Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 2 / Cửa thiên đường chật hẹp

Cửa thiên đường chật hẹp

- Đoàn Bích Hồng — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 05/10/2010 22:03
Truyện ngắn


Cửa thiên đường chật hẹp


Đoàn Bích Hồng



Khi đội hình từ từ diễu qua cái khán đài tạm bợ dựng vội sát cửa biên giới và các chàng lính trẻ sống trong cảm giác tột đỉnh vinh quang thì Sơn nghĩ rồi đây nhất định mình phải học tập để trở thành nhà thơ. Anh cho là chỉ có thơ ca mới diễn tả được tận cùng những dục vọng và sự ngây thơ của con người. Chưa bao giờ anh cảm nhận sâu sắc đến thế cái đẹp của cuộc sống và nỗi kinh hoàng không bày tỏ được một sự kết thúc. Những chiếc áo dài trắng và pháo bông rực rỡ cùng hoa tươi như bay lên choàng lấy người trở về. Nhưng sau này khi hồi tưởng lại cái phút hiếm hoi đầy sung sướng ấy, anh chỉ nhớ thoang thoáng một thân hình con gái mảnh dẻ bên đường với ánh mắt đờ đẫn nhìn hàng quân cuồng nhiệt đi qua. Không có gì chắc chắn nhưng gương mặt câm lặng bắt anh phải nghĩ cô bé ấy không có người thân trở về qua đây.

Đất đỏ tiếp tục xoáy lên thành đám mây màu máu dưới bánh đoàn xe khổng lồ. Hàng người xôn xao cuồng nhiệt đột nhiên tắt lặng. Ngay trước mắt họ chiến tranh tưởng đã lùi đâu rất xa bỗng nhiên bày ra cái nụ cười ghê rợn nhất của mình. Hàng vạn tấm bia trắng xoá, im lặng trong nghĩa trang chói nắng. Lần đầu tiên họ được nhìn tận mắt những gì còn lại của chiến tranh mà bao lần đùa cợt hoặc sợ hãi họ nhắc đến nó. Đây là cái nghĩa trang nổi tiếng và duy nhất dành cho những ai không may mắn trong cuộc chiến đấu một mất một còn vừa kết thúc. Nắng tháng chín táp lửa xuống mặt đất cao nguyên làm cho cảnh vật trở nên dữ dội. Sơn rùng mình. Anh nhìn chằm chằm ba ngôi mộ ngoài cùng tươi hồng màu đất mới. Họ là những người cuối cùng trong cuộc điểm danh rùng rợn. Một trong ba người đó là lính của anh. Một cái chết lãng nhách! Trong buổi lễ rút quân bên đất K. cậu ta quá hào hứng khi nhoài người đón những vòng hoa từ tay các cô gái. Bị mất đà, cậu bé đã cắm thẳng đầu xuống mặt đường và chấn thương sọ não nặng. Ngôi mộ nằm bên phải là của một vị sĩ quan cấp tá đã ở chiến trường đúng mười năm. Ông thiệt mạng ngay trong ngày kết thúc vì chiếc xe chỉ huy bị lộn xuống sông trong lúc dẫn đội hình làm lễ. Những sự tình cờ quá khắc nghiệt. Sơn nghiêm trang ngắm nhìn các sĩ quan đặt vòng hoa lên mộ. Anh nghe nơi bả vai phải dội lên một cơn đau nhói, âm ỉ. Gần một năm trở lại đây, nó thường xuất hiện lúc anh xúc động, kèm theo cảm giác bị bóp thắt chỗ tim. Anh không muốn tin cái cơ thể khoẻ mạnh của mình lại chứa đựng một trái tim ốm yếu đến thế. Nhưng cơn đau càng rõ hơn và dồn dập đến mức không nghi ngờ gì nữa. Sơn đứng dậy nghển cổ nhìn sâu vào bên trong nghĩa trang. Anh cảm thấy bồi hồi khi nghĩ rằng nếu bước xuống xe anh sẽ lần lượt gặp lại những bạn bè đã chết.  

Lướt mắt trên những tấm bia chạy thoáng qua, Sơn bâng khuâng nghĩ không biết tiểu đoàn một ngày xưa của mình nằm ở góc nào trong cái màn trắng mênh mông này. Chệnh choạng lê bước trong cái lòng chảo máu ngày ấy anh đã tỉ mỉ góp nhặt cho bạn bè đủ mỗi người một phần cơ thể. Hai năm sau đó đêm đêm trong những giấc mơ anh vẫn tiếp tục lang thang tìm kiếm đồng đội, vẫn sống trong trạng thái ngơ ngẩn mù lòa nức nở gọi những cái tên không còn ý nghĩa. Và bên trong cái gói ny lông đề tên Nguyễn Ngọc Lâm anh không sao kiếm nổi cái chân nào ngắn ngủn như của thằng bạn thân. Đành xếp vào đấy một cặp giò dài ngoẵng và lạ hoặc. Hầu như không ai hiểu rành mạch mọi chuyện đã bắt đầu như thế nào. Ngay cả bây giờ lúc đã ngồi trước mặt người thiếu phụ kể cho nàng nghe cái chết của Lâm, chồng nàng, một lần nữa anh sống lại cái cảm giác kinh khủng của kẻ bị săn đuổi. Lạy Chúa! Không có dấu hiệu gì báo trước con người lầm lì ấy sẽ có một hành động như thế. Người thiếu phụ ngừng khóc và nói với giọng oán hờn:

Anh ấy học với em từ bé. Anh ấy thích môn lịch sử và luôn nghĩ mình phải lập nên những kỳ tích. Nhưng chẳng lẽ phái trở thành anh hùng bằng mọi giá hay sao?

Điều đó chưa bao giờ anh suy nghĩ nghiêm túc. Trong trí nhớ của anh lóe lên cái ánh mắt điên dại ngày nào của thằng bạn thân khi cậu ta ra lệnh cho người lính thông tin phải đánh đi cái bức điện định mệnh gọi pháo dội thẳng vào thung lũng ấy. Chưa bao giờ anh dám nghĩ đến một mảy may cá nhân nào đã chen vào cái hành động được miêu tả chói sáng trên tất cả các trang nhất báo chí thời kỳ đó. Kể cả lúc mười sáu người sống sót tả tơi và đẫm máu được đưa về gặp gỡ các nhà báo. Dù vừa bị thần chết sờ gáy, anh vẫn một mực chân thành ca ngợi ngườỉ đã chết. Chỉ có điều anh không nói với ai. Anh không muốn đọc bất cứ bài báo nào nói về sự kiện ấy.

Hai ngày liền chúng tôi lẩn quẩn trong thung lũng, bị một trung đoàn lính Pôn Pốt bám vào tận thắt lưng mà tỉa dần. Tiểu đoàn bị phạt quang từng mảng dưới làn đạn trung liên và B40. Hầu như rất ít hy vọng tiêu diệt cái bọn quỷ quái ấy. Chúng chiếm được chỗ lợi thế hơn. Sư đoàn đã điện cho rút theo đường khác và tạm thời mặc xác cái bọn quỷ sống đó đã.  

Kể cả những người giàu tưởng tượng nhất cũng khó hình dung cái phút những quả đạn pháo đầu tiên rớt xuống. Tiểu liên, trung liên, đại liên, B40 của cả hai bên im bặt ngay tức khắc. Gần năm trăm người bị làn pháo 105 ly hất vào nhau lẫn lộn. Những sinh linh nhỏ bé túm tụm vào nhau, mắt trắng dại kinh hoàng nhìn cái chết. Thịt người và đất đỏ tung lên. Máu, nhựa cây xối tràn mặt đất trộn với cơn mưa đầu mùa thành những vũng lầy tanh lợm.

– Thật ghê tởm! Mặt người thiếu phụ tái nhợt.

– Chiến tranh bao giờ cũng ghê tởm. Nhưng chiến tranh sẽ không bao giờ chấm dứt. Nó được nuôi sống bằng tham vọng, được ủng hộ bằng sự nhẹ dạ của con người.

– Trời ơi! Người thiếu phụ rên lên, co rúm lại thật đáng thương. Ở nàng gợi cho người ta cái ý nghĩ phải che chở, phải dịu dàng. Vậy mà số phận thật không công bằng với người đàn bà xinh đẹp này, đã đặt lên vai nàng một gánh quá nặng nhọc. Một bà quả phụ hai mươi lăm tuổi. Sơn thấy mình tàn nhẫn khi nói với nàng những chuyện ấy. Anh tự nhắc mình phải quên đi bởi nếu cứ nhớ lại tất cả mọi chuyện buồn thì làm sao có thể sống được. Ngay chính anh cũng thấy khó thở khi phải hình dung lại tất cả những gì đã trải qua. Phải một lần nữa sống lại cái cảm giác quằn quại khô cháy của những cuộc hành quân qua rừng khộp bạt ngàn vùng đông bắc.

Có ở đâu lại lạ lùng như cái xứ sở ấy. Mưa! Mưa mịt mù đất trời sáu tháng liền. Con người nhợt nhạt. Chân tay bị nước ăn thối khăn khẳn. Rồi đến nắng! Ngòi lạch, suối lớn suối nhỏ cạn ráo. Nắng điên người. Cây rừng rũ xuống màu chết chóc. Nhưng mùa khô chính là lúc thuận tiện để tổ chức những trận đánh lớn.

Có một mùa khô dường như khô và nóng bằng tất cả các mùa khác cộng lại. Vào thời điểm ấy diễn ra cuộc giao tranh lớn để đẩy toàn bộ quân khơmer đỏ bật ra khỏi những dãy núi đầy lợi hại dọc biên giới Thái Lan. Tiểu đoàn của anh đã đi qua suốt chiều dài chiến dịch một cách may mắn, thắng lợi mà tổn thất không đáng kể. Một tuần lễ nữa là kết thúc chiến dịch. Nhiều người đã mơ mộng gặp may có thể xin đi phép, hoặc ít ra được nghỉ ngơi một thời gian. Chỉ đáng tiếc chiến tranh hay có chuyện tình cờ làm đảo lộn những dự định. Sau trận đánh cuối cùng việc tiếp tế của cánh hậu cần bị gián đoạn đột ngột. Không một giọt nước dự trữ! Lần đầu tiên Sơn nhìn thấy người chết khát thế nào. Mấy thằng bạn cùng nhập ngũ một đợt với anh đã nằm lại. Cái chết đầy tức tưởi và vô lý đến mức không thể tin được. Hàng trăm con người cứ co quắp, khô cằn đi rồi bắt đầu xé áo quần trong cơn điên loạn. Không ai có thể nghĩ được điều gì khôn ngoan hơn là vứt súng vào bụi rậm và lăn xả vào đó hòng kiếm một bóng mát. Sơn cũng thế. Anh nằm sáu tiếng liền không nhúc nhích, nghe hai tai mình lùng bùng, thái dương bị siết chặt đau đớn. Người anh có cảm giác bị căng mỏng, khô quắt đi như con mực dưới nắng nhiệt đới. Phía trái anh, một cái giọng Quảng Trị không ngớt kêu gào chửi rủa. Hồi lâu kiệt sức hắn bắt đầu khóc lóc rên rỉ như đứa bé bị đòn. Rồi hắn gọi mẹ. Rồi chửi bới trở lại. Mãi khi Sơn nhận ra rất lâu anh không còn nghe cái giọng nặng trịch ấy nữa bèn gắng gượng quay lại thì gặp ngay một gương mặt đen xạm, méo mó trông rất đau đớn và xa lạ. Anh kêu thét lên, cố lăn xa ra vì sợ hãi và người bắt đầu giật bởi tuyệt vọng và căm giận điên cuồng. Anh cũng gào lên, như một con thú dữ cảm thấy cái chết lởn vởn bên mình: “Cho tôi sống! Cho tôi sống!!!” Đêm xuống mang theo làn hơi ẩm ướt đưa anh thiếp vào giấc ngủ mệt nhọc. Anh mơ thấy mình là con sên đất bò lết đi tìm cơn mưa. Mà hình như mưa thật. Nước mưa ngọt lịm từng giọt rơi tràn trên mặt, trên cổ anh. Sơn mở bừng mắt. Quanh anh có mấy người đang xúm xít. Họ cạy răng cố đổ nước vào miệng anh. Hai đứa bạn đồng hương đang ôm lấy chân anh khóc rống tựa những đứa trẻ lớn xác.

Ngay cả bây giờ, khi đã trở về sống giữa thành phố nơi cứ năm mét lại có một hiệu cà phê, anh vẫn để trong túi xách một bi đông đầy nước. Như một căn bệnh. Đúng hơn một nỗi sợ ám ảnh.

Một buổi chiều rất lâu sau đó Sơn lại ghé đến nhà người thiếu phụ. Anh liếc nhìn tấm ảnh bạn trên bàn thờ. Người ta đã làm lễ truy tặng danh hiệu anh hùng cho liệt sĩ Nguyễn Ngọc Lâm. Trông nàng trầm tĩnh và đẹp ra rất nhiều. Cái vinh dự của chồng nàng ít nhiều khuây khỏa và tạm nguôi cái chết bi thảm. Sơn nhìn nàng, nghĩ nàng còn trẻ quá và thấy thương nàng đứt ruột. Anh muốn nói điều gì cho nàng vui.

Em mừng cho anh đi. Kể từ ngày mai anh được cởi bỏ áo lính. Trở về với cuộc sống bình thường thôi!

Nhưng trong lòng anh có một tiếng kêu nghẹn ngào khác. Giá như có thể quên đi tất cả để được yên lòng toan tính tương lai. Chiến tranh chưa dễ buông tha con mồi. Nó tiếp tục sống trong anh, chia xẻ từng giấc ngủ đầy mộng mị. Giá như những người phụ nữ hình dung được cái cuộc sống của người lính có những bề mặt quái đản dở khóc dở cười thế nào. Hẳn nàng ghê tởm nếu như biết được...

Vậy mà anh lại khao khát được kể hết với nàng. Trông nàng trinh trắng tinh khiết quá. Hẳn nàng không thể hiểu nổi những người như anh một đôi khi ước ao được sống như những con người bình thường thế nào.

– Anh nghĩ gì mà đăm chiêu thế? Phun hết khói thuốc vào em rồi nè!

– Xin lỗi!

Sơn nhích ra xa và tiếp tục đốt điếu thuốc thứ hai. Nghĩ gì ư? Dường như cũng chẳng muốn nghĩ gì đặc biệt. Nhưng cuộc đời nó cứ hiện lên thôi. Đoạn mù mờ. Có đoạn rõ. Nhất là những gì mình muốn quên đi thì lại nhớ dai, nhớ đến từng chi tiết một. Thật cứ y như trêu tức mình vậy. Lúc nào anh cũng nhớ cái mùa thu xam xám, mưa rừng triền miên vào cái thời kỳ xa lắc xa lơ đầu cuộc chiến. Dường như mọi thứ, kể cả con người đều nhão nhoẹt vì mưa rừng, vì ngày về còn xa dằng dặc. Gần một năm liền bọn anh đã đứng chận ở vùng biên giới hoang vu không một bóng thường dân. Một lũ đàn ông sống với nhau, hom hem rã rời vì sốt rét, lúc nào cũng khao khát một người đàn bà. Ở đây họ đã buồn chán đến độ có thể nổi khùng lên bởi bất cứ chuyện gì. Quả thật cuộc sống cô độc, bất thường đã đẩy mọi trạng thái tình cảm đến chỗ quá đáng. Sơn đã nghe chuyện có đơn vị cũng đóng quân trong rừng lâu ngày, có người lính gặp đồng hương mừng quá hóa cuồng giương súng bắn chết bạn. Có người vào sống ra chết nhẹ nhõm như chơi. Thậm chí sau mỗi trận đánh anh ta còn dám lật các xác chết lên dùng dao rạch vào lưng phiên hiệu đơn vị mình để đe bọn lính Pôn Pốt. Tưởng anh ta thần kinh vững như thép. Ai ngờ gia đình viết thư báo tin vợ anh ta bị bọn cướp bóp cổ chết thì con người ấy bỗng hoá điên, xé quần xé áo chạy khắp rừng, miệng hú lên những tiếng man dại. Cuộc đuổi bắt chỉ chấm dứt khi vang lên tiếng nổ xé tai phía bãi mìn giữa hai biên giới.

Sau chuyện ấy dường như có một thứ ám tượng kinh hoàng nào đó ngự trị không gian nơi này. Mấy người lính trẻ tuổi đến tối co cụm bên bếp lửa thì thầm nói chuyện. Họ cho nhau xem thư của gia đình, bồ bịch, dặn nhau nếu tao chết mày viết thư về nói thế này, thế này. Cái cảnh những người hai mươi tuổi ngồi bàn soạn công việc sau khi chết thật kỳ dị! Sơn thường ru rú một góc. Anh không thể chia xẻ cùng ai những riêng tư. Nếu như anh chết sẽ chẳng có địa chỉ nào cần nhắn tin. Phải nghĩ đến thế thật đau khổ. Nhưng khi người ta linh cảm thấy hơi thở của thần chết, người ta không thể không ngó lại đôi chút vài quãng đời. Ví dụ như cái hồi anh mới tốt nghiệp đại học chẳng hạn.

Trong thời gian dài chờ việc lang thang khắp vùng trung du số phận đẩy anh một chiều nào đó đến núp mưa trong ngôi nhà dưới chân đồi dứa. Ở đấy anh gặp một gia đình nho nhỏ đang sống yên ấm. Hai ông bà già phúc hậu. Còn cô con gái họ đẹp làm sao. Anh làm thơ năm chữ, hái hoa đồng nội tặng cô. Và cuối cùng thì rủ được cô gái vào dạo chơi trong rừng. Bài thơ tình đẹp đẽ đến đấy thì trục trặc. Anh sực nhớ đến cái ước mơ của cha mẹ muốn anh có việc làm và một căn hộ xinh xinh ngoài thành phố. Trong chớp mắt anh nhìn thấy mình mồ hôi nhễ nhại đang gánh hai thùng nước ì ạch từng bước trên một đồi dứa mênh mông. Bất giác anh rùng mình. Không một lời từ biệt, thật ra cũng chẳng biết nói thế nào cho ổn, anh lẳng lặng đi luôn ra thành phố trong một buổi chiều mùa đông. Ngoảnh nhìn sau lưng, làng trung du tê tái trong cơn gió mùa đông bắc. Những cây dương liễu trên đồi giơ cành khẳng khiu như một bàn tay ngập ngừng vẫy.

Kể ra trời hay chính cô gái nọ thương tình chiếu cố đến cái tính hèn nhát của anh. Khách ở quê ra kể chuyện cô gái một mình nuôi con vất vả, nhưng không ai có lời bóng gió ám chỉ đến thủ phạm. Anh thở phào và bắt đầu đủ can đảm yêu đương nhăng nhít với một vài cô gái khác. Phải đến ba năm sau, khi về chịu tang mẹ anh mới có dịp hiểu ra hình như mình đã để tuột ra khỏi tay cái gì đó vô cùng quý giá. Chiều nào anh cũng leo lên cây hồi hộp chờ hàng giờ để ngắm trộm mẹ con người thiếu phụ tắm táp dưới suối. Một thằng bé mũm mĩm giống anh như tạc ôm cổ mẹ vòi vĩnh không chịu tắm. Mẹ nó hẳn vất vả lắm. Thằng bé xinh như tiên đồng đã gợi tình cha con trong anh mãnh liệt. Anh khao khát được dụi mặt vào cái cổ thơm tho con trẻ. Một chiều, vì tiếng cười khanh khách của hai mẹ con, anh đã giật mình buông tay và rơi thẳng xuống lòng suối.

Mỗi lần nhớ lại đến đó tim Sơn buốt nhói và anh cảm thấy nghẹt thở. Anh đã chọn không đúng tư thế để cầu xin. Người đàn bà đau khổ và kiêu hãnh nhất định không tha thứ cho cái kẻ rũ rượi quỳ giữa suối. Cô ta lùi xa ra nhưng kẻ khốn khổ đã kịp cảm thấy hai bàn chân bé nhỏ của con mình vô tình đạp đạp trên mặt. Và cái cảm giác ấy anh đã nâng niu gìn giữ mãi để cuối cùng nó tan hoà ra ngọt ngào và dễ chịu. Những đêm lạnh giá giữa rừng nghe tán chuyện yêu đương, anh hay lén lút nghĩ đến hai mẹ con người đàn bà dưới chân đồi. Không còn ngôi nhà tranh. Từ bấy đến giờ đã có bao thay đổi. Hai ông bà già đau buồn theo nhau chết cả. Cô gái đã bồng con đi lấy chồng. Một gã thợ mộc không làm thơ. Gã càng không bao giờ nghĩ chuyện tặng hoa. Ngày ngày gã cặm cụi chí chát trên từng tấm gỗ bào bóng loáng. Hết ngày, gã ngồi ở đầu hè tự thưởng cho mình một ly rượu. Kỳ nghỉ phép cuối cùng, anh đã bạo gan đến ngôi nhà gỗ của họ. Gã thợ mộc đang giở tay bào nhìn anh đến nửa phút. Rồi không nói không rằng gã đứng lên đi rót cho anh một ly rượu trong vắt sủi tăm li ti. Họ ngồi với nhau, nói loanh quanh chuyện trong làng dưới cặp mắt thảng thốt của người vợ. Anh cố đợi nhưng không thấy thằng bé. Được nửa giờ hết chuyện anh phải đứng lên. Họ chia tay nhau bình thản. Đi được một quãng anh lén ngoái lại thấy gã thợ mộc đang đưa mạnh những nhát bào. Người dàn bà đứng bên âu yếm nhìn chồng. Họ đã quên hẳn anh. Thế ra chính anh mới là kẻ bất hạnh bị bỏ lại bên đường???

Vào cái mùa thu xam xám ấy Sơn thấy muốn điên lên. Mọi thứ đều đồng lõa ám ảnh, đưa anh vào một thứ mê hồn trận quá khứ. Anh nằm lì trên võng nghe nhạc từ chiếc cát-sét nhỏ. Nhưng mỗi bài hát đều gợi nhớ tới một người bạn đã chết hay một kỷ niệm đẹp đẽ qua hẳn không trở lại. Mặt anh chảy dài. Anh muốn được nhìn cái làng nhỏ nghèo khổ sau dãy đồi cát, nơi hồi nhỏ anh thường chạy chân đất chơi trò trận giả. Anh kể cho Cường, thằng bạn nằm sát giường nghe những cảm nghĩ của mình. Hán cười khẩy: “Ô ng anh đừng vớ vẩn mà hóa điên. Tôi à, các kỷ niệm của tôi đều mốc meo đến nỗi không có loại nhạc nào có thể đánh bóng nó lên được”. Mấy thằng đồng hương trong đại đội nháy mắt nhìn nhau. Hai thằng ranh nhất lục ba lô tìm mấy hộp sữa quá hạn rỉ sét đem đi. Tối ấy Cường thảy xuống trước mặt anh mấy tấm hình cắt trong tạp chí. Loang loáng trước mặt anh những cặp giò trắng nuột hớ hênh, những bộ mặt khiêu khích. Hình khoả thân! Anh giật mình, lén nhìn xung quanh. Cả đám ngồi đàng xa theo dõi bật cười. Cường thân mật: “ Anh khô không khốc thế chứ tụi nó đứa nào cũng giấu trong ba lô vài tấm hình thế này. Đổi bằng sữa quá hạn đấy. Đời lính ấy mà! Chúng mình là những kẻ khốn khổ nhất. Cũng phải tìm cách cải thiện chứ! ”. Sơn đỏ mặt sực nghĩ chiều thứ bảy nào lán trại cũng vắng như chùa, trơ trọi mấy mống gác. Hỏi chúng mủm mỉm lảng chuyện. Anh mang máng hiểu cũng lơ luôn. Bây giờ nghe Cường huỵch toẹt ra chợt thấy xốn xang bứt rứt. Chiều xách đồ ra suối tắm anh thường vác theo cái rựa lớn hùng hục chém đổ rạp năm sáu cây khộp, kỳ mệt lử mới thôi. Cường vắt vẻo gần đấy quấn thuốc nhìn anh lắc đầu: “ Cái thân chúng mình cũng khốn nạn thật! Trai tráng khoẻ mạnh mà bị nhét vào xó rừng chay tịnh quanh năm. Này, tuần sau có xe về hậu cứ ba ngày anh cho em đi tranh thủ cải thiện một chút nghe!” . – “Thôi câm đi!” Sơn gầm lên chán nản nhìn bộ mặt câng câng của Cường. Cậu ta nhếch mép cười, bâng quơ: “Dào ôi! lòng vả cũng như lòng sung! Lên gân để làm gì? ”.

Để làm gì? Có lẽ tuân theo một thói quen. Bởi vì chiều thứ bảy Cường đến. Cậu ta nói đơn giản: “Đi chơi với em đi anh Hai!” . Sơn theo như cái máy. Hai người thận trọng luồn vào con đường mòn quen thuộc dẫn lên ngọn đồi cao rậm rạp. Thỉnh thoảng Sơn có lên đây để quan sát bên kia biên giới nơi có đồn biên phòng của lính Thái nằm giữa thung lũng. Họ chờ một lúc lâu trong bóng hoàng hôn đang xuống khắp khu rừng. Sơn nằm dài trên mặt đất hút thuốc. Anh cố ra vẻ bất cần về việc mình đã đến đây. Xét cho cùng, anh tự bào chữa, anh cũng chỉ là con người. Mà con người thì yếu đuối, không nên thử thách nó nhiều quá, phải để cho nó sống bình thường.

Cường ngồi cảnh giới trên cành cao. Cậu ta vô tư huýt sáo bài nhạc ngoại Because I Love You đang rất thịnh hành trong đám lính trẻ. Bỗng cậu ta kêu khe khẽ đầy hào hứng: “Ôi chao anh Hai ơi, hôm nay toàn bọn mới hấp dẫn thiệt!”

Trên đám cỏ xanh mượt bên kia biên giới có hai chiếc xe ca vừa đỗ lại. Tuôn ra từ các cửa một đám con gái phấn son rực rỡ, quần áo phong phanh như trên bãi biển. Lính Thái từ trong các nhà ùa ra, hò hét cười nói như hoá dại. Cuộc truy hoan tập thể cuồng loạn diễn ra ngay trên sân cỏ, từ lúc mặt trời chưa kịp tắt đi những ánh nắng cuối cùng, kéo dài đến gần nửa đêm. Những ông A đam và bà Ê va cứ trần truồng đi lại, xịt bọt sâm banh lên đầu nhau và chạy quanh quẩn tìm chọn một con mồi cho ngọn lửa dục vọng.

Khi những ngọn đèn điện quanh sân bị bắn vỡ hết, họ hè nhau chất củi đốt lên một đống lửa vĩ đại đủ soi sáng đến từng xó xỉnh xa xôi nhất và cứ thế trong bộ y phục của tổ tông họ nhảy múa. Mặc dù đã nhìn thấy nhiều người chết và đã từng bắn chết nhiều người, Sơn vẫn run từng cơn khi chứng kiến cảnh này. Anh có cảm tưởng đang xem những giờ phút tận thế của loài người. Rằng trước linh cảm huỷ diệt người ta sẽ bối rối không biết phải làm gì. Bản năng sẽ chỉ dẫn cho họ cách xịt rượu sâm banh lên đầu, làm tình và nhảy những điệu man rợ nhất.  

