Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 1 / VIỆT NAM... ĐÃ QUA... SẮP TỚI

VIỆT NAM... ĐÃ QUA... SẮP TỚI

- Diễn Đàn — published 29/09/2010 16:53, cập nhật lần cuối 29/09/2010 16:53


VIỆT NAM... ĐÃ QUA... SẮP TỚI



Nợ xí nghiệp: 10 000 tỷ đồng  

Trước tình hình các xí nghiệp không thanh toán nợ giữa nhau, làm tê liệt hoạt động kinh tế, chính phủ Việt Nam đã phải thành lập “Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ” do một phó thủ tướng đứng đầu và huy động hơn 8 000 cán bộ các ngành để giải quyết công nợ “dắt dây” từ hơn một năm nay.  Nhân kỳ họp quốc hội tháng 7, thực trạng đã được phơi bày:  có gần 15 000 xí nghiệp, mà phần lớn là quốc doanh, đang chiếm dụng tiền lẫn nhau hơn 10 000 tỷ đồng (tương đương non một tỷ đôla)!

Bản báo cáo Ban thanh toán nợ cho biết: nhiều xí nghiệp thuộc các bộ quốc phòng và nội vụ không chịu ký xác nhận nợ; một số xí nghiệp lớn thuộc các bộ nông nghiệp và công nghiệp nặng chưa chịu kê khai nợ; còn các bộ thương nghiệp, năng lượng và tổng cục đường sắt thì chỉ đạo cho các xí nghiệp không kê khai những khoản nợ trong nội bộ của ngành. Trong điều kiện đó, mục tiêu trước mắt của Ban  thanh toán nợ là đòi cho được khoảng 30 đến 35% tổng số   10 000 tỷ.

Trong những nguyên nhân của thảm trạng kinh tế này phải kể những chủ trương tài chính và tiền lương đã đưa đẩy các xí nghiệp sử dụng vốn vô nguyên tắc, “mượn đầu heo nấu cháo”:  

– một mặt, đó là chính sách cho các xí nghiệp quốc doanh quyền được vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp (lãi suất có bù lỗ). Lợi dụng đặc quyền đó, phần lớn các cơ sở quốc doanh đã lấy tiền của ngân hàng cho tư nhân vay lại với lãi suất cao, đặc biệt qua các hợp tác xã tín dụng. Sự sụp đổ của hệ thống tín dụng năm 1990 đã biến thành mây khói mấy ngàn tỷ đồng.  

– mặt khác, đó là chính sách cho phép mọi cơ quan Nhà nước thành lập những “xí nghiệp đời sống”, “trung tâm dịch vụ”, để cải thiện đồng lương quá thấp của cán bộ, công nhân, viên chức. Sau một thời gian nở rộ, hàng vạn xí nghiệp loại này (một số không ít mang tên quốc doanh nhưng bên trong là tư nhân) đã lâm vào tình trạng thua lỗ, phá sản với những món nợ từ hàng chục triệu đến hàng tỷ đồng. Ban thanh toán nợ chưa có thống kê chính xác, song nhận định rằng trong 10 000 tỷ, con số mà các loại xí nghiệp đời sống “đóng góp” không phải là nhỏ.

(theo Tuổi trẻ Chủ nhật 18.8.91 và Tiền Phong 20.2.91)

Ngân hàng CREDIT LYONNAIS và chương trình tư nhân hoá xí nghiệp Việt Nam  

Ngân hàng Pháp Crédit Lyonnais đã chấp nhận cố vấn chính phủ Việt Nam trong việc tư nhân hoá các xí nghiệp quốc doanh và thiết lập một thị trường chứng khoán tại Hà Nội. Theo ông Jim Walker, giám đốc khu vực của Crédit Lyonnais, Hà Nội chỉ muốn tư nhân hóa 100% một số ít xí nghiệp, còn phần lớn thì cổ phần hoá khoảng 45% thôi. Hà Nội cũng không muốn tư nhân hoá các ngành công nghiệp có nguồn nguyên liệu căn bản trong nước (như xi măng). Vào tháng 10, một vài chương trình tư nhân hoá sẽ được đưa ra thị trường để gọi vốn đầu tư. Ông còn cho biết Hà Nội hy vọng hình thành một thị trường chứng khoán trong vòng ba năm.  

Ngân hàng của ông Walker đã quyết định thiết lập một quỹ đầu tư cho Việt Nam vào khoảng từ 75 đến 150 triệu đôla. Ngoài ngân hàng Crédit Lyonnais, công ty Anh Smith New Court Far East cũng đã khai trương một quỹ đầu tư 30 triệu đôla. Theo những nguồn tin từ Hồng Kông, tham gia “Quỹ Việt Nam” này sẽ có nhiều công ty Anh (Bovis, Genesis Fund Management), Hồng Kông (Asia Securities Global), Liên Xô (Technoexport, Technoproexport), Thái Lan (Mutual Fund), Nam Triều Tiên (Samsung), Malaixia (Darby)

(theo Tuổi Trẻ 3.8.91, Lao Động 4.7.91) 

Tiến tới hình thành thị trường hối đoái  

Trung tâm giao dịch ngoại tệ vừa ra đời tại Thành phố Hồ Chí Minh, chủ tịch là ông Nguyễn Văn Trữ, giám đốc Ngân   hàng Nhà nước thành phố. Trung tâm có chức năng tổ chức mua bán ngoại tệ cho các xí nghiệp có nhu cầu, công khai xác định tỉ giá từng thời điểm, làm đầu mối trung gian giữa cung, cầu ngoại tệ để tiến tới thành lập một thị trường hối đoái. Tham gia trung tâm này có Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, các công ty kinh doanh vàng bạc, một số xí nghiệp xuất nhập khẩu lớn. Được biết mục tiêu của trung tâm không phải là thoả mãn mọi nhu cầu ngoại tệ mà là công khai việc mua bán ngoại tệ, do đó chỉ có thể đáp ứng được lượng ngoại tệ cần thiết cho một số xí nghiệp theo tỉ giá hợp lý.

(Thanh Niên, 4.8.91) 

48 chiếc cầu sắp sập ở Thành phố Hồ Chí Minh  

Sau khi cầu Xóm Chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh bị sập, giám đốc sở giao thông công chánh thành phố, ông Ngô Lực Tải, đã cho biết danh sách 48 chiếc cầu sẽ chung số phận nếu không được sửa chữa. Trong danh sách này có các cầu Ông Lãnh (quận 1), Trương Minh Giảng (quận 3), Tân Thuận  (quận 4), Chà Và (quận 5), Kinh Ngang số 1, Hiệp An 2 (quận 8), Rạch Chiếc (Thủ Đức), Cầu Quang (Hóc Môn), An Nghĩa (Duyên Hải), Rạch Miễu (Nhà Bè), Ông Tạ (Tân Bình), Tôn Thọ Tuờng (Bình Thạnh), Thầy Cai (Củ Chi), Chợ Cầu (Gò Vấp)... 

Ông Ngô Lực Tải cho biết Thành phố Hồ Chí Minh có 219 cây cầu trong đó chỉ có 32% còn chất lượng tương đối tốt.   Để trùng tu hoặc đại tu các cầu còn lại, cần mỗi năm khoảng 300 đến 400 tỷ đồng kinh phí, trong khi ngân sách   năm 1991 của cả ngành giao thông vận tải công chánh  thành phố chỉ được 61 tỷ đồng.   Để giải quyết vấn đề vốn đầu tư xây dựng và nâng cấp cầu đường, bộ trưởng giao thông vận tải và bưu điện, ông Bùi Danh Lưu, đề nghị biện pháp “lấy cầu đường nuôi cầu đường”, tức là thu lệ phí cầu đường! Ông cho biết biện  pháp này đã áp dụng thí điểm tại cầu Chương Dương ở Hà   Nội. Hiện nay ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng khoảng  25% nhu cầu kinh phí của ngành giao thông vận tải (khoảng 1000 đến 1200 tỷ đồng)

(Tuổi Trẻ, 16 và 30.7.91)

Tình hình kinh tế - xã hội  6 tháng đầu năm

Bản báo cáo về tình hình kinh tế xã hội sáu tháng đầu năm của chính phủ trình bày trước quốc hội có những thông tin như sau: 

Lương thực: vụ đông xuân ở các tỉnh phía bắc chỉ đạt được 2 triệu tấn, thiếu hụt 1,4 triệu tấn. Số người thiếu ăn tăng lên nhiều mặc dù Nhà nước đã đưa ra khoảng một triệu tấn lương thực từ phía nam. 

Công nghiệp: sản xuất công nghiệp chỉ tăng 2% so với cùng thời kỳ năm 1990 trong khi sản xuất tiểu thủ công nghiệp giảm 3%. Hai nguyên nhân trực tiếp là giá nguyên, vật liệu tăng và thị trường xuất khẩu bị thu hẹp.

 – Vốn: ngân hàng phải huy động vốn với lãi suất cao nhưng khi cho khu vực kinh tế quốc doanh vay (chiếm 90% vốn cho vay) thì áp dụng lãi suất thấp. Chỉ riêng khoản này, hằng năm Nhà nước phải bù lỗ trên 400 tỷ đồng. 

Xuất nhập khẩu: kim ngạch giảm 28% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Riêng kim ngạch xuất khẩu sang Liên Xô và Đông Âu giảm 85% (trước đây là 1 tỷ rúp hàng hoá mỗi  năm). Và từ đầu năm nay, khoản viện trợ của Liên Xô - xấp xỉ 20% ngân sách Nhà nước (cho phép nhập siêu hàng năm 1,5 tỷ rúp hàng hoá) - không còn nữa. 

Đầu tư nước ngoài: Thêm 60 dự án được cấp giấy phép với tổng số vốn đầu tư 636 triệu đôla. Lần đầu tiên đầu tư công nghiệp chiếm 52% (bình quân ba năm trước đây chỉ chiếm 13%).

Giá cả: Trong 6 tháng đầu năm, bình quân tăng hàng tháng 4,7%. Song, giá đôla và vàng gần đây lại tăng nhanh.  

Thuế: mức thu ngân sách so với các năm trước có giảm sút. Số thất thu sáu tháng đầu năm là 200 tỷ đồng.  

Trợ cấp xã hội: ngân sách Nhà nước chi 460 tỷ đồng   (cùng 11 tỷ đồng của các ngân sách địa phương) để trợ cấp cho những thành phần ăn lương, nghỉ hưu, gia đình liệt sĩ. Song do giá cả không ổn định nên cuộc sống của những   thành phần này gặp nhiều khó khăn hơn.  

Nạn tham nhũng và buôn lậu tiếp tục làm cho ngân sách thất thu trầm trọng, chèn ép sản xuất trong nước, tranh giành các cơ hội kinh doanh của người làm ăn minh bạch, tha hoá cán bộ. Hậu quả kinh tế, xã hội tới mức nào đó trở  thành vấn đề chính trị nghiêm trọng. 

Bản báo cáo đưa ra kết luận: “Trước tình hình đó mà nền kinh tế xã hội không có những đảo lộn lớn chứng tỏ việc điều hành của Hội đồng bộ trưởng đã có những thành công nhất định, tuy tốc độ phát triển kinh tế không đạt được mức Quốc hội đã đề ra”  

(Tuổi Trẻ, 6.8.91 và Sài Gòn Giải phóng, 7-10.8.91)

Chia đôi 5 tỉnh 

Chủ trương sáp nhập ồ ạt 72 tỉnh thành 44 tỉnh năm 1975 theo thẩm định của Quốc hội, là việc làm “vội vàng” hiện nay “không còn phù hợp”. Theo đề xuất của chính phủ, các đại biểu đã tán thành phân chia lại một số tỉnh: 

– chia Nghệ Tĩnh thành hai tỉnh Nghệ An (tỉnh lỵ: Vinh) và Hà Tĩnh (tỉnh lỵ: Hà Tĩnh)  

– chia Hà Tuyên thành hai tỉnh Hà Giang (tỉnh lỵ: Hà Giang và Tuyên Quang (tỉnh lỵ: Tuyên Quang) 

– chia Hoàng Liên Sơn thành hai tỉnh Lào Cai (tỉnh lỵ: Lào Cai) và Yên Bái (tỉnh lỵ: Yên Bái)   

– chia Hà Sơn Bình thành hai tỉnh Hà Tây (tỉnh lỵ: Hà Đông) và Hòa Bình (tỉnh lỵ: Hoà Bình)   

– chia Gia Lai - Công Tum thành hai tỉnh Gia Lai (tỉnh lỵ: Plây Cu) và Kontum (tỉnh lỵ: Kontum) 

– thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (tỉnh lỵ: Vũng Tàu) gồm đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo và ba huyện Long Đất, Châu Thành, Xuyên Mộc của tỉnh Đồng Nai.  

– điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội từ nay gồm 4 quận nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) và 5 huyện ngoại thành (Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Sóc Sơn); chuyển 5 huyện Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì, Thạch Thất, và thị xã Sơn Tây về tỉnh Hà Tây, và huyện Mê Linh về tỉnh Vĩnh Phú.  

Các tỉnh Hà Nam Ninh, Thuận Hải, Cửu Long, Hậu Giang cũng đưa đề nghị chia tỉnh nhưng chưa được chính phủ đề xuất lần này. Riêng đề nghị chia Hậu Giang thành hai tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng được 234 đại biểu biểu quyết tán thành song chưa đủ đa số cẩn thiết (246).  

(Sài Gòn Giải phóng, 13.8.91) 

Bốn luật mới và dự án cải cách chế độ tiền lương  

Trong kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội đã thông qua 4 văn bản luật: 

luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em: Quốc hội đã biểu quyết việc khám và điều trị miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, sau khi bộ trưởng tài chính cho biết ngân sách Nhà nước đủ sức đảm bảo.

  luật phổ cập giáo dục tiểu học: luật bắt buộc phổ cập giáo dục từ lớp 1 đến lớp 5 đối với tất cả trẻ em từ 6 đến 14 tuổi, song để thực hiện, Nhà nước phải dành 15% ngân sách cho ngành giáo dục, trong khi thực chi hiện nay chỉ 9% (khoảng 1000 tỷ đồng). Bộ tài chánh cho biết ngân sách Nhà nước chỉ có khả năng chi cho mỗi đầu học sinh tiểu học 70 000 đồng (phân nửa mức yêu cầu) nhưng là gấp đôi mức hiện nay).  

luật bảo vệ và phát triển rừng: hiện nay đã có tới 9,5 triệu hecta đồi trọc (“về căn bản, chúng ta đã phá rừng gần xong”, một đại biểu đã nói). Luật quy định những quyền sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế của người được giao rừng.  

luật sửa đổi bộ luật hình sự: tăng mức hình phạt tối đa trong các tội lửa đảo, chiếm đoạt tài sản và tội hối lộ (tử hình), tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (12 năm tù).   

Riêng về luật thuế sử dụng đất nông nghiệp, các đại biểu đã không tán thành dự án của bộ tài chính và giao cho Hội đồng bộ trưởng xây dựng lại dự luật thuế nông nghiệp khác để trình kỳ họp sau của Quốc hội. 

Ngược lại, Quốc hội đã có bản tán thành phương án cải cách chế độ tiền lương và giao cho Hội đồng bộ trưởng tiếp tục hoàn chỉnh phương án. Chính sách tiền lương mới được xây dựng trên cơ sở thừa nhận sức lao động là hàng hóa (qua việc quy định tiền lương tối thiểu) và xoá bao cấp (trước tiên là bao cấp về nhà ở) để tính đúng, tính đủ giá sức lao động. Vấn đề còn lại nhưng cốt lõi là với ngân sách Nhà nước hiện nay và số lượng cán bộ, nhân viên Nhà nước hiện tại, tiền lương chiếm tới 38% ngân sách trong khi mức lương chỉ đủ để sống 7 đến 10 ngày trong một tháng.

 (Tuổi trẻ Chủ nhật 11.8.91, Tuổi Trẻ, 13.8.91, Thanh Niên, 11.8.91)  

Dự thảo sửa đổi hiến pháp   

Dự thảo sửa đổi hiến pháp đưa ra thảo luận tại kỳ họp vừa qua của Quốc hội không nhằm cải tổ chế độ chính trị hiện hành ở Việt Nam. Bản hiến pháp vẫn được quan niệm như là sự “thể chế hoá cương lĩnh chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam”. Và đằng sau một vài thay đổi về ngôn từ, vẫn là sự khẳng định “Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” cùng với những nguyên tắc “tập trung dân chủ” và “chuyên chính với mọi hành động phá hoại”. Việc phân quyền giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, một lần nữa, bị bác bỏ như là một nguyên tắc “tư sản”.  

Những đề nghị thay đổi liên quan đến phương thức điều hành hệ thống chính trị hiện tại, với hai phương hướng chính yếu: chuyển cơ chế lãnh đạo và trách nhiệm tập thể sang một cơ chế lãnh đạo và trách nhiệm cá nhân và đảm bảo  tính thống nhất của Nhà nước, không còn phân chia thành quyền lực Nhà nước trung ương và quyền lực Nhà nước địa phương. Trên những điểm có tranh luận, hai phương án được nêu ra. Phương án triệt để nhất đề nghị:  

– bỏ Hội đồng Nhà nước, thay bằng định chế Chủ tịch nước

– bỏ Hội đồng bộ trưởng, xác lập định chế chính phủ với chế độ thủ tướng; trong chính phủ không còn cấp thường vụ và không có hình thức biểu quyết, quyết định cuối cùng thuộc về thủ tướng; các thành viên chính phủ chịu trách nhiệm trước thủ tướng về lĩnh vực mình phụ trách; thủ tướng bổ nhiệm và bãi nhiệm các bộ trưởng và thứ trưởng, tỉnh trưởng và thị trưởng.

– bỏ Uỷ ban thường vụ Quốc hội; xác lập định chế chủ tịch Quốc hội; chuyển Quốc hội sang hoạt động thường xuyên (giảm số lượng đại biểu xuống phân nửa), chuyên trách hoá (phân nửa đại biểu làm việc chuyên trách); đại biểu Quốc hội không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu ra mà còn đại diện cho nhân dân cả nước.   

– bỏ các uỷ ban nhân dân, xác lập định chế ủy ban hành chính với chế độ chủ tịch hành chính (tỉnh trưởng, thị trưởng, huyện trưởng, quận trưởng, xã trưởng) do cấp trên bổ nhiệm (không còn do hội đồng nhân dân bầu ra); bỏ uỷ ban cấp phường (ở thành phố).    

– Hội đồng nhân dân chỉ là cơ quan đại biểu của dân ở địa phương (không còn là cơ quan quyền lực); bỏ hội đồng nhân dân ở cấp quận, huyện; hội đồng nhân dân và uỷ ban hành chính các cấp phải phục tùng quyết định của chính quyền trung ương, không được đặt ra những quy định trái với những văn bản của chính quyền cấp trên.   

Dựa trên những ý kiến thảo luận trong kỳ họp Quốc hội, dự án sửa đổi hiến pháp sẽ được chỉnh lý và công bố để lấy ý kiến của nhân dân trong tháng 10, trước khi trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 12.

(Sài Gòn Giải phóng, 30.7, Tuổi Trẻ chủ nhật 21.7 và 4.8.91)   

Lũ lụt lớn ở miền Bắc lẫn miền Nam  

Trung tuần tháng 9, sông Cửu Long lũ lớn, gây ra lụt ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang và Kiên Giang, làm cho 25 đồng bào bị thiệt mạng, 40 000 hecta lúa hè-thu bị ngập lụt, có nguy cơ mất trắng (hai tuần trước ngày gặt). Theo báo Nhân Dân ngày 19.9, 50 000 nhà ở,  hàng   trăm lớp học và trạm xá bị ngập nước.   

Trước đó, vào cuối tháng 7, ở các tỉnh Sơn La và Lai Châu, mưa lớn đã gây nên lũ lớn chưa từng có trong hơn 50 năm qua. Tại Sơn La, có 32 người bị chết và mất tích; tổng giá trị thiệt hại lên đến 26 tỷ đồng.

(AFP, 19.9; Tuổi Trẻ 3.8)   

Việt Nam xin gia nhập INTERPOL

Ông lvan Barbot, chủ tịch Interpol (cơ quan công an quốc tế) đã đi thăm Việt Nam từ 23 đến 29.8 và đã có những cuộc hội đàm với hai ông Bùi Thiện Ngộ và Phạm Tâm Long, bộ trưởng và thứ trưởng nội vụ. Nhân dịp này, Việt Nam đã chính thức xin gia nhập tổ chức Interpol.

Interpol là cơ quan hợp tác quốc tế giữa bộ máy công an của các nước thành viên với mục đích trao đổi thông tin về tội phạm và hợp tác trên những lãnh vực như chống buôn lậu ma túy. Hiện nay 154 quốc gia đã tham gia Interpol. Các hội viên mới nhất là Liên Xô, Ba Lan và Tiệp Khắc. Anbani và Mông Cổ cũng đã xin gia nhập tổ chức này.

(AFP 30.8)  

Giá đôla đã vượt mức 11 000 đồng   

Từ đầu tháng 9, tỷ giá đôla ở Việt Nam đã vượt mức 11 000 đồng trên thị trường tự do: 11 050 đồng ngày 10.9 ở thành phố Hồ Chí Minh (tỉ giá ngân hàng: 10 700 đồng). Giá vàng (96%) cùng ngày lên đến 464 000 đồng/chỉ. Giá vàng và đôla tăng kéo theo toàn bộ vật giá. Gạo thường: 3 200 đồng/kí. Thịt heo: 15 000 đồng/kí. Đường: 4 900đồng/kí. Nước mắm 1 200 đồng/lít.

Theo thống kê của bản tin Thị trường giá cả, trong sáu tháng đầu năm 1991, giá hàng tiêu dùng tăng 30 ,8%, nhanh hơn giá vàng (17,7%). Từ tháng 7 trở đi, giá đôla và vàng biến động nhanh, làm cho đồng tiền Việt Nam mất giá trầm trọng. Tính từ đầu năm đến trung tuần tháng 9, đồng bạc Việt Nam đã mất 45% giá trị so với đôla và 30% giá trị so với vàng.   

Để giải thích hiện tình này, ba yếu tố thường được đưa ra: do kim ngạch xuất khẩu giảm nhiều, Việt Nam đang thiếu đôla để nhập khẩu và trả nợ; xu hướng mua bán với nhau bằng ngoại tệ ngày càng phát triển trong hoạt động kinh tế nội địa; yếu tố lạm phát nội tại.             

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us