Bạn đọc và Diễn Đàn
Bạn đọc và
Diễn Đàn
Gần 100 bạn đọc đã tới dự buổi gặp mặt và thảo luận với ban biên tập Diễn Đàn chiều ngày thứ bảy 26.10 tại Centre Martin Luther King, Paris 14. Con số không nhỏ đối với một tờ báo mới ra được số đầu tiên (số 2, cũng vừa kịp in xong, nóng hổi nhưng dĩ nhiên chưa ai kịp đọc để có phản ứng). Trong không khí thân ái, những ý kiến nhiều màu vẻ, những đòi hỏi nữa, của bạn đọc thâm giao càng làm cho chúng tôi thấy việc ra tờ báo là phù hợp với yêu cầu của rất nhiều bè bạn, đồng thời là một trách nhiệm thật nặng nề đối với những anh chị em trong “ê kíp” làm báo. Những trách nhiệm chính trị mà không thể cứ lấy cớ rằng mình chỉ là một tờ báo để lẩn tránh. Trong cuộc trao đổi (qua đó, bạn đọc có mặt đã nhận diện những người của Diễn Đàn, mỗi người khi đứng lên phát biểu đều xác nhận tư cách thành viên của mình), chúng tôi cũng đã xác định lại một số ý đã được trình bày trên các số báo Đoàn Kết tháng 5.1991, và Diễn Đàn số 1 và 2. Song tất nhiên, nhiều vấn đề quan trọng còn “tồn tại”. Chỗ đứng của Diễn Đàn đối với chính quyền hiện nay ở Việt Nam là như thế nào, đối lập hay không đối lập? Diễn Đàn “phủ định” hay không phủ định quá khứ? Quan điểm của bộ biên tập về dân chủ (trong cụm từ “một diễn đàn vì dân chủ và phát triển”) cần được cụ thể hoá hơn ở nhiều khía cạnh...
Dưới đây, bên cạnh những ý kiến của một số bạn đọc (hoặc đã được phát biểu hôm gặp mặt, hoặc được tác giả gửi tới toà soạn sau đó), một thành viên Diễn Đàn xin nêu thêm một số suy nghĩ của mình, mở đầu một cuộc trao đổi về vị thế của tờ báo trong tình hình hiện nay.
Le Ressaisissement des clercs
Sau Đại chiến thứ nhất, một học giả Pháp, ông Julien Band có cho ra một quyển sách nhan đề là “La trahison des clercs” (sự phản bội của bọn trí thức). Sách này vừa được phát hành đã có tiếng vang ngay trong giới văn học Pháp thời đó. Hiện nay, người ta còn giữ cái tên rất kêu đó. Hôm nay, tôi mạn phép các bạn cũng lấy lại cái “tít” rất kêu đó, nhưng đổi đi một chút. Nó sẽ là “Le ressaisissement des clercs” (sự thức tỉnh của phái trí thức - Việt Nam tại Pháp).
(...) Le Forum Diễn Đàn của các ngài sẽ là một khí cụ để loan báo sự thực, để gào thét lên: đây là sự thực. Tôi mong rằng ý chí của các ngài không bao giờ tiêu tan. Như vậy, cuộc họp hôm nay nó sẽ là khởi nguyên của một cuộc phục hưng của xứ sở ta, nó sẽ đánh dấu một kỷ nguyên mới vì nó tỏ ra rằng: trí thức Việt Nam ở Paris đã ý thức được vai trò của mình.
(Ông Nguyễn Huy Bảo, Paris 14.)
Tâm sự gửi người bạn đồng hành
Tôi đã đọc hai số báo đầu của Diễn Đàn, từ đầu tới cuối, thích thú. Một phần là nhờ nội dung thích hợp. Phần khác là do những cây bút nghiêm túc. Nhưng phần lớn nhất là do những người chủ trương tờ báo đã chấp nhận thách thức để có một tiếng nói hoàn toàn độc lập.
Vài dòng dưới đây xin gửi tới DĐ tâm sự tuy tầm thường, nhưng chưa được dịp nói ra của một Việt kiều vùng Paris.
Tôi sống ở đây từ đầu năm 1971. Đến nay là đã hơn 20 năm. Trong hai thập niên đó và trên thành phố này, quê hương Việt Nam và phong trào Việt kiều đã chi phối rất nhiều tâm tư và cuộc sống của tôi. Hăng say bao nhiêu, thất vọng bấy nhiêu.
Vào những năm 70, hình ảnh một Sơn Mỹ, nơi lính Hoa Kỳ đã ngang tay tàn sát đồng bào vô tội; hình ảnh những B52 giội bom Hà Nội, Hải Phòng như vào chỗ không người...; và cạnh đó, hình ảnh một Quách thị Trang, một Nhất Chi Mai... đã thức tỉnh tôi: “Dậy mà đi”. Và từ đó, gắn liền một phần cuộc sống của mình vào phong trào Việt kiều tại Pháp.
Nhưng rồi những năm 80, hình ảnh những chiếc thuyền chở người tị nạn bập bềnh giữa biển Đông đã biến tâm hồn tôi thành một con đò phiêu lưu, vô định. Và, khi niềm tin đó bị đánh mất thì thập niên 80 thật dài tựa bằng thế kỷ!
Những lúc sau này, tôi thường nhớ lại câu nói xa xưa của một thằng bạn cũ, rất gần về tác phong nhưng lại rất xa về quan điểm. Hồi đó, hắn nói: “Chế độ Sài Gòn thối nát, điều đó tuy rõ. nhưng điều quan trọng hơn là nó không vĩnh viễn và có thể đổi thay. Còn với chế độ Hà Nội thì suốt đời mày vẫn chỉ là một công dân hạng nhì mà thôi”.
Tôi đã lầm và hắn cũng đã lầm. Tôi đã lầm khi tin vào chính sách hoà hợp, hoà giải dân tộc của Cách mạng Việt Nam. Còn hắn, hắn đã lầm khi nghĩ rằng Cộng sản là vĩnh viễn. Phải chờ hai mươi năm, hoà hợp, hoà giải mới thật sự đến trong lòng hắn và tôi khi mỗi đứa đều đã mất đi cái “chân lý độc tôn” của mình.
Tâm sự này, hôm nay tôi gửi tới DĐ, như tới một người bạn đồng hành. Bởi qua đây, có lẽ tôi dám nhìn về tương lai mà không đánh mất một quá khứ.
(Ông Nguyễn Song Lam, Paris.)
Về sự tìm kiếm một thế đứng
Câu hỏi của một bạn đọc hôm gặp mặt 26.10 vừa qua, về thế “đối lập” của Diễn Đàn với chính quyền, dễ mà thực ra khó trả lời.
Dễ, như người viết bài này đã nêu lên ngay hôm ấy: một tờ báo không phải của một tổ chức chính trị nào như tờ Diễn Đàn không cứ gì phải chọn lựa trong hai lập trường đối kháng, hoặc ủng hộ hoặc đối lập với chính quyền. Đúng nghĩa của một tờ báo, nó sẽ cố gắng thông tin trung thực, và bình luận theo suy nghĩ của mình. Nếu một hành động, một chính sách của chính quyền được người biên tập viên cho là hay, là đúng thì người đó sẽ nói rằng đó là hay, là đúng; và tất nhiên, ngược lại, người viết hoàn toàn có quyền bình luận rằng một hành động, một chính sách của chính quyền là sai, là có hại cho dân, cho nước, theo ý của người ấy. Nói cho đúng, ban biên tập của tờ Đoàn Kết cũ ra riêng, làm tờ Diễn Đàn này cũng vì muốn được ăn nói như ý mình như vậy. Đơn giản.
Nhưng hình như, vậy mà không phải vậy!?
Có ít ra hai luồng dư luận muốn coi điều đơn giản ấy khác đi (ở đây cần nói rõ, người viết hoàn toàn không đánh đồng phát biểu của bạn đọc nói trên vào một trong hai luồng dư luận kia, mà chỉ muốn nhân đây trình bày một thực tế nào đó). Sự tình cờ (?) là hai luồng dư luận ở về hai cực đối nghịch trên bàn cờ chính trị. Của những người không quen chấp nhận bất kỳ một thái độ phê phán, phản kháng nào. Từ đảng Cộng sản Việt Nam và những tổ chức của họ, hoặc từ những người tự xưng là “quốc gia”, người ta cùng chia sẻ một phương trình: phê phán chủ nghĩa xã hội = chống cộng. Chỉ có tên gọi là khác. Một bên gọi anh là “phản động”, và từ trong bí ẩn của bộ máy, quá trình của lô-gic loại trừ đã khởi động, khó ai biết đích xác từ lúc nào. Bên kia, dĩ nhiên “hân hoan” đón anh “trở về với hàng ngũ quốc gia”...
Nói lên điều này không có nghĩa là nói cả hai bên chỉ toàn những người như vậy. Điều hiển nhiên, nhưng có lẽ nói ra không thừa!
Nhưng, hãy gác qua một bên những tín đồ của phương trình cực đoan nói trên. Câu trả lời về thế đứng của một tờ báo nghe ra vẫn chưa thuyết phục hẳn. Làm sao lại có thể đứng độc lập với chính quyền mà không đi với “bên kia” được? Khó là vì thế. Vì cả một quá khứ gay gắt còn quá gần gũi, không cho phép những khác biệt được khẳng định. Lôgic chiến tranh chỉ có hai bên, mỗi người dân cuối cùng đều chịu tổn thất. Khó, có phải vì còn một quá khứ xa xôi hơn nữa, một nét văn hoá “dân tộc”, chưa (không?) quen sự tự khẳng định của mỗi cá nhân, tất cả cuộc sống đều do những tập thể (gia đình, làng xã, quốc gia...) chi phối, và do đó không ai có thể được định nghĩa mình ngoài cái khuôn khổ tập thể ấy – ở đây trong một lĩnh vực dính nhiều tới chính trị, đó là khuôn khổ quốc gia –? Người ta còn nhớ những bài viết nảy lửa của Phan Sào Nam, khẳng định: Độc lập là do hợp quần mới có.Còn nếu như mỗi người một lòng, mỗi người tự làm riêng một đảng, khuynh loát lẫn nhau, tàn hại lẫn nhau, đó là điềm ly tán tuyệt diệu, thì làm gì còn có độc lập? Vấn đề ở đây không phải là việc lập đảng khuynh loát lẫn nhau, lại càng không có sự tàn hại lẫn nhau, mà phải chăng, có thể và nên có một kiểu nhìn khác, xây dựng một tinh thần độc lập khác, là trong đó người ta có thể suy nghĩ khác nhau mà vẫn cùng nhau sinh sống thuận hoà, cùng nhau hợp tác làm những công việc có lợi chung? Trong một bài viết cực hay, nhà sử học Vĩnh Sính (trên số 5 và 6.1991 của đồng nghiệp Đất Mới, Canada) đã đối chiếu quan điểm của cụ Phan với quan điểm của Fukuzawa Yukichi, một chính khách Nhật sinh trước cụ chừng 30 tuổi. Fukuzawa Yukichi cho rằng căn bản độc lập quốc gia là tinh thần độc lập của mỗi người trong nước, rằng chỉ những người có tinh thần độc lập mới có thể toan tính sâu xa cho đất nước của họ. Chia sẻ quan điểm đó, người viết bài này thiển nghĩ rằng một tờ báo như tờ Diễn Đàn, muốn góp phần tranh đấu vì dân chủ và phát triển ở Việt Nam phải có tham vọng phá vỡ hai thứ lôgic của quá khứ nói trên, lôgic của chiến tranh và của một lối suy nghĩ có lẽ đã “góp phần” không nhỏ vào tình thế lạc hậu kéo dài của đất nước chúng ta.
Phải chăng, chỗ khác của tờ báo đối với các tổ chức chính trị là ở đó?
Dĩ nhiên, chỉ có thời gian mới trả lời được một cách thuyết phục rằng thế đứng độc lập của tờ báo là thực như những “tuyên bố” của nhóm anh em chủ trương nó. Đồng thời là một thế đứng được, vượt qua được những thử thách, cạm bẫy muôn vàn của cuộc sống. Nhưng, nếu không đặt bước chân đầu tiên vào cuộc thách đố, làm sao để biết là có thể thắng?
Hòa Vân
Tái bút
Một tin mừng, cũng xin nhân dịp này thông báo cùng bạn bè thân thiết: tới ngày lên khuôn số báo này, số bạn đọc ghi mua dài hạn và ủng hộ Diễn Đàn đã đạt con số 600. Cũng nhân đây, xin trả lời một câu hỏi một vài bạn đọc có đặt ra cho chúng tôi, về mục tiền “ủng hộ” báo. Số tiền 250F một năm là tiền đủ để ra 11 số báo – giấy mực, in, tem... nhưng hoàn toàn không đủ để Diễn Đàn tới được tay những bạn đọc ở trong nước, và cả một số không nhỏ ở Đông Âu, là những bạn đọc không có phương tiện tài chính để mua báo.
Các thao tác trên Tài liệu