Cộng đồng... đó đây...
Cộng
đồng... đó đây...
Trịnh Thị Nhàn trình tấu đàn piano ở Paris
Chủ nhật 17.11.91 vừa qua, tại ngôi nhà thờ Saint Merri nổi tiếng nằm ngay giữa trung tâm Paris, nhạc sĩ piano Trịnh Thị Nhàn đã trình tấu cho công chúng Pháp, quốc tế và Việt kiều nghe một chương trình nhạc cổ điển khá dồi dào, phong phú: Bach-Busoni, Mozart, Liszt, Chopin, Beethoven. Rachmaninov, Albenius.
Trong khung cảnh thường ngày vẫn thâm nghiêm của giáo đường, với kiến trúc cổ kính thời Trung cổ, hơn 700 người đã lắng tai nghe tiếng đàn êm dịu của Trịnh Thị Nhàn âm vang trong một không gian lý tưởng dành cho sự thưởng thức nhạc cổ điển.
Đây là lần đầu tiên Trịnh Thị Nhàn biểu diễn ở Paris trước một cử toạ đông đảo thế.
Sinh tại Hà Nội, trong một gia đình nghệ sĩ (bố cô là hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc, nhà hoạ sĩ lão thành nổi tiếng về vẽ tranh đẹp nhưng đồng thời cũng vì không bao giờ ông muốn làm triển lãm tranh của mình cho mãi tới cách đây vài năm). Trịnh Thị Nhàn bắt đầu được học nhạc từ năm 6 tuổi. Năm lên 9 tuổi, cô được vào học ở Nhạc viện Hà Nội và 3 năm sau được tuyển chọn trên số 200 thí sinh để đi học ở nước ngoài. Nhưng rồi chiến tranh đã không cho phép cô thực hiện chuyến đi ấy và cô đã tiếp tục học tú tài để rồi đến năm 1975 trở thành một kỹ sư mỏ. Đồng thời cô được nhận vào học ở Viện Cao đẳng quốc gia Âm Nhạc Hà Nội. Năm 1982 cô đại diện cho Việt Nam đi thi cuộc thi quốc tế Tchaikowski và được đi biểu diễn trong 6 tháng ở Liên Xô.
Được bổ nhiệm giáo sư tại Viện Cao đẳng quốc gia âm nhạc Hà Nội, cô vẫn tiếp tục trình tấu nhạc cổ điển ở các buổi hoà nhạc và trên đài phát thanh Việt Nam.
(Phóng viên Diễn Đàn)
Tiếc thương một tài năng
Ngày 24.6.91, nhà bác học Nguyễn Hữu Minh Chí đã đột ngột từ trần vì bệnh gan tại Los Angeles (Mỹ). Ở tuổi 39, Nguyễn Hữu Minh Chí đã từng giữ chức trưởng phòng nghiên cứu vi trùng học và từ năm 1988 đã được bổ nhiệm giáo sư tại Đại học USC, Los Angeles. Sống độc thân, anh đã dành phần lớn thời giờ của mình cho nghiên cứu khoa học. Từ năm 1983, anh chuyên nghiên cứu về bệnh ung thư. Mấy năm gần đây, anh tập trung nghiên cứu về bệnh SIDA và chứng sinh quái thai.
Sau khi anh mất, người ta đã tìm thấy ở phòng thí nghiệm của anh nhiều tài liệu quí báu liên quan đến những tìm tòi, nghiên cứu về bệnh ung thư, SIDA và sinh quái thai. Cũng tại đây người ta đã tìm thấy hàng ngàn con chuột thí nghiệm, trong đó có những con hai mõm, năm chân, mọc thêm xương sườn, v.v... do bị chích thuốc thử nghiệm về chứng sinh quái thai.
Nguyễn Hữu Minh Chí sinh năm 1952 tại Hà Nội và mồ côi cha khi mới lên ba tuổi. Năm 1954, gia đình anh vào Nam. Năm 1970, anh được học bổng sang học ở Cộng Hòa Liên Bang Đức, đến năm 1980 đậu bằng tiến sĩ (Ph.D.) hạng tối ưu. Sau đó, anh được mời sang Mỹ dạy ở Đại học Columbia (New York). Cũng trong năm 1980, anh được uỷ ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước Việt nam mời về giảng dạy một số giờ về di truyền học. Năm 1988 anh được mời về dạy ở Đại học USC ( Los Angeles).
Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Nguyễn Hữu Minh Chí đã trăn trối lại với những người thân, yêu cầu hoả táng thi thể anh và đem tro về chôn bên cạnh mộ của bố mẹ ở quê nội, xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây.
( dựa theo Thùy Anh – báo Thanh Niên 6.10.1991)
Từ một sáng kiến ra đời cách đây 25 năm
Từ ba năm nay, cứ hàng năm lại diễn ra, tại toà lâu đài cổ kính của thành phố Blois, một cuộc hội thảo quốc tế giữa các nhà khoa học không phân biệt hoạt động trong lãnh vực lý thuyết hay thực nghiệm. Người đứng ra tổ chức những cuộc hội thảo này là ông bà Trần Thanh Vân, hai nhà khoa học Việt Nam, Jean Trần Thanh Vân nghiên cứu về vật lý lượng tử và Kim về sinh thực vật học. Cả hai đều làm ở Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS).
Sáng kiến qui tụ các nhà nghiên cứu khoa học hoạt động trong hai lãnh vực tưởng như cách biệt hẳn với nhau, trong một khung cảnh hấp dẫn, thoải mái, thực ra đã được Jean và Kim Trần Thanh Vân đem áp dụng từ 25 năm nay kể từ lần đầu tiên, ông bà đã mời các nhà khoa học đến Courchevel để trượt tuyết và ... làm việc.
Từ đó nảy sinh ra những cuộc gặp gỡ, trao đổi hàng năm mang tên: “Les Rencontres de Moriond”.
Tại những cuộc hội thảo này đã từng có mặt nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới khoa học quốc tế. Nhà bác học Sakharov là một trong những thành viên của Ban chủ tịch danh dự.
Các cuộc hội thảo ở lâu đài Blois thực ra chỉ là sự tiếp tục và phát huy một truyền thống tốt đẹp đã có từ lâu.
Năm nay, cuộc hội thảo đã diễn ra trong 5 ngày, 5 đêm liền, từ 14 đến 19.10.91. Đề tài hội thảo là: “Nguồn gốc của sự sống”.
Ông Jack Lang, thị trưởng thành phố Blois, bộ trưởng bộ Văn hoá, bằng sự có mặt của mình đã nói lên cảm tình của ông đối với việc làm của các nhà khoa học.
( dựa theo báo L'EXPRESS ngày 3.10.91)
Một thuyền nhân được phong linh mục
Joseph Vũ Thái Hoà, một “thuyền nhân” vượt biên năm 1982, tới Pháp năm 1983, năm nay 30 tuổi, vừa được đức giám mục Jullien phong cho làm linh mục tại nhà thờ lớn thành phố Rennes.
Theo lời kể của Joseph Vũ Thái Hoà, anh vượt biển cả thảy bảy lần, đến lần thứ bảy mới đi thoát. Bố mẹ anh đã phải trả một giá rất đắt cho chuyến ra đi của anh, với ước nguyện một ngày kia con mình sẽ trở thành thầy cả. Người anh ruột của Joseph Vũ Thái Hoà, sang Pháp từ năm 1980 cũng làm linh mục ở thành phố Tours. Bốn trên bảy người chị của anh tất cả hiện còn ở bên nhà đều là những nhà tu hành.
Ngày Joseph Vũ Thái Hoà được phong chức linh mục, cộng đồng giáo dân Việt Nam tại thành phố Rennes gồm khoảng 400 người đã có mặt đông đủ, nhưng điều vui mừng lớn nhất đối với Joseph Vũ Thái Hoà là cả bố mẹ anh cuối cùng cũng đã được phép sang Pháp để dự buổi lễ long trọng này.
( dựa theo tin thông tấn xã Rennes 9.91)
Văn Hoàng Thái đá banh xuất sắc
Văn Hoàng Thái năm nay 17 tuổi. Em sinh ở thành phố Hồ Chí Minh và được xuất cảnh theo diện đoàn tụ gia đình tháng 9.1981.
Khi còn ở Việt Nam, Thái chỉ là một cậu bé 7 tuổi, học lớp 2 trường phổ thông cơ sở An Bình, nhút nhát và ít khi ra đường. Em bắt đầu làm quen với quả bóng đá từ khi sang tới Baerum (Na Uy). Ở đây, năng khiếu bẩm sinh của em bỗng như được đánh thức dậy. Em thích chơi ở hàng tiền đạo. Mới đây trong trận chung kết, gặp đội tuyển Molde, Thái đã một mình ghi tới 3 trên 4 bàn thắng.
Hiện Thái vẫn đang theo học trung học. Em học ở trường từ 7 giờ đến 4 giờ chiều. Sau đó ôn bài 1 giờ, rồi đi tập đá bóng cho đến (*) giờ tối.
Thái cho biết em dự định năm sau em sẽ về thăm quê hương và ao ước được đá một trận giao hữu trong thời gian lưu lại quê nhà.
Theo lời huấn luyện viên của đội bóng vùng Baerum, con đường đến với bóng đá chuyên nghiệp của Thái không còn xa mấy và “cặp giò” của em đáng giá bạc triệu!
( dựa theo Minh Đức – báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 38 – ngày 29.9.91)
(*) Trên báo giấy viết : 4 giờ tối, hiển nhiên có sai lầm, có lẽ là 6 hay 7
Các thao tác trên Tài liệu