Cư trú
Cư trú
Trần Chính
Sử dụng phép so sánh nghĩa là phải đặt ngôi nhà của em trong một tương quan nào đó. Người ta sẽ đánh giá nó to lớn hay bé nhỏ, hỏng nát hay còn bền chắc, vị trí sinh sống thuận lợi, hay không thuận lợi, rồi hướng nắng, gió v.v... cùng các chỉ tiêu khách quan chủ quan khác. Ngôi nhà được xác định giá trị. Thậm chí chỉ cần vài lời mô tả họ vẽ ngay ra diện mạo, làm em nghi ngờ sự hiểu biết của chính em về nó. Em sinh ra, lớn lên ở đây, thuộc từng chỗ mèo ngồi rình chuột, những mảng tường lở lói rêu phong nơi dòng kiến âm thầm đi qua, mọi xó tối em náu mình chơi trốn tìm, hồi hộp khi bạn em thở hổn hển bên cạnh rồi lại huỳnh huỵch bỏ chạy... Ngôi nhà không thể chỉ là cái vỏ câm lặng chứa người. Nhưng khi nào em lấy chồng, sinh con, người ta gọi là khi em trưởng thành, trở nên một người thực tế em sẽ hiểu vấn đề nhà cửa.
Những cư dân lớn tuổi lúc mất điện, hiếm nước, tắc xí, trẻ nhà nọ đánh trẻ nhà kia, hoặc trời quá nóng nực lại than vãn rằng: ngày xưa ngôi nhà không như thế, nó yên tĩnh, thoáng mát và nhất là ít người. Họ kể với nhau xưa nữa đây là cái vi-la của một phú thương người Nhật, cũng theo họ, buồng nhà em là buồng kho áp mái. Căn buồng hướng đông-tây, hướng đông mặt phố, chỗ cây bàng già nua vươn cành ngang cửa sổ, những con sâu kèn dai dẳng tàn phá khiến mỗi chiếc lá bị ăn thủng xác xơ như miếng lưới vớt cá. Phía tây, cùng với các hậu nhà khác lập thành cái giếng trời bốn cạnh. Căn buồng đủ các điều kiện hưởng nắng gió, nhiều nắng gió quá rất hao người. Mẹ em hồi còn sống gầy lắm, dượng cũng còm nhom, trên bàn thờ ảnh cha em trong tấm bằng Tổ quốc ghi công là một người nhỏ bé, tiều tuỵ. Còn em, em thấy mình giống con muỗi đói màu xám. Ngôi nhà không ngừng đông lên. Trong dịp mùng một tháng sáu năm nay có ba đứa trẻ sinh cùng tháng trên cả ba tầng. Người lớn lại than vãn mỗi khi chúng đồng thanh thét đòi ăn đêm. Sự nhập cư, tăng trưởng dân số từ lâu đã lấp đi gần triệt để các khoảng ánh sáng trong ngôi nhà. Cái giếng trời, ống thông gió của hơn mười gia đình chỉ còn bằng vuông chiếu. Sau đêm mất bốn chiếc xe đạp, các gia đình ròng rã cãi nhau chia quyền sử dụng. Nhờ chính quyền can thiệp đúng lúc, bây giờ trừ chuồng xí, hai bể nước (trong ngoài) các lối đi hẹp đến mức có thể, không ai tư hữu được. Mọi diện tích, không gian còn lại đều có chỉ giới. Theo em, an ninh được lập lại từ phía khác. Giữa trưa nắng, khách lên các tầng trên đều bị lạc, cầu thang, lối đi thiếu sáng đến nỗi mỗi chỗ ngoặt rẽ phải đặt một ngọn đèn dầu “chín ngọn nến” cháy trong bụng quả núi. Khi lên, đó là con đường ngoằn ngoèo hướng tới đỉnh tháp. Khi xuống, là con đường xuống hầm mộ. Bọn trộm nếu không có sợi chỉ dẫn đường, chúng sẽ chết đói giữa ma trận, hoặc chúng phải báo công an với cương vị trẻ lạc. Ngôi nhà là pháo đài bất khả xâm phạm. Nếu so sánh, em muốn chọn một lâu đài trong câu chuyện cổ của một vị hoàng hậu Ả-rập.
Có những cái chết làm người ta khôn nguôi oán trách Thượng đế, người đưa linh hồn người chết về chầu trời. Nhưng những người sống và dường như cả người chết không chấp nhận cuộc chia ly. Khi đặt xô nước đầy xuống thềm chiếu nghỉ để thở, năm ngọn đèn cháy leo lét theo các đoạn gấp khúc báo cho em biết đã leo được nửa chiều cao ngôi nhà. Em nghĩ đến mẹ em, cái xô này ba năm trước mẹ vẫn tập tễnh xách nước. Sao em chưa một lần đỡ mẹ, kể cả những lúc em bước bên cạnh mẹ hối hả kể mọi chuyện vừa học được ở trường, sốt ruột lúc mẹ hổn hển thở ngắt quãng trong những câu trả lời. Ý nghĩ không chỉ là sự liên hệ nội tại, có thể quét tới mọi điểm, chạm đến vô hình mỗi khi nó mãnh liệt thét lên. Em trò chuyện với mẹ em cả vài tâm sự, bảo ban, cuộc độc thoại miên man, che chở, giảm bớt hiểm nguy cho em trước mọi hành vi gây tổn thương từ bên ngoài. Trong cái cầu thang tăm tối, ý nghĩ giúp em giây lát nắm lấy bàn tay mẹ, bàn tay có mấy nốt chai cứng, ấm và mềm lạ lùng. Tay mẹ gạt những sợi tóc vương trước trán em, than rằng: “ Tóc con đẫm mồ hôi”. Em sẽ còn mãi mãi oán trách Thượng đế, bởi những người gây dựng, chống đỡ cho cuộc sống này lao lực lần lượt ra đi. Kéo xô sau cùng lên tầng ba, mắt em thấy những con đom đóm bay trên mồ mả. Mẹ sẽ lại bảo tóc con lúc nào cũng đẫm mồ hôi.
Trời xanh cao, gió kéo đám mây trắng quấn quanh khối nhà cao tầng phía xa như tấm khăn choàng tặng. Nắng lên có bóng đổ, bảy giờ “phố” em đánh răng xong. Bên những hố nước thẳng hàng như công sự trên vỉa hè đã vãn người. Tháng bảy phố là sa mạc, nước thành phố chỉ nhỏ vào các bể chứa lúc nửa đêm về sáng. Nửa thế kỷ nữa nếu không có những mùa mưa làm gián đoạn, phố em sẽ chui vào lòng đất tìm nước, tránh nắng. Cư dân của ngôi nhà trật tự xếp hàng trước cửa nhà xí. Người thứ nhất bình tĩnh đọc báo, người hàng xóm đứng sau lưng bắt chéo chân vừa nhăn nhó, vừa vò giấy không ngừng.
Trong nhà, dượng em đã thức dậy đang chờ em giũ chiếu quét dọn, treo mọi phương tiện để ngủ lên tường. Em pha trà dọn chỗ ngồi cho dượng, vị trí bất di bất dịch, dượng ngồi bất động, khuôn mặt chẳng bao giờ có được vẻ thanh thản, nỗi lo lắng xúc động làm hằn lên những vết đỏ chạy theo các đường cơ mặt, nhất là vùng mắt. Đôi mắt đục rưng rưng chi chít tia máu, lâu lâu dượng lại lấy khăn lau mắt khi lệ đã sa thành dòng. Trời oi quá, không khí đầy hơi nước. Từ ngày mẹ em mất, năm năm nay dượng ngồi như thế, thời gian trôi bên trong cõi lòng, mọi tâm tưởng tách khỏi đời sống. Dĩ vãng như muôn ngàn con sóng lớp lớp đè lên nhau, con sóng sau nặng nhọc ưu phiền hơn, cay đắng, hay xúc động hạnh phúc hơn. Dượng đã vịn vào mẹ em, sau cái chết của cha em, mẹ em tìm lại dượng, tìm một kỷ niệm không còn sức sống...
Hàng ngày em xách mười tám xô nước cho năm gia đình trên tầng ba. Từ lao động đó em nhận được một phần tư thu nhập hàng tháng. Ba phần tư còn lại em kiếm bằng nghề may và sự tằn tiện. Một tuần hai lần em tới cửa hàng của dì em trên phố, nhận những xấp vải đã cắt sẵn, tiền công, cùng vô vàn câu nhấn mạnh sự từ tâm của dì. Em cúi dầu ghi nhận, em ngàn lần biết ơn. Dì chưa hài lòng, dì chẳng thích nhìn mãi bộ mặt cam chịu, cả thân hình gày cao mang xương cốt của mẹ em. Cái gương toàn thân trong của hàng bóc trần em, minh họa lại dì: “Cái cỏ xấu cũng lớn nhanh”. Em cố xê dịch tìm cách thoát khỏi cái gương ấy, trong gương em là cây bút chì xanh, ngọn cỏ cong. Dì lại nhắc em giữ vệ sinh cho vải. Chú em đỡ cho em bằng một nhận xét thoả đáng: “Gày là vệ sinh, bà trông nó đã hết chỗ để gày, vi trùng còn ký sính vào đâu được” Trên đường trở về, lúc qua dãy hàng kem nhao nhao lời chào mời, em chọn một cô bé ngồi cuối dãy, xanh gày như em. Ở đây có những que kem vệ sinh nhất thế giới. Chỉ ba lần mút que kem đã như lưỡi dao mỏng ngậm trong miệng. Em vẫn không thôi ý nghĩ: Tại sao sự gày lại làm cho người ta tin là sạch sẽ.
Dù đuối sức chạy tìm kiếm cơm áo, chiếc máy khâu của em vẫn có thể tăng tốc độ khi gặp một đường may thẳng và dài. Những khi nó ngừng lại, tiếng chày từ dưới đất lại vọng lên mồn một. Ở mỗi nơi cư trú của một người, hẳn phải có một môi trường âm thanh vây bọc chúng ta hàng ngày. Thật khó có thể tách trong hồi ức của mình phần cái ta nhìn thấy và cái ta nghe thấy, xúc cảm đó cùng lúc. Bàn máy của em quay ra hướng giếng trời, ngăn cách bởi một cái ban-công tự tạo, thiếu sức vóc đàn ông nên nó quá nguy hiểm cho ai bước ra đó. Nó được làm với ý muốn giành một mẩu diện tích mà chẳng ai giành với mình, chứ không phải để sử dụng. Nguy hiểm chỉ kích thích ham muốn. Khi nào tiếng chày vừa dứt em rón rén bước ra thềm ban-công, thận trọng vịn vào thanh củi mục gá thành lan can và nhìn xuống... Cảm giác nôn nao tê dại, thiếu một chút kiềm chế em sẽ bước ra khoảng không hun hút, chỗ những con nhện đang bám lưới, thấy bóng người chúng bò tụt xuống chạy trốn. Chàng Hercule của em có nửa tấm thân mê hồn sống ở tầng dưới cùng. Anh giã giò cho mẹ anh bán ngoài phố. Trước cửa buồng anh ấy có một khoảng sân con, chính ngọ nắng chỉ đọng lên bốn viên gạch. Tiếng chày dừng, anh ra khỏi buồng đứng lên bốn viên gạch để nạp không khí vào phổi. Hai tay buông xuôi, chậm chạp ngả đầu về sau, tư thế người muốn lập quan hệ với bầu tròn. Ở điểm tĩnh của động tác đó hai mắt nhắm nghiền, khuôn mặt gày guộc, xanh xao, toàn thân trần trụi chỉ được che bởi một rẻo quần đùi, đôi vai, đôi cánh tay, đôi vồng ngực cuồn cuộn cơ bắp. Em choáng váng, quên đi hết thảy, nhoài người ra khỏi chỗ nấp như người phụ nữ Islam tháo mạng che mặt. Xin tha thứ cho em trong phút vụng trộm, em nhìn thấy thiên nhiên, thấy cây cổ thụ vỏ thân xù xì khiến em đau khi áp mình vào nó, vẻ man dại của con sóng khổng lồ băng băng lướt vào bờ, vừa thèm khát vừa sợ hãi khi nó đến trước mặt phủ trùm lên em, trái núi đổ xuống cỏ hoa nhỏ nhoi trên mặt đất. Một nửa thân hình chàng Hercule làm em nhức nhối và lớn lên ở đâu đó trong cơ thể mình. Thế giới tự nhiên sẽ tê liệt nếu các thành phần của nó không tác động được vào nhau. Anh quay vào buồng giống con bọ dừa hay con gấu bò về lỗ hang. Tiếng chày giã giò lại nện thình thịch trong lòng đất. Một con vật giống đực to, đen, len lỏi giữa rừng lúc chập choạng tối, nó thở rất mạnh, một bước đi tiếng ầm dội vang rừng sâu. Hình ảnh đó trở đi trở lại trong các giấc em mơ.
Bà cụ ở tầng hai, trần nhà người hàng xóm đó là sàn nhà em. Cụ mất đầu đêm. Người con trai cụ khóc đến ba giờ sáng, khản giọng, chị con dâu khóc tiếp sức đến sáng. Tiếng khóc, tiếng vật mình, hờ, gọi, loan báo cho một vùng cư dân một người trong số chúng ta đã ra đi. Đêm đó những con gà trống bị thức giấc, gáy nhiều lần. Quàn một ngày trong nhà. Sáng hôm sau em dắt tay đứa cháu gái cụ đi sau xe tang, nó thấp bé như cái nấm, tiếng khóc rền rĩ át tiếng nó hỏi em, em cúi xuống để nó nói vào tai. Nó bảo: “Sao mũi cô lại có trứng cá” , rồi nó tự trả lời ngay: “À, tại hồi bé cô tập bơi dưới nước”. Trong ánh sáng hiu hắt của mấy ngọn đèn dầu, chắc cụ không thể nhìn thấy gì. Nhưng hình như cụ nghe thấy tiếng chân người và lập cập nép vào tường nhường lối. Bây giờ em mới hiểu những người già cố tằn tiện, tằn tiện thức ăn, khí trời, tằn tiện một chỗ đứng nghỉ khi lên cầu thang trong xó tối. Lúc còn sống đã tự giác để mọi người quen dần với sự vắng mặt của họ. Cầu thang tối om ngào ngạt mùi hoa, mùi hương suốt trong bốn mươi chín ngày.
Đêm, là tiếng hú dài sâu trong thung lũng vọng ngân thê thiết. Khởi đầu gió đẩy lá, chúng run rẩy lay nhau thức dậy, âm thanh lao xao, gió vẫn chạy tới khi cả những cành lớn cũng vặn mình..., cứ thế đêm lan toả. Trăng như mảnh bạc bị ăn mòn, miếng nước đá đang tan. Dưới chân em từ cái giếng trời vẳng lên tiếng ngáy, tiếng trẻ giật mình khóc, tiếng nói mê... Đáy giếng chàng Hercule nằm trên tấm ván hẹp, trăng đổ ánh thiếc lên người, phần dưới tấm thân vạm vỡ, đôi chân của đứa trẻ mười hai tuổi. Ông Darwin đã cho rằng lao động giúp chú vượn người đứng lên bằng hai chi dưới, lập nên tỷ lệ hình thể con người, đó là sự tiến hoá. Với cái nghề giã giò, chàng Hercule của em đang phá vỡ tỷ lệ bản thân mình, can thiệp vào học thuyết của ông Darwin. Chú bé phụ việc từ năm mười tuổi, vài năm sau chú thua bọn con gái trong trò chơi đuổi bắt. Lúc sân vắng người, anh vần cối ra, ngồi xổm trên chiếc ghế nhỏ, hai chân quặp miệng cối, cúi gập người, hai tay vung hai đoạn chày nặng giã vào lỗ cối, toàn thân đẫm mồ hôi, mảnh quần cộc cũng ướt sũng. Cứ như thế chi dưới nhỏ dần, nửa thân trên nở nang săn chắc. Chàng Hercule gù và teo chân. Ý kiến của cô bé dưới nhà thì khác nó bảo với em: “Chú ấy là con của chú thương binh”
Nửa tháng nay chiều nào cũng có giông. Phần hiên của mái, chỗ nước mưa tề tựu trước khi ồ xuống máng thoát nước bị vỡ. Lúc trời trút nước em che tạm mảnh tôn chỗ góc tường để tránh hắt, nước bắn vào tấm tôn như đạn nổ. Gió xô những cành bàng quất lên cửa sổ, trời chớp loè, sấm. Dưới đường, dây điện đứt ở quãng nào đó, tiếng người hét, chạy... Em kinh hãi ngồi nép trong góc nhà. Dượng run rẩy cắm ba nén hương lên bàn thờ. Mùa mưa đến rồi, có lẽ thời tiết chẳng có mùa, không nắng thì mưa, xuân mưa; hè mưa; thu mưa; đông mưa kèm rét. Xứ sở chúng ta bốn mùa mưa, em ngờ rằng dân tộc mình rất vĩ đại nhưng thiếu những công trình có tầm vóc như thế, bởi thiên nhiên chưa cho chúng ta nhiều cơ hội khô ráo để xây dựng những công trình cho các giống nòi khác khiếp sợ. Đã hai tiếng mưa giông, em đã thôi sốt ruột, thôi ao ước rằng mưa chắc chắn phải chợt ngừng do nỗ lực khẩn cầu của em, do sự nhiệm mầu, do thiên nhiên đuối sức. Hình như dượng gọi em, tiếng mưa lấp tiếng gọi yếu ớt của dượng. Một cái thiếp mời trong phong bì, ý nghĩ vui vẻ chạy nhanh trong đầu: của ai vậy? Tên chú rể, số nhà, danh tính bà quả phụ. Sự trùng khớp kỳ lạ. Sự thật là tiếng sấm nổ đập vỡ bầu trời. Dượng rụt rè quay mặt đi, sau câu nói vội của người biết lỗi: “ Họ đưa mấy hôm nay rồi, với lại tưởng con đã biết”.
Tối đón dâu phố xá ngập nước. Thiếp cưới đã phát đi khắp nơi, không thể thu hồi được. Nước dâng cao, xe hoa phải đỗ cách cổng ngôi nhà chứng năm mươi mét. Thành phố cắt điện đã hai ngày, cả phố góp đèn dầu kết hoa trên vòm cổng. Em cầm một chiếc đèn cùng với những người trong ngôi nhà đứng làm hai hàng tiêu cho lối đi trong nước. Mọi người từ trong xe bước xuống lội giữa dãy người cầm đèn để tránh cống, tránh những miệng bể chứa nước – những chướng ngại vật. Anh chụp ảnh lội giật lùi, thanh niên cõng các cụ già, chú rể đỡ cô dâu vào chiếc thuyền thúng do bốn chàng trai ghìm giữ. Con thuyền hoa đã bồng bềnh tiến, mặt nước nhân đôi tất cả những ngọn đèn. Mưa chỉ còn lắc rắc, bánh pháo quằn quại nổ giữa vòm cổng, xé xác pháo tơi bời trước mũi thuyền hạnh phúc của chàng Sơn Tinh.
Cuộc vui tổ chức nhờ trên tầng hai. Em ngồi lẻ loi sau những bông hoa bướm, chúng nở vô tình trước mắt em. Chú rể y phục sạch sẽ, chiếc quần màu cỏ úa giấu đi đôi chân gày gò, cái áo sơ mi trắng khiến anh là người đàn ông hoàn toàn. Cô dâu e lệ trong chiếc áo dài thanh thiên, vẻ trẻ thơ ở nụ cười vương trên đôi môi màu vỏ mận ra chào khách. Đó là khả năng giao tiếp thiên bẩm của phụ nữ, cô bước qua ranh giới con gái sang đàn bà một cách nửa hồn nhiên nửa dụng ý. Hình như lệ dâng trong mắt em. Chàng Hercule bằng đôi chân mảnh khảnh đã trèo tới đỉnh con dốc đôi lứa.
Em chỉ xin thêm một chút về cái giếng trời trong ngôi nhà. Mỗi buổi chiều, lúc tiếng chày thôi đập vào cối, người đàn ông cùng vợ con ra ngồi hóng gió. Chú bé bụ bẫm đứng trên đôi chân khoẻ mạnh, được bố đưa cho sợi chỉ buộc quả bóng. Chú thả cho quả bóng lặng lẽ bay trong cái giếng trời, ngập ngừng dừng bên cái lan-can xiêu vẹo trước buồng nhà em. Quả bóng xanh lơ bắt gặp những tia nắng hướng tây đuối sức ráng chiều vàng kim nhũ nhuộm nó như một ảo ảnh trong suốt rực rỡ.
Em lại ngừng đạp máy, mạo hiểm bước ra thềm ban-công và nhìn xuống...
Trần Chính
Hà Nội, 7-1990
Văn Nghệ
số 1 ngày 5.1.91
Các thao tác trên Tài liệu