Không bao giờ Sơn quay trở lại ngọn đồi đó vào những buổi chiều thứ bảy nữa. Anh sợ phải sống lại cái cảm giác của người đang ở những phút cuối cùng của cuộc đời. Anh chống chọi một cách tuyệt vọng trong những giấc mộng, tỉnh dậy rã rời và đau khổ hơn bao giờ hết. Những trận mưa rừng dường như không bao giờ dứt, vĩnh viễn cầm tù cuộc đời anh ở đây. Và đêm đêm xen giữa những cơn ác mộng quái đản về bầy người trở về nguyên thủy thì cô ta lại hiện ra. Cô ta – người đàn bà mà anh căm thù nhất. Người đàn bà chỉ thoáng đi qua trong đời anh vài giờ đồng hồ mà không khi nào nghĩ tới anh lại không cảm thấy đau đớn. Cái cô bé diễn viên múa ấy. Quỷ quái thay, cô ta hiện ra giữa những giấc mơ của anh luôn luôn thánh thiện, dưới những dáng vẻ mê hồn. Cái dáng vẻ mà trong cơn giận hờn anh thường cố khoác lên cho nó những gì làm anh thoả mãn lòng tự ái, rằng cô ta tầm thường, rỗng tuếch và phù phiếm. Tóm lại không có gì đáng để nói. Thế nhưng bao lần tỉnh dậy anh bắt gặp mình đang siết trong lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi cái mảnh áo nhỏ xíu xinh như cánh hoa mà anh đã lén lút, như một thằng ăn trộm cuỗm nó trên cái dây phơi của đám diễn viên. Luôn luôn anh nhớ cô y hệt cái hôm đầu duyên dáng trên một cái xe tăng bất ngờ hiện ra trước mặt dám lính trẻ đang đờ người vì ngưỡng mộ. Anh nhớ cô mỏng manh trong bộ đồ múa, cặp mắt hoang dại lướt dọc theo cánh tay của điệu múa tế thần lửa. Anh nhớ cô co quắp nức nở dưới gốc bằng lăng khi tình cờ anh đã cứu cô thoát khỏi ba thằng bé tân binh định làm ẩu trong khu rừng thưa. Thân hình cô mới mềm mại và run rẩy làm sao, trong khi anh với tuổi trẻ và năm tháng bị giam hãm trong rừng đã dồn cho tình yêu muộn màng tất cả những cuồng nhiệt còn sót lại. Anh nhớ hết. Chỉ có tại sao điều ấy xảy ra nhanh chóng thế. Làm sao mà anh lại có thể liều lĩnh ôm ghì lấy cô ngay khi cô còn chưa đủ tỉnh táo để nói lời cảm ơn thì anh không nhớ nổi. Tất cả hệt như một tia chớp loà lên trong sự mê muội truyền đời và anh đã muốn khóc vì sung sướng. Nhưng đáp lại sự xúc động của anh là ánh mắt thất thần, hai bả vai trần so lại run rẩy. Anh vẫn chưa hiểu bởi quá ngây ngất vì cái hương vị ngọt ngào vừa bất ngờ khám phá. Cô quay gương mặt đẫm lệ về phía anh thì thầm như sợ những cây bằng lăng thưa thớt có thể nghe được những lời rời rạc: “Chúng ta làm gì thế này...? Không thể được...! Không được đâu” Những giọt nước mắt lại tràn ra và bị hàng mi dày ngăn giữ.Nếu như sau này một lần nữa số phận nối lại đường chúng ta đi thì lúc ấy biết đâu có thể được...!” Nhưng anh không chịu nghe một điều gì trong những lời phân trần của cô. Anh cảm thấy mình bị lừa phỉnh, bị xúc phạm và một cơn tức giận khó kìm nén làm anh phải quay đi nơi khác để che giấu gương mặt đang trở nên méo mó. Cô đưa vào tay anh một mảnh giấy: “Địa chỉ nhà em đây. Chỉ khi nào anh đã sống thật nhiều, đau khổ thật nhiều không còn con đường nào thoát ra thì anh hãy đến. Có thể khi ấy chúng ta còn hạnh phúc hơn cả hôm nay. Đừng căm thù em!”.

Đến khi anh tỉnh táo lại đôi chút thì cô đã đi xa. Mảnh giấy cô để lại cho anh cũng biến mất. Có lẽ một cơn gió vô tình nào đó đã làm hộ anh việc chặt đứt chiếc cầu nối cuối cùng. Tối hôm ấy khi dàn nhạc nổi lên trước hàng trăm con mắt háo hức của bộ đội thì cô lại cùng đội múa hiện ra. Vẫn cặp mắt hoang dại và thân hình uyển chuyển. Anh sợ hãi nhận thấy mình có một ý muốn man rợ được siết bàn tay vào cái cổ nõn nà kia để thấy cái đầu đang kiêu hãnh vươn cao phải rũ xuống. Sơn lủi thủi ra khỏi nơi biểu diễn, lang thang về lại doanh trại. Thốt nhiên anh dừng lại gắn chặt mắt vào cái dây phơi. Một cái áo lót phụ nữ có thêu hai chữ H nhảy nhót trước con mắt đã hoa lên. Bao nhiêu hồi tưởng và nỗi luyến tiếc ùa đến bóp nghẹt tim anh. Đêm ấy Sơn phải thốt lên: “Đồ ma quỷ” khi anh nhận ra mình đang điên dại vùi mặt vào cái kỷ niệm cuối cùng.

Anh đã qua suốt một cuộc chiến mười năm không vết xước. Lẽ dĩ nhiên chẳng ai cấp sổ thương binh cho những cơn ác mộng riêng tư. Chỉ đến khi thử theo bạn bè ngụp lặn trong những thú vui của thời bình thì anh mới hiểu mình đã ốm yếu suy sụp đến thế nào. Những cô gái điếm dịu dàng và thông cảm còn hơn cả một người thân vỗ về an ủi khi anh khóc hay trở nên cuồng giận vì thất bại. Một thời gian dài anh thấy khốn khổ và lo sợ mình không còn là đàn ông. Anh làm rầy tai các cô gái ngủ với anh những câu lảm nhảm về chuyện anh đã mang theo cuộc hành quân những cái xác chết ba tháng như thế nào. Họ vừa nghe vừa cười, bĩu môi không tin. Một lần anh lẩn thẩn hỏi họ về cô diễn viên múa có một cái nốt ruồi rất xinh dưới mắt. Nốt ruồi giọt lệ. Các cô cười phá lên, chỉ vào một cô bé còn rất trẻ bảo: “Nó đây này!” . Cô gái giật mình quay lại. Quả nhiên dưới mi mắt cô lóng lánh một chấm đen nhánh. Cô gái ngơ ngác: “Anh biết chị em?”. Sơn bật ngồi dậy, vơ vội cái áo choàng vào người: “Dẫn tôi đến chỗ cô ấy. Tôi cần gặp cô ấy!”. Cô gái òa lên khóc: “ Chị ấy chết rồi còn đâu. Chị của em xinh đẹp và kiêu ngạo hơn người. Vậy mà chồng chị bắt chị đến ngủ với những người giàu có quyền thế. Chị ấy không chịu anh ta đánh đập tàn nhẫn và chửi rủa đủ điều làm chị ấy uống thuốc tự tử. Lão anh rể em là một thằng khốn kiếp. Lão định bắt em thế chỗ chị gái để làm lợi cho con đường tiến thân của lão. Lão dọa sẽ không nuôi em ăn học nếu không nghe lời... Nhưng thà em đi làm điếm còn hơn!”. Cô gái cười như người lên cơn thần kinh. “Anh đã thấy ở đâu một cô sinh viên y khoa đi làm điếm chưa! ”. Sơn hoảng hốt chạy thốc ra khỏi căn nhà đó như bị một cơn gió thổi tạt đi. Cô gái đứng tựa vào lưng cửa nhìn theo. Hạt nốt ruồi dưới mi nom buồn hơn giọt nước mắt.

Thế là cái bến đậu mơ hồ cuối cùng của đời anh đã mất. Sơn lang thang trong thành phố ba ngày liền, tòng teng trên tay một cái bi đông cũ lúc nào cũng đầy nước hứng ở máy công cộng dọc đường. Cuối cùng anh thấy mình đứng trước cửa nhà người quả phụ của bạn anh. Nàng có nhà. Nàng mới gội đầu bằng nước thơm mùi trái táo khiến không gian quanh nàng ngọt ngào mùi trái chín. Tóc nàng đẫm nước. Mắt nàng nhìn xa xăm. Nàng hơi nhăn mặt khi thấy anh vào nhà không gõ cửa, áo quần xộc xệch. Họ im lặng nhìn vào mắt nhau trao đổi với nhau một câu chuyện không lời dài mấy tiếng đồng hồ. Anh đặt dưới chân nàng tất cả nỗi thống khổ anh gặt hái trong cuộc đời. Nàng nhìn thấy sừng sững trước mắt cái bức tường vô hình của vị trí xã hội, bằng cấp. Mắt nàng trở lại xa xăm. Nàng không nhìn thấy anh nữa. Anh hiểu hết!

Lại ba hôm nữa trôi qua. Người quả phụ nhận được một bức điện. Run run nàng cầm lên đọc: “Con trai chúng tôi đã chết vì một cơn đau lạ. Tang lễ cử hành lúc mười giờ sáng. Mong sự có mặt”. Người quả phụ run lên như một cây non trên đồi gió. Nàng gục mặt vào hai bàn tay. Ở đâu đó nàng nhìn thấy một đôi mắt mở rất to, đang nhìn nàng khẩn cầu.

 

Đà Nẵng, tháng 9-1990

Đoàn Bích Hồng

( Thanh Niên, xuân 1991).  

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss