Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 1 / Trên Đe

Trên Đe

- Bùi Mộng Hùng — published 24/05/2009 01:40, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:40
Không thấy chỗ nào nói tách bạch vai trò Đảng lãnh đạo với Nhà nước quản lý ra sao.Trong tình trạng như vậy, xin được dùng hai chữ " Guồng máy "...

 

Trên Đe...
Thị trường và guồng máy

 
Bùi Mộng Hùng

 

Đầu năm nay cả một vùng, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Gò Vấp... trúng to vụ rau đông xuân. Diện tích gieo trồng có ít hơn năm ngoái nhưng năng suất tăng gấp đôi. Tại xã Tân Xuân, một trong những trọng điểm trồng rau của huyện Hóc Môn, có đến khoảng 1500 hộ nông dân trồng trên 300 mẫu bắp cải, cà chua, đậu côve, khổ qua, dưa, bầu bí..., thu hoạch đến 30 tấn một mẫu. Xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, năng suất lúa đã thấp mà lại chỉ làm được một vụ người nông dân trông vào rau trái; tới mùa nô nức trồng cải dưa gang, bầu bí ..., trung bình mỗi nhà gieo 5 công đất. Dưa gang trúng mùa, trái nằm đặc đất.

Được mùa mà rau quả ngoài chợ vẫn cao giá. : người nội trợ đi chợ Bến Thành, Bình Tây, Bà Chiểu,... phải trả 1000 đồng một kí cà chua, 400 đồng một chục đậu bắp, 4000 đến 5000 đồng một kí nấm rơm, 1500 đến 1800 đồng một kí khổ qua. Ngay tại chợ rau Tân Xuân ở Hóc Môn kề bên ruộng rẫy giá bán vẫn lên đến 700-800 đồng một kí cà chua, 500 đồng một kí bắp cải...

Thế mà bà con nông dân, đã phải bấm bụng đi vay vàng làm vốn, phải trải mấy tháng trời một nắng hai sương chăm chút đám dưa, ruộng rau như con đẻ, chỉ mong lấy công làm lời, chưa hết mừng thầm vì được mùa, lại đành chịu " phủi tay ", mất sạch cả công lẫn vốn. Chỉ vì bị ép giá. Bọn con buôn thông đồng với nhau, kênh kiệu, trả giá rẻ mạt : 100 đồng một kí bắp cải, 150 đồng một kí cà chua, 150 đồng một kí khổ qua, 50 đến 100 đồng một trái bầu nặng 3, 4 kí lô, 500 đồng một thúng đậu bắp cả trăm trái, 1000 đồng một kí nấm rơm... Răng rắc. Ai kì kèo, họ không thèm mua, bỏ cho chết luôn !

Những hộ trồng cà chua nổi tiếng như ông Nguyễn văn Biền , ông Phạm văn Hôn xã Bình Hưng Hòa, không chiu nổi giá rẻ mạt đó đành phải bỏ nghề ruộng rẫy chuyển đi sửa xe, làm hồ, làm thuê mướn....(1)

 

Báo cáo của Ban chấp hành trung ương khóa VI Đảng cộng sản Việt nam về các văn kiện trình Đại hội VII vừa qua khẳng định : " Đã bước đầu hình thành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận động theo cơ chế thị trường... " (2) .

Mới chỉ bước đầu mà người nông dân đã " lãnh đủ " búa rìu qui luật sắt thép của kinh tế thị trường. Thứ qui luật thị trường, tư bản man rợ thời thế kỷ 19, mất mùa phải táng gia bại sản đã đành mà được mùa cũng vẫn sạt nghiệp, bán vợ đợ con mà đi làm mướn.

Mà nào phải chỉ có người chuyên nghề ruộng rẫy ! Nhà chăn nuôi cũng điêu đứng trăm bề. Nghị quyết của thành ủy, của ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chủ trương phát triển ngành nuôi bò sữa. Giá sữa trên thị trường không ngừng tăng, chỉ trong vòng có hai tháng, từ tháng tư đến tháng sáu vừa qua, sữa tươi tiệt trùng tăng giá ba lần, một bịch 250 gram từ 750 đồng vọt lên 1200 đồng. Trong lúc đó thì người chăn nuôi bò sữa lại gánh chịu lỗ vốn tất cả. Chỉ vì nhà máy sữa Thống Nhất nắm độc quyền trong tay, đơn phương quyết định tiêu chuẩn chất lượng và giá thu mua (3)

Công kỹ nghệ gia cũng chẳng hơn gì, như gà phải cáo. Hậu quả nạn các hợp tác xã tín dụng vỡ nợ chưa dứt lại đương đầu với nguy cơ hàng ngoại nhập lậu lan tràn, chiến dịch chống buôn lậu phát động được cả năm nay mà vẫn chưa ngăn chặn nổi một cách căn cơ. Các nhà sản xuất trong các ngành kim khí, điện máy, phụ tùng, vải, hóa mỹ phẩm, v.v.... ngày đêm lo ngay ngáy (4).

Nói cho ngay, câu chữ dùng trong báo cáo của Ban chắp hành trung ương khóa VI còn có thêm một về quan trọng :. " Đã bước đầu hình thành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước " (2).

Hai chữ " Nhà nước " có chỗ nhập nhằng. Cho tới nay " vấn đề Đảng không can thiệp vào quản lý Nhà nước thì đã nói nhung chưa sửa " (5) Cương lĩnh (6) vẫn dùng cách nói "Đảng và Nhà nước ". Và trong bài phát biểu của Tổng bí thư Đỗ Mười tại kỳ họp Quốc hội ngày 27 tháng 7 vừa qua lại nhấn mạnh cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn đến "Sự lãnh đạo của Đảng....chẳng những không mâu thuẫn hoặc hạn chế vai trò của các cơ quan Nhà nước, ngược lại bảo đảm phát huy mạnh mẽ vai trò đó " (7) Không thấy chỗ nào nói tách bạch vai trò Đảng lãnh đạo với Nhà nước quản lý ra sao.Trong tình trạng như vậy, xin được dùng hai chữ " Guồng máy ". Từ " Nhà nước " để dành cho một Nhà nước xứng đáng với danh nghĩa của nó.

Một Guồng máy dường như chỉ biết quay theo lề lối cung cách của riêng nó. Bất chấp nghị quyết của Đảng, bất chấp nhu cầu sống còn của cả dân tộc.

Phát triển sản xuất là vấn đề tiên quyết của ta hiện nay. "Nhiệm vụ quan trọng nhất, vừa cơ bản vừa cấp bách là ra sức đẩy mạnh sản xuất " (2) Báo cáo của Tổng bí thư trước Đại hội bảy cũng như nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 1991 : " Phát huy mọi khả năng các thành phần kinh tế, ... nhằm phát triển sản xuất " (8) đều khẳng định như vậy

Nghị quyết thì mặc nghị quyết ! Bộ máy chỉ biết tà tà làm theo bình quân chủ nghĩa của mình. Năm nay theo chỉ tiêu qui định, trên 30 cơ sở chế biến gỗ của Thành phố Hồ Chí Minh không được cấp một mét khối gỗ nào. Lý do là Thành phố không có rừng. Còn các tỉnh được cấp chỉ tiêu cao thì lại không có cơ sở chế biến. Muốn có gỗ cho chạy máy chỉ còn cách mua bán " quota ", " phải trái " với nhau. Bao nhiêu là kẽ hở để thất thoát tiền bạc, để có những người ngồi chơi xơi nước trên đầu trên cổ người lao động sản xuất (9).

Linh động là qui luật cơ chế thị trường. Rị mọ chậm chạp là chết. Từ người sản xuất nông nghiệp đến người trong các ngành dệt, nhựa, sơn, may mặc..., ngành nào cũng cần nhiều loại nguyên liệu nhập. Suốt mấy tháng đầu năm nay nhiều loại hàng nhập cần thiết cho sản xuất chỉ được tạm cấp nhỏ giọt, chậm chạp, lắt nhắt, trong khi thị trường quốc tế không ngừng dao động, giá sợi polyester 75D chẳng hạn tăng từ 3,2 đôla lên 3,7 đôla một kí. Nhiều cơ sở của ta trong cái tình trạng "ngày nay ăn, ngày mai mất" này không sao tính toán để ổn định nổi sản xuất, cứ lóng ngóng đứng ngồi chờ danh mục hàng cấm, hạn ngạch, chỉ tiêu cụ thể : Ba tháng đầu năm đã qua mà các Bộ chuyên ngành còn tà tà ngồi đó tính toán cân đối kế hoạch chưa xong (9) !

Xuất khẩu là dưỡng khí đối với kinh tế của ta. Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 1991 khẳng định là phải "Tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu để bảo đảm yêu cầu nhập khẩu các vật tư quan trọng và thiết bị, công nghệ mới cho kế hoạch năm 1991 " (8) Và vừa qua trong Báo cáo trước Đại hội VII, Tổng bí thư Nguyễn văn Linh cũng xem xuất khẩu như là một mục tiêu quan trọng trong năm năm tới : "Trong phát triển các ngành kinh tế, cả sản xuất và dịch vụ, chú trọng huy động tiềm năng, phát huy lợi thế tương đối... hướng mạnh về xuất khấu " (2).

Gạo với dầu thô là hai món hàng xuất khẩu quan trọng đứng hàng đầu của ta hiện nay. Nhưng suốt mấy tháng đầu năm, chỉ ba đơn vị kinh doanh trung ương được phép độc quyền xuất khẩu gạo. Mặc dầu về khả năng tài chính ba doanh nghiệp đó chỉ đủ sức thu mua 60.000 tấn gạo ở đồng bằng sông Cửu Long trong khi gạo vùng ấy sản xuất dôi thừa ra đến 400.000 tấn. Kết quả là trong sáu tháng đầu năm khối lượng gạo xuất khẩu tụt ngay xuống 243.000 tấn, giảm 76% so với cùng thời gian năm ngoái. Mãi đến tháng tư tháng năm, lệnh nói trên mới bãi bỏ và các công ty địa phương được phép xuất khẩu gạo thì đã quá muộn. Các chuyên gia quốc tế ước lượng rằng cho cao lắm thì năm nay ta chỉ xuất nổi 800.000 tấn, còn xa mới đạt chỉ tiêu qui định ban đầu là 1 ,7 triệu đến 2 triệu tấn. Dù cho mùa màng đông xuân miền Bắc có phần thất bát đi nữa, cái gì nếu không chính cái bệnh mệnh lệnh chủ quan là nguyên nhân đã làm cho năm nay ta còn xa mới đạt nối lượng gạo xuất khẩu thực sự có trong tầm tay (10) ?

Thiếu vốn là vấn đề gay gắt trong sản xuất kinh doanh hiện nay. Người đầu tư sản xuất đỏ mắt chạy vốn, è cổ trả lãi, trong khi vàng và ngoại tệ tuồn vào buôn lậu; tám tháng đầu năm 1990 buôn lậu đã tiêu mất 26 tấn vàng và 258 triệu đô la trong khi dự trữ ngoại tệ của cả nước không tới 20 triệu đô la (11). Chính những nhập nhằng trong cung cách tổ chức Guồng máy, đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhưng không ai trách nhiệm đã là nguyên nhân đẻ ra tệ nạn buôn lậu và tham nhũng. Chính vì thế mà dù cho Hội đồng bộ trưởng đã triển khai đồng bộ tập trung cả nước chống buôn lậu, tham nhũng được gần trọn năm mà kết quả vẫn chưa thấm vào đâu. Chính vì thế mà cả năm sau "ta đánh chưa trúng bọn đầu sỏ " (12). Chính đó là nguyên nhân sâu xa của sự kiện " một số cơ quan và đơn vị kinh tế Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang không những không tham gia chống tham nhũng và buôn lậu, mà ngược lại đã trực tiếp buôn lậu hoặc tiếp tay cho bọn gian thương thực hiện những vụ buôn lậu nghiêm trọng ". Chính đó là nguyên nhân của " Một tình trạng đáng quan tâm là một số cơ quan và một số người được giao quyền xử lý những vụ tham nhũng và buôn lậu sợ rút dây động rừng, đã tìm mọi cách nương nhẹ cho kẻ phạm tội..".. và ta hiểu tại sao "Hiện nay, việc can thiệp đã đạt tới trình độ tinh vi và kín đáo đến mức, người được giao quyền xử lý vi phạm có thể biết là làm theo ý kiến cấp trên là không đúng pháp luật, những vẫn phải làm ..." (13).

Với cơ chế hiện hành đầy kẽ hở – như ví dụ gần đây một số kẻ đã lạm dụng chức quyền, núp dưới danh nghĩa " nhượng quyền sử dụng đất ", lấy đất công, lấy đất bà con cống hiến, " sang nhượng " cho các nhà máy, các xí nghiệp từ nội thành đưa ra ngoại thành, để làm giàu nhanh chóng (14) – thì nhìn vào những việc đang xảy ra trong các nước đàn anh mà thể chế cũng tương tự như ta, lấy gì đảm bảo là sau khi Mỹ bỏ cấm vận sẽ không sảy ra việc như bên Trung quốc, con cháu các vị quan cao chức trọng chiếm lấy ghế tổng giám đốc những công ty hợp doanh béo bở (15) ? Hay đến lúc cần phải bán một số tài sản công cho tư nhân, lấy gì bảo đảm là các vị có quyền chức trong Guồng máy không làm như các đồng nghiệp Liên Xô, tư túi bán cho tư bản nước ngoài hay chiếm đoạt làm của riêng với giá rẻ mạt các sở hữu của toàn dân (16) ?

Ngay đúng lúc nền kinh tế non nớt của ta va chạm với cơ chế sắt thép của thị trường, ngay lúc cần hàng loạt biện pháp pháp lý, tài chính, thuế khóa, hành chánh, đúng đắn và đồng bộ nâng đỡ thì may ra mới hình thành nổi một cấu trúc kinh tế xã hội đủ sức cạnh tranh trên thị trưởng quốc tế dù cho thủ tục làm ăn có giản tiện mau chóng, vốn liếng có vay mượn được dễ dàng đi nữa thì cũng đã là muôn vàn khó khăn cho người sản xuất kinh doanh trong tình trạng nước ta hiện nay, thế mà đúng lúc cần được nâng đỡ thì cái tổ chức nhập nhằng của Guồng máy lại cõng rắn về nhà để cho hàng lậu tha hồ lọt vào tác oai tác quái tung hoành cạnh tranh bất chính giết chết những mầm công nghiệp trứng nước của ta, lúc cần vốn như trời hạn trông mưa thì cũng những sơ hở của tổ chức làm cho vốn liếng đã chẳng là bao lại thất thoát vào tham nhũng, phung phí, buôn lậu, lúc cần phải linh động ứng phó thì lại bị cái lối tư duy cổ hủ, cái cung cách lề mề của Guồng máy trói chặt tay chân. Có thể nói rằng dân tộc ta đang bị nằm trên cái đe Guồng máy mà " chịu trận " những nhát búa của thị trường đang và sẽ giáng xuống càng ngày càng nhiều và không xót thương !

Trong báo cáo trước Đại hội VII Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã nhấn mạnh rằng : " Đánh giá một nền dân chủ không thể chỉ căn cứ vào nhũng khẩu hiệu nó nêu ra, mà phải xem được thực thi như thế nào trong đời sống thực tế. Nền dân chủ ấy thực chất hay chỉ là hình thức hoặc giả hiệu, dân chủ cho đa số nhân dân hay chỉ là thiểu số giai cấp thống trị bóc lột. Đây là nguyên tắc cơ bản không thể mơ hồ, lẫn lộn . " (2) .

Đúng là phải xét việc làm chứ không thể nhắm mắt mà nghe khẩu hiệu.

Hơn bao giờ hết đời sống nhân dân ta cần được ổn định. Trong công cuộc bước vào cơ chế thị trường đầy chông gai và không thể tránh né này, chỉ có một tiến triển hài hòa và đồng bộ, kinh tế xã hội văn hóa chính trị, mới đảm bảo được cái thế ổn định trong phát triển mà mọi người đều mong ước.

Chững lại trong bắt cứ một mặt nào, chính trị hay mặt nào khác, sẽ làm tắc nghẽn, tức nước vỡ bờ đưa đến đổ gãy một đổ gãy mà không một công dân có tinh thần trách nhiệm nào nghĩ rằng dân tộc ta còn sức chịu đựng. Ba mươi năm loạn lạc gian khổ vẫn rành rành trong trí nhớ của mỗi người.

Kinh tế đã có những bước đổi mới. Chính trị phải đi theo. Xã hội nhiều thành phần của ta ngày nay là một thực tại, chỉ có một Nhà nước với đầy đủ chức năng và quyền hạn cần có, được đa số nhân dân tín nhiệm qua tự do bầu cử, mới đảm đương nổi cái nhiệm vụ lịch sử : xây dựng một nền kinh tế xã hội hài hòa, năng động và vững mạnh, xây dựng một nhà nước pháp quyền thực sự dân chủ tự do trong đó mọi thành phần xã hội đều có quyền tham gia bàn và làm việc nước nhằm đưa dân tộc đến tự do và sung túc.

 

Bùi mộng Hùng

 

 
1 - Trúng Vụ Rau Đông-xuân Sao Nông Dân Vẫn Nghèo, Sài Gòn Giải Phóng 11 .03.91 .

2 - Tiếp Tục Sự Nghiệp Đổi Mới, Tiến Lên Theo Con Đường Xã hội Chủ Nghĩa, do Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đọc tại phiên họp khai mạc Đại hội ngày 24-6-1991, Nhân Dân 25.06.91 .

3 - Người Chăn Nuôi Bò Sữa Mới Mừng Đã Lo, Sài Gòn Giải Phóng 11 .06.91 .

4 - Còn Một Số Công kỹ Nghệ Gia Chưa Mạnh Dạn Đầu Tư Vào Sản Xuất, Sài Gòn Giải Phóng 31 .05.91 .

5 - Cán bộ công đoàn góp ý kiến về dự thảo cương lĩnh : Cần Phân Biệt Rõ Vai Trò : Đảng Lãnh Đạo Và Nhà Nước Quản Lý, Tuổi Trẻ 05.01 .91 .

6 - Dự Thảo Cương Lĩnh Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội Trong Thời Kỳ Quá Độ, Nhân Dân 1 .12.1990.

7 - Tiếp Tục Đổi Mới Nội Dung Và Phương Thức Lãnh Đạo Của Đảng, Giải Quyết Tốt Mối Quan Hệ Giữa Đảng, Nhà Nước Và Các Đoàn Thể Nhân Dân, Tiến Hành Cải Cách Bộ Máy Nhà Nước, Bài nói của Tổng bí thư Đỗ Mười tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 8, Nhân Dân 29.07.91 .

8 - Nghị Quyết Về Nhiệm Vụ Phát Triển Kinh tế - Xã Hội Năm 1991 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1990, Sài Gòn Giải Phóng 24.12.90.

9 - Kim Phi, Tuổi Trẻ 20.04.91 .

10 - Murray Hiebert, Poor harvest dampens Vietnam's rice export prospects Output cropped ; Far Eastern & Economic Review 27.06.91 .

11 - Chiến Dịch Chống Buôn Lậu, Đoàn Kết số 429, 12.1990.

12 - Trên Mặt Trận Chống Buôn Lậu Kết Quả Đạt được Ban Đầu Không Thể Tính Bằng Tiền, Sài Gòn Giải Phóng 20.05.91 .

13 - Cái được Và Chưa Được Qua Một Năm Chống Tham Nhũng Và Buôn Lậu, Nhân Dân 22.07.91 .

14 - Chuyện Sang Nhượng Ruộng Đất ở Xã An Phú Dông, Sài Gòn Giải Phóng 27.05.91.

15 - Xem danh sách một loạt con cháu các Uỷ viên Bộ chính trị nắm chức vụ trong các doanh nghiệp Trung quốc trong : Le Fléau Du Népotisme : De Haut ... ; Problèmes Politiques et Sociaux, série Extrême-orient , n° 630, La Documentation Française 13.4.90.

16 - F. Lazare : Affairisme à La Soviétique. La privatisation des entreprises s'improvise sur fond d'illégalité et d'absence de morale, Le Monde 29.05.91.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss