Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 2 / Giải thưởng Femina cho Dương Thu Hương?

Giải thưởng Femina cho Dương Thu Hương?

- K.V. — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 05/10/2010 22:03


Giải thưởng Femina
cho Dương Thu Hương?



Mồi  lửa gây ra những đám cháy cách mạng
lớn nhất là TỰ DO
Cơn mưa xoá  sạch những đám cháy ấy
cũng chính là TỰ DO

DƯƠNG THU HƯƠNG

 

ngày thứ 190

Trang báo này, chúng tôi lên khuôn ngày chủ nhật 20.10.1991. Nhà văn Dương Thu Hương bị bắt từ ngày 14.4.1991, đến nay là đúng 189 ngày.

Sau giải Goncourt, Fémina là một giải thưởng văn học lớn của Pháp, được xếp ngang hàng với các giải Renaudot, Médicis, Interallié, Grand prix de l'Académie française (Giải thưởng lớn của Hàn lâm viện Pháp).

Dương Thu Hương là tác giả Việt Nam đầu tiên mà trong vòng một hai tháng, liên tiếp hai bản dịch đã được xuất bản tại Pháp (tác phẩm kia là truyện vừa Chuyện tình kể trước rạng đông, do Kim Lefèvre dịch, tựa đề Histoire d'amour racontée avant l’aube, nhà xuất bản l'Aube. Được biết Nhà xuất bản Des Femmes cũng đang chuẩn bị xuất bản cuốn tiểu thuyết mới nhất của Dương Thu Hương Tiểu thuyết vô đề (xem bài giới thiệu của Đặng Tiến trong Diễn Đàn số l), với tựa đề Roman sans titre (bản dịch của Phan Huy Đường).

Nhà văn Dương Thu Hương bị bắt giam từ ngày 14.4.1991 với lý do “ tìm cách phổ biến tài liệu có phương hại đến an ninh quốc gia ra nước ngoài”. Người được Dương Thu Hương trao tài liệu là một bác sĩ Việt Nam quốc tịch Mỹ, ông Bùi Duy Tâm, ở bang California. Bác sĩ Tâm đã được trả tự do từ ngày 31.5 và đã trở về Mỹ. Dương Thu Hương vẫn bị giam, đến nay là hơn 6 tháng. “Tài liệu cấm” dẫn tới sự giam cầm này, theo những nguồn tin đáng tin cậy, rốt cuộc là bản kiến nghị của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và nhà toán học Phan Đình Diệu. Hai tài liệu này được soạn từ tháng 1.1991, và đã được phổ biến rộng rãi ở trong nước, và từ cuối tháng 3, ở hải ngoại (trước khi nhà văn trao cho ông Bùi Duy Tâm). Cuối tháng 8, ông bí thư Đỗ Mười đã gặp và đối thoại với hai ông Nguyễn Khắc Viện và Phan Đình Diệu (từ cuối tháng 9, giáo sư Phan Đình Diệu khởi đầu một chuyến viễn du khoa học qua Nhật, Hoa Kỳ, Anh và Pháp). Còn Dương Thu Hương thì, theo tin của tuần báo Far Eastern & Economic Review, được phối kiểm bằng một nguồn tin của chúng tôi ở Hà Nội, chính quyền có ý định sắp tới sẽ đưa nhà văn ra xử trong một phiên toà họp kín.

Liên đoàn nhân quyền Pháp (Ligue française des Droits de l'homme), do bà Madeleine Rebérioux (nhà sử học, bạn chí cốt của Việt Nam) làm chủ tịch, dự định cử luật sư bảo vệ nhà văn Việt Nam và yêu cầu xử một cách công khai, minh bạch. Nhiều nhân sĩ Pháp, như giáo sư Laurent Schwartz, cũng đã gửi thư và điện can thiệp. Mùa hè vừa qua, hai giáo sư cũng đã ký tên vào lời kêu gọi trả tự do cho Dương Thu Hương (xem danh sách hơn 700 người ký tên trong Đoàn Kết số 434).

Trong khuôn khổ chương trình Bản dịch Pháp ngữ (Version française) giới thiệu các tác giả ngoại quốc nhân tuần lễ Say cuồng đọc sách (Fureur de lire) trung tuần tháng 10, ông Jack Lang, bộ trưởng văn hoá Pháp, đã viết thư mời ba nhà văn Việt Nam sang Pháp: Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài Nguyễn Huy Thiệp (đã có tác phẩm được dịch ra tiếng Pháp). Chỉ có tác giả Thiên sứ được phép xuất ngoại, sau hai lần bị từ chối (xem tin về Phạm Thị Hoài trong số này).  


K.V.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us