Vấn đề Hoà giải, hoà hợp
Vấn đề
Hoà
giải, hoà hợp
Từ gần hai mươi năm nay, các cụm từ “hoà giải, hoà hợp dân tộc” tuy đã trở thành phổ biến trong dân gian Việt Nam như một thành ngữ, nhưng trong tư duy, trong hành động của mỗi người, nó vẫn như một con rắn biển chẳng bao giờ xuất đầu lộ diện. Phải chăng, những điều kiện tối thiểu để rắn nếu không ló mặt thì cũng lòi đuôi chưa được tập hợp đầy đủ? Hay đó chỉ là một khái niệm trừu tượng, một mơ ước không tưởng? Tôi thiên về giả thuyết thứ nhất, và vì vậy, liều viết một số suy nghĩ về sự tạo những điều kiện cho hoà giải, hòa hợp xuất hiện.
1. Trước hết, nên cùng nhau xác định rõ nghĩa của cụm từ này, vì tôi có cảm tưởng đã có (và vẫn còn) nhiều ý đồ chính trị, nhiều hệ tư tưởng trái ngược nấp bóng đằng sau nó.
Một khi nói đến hoà giải, là chấp nhận có nhu cầu làm lành với nhau, sau khi đã tranh chấp, cãi vã, thậm chí đánh nhau vỡ đầu. Nhu cầu đó thể hiện, phản ánh điều gì, nếu không phải là các bên liên quan rút cục đều thấy phải sống chung với nhau, phải cùng nhau bắt tay làm một việc gì đó? Xi măng của sự hoà giải là sau khi đã hiểu biết nhau hơn qua các cuộc tranh chấp, đấu tranh, người ta cùng thấy tất yếu phải thoả hiệp với nhau, chấp nhận khác biệt và tôn trọng nhau. Không gì tai hại hơn là “hoà giải” bằng chiêu hồi, bằng quỳ gối, vì kẻ quỳ gối bao giờ cũng muốn trả thù và cái vòng luẩn quẩn sẽ không bao giờ dứt.
Đối với tôi “hoà hợp” là một danh từ có nhiều cạm bẫy, vì cuộc chiến tranh vừa qua không đơn thuần là một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mà còn là một cuộc đụng đầu giữa hai hệ tư tưởng. Đối với những người Cộng sản, tư bản là cái gốc của hỗn loạn, của sự bất hoà trong xã hội. Vì vậy, họ có thể hiểu rằng thực hiện hoà hợp là thực hiện sự thắng lợi của giai cấp công nhân. Nói cho cùng, theo lý luận đó, các chính sách lý lịch, cải tạo, tuy là chia rẽ dân tộc nhưng sẽ loại những thành phần phản cách mạng, và rốt cuộc sẽ hoà hợp những gì còn lại trong xã hội, nghĩa là dân tộc! Nhưng ngược lại hoà hợp là gì đối với những người chống cộng? Giả thử, năm 1975 chính quyền Sài Gòn giành được thắng lợi, ai bảo đảm cho tôi rằng sẽ không có những cuộc thanh trừng nhân danh “tự do” (đặc biệt là tự do làm ăn), nhân danh hoà hợp (vì đấu tranh giai cấp là phản hoà hợp)?
2. Sự sụp đổ của một hệ thống chính trị, kinh tế trong năm 1989, và đặc biệt trong năm nay, theo tôi, là một cơ may để hoà hợp có thể thực hiện, vì nó buộc cả hai bên phải nhìn lại mình. Đối với những người Cộng sản, nếu vẫn còn là người Mác Xít (trong nghĩa triết học), đây là lúc để đặt lại nhiều quan niệm của mình về sự phát triển xã hội. Còn đối với những người chống cộng, thoạt tiên chúng ta có thể tưởng đó là những người thắng thế. Nhưng khổ thay, cộng và chống cộng như hình với bóng, tuy hai mà một; mất cộng sản, chống cộng cũng lao đao! Những vấn đề hóc búa của xã hội còn đó, những người chống cộng đã đề ra những chương trình hành động gì để giải quyết chúng? Áp dụng một chủ nghĩa tư bản thuần tuý chăng? Các lý thuyết kinh tế tư bản chưa đưa ra được một giải pháp nào để giải quyết nạn thất nghiệp. Hơn nữa, cái hố ngăn cách giữa các nước tư bản phát triển phía Bắc và các nước phía Nam ngày càng bị đào sâu...
Vì vậy nếu muốn hoà hợp, sao không nhân cơ hội này thực hiện hoà hợp trên một thách thức chung: cùng nhau mò mẫm, tìm kiếm một đường lối phát triển cho xã hội Việt Nam với một số giá trị cơ bản có thể được thoả thuận. Một xã hội tôn trọng dân chủ, tự do, bình đẳng, trong đó nhà nước giữ một vai trò trọng tài giữa các tác nhân kinh tế, chính trị.
Dĩ nhiên, đường đi sẽ không phẳng tắp, sẽ có tranh chấp, đụng độ; nhưng nếu mỗi bước đi là một quá trình thử thách thì đồng thời cũng làm cơ sở suy nghĩ cho những bước sau.
3. Cuối cùng, theo ý tôi, cuộc tranh cãi “thực hiện hoà giải hòa hợp với ai” chỉ là thứ yếu khi những ý kiến trên đã được chấp nhận.
Gần đây, có những câu cật vấn, những ngờ vực được đưa ra đối với một số người vì họ xuất thân từ chính quyền hiện nay, hoặc từ xã hội do chính quyền đó dựng nên. Tôi thấy những câu hỏi đó “vô duyên” vì những lý do sau:
i / Con người là phải xuất thân từ một xã hội nào đó! Một xã hội thay đổi thường chính cũng nhờ những người sinh ra từ xã hội ấy. Gorbatchev do ai đào tạo? Thích Ca Mâu Ni xuất thân từ đâu? Và Karl Marx?
ii / Cách đặt vấn đề của những câu hỏi đó có tính cách loại trừ và tạo cho những người, vì lý do khách quan đã “dính” tới một bộ máy, những mặc cảm tội lỗi. Như vậy hoà giải hoà hợp trở thành vô nghĩa.
iii/ Phải chăng, những người đặt ra những câu hỏi ấy là những người theo thuyết “lấy độc trị độc”, ở đây là lấy chủ nghĩa lý lịch trị chủ nghĩa lý lịch?
Lê Hùng
Các thao tác trên Tài liệu