Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 2 / Kinh tế Việt Nam

Kinh tế Việt Nam

- Lâm Võ Hoàng — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 05/10/2010 22:03

 

Kinh tế Việt Nam

 

THÂN CÂY KHÔNG THỂ CHE KHUẤT KHU RỪNG

 

Dưới tấm màn dày “bí mật quốc gia”, thậm chí “quốc phòng”, phần lớn những thông tin, số liệu về quản lý kinh tế vĩ mô đều được coi như thuộc loại người dân không cần biết tới làm gì! Thông tin kinh tế trên báo chí, chỉ quanh quẩn giá vàng, đôla, gạo thịt, đầu máy video, xe cub, sữa Ông Thọ, vv... Các chuyên san kinh tế cũng không cho biết gì nhiều hơn.

Từ đó, sự quan tâm chú trọng của người dân chỉ biết tập trung chung quanh một số nội đung, hiện tượng kinh tế gần gũi, thiết thân, như việc tăng giá đột biến của đôla, vàng, việc hạ lãi suất tiết kiệm, đã làm cho cả nước lo lắng, bồn chồn, khắc khoải cả tháng nay. Nhiều câu hỏi dồn dập được nêu lên mà không có câu trả lời thoả đáng.

“Tại sao giá đôla, vàng tăng vọt bất thường như vậy? Còn lên nữa, hay là dừng, hay là sẽ hạ xuống? Giá ở mức nào là phù hợp với tình hình kinh tế? Tại sao giá đôla, vàng tăng, lôi kéo giá sinh hoạt tăng, mà lại hạ lãi suất tiết kiệm? Năm kia ngân hàng Nhà nước công bố:

Lãi suất tiết kiệm = Tỷ lệ trượt giá + Lãi suất căn bản

Nay tỷ lệ trượt giá, theo thống kê, là 4,5 % / tháng, nhưng lãi suất tiết kiệm chỉ còn có 3,5 % / 1 tháng. Như vậy, phải chăng có ai đó “nuốt lời”? Mua vàng, mua đôla, gởi tiết kiệm, cái nào lợi hơn? Có cách nào khác giữ tiền khỏi mất giá không? vv...”

Câu trả lời thật ra không khó, nhưng làm sao nói ra được rằng ngoài những nguyên nhân được nêu trên báo chí và trong nghị trường, còn có nguyên nhân của nguyên nhân.

Đó là do không thực hiện đúng đắn, đầy đủ Pháp lệnh về ngân hàng, mà Nhà nước (thông qua công cụ của mình là Ngân hàng Nhà nước) đã đánh mất khả năng đối phó, tức là khả năng can thiệp vào thị trường. Do vậy, những đồng đôla, đáng lý phải tập trung vào tay độc quyền của Nhà nước, giờ đây nó lại trở thành vũ khí tiến công tới tấp Ngân hàng Nhà nước là người trách nhiệm bảo vệ sức khoẻ đồng tiền Việt Nam, nhưng không đủ sức chu toàn trách nhiệm.

Đối với vàng cũng vậy. Thay vì tung vàng, như một vũ khí kinh tế, ra thị trường để điều hoà mặt bằng giá cả, thì Ngân hàng Nhà nước, thông qua các công ty vàng bạc trực thuộc, lại chen vai thích cánh với các “đồng nghiệp” kim hoàn, biến vàng thành món hàng kinh doanh kiếm lời.

Về việc hạ lãi suất tiết kiệm (còn 3,5 % / 1 tháng), lý do, như đã công bố, là do Ngân hàng Nhà nước cho quốc doanh vay với lãi suất “âm” (?) 2,4 % / 1 tháng, cho nên, để bớt lỗ, phải bớt lãi suất tiền gởi nửa điểm (0,5 %), kéo phần lỗ xuống còn có 1,1 % (3,5 - 2,4).

Như vậy, nếu ngân hàng cho quốc doanh vay khoảng phân nửa (45 %) tổng số tiền gửi tiết kiệm, thì nội việc bớt nửa điểm nói trên đây đã đủ bù lỗ hoàn toàn cho ngân hàng. Thế là sướng cho ngân hàng, vì khỏi lỗ lã nữa, mà còn được tiếng “hy sinh” (!), vay của dân với lãi suất “dương” (?), để đem cho quốc doanh vay với lãi suất “âm” (?). Đúng là của người phúc ta ! Thế là thắng lợi cho tài chính, bấy lâu nay vẫn khăng khăng không chịu thanh toán bù lỗ cho ngân hàng! (1)

Rõ ràng việc hạ lãi suất tiết kiệm, lôi kéo sự giảm sút 12,5 % (0,5 : 4) thu nhập chính đáng của người gởi, nhất là trong tình hình giá cả tăng vọt theo đôla, vàng, hoàn toàn không phục vụ mục tiêu kinh tế nào cả. Cũng như việc cho quốc doanh vay với lãi suất “âm”, hoàn toàn không có lý do biện minh kinh tế nào cả ngoài lý do hễ là quốc doanh, thì luôn luôn được chấp xe, pháo mã!

Điều ngược đời là giờ đây chính là người dân (gởi tiết kiệm bị hạ lãi suất) phải gánh chịu, thay cho tài chính là người hưởng trọn, từ hồi nào đến giờ, thu quốc doanh và giao nộp ngân sách, phần “bao cấp và ưu đãi kéo dài và không giới hạn quốc doanh”.

Đôla, vàng tăng, lãi suất hạ, ba nội dung này, dù làm cho đầu óc ta quay cuồng (vì khó hiểu) và ruột gan ta thắt thẻo (vì vật giá leo thang) đến dâu, cũng chỉ là ba thân cây, không thể che khuất khu rừng vấn đề kinh tế của chúng ta. Khu rừng đó là gì?

+ Đó là vấn đề mặt bằng giá cả bỗng dưng bị dội lên, dưới tác động của một số nhỏ, rất nhỏ, những người có điều kiện nắm, hoặc đầu cơ đôla, vàng.

+ Đó là vấn đề công ăn việc làm (nhân dụng) và thu nhập hội bị giảm sút nghiêm trọng, với thất nghiệp gia tăng (tuổi vào đời, bộ đội giải ngũ, giảm biên chế, thất thế xã hội...) và thu nhập xã hội teo lại, do đình đốn kinh tế kéo dài, mất viện trợ, mất mùa...

+ Đó là vấn đề chính sách cấu tạo vốn và đầu tư. Tình hình cạn kiệt vốn hoạt động nghiêm trọng hơn lúc nào hết, do tiết kiệm của người dân bị lừa đảo, chiếm dụng, nhưng cứ được hy sinh mãi không thôi. Đầu tư nước ngoài chưa được bao nhiêu, do cơ chế và thủ tục chưa rõ ràng, phù hợp, làm người đầu tư ngán ngại. Trong khi đó, đầu tư trong nước vẫn chưa được quan tâm.

+ Đó là chính sách yểm trợ xuất khẩu chưa có, mặc dù kinh nghiệm nhãn tiền của Đài Loan, Nam Triều Tiên.

+ Đó là vấn đề hệ thống ngân hàng hoàn toàn chưa phù hợp với nhu cầu thấp bé của xã hội, nói chi tới nhu cầu phát triển!

+ Đó là vấn đề xây dựng nền tài chính, ngân sách, thuế khoá cần được “đổi mới căn bản” như ngành ngân hàng.

+ Đó là vấn đề xây dựng mới các xí nghiệp quốc doanh, thật sự là xí nghiệp chuyên nghiệp, là công cụ can thiệp hữu hiệu của Nhà nước trong sản xuất kinh doanh.

+ Đó là vấn đề san định luật pháp, thượng tôn luật pháp, bình đẳng và an toàn pháp lý cho mọi công dân .

+ Đó là vấn đề giáo dục, đào tạo, huấn luyện những lớp người mới phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế.

+ Đó là vấn đề hội nhập kinh tế với các nước trong khu vực (ASEAN) và thế giới, theo phương châm: “Chỉ có những người đồng đẳng mới bình đẳng”.

+ Đó tóm lại là vấn đề gia tốc phát triển để bắt kịp thời gian phí phạm. Khu rừng còn mênh mông. Rõ ràng ba thân cây không thể che khuất khu rừng.

30.8.91

Lâm Võ Hoàng

(Tuổi Trẻ, 31.8.9 1)

 

(1) Trung tuần tháng 10 tại Bangkok, trong khuôn khổ cuộc họp của Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế (FMI), ông Cao Sỹ Kiêm, thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tuyên bố Việt Nam quyết định sẽ bãi bỏ lãi suất âm dành cho các xí nghiệp quốc doanh và sẽ thực hiện bình đẳng giữa các xí nghiệp (chú thích của Diễn Đàn, theo các hãng UPI và Reuter)  

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Guimet Exposition: Marc Riboud 05/03/2025 - 12/05/2025 — Musée Guimet - Iéna, 6, place d'Iéna - 75116 Paris
Journée d'études du Réseau MAF 26/04/2025 - 26/05/2025
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Tiếng Tơ Đồng - GALA 25 ans 31/05/2025 15:00 - 19:00 — Théâtre l'Agoreine - 63B Bld du Maréchal Joffre - 92340 Bourg-la-Reine
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 20:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us