Perestroika theo kiểu Việt Nam
Perestroika theo kiểu Việt Nam
Hè vừa qua về Việt Nam tôi thấy nước ta đã đổi mới một cách cơ bản trong một số lãnh vực cơ bản. Không biết chừng Việt Nam đang làm được cái chuyện mà ông Đặng, ông Gorbatchev chịu thua.
Bất ngờ đầu tiên xẩy ra ngay tại sân bay. Anh công an lật hộ chiếu của tôi, không tìm ra dấu chiếu khán, bảo tôi chờ đó. Tôi ngạc nhiên. Có điên mới vác mặt đến đây mà chưa sẵn visa. Một lúc sau anh ta trở lại: “Mời ông qua bên kia làm visa”.
Tôi tự nhủ: chắc phải đút lót rồi. Nhưng không, hoàn toàn không có chuyện hối lộ. Đây là một quầy bán visa đàng hoàng, sòng phẳng, công khai. 130 đô, mại dô. Một cơ quan kinh doanh của bộ nội vụ?
Tôi đã chuẩn bị dành nhiều thời giờ cho chuyện giấy tờ. Ở đâu, đi đâu cũng phải chạy giấy, tôi đã quen. Không ngờ chuyện này không mất một giờ nào. Bố tôi bảo:
– Đừng mất công đi, cứ đưa ít đô cho thằng X., nó mang về ngay.
Tôi do dự:
– Làm chuyện bất hợp pháp, lỡ năm tới không được về?
– Đâu có nó làm rất công khai, hợp pháp. Chỉ nhanh hơn. Coi như dịch vụ.
Tôi sực hiểu. Bây giờ chính quyền địa phương cũng làm kinh tế, cũng có cửa hàng bán giấy phép.
Tôi đến Công ty du lịch thuê xe hơi. Lập hồ sơ xong, cô nhân viên hẹn chiều trở lại. Tôi vừa ra khỏi cửa đã có người mời:
– Đừng thuê xe Công ty tốn tiền. Thuê của tôi, có ngay, nửa giá.
Tôi hỏi:
– Xe và giấy phép ở đâu?
– Thì xe Công ty thiếu gì? Đang sửa. Cứ ghi là còn đang sửa vài ngày trong khi ta dùng.
Đúng là quy luật cạnh tranh trong thị trường tự do, hơi dị dạng một tí, nhưng cũng là cạnh tranh!
Tôi định mua vé và giữ chỗ xe lửa. 180 000 đồng. Bố tôi gạt: “Mất thời giở mà chưa chắc có. Cứ ra bến xe sẽ có và rẻ hơn”. Tôi liều thử. Quả nhiên, có cả toa xe sẵn đón. Trả 110 000 đồng ngay trên bến, có giường ngủ đàng hoàng. Thằng bạn tôi lấy máy bay vào Sài Gòn cũng vậy. Một ngày có ba chuyến máy bay: 18g, 18g05, 19g30 hay 19g45 gì đó. Các giờ kỳ quặc đó có lý do của nó. Người ta dồn hết người có vé chính thức vào hai chuyến bay đầu. Số chỗ còn lại ở chuyến chót, ai muốn đi, cứ đến sân bay mua vé, chẳng cần sắp hàng. Tổ chức đến thế thì đã hơn hàng không của Pháp!
Cô em họ tôi làm việc ở mỏ than Hòn Gai. Mang tiếng là nhân viên Nhà nước mà không có lương cố định. Có việc, Công ty kêu, hết việc, Công ty đuổi. Cuối tháng tính lương, có khi được nửa, có khi chỉ lãnh một phần ba. Thế là còn may.
Hải quan, ngày về. Vợ tôi đeo vài cái nhẫn địa phương. Cô nhân viên không cho mang ra. Tôi tính gửi lại. Cô đề nghị đóng thuế. Tôi tìm biên lai để cô tính thuế. Cô bảo: “Thôi không cần, ông chỉ cần trả bằng đô la là được”. Tôi hỏi: “Bao nhiêu?”. Cô ngắm nghía mấy chiếc nhẫn: “Hai mươi đô”. Tôi trả tiền và đi qua hải quan. Lúc đó có đủ mặt anh hùng, từ trưởng phòng trở xuống. Chẳng ai ngạc nhiên, chẳng giấy tờ lôi thôi gì hết. Đúng là quầy bán thuế, không cần biên lai!
Lúc ở Việt Nam tôi chú ý khơi chuyện về Đại hội 7. Chẳng ai thèm bàn. Cũng chẳng ai thèm chê hay cười. Cái buổi họp TƯ (1) đó có vẻ không hấp dẫn bằng chuyện đánh ghen ở lối xóm.
Nghĩ lại những sự việc, tôi bàng hoàng. Đảng Cộng sản không còn nữa? Chẳng lãnh đạo được dân, chẳng chỉ đạo được Nhà nước, chẳng quản lý được chính mình. Ai làm gì thì làm, mạnh ai nấy “buôn”. Chỉ còn một việc liên kết giữa những cá nhân, những phe nhóm, để tồn tại và mần ăn? Nhà nước không còn nữa? Nó chẳng còn quản lý cái gì, kể cả giấy tờ? Chỉ còn những quầy hàng công khai và bán công khai để buôn bán quyền lực? Kinh tế quốc doanh không còn nữa? Chỉ còn những cơ quan khai thác tài sản quốc gia để bồi dưỡng lẫn nhau?
Việt Nam đã bắt đầu đi vào kinh tế thị trường năm 1986. Đảng Cộng sản đã mất những yếu tố cơ bản nhất của bất cứ một chính đảng nào: đường lối, niềm tin, quyền lợi chung của một giai cấp, một phong trào quần chúng. Nhà nước đã mất một chức năng cơ bản của mọi Nhà nước: quản lý đời sống chung của xã hội. Chỉ còn lại vài nét cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa cũ: vô luật lệ buôn bán quyền hành, chuyên chính thông tin.
Tình hình này sẽ dẫn tới đâu, khó mà đoán được. Cũng có thể Việt Nam đang rời chủ nghĩa xã hội một cách yên ả, qua sự tan rã âm thầm của Đảng, của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, và sự bành trướng vô luật lệ của thị trường. Có điều đây là thị trường buôn đi bán lại nhiều hơn là thị trường phục vụ sản xuất công nghiệp. Ngày nào đó không còn sức nuôi bốn cái tập thể khổng lồ phi sản xuất là quân đội, công an, Nhà nước và “bộ máy” Đảng nữa, ngày đó có loạn?
T.Đ.
(1) TƯ là viết tắt chữ Trung ương, nhưng trong câu chuyện tiếu lâm dân gian, nó trở thành tư.
Các thao tác trên Tài liệu