Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 3 / Giao lưu, hoà hợp và nhà văn

Giao lưu, hoà hợp và nhà văn

- Đặng Tiến — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 06/10/2010 12:10


Giao lưu văn hoá, hoà hợp dân tộc
và trách nhiệm nhà văn



Đặng Tiến



Chỉ trong vài năm vừa qua, nhiều biến cố chính trị đã thay đổi cục diện thế giới. Những chế độ cộng sản sụp đổ, những đảng Cộng sản băng hoại, những thay đổi cơ chế mới đây tại Liên Xô nhất định phải ảnh hưởng đến chính trường Việt Nam. Rồi viễn tượng bang giao Việt Mỹ sau giải pháp Campuchia, bối cảnh chính trị kinh tế tại Đông Nam Á nhất định phải đòi hỏi những suy nghĩ mới về phía người Việt Nam trong hay ngoài nước, có liên hệ hay không với chính quyền.

Bài này trình bày những biến chuyển trong tâm thức một số người Việt ở hải ngoại, qua vài ba bài báo, mà chúng tôi cho là những dấu hiệu đáng ghi nhận trong phạm vi văn học.

Vài ba năm gần đây, nhiều tờ báo và cơ quan xuất bản đã đăng lại hay in lại nhiều tác phẩm và tư liệu đã được phổ biến trong nước, từ truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đến những tuyên bố của Dương Thu Hương. Trong cộng đồng người Việt nước ngoài, chủ yếu là ở Bắc Mỹ, đã có tranh luận chung quanh vấn đề:

– về mặt lý thuyết, có hay không có một nền văn học phản kháng tại Việt Nam?

– về mặt thực tế: nên hay không nên in lại những tác phẩm trong nước, có liên hệ ít nhiều đến chế độ?

Với nhiều người, câu chuyện có vẻ... lẩn thẩn, nhưng với kẻ khác thì chính đáng và đã gây tranh luận sôi nổi, kèm theo việc phỉ báng và chụp mũ. Có hai lập trường đối nghịch:

– một bên cho rằng văn nghệ phản kháng tại Việt Nam hiện nay là giả hiệu: các tác phẩm nọ đã được Nhà nước độc quyền in ấn; các tác giả kia vẫn lãnh lương Nhà nước, có khi cầm thẻ đảng viên. In lại là vô hình trung tuyên truyền cho cộng sản, ru ngủ cộng đồng, v.v... Kết quả là bốn mươi hội đoàn, mười ba tờ báo, Văn Bút Việt Nam hải ngoại đã ra một thông cáo trứ danh tại Toronto ngày 15.7.1990 long trọng kêu gọi đồng bào tẩy chay, không mua, không bán, không in những văn hoá phẩm “có nguồn gốc từ bên kia chiến tuyến”. 1

– một bên, gồm có những cá nhân, nhà văn. nhà báo, chủ trương khuyến khích giao lưu văn hoá, như nhà văn Nhật Tiến đã ghi lại: “Hôm nay, theo chỗ tôi biết, có ít ra là hai nỗ lực, trong đó có nỗ lực của toà soạn Văn Học 2 đang được xúc tiến để góp phần hỗ trợ trực tiếp cho phong trào văn chương phản kháng ở quê nhà. Đó là việc ấn hành những tập sách giống như cuốn Trăm hoa đua nở trên đất Bắc (...) nói về vụ Nhân văn giai phẩm” 3.Và Nhật Tiến cùng một số văn hữu như Thân Trọng Mẫn, Đỗ Hữu Tài và một số người khác đã ấn hành tập sách Trăm hoa vẫn nở trên quê hương 4 in đẹp, dày 800 trang, một tư liệu vô cùng hữu ích, mà chúng tôi đã có lần trân trọng giới thiệu 5. Cũng cần thêm rằng cùng lúc đó, nhóm Trần Nghị Hoàng, trong nhiều số báo Văn Uyển, đặc biệt số 6, tháng 6.1990, đã giới thiệu các tác phẩm trong nước.

Triệu Tử Long của những vận động giao lưu văn hoá – và của mọi thứ giao lưu – Nhật Tiến từ nhiều năm nay đã là đối tượng cho nhiều bài xích và phỉ báng. Những cố gắng của ông trong việc hoá giải hận thù giữa người Việt với nhau thì nhiều người đã biết, ở đây chúng tôi không nhắc lại, mà chỉ ghi nhận công lao một số nhà văn khác, trước tiên là Nguyễn Mộng Giác.

Trên tạp chí Văn học Nghệ thuật, bộ mới, số 1, từ tháng 5.1985, Nguyễn Mộng Giác đã có bài nhận định về “sự phản kháng của văn nghệ sĩ Việt Nam dưới chế độ cộng sản”, bắt đầu từ một bài của Hoàng Ngọc Hiến trên tuần báo Văn Nghệ số 23, ngày 9.6.1979 “Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua” và Nguyễn Mộng Giác cho rằng “ Những bài viết trên Nhân văn Giai phẩm và Đất mới hồi 1956 chưa có bài nào có căn bản lý luận sắc bén như bài này. Bài viết của Hoàng Ngọc Hiến soi rọi tận gốc rễ tất cả sự giả tạo dưới chế độ cộng sản Việt Nam do đó về chiều sâu, sự phản kháng lần này có tầm mức ảnh hưởng sâu sắc hơn nhiều” 6. Vào thời điểm 1985, chúng tôi có cho rằng Nguyễn Mộng Giác chủ quan và quá đà; nhưng bây giờ nhìn lại thì thấy ông nói đúng và đã tiên liệu được những bùng vỡ trong sáng tác tại Việt Nam vài ba năm sau.

Năm 1990, khi cuộc tranh luận trở thành sôi nổi chung quanh vấn đề: có hay không có phản kháng, thật hay giả, in hay không in lại sách trong nước, thì Nguyễn Mộng Giác, rất sớm, đã khẳng định trên tạp chí Văn Học thái độ của mình bằng một bài báo trầm tĩnh, tách bạch, phân minh. Ông chứng minh rõ ràng là có một nền văn học phản kháng, âm ỉ từ lâu đã nở rộ từ 1986 “ trước áp lực của thế giới, và áp lực của một xã hội rối loạn vì kinh tế suy sụp, chính quyền phải đưa ra những chủ trương thay đổi, cởi mở hơn đôi chút về kinh tế và văn nghệ. Thế là những tiếng nói, những khát vọng bị vùi dập lâu nay được dịp cất lên, lan rộng ra (...) Những văn nghệ sĩ dám nói lên tâm nguyện của quần chúng được quần chúng đón nhận nồng nhiệt, họ có ảnh  hưởng đến quần chúng nên bây giờ chính quyền không dễ gì đàn áp họ như thời Nhân văn Giai phẩm. Sách báo viết theo đuôi chính quyền bị quần chúng thờ ơ, sách báo chống chế độ được hưởng ứng nồng nhiệt” 7

Là người chủ biên tạp chí Văn Học trong nhiều năm, Nguyễn Mộng Giác nhất định có ảnh hưởng vào hai số báo Văn Học dành riêng cho văn chương phản kháng 2, cùng với những người tiến bộ khác như Khánh Trường và Hoàng Khởi Phong .

Một năm sau cũng trên Văn Học, số Xuân Tân Mùi 1991, Nguyễn Mộng Giác đã thêm một bài báo quan trọng khác, “Góp ý về một cái nhìn”. Chủ yếu, ông đối chiếu thời kỳ phồn thịnh của văn chương hải ngoại vào những năm 1985-1987 với “tình trạng nhẩn nha, cầm chừng hoặc uể oải thụt lùi” của mấy năm gần đây, phần nào do ảnh hưởng những tác phẩm quốc nội được phổ biến nhanh chóng, dễ dàng và rộng rãi ở hải ngoại. “ Khựng lại là phải. Khó có nhà văn hải ngoại nào mô tả được sự sa đoạ về nhân tính, sự suy đồi về xã hội dưới chế độ cộng sản rốt ráo tận cùng cho bằng Thế Giang, Nguyễn Huy Thiệp” 8.

Vượt ra khỏi vòng dè dặt cố hữu của mình, Nguyễn Mộng Giác lên án những người lớn tiếng đòi cấm đoán “sách báo cộng sản”: “ Nhiều người (kể cả một số người cầm bút) e ngại phải đối đầu với thử thách này, quay mặt làm ngơ coi như không cần phải quan tâm tới “sách báo cộng sản ". Nhiều người khác quên mất khả năng, quyền lực của người ăn nhờ ở đậu xứ người, đòi cấm đoán, tịch thu, đốt sách... Tuyên ngôn, tuyên cáo ra đã nhiều, tranh luận, đả kích nhau đã lắm, nhưng nói gì thì nói, giới cầm bút hải ngoại vẫn không thể không đối diện với thử thách  này. Thử thách về sức thuyết phục người đọc, thử thách về giá trị tác phẩm. Tôi cho rằng chính thử thách này đã khiến nhiều người cầm bút khựng lại (...). Ngay cả những người lên tiếng đòi bài trừ, cấm đoán, đốt xé sách báo cộng sản cũng tìm đọc loại sách báo đó nhiều hơn cả, vì phải tìm hiểu rõ kẻ thù. Và khi đã tìm hiểu, so sánh, đối chiếu, rất nhiều trường hợp người viết chùn tay e ngại, vì nhận ra mình không am tường và “sống” với thực tế hiện trạng Việt Nam bằng các tác giả quốc nội” 8

Đã xa rồi, đã xa lắm rồi cái năm 1987 mà ông Đỗ Quý Toàn tuyên bố “trong cộng đồng hàng triệu người sống ở nước ngoài, chúng ta đang xây dựng một nền văn chương đích thực, chính thống tổ tông truyền chúng ta không thể gọi đó là một nền văn chương lưu vong.

“Chính những người làm văn chương đang sống trong chế độ độc tài ở Việt Nam mới thực sự lâm vào cảnh lưu vong trên chính quê hương mình”. 9 Về sau này, ông Đỗ Quý Toàn, trên báo Thế kỷ 21 mà ông làm chủ bút dưới một bút hiệu khác, đã có những quan điểm uyển chuyển hơn.

Trở lại bài báo của Nguyễn Mộng Giác. Tác giả Mùa biển động đã báo nguy về tình trạng ghetto trong văn giới: “thay vì tận dụng kho kiến thức tài liệu và tầm nhìn rộng, gần như mọi người thu mình trong sinh hoạt của một cộng đồng địa phương, của một phe nhóm, thậm chí một đường phố. Mỗi người tự tạo quanh mình một thứ ghetto nào đó (...) Điều đáng báo động là những trò chụp mũ, nguỵ tạo tin tức để hạ đối thủ xưa nay chỉ thấy trong hạ sách đấu tranh chính trị gần đây đã xâm nhập vào các tạp chí văn chương”.10

Tình trạng ghetto kia, buồn thay, không riêng gì cộng đồng Việt Nam tại Bắc Mỹ, mà nơi khác cũng có. Ngay báo Diễn Đàn này, có bị tinh thần ghetto giới hạn không? (chúng tôi sẽ trả lời ở một bài khác).

Mới đây hơn, trên báo Văn Lang, số ra mắt, một tập san chuyên biên khảo, mỗi năm ra hai lần, Nguyễn Mộng Giác có một khảo luận thâm thuý trong tinh thần tìm hiểu và thông cảm với Ngô Thì Nhậm người trí thức thời loạn. Bài này không trực tiếp liên quan đến thời sự nhưng phản ánh một băn khoăn lớn của thời đại: làm sao đánh giá – hoặc phán xét – sự dấn thân của nhà văn, của người trí thức vào hành động chính trị, vào những thời kỳ mà những giá trị về ý thức hệ phân hoá và xung đột, mà lịch sử lại đòi hỏi những chọn lựa dứt khoát và bức bách. Ý nghĩa thời sự có thể nằm ngoài dụng ý của Nguyễn Mộng Giác, nhưng một khi độc giả đã bắt gặp, thì rất nên ghi nhận và đào sâu: dụng ý của tác giả đôi khi không quan trọng bằng âm vang của tác phẩm, và bài biên khảo của Nguyễn Mộng Giác về Ngô Thì Nhậm có giá trị hoà giải và hoá giải sâu đậm.

Theo Nguyễn Mộng Giác “chưa có một người trí thức Việt Nam nào từ xưa tới nay, có một đời sống tâm linh và hoạt động phong phú đa diện cho bằng Ngô Thì Nhậm” 11. Từ gia đình, dòng họ đến bản thân ông chịu ơn mưa móc của chúa Trịnh, Ngô Thì Nhậm đã rời bỏ hàng ngũ của mình để hợp tác với Tây Sơn và nhận những nhiệm vụ Tây Sơn giao phó “Ngô Thì Nhậm là một nhân vật lịch sử danh tiếng và tai tiếng (...) Phải có một nghị lực phi thường, một niềm tin mạnh mẽ vào sức mạnh của trí tuệ, Ngô Thì Nhậm mới đối phó nổi, một bên là dư luận ác cảm của sĩ phu Bắc Hà, một bên là bản lĩnh thô bạo kiêu căng của đám tướng lĩnh Tây Sơn” 11.

Sự chọn lựa của Ngô Thì Nhậm nhất định phải khó. Khó hơn trường hợp Nguyễn Trãi, cháu ngoại nhà Trần, đã rời hàng ngũ vương tôn để theo đám áo vải Lam Sơn: “Làm quân sư cho một phong trào dân tộc kháng chiến chống ách đô hộ của ngoại bang để giành độc lập, Nguyễn Trãi cứ thuận theo chính nghĩa có sẵn để thi thố tài năng. Tổ quốc với vương triều ông tận tuỵ phục vụ là một (...) Ngô Thì Nhậm không được may mắn như Nguyễn Trãi. Xã hội ông sống lại hỗn loạn tận gốc rễ, nhất là sự hỗn loạn về ý hệ. Tổ quốc và vương triều không phải là một như thời Nguyễn Trãi, trung với vua không nhất thiết là trung với nước” 11. Nguyễn Mộng Giác còn thêm rằng: “thử thách lớn lao nhất của Ngô Thì Nhậm không phải là quyết định ra hợp tác với Tây Sơn, mà vì những gì ông phải đương đầu sau đó” 11. Nguyễn Mộng Giác có phần chủ quan chăng khi viết “ Tôi nghĩ Ngô Thì Nhậm phải đợi tới lúc Nguyễn Huệ xưng đế và đại phá quân Thanh, ông mới hoàn toàn yên ổn về tinh thần. Chữ Trung không còn quấy rầy ông nữa, mà dư luận cũng hết xem ông như một kẻ xu thời, phản bội. Đến lúc ấy, Ngô Thì Nhặm mới có được ưu thế thuận lợi của Nguyễn Trãi” 11.

Dù cho luận điểm của Nguyễn Mộng Giác có chỗ cần được bàn lại, dù cho dụng ý chính luận của Nguyễn Mộng Giác và ẩn dụ thời sự không hiển nhiên, bài báo của Nguyễn  Mộng Giác vẫn đặt những vấn đề mới cho lương tâm trí thức của chúng ta, dù ở vị trí nào đi nữa, và buộc chúng ta phải thao thức, suy nghĩ, thảo luận. Đường chúng ta đi đã quá nhiều ngã rẽ: 1945, 1954, 1968, 1975 và từ mười lăm năm nay, mỗi chúng ta lại có những ngã rẽ khác. 1991, sau bao nhiêu biến thiên trên đất nước và thế giới, chúng ta đánh giá ra sao về những việc, những người, những cuộc gặp gỡ, những cuộc chia tay ở mỗi ngã tư của lịch sử?

Từ tâm trạng đó, chúng tôi đánh giá cao những đóng góp bền bỉ và sâu sắc của Nguyễn Mộng Giác vào số vốn suy nghĩ chung của chúng ta về con người, trong những tình huống nghiệt ngã của đất nước.

Trong tháng 10 vừa qua, một số nhà văn nhà báo Việt ngữ tại Hoa Kỳ cho phát hành, hai tháng một lần, tạp chí văn nghệ Hợp Lưu, với đặc điểm là đăng tải những bài vở viết trong và ngoài nước, không chấp nhất hoàn cảnh địa lý hay chính trị của người viết, miễn là bài viết có nội dung dân tộc và nhân đạo, và nghệ thuật cao. Thư toà soạn xác định đường lối: “ Văn học là một phần của văn hoá, dứt khoát không thể tách rời cội nguồn dân tộc (...). Khát vọng sâu xa nhất trong mỗi văn nghệ sĩ, là mong được gởi sáng tác của mình đến tất cả mọi người Việt Nam, không phân biệt trong ngoài. Khát vọng đó, buồn thay, do lòng thù hằn, do những vướng víu quá khứ, do tầm nhìn hữu hạn bị chi phối bởi định kiến chính trị, có khi do đố kỵ, và nhất là do muốn yên thân, chúng ta đều cố tình tránh né...”. Trước tình trạng đó, một số anh em quyết định “hợp lưu” để “phá vỡ mọi biên cương, mọi định kiến, mọi ràng buộc, mọi điều cấm kỵ”, cập nhật theo kịp, theo sát những trào lưu mới của nhân loại (...). Đã đến lúc chúng ta cần khai tử quan niệm bảo thủ, cực đoan, tự ti hoặc tự tôn vô lối, từng làm cho văn chương nghệ thuật của chúng ta trở nên già nua, thiếu sinh khí” 12.

Hợp Lưu số đầu đăng nhiều bài viết trong nước của Nguyễn Huy Thiệp, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Quang Thiều..., xen kẽ với những tác giả ngoài nước như Trần Vũ, Thuỵ Khuê, Luân Hoán, Nguyễn Mạnh Trinh...; đặc biệt có bài của Thế Uyên, và bài của Khánh Trường, người chủ biên, phỏng vấn Mai Thảo. Chúng tôi xin giới thiệu hai bài này.

Thế Uyên là một nhà văn nổi tiếng ở miền Nam từ thập niên 1960; ông chủ trương nhóm Thái Độ, góp ý kiến vào tình hình đất nước lúc đó. Đến 1975 ông bị bắt đi học tập, sống lây lất khi được phóng thích, và cuối cùng di tản sang sống ở Mỹ. Ông có rất nhiều lý do để căm thù cộng sản. Thế nhưng trong Vài ghi nhận về dân tộc, chế độ và văn chương, ông tỏ ra rất cởi mở và muốn cống hiến văn chương của mình cho đất nước, dân tộc, vì "các triều đại, các chế độ cứ việc kế tiếp nhau qua, các dân tộc vẫn cứ tồn tại”. Khi phân biệt rạch ròi chế độ và dân tộc thì “nhiều vấn đề gai góc của người Việt ở hải ngoại có thể được giải quyết dễ dàng. Thí dụ như vấn đề chống Cộng chẳng hạn”. Rồi Thế Uyên nêu ra từng trường hợp cụ thể: việc về thăm đất nước “là một thứ quyền thiêng liêng của người dân, không một chế độ (hay một ông chủ tịch hội đoàn hải ngoại) nào có quyền bác khước”. Ông dứt khoát lên án việc cấm cản người Việt nước ngoài đọc sách in trong nước, vì nó vừa phi lý vừa phi pháp, chưa kể là nó có thể, nó đã, đưa đến những bạo hành: “Không có gì quê và ba gai cho bằng lẩn lút tránh né cảnh sát địa phương để đi đốt lén, đánh lén và giết lén những người không chịu nghe theo ý mình. Thậm chí đến độ thấy người đàn bà vô tội cũng chẳng chịu nương tay súng (...). Những người Mỹ, Canada, Úc, Đức thật  sự đã giảm lòng coi trọng cộng đồng Việt chỉ vì những hành động bạo hành bất chánh đó”. Có lúc Thế Uyên viết thật mạnh, gần như thách thức: “ Không phải cứ mỗi năm mặc quần áo lính cũ diễn   hành trong những đường phố an bình của Tây phương là đã xoá nhoà sự thất trận năm 1975. Thượng cờ và diễn hành, chúng ta đã làm quá nhiều, và những điều ấy không hề làm lăn ra chết một bộ đội hay một công an khu vực ác ôn nào trong nội địa Việt Nam cả, cũng chẳng mang được một ly sữa nào cho trẻ sơ sinh...”. Thế Uyên đã nêu lại tình trạng ghetto và ông nói mạnh, đi xa hơn Nguyễn Mộng Giác: “Các cộng đồng hải ngoại được thành lập hoàn toàn trên căn bản tự nguyện: đâu có một chính quyền Âu, Úc, Bắc Mỹ nào bắt buộc người Việt phải đeo cờ vàng, ba sọc đỏ trên ngực và phải sống chui rúc trong các ghetto như những người Do Thái đeo sao sáu cánh và sống thu hẹp trong vài khu phố hẹp dưới thời Hitler”. Tình trạng ghetto vô cùng nguy hại, vì nó cô lập những tiểu cộng đồng người Việt với xã hội chung quanh, và gây chia rẽ, hiềm khích giữa người Việt với nhau. Từ nhiều năm nay, tôi đã đọc Thế Uyên rất nhiều và rất kỹ, và chưa từng thấy ông kết luận một bài báo buồn bã như thế này: “ Số người Việt xa lánh cộng đồng, chọn lựa “thôi” làm người Việt đã xảy ra rồi. Và đã có người Việt trẻ bây giờ tặc lưỡi: viết tiếng Việt đã khó thấy mồ, mà còn dám bị chửi mắng, ăn đòn đạn nữa thì viết để làm gì, chơi với người Việt làm gì nữa?” 13

Thế Uyên còn là tác giả một tập hồi ký. Tạp chí Tin nhà 14 do một số anh em Công giáo tại Paris chủ trương, trong giới hạn phương tiện eo hẹp, đã ấn hành cùng với số 4, hè 1991, một đoạn hồi ký của Thế Uyên trong đề tài Nguyễn Văn Trung và những người Công giáo bạn tôi, dưới hình thức phụ bản. Cũng như Nguyễn Mộng Giác trong bài về Ngô Thì Nhậm, Thế Uyên không trực tiếp trình bày quan điểm chính trị. Nhưng qua những kỷ niệm thắm thiết với những người bạn không cùng đức tin, không đồng chính kiến, qua lối kể chuyện đơn sơ nhưng ăm ắp tình người, Thế Uyên đã thầm lặng truyền đạt một tinh thần hoà hợp sâu sắc mà chúng tôi nồng nhiệt hoan nghênh.

Cuối cùng báo Hợp Lưu có đăng bài phỏng vấn Mai Thảo do Khánh Trường thực hiện. Chủ biên nhiều tạp chí văn học nghệ thuật tại miền Nam trước 1975, Mai Thảo trước kia được xem như là một tác giả phù phiếm, nặng óc chống cộng hẹp hòi. Di tản sang Huê Kỳ, Mai Thảo chủ trương tạp chí Văn, và khi trả lời báo Hợp Lưu, ông tỏ ra có ý thức trách nhiệm. Bình luận về những tranh cãi về giao lưu văn hoá, ông tuyên bố: “ Tôi chỉ muốn nói hai điều. Một từ cổ chí kim, chứ không phải chỉ thời đại này, dưới bất cứ một bạo lực bạo quyền nào, đều có phản kháng và đối kháng (...) Toàn dân Việt Nam hiện giờ đang bị đày đoạ và quằn quại dưới bạo lực chuyên chính là bạo lực hàng đầu của những bạo lực, vậy nếu có phản kháng mở đầu bằng phản kháng của văn chương thì cũng là điều dễ hiểu, không nên ngạc nhiên, không nên ngờ vực. Chỉ đáng ngạc nhiên nếu tại sao chưa có mà thôi. Hai, tôi chưa thấy một cộng đồng lưu vong nào trên thế giới, với dư luận và báo chí của cộng đồng ấy, hoài nghi về những phong trào phản kháng chống chế độ, phần lớn được mở đường bằng những người làm văn học nghệ thuật, trên đất nước lầm than của họ. Để mở ra những cuộc tranh luận ồn ào và chẳng đi tới đâu về thực hay giả, về có hay không. Rồi biến những cuộc tranh luận ấy thành bút chiến, thành  đả kích lẫn nhau. Không, tôi không thấy một tập thể lưu vong nào như vậy. Chỉ thấy độc “ta” thôi, như một trường hợp duy nhất” 15.

Thái độ của Mai Thảo dù chỉ mới dừng lại ở một phản ứng sáng suốt, nhưng trong hoàn cảnh nhốn nháo và bát nháo hiện nay vẫn là một dấu hiệu đáng mừng. Chúng ta cảm động khi nghe Mai Thảo giãi bày: “ Từ ngày ra khỏi nước, tuổi đã về chiều, phần đời còn lại chẳng còn là bao, ở tôi đã có một cố gắng tìm kiếm một bình yên cho tâm hồn, một êm đềm cho tâm thức, bằng cách ngắm nhìn đời sống, đồng loại và chính mình một cách khoan dung và thoả thuận hơn”. 15

Chúng tôi trân trọng những lời lẽ như thế của Mai Thảo.

Những sụp đổ của chế độ cộng sản trên thế giới, chính quyền cộng sản Việt Nam mỗi lúc một suy nhược mà không tỏ ra có khả năng vượt khỏi những suy nhược của mình, việc giao lưu văn hoá và nhân sự giữa trong và ngoài nước, giá trị văn học của một số tác phẩm trong nước, đã xác định lại một số vấn đề mà các văn nghệ sĩ đang trả lời với lương tâm mình và công luận, trong chiều hướng góp phần vào việc củng cố giao lưu văn hoá, hoà hợp dân tộc, điều kiện cần yếu cho mọi vận động dân chủ hoá và phát triển đất nước.

Tình trạng suy nhược của đất nước, nếu chỉ do những chính sách sai lầm, thì ta quy trách nhiệm cho một chính quyền vừa bất lực vừa tàn bạo. Nhưng thảm trạng kia còn có thể do những căn nguyên văn hoá, văn hoá nói chung và văn hoá chính trị. Chúng ta vẫn tự hào với bốn ngàn năm văn hiến nhưng trải qua bốn ngàn năm, chất văn hiến đó có còn đủ sinh khí và sinh lực để đưa dân tộc vượt qua khỏi những trở ngại, thử thách, trong việc quản lý một đất nước rộng lớn, một dân tộc đông đúc và phân hoá trước một bối cảnh quốc tế cay nghiệt? Người cộng sản cầm quyền kém cỏi, nhưng họ kém cỏi chỉ vì họ là cộng sản, hay vì tiềm lực của dân tộc, về kinh tế và văn hoá nữa, đã quá hao mòn?

Muốn đất nước phát triển thì phải có dân chủ thực sự, điều đó không cần bàn cãi. Dân chủ có những quy luật chung cho nhân loại, nhưng lại cần được cập nhật hoá trong mỗi hoàn cảnh dân tộc. Đây là trách nhiệm của những người làm chính trị, mà cũng là của người làm văn hoá, trong nghĩa khoa học, kỹ thuật và văn nghệ. Trách nhiệm của văn hoá càng quan trọng hơn nữa khi chính trị đã đánh mất lòng tin của người dân.

Đặng Tiến

13.11.1991

 

1 Trích theo Nguyễn Gia Kiểng, Thông Luận, số 30, tháng 9.91.

2 Văn Học (tạp chí), California, hai số 49 và 50 (tháng 3 và 4.1990), hai số đặc biệt về văn chương phản kháng. Về cuộc tranh cãi chung quanh, báo Thế kỷ 21 (California), số 14 (tháng 6.1990) có đăng nhiều luận điểm của hai bên.

3 Văn Học, số 50, tr. 29

4 Nhà xuất bản Lê Trần, POBox 2145, Reseda, CA 91335 (USA), giá 25 MK.

5 Thông Luận, số 32, tháng 11.1991

6 Văn học Nghệ thuật là tiền thân tạp chí Văn Học (California) hiện nay, tr. 30 và 25.

7 Văn Học, sđd., số 49, Xuân Tân Mùi, tr. 7

8 Văn Học, số 59-60, năm 1991, tr. 7 và 8

9 Người Việt, ngày 2.8.1987, trích theo Nguyễn Hưng Quốc, Văn Học, số 47-48 , tháng 1.1990, tr. 9

10 Văn Học, số 59-60 đã dẫn, tr. 10

11 Văn Lang, số 1, tháng 6.1991.

12 Hợp Lưu, số 1, tháng 10.1991, tr. 2 và 3. Địa chỉ : 9513 Bolsa Ave, Ste 111, Westminster, CA 92683 (USA), giá 6 MK. Có bán tại Khai Trí, 93 avenue d'Ivry, Paris 13 và Sudestasie, 17 rue Cardinal Lemoine, Paris 5.

13 Hợp Lưu, sđd., tr. 6-13.

14 Tin Nhà, 63 rue Saintonge, 75003 Paris, 80 F một năm (4 số)

15 Hợp Lưu, sđđ., tr. 158 và 154.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us