Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 1 / DẬY MÀ ĐI TRÊN ĐƯỜNG PHỐ PRAHA

DẬY MÀ ĐI TRÊN ĐƯỜNG PHỐ PRAHA

- N.N. — published 29/09/2010 16:50, cập nhật lần cuối 29/09/2010 16:50

Cuộc tuần hành đưa kiến nghị cho Đại hội 7



DẬY MÀ ĐI TRÊN ĐƯỜNG PHỐ PRAHA




LTS. Hơi hai mươi năm trước, bài hát Dậy Mà Đi đã vang trên đường  phố Sài Gòn thời chống Mỹ. Và vang trên những đại lộ của Paris, Bonn, Roma..., nơi có người sinh viên Việt Nam du học. Hôm nay, trên đường   phố  Praha, nó lại được cất cao, vẫn thời sự, đớn đau nhưng có thể nào khuất phục. Trong số những sinh viên tuần hành ở Praha này, theo chỗ chúng tôi biết, một người em ruột của Nguyễn Thái Bình lại nối tiếp con đường Anh đi, không khuất  phục những dọa dẫm, mua chuộc của những kẻ chỉ biết lợi dụng quyền thế của mình để hại dân hại nước – dù họ có thay đổi màu sắc bộ áo chính trị khoác trên người.

Diễn Đàn số 1 rất cảm động đăng lại bài phóng sự dưới đây của bạn đồng nghiệp, cùng tên, Diễn Đàn - Praha, số 21 ra ngày 26.6.1991 .



Quảng trường Tang, 9g30 sáng ngày 15.6.1991.

Nắng ấm. Khi tôi đến, các phóng viên báo chí, truyền hình đã có mặt từ sớm. Lác đác một vài mái đầu đen. Gương mặt họ thoáng một chút bồi hồi, một chút lo lắng. Với đa số chúng tôi, đây là lần “xuống đường” đầu tiên trong đời. Tôi nhận ra Jachym Topol, nhà báo trẻ của tờ Tespekt từng làm xôn xao dư luận Tiệp Khắc bằng những bài báo viết về cộng đồng Việt Nam. Anh đang huơ tay, hươ chân giới thiệu với các đồng nghiệp về phong trào báo chí của sinh viên Việt Nam. Dòng người đổ về quảng trường ngày càng đông, các phóng viên đã tranh thủ làm vài cuộc phỏng vấn chớp nhoáng. Các bạn Plzen đến trên một chiếc xe bus giăng đầy biểu ngữ bên các cửa sổ. Chúng tôi chia nhau những biểu ngữ cầm tay, đeo vào cổ, bằng ba thứ tiếng Việt, Tiệp, Anh: Tự do báo chí, Tự do cho Dương Thu Hương, Tự do cho Nguyễn Chí Thiện, Hãy để chúng tôi quyết định lấy vận mệnh của mình, Hãy đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi đảng phái, Hãy nối vòng tay lớn Việt Nam, Tôi yêu Việt Nam nhưng không yêu chủ nghĩa xã hội.... Một tấm bảng lớn với dòng chữ Tự do và dân chủ thực sự cho Việt Nam được căng trước đoàn người. Một cô sinh viên đeo kính cận giúi vào tay tôi mẩu giấy với lời bài hát Dậy Mà Đi và Nối Vòng Tay Lớn của Trịnh Công Sơn.


10g sáng : cuộc tuần hành.

Sau khi các bạn trong ban tổ chức (Điểm Tin Báo Chí - Plzen, Diễn Đàn -  Praha, Thời Mới - Ostrava và Zlin, Trung tâm Liên kết Người Việt Nam tại Tiệp  Khắc) nói về lý do của cuộc tuần hành và một số điều cần thiết, cuộc tuần hành về Đại sứ quán Việt Nam bắt đầu. Chúng tôi đi và hát. Buổi sáng ấy, bài hát Dậy Mà Di đã vang lên từ lồng ngực của một trăm người trẻ trên đường phố Praha. Bao nhiêu năm qua dân ta sống không nhà. Bao nhiêu năm qua dân ta chết xa nhà. Dậy mà đi, dậy mà đi, dậy mà đi hỡi đồng bào ơi! Một cảm giác lạ lùng cứ vây lấy tôi. Tôi đã tin trong giây phút ấy vào bản thân, vào bạn bè và vào thế hệ mình nhiều lần hơn. Tôi bỗng nhớ đến thư một bạn đọc gửi cho Dương Thu Hương qua Diễn Đàn một ngày trước đó:

Chị Hương thân mến!

Ngày mai chúng tôi sẽ xuống đường để phản đối việc bắt giữ chị...

Chị đã bị bắt, cho dù đến tận hôm nay, chúng tôi, những người vẫn được mệnh danh là “nhân dân”, không một ai ký tên để ủng hộ việc giam cầm chị. Tôi tự hỏi người ta đối xử với chị như thế nào? Như một người đã hiến cả tuổi thanh xuân cho đất nước trong những ngày khói lửa, hay như một kẻ phản bội? Nhưng chị phản bội ai cơ chứ? Đối với chúng tôi, những người dân Việt Nam, chị là hiện thân cho lẽ phải và lòng chính trực. Chúng tôi yêu quý chị. Tôi vẫn hỏi, bắt giữ chị người ta có nghĩ đến hàng triệu người đã ngã xuống trong cuộc chiến vừa qua? Những người đó nếu sống lại họ sẽ nói gì khi người ta bắt một đồng đội của mình, một người trong tay không có một tấc sắt, không có một thế lực nào che chở, một người chỉ có trái tim yêu tha thiết công bằng và sự thật. Ngày mai chúng tôi sẽ xuống đường để phản đối việc giam cầm chị, phản đối việc nhân danh những người dân Việt Nam vô tội để làm những điều vô luân và bạo ngược.

Một cô bé khoảng 4 tuổi mà mẹ có lẽ là người Tiệp, được bố để ngồi trên vai. Bố nó là người hát Dậy Mà Đi say sưa nhất. Vẻ mặt nó rạng rỡ như đi hội. Tôi thầm mong rằng trong đời nó, nó chỉ hát lại bài hát của bố như một kỷ niệm. Trong đoàn người tiến về Đại sứ quán Việt Nam hôm ấy có cả những sinh viên Lào. Họ cũng mang biểu ngữ, bằng tiếng Việt, kêu gọi Tự do cho Việt Nam. Một cô bạn người láng giềng nói với tôi: “Nếu Việt Nam được tự do, Lào cũng sẽ tự do!” Là một người Việt,  phút chốc ấy tôi đã hổ thẹn.

Tối hôm đó trên các buổi thời sự của chương trình trung ương Tiệp Khắc, hình ảnh cuộc tuần hành đã được phát đi. Ngày thứ hai đầu tuần, tất cả các nhật báo đều đưa tin.

Bây giờ khi viết những dòng này tôi vẫn không hết hy vọng là một người đồng bào nào đó của tôi ở quê nhà vừa biết rằng chúng tôi đã hát Dậy Mà Đi trên đường   phố ở Praha.  

 

Praha, cuối tháng 6.1991

N.N

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us