Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 3 / Khoa học trong sóng gió thị trường

Khoa học trong sóng gió thị trường

- Bùi Mộng Hùng — published 24/05/2009 01:41, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:41
Nói cho cùng hoạt động khoa học của một dân tộc là gì nếu không là ý chí tiếp cận và giải quyết những vấn đề đang đặt ra cho mình bằng những kiến thức hiện đại nhất.

 

Khoa học trong sóng gió thị trường

 
Bùi mộng Hùng

 
Khoa học kỹ thuật, cụm từ chúng ta hằng nghe quen tai từ bao nhiêu năm nay vừa đây được nghị quyết 26 BCT của Bộ Chính trị chính thức đem khẩu hiệu Khoa học và công nghệ thay vào (1).

Lấy từ công nghệ thay cho từ kỹ thuật và thêm một chữ và để đánh dấu quan điểm mới của Đảng cộng sản Việt Nam về vai trò, nhiệm vụ, hướng đi trong hoạt động khoa học và công nghệ, trước sóng gió cơ chế thị trường đang lay chuyển đến tận gốc rễ một nền khoa học được quan niệm và tổ chức rập khuôn theo các nước xã hội chủ nghĩa.

Không phải bước vào cơ chế thị trường là các nhà làm khoa học ở Việt Nam ai ai cũng bị sóng gió cả. Báo Đại Đoàn Kết đã có lần cho đăng tựa " Tiếp cận thị trường, chất xám ngày càng có giá trị " (2).

Trước đây chất xám rẻ như bèo. Khi mà cơ sở sản xuất chẳng hạn một hợp tác xã trồng cây gì, trồng thế nào, canh tác ra sao, thu hoạch như thế nào – nhất nhất phải tuân theo lệnh trên, thì còn có cần gì đến kiến thức các nhà khoa học, kỹ thuật ? Tiến sĩ Đỗ Trọng Quyền, Việt kiều Tây Đức chuyên nông hóa thổ nhưỡng đem cả vợ con, vốn liếng dành dụm về nước năm 1984 chỉ mong được đem hiểu biết chuyên môn của mình đóng góp cho đất nước. Đến cuối 1990, anh tâm sự với nhà báo rằng mong ước của anh đã chẳng thực hiện được mà bao nhiêu của nả đem từ Cộng hoà liên bang Đức về đến nay đã hết sạch, chưa biết xoay sở như thế nào để nuôi vợ nuôi con (2).

Trong cái tình cảnh lương chính thức hàng tháng một tiến sĩ tin học là 50.000 đồng, cán bộ khoa học kỹ thuật chỉ trông vào " ơn trời " được đi công tác nước ngoài nhân đó mà tằn tiện dành dụm chút đỉnh đem về nhà sống trong ít năm, thì khi có chỗ làm ở "ngoài " lĩnh thêm khoảng 300.000 đồng một tháng đúng là nhẹ hẳn mối lo chạy gạo hàng ngày.Viện khoa học Việt Nam từ khi cơ chế thị trường bắt đầu manh nha ở nước ta sau Đại hội VI, ngân sách Nhà nước ngày càng cạn, đã thể chế hóa châm ngôn " chất xám là hàng hóa " bằng cách cho thành lập một loạt trung tâm; liên hiệp khoa học - sản xuất, làm ra sản phẩm để bán, tự bù đắp mọi chi phí. Xí nghiệp tinh dầu chẳng hạn, trước là một bộ phận của Viện Hóa, được hình thành từ năm 1987 để tinh chế các loạt tinh dầu bạc hà, húng, hương nhu, quế, long não,v...v... xuất khẩu Năm 1990, doanh số của xí nghiệp là 9 tỷ đồng, nộp thuế gần 1 tỷ đồng, thu nhập bình quân của cán bộ khoảng 200.000 - 300.000 đồng mỗi tháng.

Mừng cho các nhà chiết xuất tinh dầu, cũng như các khoa học gia trong Liên hiệp điện - điện tử Eleco, trong Liên hiệp cơ - điện - lạnh, trong Trung tâm phát triển kỹ thuật thông tin liên lạc CTT. Được đem cái sở học nuôi sống lấy thân mình quả là một điều hạnh phúc khi những đồng nghiệp trong nhiều viện, nhiều ngành khác, nghề riêng khổ học trong hàng chục năm không đủ để ăn quà sáng (2).

