Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 2 / Yếu tố bỏ học

Yếu tố bỏ học

- Murray Hiebert — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 05/10/2010 22:03

Khủng hoảng giáo dục đi theo cải cách kinh tế



Yếu tố bỏ học


Murray Hiebert



Chính quyền cộng sản Việt Nam, đã từng dẹp bỏ các chương trình tư nhân cứu trợ xã hội ở các tỉnh miền Nam sau khi nắm chính quyền năm 1975, nay lại quay về với khu vực tư nhân nhằm mong cứu đất nước ra khỏi tình trạng hệ thống giáo dục đang suy thoái, học sinh bỏ học mỗi ngày mỗi nhiều, tinh thần ngày càng bại hoại.

Ở nhà thờ Cơ đốc Vinh Sơn tại thành phố Hồ Chí Minh, các bà phước dòng Từ thiện thánh Vincent de Paul vừa mở ba lớp học cho 77 trẻ em bụi đường lứa tuổi từ sáu đến mười lăm. Bà Béatrice Mỹ, người quản lý chương trình giáo dục nho nhỏ của dòng này nói rằng : “Chúng tôi mong dạy dỗ các em, tránh cho chúng không phải trở nên ăn mày, trộm cắp”.

Các bà phước dòng Từ thiện hiện nay đã mở được trong Thành phố năm trường tư thục dạy cho 358 trẻ em không nhà, mỗi em được ăn bữa trưa và hai bộ quần áo, quỹ do các nhà hảo tâm địa phương cùng trụ sở của dòng ở Paris đài thọ. Bà Mỹ giải thích rằng: “ Không cho ăn thì cha mẹ các em không chịu cho các em đến học”. Hiện nay cha mẹ cần có con phụ giúp mới đủ tiền lo cho con ăn.

Bà Mỹ chấp nhận dễ dàng là chương trình của bà chỉ bảo trợ được một phần chẳng thấm vào đâu so với số học sinh phải bỏ học trong toàn thành phố nhưng các bà phước không đủ tiền mở thêm lớp khác. Ông Cao Minh Thì, giám đốc Sở giáo dục và đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, ước lượng rằng trong thành phố hiện nay ít ra cũng phải đến 60.000 trẻ em từ sáu đến mười một tuổi không được đi học.

Sài Gòn Giải Phóng, tờ nhật báo chính thức của thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng năm vừa qua đã đưa con số 2 ,2 triệu người Việt Nam không biết đọc, biết viết. Và trong cả nước có đến 1,2 triệu trẻ em từ sáu đến mười tuổi thất học, thêm 1 triệu em khác trong lứa từ 11 đến 14 tuổi.

Vừa qua, Bộ trưởng giáo dục Trần Hồng Quân nói với báo chí rằng khó khăn kinh tế, cộng thêm biện pháp đổi mới của Đảng Cộng sản cho dân chúng được tự do kiếm tiền hơn trước đã làm tăng số học sinh bỏ học ngay trong cái xã hội Khổng giáo xưa nay vốn vẫn xem trọng học vấn này.

Ông Quân nói “Chúng tôi đang bước vào kinh tế thị  trường... vì thế nhiều gia đình con còn bé đã muốn cho đi làm rồi”. “ Lối giáo dục của chúng tôi không có dạy về khả năng nghề nghiệp, vì thế học đến cấp hai, cấp ba, cũng không thấy có lợi gì.”

Mặc dù có vấn đề như đã nêu ở trên, phần lớn các nhà giáo dục vẫn ca tụng chính phủ về những cố gắng phát triển hệ thống giáo dục sau ngày đánh bại thực dân Pháp năm 1954. Ông Quân nói rằng cần phải đối chiếu khủng hoảng giáo dục hiện nay với tình trạng năm 1945 khi mà cả nước chỉ có được 16 trường cấp hai, ba trường cấp ba và ba lớp đại học.

Hiện nay trong nước có 15000 trường cấp một và cấp hai, 1080 trường cấp ba và 102 trường trung cấp. Ông Quân nói rằng hồi 1945, 90% dân chúng không biết chữ còn ngày nay chín phần mười biết đọc biết viết.

Ông Quân nói “Cái hệ thống giáo dục đại chúng này vượt quá khả năng, sức lực nền kinh tế của chúng tôi”, Và vì thế ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.” Bộ trưởng nói rằng chính phủ đã tăng ngân sách giáo dục năm nay lên 12% tổng số ngân sách quốc gia so với 6,7% năm 1986, nhưng chấp nhận rằng tính theo đầu học sinh thì vẫn thấp hơn trước vì dân số tăng mau. Giám đốc Sở giáo dục thành phố Hồ Chí Minh Cao Minh Thì nói rằng Sở của ông ta chỉ nhận được có 50.000 đồng (tương đương với 5 ,6 đôla) mỗi năm cho một học sinh. Thành phố chi hết ba phần tư ngân sách giáo dục vào lương bổng giáo viên, chẳng còn bao nhiêu dành cho trang thiết bị mới và vật dụng giảng dạy.

Lương trung bình hàng tháng một giáo viên chỉ có 60.000 đồng, trong khi thu nhập hàng tháng ở khu vực kinh doanh tư nhân là trên 100.000. Ông Thì nói rằng năm ngoái có đến trên 1000 giáo viên bỏ việc vì lương không đủ ăn, ai ở lại dạy đều bắt buộc phải làm thêm nghề khác. Nhiều cha mẹ học sinh than phiền phần lớn các thầy các cô không dạy bài học căn bản trong lớp nữa mà căn dặn học sinh phải trở lại học kèm ngoài giờ để được thêm ngoại bổng.

Ông Thì nói “Chúng tôi phải rung chuông báo động về việc ngân quỹ giáo dục quá ít oi, nếu không thì có nguy cơ mất trọn một thế hệ.”

Ông Quân nói với báo chí rằng ở nhiều tỉnh, số thầy cô giáo bỏ việc cao hơn số giáo viên ra trường. “Vì thiếu giáo viên chúng tôi phải dùng học sinh trung học mới ra trường rồi được đào tạo thêm ít tháng”.

Các trường đào tạo giáo viên cũng nhận xét rằng thanh niên có tài không thích vào nghề dạy học nữa, một nghề trước đây rất được trọng vọng. Ông Đỗ Quang Ninh phó giám đốc Trường trung học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh nói rằng “Trường chúng tôi không thu hút nổi học sinh ưu tú vì họ thấy   mức sống người dạy học thấp quá.”

Đa số các nhà giáo dục và cha mẹ học sinh đều nói là chất lượng giáo dục sa sút rất nhanh trong mười năm vừa qua. Việt Nam cố nâng cấp chương trình giáo dục từ năm 1981, tăng thêm phần về đào tạo nghề nghiệp, về khả năng khoa học kỹ thuật, nhưng ông Ninh nói rằng vì mắc lo đời sống kinh tế khó khăn phần lớn thầy giáo không nắm vững nổi các môn học mới.

Cán bộ giảng dạy đều cho rằng rất nhiều học sinh đang trải qua một cuộc khủng hoảng ý chí học hỏi, vì học xong phải chạy hàng năm mới tìm ra được việc làm, lương đã thấp mà nạn thất nghiệp lại tràn lan. Ông Đào Công Tiến, hiệu trưởng trường Đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh nói rằng “Chất lượng sinh viên từ trung học qua thấp quá, họ không đủ kiến thức căn bản để vào đại học.”

Cái nghèo của Việt Nam cũng ảnh hưởng đến sinh viên được học bổng du học nước ngoài. Tờ Nhân Dân, nhật báo của Đảng tháng năm vừa qua đưa tin nhiều sinh viên du học bỏ hết thì giờ để lo làm tiền chớ chẳng học hành gì. Năm ngoái, 80% sinh viên Việt Nam du học xin được gia hạn ở lại nước ngoài.

Để cứu vãn hệ thống giáo dục khỏi tình trạng đang tuột dốc, từ mấy năm qua chính phủ đã bắt đầu thu học phí và cho phép mở trường tư. Mười sáu năm trước đây thì cải cách này hẳn bị buộc vào tội tà thuyết, khi ấy Đảng cộng sản vừa nắm được quyền bính đã tuyên bố rằng một nguyên tắc cốt lõi trong chính sách đối nội là giáo dục miễn phí, hoàn toàn do Nhà nước tài trợ.

Hiện nay, trên giấy tờ thì học sinh tại các thành phố phải đóng học phí từ 8000 trên 15000 đồng mỗi tháng. Thực ra thì cha mẹ học sinh than phiền về việc lạm dụng thu học phí quá cao đã xảy ra ở nhiều nơi. Tờ Tuần Tin Tức của Thông Tấn xã Việt Nam vừa rồi đưa tin rằng một số trường ở Hà Nội bắt học sinh đóng đến mười bảy, mười tám khoản lệ phí khác nhau.

Vì lo lắng chất lượng trường công sa sút trên khắp cả nước, một nhóm nhà giáo và nhà khoa học vừa mở trường tư thục đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh để dạy cho những trẻ em thành phố có năng khiếu nhất.

Một số nhà giáo khác tổ chức trường bán công và một trường đại học tư (l) để dạy cho những sinh viên không vào được trường đại học Nhà nước.

Trường trung học tư thục Trí Đức khai giảng vào hồi tháng sáu vừa qua mở hai lớp cho các em vừa học qua tiểu học – lứa 12 tuổi – với 20 thầy chỉ dạy nửa ngày. Trong số 200 em xin học, trường đã chọn 80 em được điểm cao nhất qua một kỳ thi sát hạch nhập học nghiêm túc. Trường dự trù trong những năm tới mở thêm lớp tới cấp trước đại học.

Ông hiệu trưởng Trần Văn Hảo, và cũng là một trong những người sáng lập trường nói rằng “Mục đích của chúng tôi là đào tạo nên các nhà chuyên môn tương lai trong các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghiệp, kinh tế và y tế”.

Trường dạy theo chương trình tổng quát của Bộ giáo dục, nhưng có thích nghi để đặt nặng thêm kiến thức kỹ thuật, đặc biệt về toán học, và máy vi tính, về ngoại ngữ nhất là Anh ngữ. Các thầy dạy đã viết lại các bài giáo khoa chính thức – thường phải học thuộc lòng trong đa số trường học – để tìm cách kích thích óc sáng tạo của học sinh qua các sinh hoạt như trò chơi toán học.

Tất cả các thầy dạy đều là nhân viên các trường hoặc cơ sở khoa học trong thành phố. Ví dụ như ông Hảo thì dạy toán và là giám đốc trung tâm máy vi tính ở trường Sư phạm. Để cho các thầy rảnh tâm chuẩn bị bài vở, trường trả công dạy tám giờ 100.000 đồng – bằng lương tháng giáo sư đại học Nhà nước.

Thu nhập chính của trường là thu học phí, học trò đóng 80.000 đồng một tháng, gấp năm lần học phí trường công. Dù vậy học phí vẫn không đủ để trường thanh toán tiền chi phí hoạt động. Trường không có trường sở và thiết bị, phải thuê lớp học của một trường công và máy vi tính của trung tâm tin học trường Sư phạm.

Nhiều trường trung học và đại học công kiếm thêm thu nhập bằng cách kinh doanh nho nhỏ. Trường Đại học kinh tế thành phố Chí Minh, 12.000 sinh viên nhưng chỉ có 260 người được học bổng Nhà nước, phải tự túc một nửa ngân sách bằng dịch vụ tham vấn cho các cơ sở kinh doanh địa phương và tổ chức tham quan cho du khách và giáo sư đại học ngoại quốc đến thăm Việt Nam.

Hiệu trưởng đại học Đào Công Tiến cho rằng chỉ có thể vượt qua cuộc khủng hoảng giáo dục trong cả nước này khi nào Nhà nước thôi không bao cấp giáo dục cho mọi trẻ em nữa. “Chúng tôi cần vận động cho những ai có sức phải chịu tham gia gánh vác phí tổn giáo dục”, ông viện lý rằng các biện pháp đổi mới kinh tế vừa qua của Đảng cộng sản đã giúp khu vực tư nhân hưởng lợi hơn ngân sách Nhà nước nhiều. Ông ta giữ ý kiến là “Nhà nước chỉ nên trợ cấp cho những học sinh nghèo nhất mà thôi”.


Murray Hiebert

Far Eastern Economic Review 19/09/91

Nguyên Thắng dịch




(1) Theo chúng tôi được biết thì ở thành phố Hồ Chí Minh hiện có nhiều đề án trường đại học tư nhưng chưa có trường nào thực sự khai giảng ( người dịch N.T.)  

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss