Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 2 / CỘNG ĐỒNG... ĐÓ ĐÂY...

CỘNG ĐỒNG... ĐÓ ĐÂY...

- Diễn Đàn — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 05/10/2010 22:03


CỘNG ĐỒNG... ĐÓ ĐÂY...



Trần Thiết, cố vấn của Thủ tướng Pháp Edith Cresson.

40 tuổi, sinh ở Marseille, bố Việt mẹ Pháp, ông Jean Paul Trần Thiết đã được bà Edith Cresson bổ nhiệm vào văn phòng thủ tướng với chức vụ cố vấn. Ông đang phụ trách các “nhóm nghiên cứu và vận động” do bà Cresson lập ra để đề ra những chủ trương, chính sách trong mọi lĩnh vực.

Trước khi làm tham mưu cho Thủ tướng Pháp, ông Jean Paul Trần Thiết từng tham gia văn phòng các bộ trưởng phụ trách Cộng đồng Châu Âu Bernard Bosson (những năm 1986-88, trong chính phủ Jacques Chirac) và Edith Cresson (1988-90, trong chính phủ Michel Rocard). Ông cũng đã từng làm Tổng giám đốc phụ trách ngoại vụ của Công ty France Défi.

 

Khi trời đất quay cuồng

Cuốn sách Khi trời đất quay cuồng (When Heaven and Earth changed places) của bà Lệ Lý Hayslip, đã từng là best sel1er ở Mỹ năm 1989, đến nay đã được in lại tới bốn lần, lần sau cùng với con số 20 000 bản. Sắp tới, tác phẩm này sẽ được in ở 12 nước khác. Lãng mạn và đẹp như mơ... Đây là một trong những cuốn sách đáng chú ý nhất trong tất cả các tác phẩm lấy ý từ cuộc chiến tranh Việt Nam. Đó là lời khen của báo People. Tờ NewYork Times cũng viết: Đây là một trong những câu chuyện đã đánh bại những thái độ đạo đức.

Trên nguyên tắc, trong tháng 9.91 vừa qua, Lệ Lý Hayslip đã cùng với Olivier Stone (tác giả phim Platoon) cùng một đoàn 11 người của hãng phim Mỹ Carolco Pictures đến Việt Nam thăm dò địa điểm và phong cảnh để đựng phim dựa theo Khi trời đất quay cuồng. Theo dự tính, cuốn phim sẽ được hoàn thành trong vòng một năm và ngày 20.12.1992 sẽ được công chiếu trên khắp nước Mỹ, và sau đó trên toàn thế giới.

(theo Đoàn Giao Thuỷ, báo Thanh Niên, ngày 25.8.1991)

Nguyễn Minh Thuý Phượng, một nữ vận động viên xuất sắc ở Mỹ.

Tờ sun sentinel (Palm Beach) số ra ngày 27.3.1991 miêu tả Thuý Phượng như sau: “Thuý Phượng người nhỏ bé, cao 1m55, nặng không quá 40 kg, học sinh xuất sắc, đoạt toàn điểm A, hiện đương hướng về ngành Y. Các bạn cùng lớp thường gọi đùa cô bằng cái tên the Terminator, vì cô không chỉ học hành xuất sắc mà còn là một vận động viên chạy bộ nổi tiếng. “Năm 1990, Thuý Phượng chạy đoạn đường dài hai dặm (3,2 km) với 12 phút 8 giây, chiếm giải nhì toàn quận, giải tư trong vùng và giải tám toàn tiểu bang. Ông J. Kuntz, huấn luyện viên của cô tin rằng Thuý Phượng sẽ còn tiến xa hơn nữa nếu được huấn luyện đúng mức. Năm nay, Thuý Phượng được chọn để đại diện cho quận Palm Beach tham gia giải chạy bộ toàn tiểu bang Florida. Cô là người học sinh đầu tiên hội đủ tiêu chuẩn để tham gia giải chạy liên bang. Thành tích mới nhất của cô trên khoảng cách 2 dặm là 11 phút 54 giây, trong khi người đoạt giải nhất chạy mất 11 phút 24 giây.

(theo ĐGT, báo Thanh Niên, 1.9.1991)

Người Việt đầu tiên đắc cử thị trưởng ở Úc.

Ngày 14.8.1991 vừa qua, tại thành phố Richmond (Úc), ông Nguyễn Sang, một thanh niên người Việt, 31 tuổi, đã đắc cử chức vụ thị trưởng. Thành phố Richmond có 25 000 dân, trong đó có 2 500 người gốc Việt Nam.

Ông Nguyễn Sang là người thị trưởng trẻ nhất từ trước tới nay ở thành phố này. Ông đặt chân lên đất Úc năm 17 tuổi.

Tại thành phố Collingwood, ông Trần Đức Dũng, một thanh niên Việt Nam khác cũng trúng cử vào Hội đồng thành phố.

(theo Tivi tuần san, số 281, ngày 15.8.1991, xuất bản tại Úc)

Trịnh Xuân Thuận, nhà đo đạc vũ trụ

Trịnh Xuân Thuận là một nhà khoa học đã có nhiều đóng góp trong ngành vật lý ở Mỹ từ nhiều năm nay, song ông chỉ mới nổi tiếng từ khi cho xuất bản cuốn sách “La Mélodie secrète” (bản tiếng Pháp, nhà xuất bản Fayard, 1988). Ông năm nay 43 tuổi, học trung học ở Pháp cho tới năm 19 tuổi thì sang Mỹ, theo học tại trường đại học kỹ thuật tiểu bang California (quen gọi là Caltech). Đặt chân tới California, được tiếp xúc với Trung tâm quan sát vũ trụ Pasadena và đài thiên văn trên núi Palomar, nơi có chiếc kính viễn vọng lớn nhất thế giới, một thiên hướng đã bộc lộ ở Trịnh Xuân Thuận: anh quyết chí trở thành một nhà vật lý thiên văn. Ở Caltech, anh theo học vật lý với Gordon Garnire, chuyên nghiên cứu về tia X của các thiên thể, William Fowler, cha đẻ của ngành vật lý thiên văn hạt nhân, giải thưởng Nobel về vật lý. Sau khi đỗ cử nhân, Trịnh Xuân Thuận chuyển sang đại học Princeton, bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài “Khoảng trống giữa các vì sao”, dưới sự hướng dẫn của Lyman Spitzer.

Năm 1976, anh được phong làm giáo sư ở đại học Virginia. Từ đó bắt đầu công việc đo đạc vũ trụ của Trịnh Xuân Thuận. Trong 10 năm, anh đã đo sự chuyển dịch qua ánh sáng đỏ của khoảng hai nghìn thiên hà. Nhờ kết quả của công trình nghiên cứu khổng lồ này mà ngày nay người ta biết rằng các thiên hà lùn (galaxies naines) sẽ không lấp đầy được các khoảng trống lớn trong không gian, giữa các thiên hà rất sáng mà người ta quan sát được.

Trong lĩnh vực của mình, Trịnh Xuân Thuận còn là một người phổ biến khoa học tích cực, không ngần ngại bỏ thì giờ đi nói chuyện về vũ trụ với các học sinh trung học.

Được biết, tác giả cuốn La Mélodie secrète đang hoàn thành một tác phẩm khác, thuật lại con đường làm khoa học của mình. Sách sẽ do nhà Beauchesne xuất bản.

 (theo Alain Krausz, tạp chí Sciences et Avenir,số 531, tháng 5.1991,
và bản dịch của Đinh Ngọc Quang, báo Nhân dân chủ nhật, 1.9.1991)

Một người Mỹ gốc Việt được giải thưởng Jefferson

Giải thưởng Jefferson được thành lập từ năm 1972 với mục đích tuyên dương những công dân Mỹ đã có những đóng góp được coi là xuất sắc cho xã hội. Trong số những nhân vật có tên tuổi từng được trao giải này: Jimmy Carter, Henry Kissinger, Georges Schultz, Bob Hope, Kirk Douglas, v.v...

Năm nay, giải thưởng được trao cho 67 người, đại diện 50 tiểu bang của Mỹ. Bà Châu Thị Chính, một người điều khiển hai văn phòng giúp người Việt tị nạn ở hai thành phố cách nhau hơn hai giờ lái xe (Fresno và Stockton), là một trong ba người đại diện California lãnh giải. Bà Châu Thị Chính tới Mỹ năm 1986 cùng với ba người con và hai cháu, con của một người chị. Bà đã nhiều lần được tuyên dương là người phục vụ cộng đồng xuất sắc.

(theo Phụ Nữ Diễn Đàn, số 92, tháng 9.1991)

Rosalyn Phượng múa võ Tae Kwon Do đoạt giải

Em Rosalyn Phượng, 10 tuổi, ngụ tại Santa Ana (Quận Cam, California), vừa đoạt hai huy chương, một vàng, một bạc tại cuộc thi đấu Tae Kwon Do dành cho lứa tuổi thiếu niên ở Mỹ (US National Junior Olympic on TKD) diễn ra ở thành phố Cincinnati (tiểu bang Ohio), trong tháng 7 vừa qua. Giải này được tổ chức hàng năm và dành cho các em từ 6 đến 17 tuổi. Các huy chương Rosalyn Phượng đoạt được năm nay là: huy chương vàng về song đấu, và bạc về biểu diễn bài quyền.

(theo Phụ Nữ Diễn Đàn, số đã dẫn)

Người Việt ở Đức bị đánh.

Trong tuần cuối tháng 9, đầu tháng 10, nước Đức náo động vì những nhóm phát xít đồng loạt ném đá, chai xăng “molotov” tấn công nhiều nơi ở của những ngoại kiều, trên nhiều tỉnh khác nhau, đồng thời hành hung họ ở cả những nơi công cộng. Nhiều người Việt Nam là nạn nhân của những cuộc hành hung vị chủng này, đặc biệt ở tỉnh mỏ Hoyerswerda. Ngày 5.10, những nhân viên ngoại giao Đức tại Hà Nội đã bảo đảm với nhà cầm quyền Việt Nam rằng chính phủ Đức sẽ ngăn chặn để những hành động đó không xảy ra trong tương lai, và những người lao động Việt Nam sẽ được che chở, bảo vệ.

Được biết, trong số khoảng 60 000 người Việt Nam sang làm việc ở Đông Đức theo các hợp đồng giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Đông Đức trước ngày nước Đức thống nhất, hơn một nửa đã trở về nước.

 

Về việc cưỡng bức thuyền nhân hồi hương

Theo tin AFP từ Hồng Kông ngày thứ năm 3.10.1991, các nước Đông Nam Á đã mau chóng phản ứng, bằng những tuyên bố chào mừng một cách dè dặt, quyết định vừa được công bố của Hà Nội rằng Việt Nam từ nay sẽ chấp nhận đón những người đã bỏ đi nhưng bị các nước thứ ba cưỡng ép đưa trở về. Trước giờ, Hà Nội chỉ nhận những người tự nguyện hồi hương khi không tìm được nơi cư trú ở nước ngoài. Người phát ngôn của chính phủ Hồng Kông nói rằng đó là một tin tốt nhưng còn cần được sáng tỏ hơn. Được biết, hiện nay có gần 60 000 thuyền nhân Việt Nam còn sống lây lất ở các trại được canh giữ như trại giam ở Hồng Kông. Nhà cầm quyền ở đây cho biết hơn 90 % số này được coi như những người di cư vì lý do kinh tế. Chỉ có 5154 người được cấp giấy chứng nhận là tị nạn vì chính trị. Nhưng Hồng Kông không biết giải quyết việc này ra sao. Tháng 12.1989, Hồng Kông đã bị công kích dữ dội, nhất là từ phía chính phủ Mỹ, khi cưỡng bức một số người trở về bằng cách đưa họ lên máy bay bay sang Hà Nội. Từ đó, chương trình cưỡng bức người tị nạn trở về bị khựng lại. Theo tin từ Cao uỷ Tị nạn của Liên hiệp quốc, từ tháng 3.1989 tới nay đã có 10 200 thuyền nhân tự nguyện hồi hương.

Thái Lan cũng chào mừng quyết định của Hà Nội. Các nước Đông Nam Á khác, nơi cũng có nhiều người tị nạn Việt Nam, như Philippin, Malaixia, chưa có phản ứng. Tuy nhiên, theo những tin cuối cùng khi tờ báo này lên khuôn (17.10), cuộc thảo luận giữa đại sứ Anh ở Hà Nội với đại diện bộ ngoại giao Việt Nam về những điểm cụ thể trong vấn đề này chưa được ngã ngũ. Anh muốn mau chóng đưa số thuyền nhân không được coi là tị nạn ở Hồng Kông về, nhưng đối với Hà Nội dầu sao việc nhận những người bị cưỡng bách trở về vẫn là một điều tế nhị.

  

Diễn Đàn

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss