 09 anh từ đất Mỹ, và mấy anh từ mấy nước nữa, đã gởi thư điện tử về cho tôi để chia buồn cùng gia đình Ngô Công Đức, khi Ngô Công Đức qua đời ngày 22 tháng 6 năm 2007, nhằm ngày 8 tháng 5 năm Đinh Hợi.

Tôi gọi là “gia đình chánh trị nhỏ” chớ không gọi là “tổ chức chánh trị”, bởi không ai tổ chức, cũng không có tổ chức gì hết, mà chỉ là đồng thanh, đồng lòng tìm đến với nhau, và cùng sát cánh hoạt động với nhau trong mấy chục năm liền, trước và sau năm 1975. Ngoại trừ một thời gian ngắn 08 năm, từ 1967 đến 1975, với một “nhóm” nhỏ đối lập ở Hạ Nghị Viện Quốc Hội VNCH, nhóm Xã Hội Mới, mà tôi là trưởng nhóm. Gọi là “nhóm” vì chỉ có 11 thay vì 12 người là túc số cần thiết theo nội quy HNV để thành lập một Khối chánh thức tại Quốc Hội. Sau một thời gian hoạt động khá năng nổ, Nhóm Xã Hội Mới, gồm đa số là trẻ, đã kết hợp với vài nhóm đối lập khác, đặc biệt với nhóm Dân Tộc, và vài dân biểu độc lập, để trở thành một khối đối lập chánh thức có tên là khối Xã Hội Dân Tộc. Khối nầy, không lâu sau, lại lột xác một lần nữa để biến thành hai khối, một trong hai là Khối Xã Hội, mà anh Phan Thiệp, gốc Quốc Dân Đảng Quảng Nam, làm trưởng khối cho đến hết nhiệm khóa 1/HNV, vào năm 1971, và tôi là Phó Trưởng Khối. Sang khóa 2/HNV, từ 1971 đến 30-4-1975, một số dân biểu Khối Xã Hội bị chánh quyền tổ chức gian lận bầu cử đánh bại ở một số tỉnh, trong đó có anh Ngô Công Đức, nhưng Khối Xã Hội vẫn trụ vững, nhờ có một số dân biểu mới đặc cử gia nhập, trong đó có dân biểu luật sư Trần Văn Tuyên. Ở nhiệm khóa 2/HNV anh Trần Văn Tuyên là Trưởng Khối Xã Hội, tôi là Phó Trưởng Khối, cho tới ngày “đứt phim”.

Tôi nói “gia đình chánh trị nhỏ”, mà không nói riêng gia đình Tin Sáng. Bởi hoạt động của Đức, Ba và tôi, và một số anh em nữa, là có trước và sau cả Tin Sáng. Là gồm một số lãnh vực hoạt động khác hơn hoạt động báo chí, mà những anh chị em thuộc riêng gia đình Tin Sáng không phải ai cũng tham gia. Và nếu chỉ nói riêng về gia đình Tin Sáng thì thiết nghĩ bất cứ người nào trong gia đình nầy cũng có thể lên tiếng phủ nhận cái gọi là “quan hệ chủ thợ” ở Tin Sáng. Trừ phi có ai đó đã thực sự ngồi nhầm chỗ.


Nhưng nếu chỉ nói riêng về “gia đình Tin Sáng” thì “gia đình” nầy có tới ba tờ Tin Sáng, dưới những hình thức và thời kỳ khác nhau : Tin Sáng bộ mới, Tin Sáng bộ cũTin Sáng hải ngoại. Trước “Tin Sáng bộ mới” ở thành phố Hồ chí Minh (1975-1981) với Ngô Công Đức làm chủ nhiệm, Nguyễn Văn Binh làm quản lý, Hồ Ngọc Nhuận làm chủ bút, cùng với hai phụ tá chủ bút Nguyễn Hữu An, Dương văn Ba, và ông Lý Quý Chung được mời làm Phụ tá chủ bút thứ ba, còn có tờ “Tin Sáng bộ cũ” ở Sài gòn (1968-1972), với Ngô Công Đức làm Chủ nhiệm kiêm chủ bút, Hồ Ngọc Nhuận làm Giám Đốc chánh trị, với Chi Lăng, Phan Ba, Nguyễn Hữu An, trước sau, làm Thư ký tòa soạn. Với Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung, Nguyển văn Trung, Dương Văn Ba, Sơn Nam, Vũ Hạnh, Phan Xuân Huy, và nhiều bạn nữa, là những cây viết chủ lực … Và cùng với tờ “Tin Sáng bộ cũ” ở Sài Gòn, là tờ “Tin Sáng hải ngoại” xuất bản ở Paris 2,cũng với thành phần chủ biên và những cây viết chủ lực như trên tờ “Tin Sáng quốc nội”, nhưng dưới hình thức bán nguyệt san. Tin Sáng hải ngoại số 1 đề ngày 08-21.4.1971, có mặt gần như đầy đủ các cây viết chủ lực của Tin Sáng quốc nội, đặc biệt có chuyện “Thị Kiều”, nói về cây cầu vượt (kiều) nối chợ Sài Gòn (thị) qua bùng binh Quách Thị Trang, nói lái lại là chuyện “Thiệu Kỳ” của Tư Trời Biển. Tin Sáng hải ngoại số 2 có bài “Chợ Chiều” của Lý Chánh Trung ; số 3 với bài “Mỹ thua Mỹ ở Mỹ” của Nguyễn Văn Trung ; số 4 với “Không còn ảo tưởng” của Dương văn Ba, và “Giả từ Việt Nam khói lửa” của Don Luce, người đã phát hiện chuồng cọp ở Côn Đảo. Đây cũng là vào khoảng thời gian Chủ nhiệm Ngô Công Đức đi lưu vong ở Pháp và Thụy Điển. Nhưng người chịu trách nhiệm bán nguyệt san Tin Sáng hải ngoại là linh mục Nguyễn Đình Thi, ở số 18 rue Cardinal Lemoine Paris và Montreuil. Linh mục Thi là bạn thân của linh mục Trương Bá Cần, chủ nhiệm báo Công Giáo và Dân Tôc, thành phố Hồ Chí Minh.


Tin Sáng song hành với Điện Tín. Tôi nói “gia đình chánh trị nhỏ”, mà không nói riêng “gia đình Tin Sáng”, bởi không chỉ có ba tờ Tin Sáng, mà cùng với “Bộ Ba Tin Sáng”, còn có tờ Điện Tín mà Nghị Sĩ Đại tá Hồng Sơn Đông là chủ báo, kiêm chủ nhiệm chủ bút, với Hồ Ngọc Nhuận là Giám Đốc Chánh Trị, với Dương Văn Ba là Thư Ký Tòa soạn (1971-1975). Với một bộ phận quan trọng của “Tin Sáng bộ cũ” chuyển sang, khi Tin Sáng bị chánh quyền đe dọa đóng cửa. Tôi nói một bộ phận quan trọng của “Tin Sáng bộ cũ” chuyển sang, chớ không phải toàn bộ Tin Sáng đã kéo qua Điện Tín, như có người đã viết. Trong những người chuyển sang Điện Tín có nhà giáo nhà thơ My Sơn Nguyễn ngọc Thạch, (Thạch là một trong năm anh Tư Trời Biển của Tin Sáng,l à bạn học cũ của anh Dương Văn Ba và anh Võ Văn Điểm ở Đại Học Đà Lạt, là một anh em cùng ê kíp cũ với tôi ở Chương trình Phát triển Quận 8, và về sau là một trong những trưởng ban biên tập của Tin Sáng bộ mới), có nhà báo Trương Lộc,có họa sĩ Ớt, có nhà thơ Cung Văn Nguyễn vạn Hồng,v.v… Nói là “chuyển sang” chớ kỳ thật coi như là được thỏa thuận phân công, chia nhau một phần qua Điện Tín, một phần vẫn ở lại với Tin Sáng. Đây có thể nói là một “chiến thuật”, trong hoạt động làm báo chánh trị của chúng tôi lúc bấy giờ. Số anh em Tin Sáng còn ở lại, với anh Phan Ba là Tổng thư ký tòa soạn, với nhà văn Sơn Nam, với nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà, v.v… và tôi là Giám Đốc chánh trị (của cả tờ Điện Tín), vẫn tiếp tục duy trì Tin Sáng bộ cũ, trong mấy tháng đầu Ngô Công Đức đi lưu vong (cuối năm 1971, đầu năm1972 ). Chánh quyền lại áp dụng một biện pháp đàn áp “không giống ai”, chưa hề có tiền lệ trong lịch sử báo chí trước đây ở Sài Gòn, là không chấp nhận cho Tin Sáng nạp lưu chiểu. Dù vậy, Tin Sáng vẫn tiếp tục phát hành, và “các bạn hàng báo”, cả các sạp báo và các em bán báo rao, đều vẫn tiếp tục nhận bán báo Tin Sáng hằng ngày. Và thường là bán chợ đen, vì báo in có hạn 3. Để có thể cầm cự lâu dài chống đỡ các đòn đàn áp của chánh quyền, Tin Sáng rút xuống 4 trang, rồi 2 trang. Và Giám Đốc chánh trị Tin Sáng thì liên tục phản đối trên trang nhất báo Điện Tín. Vậy là chánh quyền tìm cớ tịch thu luôn Điện Tín, khi lùng sục để tịch thu Tin Sáng. Cho tới khi không còn nhà in nào dám nhận in báo Tin Sáng nữa, và nhất là vì sợ Điện Tín bị vạ lây mà chết yểu, nên tôi đành chịu thua (nhất là chịu thua những người đã góp vốn cho ra tờ Điện Tín). Tôi nghĩ hầu hết những số báo của Điện Tín, và những số báo cuối của Tin Sáng bộ cũ (đầu năm 1972) chắc phải còn được lưu trữ ở Thư Viện Quốc Giá, nay là Thư Viện Tổng Hợp. Riêng những số báo Tin Sáng bị chánh quyền không chấp nhận cho nạp lưu chiểu thì không chắc còn.


Thư ký tòa soạn Điện Tín, Dương văn Ba và “Người giấu tên”. Dương văn Ba làm thư ký tòa soạn Điện Tín mà không có mặt ở tòa soạn Điện Tín ngày nào, cũng không có tên trên manchette báo. Khi viết bài thì ký dưới bút hiệu là “Người giấu tên” (đặc biệt trong mục “Ký sự nhân vật” của báo Điện Tín) 4. Bởi đây là thời kỳ Dương Văn Ba bị kết án 4 năm tù khiếm diện vì bị buộc tội trốn lính, sau khi bị gian lận bầu cử ở Bạc Liêu, và thất cử chức Dân biểu Quốc Hội VNCH nhiệm kỳ 2, phải “lánh nạn” tại nhà Đại Tướng Dương Văn Minh. Nói là “lánh nạn” tại nhà Đại tướng Dương Văn Minh, nhưng kỳ thật là tại nơi làm việc của Trung tá Trương Minh Đẩu, Chánh Văn Phòng Đại tướng, và ở nhà của Thiếu tá Trịnh Bá Lộc. Anh Lộc, cùng với anh Hoa Hải Đường, là tùy viên quân sự của Đại tướng. Người đặc trách liên lạc giữa TKTS Dương văn Ba và Tòa soạn Điện Tín mỗi ngày, và trong một thời gian dài suốt mấy năm liền, là em ruột của anh Nguyễn Vạn Hồng, sau 1975 trở thành ký giả Triệu Bình của Tin Sáng bộ mới, và là bí thư chi đoàn TNCS cùa tờ báo. Riêng tôi cũng có một thời gian “lánh nạn” nơi Đại tướng Dương văn Minh, ở nhà Thiếu tá Hoa Hải Đường, khít vách nhà Thiếu tá Lôc, nhưng vẫn lui tới tòa soạn Điện Tín, và không hề bỏ lỡ dịp xuống đường, hay bỏ họp Quốc Hội. Bởi tôi chỉ bị bắt đưa đến Tòa án Sài Gòn có một ngày, cùng với chị DB Kiều Mông Thu, vì bị vu “tội rải truyền đơn VC” trong cuộc biểu tình tại chợ Cầu Muối, với gia đình 18 ký giả bị bắt, trong đó có các anh Sơn Nam, Vũ Hạnh,Lê Hiền, Nguyễn Công Uẩn… 5. Sau khi gần như nằm vạ cả buổi trước pháp đình Sài Gòn, chị Kiều Mộng Thu và tôi được ông Biện Lý mời vô “hỏi cung” và được cho “tự do tạm”, với sự chứng kiến của Luật sư DB Trần Văn Tuyên, Trưởng Khối Xã Hội HNV/VNCH, và Trung tá DB Nguyễn Văn Binh, Trưởng Khối Quốc Gia /HNV/VNCH. Chớ không hề bị xử phải ngồi tù ngày nào.

Cùng với hai người của chúng tôi thất cử phải bỏ trốn là Đức và Ba, chúng tôi còn mấy người anh em nữa cũng bị nạn chung, trong số có anh cựu Đại tá Nguyễn Văn Thanh. Anh Thanh là đại tá thương binh giải ngũ, cựu tỉnh trưởng Trà Vinh, là “đồng viện” và “đồng khối” của chúng tôi ở HNV/QH/VNCH. Chẳng những anh bị gian lận cho thất cử tại cùng đơn vị Trà Vinh với Đức, mà còn bị đánh, bị nhốt hết mấy ngày nơi khám đường của tỉnh. Và sau năm 1975 thì bị đi tù tiếp, rồi bị nhiều kiếp nạn khác mà tôi đành chịu bó tay.


Ngô Công Đức và tờ Điện Tín. Khi Ngô Công Đức chuẩn bị đi lưu vong thì tôi cũng chuẩn bị những giấy tờ hợp pháp cần thiết để thay Đức làm chủ nhiệm Tin Sáng. Nhưng vẫn lo chánh quyền thừa cơ Đức vắng mặt lâu ngày để hạ độc thủ đóng cửa tờ báo vĩnh viễn, sau nhiều lần đóng cửa báo có thời hạn và tịch thâu liên miên. Trong khi đó thì tờ Điện Tín của anh Đại tá Hồng Sơn Đông do ông Lý Quý Chung ký hợp đồng bỏ vốn khai thác đang ngưng hoạt động. Ông Lý Quý Chung trước đây từng ký hợp đồng khai thác, và từng đứng tên làm chủ nhiều tờ báo ở Sài Gòn, mà tôi chỉ nhớ tên có hai tờ là Bút Thần và Tiếng Gọi Dân Tộc. Nay thì tờ Điện Tín do ông không khai thác nữa lại “bỏ không”. Vì vậy Đức và tôi cùng bàn với anh Hồng Sơn Đông cho ra lại tờ Điện Tín để tôi làm Giám Đốc chánh trị, và Dương văn Ba làm Thư ký Tòa soạn, hoạt động song hành với tờ Tin Sáng, cho tới khi nào Tin Sáng còn trụ được. Và tiếp nối con đường của Tin Sáng khi Tin Sáng không hoạt động được nữa. Xin nói thêm là lúc đó tôi cũng được anh Dân biểu chủ báo chủ nhiệm Võ Long Triều mời làm Giám đốc chánh trị của tờ Đại Dân Tộc. Nếu Tin Sáng “bị đòn” thì tôi cũng có được hai tờ báo anh em, nếu không nói là báo nhà, hiệp lực chống đỡ.

Mọi thứ cần thiết, từ vốn liếng, nhân sự, trụ sở tòa soạn, trị sự, phát hành… đã được ba anh em chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng cho tờ Điện Tín, trước khi anh Ngô Công Đức vượt biên. Công việc chuẩn bị cũng không có gì nhiều lắm. Trụ sở Tòa Soạn Điện Tín vẫn ở nơi nhà cũ của anh ĐT Hồng Sơn Đông, số 101 đường Võ Tánh Q1, nay là Nguyễn Trãi, gần như đấu lưng với tòa soạn Tin Sáng ở số 126 đường Lê Lai, hai bên qua lại chỉ bằng một con hẻm nhỏ. Và văn phòng Giám đốc chánh trị của Tin Sáng và Điện Tín thì nằm ở số 132 Lê Lai, sát với Tòa soạn báo Tin Sáng. Văn phòng đó vẫn được tôi giữ nguyên cho tới sau ngày 30-4-1975 6.

Bộ phận quản lý kế toán của Điện Tín cũng chính là bộ phận quản lý kế toán của Tin Sáng bộ cũ. Và bộ phận nầy, từ ngày đầu ra báo cho đến ngày báo ngưng hoạt đông, năm 1975, cũng không hề thay đổi. Nhưng tiền lương của tòa soạn và nhuận bút của các cộng tác viên ở Điện Tín là do Thư ký tòa soạn Dương văn Ba đề nghị để Giám đốc chánh trị Hồ Ngọc Nhuận duyệt. ( Bảng lương Điện Tín hiện tôi còn giữ trong hồ sơ tài liệu riêng).

Nhân sự của bộ phận quản lý kế troán Điện Tín, nay đã lớn tuổi, vẫn còn đây. Có người đi đi về về từ nước Mỹ, có người, cũng như nhiều người của Điện Tín (và Tin Sáng bộ cũ), trở thành nhân viên của Tin Sáng bộ mới (1975-1981), nhưng phục vụ trong những bộ phận khác, chớ không ở trong bộ phận quản lý kế toán, như ở báo Điện Tín. Bộ phận quản lý kế toán của Điện Tín (và Tin Sáng cũ) là thuộc quyền Chủ báo Chủ nhiệm, còn đối với Tin Sáng bộ mới thì hoạt động theo nội quy tập thể. Ban chấp hành các đoàn thể ở Tin Sáng mới, Công Đoàn, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Ban nữ công, đã hợp tác với tôi cùng soạn thảo bản nội quy Tin Sáng để tập thể thông qua và áp dụng cho tới khi hoàn thành nhiệm vụ. Chính bản nội quy nầy là cơ sở của chế độ tiển lương ở Tin Sáng mới. Tất cả mọi nhân viên Tin Sáng mới từ chủ nhiệm, chủ bút trở đi đều ăn lương theo ấn định của nội quy tập thể. Các anh chị em thuôc Ban Chấp hành các Đoàn thể đó hầu như tất cả đều còn đủ, có vài bạn đang ở nước ngoài. Nhưng ở cả hai thời kỳ cũ và mới, chế độ nhuận bút ở Tin Sáng vẫn được đặt dưới quyền Giám đốc chánh trị và chủ bút 7.


Kế hoạch vượt biên. Kế hoạch tổ chức vượt biên của anh em chúng tôi ban đầu dự tính là cho hai người, Ngô Công Đức và Dương Văn Ba, vì nếu ở lại trong nước cả hai thế nào cũng bị chánh quyền tìm cớ bắt nhốt. Nhưng sau cùng Ba không đi, vì nhiều lý do. Mà một là vì Ba con đông, tất cả đều còn nhỏ, nếu tôi nhớ không lầm thì tới lúc đó Ba đã có được 6-7 con. Còn Đức thì chỉ có một con trai, năm 1971 đã lên 12 tuổi. Giữa hai cuộc phiêu lưu, đi ra nước ngoài và bỏ trốn trong nước, sau cùng Ba đã chọn ở lại, và đưa hết vợ con vào lánh mặt nơi ĐT Dương ăn Minh, ở cổng sau “Dinh Hoa Lan”, số 3 Trần Quý Cáp, nay là Võ Văn Tần. Tại đây, với một phần phương tiện và sự giúp sức về nhân sự của một bộ phận văn phòng Trung tá Trương Minh Đẩu, Ba và tôi vừa cùng đặc trách khởi thảo, biên tập, in ấn các tài liệu hoạt động của “nhóm ông Dương văn Minh” vừa cùng làm báo Điện Tín. Ngoài ra Ba còn giúp tôi làm cả tờ Tin Sáng “bươm bướm” để tôi mang đi phổ biến đến các tổ chức đấu tranh ủng hộ đường lối hòa bình dân tộc của ông Dương Văn Minh. Để “hợp đồng tác chiến” giữa anh em trong nước và Ngô Công Đức cùng một số anh em ở nước ngoài, cho đường lối hòa bình của “nhóm ông Dương văn Minh”, tôi đã viết nhiều thư và kêu gọi nhiều anh em cùng viết cho Đức. Trong số đó, thư của Dương Văn Ba gởi cho Đức có lẽ là nhiều nhất sau thư của tôi, mà sau nầy tôi tập hợp in trong cuốn Tình Bạn. “In lậu”, để bạn bè cùng giữ làm kỷ niệm. Hồi Ngô Công Đức mất (22 tháng 6 năm 2007) tôi đã cho in lại quyển Tình Bạn gởi thân nhân bạn bè cùng đọc, nay chắc một số bạn còn giữ.


Người đưa Ngô Công Đức vượt biên qua kênh Vĩnh Tế, qua Campuchia, rồi Bắc Thái Lan, rồi Bangkok là anh Thạch Phen, nguyên Đại úy Quận Trưởng Quận Vĩnh Châu Bạc Liêu, nguyên dân biểu QH/VNCH, trong cùng “gia đình chánh trị nhỏ” của chúng tôi. Sau ngày Tin Sáng bộ cũ ngưng hoạt động, tôi đã kể về chuyến vượt biên của Đức cho nhiều bạn bè nghe chơi, đặc biệt tỉ mỉ hơn cho anh Cung Văn Nguyễn Vạn Hồng, với ý định để anh Vạn Hồng viết một “chuyện dài” trên báo Điện Tín, với một cái tựa do tôi chọn : “Một chuyến vượt biên”. Chuyện nầy thời đó là khá mới mẻ và “giựt gân”, đặc biệt người vượt biên lại chính là chủ nhiệm báo Tin Sáng, người đã góp phần “làm cho ông Thiệu sớm bạc đầu”, theo lời của chính ông Thiệu với Đức và tôi, nhân gặp nhau trong một buổi tiếp tân ở Hạ Nghị Viện VNCH, nếu được kể dài dài, hằng ngày trên báo Điện Tín, tôi tin chắc sẽ rất “ăn khách”. Nhưng chuyện không thành, vì một số lý do, mà một là do tôi cũng không muốn để cho Điện Tín “giỡn mặt” chánh quyền nhiều quá mà sớm có cùng số phận với Tin Sáng, làm liên lụy đến mấy anh em trong cuộc. Anh Thạch Phen nay đã ra người thiên cổ, Ngô Công Đức cũng vậy, không hỏi chuyện hai người được nữa, nhưng anh bạn Cung Văn Nguyễn Vạn Hồng thì chắc hỏi được, vì anh còn đây, đang ở quê nhà Đà Nẵng. Hỏi được ,nhưng anh Vạn Hồng có nhớ được nhiều và có kể được hay không thì tôi không biết.


Phụ tá chủ bút Tin Sáng đặc trách khai thác gỗ cho tỉnh Minh Hải. Ngoài lãnh vực làm báo, anh em chúng tôi còn hết mình hỗ trợ cho nhau trong các hoạt động hữu ích khác, và đặc biệt đối với Dương Văn Ba trong hoạt động hợp tác phát triển kinh tế. Ngay cả khi Tin Sáng bộ mới còn hoạt động, để đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo tỉnh Minh Hải gồm Bạc Liêu Cà Mau), và yêu cầu đặc biệt của Dương Văn Ba, Ngô Công Đức và tôi đã đồng ý để cho Dương văn Ba vừa làm Phụ tá chủ bút Tin sáng vừa đi làm gỗ cho tỉnh Minh Hải 8 với nhiều chức vụ liên tiếp khác nhau, ngay từ năm 1978, tức 3 năm trước ngày Tin Sáng bị đóng cửa. Những chức vụ làm gỗ của Dương văn Ba ở Minh Hải, trong mấy năm Tin Sáng còn hoạt động, tôi không thể biết và nhớ hết. Nên phải dựa vào tài liệu chánh thức mà tôi có trong tay là toàn văn bản án ngày 14-22/4/1989 của Tòa án nhân dân tối cao về vụ án Cimexcol Minh Hải, trong đó có ghi như sau : “Cuối năm 1978 Dương văn Ba được… giới thiệu ký hợp đồng kéo gỗ ăn công với công ty vật liệu xây dựng chất đốt Minh Hải. Sau đó Dương văn Ba… tập hợp một số tư nhân đưa xe ô tô chuyên dùng… từ TPHCM, Đồng Nai về Minh Hải để hợp đồng kéo gỗ ăn công. Ba đứng đại diện. Lúc đầu đầu có 10 chiếc đến năm 1984 lên 18 chiếc… Trong nhiều năm làm đội trưởng đội xe hợp tác hợp đồng kéo gỗ ăn công… Dương Văn Ba… được tín nhiệm giao cho giữ nhiều chức vụ quan trọng : Phó Giám Đốc Công ty gỗ, Phó Giám đốc Liên hiệp xí nghiệp gỗ, Phó Giám đốc xí nghiệp khai thác vận chuyển, Phó giám đốc Cimexcol liên doanh và Phó giam đốc Cimexcol Minh Hải, từ năm 1979 đến 1987…”.