Bình tâm mà xét lại, các bộ phận thuộc Viện khoa học Việt nam ấy hoạt động như những doanh nghiệp. Phó giám đốc CTT, giáo sư tiến sĩ Hoàng Xuân Nguyên nói : " ...chúng tôi đành phải làm từ A đến Z, vừa nghiên cứu, vừa kinh doanh, nên có rất nhiều khó khăn ". Những khó khăn mà giáo sư Nguyên nói là sự đụng chạm đến cơ quan thuế, công an, kiểm tra, kiểm sát... (2). Bộ phận nghiên cứu đã trượt qua thành xí nghiệp kinh doanh và phải làm những công việc bình thường của một doanh nghiệp. Chỉ không bình thường chăng, trong một cơ chế thị trường thật sự, là các thiết bị công nghệ hiện đại, xí nghiệp không phải xuất vốn đầu tư mà là của công.

Xin nói ngay rằng kẻ viết những hàng này không có chút ý định nào đem những nhà khoa học lấy tâm trí hiểu biết của mình xử dụng trang thiết bị làm ra của cải sánh với những bộ phận xí nghiệp quốc doanh, tẩu tán máy móc của công để tư túi đến mức chỉ còn bốn vách tường trống mà vẫn báo cáo kế hoạch để được nhận nguyên liệu về buôn bán lấy tiền nộp thuế và tiêu xài. Mà chỉ xin nêu hai câu hỏi.

Một là các xí nghiệp có vẻ phồn vinh này có khác gì tuyệt đại đa số những xí nghiệp trong 20 % xí nghiệp quốc doanh được tiếng là ăn nên làm ra, nhưng nhìn theo mắt nhà tư bản thì không đứng nổi trong kinh tế thị trường vì tiền lãi không đủ bù đắp máy móc hao mòn, nói chi tới đổi mới thiết bị cho theo kịp chuyển biến kỹ thuật trên thế giới.

Hai là, chức năng của nghiên cứu ứng dụng là chuyển nhượng và đào tạo, chuyển nhượng kỹ thuật mới, đào tạo người sử dụng phương pháp và kỹ thuật hiện đại, làm chất men kích thích cho nền sản xuất của cả nước. Đã hoạt động như một xí nghiệp nghĩa là phải ráo riết cạnh tranh, thì các cơ sở tiếng là nghiên cứu đó có còn ý chí chuyển nhượng kỹ thuật và đào tạo nhân viên cho người ta trực tiếp cạnh tranh với mình hay là sẽ khư khư ôm riêng lấy bí mật kỹ thuật như mọi xí nghiệp bình thường trong kinh tế thị trường ?

Nếu chỉ là một cơ sở phải lúng túng vướng mắc mâu thuẫn – trên nguyên tắc – giữa đời sống cán bộ nhân viên và chức năng nghiên cứu thì đã là một trong những trường hợp hiếm thấy, được diễm phúc vào bậc nhất rồi. Nào phải ai ai cũng ở trong những ngành nhờ yêu cầu thị trường mà lên như diều, chẳng hạn như kỹ thuật Vô tuyến, kỹ thuật điều khiển, máy vi tính đâu ! Rất nhiều viện, nhiều trung tâm, nghiên cứu để am hiểu, dự báo những hiện tượng văn hóa, xã hội, những đề tài thật thiết thân đến tiền đồ của dân tộc, như đa số các viện về khoa học xã hội, nào được may mắn như những trường hợp nói trên. Các cơ sở này thường lâm vào tình trạng nhân viên phải chia phiên nhau cho lấy có mặt một người trong văn phòng, còn cả viện thì chạy kiếm cơm bằng nghề khác, phần lớn cán bộ nhân viên cả tháng mới lò dò đến sở một lần, để lĩnh lương. Về chuyên môn phải chạy đôn chạy đáo để ký kết hợp đồng nghiên cứu với địa phương, với hợp tác quốc tế, tạo thêm nguồn thu nhập cho viện, nhưng thường là ký kết thực hiện một công trình đã làm xong từ nhiều năm trước, một cách trá hình bán chuyện cũ để mà đắp đổi qua ngày. Người lo xa vẫn e rằng ngày ngày mắc lo chạy gạo như thế này không còn đâu tâm trí tìm tòi khảo cứu như những năm trước đây, thì chỉ vài năm nữa, khi bán cạn công trình nghiên cứu nghiêm túc rồi, lúc đó mới trơ cái tình trạng khốn nạn của khoa học nước ta ngày nay !

Nói thế không phải là phủ nhận hiện nay không còn công trình nghiên cứu có giá trị. Vẫn có, thế mới lạ. Nhưng có được là do giá trị của con người, những con người dặc biệt, gặp phải cơ chế tổ chức éo le, nghề trong tay không nuôi nổi thân mình, đành chịu thức đêm thức hôm, sau những giờ quần quật chạy cơm bữa, đổ sức mòn vào công việc mình mê say. Nhưng sức người có hạn và đã biết bao nhà khoa học lỗi lạc của ta đành ôm hận bỏ nghề vì miếng cơm manh áo, vì chịu đựng không nổi những quan lãnh đạo khoa học, vốn hiểu biết chuyên môn đã chẳng được là bao mà tầm nhìn không quá lợi lộc trước mắt cho riêng cá nhân mình, chẳng ngần ngại cướp lấy công trình mồ hôi nước mắt của quân dưới trướng.

Làm khoa học luôn luôn phải có thêm nguồn máu mới. Máu mới ở đâu ra khi, sau những năm đằng đẵng học xong mảnh bằng, lương tháng chỉ đủ ăn lấy vài ngày, khi mà cả nền giáo dục của ta đang trên đà lụn bại. Chẳng cần nhìn đâu xa, chỉ so sánh với các nước xung quanh, Nam Triều tiên có tỷ lệ 367 sinh viên đại học trên 10.000 dân, Thái lan 127, trong khi ta vỏn vẹn có được 22 người. Sinh viên đã chẳng được là bao lại thêm tình hình hiện nay xui khiến người được gởi ra học nước ngoài không muốn trở về, năm qua là lần đầu tiên mà tỷ lệ sinh viên du học xin gia hạn ở lại lên tới 80% (3). Và phải chờ đợi là càng vào cơ chế thị trường thì chảy máu chất xám sẽ càng tăng. Kinh nghiệm ở Liên Xô cho thấy chỉ trong vòng một năm, đội ngũ khoa học gia sút mất đến 10% (4).

Hiện tại bi đát, tương lai tối tăm. Bộ chính trị hẳn đã nhận định ra sự kiện này và ngh! quyết 26 BCT nhằm tìm lối ra.

Vấn đề phải giải quyết vô vàn khó khăn, vì tình trạng một nước chưa phát triển và cũng vì cách tiếp cận, quan niệm vấn đề.

Vấn đề nan giải đầu tiên là đầu tư. Trong bao nhiêu năm nay ta vẫn được nghe nhắc đi nhắc lại lấy khoa học kỹ thuật làm then chốt, nhưng thực tế phũ phàng là " Dù tính theo số tuyệt đối theo tỷ lệ thu nhập quốc dân, theo đầu người hay theo đầu cán bộ khoa học, thì đầu tư cho khoa học nước ta đều thấp hơn nhiều so với các nước ở trong khu vực, và xếp vào loại thấp nhất thế giới " (5).

Nghị quyết 26 nói phải dành 2% ngân sách Nhà nước cho kinh phí nghiên cứu khoa học (l).

Hồi năm 1981 nghị quyết 37 của Bộ chính trị cũng đã long trọng qui định mức 2% thu nhập quốc dân dành cho khoa học. Trong thập kỷ vừa qua ấy viện trợ Liên Xô hằng năm còn lên đến 1,4 tỷ rúp, ngân quỹ Nhà nước không thiếu hụt nghiêm trọng như hiện nay thế mà quy định của nghị quyết đã chẳng khác chi lời hứa xuông: Chưa biết mức 2% của nghị quyết 26 này rồi sẽ ra sao. Có điều gần như chắc chắn là biện pháp quy định các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế cần dành một phần vốn của mình để chi cho công tác nghiên cứu triển khai (1), không thực tế trong điều kiện Việt Nam hiện nay. Vì lý do đơn giản là Nhà nước đang phải bao cấp khu vực quốc doanh bằng cách cho vay với lãi suất 2,4% trong khi lãi suất tiết kiệm là 4%, và phải bù hàng năm 500 tỷ vào chỗ cách biệt lãi suất này – không ít đơn vị quốc doanh dùng tiền vay đó gởi lại vào ngân hàng lấy lãi, ngồi chơi mà vẫn thu nhập cao – thế mà có tới một nửa số vốn cho quốc doanh vay bị đóng băng không trả nổi, và vốn hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều đơn vị vẫn phải phụ thuộc vào vay ngân hàng với lãi suất thấp; thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng nhận rằng quốc doanh không thể nào trụ nổi nếu không có trợ cấp trá hình này. (6). Hỏi khu vực quốc doanh lấy vốn đâu mà đầu tư vào nghiên cứu khoa học ? Còn trong khu vực tư doanh kinh nghiệm các nước phát triển là tầm cỡ xí nghiệp có vượt quá một ngưỡng nhất định nào thì đầu tư vào nghiên cứu khoa học mới có lợi. Trước mắt và phải tính cả trong tương lai khá dài, tuyệt đại đa số xí nghiệp tư doanh của ta là tầm vóc nhỏ và trung, nghĩa là thuộc loại các xí nghiệp lẽ ra được Nhà nước, bằng cách này hay cách khác, trợ cấp nghiên cứu phát triển. Chẳng được trợ cấp lại còn bị bòn tiền nghiên cứu, xí nghiệp tư doanh làm sao cạnh tranh nổi trên thị trường quốc tế ?

Vì thế mà mô hình tổ chức nghiên cứu được giáo sư Đặng Hữu, chủ nhiệm ủy ban Khoa học Nhà nước hình dung cho tương lai trong đó "... phần lớn các cơ quan nghiên cứu triển khai phục vụ trực tiếp cho ngành sản xuất thì hoạt động theo nguyên tắc tự cấp vốn " (1) e không sát với thực trạng kinh tế.

Nhưng đó chỉ là một điểm chi tiết trong tổ chức nghiên cứu, thật ra cải tổ cho nền khoa học Việt Nam hiện nay đáp ứng được với kinh tế thị trường là một vấn đề hóc búa. Vì đã quá lâu thiên lệch trong quan niệm tổ chức, hệ thống viện nghiên cứu và hệ thống trường đại học gần như hoàn toàn không biết đến nhau. Vì trong suốt bao năm qua đã thiên lệch trong đào tạo, vừa thừa vừa thiếu nghiêm trọng. Thừa lý thuyết xuông mà thiếu thực dụng. Xin đơn cử vài con số để minh họa sự mất thăng bằng này : Cả nước chỉ có 23 phó tiến sĩ (PTS) công nghệ hàng tiêu dùng, 27 PTS công nghệ rừng, 22 PTS nghề cá, 83 PTS công nghệ thực phẩm, nhưng có tới 674 PTS kinh tế, được đào tạo theo kinh tế học xã hội chủ nghĩa bao cấp (2). Cái quan niệm cố hữu còn tiềm tàng trong mô hình tổ chức do giáo sư Đặng Hữu trình bày – phân ranh cứng ngắc, nghiên cứu cơ bản về phần trường đại học, nghiên cứu ứng dụng dành cho viện khoa học quốc gia (1) – là phương thức hữu hiệu nhất để tiếp tục đào tạo ra như từ trước tới nay hàng lô sinh viên chỉ biết nói lý thuyết, vào đến thực hành thì ù ù cạc cạc. Vì lẽ người nắm thực hành thì không dạy, người dạy thì chỉ chuyên lý thuyết. Học trò rập khuôn theo thày dạy là lẽ thường, trong khi đó kiến thức, kinh nghiệm, phương tiện thực hành cất một bên không truyền dạy được cho ai.

Kinh tế thị trường đòi hỏi một số lượng lớn người có kiến thức khoa học, ít ra số sinh viên đại học hiện nay của ta phải nhanh chóng tăng gấp đôi. Nhưng đòi hỏi nhiều kiến thức không được phổ biến trong hệ thống đại học xã hội chủ nghĩa, như về kinh tế học, xã hội học, tin học, khoa học quản lý, v. v... Và cũng đòi hỏi đào tạo một mẫu người linh động, sáng tạo. Linh động và sáng tạo trong ứng dụng kiến thức đã đành, mà linh động trong nghề nghiệp, sẵn sàng bỏ việc đang quen qua làm trong lĩnh vực hoàn toàn mới lạ. Nghĩa là đào tạo mẫu người nắm phương pháp giải quyết vấn đề hơn là chỉ chuyên học một số kiến thức kỹ thuật cố định. Nói cách khác, kiến thức phải dựa trên căn bản văn hóa tổng quát vững chắc, không chỉ chuyên quá hẹp như của ta hiện nay.

Muốn đáp ứng yêu cầu đó cần quan niệm lại toàn thể hệ thống sinh hoạt và đào tạo khoa học của ta. Tăng ngân sách đầu tư xóa bỏ ranh giới riêng rẽ trường đại học và viện nghiên cứu đã đành nhưng cũng cần xác định bằng luật pháp tính cách tự trị rộng rãi của các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học. Tự trị trong ngân sách, tự trị trong tuyển chọn nhân viên nghiên cứu giảng dạy dựa trên chỉ tiêu khoa học, tự trị trong hướng hoạt động khoa học,v..v...Quan niệm tổ chức có gọn nhẹ như thế mới đủ nhạy bén để đáp ứng nhu cầu khác biệt nhau tùy theo thời điểm, theo địa phương, và để không bị lạc hậu trong trào lưu tiến triển của thế giới.

Ngoài ra hoạt động khoa học còn đòi hỏi một môi trường, một không khí sinh hoạt mà ta chưa bao giờ tạo nên nổi. Ta thường ngạc nhiên trầm trồ thấy có những người Việt vừa ra khỏi môi trường trong nước đã thành đạt trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Ấy là ta không nhìn đến người nước khác đó thôi. Thành đạt của người Trung quốc, Ấn độ, Cận đông ở nước ngoài nếu không hơn thì cũng chẳng kém gì ta ! Ấy là nhờ môi trường hoạt động khoa học, nhờ không khí học hỏi, tìm tòi tranh luận tự do cởi mở không một lĩnh vực nào là cấm kỵ, nhờ thuận tiện gặp gỡ trao đổi bình đẳng với những người nắm vấn đề vào bậc nhất trên thế giới, chẳng những trong giảng đường, trong phòng thí nghiệm mà ngay bên tách cà phê, bên ly rượu, trong quán ăn, bên lề đường. Ấy là cả một tập quán bàng bạc trong tinh thần, trong lối sống của xã hội.

Bị thiếu môi trường sinh hoạt khoa học đó thì người làm khoa học chẳng khác chi là quýt Giang nam bị bứng đem qua Giang bắc, quả đang ngọt trở thành chua ngay. Và đây cũng là vấn đề của Việt kiều trở về nước làm khoa học kỹ thuật. Một vấn đề phức tạp không đơn giản như nhiều người tưởng chỉ cần gọi vài trăm người Việt ở nước ngoài về là xong xuôi mọi chuyện. Người Việt sống trên đất Pháp đã trải trên mười năm kinh nghiệm hợp tác khoa học với trong nước. Được một vài thành tựu, nhưng thất bại cay xót thì không kể xiết. Chắc chắn là bàn đến khoa học nước nhà không thể không tính đến người Việt ở nước ngoài. Nhưng khuôn khổ bài báo có hạn, xin được khất đến một bài khác.

Hoạt động khoa học là vấn đề hóc búa cho một nước đang phát triển. Nói cho cùng hoạt động khoa học của một dân tộc là gì nếu không là ý chí tiếp cận và giải quyết những vấn đề đang đặt ra cho mình bằng những kiến thức hiện đại nhất. Nó hàm ý dân tộc vững tin trong hướng đang đi, nhìn thẳng về tương lai. Làm sao bàn đến đầu tư sức người sức của vào hoạt động khoa học khi mà người dân kể cả những người làm khoa học phải chật vật chạy gạo từng bữa để sống qua ngày, khi những người nắm được tiền liền vung tay phung phí xa hoa ngay vì không đủ tin tưởng để đầu tư cho lâu dài, khi mà Nhà nước mỗi năm mỗi giảm đầu tư cho tương lai của đất nước ?

Tìm ra một hướng đi cho dân tộc được đa số nhân dân tin tưởng là điều kiện tiên quyết cho mọi cải tổ hoạt động khoa học của cả nước. Chỉ có một chính sách đoàn kết dân tộc, một chính quyền dược nhân dân tín nhiệm qua tự do bầu phiếu mới thực hiện nổi nhiệm vụ này.

 
Bùi mộng Hùng

   

(l) Làm Gì Để Phát Huy Mạnh Mẽ Động Lực Khoa Học Và Công Nghệ Trong Sự Nghiệp Đổi Mới. Phỏng vấn Chủ nhiệm ủy ban Khoa học Nhà nước Đặng Hữu ; Nhân Dân, 4.07.1991.

(2) Minh Tuấn. Tiếp Cận Thị Trường, Chất Xám Ngày Càng Có Giá Trị ; Đại Đoàn Kết, 1 -7. 08. 1991.

(3) Manay Hiebert. An Education Crisis Follows Economic Reforms. The Drop - Out Factor ; Far Eastern Economic Review 19.09. 1991. Xem bản dịch, Yếu Tố Bỏ Học, Diễn Đàn số 2, (l. 11. 1991).

(4) Martine Barrère. La Science De L'est En Déroute khoa Học Đông Âu Tán Loạn). Le Monde 17.07.1991

(5) Đặng Hữu: Phát triển đất nước bằng khoa học và công nghệ. Tạp Chí Cộng Sản số 8 - 1991.

(6) Báo cáo trước Quốc hội của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm ngày 9.8.91. Tuổi trẻ lược ghi trong bài Ba Nguyên Nhân Làm Tăng Giá Vàng, Đô la ; Tuổi Trẻ 10.08.1991.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss