Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 2 / Tưởng niệm Lưu Trọng Lư và Hồ Dzếnh

Tưởng niệm Lưu Trọng Lư và Hồ Dzếnh

- Đặng Tiến — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 05/10/2010 22:03


Tưởng niệm
Lưu Trọng Lư và Hồ Dzếnh



Đặng Tiến



Trong tháng 8.1991, làng thơ Việt Nam đã chịu hai cái tang lớn: nhà thơ Lưu Trọng Lư mất ngày 10, nhà thơ Hồ Dzếnh mất ngày 13 cùng tại Hà Nội.

Lưu Trọng Lư sinh ngày 19 tháng 6 năm 1912 tại làng Cao Lao Hạ, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, trong một gia đình nho học, thân sinh đậu cử nhân, làm tri huyện, mẹ mất sớm. Lưu Trọng Lư học trung học tại Huế rồi ra Hà Nội, rồi bỏ học viết báo, làm thơ, dạy học. Ông là một trong những người khởi xướng phong trào thơ mới, bằng những bài báo, buổi diễn thuyết và sáng tác. Tập sách đầu tay in 1933, Người sơn nhân, là một tập truyện ngắn có kèm mười bài thơ và một bài tham luận cổ vũ cho thơ mới. Những tác phẩm văn xuôi như Khói lam chiều (1936), Huyền không động (1937)... không có gì đặc sắc. Cuốn Chiếc cáng xanh (1941), tiểu thuyết bị đánh giá thấp thời đó, là một hồi ký hay, đánh dấu một thời đại.

Lưu Trọng Lư nổi tiếng với tập thơ Tiếng thu in 1939, gồm nhiều bài đặc sắc dạt dào tình cảm và gần gũi với sự thưởng ngoạn lúc đó. Những bài hay lại được Hoài Thanh Hoài Chân và Vũ Ngọc Phan trích dẫn trong các sách phê bình hay được phổ nhạc (Phạm Duy, Nguyễn Hiền, Phạm Đình Chương...) nên nhiều người biết.

Lưu Trọng Lư hăng say tham gia Cách mạng tháng 8. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp ông hoạt động ở Liên khu IV, có vài bài thơ năm chữ được phổ biến như Tiếng hát thanh niên (1949), Ngò cải đơm hoa (1951). Sau 1954 ông về Hà Nội, làm việc tại các cơ quan văn nghệ trung ương, quyền vụ trưởng Vụ nghệ thuật, tổng thư ký Hội nghệ sĩ sân khấu, làm thơ, viết văn, viết kịch. Mấy bài thơ Tâm sự đôi bờ, Sóng vỗ cửa Tùng (1958) nổi tiếng nhưng không đặc sắc. Ba tập thơ Toả sáng đôi bờ (1959), Người con gái sông Gianh (1966), Từ đất này (1971) cũng vậy. Sau 1975 ông vẫn làm thơ, đôi bài đọc được.

Năm 1987, nhà xuất bản Văn Học có cho in Tuyển tập Lưu Trọng Lư với nhiều thiếu sót và một bài tựa dở. Bài Trăng lên, nhiều người biết, là một trong những bài toàn bích của Lưu Trọng Lư, không có trong Tuyển tập.

Vừng trăng lên mái tóc mây
Một hồn thu tạnh mơ say hương nồng
Mắt em là một dòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em

Bài Say đăng trên Hà Nội tân văn số 13 ngày 9.4.1940 được truyền tụng nhờ Vũ Ngọc Phan trích dẫn trong Nhà văn hiện đại:

Ước gì ta có ngựa say
Con sông bên ấy bên này của ta
Trời cao, bến lặng, bờ xa...
Lao đao gió sậy, la đà dặm trăng.
Một mai bên quán lại ngừng,
Quẫy theo với rượu một vừng giai nhân.
Ta say, ngựa cũng tần ngần,
Trời cao xuống thấp, núi gần lên
xa.

Vào đến Tuyển tập, nó hoá thân như sau:

Ước gì ta có ngựa say
Con sông
bên, ấy bên này của ta
Ta say, ngựa cũng la đà,
Trời cao xuống thấp, núi xa lại gần
Ta say ngựa cũng tần ngần
Trên lưng ta quẫy một vừng giai nhân.

Suốt quãng đời đi theo cách mạng, Lưu Trọng Lư không làm được bài thơ nào thật hay, có thể là do tạng viết của ông. Nhưng một bài thơ đã hay, đã được nhiều người thuộc từ nửa thế kỷ nay, đang hay lại biến thành dở, thì chỉ có thể quy trách nhiệm vào một chế độ đã can thiệp thô bạo vào sinh hoạt văn nghệ và thẩm mỹ.

Hồ Dzếnh, nhà thơ Minh hương, tên thật là Hà Triệu Anh. Hồ Dzếnh là hai chữ Hà Anh đọc theo giọng Quảng Đông. Ông sinh năm 1916 tại làng Đông Bích, huyện Quảng Xương, Thanh Hoá, thân phụ là người Trung Quốc lưu lạc sang Việt Nam cuối thế kỷ XIX, gặp mẹ ông là một cô lái đò trên sông Ghép, tỉnh Thanh Hoá. Cuộc tình duyên này do ông kể lại trong tập truyện ngắn Chân trời cũ (1940).

Hồ Dzếnh học trường Thừa sai tại Thanh Hoá rồi ra Hà Nội học tiếp bậc trung học, có thơ và truyện đăng báo từ 1937. Chân trời cũ là một tập truyện ngắn có tính cách hồi ký, trong sáng và cảm động. Ông còn có cuốn Một truyện tình mười lăm năm về trước (1942) ký tên Lưu Thị Hạnh. Quê ngoại (1943) là một tập thơ hay, mang nhiều tình cảm tế nhị và đậm đà màu sắc quê hương – quê ngoại.

Giai đoạn Cách mạng tháng Tám, ông có làm thơ chính trị, trong tập Hoa xuân đất Việt (1946) nhưng không hay. Ông theo kháng chiến, về Thanh Hoá, cưới một nữ cán bộ; cô này mất sớm, để lại một đứa con trai bốn tháng (1950). Năm 1953 ông về Hà Nội, tục huyền với một cô cán bộ khác. Suốt thời kỳ này, Dzếnh ít làm thơ, chỉ có dăm ba bài đăng báo. Ông sống âm thầm giữa Hà Nội, làm thợ đúc thép rồi thợ cơ khí ở nhà máy xe lửa Gia Lâm.

Năm 1988, nhà xuất bản Văn Học cho in Tuyển tập Hồ Dzếnh, có bài tựa của Vũ Quần Phương chí tình. Nhờ đó mà ở miền Bắc có người biết đến, còn người nhớ lại Hồ Dzếnh.

Chúng tôi trích đăng dưới đây bài thơ của Dzếnh không thấy trong Tuyển tập, trừ hai câu đầu mượn lại từ bài Mùa thu năm ngoái trong Quê ngoại. Bài thơ đề tặng Phương Hương, dường như là một Việt kiều tại Pháp:

Sáng nay mùa thu

Trời không nắng cũng không mưa ,
Chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ nhung.
Em còn nhớ đến quê không
Bãi dâu vẫn đợi, con sông vẫn chờ.
 
Bâng khuâng câu chuyện tình cờ
Không mong nên hẹn, không ngờ thành thân.
Rất xa bỗng hoá rất gần
Dù chưa gặp mặt một lần, lạ chưa!
Sáng nay Hà Nội giao mùa
Hồ Thu. Tóc liễu. Tháp Rùa lung linh.
Nước non đây nghĩa đây tình
Đọc thơ em sẽ thấy mình trong thơ.

Trong Tuyển tập Hồ Dzếnh có bài Rủ em đi chợ Đồng Xuân đề tặng Hồng Phúc, là người bạn gái thuở hoa niên. Hai người biết nhau thời ở Thanh Hoá. Nàng ở phố Hàng Thao, sau lấy chồng Pháp, về Pháp. Những dòng tưởng niệm Hồ Dzếnh này, mong được đến tay hai người ấy.

Đ. T.

14.10.1991

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us