Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 2 / Ánh sáng cuối đường hầm: Rồi sao nữa

Ánh sáng cuối đường hầm: Rồi sao nữa

- Phong Quang — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 05/10/2010 22:03

Việt Nam: quan hệ quốc tế



Ánh sáng cuối đường hầm:
Rồi sao nữa




Nếu không có những thay đổi giờ chót, thì khi trang báo này tới tay bạn đọc, Hiệp định quốc tế về Campuchia (ký kết ngày 23.10 ở Paris) đã ráo mực, hoàng thân Sihanouk trở về Phnom Penh trong cương vị một nguyên thủ quốc gia, chuẩn bị đi thăm Hà Nội (cuối tháng 11) ngay sau khi tổng bí thư Đỗ Mười, và có lẽ cả thủ tướng Võ Văn Kiệt, chấm dứt cuộc viếng thăm chính thức ở Bắc Kinh, thể hiện sự cầu hoà của Việt Nam và đánh dấu sự làm hoà giữa nước ta và Trung Quốc.

Song song với quá trình bình thường hoá quan hệ Việt-Trung và quá trình hoà bình ở Campuchia, là sự cải thiện rõ rệt quan hệ giữa Việt Nam và các nước phương Tây và các nước Đông Nam và Đông Á. Hai năm sau khi Việt Nam chính thức rút hết quân khỏi Campuchia, với thoả thuận vừa đạt được về Campuchia, chướng ngại vật lớn nhất (vừa là lý do, vừa là cái cớ được nêu ra trong suốt 12 năm qua) đã được gạt ra để chấm dứt sự cô lập Việt Nam về chính trị và kinh tế. Pháp, Úc và Thụy Điển đã tích cực thúc đẩy Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế sớm chấm đứt việc tẩy chay Việt Nam. Sự hợp tác kinh tế giữa các nước Đông Nam Á và Đông Á với Việt Nam phát triển rõ rệt, và có thể đo được bằng số đường bay và chuyến bay nối đến Tân Sơn Nhất và Nội Bài với các phi trường quốc tế trong khu vực. Singapore cũng tuyên bố chấm dứt cấm vận đối với Việt Nam - một lời tuyên bố rất ư hình thức vì từ nhiều năm nay, họ kêu gọi chống Việt Nam rất hung, nhưng đi đêm, buôn bán với Việt Nam cũng rất dữ.

Như vậy là, đối với Việt Nam, ít nhất về mặt quan hệ quốc tế, ánh sáng đã le lói ở cuối đường hầm, sự cô lập và thù hận quốc tế dựa trên liên minh Bắc Kinh - Washington kéo dài hơn một thập niên đang chấm dứt.

Đang không phải là đã xong: chính quyền tổng thống Bush vừa kéo dài chủ trương cấm vận thêm một năm, lại gắn liền vấn đề MIA (quân nhân Mỹ mất tích) với lịch trình bình thường hoá, và nghiêm trọng hơn nữa, cản đường các nước khác làm ăn với Việt Nam bằng cách ngăn Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ thế giới lập lại chương trình tín dụng.

Đối với Trung Quốc, nếu mọi người Việt Nam thiện chí đều có thể vui mừng trước việc bang giao bình thường giữa hai nước, những ai thiết tha với chủ quyền đất nước và lý tưởng dân chủ cũng quan ngại vì bối cảnh quốc tế đã dẫn tới sự bình thường hoá đó, và lo sợ rằng nó có thể biến thành thứ quan hệ môi răng ghê rợn. Thật vậy, sự xích lại gần nhau hiện nay bắt nguồn từ ý chí cố thủ của hai bộ máy chính quyền trước sự sụp đổ của khối Đông Âu nhiều hơn là xuất phát từ lợi ích của hai dân tộc. Một nước Việt Nam liên minh với Trung Quốc của ông Lý Bằng mà chỗ đứng không có gì bảo đảm khi mai kia ông Đặng Tiểu Bình ra người thiên cổ, với Bắc Triều Tiên của thống chế Kim Nhật Thành mà kỳ công là đã đưa đất nước của mình trở về thời kỳ trung cổ tinh thần và Cuba của một Fidel Castro đang tự mình bôi nhọ hào quang một thời oanh liệt, sẽ không thể là một nước Việt Nam hoà mình vào cộng đồng thế giới, biết mình và biết người để tìm ra cho mình con đường ra khỏi khủng hoảng, phát triển quốc gia trong một bối cảnh quốc tế hoàn toàn mới, trong đó sự phát triển là điều kiện sống còn để bảo vệ chủ quyền và độc lập dân tộc.

Tạm gạt một bên những lo lắng trước mắt, để nhìn thấy toàn cục quan hệ đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ mới, chúng ta hãy giả sử một cách lạc quan rằng: trong vài tháng nữa, hoặc một hai năm nữa, bang giao Việt-Mỹ trở thành bình thường (lần đầu tiên, từ thế kỷ XIX) và quan hệ Việt-Trung không đi quá mức bình thường. Cho là như vậy, thì Việt Nam có thể chờ đợi gì ở cộng đồng quốc tế để phát triển đất nước, và phải làm như thế nào để tranh thủ được sự hợp tác đó? Đây là câu hỏi mấu chốt không những cho tương lai mà cho ngay hiện tại, vì mọi chính sách và hành động hôm nay sẽ tác động một cách tích cực hay tiêu cực vào triển vọng đó.

Vấn đề quá mông lung, nên tốt hơn cả, xin nêu lên hai cách nhìn cụ thể làm khởi điểm suy nghĩ. Một, là của một nhà lãnh đạo Việt Nam. Hai là của một chuyên gia về Việt Nam của cục tình báo CIA. Mùa hè vừa qua, trong câu chuyện tâm sự với một Việt kiều, được hỏi về triển vọng quan hệ với Hoa Kỳ, nhà lãnh đạo nói có ba khả năng: 1) Mỹ tiếp tục cấm vận, 2) Mỹ bỏ cấm vận và đầu tư nhỏ giọt, 3) Mỹ đầu tư ồ ạt, và nhấn mạnh: đáng sợ nhất là khả năng thứ ba. Còn chuyên gia CIA, thì những bản tin thông tấn từ Bangkok trung tuần tháng 10.91 không cho biết rõ lai lịch, nhưng có thể phỏng đoán đây là một cao bồi Sài Gòn (danh từ này, trong ngôn ngữ chính trị Mỹ, chỉ những quan chức Mỹ muốn trả thù Việt Nam) đang mơ ước nhân đà sụp đổ của khối xã hội chủ nghĩa, huých một cái cho Việt Nam nhào theo. Ngoài hành lang cuộc họp của Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế, chuyên gia này than trời: Thật là thê thảm, Việt Nam đã biến mất khỏi bản đồ thế giới, muốn cười cũng không cười nổi nữa! Xin tạm dịch câu nói bóng gió này ra ngôn ngữ của mọi người: Không còn ai trên thế giới quan tâm đến Việt Nam nữa, sự thờ ơ đó khiến cho tôi, là người muốn trừng phạt, trả thù Việt Nam cũng bị hẫng, không thấy hứng khởi chút nào. 

Sự không cười nổi của viên chức CIA chỉ có thể làm quặn lòng mọi người Việt Nam: cho dù ngày hôm nay đây, Việt Nam đổi mới, cởi mở và mọi chính sách thù nghịch đối với Việt Nam chấm dứt hẳn, thì cũng khó vận động được một sự hợp tác quốc tế ngang tầm với quy mô vấn đề Việt Nam. Cho dù các nước và tư bản phương Tây mong muốn đến đâu, họ cũng không còn khả năng kinh tế, khi mà ngay những vấn đề kinh tế của Trung Âu và Đông Âu họ đã không kham nổi rồi. Đó là chưa kể, nếu tình hình chính trị đặt Việt Nam và Trung Quốc lên cùng bình diện, thì về kinh tế, ưu tiên số 1 dĩ nhiên không nói thì ai cũng biết họ sẽ đặt ở đâu. Nói chi đến Việt Nam đã từ lâu không còn là quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế. Tiếc thay, sự thật hiển nhiên đó, nhiều nhà lãnh đạo ở Việt Nam chưa nhận ra, thậm chí nhiều người còn tưởng rằng Việt Nam vừa là mục tiêu số 1 của đế quốc Mỹ vừa là một cô gái đẹp lắm của hồi môn, được cả thế giới muốn dạm hỏi.

Ra khỏi đường hầm, nhưng bị loá mắt trước ánh sáng mặt trời, thì cũng quờ quạng như trong hang tối. Đó là vấn đề số một về nhận thức cần được giải quyết nếu Việt Nam muốn xây dựng một chính sách đối ngoại phù hợp với tình hình thế giới của thập niên 90 này.


Phong Quang  

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss