Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 3 / Nguyễn Trường Tộ: giấc mộng chưa thành (1)

Nguyễn Trường Tộ: giấc mộng chưa thành (1)

- Vĩnh Sính — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 06/10/2010 12:10

Nhân ngày giỗ thứ 120



Nguyễn Trường Tộ:
giấc mộng chưa thành



Vĩnh Sính



Cách đây đúng 120 năm (ngày 22 tháng 11.1871), Nguyễn Trường Tộ, tác giả những bản điều trần lịch sử đã từ trần, thọ 41 tuổi. Giấc mộng chưa thành, song hoài bão, cái nhìn của ông và những vấn đề ông nêu ra từ hơn một thế kỷ, ngày nay vẫn nóng bỏng tính thời sự.

Nhân ngày giỗ của nhân vật kiệt xuất này, Diễn Đàn giới thiệu bài viết của sử gia Vĩnh Sính, giáo sư Trường đại học Alberta ( Canada). Nguyên thuỷ, đây là bài biên khảo dài 11 trang, tựa đề Giấc mộng chưa thành – Vài suy nghĩ nhân đọc cuốn “Nguyễn Trường Tộ: Con người và di thảo” của linh mục Trương Bá Cần, đăng trên báo Đất Mới (Canada), số tháng 1.1991. Chúng tôi đã có mấy dịp giới thiệu công trình của nhà sử học Trương Bá Cần. Mặt khác, bài viết của giáo sư Vĩnh Sính có một số phần chuyên môn, vượt quá khuôn khổ của Diễn Đàn. Vì vậy, chúng tôi đã xin phép, và được tác giả chấp thuận, trích đăng hai phần chính: phần thứ nhất nêu bật tầm cỡ của tư tưởng Nguyễn Trường Tộ so với trí thức Việt Nam cùng thời (số này), phần thứ hai soi sáng câu hỏi mà ta thường đặt ra: Nguyễn Trường Tộ đã tìm ở đâu những hiểu biết sâu rộng về thế giới bên ngoài? Phần này, còn giúp ta so sánh tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ với tư tưởng của các nhà duy tân Trung Quốc và Nhật Bản (số sau). Chúng tôi thành thực cảm ơn tác giả Vĩnh Sính.

Đã từ lâu lắm, có lẽ từ khi cụ Phan Bội Châu và các hội viên của Duy Tân hội đang còn tìm cách gửi thanh niên Việt Nam sang Nhật du học qua phong trào Đông Du, các tên Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) thỉnh thoảng lại gợi lại cho người Việt Nam một niềm tự hào, tin tưởng vào giấc mộng canh tân đất nước. Ta tự nghĩ, nếu từ thập niên 1860, khi Việt Nam vừa mới chạm trán với những thách đố đầu tiên của Tây phương mà trong nước chúng ta đã có người nhìn xa thấy rộng như Nguyễn Trường Tộ thì quả thật nước ta đâu có thiếu nhân tài. Thoạt nhìn sang các nước láng giềng vào lúc đó thì số phận của họ đâu có gì sáng sủa hơn Việt Nam! Ở Trung Hoa, sau thất bại nhục nhã trong chiến tranh Nha phiến (1839-1842), quan viên triều đình nhà Thanh vừa phải đương đầu với loạn Thái bình Thiên quốc, vừa phải tìm cách chấn hưng đất nước qua chính sách “tự cường”. Ngay số phận của Nhật Bản trước Minh Trị Duy tân (1868) cũng như ngàn cân treo sợi tóc: việc chính quyền   Tokugawa ký kết một loạt hiệp ước bất bình đẳng với các nước Tây phương vào năm 1858 không có sự thoả thuận của Thiên hoàng đã trở thành lý do để các nhóm chống đối (mà tụ điểm là các vũ sĩ cấp dưới ở Satsuma và Choshu) buộc tội; bên ngoài thì Pháp, Anh nhòm ngó: Pháp ủng hộ chính quyền Tokugawa và Anh ủng hộ nhóm Satsuma và Choshu. Nếu những tranh chấp và mâu thuẫn nội bộ của Nhật Bản không được khôn khéo giải quyết nhanh chóng và kịp thời để đối phó hữu hiệu với tình hình quốc tế lúc bấy giờ thì Nhật Bản cũng đã trở thành một miếng mồi ngon cho các nước Tây phương, chẳng khác gì số phận các nước Á châu khác.

Nhìn gương canh tân của Nhật Bản kể từ Minh Trị Duy tân, ta thường ấm ức, than trách vua quan nước ta hồi đó đã không thức thời lắng nghe những lời trần tình của Nguyễn Trường Tộ, đến nỗi bỏ lỡ vận hội canh tân nước nhà. Mặc dù ta thường nói và nhắc nhở nhiều đến Nguyễn Trường Tộ, nhưng kỳ thật thì sự hiểu biết của chúng ta về nhân vật lịch sử này rất có giới hạn. Trước công trình nghiên cứu của Trương Bá Cần, chúng ta thường chỉ lặp lại những kiến thức sơ sài tản mạn về Nguyễn Trường Tộ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chứ không mấy ai có thể trình bày một cách có mạch lạc, hệ thống nội dung tư tưởng của nhân vật lỗi lạc này, hoặc giả phân tích và đánh giá vì sao tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ đi vượt tầm suy nghĩ của những trí thức Việt Nam lúc bấy giờ. Vì ta không biết học hỏi những lỗi lầm của người đi trước, thêm vào đó lại có khuynh hướng ưa trách người nhưng không chịu trách mình, cho nên ta thường chỉ biết oán trách vua quan triều Nguyễn đã thủ cựu, không tạo đất dụng võ để cho những nhân tài như Nguyễn Trường Tộ phải bị mai một. Mặc dầu những phê phán này thường xác đáng, nhưng vô tình trong lúc đó trên thực tế, nhiều khi không ai khác hơn là chính ta, lại đang dẫm chân trên lỗi lầm của những thế hệ trước. Bởi vậy, cái tên Nguyễn Trường Tộ không chỉ gợi cho ta niềm tự hào nhưng còn mang cái gì ấm ức, uất nghẹn của một giấc mộng mà cả dân tộc đã ấp ủ từ lâu nhưng vẫn chưa thành.(...)

Sở học của Nguyễn Trường Tộ bao quát nhiều ngành, về khoa học kỹ thuật cũng như về các ngành nhân văn và khoa học xã hội. Chính Nguyễn Trường Tộ đã viết: “Về việc học, không môn nào tôi không để ý tới: cái cao của thiên văn, cái sâu của địa lý, cái phiền toái của nhân sự, cho đến luật lịch, binh quyền, tạp giáo, dị nghệ, các môn cách trí, thuật số không môn nào tôi không khảo cứu, nhất là để ý nghiên cứu về sự thế dọc ngang, tan hợp trong thiên hạ. Thường những người h ọc được như vậy hay dùng đó làm phương tiện cầu vinh, để tiến thân, còn tôi thì dùng để báo đáp lại cái mà trời đã cho tôí học được, chứ không mong kiếm chác một đồng tiền nào” (tr. 120).

Trước hết, về khoa học kỹ thuật, là người chủ trương thực học, Nguyễn Trường Tộ chính là nhà kiến trúc sư phụ trách xây cất tu viện Dòng thánh Phaolồ ở Sài Gòn (khởi công từ tháng 9 năm 1862 và hoàn thành vào tháng 7 năm 1864), một kiến trúc có tầm cỡ, và cũng là một biểu tượng của văn hoá Tây phương ở ngay Sài Gòn mà ngay chính người Pháp lúc bấy giờ rất lấy làm hãnh điện. Một linh mục người Pháp, trong bức thư đăng trên tập san Missions Catholiques (Hội truyền giáo Công giáo) vào năm 1876 đã viết về vai trò của Nguyễn Trường Tộ trong việc xây cất tu viện như sau: “ Chính ông ta đã phải vẽ sơ đồ của tháp chuông và tự mình trông nom công việc một cách cẩn thận; chính ông đã hoàn thành nhiều phần khác của công trình. Mỗi ngày người ta thấy ông có mặt ở công trường và để ý tới từng chi tiết. Phải thú nhận là nếu không có ông thì không thể thực hiện được một công trình như vậy vào một thời điểm mà ở Sài Gòn chưa có thợ cũng như chưa có nhà thầu...” (trích dẫn ở tr. 29). Ngoài ra, Nguyễn Trường Tộ cũng chính là người chỉ huy đào Thiết Cảng để làm Kênh Sắt (còn gọi là kênh Nguyễn Trường Tộ), nối liền sông Cấm, hay sông Cửa Lò, với sông Vinh. Tương truyền là từ xưa Cao Biền khi sang đô hộ nước ta và Hồ Quý Ly đời nhà Hồ đều có dự định đào kênh này, nhưng cả hai đều không thực hiện được vì dưới đất có nhiều đá cuội. Khi được tổng trấn Nghệ An lúc bấy giờ là Hoàng Tá Viêm mời ra giúp đào kênh, Nguyễn Trường Tộ đi xem xét rồi tìm ra cách giải quyết ngay. Ông nói là nếu ở Pháp thì người ta dùng cốt mìn để phá, còn như ở nước ta không có mìn, chỉ cần đào tránh khúc có nhiều đá lớn là xong (tr. 36). Về máy móc, hình như Nguyễn Trường Tộ cũng biết khá nhiều, trong bản điều trần về việc mua và đóng thuyền máy, Nguyễn Trường Tộ khẳng định: “ Theo tôi thiết nghĩ hiện nay người Nam ta biết qua các loại máy tàu và các lý thuyết điều chỉnh tu sửa, không ai hơn được tôi, từ nay về sau thế nào thì không dám nói” (tr. 155).

Về khoa học xã hội, Nguyễn Trường Tộ tỏ ra bén nhạy trên nhiều lĩnh vực, ông có cái nhìn vừa bao quát, liên ngành, vừa thông suốt và tận gốc. Những bản điều trần của ông bao gồm nhiều lĩnh vực: đại thế trong thiên hạ, kế hoạch làm dân giàu nước mạnh, cần nắm vững tình hình chính trị ở Pháp, canh tân và mở rộng quan hệ ngoại thương, thực học, cải cách phong tục, tự do tôn giáo, sử dụng quốc âm v.v... Học giả Trương Bá Cần trong phần “Những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ” đã phân tích tường tận, sâu sắc – nhưng không thiếu tế nhị – chương trình cải cách có hệ thống, toàn diện của Nguyễn Trường Tộ.

Đọc những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ gửi cho triều đình Huế từ 1861 cho đến khi ông từ trần, chúng tôi không khỏi liên tưởng đến những đề án có tính cách khải mông của những học giả trong hội trí thức Meirokusha (Minh lục , tức là hội thành lập vào năm thứ sáu [1873] đời Minh Trị) đăng ở tập san Meiroku Zasshi (Minh lục tạp chí). Thành viên của Meirokusha gồm có những trí thức lừng danh lúc bấy giới như Fukuzawa Yukichi (Phúctrạch Dụcát, 1835-1901; người sáng lập ra trường Keio Gijuku và cũng là một nhân vật có ảnh hưởng vô cùng lớn rộng trong công cuộc đổi mới giáo dục và tư tưởng của người Nhật) cùng nhiều nhân vật khác, hầu hết là cha đẻ của nhiều ngành khác nhau như chính trị học, luật học, triết học, thống kê, canh nông... ở Nhật Bản thời Minh Trị. Họ bàn về những vấn đề bức thiết ở Nhật lúc bấy giờ như vai trò của trí thức trong công cuộc mở mang dân trí và canh tân đất nước, cần phải dựa vào công luận (thay vì chính quyền) để phát triển văn minh, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do mậu dịch, cải cách tài chính, cải cách giáo dục, khái luận về văn minh Tây phương, vấn đề sử dụng chữ hiragana... Điều khác nhau giữa Nhật Bản và Việt Nam là lúc bấy giờ hội Meirokusha quy tụ có gần 30 trí thức (đó là chưa kể vô số học giả khác ở ngoài hội) được dân chúng và chính phủ nể vì, còn ở nước ta, không những hầu như chỉ có một mình Nguyễn Trường Tộ, mà chính ông ta lại còn bị đình thần nghi ngờ đố kỵ, bởi vậy những lời điều trần của ông chẳng khác gì một tiếng kêu tuyệt vọng trong bãi sa mạc, không thay đổi được gì vận mệnh của đất nước như ông mong ước.

Một điểm khác biệt giữa Nguyễn Trường Tộ và các trí thức Việt Nam cùng thời là ông có thể nhìn, đánh giá và tìm cách giải quyết một cách năng động hiểm hoạ mất nước của Việt Nam dựa trên những phân tích về tình hình thế giới, tình hình chính trị ở Pháp, mâu thuẫn giữa Pháp và các nước Tây phương khác, xác định đâu là “đại thế” và xu hướng văn minh trên thế giới lúc bấy giờ, để cuối cùng đưa ra chủ trương hoà hay chiến tuỳ theo điều kiện và thời điểm cụ thể. Trình bày về quan điểm của Nguyễn Trường Tộ về phương pháp cứu nguy cho Việt Nam lúc bấy giờ, ông Trương Bá Cần nhận xét: “Qua các di thảo của Nguyễn Trường Tộ, chúng ta thấy là ông không hề mơ hồ về ý đồ của thực dân Pháp đối với đất nước chúng ta (...), âm mưu xâm lược của chúng đã có từ rất lâu, vì vậy chỉ có thể trên cơ sở đánh mạnh, khiến chúng phải khốn đốn, thì chúng m ới chịu hoà, và trong điều kiện ấy, ta mới có thể hoà một cách có lợi” . Cuối cùng, tác giả kết luận: “ Đối với Nguyễn Trường Tộ, vấn đề canh tân phát triển đất nước là vấn đề hàng đầu. Do đó, Nguyễn Trường Tộ chủ trương m ở rộng giao thương với các nước và tạm hoà với Pháp, tạm nhượng bộ Pháp” (tr. 84-86).

Chủ trương của Nguyễn Trường Tộ trên thực chất không khác chủ trương đối ngoại của Nhật Bản vào những năm cuối thời Tokugawa (Đức Xuyên) và đầu thời Minh Trị. Mặc dầu Nhật Bản đã phải ký kết những hiệp ước bất bình đẳng với các nước Tây phương dưới chính quyền Tokugawa, sau khi chính quyền này bị lật đổ, những nhà lãnh đạo của chính phủ mới (Minh Trị) đã tạm thời nhượng bộ. Năm 1871, chính phủ Minh Trị cử một phái bộ cao cấp, đoàn viên có gần 50 người, gồm cả những người có trách nhiệm lớn nhất trong chính phủ lúc bấy giờ, do Iwakura Tomomi dẫn đầu với tư cách là đại sứ đặc mệnh toàn quyền sang thăm viếng 15 nước Âu Mỹ trong thời gian gần hai năm với mục đích chính là thương lượng nhằm sửa đổi các điều ước này. Tuy mục tiêu thương lượng hoàn toàn thất bại, phái bộ Iwakura qua lần công du này được quan sát tận mắt tình hình của các nước trên thế giới, và khi trở về Nhật càng tập trung vào nỗ lực canh tân đất nước. Ta cũng nên để ý rằng, trên thực tế, phải đợi đến 40 năm sau (1911), liệt cường mới hoàn toàn xoá bỏ các điều khoản bất lợi cho Nhật, và khi đó – hay nói đúng hơn, vì khi đó – Nhật Bản đã trở thành một cường quốc, về kinh tế cũng như về quân sự.

Nói tóm lại, lối nhìn của Nguyễn Trường Tộ khác hẳn với lối suy nghĩ thụ động, cứng cỏi, và rập khuôn của hầu hết sĩ phu trong nước lúc bấy giờ. Do ảnh hưởng của thế giới quan Nho giáo, họ cứ khư khư quan niệm, hoặc ý thức hoặc vô ý thức, rằng nước ta là trung tâm của vũ trụ, hay một tiểu vũ trụ (giống như người Trung Hoa quan niệm nước họ là trung tâm của thế giới, chỉ có điều là nước ta nhỏ hơn nhiều, và họ là Bắc triều còn ta là Nam triều), xem Trung Quốc ( Thiên triều) là nước duy nhất có thể trông cậy để cứu ta khỏi hiểm hoạ mất nước 1. Họ quên rằng chính bản thân Trung Quốc lúc đó cũng đang bị liệt cường xâu xé, đâu còn sức nào để giúp đỡ cho Việt Nam.


( còn tiếp)




1 Người viết đã có dịp trình bày điểm này chi tiết hơn trong bài Japanese and Vietnamese Attitudes toward China : a Comparison (Thử so sánh lối nhìn của Nhật Bản và Việt Nam đối với Trung Quốc) đăng ở tập san Asian and Pacific Quarterly, XXI, 2 ( Autumn 1989), tr. 1-13.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us