Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 3 / “Bác Hồ” hay “Ông Hồ”

“Bác Hồ” hay “Ông Hồ”

- Hàn Thuỷ — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 06/10/2010 12:10

Suy nghĩ nhỏ


“Bác Hồ” hay “Ông Hồ”



Ở đây xin dùng cụm từ “Chủ tịch Hồ Chí Minh”, để chỉ một người đã làm chủ tịch nước, cũng như có thể nói “Vua Quang Trung” và “Vua Gia Long”. Đó là những nhân vật lịch sử gọi tên họ (không biết chữ “họ” này có ổn không?) bằng vai trò lịch sử nổi bật nhất của họ là hơn cả.

Suy nghĩ nhỏ này nảy ra trong buổi ra mắt báo Diễn Đàn hôm trước. Một độc giả đã nói đại ý là: Trong Đoàn Kết bộ cũ, trước thì nói đến “Hồ chủ tịch”, “Bác Hồ”, gần đây lại có bài dùng chữ “Ông Hồ”, thế thì sau này sẽ đi đến đâu? Không biết độc giả nhớ có đúng không, vì lúc đó tôi hơi ngạc nhiên nghĩ: “nếu mình có đọc chắc đã giật mình, sao không nhớ”. Trừ phi có thể hai chữ đó nằm trong một đoạn trích dẫn. Giật mình vì bạn và tôi đều kính trọng chủ tịch Hồ Chí Minh như một nhân vật lịch sử vĩ đại, đều khó chịu trước hai chữ “Ông Hồ”. Nhưng tại sao thế? Nếu một người nước ngoài dùng chữ “Ông Hồ” một cách lịch sự nhưng không tôn kính, ta dễ dàng chấp nhận. Chúng ta có chấp nhận được một người Việt cũng xử sự như vậy hay không? Riêng tôi chỉ mong những thế hệ sau trong người Việt ở nước ngoài có được khoảng cách cần thiết để nhìn lại lịch sử và tự mình đánh giá các nhân vật lịch sử Việt Nam một cách bình thản, nói về họ một cách lịch sự và tự trọng; trong các nhân vật lịch sử đó dĩ nhiên có chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà đa số cha mẹ họ hiện nay chưa chắc đã muốn gọi là “Ông Hồ”.  

Tiếng Việt phản ảnh phần nào văn hoá và phong tục Việt Nam (trong đó không phải điều nào cũng xấu hay điều nào cũng tốt). Trong tiếng Việt có nhiều từ dùng xưng hô như: chú, bác, cha, mẹ, anh, em... nhưng không có từ hay cụm từ nào thực sự là một đại danh từ trung lập, dùng để chỉ người trước mặt hay người thứ ba, mà không mang theo bất kỳ một giá trị nào khác. Theo thiển ý, đó là do ở Việt Nam từ trước tới nay và từ Nam chí Bắc chưa bao giờ có bình đẳng. Một xã hội bình đẳng tự nhiên có một ngôn ngữ bình đẳng, tuy rằng điều ngược lại chưa chắc đúng, và tuy rằng bình đẳng cũng là một điều tương đối. Vì vậy, chỉ có một đề nghị nhỏ cho các nhà ngôn ngữ học và nhà văn Việt Nam, làm sao dịch chữ “il”, làm sao dịch chữ “vous”, vân vân..., để một người có thể nói với hoặc về một người khác một cách bình thường và bình đẳng. Một cách giải phóng tư tưởng ra khỏi những gò bó vô hình của ngôn ngữ là làm cho ngôn ngữ giàu thêm. Có thể bảo tiếng Việt có những nét riêng, không dính đáng gì tới dân chủ, tự do hay bình đẳng. Thực ra không hoàn toàn như vậy. Ngày xưa ở Pháp mấy ai được gọi là “Monsieur”! Đến Cách mạng 1789, ai cũng là “citoyen” và có một thời ở nhiều nơi ai cũng là “đồng chí”. Đó là những biểu hiện ngộ nghĩnh về mặt ngôn ngữ, chiếm một chỗ trống nào đó trong những khát khao của một lý tưởng mới. Nhưng rồi một trật tự khác được lập lên, và tuy ai cũng bình đẳng, có những người “bình đẳng hơn những người khác”. Và những chữ quá lý tưởng kia, người “phó thường dân” không còn ai muốn dùng.

Trở lại một vấn đề thời sự có liên quan, mà thật ra không liên quan gì đến chủ tịch Hồ Chí Minh. Không biết giữa hai cụm từ “Ông Hồ” và “tư tưởng Hồ Chí Minh”, cụm từ nào đáng để đặt câu hỏi: thế thì sau này sẽ đi đến đâu?

Hàn Thủy


Tái bút.

Tác giả trước viết báo Gió Nội, của sinh viên Phật tử tại Pháp giữa những năm 60. Sau một thời gian dài bút khô nay gặp duyên mực chảy lại, cho nên xin mạo muội tự giới thiệu. Bút hiệu lấy chữ trong bốn câu thơ nhà Phật, của một thiền sư nào nay đã quên:  

Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thuỷ
Nhạn vô lưu tích chi ý,
Thuỷ vô lưu ảnh chi tâm

Tạm dịch:

Nhạn bay qua trời dài
Bóng chìm mặt nước lạnh
Nhạn không ý gửi hình
Nước không lòng giữ bóng.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss