Có chỗ cho mọi người
SUY NGHĨ GẦN XA
Có chỗ cho mọi người
Tản mạn một số ý về hành động riêng và kết quả chung cho mọi người.
Cách đây hơn một năm, bức “Tâm thư” kiến nghị dân chủ đa nguyên với lãnh đạo cộng sản cầm chính quyền ở Việt Nam được nhiều bác, anh chị em ký, trong đó có hầu hết các anh chị em “nhóm Đoàn Kết lúc đó” và cũng là “nhóm chủ trương Diễn Dàn ngày nay”. Nhưng có người không ký; tôi thuộc loại thứ hai này. Không ký, và đồng thời không chấp nhận những gán ghép (cho rằng những người khởi xướng “Tâm thư” có những ý đồ đen tối hay cho rằng có bàn tay của người ngoài ở đằng sau lèo lái1). Đã có những câu hỏi, cũng đã có vài suy luận “nhiều chiều” về những người không ký. Nhưng những suy luận đó không từ phía “nhóm Đoàn Kết lúc đó” và cũng là “nhóm chủ trương Diễn Đàn ngày nay”: một thí dụ trong nhiều thí dụ chứng tỏ anh chị em đủ hiểu biết và thông minh, để tôn trọng cách nhìn và chỗ đứng của mỗi người.
Diễn Đàn sẽ “tôn trọng mọi ý kiến, kể cả những ý kiến khác biệt và trái nghịch, miễn là những ý kiến đó không đi ngược lại với những giá trị nhân bản phổ biến của nhân loại và truyền thống hoà hợp đích thực"2. Tôi coi đó như là một loại giao ước để, đối với Diễn Đàn, có chỗ cho mọi người, cho bạn đọc cũng như cho người viết.
Còn về mục tiêu “diễn đàn (để góp phần) vì dân chủ và phát triển” đất nước Việt Nam3 , nếu có ai không chấp nhận (vì cho rằng quá ngông?), xin cho tôi được có một lời nói ví, mặc dù mục tiêu kể trên và sự việc kể dưới đây có tầm cỡ khác nhau:
Mươi năm trước đây, nhân đọc một cuốn hồi ký cách mạng – mà nay tôi không còn nhớ tên – có một đoạn làm tôi chú ý, đại ý như sau: tác giả kể lại giai đoạn (có lẽ là khoảng những năm 30, 40, còn thời Pháp thuộc, và trong khung cảnh làm cách mạng giành độc lập, chưa có vấn đề “quốc/cộng") ông ta bị một viên quan người Việt Nam bắt. Bị đánh đập tra tấn rất đau, ông ta mới bảo viên quan đó rằng: “Chúng tôi làm cách mạng là để đuổi ngoại xâm, gian nan nguy hiểm chúng tôi chịu; nếu thành công, nước ta được độc lập, cả nước cùng hưởng, các quan là người Việt Nam cũng được hưởng, sao lại đánh chúng tôi?”
Ng. V.
1 Phải nói một lần cho rõ: anh chị em đó là những người đã có nghề nghiệp và địa vị nhất định trong xã hội định cư, không ai mua chuộc được, và cũng không phải là những “chính khách” lưu vong tìm dịp để trở lại “chính trường" Việt Nam.
2 và 3 Xem Đoàn Kết số chót (434, đề tháng 5-1991)
Các thao tác trên Tài liệu