Trong Chuyện một vụ ánChuyện về những người tù, tôi đã từng tỏ ý chẳng những không tin mà còn cho rằng vụ án và bản án Cimexcol Minh Hải là hoàn toàn bịa đặt. Nhưng đó là về nội dung và một số hình thức, còn về mấy chức vụ của Dương văn Ba do bản án liệt kê trên đây thì không thể là bịa đặt. Vả lại, có một người mà tôi bătt buộc phải tin. Đó là ông Năm Hạnh Lê văn Bình. Ông Năm Hạnh đã từng nói trước lãnh đạo Đảng trong phiên họp của Bộ chánh trị ngày 9-3-1994 tại T78 TP HCM như sau : “Hội đồng xử án kết tội Dương văn Ba trốn cải tạo đoàn xe… Thật sự vào năm 1979 là thời kỳ cải tạo công thương nghiệp, Dương Văn Ba… làm đơn xin UBND Tỉnh cho đăng ký cho xe (14 chiếc) được mang biển số xanh. Lúc nầy anh Nguyễn Minh Đức (Bảy Nông) là Chủ tịch UBND Tỉnh ký văn bản ngày 31/3/1979 cho phép đoàn xe đăng ký… Giả thuyết lúc cải tạo bỏ lọt đoàn xe, nhưng sau đó có chủ trương thừa nhận kinh tế nhiều thành phần thì luật đâu có hồi tố… Rõ ràng không có lý do nào buộc Dương Văn Ba trốn cải tạo đoàn xe. Nếu có thì chủ tịch Nguyễn Minh Đức chịu trách nhiệm... Về riêng phần tôi, bị kết tội không cải tạo đoàn xe của Dương Văn Ba, thực sự lúc đó (đầu năm 1979) tôi phụ trách tuyên huấn, rồi làm Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi, kế đến huyện Gá Rai, mãi đến tháng 9/1983 tôi mới về công tác ở UBND Tỉnh Minh Hải. Không lẽ các anh lại nhầm lẫn đến thế. Khi kết tội bị cáo lại không biết sự việc xảy ra lúc đó họ ở đâu, làm gì, có liên quan đến vụ án hay không ?


Công ty Cimexcol liên doanh. Sau khi Tin Sáng được cho “hoàn thành nhiệm vụ”, tỉnh Minh Hải, với sự vận đông của Dương văn Ba, và hai anh Huỳnh Kim Báu, Lê Công Giàu ở Sài Gòn, đã phối hợp với TP Hồ Chí Minh để cho ra đời Công Ty Cimexcol liên doanh hợp tác làm ăn với Lào. Thành phố cử anh Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thơ ký Hội Trí thức yêu nước TP làm Giám đốc Công ty Cimexcol liên doanh, anh Lê Công Giàu, nguyên Giám Đốc Công ty Savimex SàiGon làm một Phó Giám Đốc. Minh Hải cử một Phó Giám đốc là anh Dương văn Ba. Đối tác bên phía Lào là Công Ty BPKP, Công ty Chấn hưng Miền rừng núi Lào, thuôc Bộ Quốc Phòng Lào. Giám Đốc BPKP là tướng Bun Niên, Phó Giám Đốc là Đại Tá Chẹng Sayavong, không lâu sau cũng được phong tướng, cả hai vị nay đã qua đời.

Cimexcol liên doanh Minh Hải – TP Hồ chí Minh chỉ hoạt động một thời gian ngắn trong năm 1985, nhưng cũng đủ để “bắt dính” tôi với Cimexcol, khi tôi để bị các anh Huỳnh Kim Báu, Lê Công Giàu, Dương Văn Ba và nhiều bạn nữa thuyết phục đứng ra tổ chức gian hàng của Cimexcol liên doanh và BPKP tham dự hội chợ Vientane tháng 12 năm 1985, kỷ niệm 10 năm giải phóng Lào, mà tôi có nói qua trong bản thảo quyển ĐỜI. Sau đó là tham dự triển làm toàn quốc ở Giảng Võ, Hà Nôi, rồi đến các chương trình phát triển trên đất Lào… cho tới vụ án oan nghiệt năm 1989.


Công ty Cimexcol Minh Hải hợp tác kinh doanh với Lào. Khi thành phố Hồ Chí Minh không liên doanh nữa, Cimexcol trở thành Cimexcol Minh Hải, với anh Nguyễn Quang Sang , nguyên Giám Đốc Sở Tài chánh tỉnh được cử làm Giám Đốc, anh Dương Văn Ba và anh Trương công Miên, một cộng sự đắc lực của Ba thời còn Công Ty gỗ Minh Hải, làm Phó Giám Đốc. Một số nhân sự của Tin Sáng rã gánh đã sang đầu quân Cimexcol, trong đó đương nhiên là có anh bạn nối khố Thạch Phen, đã từng hợp tác với Ba từ hồi các công ty gỗ.

Đây có thể nói là thời kỳ hoạt động kinh tế năng nổ và có hiệu quả nhất của Dương Văn Ba, đặc biệt trong lãnh vực khai thác kinh doanh gỗ và kinh doanh tổng hợp.Thành công của Cimexcol đã làm nức lòng lãnh đạo và người dân Minh Hải vì giúp đem gỗ xây dựng về cho tỉnh, trong khi Minh Hải chỉ có hai loại gỗ tràm và đước, mà cũng không còn nhiều. Và làm nức lòng lãnh đạo nước Lào, vì giúp đem ngoại tệ về cho nước bạn, do xuất khẩu gỗ thông Lào qua Nhật, thay vì bị “chảy máu” gỗ lậu qua ngã Thái Lan. Đến nỗi lãnh đạo Lào, nhân kỷ niệm ngày thành lập Cimexcol, đã cho chuyên cơ chở Đoàn Văn Công của Bộ Quốc Phòng Láo, cũng là Đoàn Văn Công lớn nhất nước Lào, do ông tướng Chẹng Sayavong, Phó TGĐ/BPKP hướng dẫn, sang Minh Hải biểu diễn cho cán bộ và bà con Minh Hài xem mấy buổi liền, và chiếc chuyên cơ Lào chở Đoàn văn công thì nằm chờ suốt mấy ngày ở sân bay Tân Sơn Nhứt. Anh em trong “gia đình chánh trị nhỏ” của chúng tôi, trong đó không thể thiếu Ngô Công Đức, không thể không vui lây.

Riêng tôi, sau hội chợ Vientiane năm 1985, đã phải xin phép Thành Phố sang Lào nhiều lần để giúp các bạn Lào trong mộ số chương trình phát triển của bạn, do Cimexcol liên doanh và Cimexcol Minh Hải đề xuất, đặc biệt là ở Lạc Sao vùng Trung Lào. Lạc Sao, một địa danh từ hồi còn nghe vượn hú giữa rừng già, dày đặc hố bom,đã được lãnh đạo Lào quyết tâm biến thành một thị trấn chiến lược của cách mạng Lào, nay đã thật sự là một thị trấn sầm uất, cách thành phố Vinh của Việt Nam không xa, lại được nối liền với thành phố cảng nầy bằng con đường 8B huyết mạch đã từng bị phá nát trong chiến tranh, và đã được Cimexcol hợp tác với bạn Lào làm lại gần như toàn bộ, mà có tráng nhựa hẳn hoi. Nhưng không biết cái tên “Minh Hải” do bà con địa phương đặt cho một cây cầu trên đường nầy đến nay có còn được giữ hay không.

“Một tỉnh lẻ mà đi làm ăn… với một nước”. Nhưng đất Lào, từ nhiều chục năm qua, là địa bàn hoạt động gần như độc quyền, coi như một thứ sân sau, của một số ngành, công ty, xí nghiệp thuộc “loại đặc biệt” ở Trung Ương, còn Minh Hải thì lại là một tỉnh lẻ ở tận cùng đất nước, không một tấc đất dính với đất Lào. Thành công vang dội của Dương văn Ba và Cimexcol Minh Hải không thể không làm “động lòng” nhiều người, và bắt đầu râm ran đâu đó câu “Một tỉnh lẻ mà đi làm ăn… với một nước”. Cũng không thể không làm động lòng “ai đó” ở Trung ương Đảng vốn đang “nhắm” đến một người nào đó có quá nhiều quan hệ gốc rể ở các địa phương Bạc Liêu Cà Mau, Đồng Bằng Sông Cửu Long và Sài Gòn. Vì vậy mới có vụ “quăng một mẻ chài bắt gọn Dương Văn Ba và đồng bọn”, theo lời ông Đại tá điều tra ông Nguyễn Quang Sang, Giám Đốc Công ty Cimexcol, và “vụ án Cimexcol” năm 1989, xử “Dương văn Ba và đồng bọn”, cùng với ông 5 Hạnh Lê văn Bình, nguyên Chủ tịch tỉnh Minh Hải. Mà tôi đã kể lại trong quyển Chuyện một vụ án hay “hồ sơ về vụ án Cimexcol Minh Hải”, với 432 trang, viết xong tháng 7/1997. Và trong chương 14 của quyển “Đời”, tập 1, hay “Chuyện về những người tù của tôi” (bản thảo các năm 2000, 2003 và 2006).

Trong vụ án nầy Dương văn Ba đã bị xử tù chung thân, nhưng được thả sau 7 năm mấy tháng. Nhiều người từng giữ các chức vụ quan trọng ở Cimexcol bị xử các mức án khác nhau, trong đó không thể không có mấy anh em ở Tin Sáng cũ. Một thằng cháu họ Hồ của tôi phục vụ Cimexcol tại Lào thì ở lại Lào và thành dân Lào. Riêng anh Thạch Phen thì qua đời một thời gian ngắn sau khi được thả. Anh Phó Giám đốc Trương Công Miên cũng vậy. Một anh học trò cũ đồng thời là một người anh em của chúng tôi trong “gia đình Chương trình Phát triển Quận 8”, một cựu Trưởng Ban Biên tập của Tin Sáng bộ mới, một Trưởng Ban của Cimexcol Minh Hải cũng bị lãnh án 10 năm tù, cùng với nhiều người khác, và sau khi ra tù thì hợp tác với anh Ngô Công Đức và gia đình anh Đức cho tới nay. Riêng tôi đã may mắn thoát nạn, dù đã bị “mời” vô ra công an Bộ Nội vụ cả tháng trời, sau anh Huỳnh Kim Báu nguyên Giám Đốc Cimexcol liên doanh một thời gian, nhưng không bị tạm giam như anh Báu, và trước phiên tòa xử vụ Cimexcol chỉ có mấy ngày, vì bị cáo buộc trong hồ sơ vụ án là “cố vấn cấp cao của Dương Văn Ba, cùng với Hồ Văn Minh, Dương Văn Ba và đồng bọn trong Cimexcol nằm trong kế hoạch hậu chiến của Mỹ, và có dính với nhóm Hoàng Cơ Minh đã bị bắt ở Hạ Lào”. Tôi thoát nạn vì, với một bộ máy đồ sộ và một thời gian dài hằng năm tẩu tán, ngụy tạo hồ sơ các loại, “người ta” đã không thể có được một bằng chứng nào về những cáo buộc đối với tôi.


Cái tội của tôi. Tôi có cái tội là qua lại Lào nhiều lần để giúp Cimexcol và các bạn Lào, thường là qua ngả Vinh, qua đường 8 B qua đèo Keo Nưa trên dải Trường Sơn. Cái tội nữa của tôi, “nặng hơn”, là không đi Lào một mình, mà còn kéo theo hằng trăm công nhân Minh Hải và thành phố Hồ Chí Minh, hằng chục chuyên viên các ngành, cùng tôi sang Lào giúp nghiên cứu thực hiện các dự án phát triển miền rừng núi Lào. Trong đó không thiếu những sĩ quan chế đô cũ, khiến cho một ông Đại tá điều tra viên đã kết tội chúng tôi, là đã “sử dụng người của ngụy đưa vào nội bộ Cimexcol gồm đủ thành phần binh chủng, ngành nghề, đủ lập một quốc gia riêng, lấy Cimexcol làm chỗ dựa hợp pháp để thừa cơ lật đổ chính quyền hợp pháp”, khi hỏi cung ông Nguyễn Quang Sang, Giám Đốc Cimexcol, khi ông nầy bị bắt để điều tra. Tôi thoát nạn, chỉ có mấy ngày trước khi vụ án mở màn ở Bạc Liêu. Và vụ án sở dĩ mở màn trễ, theo lời mấy ông công an điều tra tôi, là vì phải “chờ” tôi (?). Chờ tôi là chờ để kết thúc cuộc điều tra kết tội tôi ? Hay là chờ để tìm ra cách kết tội tôi mà không phải kết tội Công An Minh Hải và Công An thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp giấy tờ hợp pháp cho tôi và những bạn đồng hành sang Lào ? Mà không phải chỉ một lần, cũng không phải chỉ trong một thời gian ngắn ? Có ông Trưởng Công An Minh Hải còn sang tận Lào để điều tra xem xét tình hình. Ngoài ra, để có thể kết tội tôi, có lẽ “người ta” còn phải lôi cả vài ông lãnh đạo Thành Phố ra tòa, như ông Nguyễn Võ Danh, sếp Công an TP và là lãnh đạo Thành ủy TP/HCM lúc bấy giờ, là người đã gặp tôi (với anh Lê Hiếu Đằng) trong thời gian tôi vô ra Công an Bộ Nội Vụ, và đã nói với tôi : “Anh cứ có gì nói nấy, có sao nói vậy”. Và tôi đã “có gì nói nấy”, không quên cả câu “có sao nói vậy”, với các điều tra viên. Nghĩa là lần nào đi Lào để giúp Cimexcol và các bạn Lào tôi cũng đều có “xin phép” lãnh đạo Thành Phố, “đi thưa về trình” hẵn hoi. Tôi nói “xin phép” là có thực, bởi tôi đang làm việc ở UBMTTQTP, và bởi tôi biết, trong “thời đại nhiễu nhương” như bây giờ, mọi “tai họa” là không hiếm, là có thể đến “gõ cửa” mọi người bất cứ lúc nào.Tôi còn cẩn thận viết thư chánh thức trả lời từ chối các thư mời tôi về làm việc chánh thức ở Cimexcol, kể cả với cái chức “Trưởng ban Quản lý” các chương trình phát triền của Cimexcol ở Lào, mà Cimexcol đã đặt cho tôi. Các chương trình nầy là khá đa dạng và đã bước đầu có hiệu quả, như xây dựng câu đường, xây dựng bệnh viện, trường học, xí nghiệp khai thác nhựa thông, xí nghiệp chế biến thảo dược, chương trình làm thủy điện “mini” (dọc theo nhiều con suối nhỏ mà không phải ngăn suối, theo đề án của một anh bạn chuyên viên người Ý nhiều năm kinh nghiêm), xây dựng khu du lịch, khu bảo tồn tài nguyên, chương trình trồng lúa nước, trồng rừng, trồng cây công nghiệp… Các chương trình nầy có cái còn nằm trong dự án, nhưng phần lớn đã bắt đầu đi vào thực hiện. Riêng hai chương trình trồng lại rừng và trồng cây công nghiệp đã cho kết quả “thấy mê”, khiến tôi nổi hứng đi khoe với ông Võ Văn Kiệt, và được ông hứa có dịp sẽ đi thăm. Nhưng chương trình nào thì có Ban Quản lý và Trưởng Ban Quản lý nấy, với các chuyên viên tôi mời đến từ Sài Gòn. Bởi mỗi chương trình đều có một hồ sơ đồ sộ, gồm các thủ tục, dự án, kế hoạch, nhân sự, dự chi ngân sách… không phải nhỏ. Như chương trình làm đường 8B đi từ “thị trấn” Lạc Sao trong rừng Lào ra Vinh. Trong số các chuyên viên của Sài Gòn cũ thuộc các Ban Quản lý các chương trình không thiếu người là sĩ quan chế độ cũ. Cả đội hợp tác xây dựng huyện Pha Thoong ở Trung Lào cũng do một anh bạn cựu sĩ quan chế độ cũ chỉ huy, lại được bộ đội bạn tin cậy trang bị đầy đủ vũ khì để hiệp lực chống phỉ. Cả tôi, khi đến đó thăm anh em mà ở lại nhiều ngày, cũng được cấp súng để tham gia phòng bị. Tất cả các bạn nầy đã hợp tác, giúp đỡ tôi rất tận tình, không trong chức vụ là tổng quản lý các chương trình, mà là người tập hợp anh em và “chạy việc” tại chỗ thay cho hai chánh và phó Giam Đốc Cimexcol, nhất là Phó Giám đốc Dương Văn Ba, luôn bận việc kinh doanh túi bụi ở Sài Gòn, Bạc Liêu hay Vientiane. Vì là chánh thức từ chối mọi chức vụ nên đương nhiên là tôi có đủ giấy tờ chứng minh. Nếu bắt tội tôi, như bị cáo buộc trong hồ sơ, là hoàn toàn không có bằng chứng gì hết, hoặc chỉ có bằng chứng là tôi vô can.

Bảo lãnh. Có một điều đặc biệt mà tới nay tôi mới nói rõ : đó là tôi được yêu cầu viết giấy bảo lãnh để Dương Văn Ba được thả trước thời hạn. Trong khi tôi cũng là người cùng bị nạn mà được thoát nạn sớm hơn, trong một vụ án mà một số báo Nhà nước lúc bấy giờ gọi là “một vụ án lớn nhất lịch sử”, với những vu cáo nặng nề, và hồ sơ cáo buộc nằm cả trong các báo cáo chánh thức của Ban Bí thư TƯ Đảng 9. Ai yêu cầu ? Cấp nào hay ngành nào yêu cầu ? Lần nầy thì thật sự tôi không biết. Chỉ biết có một bữa Dương Văn Ba đến gặp tôi, vì Dương Văn Ba thời đó vô ra trại là thường, và nói : “Anh phải viết gấy bảo lãnh cho tôi để tôi được thả”. Viết thì viết. Bởi đây không phải là lần đầu tôi “bị yêu cầu” viết giấy bảo lãnh, và cũng không phải chỉ đối với một mình Dương Văn Ba.

Về cái giấy bảo lãnh “cốt tử” nầy, tôi không còn bản lưu. Nhưng tôi tin trong hồ sơ các nơi có liên quan chắc phải còn, để làm bằng chứng và đề cho ai muốn tra cứu. Riêng ông Đại tá trưởng trại tù nơi anh Dương Văn Ba ở, là một người rất dễ mến, mà rất tiếc tôi không nhớ tên cũng không biết đang làm gì ở đâu, hôm gặp tôi trong buổi cơm sau khi anh Dương Văn Ba được thả, thì chắc phải còn nhớ. Hôm đó, ông Đại tá đã tỏ vẻ rất vui, và hé cho tôi biết rằng cái thư bảo lãnh của tôi để xin thả Dương văn Ba là rất quan trọng.

Cái thư bảo lãnh của tôi, mà tôi vừa nhắc lại ở đây, có thể coi như là cái dấu chấm cho câu chuyện tù của Dương văn Ba.


Kêu oan. Nhưng để đi đến cái dấu chấm nhỏ đó là cả một câu chuyện thật dài về công cuộc kêu oan cho Dương Văn Ba, cho Cimexcol và cho tập thể cán bộ nhân viên Cimexcol, cho một số anh em chúng tôi ở báo Tin Sáng, cho một số thành viên lãnh đạo Minh Hải và một số khá lờn cán bộ đảng viên Minh Hải và các tỉnh Đồng Bắng Sông Cửu Long, và cho hằng trăm lao động, trí thức chuyên viên các ngành nghề của Thành phố và Minh Hải… đã hết lòng theo Cimexcol tận tụy phục vụ trên đất Lào, mà bị vu oan là phản động. Trong đó có một số người đã hy sinh, trên đường, trong rừng, trên núi, dưới ngầm, nơi công trường, và suýt chết oan trong tù. Có một số đã bị Fulro bắt đi mất tích đến nay đã trên dưới 30 năm mà không biết bỏ xác ở đâu. Câu chuyện thật dài, bắt đầu từ khi Dương Văn Ba và lãnh đạo cùng cán bộ nhân viên chủ chốt của Cimexcol bị bắt giữ (1987), cho đến khi được ra khỏi tù, đối với Dương văn Ba là hơn 7 năm, nhưng không kết thúc ở đây. Cũng không kết thúc 10 năm sau, khi tôi viết “Chuyện một vụ án” (1997). Cũng không kết thúc 16 năm sau, khi ông Ba Hùng Phạm văn Hoài, nguyên Chủ tịch tỉnh Minh Hải qua đời, vào ngày 04-9-2003, sau khi đã viết lá “ĐƠN KHIẾU TỐ” cuối cùng của ông, đề ngày 15-5-2003, cùng với ông Đoàn Thành Vị, nguyên ủy viên trung ương Đảng, nguyên Bí thư tỉnh Minh Hải và ông 5 Hạnh Lê văn Bình nguyên Chủ tịch tỉnh Minh Hải, trong đó có câu : “Dẫu có chết đi chúng tôi cũng không nhắm mắt ngậm miệng”.


Tập thể kêu oan. Đây là cả một cuộc vận động kêu oan tập thể, và tập thể nầy là không nhỏ, lại rộng khắp nhiều địa phương ở miền Nam. Nhưng là hoàn toàn tự phát, gồm nhiều thành phần từ Đảng ta tới Đảng Lào (bởi Tổng Bí Thư Đảng Lào đã từng qua Hà Nội gặp TBT Đảng ta về vụ Cimexcol) 10, tới các Mặt Trận địa phương, tới các đoàn thể và người dân, tới các ngành, đặc biệt là ngành báo chí, từ Minh Hải đến An Giang, Cần Thơ, Bến Tre, và các tỉnh vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, cho đến tận Thành phố Hồ Chí Minh… Một tập hợp đông đảo những người bức xúc, bất bình về vụ án Cimexcol như vậy thì không thể nào kể ra cho hết trong một vài trang giấy. Vì vậy tôi hy vọng quý vị trong các địa phương, các giới tôi kể trên, như anh Vi Trăn và anh 6 Sơn ở Hội nhà báo, ông Nguyễn Văn Để ở MT, ông Nguyễn Quốc Sử ở Viện KS, chị 5 Hạnh Lê Văn Bình và các cán bộ lão thành cách mạng ở Minh Hải, nhà báo lão thành Tô Hòa nguyên Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, anh Chánh Trực, gốc Minh Hải, nguyên Giám Đốc Đoàn Bông Sen, và nhiều người hơn nữa vì chắc chắn tôi đã kể sót, sẽ có dịp nói về các cuộc vận động minh oan cho Dương văn Ba và Cimexcol thời điểm đó.

Nếu không có tất cả những vị đó, và nhiều người nữa đã âm thầm giúp sức, với lòng trung thực và can đảm, thì không tài nào phát hiện, dù chỉ là một phần, hồ sơ giả mạo của vụ án Cimexcol, như tôi đã trình bày trong “Chuyện một vụ án”.


Hai vị Hội thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao. Nhưng có hai người mà nếu tôi không nói ra thì có thể rất ít người biết, cả người trong cuộc. Hai người đó không công khai ở trong tập thể kêu oan tự phát nêu ra trên đây, nhưng là những người chính trực, đã dám nói “không” với cỗ máy xử án oan nghiệt. Hai tiếng nói “không” tuy không ngăn được cổ máy lăn tới, nhưng cũng chứng tỏ nó đã “xì khói” từ bên trong. Một hôm, chỉ vài ngày trước khi phiên tòa xử vụ án Cimexcol khai mạc ở Bạc Liêu, Giáo sư Phan Gia Bền, Tổng thơ Ký Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỷ thuật Thành phố bỗng gọi báo cho tôi biết anh vừa xin rút khỏi ghế hội thẩm Tòa án nhân dân tối cao trong vụ án Cimexcol. Tôi lo lắng nhắc anh phải có lý do chánh đáng vững chắc, và được anh đáp : “Anh không lo, tôi có lý do chánh thức là bận tiếp khách nước ngoài quan trọng không thể bỏ được.” Sau đó tôi được biết Toà án đã phải điều động cấp tốc nhà văn Viễn Phương, Phó Chủ tịch Hội Liên Hiệp Văn học Nghệ thuật TP, hội thẩm dự khuyết, để thay thế Giáo sư Phan Gia Bền. Tôi biết Giáo sư không có lý do gì phải báo tôi biết tin giáo sư đã rút khỏi ghế hội thẩm. Nhưng chắc giáo sư biết tôi lo lắm nên gọi tôi để ngầm “chia sớt”. Và tôi thật lòng cám ơn giáo sư. Người nói “không” thứ hai là một người đã chấp nhận ngồi ghế hội thẩm, nhưng lại không chịu ký vào biên bản kết luận bản án vì thấy có nhiều điểm “không bình thường”. Người đó là bà Võ Thị Thắng, lúc bấy giờ là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tôi mong hai vị sẽ chứng giám cho lời nói của tôi, vì hai vị nay đều đã qua đời. Mà không cần ai nhắc công.


Nòng cốt của tập thể kêu oan tự phát lớn đó là ba anh Ba Vị, Ba Hùng, 5 Hạnh Mà chủ yếu là anh 5 Hạnh Lê Văn Bình, người đã kiên trì đấu tranh cho tới hơi thở cuối cùng, vì công lý, vì những người đã bị tù tội oan trong vụ án Cimexcol. Cả cho đến khi nằm liệt ở bệnh viện Thống Nhất vì chứng bệnh nan y, ông Năm Hạnh vẫn không ngừng tranh đấu chống lại vụ án oan, và đã khiến cho bà 7 Huệ, phu nhân TBT Nguyễn Văn Linh, cũng nằm điểu trị ở đây, đã phải động lòng viết thư cho Trung ương Đảng yêu cầu xét lại vụ án Cimexcol.

Người hỗ trợ. Và người đã đứng sau hỗ trợ cho tấp thể lớn đó không ai khác hơn là ông Võ Văn Kiệt. Bởi không thể tự dưng mà ông Võ Văn Kiệt đã mấy lần về Bạc Liêu thăm các ông Ba Vị, Ba Hùng, 5 Hạnh khi các ông nầy đã về vườn, và thăm ông 5 Hạnh khi ông nầy bệnh nặng ở Bạc Liêu, và nằm ở bệnh viện Thống Nhất. Cũng không thể bỗng dưng mà có “BUỔI LÀM VIỆC” đặc biệt ngày 9-3-1994, tại T.78 Thành phố Hồ chí Minh, dưới sự chủ trì của TBT Đỗ Mười, gồm 6 ủy viên Bộ Chánh trị, trong đó có ông Võ Văn Kiệt, 8 ủy viên BCH Trung ương Đảng, lãnh đạo các cơ quan Pháp luật Trung ương và Bộ Nội vụ, các Ban Đảng, toàn bộ Thường vụ Tỉnh ủy Minh Hải, với ba ông Đoàn Thành Vị, Phạm Văn Hoài và Lê Văn Bình, để nghe ba ông nầy, đặc biệt là nghe ông Lê văn Bình, trình bày, hay có thể nói là “tố ngược”, về vụ án Cimexcol, nếu không có bàn tay của ông Võ văn Kiệt.

Tại “BUỔI LÀM VIỆC”, trước sự trình bày, chất vấn, gần như tố cáo của ba ông Ba Vị, Ba Hùng, Năm Hạnh, những người có trách nhiệm trực tiếp và cao nhất trong vụ án Cimexcol đã không thể có một lời nào để phản bác lại, mặc dù đã được ông Sáu Hậu, tức ủy viên Bộ Chánh trị Lê Phước Thọ, người điều khiển cuộc họp liên tiếp trao lời. BUỔI LÀM VIỆC đã kết thúc với lời tuyên bố của ông Sáu Hậu là “Ban Bí Thư sẽ có kết luận sau. Và, qua thông báo của Ban BT/ TƯ Đảng ngày 14/3/1994, kết luận đó là : “Vì Ban BT nhiệm kỳ VI theo dõi chỉ đạo xuyên suốt vụ án… nên Ban BT nhiệm kỳ VII không xem xét lại, cũng không cho xử lại, mà chỉ xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể”. Một kết luận đã đưa đến việc Dương Văn Ba được thả sau hơn 7 năm ở tù thay vì chung thân, nhưng không trả lại công bằng công lý cho rất nhiều người, nhất là các đảng viên đã bị hàm oan, bị mất Đảng tịch hay mất chức,lại còn xúc phạm nặng nề danh dự của nhiều người, đặc biệt đối với ba ông nguyên lãnh đạo tỉnh Minh Hải. Một kết luận đã khiến ông 5 Hạnh Lê văn Bình đã có nhận xét : “Trước đây, Ban Bí Thư nhiệm kỳ VI đã can thiệp quá sâu và cụ thể vào vụ án, mang tính chất nghiệp vụ của vụ án, nên không còn khách quan nữa. Giờ đây Ban Bí Thư nhiệm kỳ VII chưa chi đã ra lệnh không xét xử lại, thế là đứng trên phap luật. Qua thông báo ngày 14/3/1994 làm chúng tôi không thể hiều được chân lý thuộc về ai.” (Trích tường thuật của ông Lê văn Bình, “Chuyện một vụ án” trang 311, HNN).

Được thả. Dương Văn Ba được thả trước thời hạn, dù nền công lý vẫn tiếp tục bị bóp méo, cũng khiến mọi người đều vui, nhất là những ai đã bỏ ra rất nhiều công sức, và đánh cuộc cả sinh mạng chánh trị của mình, để góp phần kêu oan. Cả các vị lãnh đạo Thành phố cũng thở phào, và vui lây, vì đã thoát tội để cho Ba đi làm với Minh Hải, và cũng thoát luôn cái tội không bắt tôi làm kiểm điểm về tộ phát tán tài liệu bất hợp pháp, khi tôi phổ biến cuốn “Chuyện một vụ án”, tập hợp biên soạn từ nhiều “giỏ cần xé” đơn từ khiếu nại, như tôi đã “biện hộ” với ông Lê Khắc Bình, Chủ tịch UBMTTQTP, khi ông đại diện Thành ủy gặp tôi.

Con đường tự do. Ai cũng nghĩ được tự do đương nhiên là hơn ở tù. Nhưng mới đây lại có anh công dân Canada tên Omar Khadr, bị bắt cầm tù ở Afghanistan, rồi ở Guantánamo , rồi ở Canada, từ hồi 15 tuổi, mà bây giờ là 28 tuổi, vừa được bảo lãnh cho tự do tạm ở Canada, thì lại tuyên bố : “Sau Guantánamo thì con đường tự do là điều tốt hơn là tôi đã nghĩ”. Nói vậy phải chăng anh nầy cho rằng ở trong các nhà tù khác mà anh đã trải qua là tốt hơn được tự do ? Hay phải chăng, đối với một số người, bước ra khỏi nhà tù lắm khi là phải đối mặt với một con đường đầy chông gai, vô định ? Với một tương lai ảm đạm, mù mịt ?

Dù sao, đối với Dương văn Ba, và mọi người thân, thì được trả về đời sống tự do là không có gì hơn. Bởi ai cũng biết câu “một ngày ở tù như…” mà Dương văn Ba thì phải ở tù oan đến 7 lần 365 ngày hơn. Tuy rằng, nhờ có cuộc vận động minh oan ráo riết dồn dập của toàn bộ “tập thể” tôi đã nói ở trên, mà Dương văn Ba cũng có được những ngày tháng cuối cùng ở trong tù “dễ thở” hơn. Dương Văn Ba đã được cho ra cai quản một trại sản xuất đồ mộc riêng bên ngoài nhà tù (sản xuất cho Trại tù hay cho lãnh đạo các Trại tù thì tôi không biết), được đưa người nhà đến ở chung để lo cơm nước, và thỉnh thoảng được cho về Sài Gòn chơi. Được về Sài Gòn chơi chớ không phải về nhà. Và tôi biết có rất nhiều bạn bè đã đến thăm Dương Văn Ba khi Ba còn ở trại, mà không phải chỉ một lần, vì không phải quá khó khăn, nhất là quá tốn kém như cái thời nhiều gia đình phải tảo tần, có khi phải bán hết đồ đạc và lặn lội đi thăm những người đi cải tạo ở ngoài Bắc 11.

Qua cơn mưa. Người ta cũng thường nói “qua cơn mưa trời lại sáng”. Nhưng đây không là một cơn mưa, mà là một cơn dông. Hơn cả một cơn dông, đây chinh là một cơn bão. Sau dông bão thì gãy đổ là không thể tránh khỏi. Được tự do sau hơn 7 năm thử thách ở trong tù, Dương Văn Ba đã phải trải qua một thời kỳ thử thách mới kéo dài triền miên cho đến nay. Toàn bộ sản nghiệp gần như mất hết, Ba phải lo gầy dựng lại từ đầu gần như với hai bàn tay trắng. Bắt đầu là thử chạy vạy đòi lại mấy thứ đã bị tịch thâu, mà không đi đến đâu, lại còn đổ thêm nợ chạy đòi nợ. Có cái nhà ở đường Đinh Bộ Lĩnh Sài Gòn bị tịch giao cho Minh Hải bán. Sau nhiều tháng kiện, sau nhiều phiên xử, Minh Hải phải trả nhà thì Minh Hải lại tách đôi, Bạc Liêu trả một phần, Cà Mau một phần, bằng tiền Nhà nước. Tức trả nhỏ giọt, sở hụi đi về để lãnh từng giọt không đủ ăn cơm đường, tiền đâu trả nợ chạy đòi nợ ? Có cái nhà mua của Giáo sư Lê Văn Thới, nguyên Chủ tịch Hội Trí thức yêu nước Thành phố, ở mặt tiền Làng Đại học Thủ Đức, thì bị tịch thu luôn, cả mấy con heo được nuôi ở đó cũng bị hốt hết… Vậy là thử nhảy vô một số ngành mới, cả đấu thầu bếp ăn tập thể, cả mở quán ăn, cả trở lại đất Lào… Các bạn Lào ai còn lại sau biến cố Cimexcol cũng hết sức giúp. Bạn bè thân nhân ở đây cũng vậy. Mà thời vận đã khác, sức khỏe tuổi tác của Ba và mỗi ngưởi cũng khác, cái thì ngày càng xuống, cái thì ngày càng chồng cao. Vậy mà cuộc sống bây giờ, thường là không bình thường lắm, nó cứ không ngừng rượt đuổi theo. Dương Văn Ba bị tai biến mạch máu não lần nầy nằm liệt một chỗ là lần thứ ba. Với một người bình thường chỉ hai lần tai biến thôi cũng đủ vắt kiệt cả sức người sức của. Và mọi người, kể cả anh em con cái trong nhà, sau hơn 7 năm liên tục dốc hết sức mình để vận động cho Dương Văn Ba được trả tự do, cũng bắt đầu thấy đuối. Phải lo củng cố lại mình cũng là lẽ tự nhiên không khó hiểu.


Điều khó hiểu. Duy chỉ có điều khó hiểu, mà nhiều bạn bè đang hỏi tôi, như ba nhà báo, anh Tống văn Công, chị Minh HIền và anh Võ Văn Điểm đã hỏi. Đó là : Tại sao Dương văn Ba lại viết trong hồi ký, nói rằng “Ngô Công Đức đối xử vối cộng sự thân tín như xưa : một đàng là chủ báo, một đàng là công nhân. Quan hệ chủ thợ...” ..“Nguyên do khách quan khiến chính quyền Hà Nội đi tới quyết định.....Tin Sáng hoàn thành nhiệm vụ lịch sử”. Và đây không chỉ là điều “không tốt” duy nhất Ba viết về Đức,

Anh Tống Văn Công, và có thể có nhiều bạn nữa, đã “yêu cầu Hồ Ngọc Nhuận lên tiếng để : Một là trả cho lịch sử đúng sự thật. Hai là minh oan cho người bạn đã qua đời”.

Và tôi xin thưa :

1/ Câu nói trên không thể là của Dương văn Ba ;

2/ Dương văn Ba chỉ lặp lại câu nói của một người khác.


1/ Câu nói trên không thể là của Dương văn Ba. Tại sao ? Bởi khi nói “Ngô Công Đức đối xử vối cộng sự thân tín như xưa : một đàng là chủ báo, một đàng là công nhân. Quan hệ chủ thợ...” thì hai chữ như xưa ở đây có nghĩa là dưới chế độ cũ. Vậy thử xem “như xưa” với tờ Tin Sáng cũ, và “như xưa” với tờ Điện Tín, thì cái gọi là “Quan hệ chủ thợ” là thế nào :

a) “Như xưa”, từ 1967/1968 đến 1971, với tờ Tin Sáng cũ :

Ngô Công Đức, Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận, và nhiều anh em của cả ba từng viết báo Tin Sáng, là dân biểu Quốc Hội VNCH, là đồng viện, là đồng khối chánh trị ở Hạ nghị viện, đồng lập trường tranh đấu ở Miền Nam mà mọi người đều biết.

Đức, Nhuận đứng tên tờ Tin Sáng thì Dương văn Ba là một trong những cây viết chủ lực của Tin Sáng. Cùng với các cây viết nòng cốt khác, như : anh Nguyễn Ngọc Lan, giáo sư Lý Chánh Trung, giáo sư Nguyễn Văn Trung, các dân biểu Phan Xuân Huy, Kiều Mộng Thu, Hồ Hữu Tường, Huỳnh ngọc Diêu,v.v…

Viết báo thì có nhuận bút, theo quy chế nhuận bút. Tiền nhuận bút không phải là tiền lương và thường là rất hậu hĩ, đặc biệt với những cây viết chủ lực. Nhuận bút trên các báo tôi đứng tên giám đốc chánh trị hay chủ bút đều do tôi duyệt, bút tích đến nay vẫn còn. Các chủ nhiệm Hồng Sơn Đông, Ngô Công Đức đều ủy quyền đó cho tôi.

– Báo hằng ngày ở Sài Gòn cùng thời với Tin Sáng cũ, thường có khoảng trên dưới 30 tờ tùy thời điểm tịch thâu nhiều ít, vừa báo thương mại, báo chánh trị thân chính hoặc đối lập. Mà báo thương mại là đa số. Mỗi tòa soạn báo thường có một ê kíp nhỏ chuyên lo các trang báo mỗi ngày, là chỗ tin cậy của chủ báo chủ nhiệm, đa số ký giả còn lại đều làm freelance 12, môt người viết cho nhiều tờ báo, ai không bằng lòng tờ nào thì cứ bỏ đi, nhưng thường là được tờ báo “ôm cứng” nếu bài vở ăn khách, hay là cây viết nổi tiếng.

Tất cả những người làm báo đều tập họp trong các hội đoàn hay tổ chức nghiệp đoàn độc lập để tương trợ lẫn nhau và tranh đấu bảo vệ quyền lợi của nghề báo và của cá nhân mình. Riêng các ký giả thì có hai nghiệp đoàn là Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam và Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, cộng với Hội Ái hữu ký giả, để tự do tham gia bảo vệ quyền lợi của mình. Các nghiệp đoàn ở Miền Nam trước đây, đặc biệt là các nghiệp đoàn báo chí, ai cũng biết tiếng là đấu tranh không vừa, kể cả xuống đường, không dễ gì để bị chủ báo ăn hiếp 13.

– Tờ Tin Sáng là một tờ báo đối lập chánh trị, không là một tờ báo thương mại. Ai cũng biết Tin Sáng là một cơ quan tranh đấu, một tờ báo ngày “gần như hằng ngày” bị chánh quyền liên tiếp tịch thâu, liên tục bị đóng cửa, tòa soạn và nhà in liên tiếp bị đốt phá, các báo đương thời đều có đăng tin. Riêng tôi cũng từng bị “đạn thư” đe dọa mạng sống, Ngô Công Đức từng bị ném sơn đầy người khi về Trá Vinh, và cả hai chúng tôi đã từng bị treo hình nộm đốt ở tỉnh nhà, khi chúng tôi tổ chức kêu gọi hoà bình ở Paris và kêu gọi TT Nguyển Văn Thiệu từ chức, trên Tin Sáng. Nhưng Tin Sáng luôn được những người cùng chính kiến hợp tác coi như tờ báo của chính mình. Những tổ chức đấu tranh cho hòa bình dân tộc cũng đều coi Tin Sáng là như vậy. Và đông đảo độc giả nạn nhân chiến tranh, yêu chuộng hòa bình đều chọn Tin Sáng làm tiếng nói của mình 14. Có thể nói Tin Sáng dưới chế độ cũ là một tờ báo đã hội tụ được nhiều cây viết chánh trị nổi tiếng lúc bấy giờ, và nhiều nhà văn nhà báo tên tuổi.

Tất cả những phá hoại đối với Tin Sáng, tất cả những ủng hộ đối với tờ báo, trong đó có Dương Văn Ba, lẽ nào để yên cho chủ nhiệm Ngô Công Đúc đối xử với cộng sự thân tín như chủ thợ. Bởi thật sự là không hề có như vậy.

­ – Khi nói về “cộng sự thân tín” của Ngô Công Đức “thời xưa”, tức thời 1967-1971, thì ai có thể thân tín với Ngô Công Đức bằng Dương Văn Ba và Hồ Ngọc Nhuận, mà mọi người đều biết, vì luôn sát cánh với nhau ? Nếu không, thì làm sao có chuyện Ba cùng tôi đi cứu Đức ở Trà Vinh, và tôi đi cứu Ba ở Bạc Liêu khi Đức Ba bị nạn, như tôi đã kể trong quyển ĐỜI, trong chương “Ngô Công Đức ngồi tù” ? 15 Nếu không là thân tín với nhau, thì tại sao Ngô Công Đức khi chuẩn bị vượt biên lại sắp xếp cho ra tờ Điện Tín để Dương Văn Ba làm Thư Ký Tòa soạn trong mấy năm trời lánh nạn ở dinh Hoa Lan ?

Tóm lại, mọi người từng biết biết Dương Văn Ba, từ năm 1967 đến năm 1971, là một dân biểu đối lập, là một cây viết nổi tiếng của báo Tin Sáng, và hầu như duy nhất chỉ viết cho Tin Sáng, như anh Nguyễn Ngọc Lan ngoài tờ Đối Diện của anh. Dương văn Ba không hề là một công nhân ở Tin Sáng ngày nào. Để biết chế độ “chủ thợ” ở Tin Sáng là như thế nào. Trừ phi đã nghe ai nói ? Nếu vậy thì lúc đó sao không lên tiếng ? Nhất là với tư cách một dân biểu đối lập nổi tiếng ? Mà lại im lặng coi như a tòng ? Để đến bây giờ, hơn 40 năm sau, và gần 8 năm sau khi chủ nhiệm Tin Sáng đã chết, và nhiều người nữa cũng đã chết, thì mới lên tiếng ?

Và vì vậy tôi nói Dương văn Ba không thể là tác giả của những câu chết người kể trên.

b) “Như xưa”, từ 1971 đến 30-4-1975, với tờ Điện Tín.

– 1971 : Dương Văn Ba thất cử dân biểu ở Bạc Liêu và Ngô Công Đức ở Trà Vinh.

– Cuối năm 1971 : Ngô Công Đức chuẩn bị mọi thứ cho ra lại tờ Điện Tín, giao cho tôi và Dương Văn Ba điều khiển rồi đi lưu vong.

– Từ cuối 1971 đến 30-4-1975 : Dương Văn Ba trốn ở “Dinh Hoa Lan”, vừa làm Thư ký Tòa soạn Điện Tín

– Tháng 5-1975 : Ngô Công Đức về nước.

Tóm lại : Thời xưa, từ 1971 đến 1975 , với tờ Điện Tín do Ngô Công Đức góp công gầy dựng, Tòa soạn Điện Tín không hề thấy mặt Ngô công Đức ngày nào, hay có chăng cũng chỉ trong mấy ngày đầu. Tòa soạn Điện Tín cũng không hề thấy mặt Thư Ký Tòa soạn Dương văn Ba. Mà nhuận bút và chi phí biên tập các thứ đều do Dương Văn Ba đề nghị để Giám Đốc chánh trị Hồ Ngọc Nhuận duyệt cho mọi người lãnh. Trong đó có cả Dương Văn Ba, bút tích còn lưu.

Vì vậy cái gọi là chế độ chủ thợ thời xưa, ở Điện Tín, giữa Ngô Công Đức và những người làm báo với Đức cũng là đặt điều.


c) Tới thời nay, với tờ Tin Sáng bộ mới, từ ngày 10-8-1975 đến ngày 29-6-1981 khi Tin Sáng bị đóng cửa.

Trong thời gian gần 6 năm hoạt động, Tin Sáng bộ mới đã có một bộ mặt hoàn toàn khác với các báo cùng thời ở Thành phố Hồ Chí Minh, lại có một “đội ngũ” làm báo hùng hậu đa dạng mà cả Tin Sáng và Điện Tín ngày xưa không thể mơ ước có được, mà vài tờ báo cũ mới, xưa nay cũng khó có :

Tập thể công nhân viên “Tin Sáng mới” gồm khoảng trên dưới 200 người, đông hơn cả tổng số nhân viên của Tin Sáng cũ, Điện Tín và nhiều tờ báo khác gộp lại. Mặc dù đã có hơn 50 anh chị em đã mất, gia đình Tin Sáng vẫn còn lại khá đông để hằng năm hoặc vài năm một lần cùng nhau đoàn viên kỷ niệm ngày Tin Sáng mới ra đời, mà ngày 10 tháng 8 năm nay (2015) là đúng 40 năm.

– Tòa soạn, bộ biên tập của Tin Sáng mới chẳng những tập họp gần như toàn bộ hai bộ biên tập của Tin Sáng cũ và Điện Tín, mà còn được sự tăng cường tiếp sức của nhiều thành phần tiêu biểu trong làng văn, làng báo Sài Gòn cũ, và một phần của miền Bắc cùng các bạn từ miền Bắc về, cùng nhiều trí thức tên tuổi, nhiều giáo chức, bác sĩ, luật sư, thẩm phán, sĩ quan chế độ cũ 16.

– Đặc biệt anh em chúng tôi còn có được một số đông anh em dân biểu, và nghị viên, là “đồng viện” cũ của Ba, của Đức và của tôi ở Quốc Hội chế độ cũ, tin cậy về hợp tác trong biên chế chính thức của Tin Sáng. Tổng cộng trước sau đếm được cũng phải hơn 15 anh, trong đó có nhiều người là bạn học cũ của nhau. Con số nầy là thừa túc số để có thể làm thành một khối chánh trị chánh thức tại một Quốc Hội như Quốc Hội VNCH 17. Đặc biệt trong những anh em dân cử cũ ở Tin Sáng có anh bác sĩ Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Sùng Chính, nay là trung tâm chỉnh hình TP, trước khi đi định cư ở Mỹ, đã từng cùng mấy bạn bác sĩ nổi tiếng của Sài Gòn cũ, nhận luân phiên làm bác sĩ riêng cho gia đình Tin Sáng 18, và anh Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng ban Tư liệu thư viện Tin Sáng 19 từng là Thứ trưởng đặc trách liên lạc với Quốc Hội VNCH, thời Chánh Phủ Trần Văn Hương, nhưng trước đó là dân biểu Quốc Hội Lập Hiến Đệ nhị CHVN, đồng viện với dân biểu lập hiến chủ báo Lý Quý Chung. Gia đình hai anh Chung Hiệp đã từng, trong một thời gian rất dài trước khi Tin Sáng “bị nạn”, là bạn rất thân với nhau.

– “GIA ĐÌNH TIN SÁNG” còn là một Đại Gia Đình của nhiều gia đình nhân viên Tin Sáng, bởi có rất nhiều anh chị em, nếu không nói là đa số, có thân nhân, cha con, vợ chồng, anh em, cùng làm chung ở Tin Sáng, trong gần suốt 6 năm 20.

– Các đoàn thể như Công Đoàn, Chi Đoàn Thanh niên cộng sản hay Ban Nữ Công đã ra đời rất sớm ở Tin Sáng, bởi chủ nhiệm Ngô Công Đức đã sớm chủ động gởi người của Tin Sáng đi tập huấn đào tạo ở các nơi để về làm nòng cốt cho các đoàn thể ở Tin Sáng, để chuẩn bị chuyển giao tờ báo cho tập thể, bắt đầu từ năm thứ hai trở đi. Hầu hết anh chị em Tin Sáng đều có thể khẳng định rắng Ban chấp hành các đoàn thể ở đây đã hoạt động rất hăng hái, năng nổ. Nhân sự các BCH đó vẫn còn hiện diện khá đông đủ đó đây. Có người đã trở thành thành viên khá đắc lực ở một số đơn vị khác, sau khi Tin Sáng bị đóng cửa, nhưng vẫn không quên định kỳ về sinh hoạt với “gia đình Tin Sáng” nhân các dịp kỷ niệm.

Không như ở Tin Sáng cũ, Điện Tín hay ở những tờ báo ở Sài Gòn cũ, Tin Sáng bộ mới được quản lý điều hành trong khuôn khổ một Bản Nội Quy do đại diện Ban Chấp Hành các đoàn thể cùng tôi hợp tác soạn thảo và toàn bộ tập thể nhà báo thông qua. Và khi nhà báo ngưng hoạt động thì cho ra đời một Ban Thanh lý Tin Sáng, mà tôi là trưởng ban, với sự chứng kiến của đại diện Ban Tuyên huấn Thành ủy và Sở Thông tin 21. Các nhân viên Tin Sáng đều ít nhiều được ban nầy phục vụ. Ít ra là cũng được xác nhận giấy tờ công tác ở Tin Sáng, hoặc để đi xin việc, mua gạo hay mua dầu lửa. Mọi người còn được chia phần thanh lý xí nghiệp sơn mài Lam Sơn của tập thể Tin Sáng, tính theo công điểm và thâm niên của từng người.

– Ngoài ra hai ông Võ Văn Kiệt và Trần Bạch Đằng còn thường xuyên theo sát chỉ đạo, hỗ trợ Tin Sáng hết mình. Ông Kiệt đã từng đến tham quan, thăm viếng, động viên anh em. Ông Trần Bạch Đằng thì đều đặn viết bài cho Tin Sáng. Đặc biệt, dù biết tôi đã có ba phụ tá Chủ bút trong biên chế Tin Sáng là Nguyễn Hữu An 22, Dương văn Ba và Lý Quý Chung 23, ông còn gởi đến một người để giúp tôi, mà ông gọi đùa với tôi là Phụ Tá đặc biệt 24.

– Đặc biệt đối với Dương Văn Ba, trong thời gian hoạt động gần 6 năm của Tin sáng (từ tháng 8/1975 đến 29/6/1981), thì Ba vừa làm Phụ tá Chủ bút vừa đi hợp tác khai thác kinh doanh gỗ với tỉnh Minh Hải hơn 3 năm (từ 1978 đến 1981), với quy mô làm ăn ngày càng lớn và những chức vụ không nhỏ. Việc để cho Ba đi làm với Minh Hải đã làm cho ông Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Bô Nội vụ không bằng lòng và lên tiếng trách tôi và Đức 25.


2) Dương văn Ba chỉ lập lại một câu nói của một người khác. Người đó là ai ? Và tại sao ?

a/ Người đó là ai ? Để trả lời câu hỏi nầy, tôi xin trở lại những ngày trong tháng 6 năm 1981. Vào thời đó, những ai từng làm báo và làm văn nghệ ở Sài Gòn đều nhớ đây là thời kỳ ông Võ Văn Kiệt có kế hoạch kiểm điểm chỉnh đốn các cơ sở báo chí và văn nghệ toàn thành, bằng cách hằng tuần luân phiên đến tiếp xúc trao đổi với từng cơ quan. Tin Sáng cũng nằm trong kế hoạch đó. Khi đến ngày hẹn gặp, ở một cơ sở ở đường Tú Xương, Ngô Công Đức đề nghị có cả đại diện các đoàn thể Tin Sáng cùng dự, thay vì chỉ có Ban lãnh đạo tờ báo gồm chủ nhiệm, chủ bút, ba phụ tá chủ bút và Quản lý.

Tôi đại diện Tin Sáng báo cáo tình hình chung của tờ báo, hoạt động hằng ngày của nhà báo và tòa soạn, hình thức nội dung mỗi số báo, quá trình hoạt động trong gần 6 năm, từ số báo đầu tiên đề ngày 10-8-1975, một số thành quả bước đầu thu hái được, dư luận độc giả, những ưu và khuyết điểm… Và để kết luận, tôi nói, đại ý : “Tin Sáng có thể đã có một phần đóng góp nào đó cho việc xây dựng Thành Phố trong những năm đầu Thành Phố còn nhiều khó khăn. Chút công gì, nếu có, thì cũng không đáng kể. Mà khuyết điểm, hay “tội”, thì chắc phải nhiều hơn những gì đã được tôi báo cáo. Mong được lãnh đạo hết lòng chỉ dẫn”.

Tạm nghỉ, “ra chơi”, “toàn dân” Tin sáng đều “tán dương” tôi, cho rằng tôi đã nói đúng bụng anh em.

Khi vào họp lại, đại diện Ban Tuyên huấn Thành ủy đáp lời tôi. Một loạt các ưu khuyết điểm của Tin Sáng trong hoạt động mấy năm qua đã được vắn tắt nêu lên, mà nổi bật nhất trong các khuyết điểm, có thể nói là “cây đinh” trong buổi họp, là một “bài báo” của chủ nhiệm Ngô Công Đức. Không đừng được nên tôi đã “nổ”. Ngay giữa phiên họp và cả khi về đến tòa soạn. Vậy đó là bài báo nào ? Và tại sao tôi “nổ” ?

Đó là một “bài báo” không có đăng báo. Một hôm Ngô Công Đức chuyển cho tôi một bản thảo bài báo có tựa bài là “Nạn hồng về binh mới”, để tôi biên tập lại và cho đăng. Nhận thấy hạn cuối nạp bài đã sắp hết, bài viết lại thuộc loại “khó nuốt”, khó sửa, tôi xếp bỏ vào hộc tủ bàn viết, rồi gọi báo Đức rằng tôi tạm gác lại, không sửa cũng không cho đăng. Hai bên trao đổi một hồi thì Đức cũng để tùy tôi quyết định. Và tôi quyết là xếp. Nhưng có một người lúc đó đang có mặt tại tòa soạn lại không chịu “xếp”. Người đó, khi nghe Đức và tôi trao đổi qua điện thoại, đã đến gần tôi và nói : “Anh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu cho đăng bài nầy của Đức”. Tôi hết sức kinh ngạc ! Bởi đây là lần đầu tôi được “nhắc nhở” về trách nhiệm của tôi, Mà tôi là ai ? Nếu chủ bút một tờ báo không chịu trách nhiệm trên hết về các bài đăng trên báo của mình thì là ai ? Từ trước tới nay, tôi đã duyệt bỏ không chỉ một bài, mà không biết bao nhiêu bài, kể cả của các đảng viên, kể cả của ông Trần Bạch Đằng, và tôi có phải hỏi ý kiến hay báo cáo với ai đâu ? Ở Tin Sáng cũ và Điện Tín cũng vậy. Các tin bài bị duyệt bỏ, bất cứ vì lý do gì, bởi nhiều cấp trách nhiệm khác nhau ở một tòa soạn báo trong một ngày, một tháng, một năm là không thể kể xiết, chưa nói đến những tin bài bị sửa, bị cắt xén trước khi cho đăng báo. Nếu bươi lại hết những thứ đã bị bỏ để kết tội thì làm sao gánh cho hết tội ? Kể cả các “ý kiến” có độc giả gửi đến chửi chế độ mà tôi đã xếp, cũng coi là tội hay sao ? Một bài viết đã được loại bỏ, không bao giờ được đăng báo, không ai biết nội dung là gì, thì sao gọi là một bài báo ? Bài viết của chủ nhiệm Ngô Công Đức, mà với tư cách là chủ bút tôi đã loại bỏ, với sự đồng tình của tác giả, mà tôi chỉ còn nhớ được cái tựa chớ không nhớ được nội dung là gì, thì may ra chỉ còn nằm trong đầu của tác giả, vì lúc đó làm gì có máy vi tính để truy tìm dấu vết. Không lẽ đi bắt tội cả những ý định trong đầu người khác ? Một ý định chưa biến thành hành động thì sao gọi là một hành động ? Không lẽ cứ có ý định tốt là được lên thiên đàng, có ý định không tốt là xuống địa ngục ? Nếu vậy thì đó là chế độ gì ? Hay là “ai đó”, trước khi đi báo cáo, đã lục lạo hộc tủ bàn viết của tôi để lôi ra “bằng chứng” báo cáo ? Mà nếu có bản nháp bài viết “làm bằng” thì đó cũng không phải là một bài báo, không phải là một cái tội.

Đại ý nội dung phát biểu phản ứng của tôi, mà đến nay tôi vẫn chưa quên, là như trên. Bởi tôi không chỉ phản ứng tại chỗ mà còn không dằn được cơn tức khi về đến tòa soạn. Tôi cũng không quên cho rằng ai đó đã đi báo cáo sau lưng Đức và tôi như vậy là “không thể chấp nhận” được, mặc dù tôi dư biết chúng tôi đã bị báo cáo đều đặn từ mấy năm nay. Những báo cáo có cái viết tay, có cái đánh máy, mà sau nhiều năm Tin Sáng đã rã đám, nhờ bạn bè thương tình đã gom góp cho tôi được một mớ 26. Nhưng tôi cũng nghĩ cái “tội” đụng đến “hồng vệ binh” lần nầy là nặng nhất, lại có “bằng chứng”, và công người đi tố cáo cũng là công lớn nhất.

Và màn một của vở tuồng “Tin Sáng hoàn thành nhiệm vụ” đã kết thúc ở đó.

Màn hai là khi ông Võ Văn Kiệt mời dự một phiên họp tiếp với ông. Nhưng lần nầy thì chỉ thu hẹp với ban lãnh đạo Tin Sáng, tất cả 5 người, gồm : chủ nhiệm, chủ bút, hai phụ tá chủ bút là Dương Văn Ba và Lý Quý Chung và quản lý Nguyễn Văn Binh. Anh Nguyễn Hữu An, Phụ tá thứ nhất không dự vì đang là Giám đốc Sơn mài Lam Sơn. Nội dung là để ông Kiệt nghe tiếp các bên. Nói là các bên, nhưng kỳ thật là chỉ có hai bên : bên tố và bên biện hộ. Bên tố là người đã “cảnh cáo” tôi là “tôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu cho đăng bài về “Nạn hồng vệ binh mới” của Ngô Công Đức”. Bên biện hộ là tôi và Dương văn Ba, mà nhất là Dương Văn Ba. Chủ nhiệm Ngô Công Đức là người bị tố nặng nhất nên ít lên tiếng, Quản lý Nguyễn Văn Binh vì là anh rể Đức nên cũng ít lên tiếng.


Những “tội danh” Đức bị tố là gì ? Là những gì cả nhà báo đã từng râm ran nghe nói về Đức, và một phần về tôi, trong mấy tháng sau cùng của tờ báo. Những “tội” mà Ngô Công Đức đã “giữ kín” trong nhiều năm trời, và chỉ nói ra một phần, 3 năm trước khi mất, trong các thư gửi ông Trần Bạch Đằng, ông Dương Đình Thảo và bà Giám Đốc Nhà xuất bản Trẻ đề ngày 30 và 31-12-2004, sau khi có một cuốn hồi ký vừa được xuất bản, được tờ Công Luận, một tờ báo mới xuất bản số ra mắt và tờ Công An Thánh phố Hồ Chí Minh quảng cáo rầm rộ, có liên quan đến ngày 30-4-1975, đến ông Đại tướng Dương Văn Minh, và đặc biệt có nhiều đoạn nói đến báo Tin Sáng. Thư Đức gửi ông Trần Bạch Đằng có đoạn viết : “Tin Sáng đã đình bản bởi một loạt mâu thuẫn chia rẽ nội bộ, và anh LQC đã từng tố cáo tôi trước Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt với sự hiện diện của Ban Tuyên huấn và anh em Tin Sáng rằng tôi lãnh đạo Tin Sáng chống Đảng. Bây giờ tôi đã quên lời tố cáo “giết người” của anh, và còn đưa cho anh tài liệu để viết hồi ký, anh LQC lại tiếp tục gián tiếp tố cáo Tin Sáng và cá nhân tôi, để người đọc… hiểu rằng nếu không có mâu thuẫn với anh thì Tin Sáng cũng không thể tồn tại vì tôi sẽ như Walesa của Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan sẽ phát động lật đổ chế độ cộng sản…”. Thư gửi ông Dương đình Thảo có đoạn viết : “…Sau khi thấy báo chí ca ngợi trước khi sách phát hành, đọc lời tựa của anh Trần Bạch Đằng, và thấy anh (DĐT) đến (buổi ra mắt quyển HKKT tại Khách sạn Sofitel Plaza, số 17 đường Lê Duẩn, Q1 TP Hồ Chí Minh, lúc 10 giờ 30 ngày 04-12-2004. HNN) để tăng sức nặng cho sự ra đời của quyển hồi ký có lẽ nhiều người cũng hiểu vai trò của cuốn hồi ký nầy cho những gì sẽ mở màn cho năm 2005… Nếu ông Dương Văn Minh còn sống chắc có nhiều thay đổi trong nội dung hồi ký của (… ) có liên quan đến ông”. Thư gửi bà Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ có đoạn viết : “Tôi xin được quyền dựa trên luật pháp để bảo vệ sự thật và danh dự của mình, và sẽ lên tiếng trước công luận về cuốn hồi ký của ông (…)”. (xem ĐỜI, bản thảo năm 2010).

Những tố cáo mà Ngô Công Đức gọi là “giết người” đó không chỉ nói về việc Đức muốn bắt chước Công đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan, mà còn về nhiều “tội” khác, như :

– có những tư tưởng được cho là thân Nam Tư,

– lập trại sản xuất nông nghiệp “sát biển” ở Minh Hải, nằm giữa đông đảo bà con người Khmer,

thu dụng hoặc kêu gọi sự hợp tác của quá nhiều thành phần của chế độ cũ, đặc biệt có tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, có cả đảng viên của đảng Cấp tiến của giáo sư Nguyễn ngọc Huy

thu dụng cả con em có khuynh hướng tự do của các bạn đi tập kết miền Bắc về, điển hình là con gái anh Hồ Ngọc Chiếu, cháu ruột anh Hồ Ngọc Cứ,

– và về việc Đức không từ bỏ nếp sống của một ông chủ báo cũ, đối xử với nhân viên như chủ với thợ thời trước 1975.


Tin hay không tin ? Trước những lời tố cáo nặng nề đó, tôi nghĩ chính ông Võ Văn Kiệt cũng một phần nào bị bất ngờ, nhất là về tính cách dữ dội của những lời lẽ tố cáo, mặc dù chắc có thể ông đã biết qua hoặc đoán qua một phần, do những báo cáo đã có trước từ đâu đó 27. Ông đã kiên nhẫn ngồi nghe hết những lời lẽ “hùng hồn” của người tố cáo duy nhất, và của bên biện hộ gồm Dương văn Ba và tôi. Mà người bênh Ngô Công Đức hăng nhất, có khi còn lớn tiếng vì không dằn được cơn tức, là Dương Văn Ba, chớ không phải tôi. Tại sao ? Bởi tôi đã bắt đầu thấy ngán cho tình đời, và dự đoán khi người ta đã quyết liệt “tố hết lán” như vậy thì kết cục ở tờ báo phải có một thay đổi lớn, không đến nỗi là một cuộc “thanh trừng”, nhưng Đức thì khó có thể ngồi yên. Nhưng nếu Đức đi thì tôi cũng sẽ không ở. Vì vậy có thể là một cuộc thay bậc đổi ngôi, điều mà có người hằng muốn. Có thể là Tin Sáng sẽ bị “dẹp tiệm”, coi như “chìm xuồng” cả đám. Tôi thầm nghĩ như vậy. Còn Dương Văn Ba thì đang cùng trang lứa với người tố cáo và đang thời sung sức. Là người có quá trình hợp tác lâu dài nhất với Đức, so với nhiều anh em khác ở Tin Sáng, Ba lại đang trên đà hợp tác làm ăn tốt với Minh Hải, vừa làm phụ tá chủ bút Tin Sáng, nên Ba không thể không cảm thấy như chính mình bị đụng đến khi Đức bị tố oan, và Tin Sáng bị xúc phạm.



Mục tiêu của ông Võ Văn Kiệt là gì khi để cho hai bên “đối chất” trước mặt ông ? Để hòa giải chăng ? Có thể ông có nghĩ như vậy phần nào trước khi mở cuộc họp. Nhưng càng nghe càng thấy các lời trả đũa nhau giữa hai bên càng nảy lửa thì hàn gắn gì được nữa ?

Vậy thì sao ? Tạm cho những người bị tố nghỉ việc để tiến hành điều tra ? Giao cho người “trung tín” đã tố cáo tạm thời điều hành tờ báo một thời gian rồi sấp xếp lại ? Hay tạm giao tờ báo cho các đoàn thể ? Với bề dầy hoạt động của Tin Sáng cũ và mới, với bề dầy hoạt động chánh trị của những người chủ trương lãnh đạo Tin Sáng cũ và mới, những cái “tạm, tạm” đó không thể không gây những phản ứng nầy nọ trong dư luận quần chúng.

Hay cứ im lìm giữ nguyên trạng, tiếp tục để Tin Sáng hoạt động như không có gì, rồi từ từ tìm giải pháp ? Làm vậy tức là quyết giữ một trái bom nổ chậm trong nhà, và sẽ bị họa lây : họa lây cả khi bom chưa nổ, vì tội bao che một hiểm họa.

Tôi tin chắc ông Võ Văn Kiệt, trước những mâu thuẩn trầm trọng và những tố cáo nặng nề như vậy, qua quá trình tiếp xúc, “làm việc” với Ngô Công Đức và tôi trong suốt gần 6 năm, cũng thấy có “một cái gì đó không bình thường đàng sau những lời tố cáo quá nặng nề”, mà chỉ cần một thôi cũng đủ làm chết người, và chúng tôi bị tố oan. Mà bênh ai, bỏ ai ? Khi trong năm người cãi nhau quyết liệt trước mặt ông thì một người chưa là “chuẩn đảng viên”, vì muốn xin vô Đảng mà chưa được, và cả năm đều là những người làm chánh trị, là cựu dân biểu đối lập với chế độ cũ, và những tội bị đem ra tố là những tội chánh trị ? Tin hay không tin ai thì trước mắt tối thiểu cũng phải dẹp hết, không dẹp là mang họa vào thân….


Lựa chọn. Một sáng tinh mơ khi tôi đang say ngủ sau một đêm thức “canh báo” (vì tôi cũng là chủ hộ tập thể của Tin Sáng, thường phải thức khuya và “ngủ” lại tòa soạn cho tới lúc báo phát hành) thì Đức và Ba đến vực tôi dậy, cho biết ông Kiệt kêu ba người chúng tôi, Đức, Ba và tôi đến gặp ông gấp. Mà không gọi người tố cáo. Tại sao ? Tôi không biết, nhưng có lẽ người ấy đã được thông báo quyết định trước chúng tôi. Vì muốn để cho tôi ngủ, Đức và Ba đi gặp ông Kiệt và về báo : “Ông Kiệt cho biết Hà Nội đề nghị ông nên cho ngưng Tin Sáng. Và ông cho chúng ta chọn : một là tạm kéo dài Tin Sáng một tháng nữa rồi ngưng, để chuẩn bị dư luận ; hai là ngưng ngay, sau số báo đề ngày hôm nay, 29-6-1981. Tụi tui (Đức, Ba) đã chọn ngưng ngay, ý anh thế nào?” Ý tôi là thế nào ? Để làm gì ? Khi ba người được gọi để chọn mà có hai đã nhất trí thì tôi là thiểu số, có ý kiến hay không thì chuyện cũng đã rồi. Nhưng tôi vẫn có ý kiến : “Tôi đã dự đoán là không thể khác. Đối với riêng tôi, được nghỉ là quá tốt. Trước đây, khi cho Tin Sáng ra lại, tôi nghĩ và mong người ta cho làm thử vài năm rồi nghỉ, là cũng đủ mệt. Nào ngờ kéo tới sáu năm. Bề nào cũng ngưng, mà ngưng ngay là tốt nhất. Càng kéo dài ngày nào, càng chuẩn bị dư luận càng đổ thêm “nợ”. Mà chuẩn bị cái gì, làm sao chuẩn bị ?

Và như vậy là bắt đầu cái ngày dài nhất của anh em Tin Sáng, mà cũng là của tôi, như tôi đã kể lại trong bản thảo quyển ĐỜI. Với việc hình thành số báo Tin Sáng cuối cùng đề ngày 29-6-1981, với lời xin lỗi, cáo biệt, cám ơn độc giả, với tổ chức buổi lễ “hoàn thành nhiệm vụ” có đít-cua của Tin Sáng và đại diện chánh quyền và Đảng, với việc hình thành Ban Thanh lý Tin Sáng, có sự hiện diện của đại diện Ban Tuyên huấn Thành ủy và Sở Thông tin (Riêng người tố cáo thì lánh mặt cả cho tới mấy năm sau khi Tin Sáng đóng cửa)



Thái độ ông Võ Văn Kiệt và ông Trần Bạch Đằng hồi năm 1981, sau khi Tin Sáng ngưng hoạt động ? Hơn một lần ông Võ Văn Kiệt, bằng cách nầy cách khác, đã tỏ cho Ngô Công Đức và tôi biết ông không thể không thấy tiếc khi thấy Tin Sáng phải ngưng hoạt động, một cách oan uổng. Làm sao ông không tiếc một tờ báo mà chính ông và ông Trần Bạch Đằng đã dày công giúp đỡ gầy dựng ? Mà ông đã từng đến thăm, với nhiều thích thú ? Một tờ báo mà Alain Ruscio, trước là đại diện thường trú của báo L’Humanité ở Hà Nội, về sau là nhà nghiên cứu sử học ở Paris, trong một cuốn sách có tựa là Vivre au Viêt Nam (sống ở Việt Nam) đã viết là “một tờ báo độc nhất vô nhị ở các nước xã hội chủ nghĩa”. Một tờ báo mà nhà báo Pháp Jean Lacouture đã cho là “một trắc nghiệm có tính quyết định về tinh thần dân chủ của chế độ mới”. Và tôi còn nhớ chính ông Võ Văn Kiệt đã kêu Đức và tôi chuẩn bị để cho ra lại tờ Tin Sáng hải ngoại, một thời gian không lâu trước khi nổ ra “sự cố Walesa – Tin Sáng” . Riêng ông Trần Bạch Đằng, vốn luôn thẳng tính, thì rất lâu sau khi Tin Sáng đóng cửa, vẫn luôn “than” với tôi, trong vụ Đức bị tố và Tin Sáng phải đóng cửa, rằng các ông lãnh đạo, trong đó có ông, rất được “nâng cao”, nhưng “ông cảm thấy rất bị… nhột…” (bảo đảm gần như nguyên văn), nhột đến mức ông không thể nhìn mặt người đã gây ra cái nhột đó trong một thời gian khá dài.

Tôi nghĩ dù sao thì hai vị ân nhân đã đỡ đầu cho Tin Sáng cũng có thể tự an ủi, bởi Tin Sáng khi bị đóng cửa đã vượt qua cái móc thời gian trắc nghiệm mà nhà báo Jean Lacouture đã đặt ra hồi năm 1980. Nhà báo viết : “…Báo Tin Sáng của Ngô Công Đức và các bạn ông vẫn ra đều. Trắc nghiệm như vậy là có tích cực không ? Người ta có thể kết luận rằng một chế độ đa nguyên chính trị và văn hóa tương đối vẫn còn là một thực tế của Việt Nam năm 1980 hay không”? (Alain Ruscio, Vivre au Việt Nam, xuất bản đầu năm 1981, trang 178). Jean Lacouture đã đặt cược cho Tin Sáng tới năm 1980, mà chúng tôi thì vẫn “ra đều” cho tới giữa năm 1981.


Và hơn 20 năm sau ? Vào năm 2004 thì thái độ của hai ông ra sao ? Như Ngô Công Đức đã có nhắc trong thư gửi ông Dương Đình Thảo, năm 2004 là giáp năm 2005, kỷ niệm 30 năm ngày “giải phóng Sài Gòn và Miền Nam”. Có Kỷ niệm thì phải có tuyên dương. Công lao sự nghiệp nầy là của lãnh đạo, mà cũng là của “quần chúng” được “lãnh đạo”. Để tuyên dương phải xác định vai tuồng, vị trí, công lao các nhân vật “được lãnh đạo”. Có những vị trí, vai tuồng phải đảo ngược nếu cần, vì lợi ích chánh trị, vì “đại sự quốc gia”. Như ông Tổng thống đã tuyên bố đầu hàng ngày 30-4-1975, dù có góp chút công chấm dứt đổ máu, công đó cũng không bằng người “có khả năng làm hòa bình” 28, nên chỉ là “đồng đội” của một tổng trưởng do ông đã dựng lên, vì đã có “cống hiến lớn nhường ấy” khi “đảm nhiệm Tổng trưởng Thông tin”, của chính ông Tổng thống đã đầu hàng. (Theo ông Trần Bạch Đằng trong lời giới thiệu HKKT, ấn bản 1, trước khi bị rút lại). Chánh trị là như vậy.


Còn Dương văn Ba, sau năm 1981, sau khi Tin Sáng bị ngưng hoạt động ? Anh vẫn tiếp tục hợp tác với Minh Hải,với quy mô hoạt động ngày càng quan trọng, với sự giúp sức đắc lực của một số anh em thuộc gia đình Tin Sáng, trong đó có chính tôi, cho đến năm 1987. Rồi bị tố oan, bị tù đằng đẵng gần cả chục năm, mà anh em vẫn luôn gắn bó với nhau. Để rồi, khi người người đã lần lượt ra đi gần hết, thì bỗng viết ra những điều gần như lặp lại những lời của một người khác đã tố cáo một người anh em đã chết, những lời tố cáo mà cách đây hơn 30 năm Ba đã cực lực phản đối, trước mặt ông Võ Văn Kiệt, và với hai người chứng còn lại là anh Nguyễn Văn Binh và tôi, hồi tháng 6/1981. Tại sao ?


Tại sao ? Giữa những người ruột thịt với nhau trong một gia đình cũng có khi có những bất đồng và nếp sống không giống nhau. Huống hồ là trong một “gia đình chính trị” hay một “gia đình làm báo”. Đó là sự thường.

Có điều đáng tiếc và không được bình thường lắm ở đây là : khi đi bôi bác một người đã gắn bó với mình hơn nửa đời người, một người có trách nhiệm đứng đầu một tập thể đã gắn bó với nhau như một đại gia đình trong đó có mình, Dương văn Ba đã đồng thời bôi bác cả tập thể anh em, và tự hạ thấp chính mình.

Những trường hợp tương tự là rất hiếm xảy ra, nhất là trong hàng ngũ những người thường được xã hội đem lòng trọng nể, gọi là trí thức, nên càng khiến cho nhiều người kinh ngạc. Càng kinh ngạc hơn là việc xảy ra khi Đức đã mất khá lâu, nên nhiều bạn phải hỏi tôi về lý do, tình huống đặc biệt bức bách nào đã khiến xảy ra việc đáng buồn đó.

Với tư cách là một người có quá trình lâu dài nhất với Ba và Đức và với tập thể gia đình Tin Sáng, thú thật tôi cũng có ngạc nhiên, nhưng ít hơn là buồn. Éo le chuyện đời, ai cũng biết, có khi chỉ bắt nguồn từ một việc nhỏ, không đáng gì, bỗng dưng hóa thành lớn, đến nỗi che hẳn chính mình và người thân. Một lời nói có khi cũng làm đổ vỡ tất cả mà không thể nào hàn gắn được. Có việc nhỏ như một “cục đất”, cục gạch hay như một “tờ giấy”… có khi cũng có một sức nặng gây tác động không ngờ. Có khi việc nhỏ đáng buồn nào đó lại không do một trong hai người có liên quan, mà do một người thứ ba ! Tôi có quen biết một gia đình mà cha con không nhìn nhau, cho tới chết. Và một gia đình thì hai anh em cũng vậy. Cũng vì một việc nhỏ mà tôi không biết, cũng không hỏi. Nhưng ở đây, giữa Dương Văn Ba và Ngô Công Đức, cái chuyện nhỏ đó là gì, tôi có biết không ? Tôi có biết !

Nhưng, như người ta thường nói : “Nếu có giặt đồ… thì nên giặt trong nhà”. Anh em trong gia đình Tin Sáng, hay cái gia đình chánh trị nhỏ của tôi, nay ra đi cũng khá nhiều, nhưng cũng còn được một mớ. Khi có dịp ngồi lại với nhau, giữa anh em cùng có trách nhiệm trong nhà với nhau, thì tôi sẽ nói. Để mọi người cùng “giặt”.

48 năm, một mẩu chuyện nhỏ, dù sao cũng là một chuyện nhỏ đáng buồn. Nhưng cũng là một thử thách, để cho tình nghĩa anh em trong “gia đình Tin Sáng” không chỉ tròn 50 năm trong 2 năm nữa, mà sẽ là mãi mãi.

Để kết thúc chuyện về thử thách nhỏ trên đây, và cũng nhân kỷ niệm ngày Ngô Công Đức qua đời cách đây vừa đúng 8 năm, tôi xin nêu lên vài lời chứng của một số anh chị em đã từng sống dưới cùng mái nhà Tin Sáng với Đức, và của vài người khác đã từng biết Đức, trong nhiều chục năm :

Một số anh chị em đang ở Mỹ, Pháp,Úc, Thụy Sĩ, trong đó có hai người đã qua đời là chị Huỳnh Thị Mỵ Cơ và anh Nguyễn Xuân Hoàng, đã viết :

Chúng tôi, một số anh chị em trong gia đình TIN SÁNG, vô cùng thương tiếc được tin Anh GIOAN NGÔ CÔNG ĐỨC đã từ trần lúc 3.00 giờ sáng, ngày 22 tháng 6 năm 2007 (nhằm ngày 8 tháng 5 năm Đinh Hợi), Hưởng thọ 72 tuổi. Với tất cả niềm quý mến vẫn còn mãi trong lòng mỗi người, chúng tôi xin chia buồn với cháu Ngô Minh Hoàng và tang quyến, và cầu chúc Anh nghỉ ngơi bình an trên Nước Trời./. Trịnh Thị Ánh Nguyệt, Châu Tuyết Anh, Nguyễn Thái Vân, Đào văn Phước (Pháp). Cao Thanh Tùng, Hoàng Ngọc Biên, Võ Văn Điểm và Minh Kha, Tạ Thúy Thanh, Nguyễn Xuân Hoàng, Huỳnh Thị Mỵ Cơ, Trần Hồng Sư, Nguyễn Thị Kim Phượng, Kim Ngôn, Trần Huỳnh Thịnh, Lê Thụy, Nguyễn Đồng và Nguyễn Thị Hợp, Huỳnh Phan Anh (Hoa Kỳ).­Tạ văn Bo, Trần thị Minh (Úc). Trần ngọc Báu (Thụy sĩ). (Ngày 22-6-2007)

Nhà báo Nguyễn Ninh Quang Anh Tử, nguyên phóng viên Thông Tấn Xã VNCH, nhật báo Tin Sáng, Đài BBC, đang ở Anh, viết : “Được tin anh Ngô Công Đức đã vĩnh viễn “rũ áo” ra đi, tôi bàng hoàng, ngẩn ngơ, tiếc nhớ. Tôi rời báo Tin Sáng vào tháng tư năm 1979… và có dịp gặp lại anh năm 1996…Về Việt Nam năm trước tìm cách liên lạc thì anh đi vắng. Không ngờ đó là lần liên lạc cuối cùng… Khi còn sinh tiền, anh Ngô Công Đức là một nhà báo đầy nhiệt huyết, đầy lý tưởng, đầy sáng kiến, và giàu lòng nghĩa hiệp, đầy tình thương và hăng say hoạt động. Nay Anh mất đi Anh không chỉ để lại một nỗi bàng hoàng nhớ tiếc, mà còn để lại biết bao kỷ niệm thân ái cho biết bao người về những ngày làm việc chung dưới mái nhà Tin Sáng…” (Nguyễn Ninh Quang Anh Tử, ngày 22-6-2007)


Nhà báo Jean-Claude Pomonti, báo Le Monde, Pháp, một người bạn chung của Đức và tôi, viết : “Nhuận thân mến, Tôi thật sự đổ sụp ! Tôi biết anh không bao giờ hồi phục hoàn toàn sau mất mát phải hứng chịu về sự ra đi của Đức. Đức thường kể với tôi về anh, như hai anh em song sinh, như hai “đồng lõa muôn đời”. Không thề có Đức mà không có Nhuận, và ngược lại. Và chắc anh cũng hình dung được tôi đã hạnh phúc và hãnh diện dường nào khi được cùng hai anh có cuộc thăm viếng ngắn vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày nào. Có một cái gì đó thật khủng khiếp – và cũng bất công khủng khiếp – trong một kết thúc.

Tôi bày tỏ lòng ngưỡng mộ Đức trên tạp chí FASE (Focus Asie Du Sud Est) của chúng tôi số đề ngày 01-7-2007 đính kèm. Nhưng có lẽ phải nghĩ đến, vào dịp thích hợp, một tập thể rộng lớn hơn. Thân ái”. (Jean-Claude Pomonti, ngày 22-6-2007).


Ông Võ Văn Kiệt viết : “ Khi nhận được tin Ngô Công Đức ra đi, tôi đang ở Hà Nội. Mặc dù biết trước là Đức khó lòng qua khỏi bạo bịnh, không ngờ Đức ra đi quá sớm như vậy ! Tôi rất buồn và rất tiếc một con người mà tôi hằng quý mến, đúng ra một người bạn thân, luôn chia sẻ vời nhau nhiều điều trong việc chung của đất nước. Tôi quý anh bởi con người có nghị lực, ứng xử trong những trường hợp không ít khó khăn, Anh đã vượt qua và phấn đấu không mệt mỏi. Ngay trong lúc phải đối mặt với bệnh hiểm nghèo, anh giành hết sức lực còn lại, Anh giành hết cho đời (cho nước, cho dân, cho bè bạn, cho quê hương còn nghèo Trà Vinh của Anh, và cho vợ con anh). Ngô Công Đức có một nhân cách lớn… đáng khâm phục, một người hoạt động chánh trị đa dạng, trong nhiều lãnh vực phong phú, và tư duy luôn sáng tạo. Tôi đánh giá cao về giá trị cống hiến của anh, và tôi hiểu là Anh không biểu hiện sự bằng lòng những gì Anh cống hiến được cho đời (đó là ngoài ý muốn của Anh). Những gì Ngô Công Đức gởi gắm lại, những gì Anh tâm sự với tôi về công việc lớn của đất nước, tôi đã hứa với Đức bữa đến thăm sau cùng, đó là lần vĩnh biệt Anh, sẽ làm những gì mà Anh gởi gắm.

Tôi thương tiếc Ngô Công Đức nhiều lắm, xin được chia sẻ nỗi đau tận cùng của gia đình Anh, vợ con Anh”. (Ngày 30-06-2007, Võ Văn Kiệt).


Hồ Ngọc Nhuận

Tháng 6-2015

Nhân ngày giỗ Ngô Công Đức

lần thứ 8 (22/6/2007 – 22/6/2015)

nhằm ngày 8 tháng 5 năm Đinh Hợi





NGUỒN : Bản do tác giả gửi Diễn Đàn

(6.7.2015)




ngng



1 Ngoài gia đình chánh trị nhỏ nầy, tôi còn có : “Gia đình những anh em lính cũ của tôi” gồm những bạn cùng quân ngũ trong QĐVNCH ở núi Cấm, Thất Sơn, và vài nơi khác, hồi đầu những năm 1960, “Gia đình những anh em tôi ở Chương trình Phát triển Quận 8”, “Gia đình những anh em cùng trường lớp cũ ở trường dòng Lasan Taberd Sài Gòn”, hiện đang được mượn để làm trường Trần Đại Nghĩa, và “Gia đình Tin Sáng ”. Các gia đình nầy của tôi đều có một số anh em đang sinh sống trong nước, một số đang định cư ở nước ngoài, và thường thì “đèn nhà ai nấy sáng”, nhưng thỉnh thoảng khi thấy tôi bị “ăn hiếp” quá thì cũng nhảy ra cứu bồ. Tôi đã có nói qua một phần về các gia đình nầy trong bản thảo quyển Đời, và khi có dịp sẽ nói rõ hơn sau nầy.

2 Tờ Tin Sáng hải ngoại cũ ở Paris, đã gợi ý cho ông Võ văn Kiệt đề nghị với Ngô Công Đức và tôi cho ra một tờ Tin Sáng hài ngoại mới, mà phạm vi phát hành dự kiến là rộng lớn hơn Paris và Pháp. Ông Kiệt còn triệu tập họp để nghe chúng tôi trình bày về một số việc cần chuẩn bị, chỉ vài tháng trước ngày 29-6-1981, là ngày ra số báo cuối cùng của tờ Tin Sáng bộ mới. Trong số bốn người nằm trong dự tính nầy của ông Võ văn Kiệt, có hai người đã cùng ông ra đi là chủ nhiệm Ngô Công Đức và phụ tá chủ bút Lý Quý Chung. Phụ tá chủ bút Dương Văn Ba thì hiện đang nằm bất động. Mình tôi còn lại không biết phân chứng với ai về tờ “Tin Sáng hải ngoại mới”, chưa kịp tượng hình thì phải chịu “chết non” theo tờ “Tin Sáng bộ mới”.

Nhưng mấy năm sau khi Tin Sáng đã ngưng hoạt động, ông Trần Bạch Đằng, có sự hỗ trợ của ông Dương Đình Thảo, nguyên Trưởng ban tư tưởng văn hóa Thành ủy, và Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà, lúc bấy giờ là Trưởng ban Việt Kiểu Thành phố, với lời hứa tài trợ được biết là từ một bạn kiều báo ở Mỹ, cũng lại muốn cho ra một tờ báo na ná như tờ Tin Sáng hải ngoại cũ, nhưng chỉ chuyên về văn hóa văn nghệ, làm từ trong nước, mà “rao bán” chủ yếu ở Hoa Kỳ. Nhiều người đã được ông Trần Bạch Đằng và Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà mời họp ở ban Việt Kiều Thành phố, và mọi người, cùng với ông Trần Bạch Đằng, gần như bắt ép tôi phải nhận làm chủ bút. Từ chối mãi không được, tôi đành miễn cưỡng chấp nhận làm thử vài số “báo nháp” để mọi người cùng đánh giá. Từ các bài vỡ đóng góp với tất cả thiện chí nhiệt tình của những người viết, tôi đã cố gắng biên tập thử ba số báo nháp gọi là “tạm coi được” của tờ Hương Việt, là tên tờ báo mới mà mọi người đồng chọn, nhưng thật sự tôi không vừa ý số nào hết. Với ba số báo nháp trước mặt mọi người, tôi đề nghị dứt khóat là không nên tốn sức vô ích. Bởi chỉ riêng những chữ nghĩa mọi người đang dùng cũng là những chữ nghĩa mà một số bà con không quen đọc. Và mọi người, trong đó có ông bạn hứa tài trợ vốn ra báo, đều đồng thanh tán thành đề nghị của tôi. Những người trong cuộc mà tôi còn nhớ, ngoài ba vị chủ xướng kể trên, còn có Giáo sư Hoàng Như Mai, nhà văn Anh Đức, nhà báo Lý Quý Chung,và mấy người nữa, Tôi cũng nhớ có người đề nghị ông Lý Quý Chung làm chủ bút. Tôi nghe rất mừng. Nhưng ông Trần Bạch Đằng và mọi người còn lại cứ đổ riệt cho tôi. Tôi cũng nhớ trong vụ nầy không có Dương Văn Ba, vì Ba lúc đó đang bị kẹt trong vụ án Cimexcol. Đến nay, trong những người đã họp bàn để cho ra đời tờ Hương Việt, không biết ai còn ai mất, ai nhớ, ai quên, nhưng tôi tin hai trong ba ông chủ chốt còn đây, dù một ông nay đã gần 90, và một ông thì gần 100, vẫn rất minh mẫn và không quên, hay không thể quên hết. Riêng tôi thì vẫn còn giữ ba số báo nháp, với cả bút tích của các tác giả, để làm kỷ niệm, theo thói quen.

3 Thời nào thì Tin Sáng cũng “bị” bán chợ đen, vì vậy mà trước cửa tòa soạn Tin Sáng váo giờ phát hành luôn đông nghẹt trẻ em và người lớn chen nhau nhận báo bán. Đến nỗi chế độ cũ đã phải cho ra luật báo chí mới, luật 007, cho phép, mỗi khi có lệnh tịch thu, cảnh sát được thu luôn các bản chì, bản kẽm, để tránh báo bị in lén khi cảnh sát rút đi, và tịch cả chiếc xe đạp của các trẻ bán báo dạo. Vậy mà các em cũng không tởn, mất xe thì chạy bộ, miễn có báo Tin Sáng để bán chợ đen. Qua chế độ mới , những dịp Tin Sáng bị bán chợ đen cũng có, mà ít. Không phải vì Tin Sáng bị tịch thâu, mà vì có lúc Tin Sáng có những tin “không giống ai”. Ví dụ như lúc nữ Nghệ sĩ Thanh Nga bị sát hại, ký giả Kiên Giang Hà Huy Hà “xuất chiêu” đưa ra trên Tin Sáng hàng loạt hình ảnh độc đáo của nghệ sĩ, từ hồi còn bé cho đến khi nổi tiếng.

4 Về tác giả “Người giấu tên”. Năm 2002, Nhà Xuất Bản Trẻ, TP Hồ Chí Minh, có xuất bản cuốn “Ký sự nhân vật” của Huỳnh Bá Thành, với “những người thực hiện” là Nguyễn thị Ninh, Lý Tiến Dũng, Trần Tử Văn, và với “Lời giới thiệu” của ông TRẦN BẠCH ĐẰNG (Nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn). Dương Văn Ba đến báo cho tôi biết, với cuốn sách mới xuất bản làm vật chứng trong tay. Nhận thấy sách “Ký sự nhân vật”, mà ông Trần Bạch Đằng trong “Lời giới thiệu” gọi là “di sản văn hóa”, có những điều không chính xác trung thực, với tư cách là Giám Đốc chánh trị nhật báo Điện Tín (và cả Tin Sáng bộ cũ), chánh thức có tên trên manchette và trên thực tế, tôi đã viết một lá thư gởi cho các nơi và các người có liên quan, nêu rõ :

– Toàn bộ nội dung tranh bài in trên sách là trích từ mục “Ký sự nhân vật” của báo Điện Tín, nhưng người giới thiệu lại chỉ nói chung là “gồm một số tác phẩm chọn lọc đã đăng công khai trên báo Sài Gòn trước kia. Các “báo Sài Gòn trước kia” có tờ cũng có mục KSNV, nhưng hình thức nội dung và tác giả là hoàn toàn khác với mục KSNV của báo Điện Tín. Như vậy, tại sao những người thực hiện sách KSNV không nêu rõ xuất xứ các bài được trích đăng, theo thông lệ trong làng văn làng báo ?

– Dưới mỗi bài báo được trích in thành sách đều có cẩn thận ghi ngày, tháng, năm, có thể hiểu là thời điểm báo được phát hành, nhưng tác giả sách cũng rất cẩn thận không ghi tên Điện Tín dưới bất cứ bài nào ! Tại sao ?

– Riêng tranh biếm họa vẽ Dân biểu Đinh Văn Đệ trên báo Điện Tín đề ngày 28-5-74 đến 30-5-74, là hình vẽ một con ếch, được trích in lại y chang trên sách KSNV, ở trang 151, cũng là hình vẽ một con ếch, với nét mặt hí họa của ông Đinh Văn Đệ, nhưng lại được giới thiệu là một con rùa. Và ông Đệ là một Dân biểu Quốc Hội VNCH, thuộc Hạ Nghị Viện, có một thời gian cùng ở Khối Xã Hội với tôi, thì được giới thiệu là “thượng nghị sĩ nghị viện Sài Gòn”, một chức vụ không hề có, trong một định chế không hề có, dưới chế độ cũ ở Sài Gòn. (Dưới chế độ cũ, các Đại biểu dân cử ở Hạ Nghị Viện và Thượng Nghị Viện đều là Đại biểu Quốc Hội. Chính danh đại biểu Quốc Hội ở Hạ Nghị Viện là Dân Biểu, chớ không là Hạ Nghị Sĩ hay Dân biểu Hạ nghị viện. Chính danh đại biểu Quốc Hội ở Thương Nghị Viện là Nghị Sĩ, chớ không là Thượng nghị sĩ hay Nghị sĩ Thượng Nghị Viện, còn cái gọi là “thượng nghị sĩ nghị viện Sài Gòn” thì không hề có.)

– Đặc biệt “Lời giới thiệu” sách KSNV có đoạn viết “…Huỳnh Bá Thành đánh đám phản động hai tay : nét vẽ và lời văn. Hai cái tung hứng cho nhau…” Nói như vậy là hoàn toàn sai. Bởi tranh vẽ thì rõ ràng là của Huỳnh Bá Thành, tức họa sĩ Ớt, có ký tên hẳn hòi dưới tác phẩm, nhưng lời văn thì cũng rõ ràng là của…“Người giấu tên”, cũng có ghi hẳn hòi trên mục Ký sự nhân vật của báo Điện Tín mỗi ngày, cùng với tên tác giả hý họa. Nếu những người thực hiện sách “Ký sự nhân vật”, và người giới thiêu sách, cho rằng “nét vẽ và lời văn” là của một người, là của họa sĩ Ớt, “hai tay tung hứng cho nhau”… thì đã cố tình loại bỏ tác giả lời văn là “Người giấu tên”. Hoặc hiểu ngầm rằng “Người giấu tên” với họa sĩ Ớt chỉ là một. Nhưng tại sao phải hiểu ngầm mà không thể nói trắng ra ? Bởi nói trắng ra thì tác giả KSNV trên báo Điện Tín do tôi làm giám đốc chánh trị là hai người, chớ không phải hai tay của một người.

Và “Người giấu tên” là Dương Văn Ba, lúc bấy giờ là Thư ký Tòa soạn trên thực tế của Điện Tín mà mọi người trung thực đều biết rõ.

Thư tôi được Dương Văn Ba mang đi, đến gặp từng người, gồm ông Trần Bạch Đằng, Bà Nguyễn Thị Ninh, ông Lý Tiến Dũng, ông Trần Tử Văn, yêu cầu trả sự thật lại cho sự thật, và công bằng cho Dương Văn Ba. Mỗi người đều chỉ trả lời miệng với Dương Văn Ba. Câu trả lời thế nào thì chắc mỗi người còn nhớ. Riêng ông Trần Bạch Đằng thì không thể hỏi lại được nữa, và Dương Văn Ba thì hiện kể như không biết gì. Về phần tôi thì những gì Dương Văn Ba kể lại sau khi gặp những người có trách nhiệm, tôi không quên. Cũng như toàn bộ hồ sơ chuyện “Ký sự nhân vật” của họa sĩ Ớt và “Người giấu tên” trên báo Điện Tín Sài Gòn, trước năm 1975, cả về quyển “Ký sự nhân vật” của Huỳnh Bá Thành, ấn bản năm 2002 thì tôi vẫn giữ đây. Thật lòng tôi chưa hề thấy ở đâu, thời nào, dưới chế độ nào mà có người làm văn hóa giáo dục lại coi thường mọi người, và mọi nguyên tắc sơ đẳng đến như vậy, như trong vụ cuốn sách là “di sản văn hóa” cùa Huỳnh Bá Thành.

– Cũng cần nói thêm cho rõ : mục Ký Sự Nhân Vật mà tôi nói ở đây là mục KSNV của “Người giấu tên” và họa sĩ Ớt, một người viết và một người khác vẽ, trên báo Điện Tín mà tôi làm Giám Đốc chánh trị, Dương Văn Ba làm Thư ký tòa soạn, chớ không phải mục Ký Sự Nhân Vật của anh Trần Trọng Thức, trên tờ Điện Tín cũng của Đại tá Hồng Sơn Đông mà do ông Lý Quý Chung hợp đồng ra vốn khai thác. Tờ Điện Tín nầy phát hành bao nhiêu số thì ngưng, tôi không biết. Tôi cũng không biết ông Lý Quý Chung đã chuyển tờ Điện Tín sang cho “Dương Văn Ba và Hồ Ngọc Nhuận phụ trách” hồi nào, khi ông viết “ …khi tôi không còn làm tờ Điện Tín nữa, chuyển sang các anh Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận phụ trách…” (Hồi Ký Không Tên, ấn bản II, tr.203), bởi cách viết lấp lửng nầy là đặc thù của tác giả HKKT. Còn tờ Điện Tín do ba anh em chúng tôi, Hồng Sơn Đông, Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận hợp tác cho tái bản, để Dương Văn Ba làm Thư Ký Tòa soạn thì đã thăng trầm từ những tháng cuối năm 1971 cho đến cuối tháng 4-1975, như tôi đã nói rõ về sự ra đời và sự điều hành nó ở phần trên.

5 Ngoài 18 ký giả bị bắt, như anh Sơn Nam, anh Vũ Hạnh, có một số ký giả đã trốn thoát, trong đó có anh Chu Thao, nhà văn, ký giả Tin Sáng và Đại Dân Tộc, mà tôi đã nhờ linh mục Huỳnh Công Minh (sau nầy là Tổng Đại Diện Tổng Giáo Phận Thành phố Hồ Chí Minh), gởi cho trốn ở một xóm đạo nhỏ miệt cầu Sài Gòn. Sau 1975 anh Chu Thao không làm ở Tin Sáng, mà về báo Sài Gòn Giải Phóng, rồi sau đó được biết đã về dưỡng bệnh ở Củ Chi.

6 Địa chỉ văn phòng của tôi, số 132 Lê lai Q1 Sài Gòn, đã lưu dấu nhiều kỷ niệm của nhiều anh chị em làm báo hoặc thuộc các phong trào đấu tranh, trước và sau ngày 30-4-1975. Trước năm 1975, nhiều bạn từng đến hội họp với tôi ở đây hằng đêm, và từng bị cảnh sát hằng đêm bao vây, trong đó có nhiều Dân biểu, như anh Phan Xuân Huy hay anh Nguyễn Hữu Chung, có nhiều sinh viên tranh đấu như chị Cao Thị Quế Hương, có nhiều nhà sư, có cả anh cựu linh mục Nguyễn Ngọc Lan… Sau ngày 30-4-1975 cũng có một kỷ niệm khó quên đối với tôi, cũng tại văn phòng nầy. Khi tôi đang cùng anh Ngô Công Đức bận túi bụi để chuẩn bị cho ra đời tờ Tin Sáng mới ở số 63 Bùi Thị Xuân, Q1, chỉ cách 132 Lê Lai một quãng đường ngắn, thì có mấy bạn sinh viên tranh đấu cũ, mà tôi không nhớ hết có ai, chỉ nhớ hình như có anh Nguyễn Xuân Lập (dược sĩ) và anh Dương Văn Đầy, sau nầy là Chủ tịch UBND Q1, kéo đến “khiếu nại”, bắt tôi phải làm một cuộc “đoàn viên” ở chốn cũ, tức chỗ đã từng bị cảnh sát bao vây hằng đêm trước đây. Phải chạy vạy nhờ vả lắm mới có được cái giấy phép họp mặt để bỏ túi. Rồi quên. Tới ngày giờ hẹn, lật đật chạy về thì anh em đã gần đủ mặt. Chưa kịp mừng thì có tin báo là địa phương vác súng đến, vì hội họp không giấy phép.Trực nhớ cái giấy phép bỏ quên trong túi, tôi lật đật lôi ra trình, và không ngớt xin lỗi. Kết quả là cuộc họp cũng được lạnh lùng thông qua. Với lời cảnh cáo : “Nên nhớ, Thủ tướng nếu muốn làm gì ở đây cũng phải thông qua KHÓM” ! Thời đó Thành phố còn giữ đơn vị hành chánh hạ tầng căn bản là “Khóm”. Bây giờ hầu hết đã thành Phường. Từ đó tôi luôn nhớ : Ở đây, ngoài ông Thủ tướng ở Thủ đô, còn có ông Thủ tướng ở Khóm.

7 Tin Sáng bộ mới hoạt đông được một năm thì Đức bàn với tôi rồi rút lại vốn ban đầu ra báo, để nhường tờ Tin Sáng lại cho tập thể quản lý. Số vốn ban đầu nầy một phần là của Đức, một phần là vốn vay của Ngân hàng Thành phố, do anh Mười Thanh, Phó Chủ tịch UBMTDTGP khu SGGĐ giới thiệu, và của bạn bè. Từ tháng 8-1976 cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ cuối tháng 6-1981, tức gần 5 năm trên gần 6 năm hoạt đông, thì bộ phận quản lý kế toán là của tập thể Tin Sáng, điều hành theo nội quy của tập thể. Chế độ tiền lương của mọi người từ chủ nhiệm trở đi đều được quy định theo nội quy. Theo nội quy của tập thể Tin Sáng mới thì Chủ bút cũng được giao duyệt nhuận bút như Giám đốc chánh trị Tin Sáng cũ và Điện Tín. Trong đời làm báo của tôi, đây là lần đầu tiên tôi thấy một chủ nhiệm báo lãnh lương. Tôi nói chủ nhiệm báo chớ không gọi tổng biên tập, bởi ai và lúc nào ở Tin Sáng cũng gọi Ngô Công Đức là chủ nhiệm. Và đây cũng là lần đầu tôi lãnh lương chủ bút, bởi hồi làm giám đốc chánh trị Tin Sáng cũ, rồi Điện Tín, tôi không có lãnh lương. Đây là một chế độ đặc biệt tôi nghĩ chỉ có ở hai tờ báo nầy mà thôi. Do thỏa thuận giữa những người chủ trương điều hành báo, ở Tin Sáng cũ là giữa Ngô Công Đức với tôi, ở Điện Tín là giữa anh Hồng Sơn Đông, Ngô Công Đức và tôi, Văn phòng Giám đốc chánh trị được khoán trọn gói một số chi phí gồm các món tiền thuê nhà, lương thư ký (tôi luôn có 3 thư ký), tiền mua văn phòng phẩm, mua các bản tin nước ngoài, mua sách báo để điểm tin và trang bị thư viên, cước phí các loại, phí tiếp khách, chiêu đãi, và đi lại, cộng với một ít bất thường chi Quỹ nầy là do thư ký trưởng văn phòng giám đốc chánh trị kết toán hằng tháng, nhận thanh toán và báo cáo. Thư Ký tòa soạn Dương Văn Ba, ngoài bảng lương tòa soạn được đề nghị cho giám đốc chính trị duyệt chi, cũng có một quỹ khoán dự phòng để mua thêm tin tức, bài vở phụ trội đặc biệt.

8 Về mối quan hệ giữa Tin Sáng và Minh Hải, phải nói đây là một quan hệ hơn cả đặc biệt. Phải chăng vì Minh Hải là địa bàn hoạt động cũ của ông Võ Văn Kiệt, mà ông Kiệt thì không xa lắm với Tin Sáng, đặc biệt với Ngô Công Đức ? Hay vì Minh Hải đã chọn Tin Sáng bộ cũ là tờ báo của mình, từ hồi còn chiến khu ? Hay vì có Dương văn Ba ? Có Thạch Phen ở tờ báo ? Hay phải chăng vì tất cả những thứ đó gộp lại ?

Không biết vì sao, nhưng hầu hết những vị lãnh đạo Minh Hải nhiều trào – trừ cái trào có ông Bí thư dính tới vụ tố cáo Dương Văn Ba và Cimexcol là phản động và ngầm nhắm tới ông Võ Văn Kiệt – mỗi lần đi Sài Gòn hay Hà Nội, thường tranh thủ chia nhau ghé thăm Tin Sáng. Và Ngô Công Đức với tôi cũng thường về thăm Minh Hải. Đặc biệt, tôi cũng thường nhiều lần đưa bà con kiều bào ở Pháp về đi thăm Đất Mũi. Thời kỳ đầu sau 1975, khi lương thực thực phẩm thường khan hiếm, Ban Đời sống Tin Sáng thường được mua gạo và thịt của Minh Hải về cho công nhân viên Tin Sáng. Vào thời kỳ “người người, nhà nhà tăng gia sản xuất lương thực”, cơ quan, xí nghiệp, đoàn thể, đâu đâu ai ai cũng làm ruộng, chăn nuôi, vỉa hè lề đường cũng được tận dụng tăng gia trồng khoai lang, Tin Sáng không thể đứng ngoài mà còn tham gia rất tích cực. Ngoài trại sản xuất ở Cây Trường 2, Sông Bé, chủ yếu là trồng bắp ; ngoài mấy khoảnh ruộng, cũng như mọi cơ quan đoàn thể khác, nhưng khá èo uột, ở Thái Mỹ, Củ Chi, Tin Sáng còn có một khu trại nuôi heo nuôi cá rộng hai hecta khá thành công ở Bình Quới Thanh Đa, đồng thời là nơi nghỉ dưỡng của anh em công nhân viên và gia đình. Nhưng đặc biệt nhất là Tin Sáng đã được tỉnh Minh Hải cấp cho 40 ha ruộng để trồng lúa ở Huyện Vĩnh Lợi. Nói là trồng lúa chớ chủ yếu là nuôi vịt, do đây là những ruộng muối cũ, trồng lúa không dễ. Nhưng nuôi vịt cũng không dễ, vì vịt thường chết toi… Tưởng như vậy là đủ thành vấn đề. Nhưng không. Vấn đề ở đây là vì nông trường nằm sát biển. Cũng như Cây Trường 2, cũng như khu Bình Quới, nông trường Tin Sáng ở Vĩnh Lợi Minh Hải cũng được anh chị em Tin Sáng chia nhau chiếu cố thăm viếng vào dịp cuối tuần. Để “lao động tăng gia”, để được hưởng gió biển, nhất là để biết qua thế nào là muỗi Cà Mau, và có dịp trải qua kinh nghiệm “nằm mùng chống muỗi” (Trừ một số rất ít vài người không hề biết Cây Trường 2 hay Vĩnh Lợi nằm ở đâu). Nhưng hễ mỗi lần có chủ nhiệm hay chủ bút tham gia đi thăm ruông, là y như rằng đoàn nhà báo bị… mọc đuôi. Khiến có khi chúng tôi phải bỏ cuộc, nửa đường quày về Sài Gòn, và có lần Ngô Công Đức, quá ức, đem chuyện bị mọc đuôi thưa với ông Võ Văn Kiệt, khi chúng tôi được mời ăn cơm riêng. Nói trắng ra thì đó là do người ta nghi chúng tôi dùng nông trường Minh Hải để tổ chưc vượt biên. Vấn đề còn nằm ở chỗ nông trường lọt tỏm giữa vùng đồng bào Khmer. Và anh bạn Mười, một công nhân viên trẻ của nông trường Tin Sáng, (chớ không phải Mười Nhuận, CBTS) lại đem lòng yêu một cô gái Khmer người địa phương và đòi cưới làm vợ. Chuyện bình thường và đáng vui. Một đám cưới đã được chủ nhiệm Ngô Công Đức yểm trơ tổ chức tại nông trường, vói đông đủ gia đình, bạn bè hai họ cùng dự. Với một số nhân viên Tin Sáng. Với anh Thạch Phen, coi như “ông tơ”, với Hồ Văn Tư, cháu HNN, trưởng trại, nói tiếng Khmer rất giỏi, đóng vai chủ nhà… Nhưng chuyện không bình thường ở đây là có người lại làm “bao cáo”, cho đây là đám cưới giả, là màn kịch để đám Ngô Công Đức móc nối với đám Sơn Ngọc Thành !

Việc nầy đã được tôi giữ kín trong hồ sơ riêng từ trên dưới 35 năm qua, cùng nhiều việc nữa, và cứ tường sẽ nằm yên ở đó mãi mãi. Nhưng tôi nghỉ rồi đây có thể sẽ không như vậy nữa…

Ngoài mấy vụ bị mọc đuôi và liên tục bị theo dõi báo cáo “chết người” như vậy, phải thành thật nói rằng anh chị em Tin Sáng làm cái gì cũng hăng và vui. Vì khoái… lao động chân tay sau những ngày miệt mài với chữ nghĩa, nên hấu hết đều tham gia sản xuất hay xây dựng các tuyến phòng thủ thành phố, như đi hội, trong mấy năm Pôn Pôt và Trung cộng đe dọa biên giới. Vì ham vui, nên đa số đều hưởng ứng chủ trương của anh chủ nhiệm thành lập đội bóng đá, bóng bàn và đội văn nghệ riêng. Đội bóng bàn Tin Sáng đã từng đi dự giải toàn quốc, và đội bóng đá đã từng thi đấu giao hữu với các đội bạn trong đó có đội của đoàn Thanh Nga, và đi đá giao hữu với các địa phương ngoài Thành phố.

9 Đối với Dương văn Ba, ít ra có hai lần tôi phài viết giấy bảo lãnh cho anh. Tôi nói ít ra 2 lần, vì còn vài lần lẻ tẻ khác mà ngoài Ba và tôi với một hai người nữa, ít ai biết.

Đây là lần thứ 2. Khi Dương văn Ba được cho ra tù sớm, chỉ ở tù có 07 năm mấy tháng (có thể là 02 tháng nhưng con số chính xác tôi không nhớ), thay vì chung thân. Ai yêu cầu ? Chính Dương văn Ba yêu cầu. Lý do ? Tôi không biết lý do. Chỉ biết có một hôm Dương Văn Ba chạy về gặp tôi, nói : ông Đại tá Trưởng trại cho biết “cấp trên” yêu cầu phải có vài người đứng ra bảo lãnh để Ba được thả, mà một là Hồ Ngọc Nhuận. Tôi có được gặp ông Đại Tá Trưởng trại một lần, trong một buổi cơm, khi Dương Văn Ba đã được trả tự do, và nghe ông nói về tầm quan trọng của tờ giấy bảo lãnh của tôi cho Ba được thả. Ông Đại tá đó tên gì, nay ở đâu, Dương Văn Ba phải biết, và người nhà của Ba có người chắc biết. Tôi thì không. Nhưng nếu ai muốn tìm thì chắc không khó, bởi hồ sơ vụ án, hồ sơ công an, hồ sơ tù… có liên quan tât cả ắt phải còn đó.

Nhưng tại sao người bảo lãnh phải là tôi, và là một bảo lãnh quan trọng nhất ? Tôi không biết, cũng không hỏi. Bởi, như tôi đã nói, đây không phải là lần đầu tôi phải bảo lãnh cho Ba, và cho một số người khác nữa, đặc biệt cho một người tù đặc biệt ở Tiền Giang vài năm sau 1975 mà tôi có nói đến trong quyển ĐỜI. Tuy nhiên, khi có dịp ngẫm nghĩ, như lúc nầy, tôi lại thấy đây là một yêu cầu bảo lãnh có lý do hoàn toàn khác. Lý do đó ẩn trong tiết lộ sau đây của ông Nguyển Quang Sang, nguyên Giám Đốc Sở Tài chánh Minh Hải, nguyên Giam Đốc Công ty Cimexcol Minh Hải, trong đơn “khiếu nại tái thẩm” ông gởi cho các cơ quan có thẩm quyền, sau khi ông ra tù, đề ngày 01 tháng 12 năm 1996.Trong đó có đoạn viết : “…Đại tá Khiết là người điều tra hỏi cung tôi. Ông Khiết hỏi : Anh có biết Dương Văn Ba làm chánh trị không ?... Anh có biết Dương Văn Ba sử dụng người của ngụy đưa vào nội bộ Cimexcol gồm đủ thành phần binh chủng, ngành nghề, đủ lập một quốc gia riêng, lấy Cimexcol làm chỗ dực hợp pháp để thùa cơ lật đổ chính quyền cách mạng, anh có hiểu không ? Anh có biết Hồ Văn Minh, Hồ Ngọc Nhuận đang đóng vai trò trợ lý cho Dương Văn Ba là cấp trên của y chỉ đạo bộ máy phản động không ?... Chúng tôi đã có hồ sơ, biết cả Dương Văn Ba và bè lũ tập đoàn của chúng đang hoạt đông chính trị nằm rtrong nội bộ Cimexcol bao gồm ở tỉnh Minh Hải, ở Tây Nguyên, ở đất Lào, Dương Văn Ba đã liên hệ được với bọn Hoàng Cơ Minh, kỳ nầy quăng một mẻ chài là bắt gọn… Anh phải nhận khai báo sự thật cho chúng tôi, anh đổ hết việc làm đó cho Dương Văn Ba và đồng bọn của nó. Anh nên nhớ, chúng tôi bắt anh thì chúng tôi cũng biết trả anh về trong danh dự, anh không mất gì cả đâu .” (Trích bản thảo “Chuyện một vụ án, năm 1997, trang 370-371, của HNN)

Biết bắt thì biết thả” hay “biết thả thì cũng biết bắt”, vì cùng chung một hồ sơ. Dễ sợ!

Lần 1 tôi bảo lãnh Ba là sau 30 tháng 4/ 1975, để DVB được khỏi đi học tập cải tạo. Thời đó không biết do ai mà Ủy Ban Quân Quản và Ủy ban Mặt trận giải phóng Thành phố đã kêu tôi đến và đặc biệt cho phép tôi đứng ra bảo lãnh một số người để khỏi đi học tập cải tạo. Trong danh sách dài tôi nạp có một số người được chấp nhận,vài người về sau là nhân viên Tin Sáng,một số khác, nhiều hơn, bị bác. Trong số bị bác có Dương Văn Ba, mà tôi không biết tại sao, vì ai cũng biết Ba đã từng hoạt động sát cánh với tôi cả khi đang trốn nơi Đại tướng Dương văn Minh. Cả chú ruột của Ba từng có chân trong Ban Hoa Vận ở Chợ Lớn cũng “để” tôi lo “chạy thuốc”. Thật tình có lúc tôi tự hỏi không biết khi làm Điện Tín với tôi, có ai đó đã có báo cáo gì về Ba hay không. Đối với nhiều anh em phải đi trình diện học tập, tôi đã cố dùng mọi lý lẽ để “tranh đấu”, thật ra là “năn nỉ” xin được miễn, nhưng cuối cùng đành bỏ cuộc. Duy chỉ có Dương Văn Ba là tôi cố níu tới cùng, có lúc gần như “làm nư” với anh Tạ Bá Tòng, lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch Ủy Ban MTDTGP khu Sài Gòn – Gia Định, xin anh nói giúp cho Ba. Nếu vẫn không được thì xin cho tôi cùng đi học tập luôn. Anh 8 Cần Tạ Bá Tòng chắc phải “chứng giám” cho tôi về việc nầy.

10 Tôi được biết Tổng Bí Thư đảng Lào đã từng qua Hà Nội “để xin” cho Dương văn Ba và Cimexcol. Hay ít ra là để khiêm tốn nói rõ rằng các điện đài ở Đà Nẵng hay Vinh, nơi Cimexcol xuất khẩu gỗ thông Lào qua Nhật, là của Bộ Quốc Phòng Lào chớ không là của Cimexcol, như đã có báo cáo. Rằng Bộ Quốc Phòng Lào không phải dễ để cho ai lợi dụng, và rằng Cimexcol Minh Hải đã thật sự làm lợi cho Lào, chớ không như “ai kia” từ nhiều chục năm qua. Rằng “triệt” Cimexcol là cắt cỏ dưới chân Bộ Quốc Phòng Lào, là làm hại cả hai phía, nhất là phía Lào, bị buộc phải ngưng ngang các dự án phát triển đang được tiến hành rất tốt.

11 Tôi còn nhớ một lần tôi đi thăm anh Dương Văn Ba tại trại sản xuất của anh bên ngoài trại tù. Cái lần đó tôi nhớ nó hơn mọi lần khác vì thật sự hào hứng và có được một kỷ niệm khó quên. Tôi hào hứng vì thấy Dương văn Ba được thoải mái. Không phải như ở nhà, nhưng cũng không hẳn như trong tù. Tôi hào hứng vì những món đồ được sản xuất ở đây thật không thua gì ở ngoài, đa dạng và rất bắt mắt, được những anh em “công nhân tù” sắp mãn hạn tù sản xuất. Những anh em nầy thường là có những bản án rất nặng, đi từ một vài chục năm cho đến chung thân, được cho ra “Trại Thầy Ba”, để chờ ngày được trả tự do. Và ở đây tôi đã gặp một người, với một câu chuyện thật khó quên, nhưng lại rất tiếc không nhớ tên anh. Đang lững thững ngấm nghía từng món đồ và từng thao tác của từng “nghệ nhân” (thật sự lúc đó tôi không hề có một chút cảm giác nào rằng đó là những người tù), tôi bổng để mắt đến một nghệ nhân với một món đồ gỗ anh đang chạm dở. Anh người gầy gầy, cỡ trung niên. Tôi đến gần anh và hỏi “xin lỗi anh đang làm món gì ?”. Anh trả lời : “Dạ, bas-relief”. Tôi ngạc nhiên nhìn lại anh một thoáng khá lâu, và nói : “ Thật ra tôi biết anh đang chạm món gì, nhưng vì bỗng dưng quên bẳng tên gọi món đồ nên mới hỏi anh. Tên tiếng Việt cơ chớ không phải tiếng Pháp. Nhưng bây giờ thì tôi nhớ ra rồi”. Chưa kịp nói, anh lại nhanh miệng nói tiếp : “Dạ là phù điêu”. “Nhưng sao anh lại gọi bằng tiếng Pháp ?”, tôi lại hỏi. “Dạ, vì cứ quen gọi từ hồi còn ở trường. – Trường nào ? – Trường Mỹ thuật Gia Định. Đúng là một con “nhà nòi”, tôi nghĩ. Và hỏi tiếp : “Anh bị án bao nhiêu năm, và ở được bao lâu rồi? ” – Dạ, ở lâu rồi, chung thân nhưng được giảm nhiều lần, còn hơn năm nữa thì về nên được cho ra đây”. Tôi lai không ngăn được tiếng kêu trời, và nói : “Xin lỗi, về tội danh gì ?”. Anh cười đáp : “ Cưa cẳng ghế ” ! Cưa cẳng ghế ? Nghĩa là gì ? Tôi vừa hỏi xong thì cũng vừa đoán ra nghĩa là gì, vì cũng đã nghe ai đó nói về cái tội danh đó rồi, mà lâu quá nên quên. Anh lại đáp : “Lật đổ chánh quyền”. – Thật sao ? – Thật mà cũng không thật. Hồi mấy năm đầu đó mà. Tôi ở Bến Tre, hoang mang lắm, có mấy anh em “không chịu được”, rồi vu vơ nghe rủ rê thế nầy thế khác, rồi tính vầy tính khác. Nhưng có kịp làm gì đâu, rồi bể, rồi bị bắt… Tôi có nghe biết ông, định khi được về sẽ xin gặp ông ?... Tôi lại được ngạc nhiên thêm một lần nữa ! Sao anh nầy lại biết tôi ? Mà ngạc nhiên nhất là sao anh lại muốn gặp tôi ? Sau khi ra tù vì “tội cưa cẳng ghế”, dù cưa hụt, hay chưa cưa ? Tôi chưa kịp hỏi, anh đã giải tỏa cho tôi ngay : “Để xin ông giúp tìm việc làm”…

Thỉnh thoảng tôi có nhớ lại chuyện nầy, rồi quên bẵng. Và chắc anh bạn ấy cũng quên, hay đã có việc làm ổn định. Hay đã đi ra nước ngoài… Nhưng tôi mong có dịp gặp lại anh, để nói chuyện chơi.

12 Nhà văn Sơn Nam, tuy là cột trụ của Tin Sáng như nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà,như nhà báo Phan Ba và vài bạn khác nữa, nhưng cũng làm freelance cho tờ Tia Sáng của ông Nguyễn Trung Thành. Anh Sơn Nam thỉnh thoảng lại “kể công” với tôi : “Tôi làm với anh mà qua bên Tia Sáng của ông Nguyễn Trung Thành để tắm, cho ông ấy trả tiền nước, vì thương Tin Sáng cứ bị tịch thâu hoài”. Và từ chế độ cũ qua chế độ mới nhà văn Sơn Nam luôn là một người anh khả kính của của gia đình Tin Sáng.

Tôi cũng thường nói giỡn là tác giả Kim Dung cũng là freelance của tôi vì mỗi ngày ông đều viết thêm cho tôi mấy giòng trên feuilleton của ông đăng ở Tin Sáng. Nhưng kỳ thật đó là nhờ người dịch cắt bớt mấy giòng khi gời cho các báo khác…

13 Ngoài hai Nghiệp đoàn ký giả và Hội Ái Hữu Ký giả, mà mọi người làm báo đều được tự do tham gia, các chủ báo còn có Hội Chủ báo. Nhưng giữa Hội nầy và các nghiệp đoàn ký giả không hề có mâu thuẫn nhau. Các ông bà chủ báo thường dùng Hội để đối phó với ông Nhà nước, ông Thông tin, ông Tài chánh Ngân hàng. Hoạt động của hội nầy đặc biệt rộ lên trong những lần chánh quyền có quyết định cấp quota chia “bông” giấy in báo. Sau đó thì hội hoạt động cầm chừng, chờ tới mùa chia quota năm sau. Đa số chủ báo ai nấy đều lo cho tờ báo riêng của mình. Có chủ báo lại bán bớt “bông” giấy cho các tờ báo có số phát hành cao. Có khi đem manchette cho một số nhà báo chuyên nghiệp mướn.

Chính những ông mướn manchette báo nầy, cũng là những nhà báo chuyên nghiệp với nhau, cũng là ký giả với nhau, nhưng khi làm ăn thua lỗ thì có ông, hoặc quỵt tiền thuê manchette, hoặc quỵt tiền bài vở của các ký giả đồng nghiệp. Có ký giả có lần còn nhờ tôi hỗ trợ tiếng nói để đi kiện. Một nhà báo lão thành, anh Tường Hữu mà làng báo Sài Gòn đều biết tiếng, hiện đã ngoài 90 nhưng còn rất minh mẫn, thỉnh thoảng gặp tôi vẫn tâm sự về một người “như vậy” đã đối xử với anh “như vậy”. Khi nghe tin ông ấy mất, anh Tường Hữu nói với tôi là bỏ qua cho ông ấy, nhưng không đi đám ma. Tôi cũng từng biết những tay như vậy, chớ không hề thấy chù báo đi ăn chận hay bóc lột ký giả bao giờ.

Ngoài việc đấu tranh trong khuôn khổ các nghiệp đoàn báo chí còn có luật báo chí, luật lao động và tòa án. Nhưng tòa án “thời xưa” thường bận rộn xử báo bị chánh quyền tịch thâu. Còn xử các vụ tranh chấp chủ-thợ giữa chủ báo và người làm báo thì không bao giờ nghe thấy. Có thể kể thêm một định chế nữa về nghề báo là Hội Đồng Báo Chí, gồm một nửa nhân sự là do các đoàn thể báo chí đề cử, một nửa còn lại là do Nhà nước chỉ định. Nhưng Hội Đồng “lão làng” nầy chỉ để làm vì là chủ yếu, và có thể nói tôi là một thành viên trẻ nhất trong Hội Đồng, do các Nghiệp đoàn đề cử.

14 Các anh chị em nòng cốt các phong trào quần chúng đấu tranh cho hòa bình thường tổ chức họp mặt hằng đêm ở Văn phòng Giám đốc chánh trị nhật báo Tin Sáng, số 132 Lê Lai Quận 1, bên cạnh Tòa soạn báo, có khi còn bị cảnh sát bao vây cả đêm, như anh Nguyễn Ngọc Lan và một số nhà sư trẻ, hay như cô Cao thị Quế Hương hiện ở Đà Lạt. Anh em cảnh sát chế độ cũ ở Quận 1 cũng không lạ gì văn phòng nầy, vì hằng đêm phải kéo đến để lập biên bản, hoặc chận hai đầu đường để “nhìn mặt người quen”. Báo Tin Sáng đã từng là một thành viên trong Ban tổ chức kỷ niệm ngày tự thiêu của Thích nữ Nhất Chi Mai ở chùa Từ Nghiêm vào tháng 5/1971, cùng với nhiều đoàn thể đấu tranh cho hòa bình. Thích nữ Nhất Chi Mai đã tự thiêu để cầu nguyện cho hòa bình Việt Nam ngày 16/5/1967, lúc 7 giờ 20 sáng, với mấy lời di chúc : Xin đem thân làm đuốc, Xin soi sáng u minh, Xin lòng người thức tỉnh, xin Việt Nam Hòa Bình.

15 Như tôi đã có kể trong bản thào quyển “ĐỜI, hay chuyện về những người tù của tôi”, ai cũng biết tôi từng cầm đầu một phái đoàn Hạ Nghị Viện về Trà Vinh khi Đức bị ông Thiệu cho bao vây để bắt, trong thời gian Khối đối lập chúng tôi cương quyết đấu tranh “phá đám” dự luật bầu cử “độc diễn” ở Hạ Nghị Viện Sài Gòn. Trong đoàn có anh Dương Văn Ba, có anh Đinh Văn Đệ và anh Phan Xuân Huy hiện vẫn còn đây, có anh Trần Minh Nhựt hiện đang ở Mỹ, Và khi tôi cùng đoàn phải bay về Sài Gòn để vận động tướng Nguyễn Cao Kỳ cho trực thăng trở xuống Trà Vinh để cứu Đức, thì Đức đã yêu cầu Ba ở lại với Đức “cho có bạn”. Rồi đến khi Ba và Đức cùng bị bao vậy, người ở Bạc Liệu, người ở Trà Vinh, trong cuộc vận động bầu cử Quốc Hội VNCH khóa 2 năm 1971, thì cũng chính tôi đã phải một lần nữa mượn trực thăng của ông Kỳ đi Bạc Liêu “cứu bồ”, mà lần nầy là với luật sư Trần Ngọc Liễng. Tôi chỉ giúp được Ba ra khỏi ngôi chùa nơi Ba và các bạn bị bao vây, chớ không làm được gì cho Đức, vì tôi không thể cùng một lúc ở hai nơi. Luật sư Trần Ngọc Liễng nay đã mãn phần, ông Tướng Nguyễn Cao Kỳ cũng ra đi, nhưng một số nhân sĩ, nhà sư ở Bạc Liêu, một số các bạn cựu nghị viên Bạc Liêu là chỗ thân tình chí cốt của Dương Văn Ba đều còn đó, người đang ở Sài Gòn, người ở Bạc Liêu, người ở Úc… đều có thể làm chứng cho mối quan hệ giữa Đức và Ba và tôi “thời xưa” là như thế nào.

16 Cả hai bộ phận nòng cốt của Tòa soạn Tin Sáng cũ và Điện Tín, các anh Phan Ba, Minh Đỗ, Trần Trọng Thức, Trương Lộc, nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà, các nhà văn Sơn Nam, Vũ Hạnh… đều hội về đủ mặt ở Tin Sáng mới. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp từ ngoài Bắc về cũng góp bài hay nhà văn lão thành Nguyễn Tuân cũng gởi bài cho Tin Sáng từ Hà Nội. Các giáo sư Phạm Hoàng Hộ, Chu Phạm Ngọc Sơn, Trần Kim Thạch, Nguyễn Xuân Oánh và nhiều vị khác là công tác viên thường xuyên của Tin Sáng… Nhẩm đếm có thể có đến cả chục nhà giáo là đồng môn cũ của Dương văn Ba, cũng là đồng nghiệp cũ của tôi, đã nắm giữ những Ban Biên tập trọng yếu tại Tin sáng, như các anh Huỳnh Công Minh, nguyên Hiệu trưởng trường Sư phạm Vĩnh Long, Hoàng Ngọc Biên, Cao Thanh Tùng, Võ Văn Điểm, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Đồng, Đào Văn Phước, Nguyễn Ngọc Thạch, Diễm Châu… Anh Nguyễn Ngọc Lan, là chủ bút báo Đối Diện, Đứng Dậy nhưng vẫn viết rất đều cho Tin Sáng. Và gần như chỉ viết cho Tin Sáng mà thôi, như Giáo sư Lý Chánh Trung. Hai bạn sau nầy đã từng ra sách in lại những bài viết nổi tiếng trên Tin Sáng. Và đây chỉ là và đơn cử điển hình.

Trung tá Trương Minh Đẩu, nguyên Chánh Văn phòng Đại tướng Dương văn Minh, sau khi đi “học tập cải tạo” về cũng vào làm việc ở Tin Sáng. Anh Đẩu và anh Trịnh Bá Lộc là hai sĩ quan thân cận với ĐT Dương văn Minh đã từng đùm bọc giúp đỡ anh Dương ăn Ba và gia đình anh rất nhiều. Anh Đầu mất sau khi Tin Sáng ngưng hoạt động khá lâu. Hôm đến tiễn anh, được gặp cùng lúc anh giáo sư Nguyễn Văn Trường, nguyên Bộ Trưởng Bộ Giáo dục VNCH, và anh Thiếu tướng nhà báo Phạm Xuân Ẩn, tôi mới biết ba anh là bạn thân với nhau từ hồi còn để chỏm…

17 Các dân biểu nghị viên chế độ cũ, mà đa số là dân biểu, là nhân viên Tin Sáng mới, gồm : Ngô Công Đức (Trà Vinh), Hồ Ngọc Nhuận (Sài Gòn), Nguyễn văn Binh (Gia Định), Dương Văn Ba (Bạc Liêu), Phan Xuân Huy (Đà Nẵng), Hồ Ngọc Cứ (Sài Gòn), Hồ Văn Minh (Sài Gòn), Đinh Xuân Dũng (Bình Thuận), Lý Quý Chung (Sài Gỏn), Dương Văn Long (Nghị vên Đô Thành), Tạ Văn Bo, chánh văn phòng chủ nhiệm Tin Sáng là cựu nghị viên Bạc Liêu, Thạch Phen (Bạc Liêu), Huỳnh Ngọc Diêu (Bến Tre), Trần Văn Thung (Nha Trang), Nguyễn Văn Tiếp (Long An) và anh Nguyễn Hữu Hiệp.

Anh Trần Văn Thung làm ở Tin Sáng được mấy tháng thì về Nha Trang để vượt biên cùng với hai đồng viện cũ của chúng tôi ở HNV/QH/VNCH, trong đó có một anh là tân đại biểu Nguyễn Công Hoan, chú thích của Diễn Đàn của Quốc Hội mới toanh của nước Việt Nam thống nhất, thuộc một đơn vị ngoài Trung. Anh Nguyễn Văn Tiết thì vượt biên sau anh Thung vài năm. Đặc biệt anh Nguyễn Hữu Hiệp còn là nguyên Thứ trưởng đặc trách liên lạc với Quốc Hội trong chánh phủ Trần Văn Hương, và là cựu dân biểu Quốc Hội Lập Hiến Đệ nhị CHVN, đồng viện với Dân biểu lập hiến chủ báo Lý Quý Chung. Gia đình hai anh Chung Hiệp là bạn rất thân với nhau trong một thời gian rất lâu, cho tới một thời gian ngắn trước ngày Tin Sáng hoàn thành nhiệm vụ.

Tất cả các cựu dân biểu nghị viên nầy gộp lại là thừa túc số để làm thành một khối chánh trị chánh thừc ở trong Quốc Hội VNCH, Bởi ở đây đã có tới hơn 15 người, trong khi ở Hạ nghị viện cũ túc số cần và đủ để thành lập khối là 12. Vậy mà có khi cũng khó hội đủ, đành phải được gọi là “nhóm”.

18 Các bác sĩ nổi tiếng của Sài Gòn xưa từng là bác sĩ riêng của Tin Sáng, như Bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn, nguyên Thị Trưởng Đà Nẵng, nguyên Phó Giám Đốc Bệnh viện Sùng Chính (đã định cư và mất ở Pháp), như Bác sĩ Nguyễn Hải Nam, nguyên Giám Đốc BV Cảnh sát, nguyên GĐ BV An Bình, nguyên GĐ BV Triều An, như Bác sĩ Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó GĐ Sùng Chính, bây giờ là BV Chỉnh Hình TP, từng là đồng viện của Đức, của Ba và của tôi ở Hạ Nghị Viện QH/VNCH, hiện đang định cư ở Mỹ, như BS Nguyễn Tấn Trung, bạn cùng trường cùng lớp với My Sơn Nguyễn Ngọc Thạch thời trung học, và sau Tin Sáng là một cây viết chuyên mục “đàn ông” của báo Tuổi Trẻ cho tới khi mất, hay như Bác sĩ Hồ Văn Minh, từng là Phó Chủ tịch Hạ Nghị Viện, từng là ứng cử viên Phó Tổng thống liên danh với ĐT Dương Văn Minh, và khi Tin Sáng hoàn thành nhiệm vụ đã về làm trưởng ban y tế của Cimexcol…

19 Báo Tin Sáng có một thư viện khá đồ sộ mà chúng tôi đã tặng cho Hội Nhà báo Thành phố khi “hoàn thành nhiệm vụ”. Khá lâu sau, tôi được biết thư viện nầy đã bị mối ăn gần hết. Chút gì còn lại thì được tặng lại cho báo Tuổi Trẻ. Khi tôi có dịp đến hỏi thăm báo Tuổi Trẻ thì anh quản thủ thư viên ở đây cho biết và cho coi “chút gì còn lại” của thư viện Tin Sáng là một ít sách cũng bị mối gậm.Tôi thật ngẩn ngơ ! Mất gì không tiếc bằng mất cái thư viện nầy. Bởi tôi đã gôm nó từ thư viện của Tin Sáng cũ và thư viện của riêng tôi, gồm tât cả sách báo, tài liệu, hình ảnh trong và ngoài nước mà tôi đã cố công tích luỹ trong nhiều năm, tại văn phòng tôi ở số 132 Lê Lai, đem về tòa soạn báo Tin Sáng mới ở 63 Bùi Thị Xuân. Ngoài ra còn liên tục mua vớt lại rất nhiều sách báo đã lưu hành dưới chể độ cũ đang bị cấm. Ở thời sách báo cũ bị cấm lưu hành, và giấy trắng lại hiếm, cái gì cũng có thể cho vô bồn để quậy làm bột giấy báo, cả sách bị tịch thâu, cả sách kinh điển, Trưởng ban thư viện Nguyễn Hữu Hiệp, với chút quỹ dành cho thư viện, gần như mỗi ngày đều cho nhân viên tranh mua sách báo cũ các loại với mấy chị bán xôi và mấy nhà công nghệ “giấy quậy”. Cả các bộ án lệ Dalloz của các luật sư nổi tiếng tích luỹ hằng chục năm cũng mua nốt. (Chỉ trừ của bà luật sư cựu nghị sĩ Nguyễn Phước Đại thì không kịp mua). Tôi còn nhớ có lần nhà văn Nguyễn Công Hoan ghé thăm nhà báo, tôi đã mời bác đi thăm thư viện Tin Sáng và hồ hởi tặng bác một tác phẩm của bác, mà in ở Sài Gòn. Tôi không nhớ là “Lá ngọc cành vàng” hay “Tắt lửa lòng”, vì bác nói “sách đã cạn”, Hà Nội không tái bản, mà tủ sách riêng của bác cũng không còn. Một lần khác, thường trú hãng tin Novosti Liên Xô ghé chơi, tôi cũng hân hạnh tặng ông một bộ Encyclopaedia Britannica, thời đó là rất quý.

Xem ra thì báo Tuổi Trẻ và báo Tin Sáng cũng có chút “duyên nợ”. Một số cây viết của Tin Sáng sau tháng 6/1981 đã về làm ở Tuổi Trẻ, trong đó có anh Võ Ngàn Song đã trụ luôn ở đó chớ không nhảy qua báo nào khác. Phu nhân nhà thơ nhà báo Cung Văn Nguyễn Vạn Hồng, sau khi “hoàn thành nhiệm vụ” kế toán trưởng Tin Sáng gần 6 năm, cũng qua làm việc ở Tuổi Trẻ, đến khi nghỉ hưu thì về quê Đà Nẵng mở hiệu kinh doanh. Sau nầy, nhà báo Binh Nguyên, con trai anh Nguyễn Văn Binh, quản lý Tin Sáng, cũng là một cây viết phóng sự nổi tiếng của Tuổi Trẻ. Tới cái Thư Viện Tin Sáng, với chút gì cứu được, cũng được cho về với Tuổi Trẻ. Và có người còn nói về cái manchette “tuổi trẻ” nữa, nó cũng có nét chữ hao hao như nét chữ “tin sáng”, nhưng điều nầy thì tôi không chắc.

20 “Gia đình Tin sáng” là “đại gia đình” của nhiều gia đình anh em nhân viên Tin Sáng. Cháu ruột anh Hồ Ngọc Cứ, Trưởng ban kiểm tra Tin Sáng, con gái anh Hồ Ngọc Chiếu đi tập kết ở miền Bắc về cũng làm việc ở Tin Sáng. Vợ và em gái, em rể anh Dương Văn Ba, hai người con trai lớn và con dâu anh Hồng Sơn Đông chủ nhiệm báo Điện Tín cũng là nhân viên Tin Sáng mới. Anh Nguyễn Chức Sắc và con trai anh cùng làm chung Ban sắp chữ, mà anh là Trưởng ban. Ba anh em Trương Nguyên, Trương Lộc, Trương Thọ đều làm ở đây. Anh Nguyên là Trưởng phòng tối (rửa ảnh), anh Lộc là trưởng ban biên tập, anh Thọ là trưởng ban phóng viên ảnh. Đây không là trường hợp duy nhất có ba anh em cùng làm chung ở Tin Sáng. Và các trường hợp nêu trên đây chỉ là một vài ví dụ. Chớ nếu tính hết những người có anh em, cha con, vợ chồng… cùng làm việc ở Tin Sáng bộ mới thì còn nhiều lắm, kể ra mà thiếu thì e có bạn sẽ trách. Và nếu kể hết thì hình như mọi người ở Tin Sáng đều không chê cái “chế độ chủ thợ” ở đây chút nào hết. Ngay như con trai lớn của Phụ tá chủ bút Lý Quý Chung, tuy chưa đủ tuổi đi làm cũng được gởi cho chủ nhiệm Ngô Công Đức để được xếp một chân chạy việc ở văn phòng chủ bút.

Tôi có một thằng cháu chạy nạn Pon Pot về từ Campuchia, làm trường nông trường Minh Hải của Tin Sáng, nói tiếng Khmer rất giỏi nên sau nầy đã bị “tố ngầm” là người của Đức, của Nhuận “nằm vùng” để móc nối với Sơn Ngọc Thành chống phá cách mạng. Một thằng cháu họ Hồ khác của tôi cũng là nhân viên Tin Sáng, rồi đi nghĩa vụ quân sự, rồi về đầu quân Cimexcol khi Tin Sáng bị đóng cửa, rồi theo Dương Văn Ba qua Lào và ở lại thành dân Lào vì vụ án Cimexcol…

21 Khi Tin Sáng ngưng hoạt động, đại diện Ban Tuyên huấn, Sở Thông tin báo chí, lãnh đạo và các đoàn thể Tin Sáng đã họp để cho ra đời một Ban Thanh lý Tin Sáng mà tôi được cử làm Trưởng Ban. Nhiệm vụ Ban nầy là :

Cung cấp hồ sơ công tác tại Tin Sáng của các anh chị em được chuyển sang các cơ quan khác, cung cấp thông tin, hỗ trợ tìm việc và tạm thời quản lý hành chánh các anh chị em chưa có việc làm.

Chuyển giao Khu nghỉ mát Bình Quới Thanh Đa cho Công ty Du lịch Thành Phố, chuyển giao Thư viện Tin Sáng và khu nghỉ mát Bãi Dâu Vũng Tàu cho Hội Nhà báo Thành phố, theo quyết định tập thể khi thành lập Ban Thanh lý.

Thanh lý cơ sở Sơn mài Lam Sơn. Sơn mài Lam Sơn là cơ sở của tập thể Tin Sáng, do anh Nguyễn Hữu An, Phụ tá Chủ bút, đại diện tập thể làm Giám Đốc. Khi Tin Sáng hoàn thành nhiệm vụ, Ngô Công Đức mua lại cơ sở sơn mài Lam Sơn theo thời giá. Tất cả anh chị em Tin Sáng, từ chủ nhiệm trở đi, đều được chia phần, dựa theo công điểm và thâm niên ở Tin Sáng, theo tính toán của Công Đoàn. Mọi người có quyền nhận bằng hiện vật sơn mài, hoạc bằng tiền (Ngô Công Đức, sau khi mua lại cơ sở sơn mài, đã đưa vào hợp tác liên doanh một thời gian với Quận Phú Nhuận, về sau thì giao hết cho Quận).

Tin Sáng giải thể, văn phòng Ban Thanh lý TS phải đặt ờ nhà riêng của tôi, công việc của Ban Thanh Lý Tin Sáng đã phải kéo dài vài năm sau mới chấm dứt, và trưởng ban Thanh Lý mới được giao con dấu cho Sở Chủ quản là Sở Thông tin báo chí. Tôi còn nhớ công việc chủ yếu của trưởng Ban Thanh Lý là ký giấy giới thiệu mua dầu lửa và gạo cho những anh chị em chưa được các cơ quan khác chấp nhận vào làm.

22 Phụ tá chủ bút Nguyễn Hữu An, gốc Huế, quê Kontum, là bạn học từ thời trung học với Ngô Công Đức, Hồ Văn Minh và với tôi. Khi làm báo Tin Sáng cũ, An được giao coi sóc tòa soạn với anh Phan Ba, sau anh Trần Chi Lăng. An còn đặc trách mục quốc tế, và là một trong năm anh “Tư Trời Biển” của mục “tin vịt nghe qua rồi bỏ” (Tôi đã tập hợp hầu hết các bài của tập thể TTB , định có ngày sẽ cho in thành sách khi đã chọn lọc biên tập xong lần chót). Nguyễn Hữu An còn là một kiến trúc sư, một sĩ quan công binh trừ bị, đã cùng tôi, một thiếu úy bộ binh trừ bị, phục vụ ở phòng báo chí Phủ Quốc Trưởng Dương văn Minh một thời gian sau cuộc chỉnh lý đầu năm 1964, và cùng bỏ trốn khi có lệnh tướng Nguyễn Khánh đưa các sĩ quan phục vụ Quốc Trưởng Dương văn Minh đi Pleiku. Đó là lần bỏ trốn thứ nhất của “hai đứa” chúng tôi. Lần bỏ trốn thứ hai của An là khi làm thư ký tòa soạn Tin Sáng bộ cũ (1968-197). Đang là sĩ quan công binh trừ bị, An bị người của TT Nguyễn văn Thiệu ra lệnh tái ngũ để lại được cho đi Pleiku. Đức và tôi chạy vạy xin cho An ở lại mà không được, nên tôi đành rước An về trốn ở nhà tôi. Cả bốn anh em chúng tôi, An, Đức, Minh và Nhuận, đã từng gắn bó với nhau như vậy, ngay từ hồi còn đi học, nên các em của An khi xuống Sài Gòn đi học cũng thường tá túc tạm thời ở nhà Hồ Văn Minh và tôi. Và khi làm Tin Sáng, cũ hay mới, người đầu tiên Đức và tôi nghĩ tới là Nguyễn Hữu An, và Dương văn Ba rồi mới đến các bạn khác.

23 Quan hệ giữa Đức, An, Hồ Văn Minh và tôi là có gốc rễ từ rất lâu, nên tôi hơi ngạc nhiên khi sau nầy được đọc Hồi Ký Không Tên có đoạn viết : “Chuẩn bị ra báo Tin Sáng, anh Ngô Công Đức với cương vị chủ nhiệm đã đến mời tôi, anh Dương văn Ba, anh Nguyễn Hữu An, anh Nguyễn văn Binh… cùng thảo kế hoạch tổ chức tờ báo. Đầu tháng 9-1975, tức chỉ sau 4 tháng ngày giải phóng, nhật báo Tin Sáng tái bản…” (HKKT, ấn bản 1 tr. 430, ấn bản 2 tr. 429).

Tôi cũng ngạc nhiên khi đọc đoạn tiếp : “Tôi được mời đảm trách vai trò phó tổng biên tập cùng với anh Dương Văn Ba. Anh Đức làm chủ nhiệm, anh Hồ Ngọc Nhuận làm tổng biên tập. Tôi phụ trách luôn nhiệm vụ tổng thơ ký tòa soạn lúc ban đầu (sau công việc tòa soạn được chia với anh Dương văn Ba)”. ( HKKT, ấn bản 1 tr. 430, ấn bản 2 tr. 429).

Đoạn văn ngắn trên đây có mấy cái không đúng : a) “Đầu tháng 9-1975, tức chỉ sau 4 tháng ngày giải phóng, nhật báo Tin Sáng tái bản” là cái không đúng thứ nhất, vì Tin Sáng tái bản đúng ngày 10-8-1975, chớ không phải đầu tháng 9/1975 ; b) “Tôi được mời đảm trách vai trò phó tổng biên tập cùng với anh Dương Văn Ba. Anh Đức làm chủ nhiệm, anh Hồ Ngọc Nhuận làm tổng biên tập” là cái không đúng thứ hai , vì Tin Sáng bộ mới bắt đầu với Ngô Công Đức làm chủ nhiệm, Hồ Ngọc Nhuận làm chủ bút chớ không phải tổng biên tập, Lý Quý Chung được mời làm phụ tá chủ bút thứ ba, cùng với Nguyễn Hữu An và Dương Văn Ba chớ không phải phó tổng biên tập ; c) Tôi phụ trách luôn nhiệm vụ tổng thơ ký tòa soạn lúc ban đầu (sau công việc tòa soạn được chia với anh Dương văn Ba) là cái không đúng thứ ba, vì cả ba phụ tá chủ bút đã được phân công rành mạch ba lãnh vực khác nhau (An : quốc tế, Ba : kinh tế, Chung : văn nghệ thể thao) và vai trò TTK Tòa Soạn đầu tiên được giao cho Dương Văn Ba với sự tiếp tay đăc lực của hai tòa soạn, hai ban biên tập Tin Sáng cũ và Điện Tín nhập lại, cùng các trưởng ban cũ và mới, gồm những cây viết chủ lực như các anh Phan Ba, Minh Đỗ, Trương Lộc, Trần Trọng Thức, Hoàng Ngọc Biên, Võ Văn Điểm, Nguyễn Ngọc Thạch, v.v…; d) Sau năm năm tồn tại như một hiện tượng độc đáo, Tin Sáng được tuyên bố “hoàn thành nhiệm vụlà cái không đúng thứ tư, vì Tin Sáng bộ mới tồn tại gần 6 năm, từ ngày 10-8-1975 đến ngày 29-6-1981, chớ không phải 5 năm.

Vả lại trên Tin Sáng bộ mới, số ra mắt đề ngày 10-8-1975 đã in rõ chủ nhiệm Ngô Công Đức, chủ bút Hồ Ngọc Nhuận, Quản lý Nguyễn Văn Binh, chớ có ai là tổng biên tập hay phó tổng biên tập gì đâu. Vì Đức và tôi đã được yêu cầu làm tờ Tin Sáng “như cũ”. Như hai bác Nam Đình và Thiếu Sơn cũng đã được yêu cầu cho ra lại tờ Thần Chung “như cũ”, mà hai bác đã “nín luôn” khi Tin Sáng chịu áp lực không nổi phải “ra trước”. Cùng lúc với đoàn cải lương Thanh Nga và đoàn kịch nói Kim Cương.

24 Phụ tá đặc biệt. Ở báo “Tin Sáng mới” ai cũng biết có ba Phụ tá chủ bút là Nguyễn Hữu An, Dương Văn Ba và Lý Quý Chung. Chung là người hoàn toàn mới ở Tin Sáng, không cùng ê kíp làm báo cũ với An, Ba, Đức và tôi ngày trước, cũng không hề viết bài cho Tin Sáng cũ, vì từng là chủ của nhiều tờ báo cũ ở Sài Gòn, có lúc từng “cạnh tranh” với Tin Sáng. Chung được Đức mời vô Tin Sáng vào giờ chót, khi tờ báo đang ráo riết chuẩn bị số ra mắt, nên tôi xếp anh làm Phụ tá chủ bút thứ ba. Nhưng nói vậy là chưa đủ, bởi tôi còn có một phụ tá thứ tư.

Khi Tin Sáng hoạt động được mấy tháng thì ông Trần Bạch Đằng nảy ra sáng kiến là cho tôi thêm một Phụ tá thứ tư, không có trong sơ đồ tổ chức chánh thức của Tin Sáng. Đó là anh Kỳ Phương, còn được gọi là anh Mười Phương.

Không biết khi ông Trần Bạch Đằng gửi anh 10 Phương đến giúp tôi mỗi đêm, mà ông nói riêng với tôi là cho tôi một “Phụ tá đặc biệt”, thì ông có biết là ông “trù” tôi hay không ? Bởi TT Nguyễn văn Thiệu ngày trước cũng có Phụ tá đặc biệt, mà trước sau có đến hai ông, là Dược sĩ Nguyễn Cao Thăng, rồi đến ông Nguyễn Văn Ngân.

Anh 10 Phương đã giúp tôi rất nhiều, đặc biệt chỉ về đêm, khi cùng tôi coi lại bài vở giờ chót, trước khi báo lên khuôn. Anh Mười Phương rât ít nói và rất khiêm tốn, chúng tôi làm việc rất ăn ý, nhưng khi có điều gì cần trao đổi thì anh 10 Phương luôn để cho tôi quyêt định.

Anh 10 Phương là người cùng quê Mỹ Tho với tôi, và một phần là với Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Tôi nói “một phần” là vì Bác sĩ Nghiệp quê ở Bến Tre nhưng có phòng mạch ở Mỹ Tho trước khi đi khu. Bác sĩ Nghiệp kể tôi nghe rất nhiều về anh Kỳ Phương, cả tên thật của anh hồi còn đi học ở Mỹ Tho, mà tôi không nhớ gì nhiều. Tôi chỉ biết anh Kỳ Phương là một người làm báo kỳ cựu ở trong khu. Sau nầy được biết thêm anh đã từng ở Trung Quốc. Hai anh trưởng và phó ban “thầy cò”, cùng trường phó ban xếp chữ mỗi đêm cũng thường ở lại rất khuya với hai anh Mười, Mười Phương và Mười Nhuận. Sau khi Tin Sáng hoàn thành nhiệm vụ, anh Mười Phương sang hỗ trợ cho tờ Giác Ngộ, và đã “ngộ” ra điều gì đó nên đã bỏ công nhiều nghiên cứu về đạo Phật. Anh thường đến chung vui khi gia đình Tin Sáng họp mặt kỷ niệm ngày ra báo, hay Tất Niên, cho tới khi sức khỏe không cho phép nữa mới thôi.

25 Việc Đức và tôi đã để cho Dương Văn Ba đi làm gỗ với Minh Hải đã khiến ông Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tỏ ý ngạc nhiên không hài lòng. Ông đã hỏi tôi, khi tôi đột xuất đến thăm ông ở Hà Nôi, trong một chuyến tôi trên đường đi Lào, năm 1987 : “Sao không để Dương Văn Ba làm ở Sài Gòn mà cho đi làm với Minh Hải ? Minh Hải làm sao quản nổi dân Sài Gòn ?” Làm ở Sài Gòn tức là làm ở Tin Sáng.

Khi kiếu ông ra về, tôi hỏi : “Vậy thì tôi kêu Dương Văn Ba chỉ nên làm ở Sài Gòn thôi, phải không anh?” Anh đáp nhanh : “Cả anh nữa”. Khi đưa tôi ra cổng, anh lại ngó tôi một hồi, hỏi tuổi tôi, rồi nói tiếp : “Anh nên ở Sài Gòn, đừng đi đâu hết. Khi tôi nghỉ ra, tôi cũng sẽ về ở Sài Gòn. Với anh, tôi chỉ nói nửa chữ thôi, anh phải hiểu”.

Giá mà tôi đã nghe theo ông Mai Chí Thọ, và cùng với Đức “không để” cho Ba làm với Minh Hải nữa, thì liệu có cản được Ba không ? Và liệu có tránh được các hậu quả dây chuyền cho đến ngày nay không ? Hay là số phận đã định vậy thì phải vậy, cho Ba, rồi bây giờ là cho Đức, và cho tôi một phần ?

26 Sau khi Tin Sáng rã gánh thật lâu, bạn bè nghĩ thương Tin Sáng bị “chết đứng”, và thương tôi lần thứ hai trong đời làm báo bị bứt đi “núm ruột” của mình, đã gom gọn gởi tặng tôi những báo cáo mật về hoạt động Tin Sáng trong mấy năm, đặc biệt từ các năm 1977-1979-1980. Các báo cáo nầy, có bản viết tay, có bản đánh máy cẩn thận, có bản nói về chuyện hằng ngày, về phát biểu trong các cuộc họp phóng viên, tòa soạn, về việc đi đây đi đó của người nầy người nọ ; có bản phân tích tỉ mỉ về quá khứ, hành động, lời nói , thái độ, lập trường tư tương, ý đồ… đặc biệt của Ngô Công Đức, cả những “lời dặn dò, tâm sự” của Đức với người nầy người nọ cũng được nêu lên để dẫn chứng, cả những lưu ý phải tìm hiểu, đi sâu điều tra thêm về những biểu hiện hay quan hệ với đây với đó của Đức. Đặc biệt trong một báo cáo dài, với mấy tóm tătt về quá trình hoạt động của Đức, có một điểm viết : “Từ 1975 – 1979 : Đ. muốn tạo tại Tin Sáng thành một giang sơn, một ốc đảo riêng và từ đó làm bàn đạp cho các hoạt động ngầm của mình. Tin Sáng là một khu an toàn”.

Tôi cứ nghĩ những báo cáo nầy sẽ mãi mãi nằm đó, để luôn nhắc tôi về “lòng dạ con người”, về “ thói đời”. Nhưng tôi cũng nghĩ, ngày nào đó, chúng cũng có thể trở thành một cuốn sách nhỏ thuộc thể loại “điều tra” khá hấp dẫn. Nếu thật cần.

27 Về hai ấn bản Hồi Ký Không Tên. Sau vụ “lùm xùm” về việc “rút hay không rút” cuốn HKKT của tác giả LQC hồi tháng 12-2004, và sau các thư của Ngô Công Đức gởi Nhà Xuất bản Trẻ và các nơi khác có liên quan, nhắc lại việc Đức bị tác giả HKKT tố cáo hồi tháng 6/1981 với ông Võ văn Kiệt, tôi mới thử lướt qua vài đoạn HKKT có liên quan đến Tin Sáng. Và thấy :

Trong cả hai ấn bản 1 và 2, tác giả HKKT viết : “Tôi có hai lần gặp ông Kiệt vì công việc. Lần đầu trong khoảng thời gian 1979-1980 liên quan đến cuộc đấu tranh nội bộ ở báo Tin Sáng. Ông mời tôi ăn tối tại một biệt thự ở An Phú (TP HCM), lúc đó ông là Bí thư Thành ủy, ông muốn tìm hiểu thêm nguyên nhân của cuộc khủng hoảng nội bộ tại tờ báo Tin Sáng(HKKT, ấn bản 1, trang 441; ấn bản 2, trang 440).

Về “cuộc đấu tranh nội bộ” nầy, khi nói về việc Tin Sáng hoàn thành nhiệm vụ, tác giả HKKT đã viết rõ về vai trò của mình :

Rất tiếc sự chung sức của anh em tại báo Tin Sáng, gắn bó với nhau từ thời cũ lại không suôn sẻ đến cùng. Cách lãnh đạo và quản lý tờ báo về một số mặt của anh chủ nhiệm Ngô Công Đức đã gây phản ứng ở một số anh em, trong đó có tôi. Sau năm năm tồn tại như một hiện tượng độc đáo, Tin Sáng được tuyên bố hoàn thành nhiệm vụ”.

Nếu không có những mâu thuẫn nội bộ, liệu Tin Sáng có kéo dài được sự tồn tại? Một tờ báo gồm các trí thức cũ Sài Gòn, hoạt động như một doanh nghiệp tư nhân, anh Đức nắm tờ báo như một ông chủ báo trước 1975, lại rơi vào thời điểm Đông Âu bắt đầu chứng kiến những biến động (Công đoàn Đoàn Kết của Walesa đã phát động lật đổ chế độ cộng sản ở Ba Lan), vậy nếu báo Tin Sáng tiếp tục tồn tại thì sẽ ở vị trí nào trong bối cảnh chính trị lúc đó ?

Với các anh em trong Tin Sáng cũng có nhiều quan điểm, thái độ khác nhau đối với hướng đi và cách quản lý tờ báo, nhưng có một điều cho đến bây giờ vẫn phải nhìn nhận : Tin Sáng đã có những đóng góp không nhỏ vào cách thông tin nói riêng, và cách làm báo nói chung của báo chí ở Việt Nam sau 1975.Thật ra cái mới của Tin Sáng chỉ là những vận dụng nghiệp vụ của báo chí Sài Gòn trước 1975 nhưng có chọn lọc phù hợp với khuôn khổ báo chí lúc đó…” (HKKT, ấn bản 1, trang 430-431).

Nhưng với ấn bản 2 thì nội dung trên đã bị bỏ hết hai đoạn, mà tôi đã in đậm, chỉ còn lại là : “Rất tiếc sự chung sức của anh em tại báo Tin Sáng, gắn bó với nhau từ thời cũ lại không suôn sẻ đến cùng. Sau năm năm tồn tại như một hiện tượng độc đáo, Tin Sáng được tuyên bố hoàn thành nhiệm vụ.

Với các anh em trong Tin Sáng cũng có nhiều quan điểm, thái độ khác nhau đối với hướng đi và cách quản lý tờ báo, nhưng có một điều cho đến bây giờ vẫn phải nhìn nhận : Tin Sáng đã có những đóng góp không nhỏ vào cách thông tin nói riêng, và cách làm báo nói chung của báo chí ở Việt Nam sau 1975. Thật ra cái mới của Tin Sáng chỉ là những vận dụng nghiệp vụ của báo chí Sài Gòn trước 1975 nhưng có chọn lọc phù hợp với khuôn khổ báo chí lúc đó” (HKKT, ấn bản 2, trang 429-430).

Về hai ấn bản HKKT. Tôi gọi HKKT ấn bản 1 và HKKT ấn bản 2 là vì :

Sau buổi ra mắt HKKT tại Khách sạn Sofitel Plaza, số 17 đường Lê Duẩn, Q1 TP Hồ Chí Minh, lúc 10 giờ 30 ngày 04-12-2004 thì có lệnh phải rút lại, để xem xét. Sau đó thì người ta cho in lại một ấn bản khác, có sửa chửa đôi chút, mà tôi gọi là ấn bản 2, thay cho cuốn đã bị rút lại, mà tôi gọi là ấn bản 1. Cả hai ấn bản cùng đề in xong và nộp lưu chiểu tháng 12 năm 2004, coi như chỉ có một quyển HKKT duy nhất, với số trang gần như bằng nhau (ấn bản 1 có 487 trang, ấn bản 2 có 486 trang).

Nhưng sự thật thì HKKT ấn bản 2 đã ra đời ít ra là một tháng sau ngày 04-12-2004 là ngày ra mắt ấn bản 1, căn cứ vào ngày tháng xảy ra các diễn biến có liên quan, như : Ngày 04-12-2004, HKKT ra mắt tại Khách sạn Sofitel Plaza, cùng ngày với bài cổ võ nhiệt liệt trên tờ Công Luận số ra mắt và trên báo Công An Thành phố Hồ Chí Minh. Các ngày 04, 05, 06-12-2004 báo Quân Đội Nhân Dân phản ứng quyết liệt về quyển HKKT với 3 bài trên trang nhất 3 số báo liên tiếp. Ngày 16-12-2004, tướng Nguyễn Hữu Hạnh, nguyên Tham mưu trưởng Quân đội của Tổng thống Dương văn Minh gởi thư đến Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam TP Hồ chí Minh phản đối HKKT và tác giả. Ngày 22-12-2004 UBMTTQTP triệu tập họp tại trụ sở MT, có sự hiện diện của đại diện Ban Tuyên huấn Thành ủy, Ban Binh vận, ông Dương Đình Thảo,v.v… để nghe tướng Hạnh trình bày, và công bố thư của bà Giám đốc Nhà Xuất bản Trẻ xin rút lại quyển HKKT để sửa chửa và in lại quyển khác thay thế. Ngày 28-12-2004 UBMTTQTP có báo cáo gửi Thành Ủy, với một số lưu ý và đề nghị thuận theo yêu cầu của Nhà xuất bản Trẻ. Ngày 30-31/12/2004, nguyên chủ nhiệm báo Tin Sáng Ngô Công Đức gửi thư đến các nơi có liên quan nêu rõ sẽ dành quyền đưa ra pháp luật việc tác giả HKKT đã lập lại những lời tố cáo Đức hồi tháng 6-1981 trước mặt ông Võ văn Kiệt.

Một thời gian sau tôi nhận được HKKT ấn bản 2, của bà Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ tặng, cũng đề in xong tháng 12 năm 2004 như ấn bản 1, với số trang đề là 486, ít hơn ấn bản 1 một trang.

Tại sao hai ấn bản HKKT xê xích nhau chỉ một trang sách (ấn bản 1 có 487 trang, ấn bản 2 có 486 trang) ?

28 Về người “có khả năng tìm kiếm hòa bình” và về việc “đổi tuồng” .

Trong cuốn “CHUNG MỘT BÓNG CỜ”, (VỀ MẶT TRẬN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VIỆT NAM), do ông Trần Bạch Đằng làm chủ biên, ông Nguyễn văn Linh làm cố vấn Hội đồng chỉ đạo, NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA in và phát hành vào tháng 4 năm 1993, tổng trường Bộ Thông tin của Tổng thống Dương văn Minh, ông Lý Quý Chung viết : “Tối 27-4-1975, Minh họp nội bộ của “nhóm” để phân chia các ghế bộ trưởng. Lúc đầu, có ý kiến đề nghị anh Hồ Ngọc Nhuận làm Bộ trường thông tin, nhưng sau anh Lan, anh Ba bàn và đề nghị chuyển lại cho tôi…” (CHUNG MỘT BÓNG CỜ, tháng 4 năm 1993, trang 830).

Hơn 10 năm sau, trong HKKT, tháng 12 năm 2004, tác giả viết : “…Rõ ràng ông (Dương Văn Minh) có chủ đích khi chọn tôi làm tổng trưởng Bộ Thông tin, bởi tôi hoàn toàn có khả năng đóng góp vào mục tiêu tìm kiếm hòa bình của chính phủ Dương Văn Minh” ( HKKT, ấn bản 2, tháng 12-2004, trang 376).

Tôi không dám lạm bàn về “phiên họp nội bộ của nhóm ông Dương Văn Minh” tối 27-4-1975, vì tôi đã bỏ họp trước đó nhiều ngày khi không thuyết phục được ông Dương Văn Minh không nhận chức Tổng thống thay thế ông Trần Văn Hương. Nhưng tôi ngạc nhiên, không biết “anh Lan, anh Ba bàn và đề nghị chuyển lại cho tôi…” là anh Lan nào? Bởi trong “nhóm ông Minh” mà mọi người biết, không hề có một anh Lan nào hết. Còn nếu đó là anh Nguyễn Ngọc Lan, là người bạn thân nhất với Ngô Công Đức và với tôi, và là người chỉ viết cho báo Tin Sáng sau báo Đối Diện, thì không hề ở trong “nhóm ông Dương Văn Minh” một ngày nào, nên không bao giờ họp với “nhóm” để bàn về bất cứ việc gì. Trừ phi trong những ngày tôi không đi dự họp thì “nhóm ông Minh” lại có một anh Lan nào đó mà tôi không hề biết. Như cái anh Lan mà tác giả HKKT đã kể là đã cùng tôi và anh ấy và cha Chân Tín đi làm báo nói ở Cần Thơ, ở Mỹ Tho, rồi ghé qua nhà cha mẹ tôi ở cái làng Tân Hội Tây nào đó mà tác giả không nhớ rõ… ( HKKT tr.237) thì tôi cũng không biết đó là anh Lan nào. Vì tôi, và các bạn cùng đi với tôi đều biết, tôi không hề đi làm báo nói với anh Nguyễn Ngọc Lan “của tôi” và cha Chân Tín. Hay như khi tôi kể lại trong “ĐỜI” chuyện anh Nguyễn Ngọc Lan “của tôi” bị đánh trúng “Dinh Độc Lập”, hoặc anh “nhất thân nhất xa” chống đỡ với thương phế binh để giải vây cho Ni Sư Huỳnh Liên và bà Ngô Bá Thành, trên mui một chiếc xe Daihatsu của ai đó, trước bệnh viện Sài Gòn, thì tác giả HKKT cũng có kể về một “cha Lan lái chiếc xe ô tô kiểu con cóc” chống trả với cảnh sát. Lại còn kể cha Lan ngồi trên “xe ô tô con cóc mà tác giả không nhớ là xe hiệu gì”, bị cảnh sát hè nhau lật qua lật lại, y như hồi tôi lái chiếc xe LaDalat của tôi đi giải vây cho bà Ngô Bá Thành, thì đó là cha Lan nào thật tình tôi không biết. Vì cha Lan mà tôi biết, cho đến khi bệnh nặng sấp qua đời mới bỏ chiếc xe gắn máy

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss