Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 1 / CỘNG ĐỒNG... ĐÓ ĐÂY...

CỘNG ĐỒNG... ĐÓ ĐÂY...

- Diễn Đàn — published 29/09/2010 16:51, cập nhật lần cuối 29/09/2010 16:51

CỘNG ĐỒNG... ĐÓ ĐÂY...

Sinh viên Mỹ sang Việt Nam du học

Tổ chức trao đổi sinh viên Experiment in International Living (ở Brattlebro, tiểu bang Vermont) đã được phép của Washington và Hà Nội để tiến hành chương trình du học cho sinh viên Mỹ ở Hà Nội mùa thu này, và ở Thành phố Hồ Chí Minh vào năm học 1992.

Trong sáu sinh viên Mỹ đầu tiên đến Hà Nội nghiên cứu lịch sử Việt Nam, có một người gốc Việt Nam, anh Lê Liêm. Sang Mỹ năm 1975 khi mới 5 tuổi, Liêm là con một sĩ quan quân đội Sài Gòn, ông Lê Văn Lý, đã từng ở trại cải tạo rồi vượt ngục và vượt biên.

(Newsweek 29.7.91, Phụ nữ diễn đàn 9.91)

Một phụ nữ Việt Nam làm giám đốc tài chánh thành phố Montréal

Hồi đầu năm nay, báo chí ở Canada đã dành nhiều cột với những tựa lớn để nói về bà Hoàng Thiếu Quân, người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ giám đốc tài chánh của thành phố Montréal, một thành phố cỡ lớn trên thế giới.

Với sự cộng tác của bốn phó giám đốc đặc trách các khâu tài chánh, ngân sách, thuế khoá, quản lý và 500 người giúp việc, bà Hoàng Thiếu Quân sẽ quản lý một ngân sách khá đồ sộ: 1,7 tỷ Mỹ kim.

Bà Hoàng Thiếu Quân năm nay 40 tuổi. Bà là con gái thứ tư của cụ Hoàng Duy Từ, trước kia là giám đốc sở thuế ở miền Trung. Cụ Hoàng Duy Từ còn là tác giả các cuốn sách văn học “Đường thi tuyển dịch” và “Nguyễn Du, thơ chữ Hán”. Gia đình họ Hoàng là một gia đình hiếu học.

Sau khi học ở đại học Lausanne năm 1970-71, bà Hoàng Thiếu Quân qua Pháp học trường Cao đẳng Thương mại (HEC). Năm 1974, bà qua Mỹ và lấy bằng Master of Business Administration. Năm 1975, gia đình bà rời Sài Gòn sang Canada. Lúc đó, đang học tại đại học kinh tế Laval, bà Quân bỏ học đi Montréal với gia đình. Tại đây bà làm ở Sở Giáo dục với chức Giám sát tài chính (Financial Auditor). Năm 1981, bà được cử làm giám đốc tài chính. Lúc đó bà mới 29 tuổi. Sau đó, bà còn được làm giám đốc ở nhiều lĩnh vực khác. Tháng 5.1988, bà được chọn làm giám đốc ngân sách của thành phố Montréal. Năm 1989, bà được Hội những chuyên gia tài chính của các thành phố ở Canada và Mỹ trao tặng bằng khen về tài năng xuất sắc của bà trong lĩnh vực làm kế hoạch tài chính cũng như trong lĩnh vực trình bày ngân sách.

 ( dựa theo Thái Chi và các báo La Presse,

Le Journal de Montréal, The Gazette)

Những chủ nhân người Việt ở Mỹ

Theo Cục thống kê Liên bang Mỹ, trong vòng 5 năm gần đây (1982-1987), số cơ sở kinh doanh do người Mỹ gốc Việt làm chủ đã tăng lên gấp bốn lần (415%). Từ con số 4 989 năm 1982, 5 năm sau đã thành 25 671. Tổng doanh số của những cơ sở này lên tới 1,4 tỉ đôla.

Trong khi đó, các cơ sở của người Mỹ gốc Nam Triều Tiên, hoặc Ấn Độ chỉ tăng có hơn gấp đôi. Sự tăng vọt của những xí nghiệp Mỹ Việt nói trên vượt hơn hẳn tỷ lệ tăng dân số (135%) của người Mỹ gốc Việt trong vòng 10 năm nay. Theo thống kê, số người Mỹ gốc Việt trên toàn lãnh thổ Mỹ năm 1990 là 614 546 người, so với 261 729 người năm 1980. Riêng ở Quận Cam (Orange County, California) có khoảng 1 500 xí nghiệp nhỏ kiểu gia đình. Hai phần ba những xí nghiệp Mỹ Việt là những hãng buôn lẻ, hoặc chuyên về dịch vụ. Non một phần tư tổng số các xí nghiệp có thuê người làm công, số còn lại thường chỉ dùng người nhà: bố mẹ, anh chị em, họ hàng.

 Theo ông Carl Hauh, một nhà nghiên cứu về dân số ở Hoa Thịnh Đốn, những người rời xứ sở ra đi thường là những người trước đó đã có cơ nghiệp. Khi họ đặt chân đến đất Mỹ, họ chỉ có một mong muốn là làm sao gây dựng nên cơ nghiệp mới.

 Theo ông Vota Chouc, giám đốc phòng thương mại ở Quận Cam, gần 40% những người Việt lập nên cơ nghiệp là với tiền để dành: “Thoạt tiên, họ đi làm công cho người ta, đến khi có vốn, họ ra mở cửa hiệu riêng. Ngoài ra, một phần tư khác, hoặc nhờ gia đình giúp dỡ, hoặc vay mượn mà có vốn."

Năm 1987, số cơ sở kinh doanh do người Mỹ gốc Á Đông làm chủ được thống kê như sau:  

Trung Hoa:                                               89 717, tăng 82% (so với 1982)

Nam Triều Tiên:                                        69 304, tăng 124%

Nhật Bản:                                                 53 372, tăng 23%

Ấn Độ:                                                     52 266, tăng 120 %  

Phi Luật Tân:                                            40 412, tăng 73 %

Việt Nam:                                                 25 671, tăng 415 %

Các dân châu Á - Thái Bình Dương khác:   20 310 cơ sở, tăng 117%.

( theo bài của Tim Bovee, hãng thông tấn AP)

Các băng đảng Việt, Hoa tiếp tục hoành hành ở Mỹ.

Cảnh sát Mỹ gọi chúng là những tên “cao bồi”, vì lối la hét và rút súng ra dọa nạt của chúng khi ập vào nhà những người đồng hương hoặc những kiều dân gốc Á để tống tiền. Đây là những thanh niên Mỹ gốc Việt, hoặc gốc Hoa từ Việt Nam qua, họp nhau thành băng đảng để đi ăn cướp và có vây cánh ở nhiều nơi trên đất Mỹ, thậm chí ở cả Canada.

Hồi tháng 2 năm nay, một bọn 5 tên đã xông vào một nhà thờ công giáo ở Wheat Ridge (Colorado) trong khi mọi người đang vui vẻ ăn Tết âm lịch. Chúng dùng vũ khí bắt ép mọi người trao tiền bạc và đồ trang sức cho chúng, và không ngần ngại dùng súng bắn vào người nào kháng cự. Sau đó, bọn này đã bị bắt trên xa lộ gần thành phố Denver ( Kansas).

Tháng 10 năm ngoái, một băng từ Texas đột nhập tỉnh Lowell thuộc tiểu bang Massachusetts, nơi có nhiều người tị nạn gốc Miên và Việt ở. Nội trong một cuối tuần, chúng đã cướp 15 cửa hiệu. Tám tên trong bọn này đã bị cảnh sát bắt được.

Tháng 4 năm nay, bốn thanh niên gốc Á Đông đã đến cướp một cửa hiệu bán hàng điện tử ở tỉnh Sacramento ( California). Chúng bắt giữ 30 con tin và đòi nhà chức trách phải đưa cho chúng 4 triệu Mỹ kim và cấp cho chúng máy bay để bay sang Thái Lan. Nhưng cảnh sát đã không nhượng bộ và đã tấn công cửa hiệu. Ba con tin bị bọn cướp giết và ba tên cướp bị cảnh sát bắn chết, một tên bị trọng thương. Bốn tên này, theo cảnh sát, thuộc băng đảng người Á châu có tên là Oriental Boys.

Ở thành phố Toronto ( Canada), trong ba tháng đầu năm nay đã xảy ra ba vụ thanh toán đẫm máu giữa các băng đảng: 5 người chết, 8 bị thương. Các nhân chứng cho biết bọn cầm súng còn rất trẻ, tuổi học trò. Cảnh sát Toronto mới bắt được một chúa đảng tên Trương Chí Trung, người Việt gốc Hoa từ Mỹ qua.

Ông William Cassidy, một nhân viên cảnh sát ở Los Angeles, chuyên theo dõi hoạt động của các băng đảng, cho biết: “Đ ây là những tên cướp chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm và có hệ thống tổ chức trên khắp lãnh thổ Hoa Kỳ. Chúng đương trở thành một thứ Mafia, chuyên đi ăn cắp xe hơi, ăn cướp tống tiền... Chúng là những đứa trẻ một mặt không thừa nhận cội rễ của mình, nhưng mặt khác cũng không chấp nhận cái xứ mình đến nhập cư. Cuối cùng là chúng không thừa nhận một luật pháp nào cả” .

Ông Nguyễn, một nạn nhân đã từng bị bọn cướp trấn lột nói: “Chúng tôi đến đất này là để mưu sống. Chúng tôi muốn được sống yên ổn như mọi ngưởi khác. Chúng tôi không muốn có trộm cướp ở xung quanh. Những băng đảng trộm cướp này là một mối nhục cho cộng đồng người Việt ở đây”

( theo David Foster, thông tấn xã AP).

Một phi hành gia gốc Việt Nam sẽ bay trên phi thuyền Columbia của Mỹ năm 1992.

Theo tin AP, một nhà khoa học gốc Việt, tên Eugene H. Trịnh, thuộc Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (Jet Propulsory Laboratory) của Mỹ sẽ tham gia một chuyến bay trên phi thuyền con thoi Columbia vào năm 1992. Ông E. Trịnh sinh tại Sài Gòn năm 1951, và lớn lên ở Pháp, học đại học tại Hoa Kỳ. Ông tốt nghiệp cử nhân (BA) tại đại học Columbia, và cao học (MA) tại đại học Yale, sau đó trình luận án tiến sĩ (PhD) vật lý cũng tại Yale. Ông là tác giả của 6 bằng sáng chế và sở trường về nghiên cứu vật lý học âm thanh, động lực học thể lỏng...

Ông đã làm việc tại JPL từ 12 năm nay, và vào năm 1985 đã được huấn luyện làm phi hành gia phụ tá cho phi hành gia Taylor Wang nhân một chuyến bay không gian khác. Kỳ này, ông được NASA (Cơ quan quản trị Hàng không và Không gian Quốc gia, Mỹ) chỉ định làm chuyên gia trên phi thuyền Columbia, cùng với phi hành gia Lawrence Delucas, thuộc đại học Alabama ở Birmingham.

( theo báo Thanh Niên, 18.8.1991)

Phạm Việt Dũng biểu diễn violon ở Việt Nam

Phạm Việt Dũng, một thanh niên Việt kiều ở Pháp, nhạc sĩ violon, trong chuyến về thăm quê hương lần đầu tiên, đã biểu diễn một chương trình nhạc cổ điển tại Đà Nẵng, Huế, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hè năm nay, với những tác phẩm dành cho violon của Mozart, Chopin, Beethoven, Brahms...

Ở thành phố, được sự hỗ trợ của Hội âm nhạc và Nhạc viện TPHCM, lại thêm được các nhạc sĩ trẻ đầy hứa hẹn như Đào Trọng Tuyên, Vĩnh Hùng đệm piano, Phạm Việt Dũng đã thể hiện tài năng để lại ấn tượng mạnh trong người xem. Dũng năm nay 27 tuổi, là thành viên của Nhà hát Opéra Paris từ năm 1989. Anh là anh ruột của Vinh Phạm, một tài năng trẻ về violon nổi tiếng ở Pháp.  

( theo Tuổi Trẻ, 27.8.1991)

Đỗ Quân Phong đoạt một giải nhất mandoline tại Mỹ.

Trong một cuộc thi âm nhạc do Hội nhạc sĩ Califonia tổ chức vào ngày 6.5.1991 , Đỗ Quân Phong, một sinh viên Việt mới sang Mỹ hai năm nay đã đoạt giải nhất về đàn mandoline. Phong năm nay 25 tuổi, chơi đàn mandoline từ 15 năm trước. Do bị tật (anh gù lưng và rất lùn), Phong học đàn tại nhà nhiều năm (với cô Nguyễn Thị Nhung, giáo viên tại Nhạc viện thành phố HCM) trước khi vào Nhạc viện. Năm 1989, Phong sang Mỹ đoàn tụ gia đình và theo học tại Nhạc viện OCC ở Quận Cam. Trả lời phóng viên báo Los Angeles Times ngày 8.6.1991, Phong nói anh “rất lấy làm ngạc nhiên và hãnh diện khi được giải”. Anh mang từ trong nước đi hai cây mandoline và thường chơi dân ca Việt Nam trên hai cây đàn đó. Tuy nhiên, anh cũng rất thích chơi những tác phẩm của các nhạc sĩ châu Âu nổi tiếng, như Vivaldi, Scariatti, Paganini, Bach và Beethoven. Vào những ngày này, Phong dành hết thì giờ để học nhạc, Anh văn và toán nữa, vì anh có ý định theo học ngành máy tính ở đại học California.

( theo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 28.7.1991)

Nguyễn Lý Kỳ Duyên, cô gái đậu cử nhân năm 16 tuổi.

          Việc học của Nguyễn Lý Kỳ Duyên rõ ràng khác hẳn với những bạn bè cùng lứa. Từ năm đang học lớp 7 ở Tampa (tiểu bang Florida, Mỹ), sau khi đã nhảy qua lớp 5, Kỳ Duyên đã được Chương trình phát hiện tài năng (Talent ldentification Program) của Đại học Duke phát hiện và được Florida công nhận là học sinh xuất sắc về khoa học của tiểu bang. Năm sau, dù mới có 13 tuổi, Kỳ Duyên đã thi đạt điểm cao hai cuộc sát hạch để vào trường đại học Florida Atlantic University (FAU). Vì FAU chưa bao giờ nhận sinh viên dưới 14 tuổi, họ đã đề nghị Kỳ Duyên tiếp tục theo học lớp 9 trung học. Nhưng trong năm này, em đã học hết các chương trình toán, lý, hóa và Anh văn của lớp 12. Cuối năm, cô được FAU đặc cách nhận thẳng vào năm thứ hai. Chính tại đây, cô đã tốt nghiệp cử nhân (Bachelor of Arts) sinh vật học vào năm 16 tuổi. Hai năm sau, cô đậu bằng cao học (Master of Arts) về tin học. Hiện nay, Kỳ Duyên đang chuẩn bị một luận án tiến sĩ ở trường Florida State University, trong chuyên ngành về thông minh nhân tạo. Cô sống với cha mẹ ở tỉnh Boca Raton, Florida, và ngoài việc học còn tham gia hoạt động sinh viên một cách hăng hái.

Được hỏi về cộng đồng người Việt ở nước ngoài và đất nước Việt Nam, Kỳ Duyên tâm sự: “Một vấn đề bận tâm (của cô) là làm sao cho người sinh viên hiểu rõ ý nghĩa hai chữ dân chủ và áp dụng tinh thần đó vào các hoạt động của sinh viên và cộng đồng”. Cô cho rằng “những gì mình muốn đóng góp trong tương lai cho Việt Nam thì mình phải tìm hiểu tường tận trước. Bước qua thế kỷ 21, đất nước Việt Nam sẽ thay đổi, nếu chúng ta không suy nghĩ và tìm hiểu để nắm vững cơ hội sắp tới thì VN vẫn sẽ còn là một đất nước nghèo”.

(theo Nguyễn Hồng Văn, báo Thanh Niên, 18.8.1991)

Đại sứ Trần Văn Thìn và Giáo sư Trần Văn Khê được tặng huân chương

Trong tháng 7 vừa qua, hai nhân vật Việt Nam tại Âu Châu đã được chính phủ Pháp trao tặng huân chương. Đó là đại sứ Trần Văn Thìn, đại diện của Cộng đồng kinh tế châu Âu (CEE) tại Genève, được trao tặng huân chương Chevalier de la Légion d'honneur nhân dịp quốc khánh Pháp (14-7), và nhà nhạc học Trần Văn Khê, giám đốc nghiên cứu CNRS, được trao tặng huân chương Officier de l’Ordre des Arts et des Lettres.

Pháp: một sinh viên Việt Nam đỗ đầu vào Ecole polytechnique

Trong hệ thống đại học Pháp, các cuộc thi tuyển vào các “trường lớn” cũng như cuộc thi thạc sĩ được coi là những thử thách gay go nhất trên đường học vấn, do đó cũng là con đường phát hiện và tuyển chọn những sinh viên xuất sắc. Cũng như mọi năm, đọc danh sách các sinh viên trúng tuyển, chúng ta thấy một số sinh viên Việt Nam xuất sắc. Đáng chú ý nhất là Jean Từ, thủ khoa cuộc thi tuyển vào trường Bách khoa (Ecole polytechnique), thủ khoa Trường cao đẳng sư phạm Lyon, và thứ nhì trong cuộc thi tuyển vào Ban khoa học (nhóm Toán) của Trường cao đẳng sư phạm phố Ulm, Paris. Được biết Jean Từ là con một nhà vật lý học Việt Nam làm việc tại Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp.  

Dưới đây, chúng tôi đăng tên những sinh viên trúng tuyển vào các trường lớn và trong cuộc thi thạc sĩ:

THẠC SĨ:

Văn học hiện đại: Tôn Thất Thanh Vân (thứ 46), Bà Le Flanchec, nhũ danh Dương Vân (thứ 106),

Toán học: Phạm Xuân (thứ 40)

Anh văn: Corinne Huỳnh Quan Sưu (thứ 23)

ÉCOLE NORMALE SUPERIEURE

Ban Khoa học (nhóm A): Jean Từ (thứ 2), danh sách bổ sung: Anthony Phan (72), Paul-Antoine Nguyễn (79), Trần Duy Nhân (89).

ECOLE POLYTECHNIQUE: Jean Từ (thủ khoa), Lê Thanh (71), Nguyễn Phi (229)

ECOLE NATIONALE SUPERIEURE D'ARTS ET METIERS

Nguyễn Ngọc Quang Pier (155), Thierry Học (713)

ECOLE CENTRALE DE PARIS: Lê Thanh Tâm (68), Trần Duy Nhân (118), Nguyễn Phi (163)

ECOLE CENTRALE DE LYON: Lê Thanh Tâm, Trần Duy Nhân

INSTITUT NATIONAL AGRONOMIQUE:

INA-ENSA: Nguyễn Quang Tuấn (190), Xavier Van (337),  Lê Thi (455)

ENITA: Nguyễn Quang Tuấn (103).

HEC: Đỗ Chí Anne-Mai, Lê Cam Philippe, Nguyễn Thúy Loan

ESSEC: Lê Anh, Lê Cam Philippe, Lương Khôi Anh, Nguyễn Kim Thu

ESCP: Đỗ Chí Anne-Mai, Lê Anh, Tô Bạch Nga    

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss