Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 1 / CÁCH MẠNG NGA LẦN HAI... VÀ VẤN ĐỀ VIỆT NAM

CÁCH MẠNG NGA LẦN HAI... VÀ VẤN ĐỀ VIỆT NAM

- Hoà Vân — published 29/09/2010 16:51, cập nhật lần cuối 29/09/2010 22:56


CÁCH MẠNG NGA LẦN HAI...
VÀ VẤN ĐỀ VIỆT NAM


 

Hoà Vân  



Sự “nổ tóp”(1) của Đảng Cộng sản Liên Xô và Nhà nước Xô viết do nó lập nên, chỉ trong vài ngày sau khi cuộc đảo chánh ngày 19.8.1991 bị thất bại, sẽ còn là đề tài cho nhiều bài bình luận, nhiều công trình nghiên cứu. Nhiều câu hỏi còn thiếu những yếu tố để được trả lời một cách nghiêm chỉnh, những diễn biến ở các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết cũ chưa hoàn toàn ngã ngũ. Phản ứng của từng người dĩ nhiên có rất nhiều khác biệt. Vui mừng có, hồn nhiên. Uất ức, lo sợ, hoặc đắn đo cũng có... Song, một chuyện đã rõ ràng: cái cố gắng tuyệt vọng của những kẻ nuối tiếc trật tự cũ không ngăn cản được con đường dân chủ hoá xã hội Nga, đoạn tuyệt với một quá khứ chất chứa quá nhiều tội lỗi, nhiều tiêu cực dưới mắt người dân(2).

Bài này không có tham vọng phân tích cuộc Cách mạng Nga lần hai này. Chỉ nhân đây, trong vị trí của một người Việt hôm nay, xin được góp vài nhận xét và suy nghĩ rất riêng tư, chung quanh vài sự kiện liên quan tới chúng ta hơn.

1. Có lẽ không ai ngạc nhiên lắm về các phản ứng của nhà cầm quyền Việt Nam, mà các hãng thông tấn, các nhà báo thế giới đều đã đưa tin: cùng với một sự im lặng thận trọng về mặt quốc tế, những mừng vui ban đầu khi nghe tin cuộc đảo chính không che giấu được trên mặt báo(3). Theo những nguồn tin đáng tin cậy, một quan chức cao cấp trong “ban tư tưởng văn hoá” đã triệu tập gấp rút các tổng biên tập báo chí trong nước để thông tin về hành động của “những đồng chí trung kiên của chúng ta”. Nỗi ám ảnh về một tình trạng bất ổn định (không phải hoàn toàn không có cơ sở), chen lẫn với sự sợ hãi mất quyền lực của một bộ phận (đa số?) đảng viên khiến cho, đã từ lâu Đảng Cộng sản Việt Nam nhìn những cố gắng cải tổ của ông Gorbatchev với con mắt ngờ vực, e ngại, nếu không nói là hoàn toàn chống đối, thậm chí thù hận. Sự khép lại mau chóng những cởi mở đối với trí thức, văn nghệ sĩ trong nước (kéo dài không đầy hai năm 1987-88) không ngoài lý do đó. Với các biến động ở Đông Âu, những lực lượng bảo thủ trong Đảng đã dễ dàng đem con ngoáo ộp “mất ổn định” làm chủ bài đấu đá nội bộ, và khi thắng thế đã lập tức tìm mọi cách dập tắt trước hết những tiếng nói phê phán (dù chưa hẳn là phản kháng) các biểu hiện tiêu cực gắn quá gần gũi với bản chất cực quyền của bộ máy, với lẽ sống còn của nó. Bước thứ hai, sự khấu đầu xin sáp lại gần với các bậc đàn anh tư tưởng đang ngự trị ở Bắc Kinh, để xin được thiên triều bảo hộ, coi như cũng đã được thực hiện xong xuôi...

Mọi việc đã an bài, có còn gì để nói?

2. Thời thế thật không biết chiều những toan tính khôn ngoan nhất!

Sự thất bại của cuộc đảo chính, dù xa xôi, sẽ dội tới những làn sóng “độc” không dễ gì dập tắt. Tình hình Liên xô, “tốt nhất” dĩ nhiên là cuộc đảo chính thành công. Hoặc giả, cứ dùng dằng co kéo, làm cho Gorbatchev khó đi xa hơn về những cải tổ chính trị (giả thuyết làm việc của Đại hội 7?), thì Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn có thể cảm thấy (tạm) yên tâm để tiến hành “đổi mới kinh tế thành công”, không cần nhượng bộ gì về chính trị trước những đòi hỏi của xã hội. Đằng này...

Theo Tạp chí Kinh tế Viễn Đông (FEER, 12.9.1991), ngày Quốc khánh 2.9, truyền đơn chống chính phủ đã được rải trên các phố Hà Nội có các quan chức cao cấp ở. Trước đó, vào ngày 28.8, tân tổng bí thư Đỗ Mười đã gặp các ông Nguyễn Khắc Viện, Phan Đình Diệu ...

Áp lực đòi dân chủ hoá từ trong xã hội sẽ gia tăng đã đành, mà áp lực đòi đổi thay xuất phát từ trong nội bộ Đảng hiển nhiên cũng sẽ không chịu tan đi sau thất bại ở đại hội 7... Sự đàn áp để đạt tới một đại hội “nhất trí cao”, dù tinh vi (cao tay nhất là không để xẩy ra một Thiên An môn Việt Nam, theo ý của một quan chức cao cấp lâu nay không thấy xuất hiện nhiều trên bầu trời tư tưởng) cũng vẫn là đàn áp, sẽ để lại những tình cảm gì trong lòng những người đảng viên mong muốn đổi thay nhưng buộc phải im lặng vì sợ, sợ mang tiếng “đi ngược đường lối của Đảng” hay một nỗi sợ vô hình hoặc khó thú nhận khác? Những nỗi sợ thường chuyển biến thành các hành động “khó kiểm soát” khi mất đi lý do tồn tại. Mà, sự sụp đổ của đảng đàn anh (hôm nay: Liên Xô; ngày mai, ai biết được Bắc Kinh sẽ ra sao?) dù sao cũng khó tính được vào những “nhân tố tích cực” để tăng cường những nỗi sợ thật tiện lợi đó! Đảng – hay đúng hơn, bộ máy nắm quyền ở Đảng – tính gì trong tình thế hiện nay? Bản tin của FEER nói trên còn nói thêm, ông Đỗ hứa sẽ gặp gỡ một nhóm 120 trí thức do Phan Đình Diệu triệu tập. Một tín hiệu chuyển biến, một cuộc đối thoại sẽ bắt đầu giữa nhà cầm quyền và xã hội? Bài báo này viết khi Diễn Đàn chuẩn bị lên khuôn, những tin tức chúng tôi nhận được, dù có một phần nằm trong chiều hướng đó, chưa đủ để xác nhận một chuyển biến thật sự như mọi người mong đợi.

3. Dẫu sao, dấu hỏi trên “tín hiệu” nói trên khó có thể bỏ qua, nhất là khi người ta được đọc trên tờ Quân đội Nhân Dân(4) chỉ vài ngày sau khi ông Đỗ Mười gặp các ông Nguyễn Khắc Viện, Phan Đình Diệu, một bài xã luận coi “diễn biến hoà bình” như một thủ đoạn nguy hiểm nhất của “đế quốc và những lực lượng phản động” để lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa!

Đúng là người ta chẳng e ngại chi lắm những hoạt động chống đối vũ trang (tất nhiên lại càng chẳng sợ gì những hô hào bạo động của các lực lượng “kháng chiến” mà quá khứ đánh thuê cho Mỹ chỉ có thể được sử dụng tối ưu ... trong việc tống tiền những kiều bào sống ở nước ngoài). Điều hiển nhiên: dân Việt Nam đã quá ngán chiến tranh tàn khốc, và chẳng tin tưởng gì hơn ở những người muốn thay thế chủ nghĩa Cộng sản bằng chủ nghĩa chống Cộng sản! Nhưng cũng hiển nhiên không kém: những đòi hỏi cơm no, áo ấm ngày càng được nhận thức rõ là không thể tách rời những đòi hỏi một cuộc sống bình thường, với những quyền tự do tối thiểu, không còn những tác động oai quyền đầy tùy tiện của bộ máy, của các ông bà cán bộ đứng trên mọi pháp lý mọi sự kiểm soát của xã hội. Người ta đã quá ngán, và chắc chắn nếu có dịp là tìm cách chối bỏ một chủ thuyết đã là nguyên cớ (nếu không muốn nói là nền tảng) của bao nhiêu tội ác tàn khốc, trong khi những người được quyền nhân danh nó để hành động thì luôn luôn tìm được đủ mọi nguỵ lý để bào chữa cho các tội ác đó, đổ tội cho đủ mọi nhân tố bên ngoài. “Diễn biến hòa bình” mà thay đổi được sự thống trị của một bộ máy đàn áp thì thực là một dịp bằng vàng, sao lại chẳng nắm lấy? Phải chăng, số đảng viên Cộng sản nghĩ như thế ngày càng nhiều, và không phải chỉ ở những cấp thấp, nên báo Quân đội Nhân dân mới phải ra tay cảnh cáo trước? Tín hiệu, lần này đã rõ: có những thế lực đang cầm quyền ở Việt Nam sẵn sàng xả súng bắn vào nhân dân để bảo vệ sự thống trị của họ.

Người ta có quyền chờ đợi ở ông tổng bí thư mới một câu trả lời dứt khoát trước đe dọa tối tăm đó.

4. Những người không còn tin được vào những chuyển biến dân chủ hoá trong một ổn định tương đối, tránh được tối đa những cuộc trả thù, chém giết, có thể mỉa mai sự chờ đợi nói trên. “Niềm tin” của riêng tôi, thú thực, không đủ lấn áp một cảm giác ngày càng rõ nét, rằng một ngày “mất ổn định” thế nào rồi cũng sẽ tới. Như mọi quả lắc có đà không bao giờ chịu ngừng ngay ở đường thẳng đứng, những dồn nén lâu ngày, của nhiều người, sẽ có dịp nổ ra, và đi hết cơn phẫn nộ của mình rồi mới dịu lắng. Vấn đề là, cái đà lắc sang phía bên kia ấy sẽ xa tới đâu? Mới một hôm gần đây, vào cuối tháng 8, tôi còn nghe một quan viên than phiền về sự cấm Đảng Cộng sản hoạt động (đúng hơn là “treo giò”) ở một vài nước cộng hòa cựu Liên bang Xô viết. Khi nghe tôi hỏi lại, thế anh có phản đối gì không về việc Đảng Cộng sản khi cầm quyền đã cấm toàn bộ những hoạt động của các lực lượng chính trị khác, anh ta đã thản nhiên trả lời, “đó là một vấn đề khác”! Tôi biết sẽ can ngăn ai, và can ngăn thế nào, để ngày mai đây, những sự việc cấm đoán trả thù chẳng có gì hay ho ấy đừng xẩy ra...

Nhưng, xin trở lại một chút với tình hình Liên Xô. Cuộc cải tổ của ông Gorbatchev dĩ nhiên còn quá ngắn ngủi để giải quyết được hết những vấn đề của một xã hội Nga bước thẳng từ nền phong kiến Sa Hoàng tới một thứ chủ nghĩa xã hội trại lính, đã kềm hãm, đè nén nhiều dân tộc hơn 70 năm qua. Song, một kết quả khó chối cãi của quá trình 6 năm cải tổ trong suốt ấy, chính là đã tạo được một nếp sống dân chủ mới – chưa hẳn thắng thế hoàn toàn nhưng đủ thấm sâu vào nhiều tầng lớp xã hội Nga –, giải toả nhiều nỗi sợ thâm căn trong dân chúng, khiến cho cuộc đảo chính khó có thể thành công. Đồng thời, cũng chính nếp sống dân chủ mới mẻ ấy đã làm dịu đi nhiều những uất ức của người dân, để một cuộc trả thù tắm máu không xảy ra sau cuộc chính biến. Tác giả của quá trình cải tổ ấy, chứ không phải là ai khác, lại đã dũng cảm lên tiếng chặn đứng một cuộc đấu tố ngược với những người Cộng sản, ngay trong những ngày bão táp chưa qua đối với chính ông.

Tại sao diễn biến ấy không thể thực hiện được ở nước ta? Nếu tín hiệu của tổng bí thư Đỗ Mười được xác nhận, tôi tin là những trí thức Việt Nam, kể cả những người từng trực tiếp chịu những áp bức của guồng máy, như nhà văn Dương Thu Hương, bác sĩ Nguyễn Đan Quế..., sẽ không bỏ qua một cơ may, dù trong thâm tâm họ có nghĩ là rất nhỏ nhoi chăng nữa, để bắt tay vào việc.

 

21.9.1991

Hoà Vân  

  

1 . Nổ tóp: tạm dịch chữ Implosion. Trong nghĩa vật lý, từ này chỉ hiện tượng một vật thể rỗng ruột bị tóp lại dữ dội do áp suất bên ngoài tăng lên mạnh, và sức đề kháng bên trong không đủ để giữ quân bình. Với quan niệm tổ chức của mình, Đảng Cộng sản rõ ràng tự biến mình thành một vật thể riêng biệt đối với xã hội chung quanh. Sự so sánh thiết nghĩ không có gì khập khiễng.

2. Tất nhiên, Lịch sử rồi sẽ khách quan, và nhìn nhận những yếu tố tích cực mà nhân dân các nước Cộng hòa Liên Xô đạt được, trong những năm ấy. Chủ nghĩa xã hội, dù đã bị biến chất dưới bàn tay đẫm máu của Stalin, trước hết là một cuộc phản kháng đối với những áp bức của chế độ tồn tại trước nó. Nhưng khó có ai cứ nhân danh mãi một tương lai chưa bao giờ thấy, để làm bất cứ điều gì, kể cả tội ác mà không chịu quyền phán xét của những người đang sống.

3. Ngày 20.8, gần hết trang tư tờ Nhân Dân được dành đưa tin “(Liên Xô) Thành lập ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp” (tựa lớn), “đồng chí G.I. Y-a-na-ép làm quyền tổng thống”..., với những tuyên bố, sắc lệnh, kêu gọi của “ban lãnh đạo Liên xô”, của chủ tịch xô viết tối cao ... Ngày 21, Nhân Dân vẫn dành gần trọn trang tư cho tin này, dưới tựa lớn “Nhân dân ủng hộ các biện pháp đang áp dụng” (sic)... Ngày 23, cùng với tin Gorbatchev trở về Mạc Tư Khoa, Nhân Dân đưa tin “báo chí Trung Quốc ca ngợi thành quả công cuộc đổi mới ở Việt Nam”!

4. Số đề ngày 2.9.1991 .  

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us