Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 3 / Để chung lòng chung sức

Để chung lòng chung sức

- Nguyễn Lộc — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 06/10/2010 12:10


Để có được một sự
chung lòng chung sức



Nguyễn Lộc



Những biến cố và tín hiệu liên quan đến Việt Nam càng lúc càng cho phép chúng ta khẳng định một điều: Bây giờ không còn là lúc để cho bất kỳ ai trở lại với câu hỏi về sự cần thiết của một cuộc đổi mới thật sự và rốt ráo ở Việt Nam. Mối bận tâm hiện giờ là đổi mới như thế nào?

“Thế nào” ở đây gồm cả phương hướng, mục tiêu, phương pháp, và nhịp độ... Đó là những câu hỏi lớn, rất lớn, có ảnh hưởng đến toàn dân tộc, và do đó, còn có ảnh hưởng nhất định đến tình hình và sự ổn định của khu vực. Đứng trước những câu hỏi lớn như vậy, một nhu cầu tất yếu được đặt ra: Ta phải làm cách nào đây để động viên tâm trí, sức lực của nhiều người, thật nhiều người, một tập hợp rộng rãi trong dân tộc, để cùng nhau động não, tìm cho ra các lời giải cấp bách cho đất nước?

Tác giả Trần Trọng Tín viết trên báo Lao động chủ nhật số ngày 18.8.1991: “Đánh giá đúng tình hình là tiền đề quan trọng nhất để đi tiếp con đường đổi mới. Tôi tin vào khả năng nhận thức và x ử lý những vấn đề phức tạp mà Đảng đã nêu (tại đại hội 7). Lúc này không còn là lúc kêu ca kể khổ mà phải chung sức chung lòng tháo gỡ khắc phục khó khăn, đưa đất nước khỏi cơn khủng hoảng”. Để có thể thật sự đi vào cuộc hành trình đầy gian khổ này, vấn đề cốt tử là tạo được sự “chung sức chung lòng” ấy.

Về phía lãnh đạo, tất cả phải bắt đầu từ một sự sáng suốt chính trị. Để có được một sự sáng suốt chính trị trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, thiết tưởng những nhà lãnh đạo đất nước không cần phải là những nhà tư tưởng lớn, có viễn kiến thật cao diệu, xuất chúng. Nhưng nhất định các vị ấy cần có được sự dũng cảm của người chiến sĩ cách mạng, và tấm lòng trung thực, biết đau nỗi đau chung của đất nước. Sự thông cảm sẽ giúp các vị ấy nhìn thẳng vào tình thế, chấp nhận những thử thách, những đòi hỏi thật gay go đặt ra bởi một dòng tiến hoá mà nhiều người đã khẳng định là không thể nào đảo ngược được.

Giai đoạn nghiền ngẫm, và định giá lại một thời đã qua của một mô hình xây dựng xã hội, trong đó Đảng Cộng sản nắm lấy vai trò độc tôn (và do đó, cũng khá cô độc), đã có người làm. Và có lẽ, những thực chứng của một số tư duy mới (và cũ) thông qua các biến chuyển chính trị thế giới trong vòng hai năm qua, đã khá đủ để chúng ta tỉnh táo rút ra một số kết luận quan trọng: Sự cần thiết phải quay về với chính năng lực của dân tộc mình, tìm ra trong đó chỗ dựa cho một quốc sách cứu nguy cho đất nước

Trong giới hạn của bài viết ngắn này, tôi chỉ xin được bàn đôi điều về sự đóng góp của những người trí thức, một vấn đề gần đây hay được đề cập.

Dựa vào các thông tin, mặc dù còn rất giới hạn, tôi tin rằng ít ra là một số người ở địa vị lãnh đạo Việt Nam thật tâm muốn tìm ra một sự chung lòng chung sức của cả dân tộc. Vì tôi nghĩ, ở cái đáy cùng của sự nghèo khó, lạc hậu, trước những khó khăn chồng chập, nhiều bề, nhiều mặt, những người có tâm huyết ắt thấy ta không còn có con đường nào khác.

Và vì lẽ đó sẽ dẫn tới việc các nhà lãnh đạo Việt Nam quay sang lớp trí thức của dân tộc để vấn kế, để kêu gọi sự đóng góp, để vận động một sự dấn thân mới. Một thứ “ ra đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến” của những năm cuối thế kỷ 20. Lần lên đường này, không còn “nóp với giáo mang ngang vai” mà với trí tuệ, kiến thức, kỹ năng làm ra no ấm, thịnh vượng... Nếu việc vận động trí thức chưa xảy ra, nó sẽ xảy ra. Nếu nó đã xảy ra trong một tầm cỡ nhỏ hẹp, người ta sẽ cố gắng để triển khai nó sâu rộng hơn, đều khắp hơn.

Về phía những người trí thức thực tâm yêu nước, luôn luôn mong muốn có được những đóng góp tim óc của mình để làm cho dân tộc đỡ lầm than, đất nước còn có được một ngày mai tươi đẹp, ít ra cũng gọi được là “ngóc đầu lên để nhìn thiên hạ”, tôi cũng tin rằng họ sẽ sẵn sàng đón nhận một cơ hội chính đáng để xung phong phần mình. Tôi tin tưởng lạc quan như vậy!

Thế nhưng, sẽ rất là ảo tưởng nếu tin rằng hoàn cảnh đã chín muồi để cho một viễn cảnh tốt đẹp như vậy xảy ra. Ảo tưởng vì ta vội tin rằng những chán chường, nghi kỵ, chống báng, và ngay cả oán hờn nữa, từ nhiều người, nhiều phía, đã được tẩy sạch.

Bây giờ là lúc chỉ mới bắt đầu, vì thế, tôi xin được nói về điều kiện đưa tới sự hợp tác. Nói trắng ra, liệu những người trí thức, trong và ngoài nước, đã có đủ tin cậy nơi thiện ý và sự nhất quán của các nhà lãnh đạo đất nước hay chưa? Thí dụ, tôi rất mừng khi đọc những lời biểu dương TBT Đỗ Mười của Giáo sư Lý Chánh Trung trong cách liên hệ cởi mở của ông (Le Monde, 16.10.1991). Nhưng nếu tôi có thể tin cậy tính nhất quán và phổ quát của điều biểu dương kia được tới đâu? Với hiểu biết giới hạn của mình về tâm trạng người trí thức có nhiệt tình với quê hương, tôi xin mạnh dạn nói rằng: con đường đưa tới sự tin cậy còn lắm vướng mắc. Và vì còn thiếu tin cậy, việc lãnh đạo trong nước vận dụng được sự đóng góp của trí thức vào sự nghiệp chung, vì quyền lợi dân tộc sẽ còn cần nhiều nghiệm chứng có tính thuyết phục hơn nữa.

Xin thử đặt vấn đề, qua tầm nhìn của một người sống ngoài nước.

Do hoàn cảnh đặc biệt, người trí thức đang sống ở nước ngoài có được một số lợi thế trong việc tiếp cận với các tiến bộ của các ngành khoa học, kỹ thuật hiện đại, và vì thế số vốn tri thức của dân tộc ở ngoài nước không phải là nhỏ. Thế nhưng, đại bộ phận trí tuệ của dân tộc hiện nay và sắp đến, vẫn nằm trong nước. Và cũng vì thế, vai trò chính yếu, cái phần đóng góp lớn nhất, cơ bản nhất vẫn là từ trong nước.

Khi đã ý thức được vai trò chủ chốt của người trí thức trong nước, người trí thức sống ở hải ngoại tất nhiên sẽ đánh giá sự thành tâm, thiện ý, và ngay cả sự sẵn sàng của những người lãnh đạo trong nước, qua sự hợp tác với lớp trí thức ở Việt Nam.

Đã quen với nếp sinh hoạt trong đó quyền trao đổi, thảo luận, và ngay cả tranh luận cho lẽ phải, cho sự thật – nhu cầu quan trọng trong việc mưu tìm những lời giải cho các vấn đề hóc búa của xã hội – được bảo đảm, người trí thức sẽ chăm chú theo dõi thể cách và khả năng hành xử của lãnh đạo Việt Nam đối với trí thức. Tức là khả năng của những người lãnh đạo trong việc lắng nghe, trao đổi, tranh biện, và xử lý ngay cả những ý kiến thật khác biệt, hoặc đối nghịch với ý kiến của những vị còn nắm quyền lực và cơ chế trong tay.

Trí thức ngoài Đảng sẽ chờ xem thái độ của Đảng đối với trí thức đảng viên. Trí thức hải ngoại chờ xem thái độ của Đảng và Nhà nước đối với trí thức trong nước. Ở đây, tôi không nhằm nói tới số ít, những trường hợp đặc thù, những “tên tuổi lớn”. Tôi muốn nói tới vấn đề một cách thật phổ quát. Phổ quát đến độ ta không cần phải viện đến tên tuổi, thành tích của từng người trí thức trong cuộc ra để hiểu được sự việc.

Khi mà sự thảo luận thẳng thắn, có lý lẽ, có sự theo dõi, đánh giá của công luận, thay thế cho phương cách chụp mũ, hù dọa, kết án hoặc bài bác, ám chỉ bâng quơ (nhưng rất có “tác dụng”), khống chế bằng các biện pháp an ninh, hoặc kinh tế, hành chính, tâm lý..., lúc ấy sự tin cậy sẽ được củng cố. Khi đó người ta mới thấy sự cần thiết và tác dụng tích cực của sự góp ý, phê phán, và đề đạt nguyện vọng của mình hơn.

Tôi mong sao Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, chấp nhận đối thoại với những người trí thức, đặc biệt và kể cả những trí thức tạm gọi là “chống đối” (không bạo động) chính sách của Đảng. Hãy bàn về cái đúng cái sai một cách công minh. Hãy tạo ra một cuộc đối thoại ngay thẳng và có trách nhiệm cho tất cả các bên.

Tôi tin đó là cách thuyết phục mà người trí thức dễ hiểu và sẵn sàng để hiểu hơn cả. Chính sách công an trị có thể làm cho những thân xác bị câu thúc, nhưng sẽ không thuyết phục được ai. Có chăng là làm trầm trọng thêm sự phân hoá rất tai hại trong dân tộc.

Khi đã bắt đầu thiết lập được một môi trường thoáng hơn cho sinh hoạt tư duy của người trí thức, tôi tin chắc rằng những sự hậm hực, bực tức, sẽ có cơ được giải toả. Những bất đồng sẽ không bị đẩy sang thành những bất bình. Những phản ứng sẽ không bị dồn ép thành phản kháng. Các tranh cãi hai chiều (hoặc một chiều... rưỡi) sẽ mở ra thành các cuộc thảo luận nhiều chiều, ít gay gắt hơn, rộng rãi hơn. Từ đó, các nhà lãnh đạo nhất định sẽ có cơ hội được nghe những điều cần nghe.

Và tốt đẹp hơn cả có lẽ là một cơ hội để mọi người tập trung hơn vào việc đi tìm một lời giải cho vấn đề Việt Nam sắp tới thay vì còn bế tắc quẩn quanh trong việc thuyết phục nhau về cái cũ, cái đang tàn lụi. Lúc bấy giờ, may ra tâm thức xã hội sẽ chuyển từ cầu an, thờ ơ, bất hợp tác, hoặc phá phách sang hướng năng động, hợp tác và xây dựng hơn.

Nói cụ thể hơn nữa, tôi thành khẩn mong muốn Nhà nước Việt Nam chấm dứt việc bắt bớ, cầm giữ (dưới mọi hình thức) những người trí thức vốn có thái độ, phát biểu đối nghịch với các suy nghĩ chính thống (một thời) của chế độ, bất kể nguồn gốc, quá khứ của họ... Hãy trả tự do cho những Dương Thu Hương, Nguyễn Đan Quế, Doãn Quốc Sỹ, Đoàn Viết Hoạt, vân vân... Hãy xử lý hợp đạo lý và công lý đối với những người trước đây bị trù dập, bạc đãi, lên án chỉ vì lập trường, tư tưởng của họ... Yêu cầu này, nếu có nhằm vào bản thân những người trí thức đó thì cũng là phần ít. Phần lớn hơn, là nhằm vào sự đoàn kết, gắn bó của cả dân tộc chúng ta.

Không ít người đã đặt vấn đề trả lại tự do cho những người trí thức còn bị cầm giữ. Tôi cũng chỉ lập lại lời yêu cầu này. Tuy nhiên, tôi sẽ không viện dẫn ra đây các tiêu đề tự do, dân chủ, hay dân quyền, nhân quyền gì cả. Không phải vì những quyền ấy là không chính đáng, trái lại. Đó là những yếu tính của một xã hội tốt đẹp. Nhưng, điều gì khiến cho người ta kỳ vọng tới cái xã hội tốt đẹp ấy? Đó là lòng yêu thương con người, yêu chuộng sự tốt đẹp cho đời sống mọi người. Trong phạm vi một dân tộc, đó còn là biểu hiện của lòng yêu nước, yêu đồng bào. Tôi muốn được kêu gọi tới tấm lòng yêu nước ấy.

Trong những cơn dầu sôi lửa bỏng của đất nước, ông cha ta trước kia, và những người làm cách mạng Việt Nam sau này, đã vận dụng thành công lòng yêu nước của dân tộc, và đã lập nên nhiều kỳ tích. Mong sao, trong vận hội này, Việt Nam có thể bước ra cơn khủng hoảng mà không phải trả bằng máu xương của dân tộc. Và ở chính điểm này, tôi thật tâm mong đợi ở lòng yêu nước thương dân thật sự của những người ở cương vị lãnh đạo của Việt Nam.


Nguyễn Lộc

(Hoa Kỳ)
tháng 11.1991



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us