Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 2 / Yersin (1863-1943) : Một hành trình

Yersin (1863-1943) : Một hành trình

- Nguyên Thắng — published 24/05/2009 01:40, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:40
Sinh ra trên đất Thụy Sĩ, quốc tịch Pháp, nơi yên nghỉ cuối cùng của Yersin là Nha Trang. Một cuộc đời tám mươi năm, hơn nửa đời lăn lộn gắn bó với đất nước Đông Dương.

   

100 năm Viện Pasteur Việt Nam

 
Yersin (1863-1943) :
Một hành trình

 
Nguyên Thắng

 
Alexandre Yersin sinh năm 1863 ở Lavaux, Thụy Sĩ, học trung học ở Lausanne, 1884 vào năm thứ nhất y khoa ở Marburg. Nhưng rồi thích được tiếp tục ở Paris hơn. Năm 1885 theo học tại khoa của giáo sư Cornil, bệnh viện Hôtel - Dieu, năm 1887 làm ngoại trú bệnh viện Enfants - Malades và đến 1888 trình luận án về dạng lao củ thực nghiệm, đến nay vẫn còn được gọi theo tên kinh điển là " bệnh lao loại hình Yersin ". Năm 1889 ông nhập quốc tịch Pháp.

Thời đó bệnh nhân mắc bệnh chó dại từ khắp Âu châu đến khoa của giáo sư Cornil, xin được điều trị theo phương pháp Pasteur mới phát minh. Khi ấy Pasteur còn làm ở đường Ulm. Yersin vốn say mê vi sinh vật học đã xin gặp Pasteur và Roux từ 1886 và, vừa đi học, vừa làm không công cho phòng thí nghiệm đường Ulm, rồi cho Viện Pasteur khi Viện được khánh thành năm 1888.

Lúc làm tại bệnh viện Enfants - Malades, Yersin phải chứng kiến cảnh bệnh bạch hầu tác hại, làm cho trẻ em nghẹt thở mà chết trong đớn đau, ông thuyết phục Emile Roux, khi ấy đang mê say nghiên cứu vi trùng Koch, cùng ông lao vào tìm cách trị bệnh bạch hầu. Hai người phát hiện ra độc tố của vi trùng gây bệnh, và nhờ đó Roux cùng với Behring chế tạo nên huyết thanh chống bạch hầu.

1889, Roux nhận Yersin vào làm điều chế viên Viện Pasteur, tham gia giảng dạy vi sinh vật học.

Được một năm, Yersin vốn vẫn bị biển cả quyến rũ, nổi chí tang bồng, bỏ Viện Pasteur, làm thầy thuốc cho hãng Messageries Maritimes trên tuyến đường Sài Gòn - MaNí, rồi tuyến Sài Gòn - Hải Phòng.

Được ít lâu, sau khi đã nắm thêm kiến thức về các môn thiên văn, khí tượng, vật lý, nhiếp ảnh, Yersin đi thám hiểm vùng cao miền Trung, khi ấy chưa có người da trắng nào đặt chân tới. Các báo cáo của ông có minh họa bản đồ, bình đồ và ảnh chụp là những tài liệu đầu tiên về một số vùng đất nước Việt Nam. Trở về, Yersin vạch ra nhiều tuyến đường giao thông trọng yếu, một số là do chính ông chỉ đạo mở đường. Cũng chính Yersin đã xác định được nguồn sông Đồng Nai, trên đường thám hiểm tìm nguồn ông phát hiện một cao nguyên thoáng rất trong lành tại vùng Lang Biang. Đến 1897, khi Toàn quyền Doumer có ý định tìm chỗ lập một nơi nghỉ mát và một viện điều dưỡng lao trên rẻo cao, Yersin khuyên nên chọn cao nguyên ông mới tìm ra, nơi ngày nay là thành phố Đà Lạt.

Năm 1892, Yersin nghỉ việc ở Messageries Maritimes, trở thành thầy thuốc Sở y tế thuộc địa và bắt lại liên lạc với Viện Pasteur.

Dịch hạch nổ bùng tại Trung Quốc. Ngày nay ta khó mường tượng nổi vào cái thời chưa mấy gì xa xôi đó nguy cơ dịch hạch cho toàn thể thế giới ghê gớm đến chừng nào. Hiểm họa nạn dịch hạch lan tràn không chi cản nổi còn đậm nét trong trí nhớ của loài người : Đại dịch thời Trung cổ từ Ấn độ lan đi, không đầy 4 năm tràn khắp châu Âu, chỉ từ 1346 đến 1353 giết hại 25 triệu người, kể như là cứ ba hoặc bốn người thì chết mất một. Rồi dây dưa suốt ba thế kỷ, thỉnh thoảng lại bùng lên ở các đô thị lớn như Venise, Marseille, ... lần nào cũng để lại ấn tượng khủng khiếp cho người đương thời.

1894 dịch hạch tràn đến Hồng Kông, cảng san sát tàu biển các nước khắp năm châu. Nguy cơ bệnh theo đường biển mà lan khắp nơi hiển hiện trước mắt. Mà đúng thế. 1896 dịch tới Bombay, 1897 tới Suez, 1899 Madagascar, rồi những năm sau đó Alexandrie, Nhật, Đông Phi châu, Bồ Đào Nha, rồi Úc, Mỹ....

Trở về năm 1894. Anh, Pháp, Nhật ... nhiều nước phái người đến Hồng Kông nghiên cứu dịch hạch. Không khí sôi nổi ganh đua, tranh nhau tìm thủ phạm gây bệnh, khi ấy đã đoán được là một vi khuẩn lây giữa chuột và người nhưng chưa ai hình dung và biết đặc tính như thế nào để mà phòng ngừa, chạy chữa. Đoàn Pháp, tiếng thế nhưng thật ra lèo tèo gần như vỏn vẹn có mình Yersin, trang bị lại lôi thôi, không có lấy được cái lò hấp bảo đảm 37 độ C, nhiệt độ tối ưu để cấy vi trùng. Lò của Yersin hiu hắt khoảng 27 - 28 độ. Đoàn Nhật tuyên bố tìm ra trước tiên; nhưng sai, không đúng vi trùng gây bệnh. Con vi trùng Yersin phát hiện ngày 20 tháng 6 năm 1894 mới chính là thủ phạm dich hạch, ngày nay mang tên Yersina pestis. Cái nghèo lại đâm ra cái may, riêng đối với Yersina Pestis nhiệt độ cây tối ưu là 27 - 28 độ ! Sau đó Yersin trở về Paris, cùng với Calmette và Borrel chế tạo ra liệu pháp huyết thanh chống dịch hạch.

Yersin lập một phòng thí nghiệm ở Nha Trang nghiên cứu các bệnh người và bệnh dịch gia súc khi ấy thịnh hành ở nước ta. Ông chế tạo vac-xin và huyết thanh chống dịch hạch, chống bệnh dịch trâu bò, nghiên cứu các bệnh uốn ván, bệnh dịch tả, bệnh đậu mùa,... Để kiếm nguồn tài trợ cho phòng thí nghiệm, ông cho trồng bắp, cấy lúa, trồng cà phê; ông du nhập cây cao-su gốc ở Brasil (Hevea brasiliensis ) và luyện cho cây hợp với thủy thổ Đông Dương. Thế chiến thứ nhất, Đông Dương không có thuốc kí - nin để trị bịnh sốt rét. Năm 1920 Yersin du nhập cây canhkina (Cinchona ledgeriana), ba năm sau thành công và Đông Dương tự sản xuất được thuốc kí-ninh cho đến Thế chiến thứ nhì. Trong chiến tranh cây canhkina bị bỏ rơi. Yersin chủ trì lập trường Y khoa Hà Nội năm 1903 - 1904. Sau đó ông trở về sống ở Nha Trang cho đến ngày lâm chung năm 1943. Phòng thí nghiệm của ông chính thức trở thành Viện Pasteur Nha Trang từ 1903. Ông ít rời Nha Trang, mỗi tháng về Sài Gòn một lần vì ông kiêm nhiệm giám đốc Viện Pasteur Sài Gòn, và mỗi năm một lần về Viện Pasteur Paris mà ông là giám đốc danh dự từ khi người bạn cố giao của ông là Emile Roux mất năm 1933.

Sinh ra trên đất Thụy Sĩ, quốc tịch Pháp, nơi yên nghỉ cuối cùng của Yersin là Nha Trang. Một cuộc đời tám mươi năm, hơn nửa đời lăn lộn gắn bó với đất nước Đông Dương. Cuộc hành trình trên bốn mươi năm của con người ấy trên đất nước ta đâm hoa kết quả, cho đến ngày nay và chưa hết ra bông trổ trái.

Hoa đẹp để nhìn, quả ngon để hưởng, ấy là thường tình. Mấy ai nhớ đến người vỡ đất trồng cây. Gần đây, sau 1975, có những người làm khoa học trong nước cần gấp chi tiết về giờ giấc và mực thuỷ triều quanh năm ở Nha Trang, không tìm đâu ra tài liệu, gởi thư nhờ kẻ viết bài này đến lục ở Viện hải dương học Paris. Có ngay bản in đầy đủ giờ giấc chi tiết, với một hàng chú thích chữ nhỏ cuối cùng : giờ giấc, mực nước thủy triều này do Yersin ghi sổ tay trong những buổi đi câu ở Nha trang.

Mấy ai ngày nay còn nhớ đến nhà vị khuẩn học tài ba, nhà thiên văn, khí tượng học, nhà thám hiểm say mê đất nước Việt Nam, nhà kỹ sư nông học ảnh hưởng sâu đậm đến kinh tế cả ba nước Đông Dương.

Thế nhưng mộ chí Yersin và miếu nhỏ bên cạnh, trải bao vật đổi sao dời những năm chiến tranh tàn khốc vừa qua, vẫn hương khói không dứt. Không chắc gì những con người chất phác gìn giữ được khói hương đến nay hiểu công trình khoa học của Yersin. Khói hương là khói hương lòng, nhớ tình con người với con người, lúc sống đậm đà với nhau, người mất đi trăm năm tình còn chưa dứt.

Nhân kỷ niệm tròn trăm năm Viện Pasteur Việt Nam, nghĩ cũng nên nhớ lại Yersin, con người mãi mãi gửi xương gửi thịt cho đất nước ta.

 
Nguyên Thắng

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss