Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 3 / Nhịp cầu Loire và Sài Gòn

Nhịp cầu Loire và Sài Gòn

- Nguyễn Hải — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 06/10/2010 12:10


Nhịp cầu giữa sông Loire
và sông Sài Gòn



Phỏng vấn ông Nguyễn Trí Dõng
Chủ tịch hiệp hội P.L.E.A.S.E



Từ tháng 10 vừa qua, trường Taberd cũ ở Thành phố Hồ Chí Minh đã trở lại với chức năng đầu tiên của nó: đào tạo. Cơ sở giáo dục hoạt động lâu đời ở đường Nguyễn Du đã mở cửa lại để đón tiếp trường đại học tin học và quản lý Hoa Sen-Lotus, một dự án hợp tác giáo dục Việt-Pháp có sự tham gia của Việt kiều. Trong buổi họp báo tại Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu trường đại học dân lập này, phía Việt Nam có ông Phạm Chính Trực, chủ tịch ban bảo trợ dự án Hoa Sen và là phó chủ tịch uỷ ban nhân dân thành phố. Phía Pháp, có mặt của ông Nguyễn Trí Dõng, chủ tịch hiệp hội P. L.E.A.S.E. (Pays de la Loire- Asie du Sud Est) một thành viên tích cực của dư án hợp tác Pháp-Việt đó. Diễn Đàn đã phỏng vấn ông khi ông trở lại Pháp.


Trường Hoa Sen-Lotus là một thể hiện của khái niệm “du học tại chỗ”, ông Nguyễn Trí Dõng cho biết. Khởi đầu sáng kiến này, ở phía Việt Nam là ông Trần Hà Nam, trước đây là Việt kiều ở Pháp, hiện làm giám đốc công ty SCITEC, và với tính cách đó, được cử phụ trách trường dân lập Hoa Sen. Sáng kiến ở phía Pháp là của ông Cổ Minh Đức, Việt kiều ở Paris, giám đốc phụ trách về đào tạo của công ty bảo hiểm Pháp U.A.P.

Xã hội Việt Nam hiện nay có một nhu cầu lớn về du học – ông Dõng nhận xét – , một điều hoàn toàn chính đáng song rất tốn kém. Việt Nam, do đó, cần chọn một số lãnh vực khoa học và kỹ thuật – những bộ môn có ứng dụng rộng rãi và nhanh chóng – và tổ chức đào tạo ngay ở trong nước với sự giúp đỡ về phương tiện vật chất và chuyên gia giảng dạy đến từ nước ngoài: “Tôi đồng quan điểm du học tại chỗ với tiến sĩ Trần Hà Nam là thế ” .

Chọn các bộ môn tin học và quản lý, trường Hoa Sen nhắm đào tạo các nghề nhân viên văn phòng, trợ lý giám đốc, kỹ thuật viên điện toán với một chương trình học bước đầu là hai năm (về sau sẽ lên đến năm năm) cho sinh viên tốt nghiệp phổ thông trung học. Ngoài ra, trường còn có những chương trình đào tạo tại chức và đào tạo chuyên đề.

Dự án Lotus-Hoa Sen quy tụ về phía Pháp khoảng ba mươi cơ quan, xí nghiệp, hội đoàn, trong đó đáng kể nhất là Hội đồng thành phố Paris, Hội đồng vùng Ile de France, Hội đồng vùng Loire, Hội đồng vùng Aquitaine, các trường đại học Nantes, Angers và Paris VIII, Viện về các phương tiện truyền thông I.F.M. (Institut Français Multimedia), công ty bảo hiểm U.A.P, hiệp hội P.L.E.A.S.E., uỷ ban hợp tác khoa học và kỹ thuật với Việt Nam... – chủ trì dự án là phó thị trưởng Paris, Claude Goasgen. Cơ quan O.R.E.P. (tổ chức về giáo dục thường xuyên của vùng Ile de France), do Gérard Pedurthe làm giám đốc, được chỉ định điều hành chương trình hợp tác về phía Pháp. Kinh phí tài trợ dự trù cho hai năm đầu tiên lên đến 10 triệu franc Pháp, sử dụng vào trang bị và hoạt động giảng huấn – “và với mục tiêu là đi đến giảm dần phần tài trợ của Pháp để trong tương lai trường hoàn toàn tự túc”.

Sau hai chuyến đi sang Việt Nam, hiệp hội P.L.E.A.S.E., ngoài dự án Hoa Sen, còn thiết lập nhiều quan hệ hợp tác giữa vùng Loire và Thành phố Hồ Chí Minh, trong những lãnh vực y tế, đóng tàu, hoá học ứng dụng, kiến trúc, đào tạo về du lịch và quản lý xí nghiệp... Thành lập năm 1990, P.L.E.A.S.E. có mục tiêu xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các tỉnh sông Loire của Pháp (gồm 5 tỉnh: Loire Atlantique, Maine et Loire, Mayenne, Sarthe, Vendée) và khu vực Đông Nam Á chủ yếu là Việt Nam. Để bảo trợ hoạt động đó, ông Nguyễn Trí Dõng đã vận động sự tham gia của hầu hết các nhân vật quan trọng thuộc nhiều xu hướng chính trị khác nhau của vùng Loire, đứng đầu là Olivier Guichard, chủ tịch Hội đồng vùng Loire và thị trưởng La Baule (đảng R.P.R.). P.L.E.A.S.E. còn được sự bảo trợ của thị trưởng Nantes, Jean Marc Ayrault (đảng Xã hội), thị trưởng Angers, Jean Monnier (đảng Xã hội), các thị trưởng Saumur, La Roche sur Yon, các nghị sĩ Claude Evin (đảng Xã hội), Hervé de Chanette (đảng U.D.F.), François Fillon (đảng R.P.R.), Philippe Mestre (đảng U.D.F.), chủ tịch phòng thương mại Nantes, chủ tịch các trường đại học Nantes và Angers, hiệu trưởng các trường kiến trúc và kỹ sư công nghiệp thực phẩm (E.N.I.T.I.A.A.)...

Hoạt động của P.L.E.A.S.E. hiện nay được chia thành năm tiểu ban: y tế, do bác sĩ Trần Hữu Hạnh phụ trách; đào tạo do giáo sư Guen Nguyễn Trí Lực trách nhiệm; kiến trúc và thiết kế đô thị, do hiệu trưởng trường kiến trúc Nantes, Jean Marc Cailleau phụ trách; du lịch do giáo sư Bonneau, chủ tịch trường đại học Angers, đứng đầu; thương mại, do ông Nguyễn Trí Dõng trách nhiệm. Các thành viên P.L.E.A.S.E. đều hoạt động không thù lao, và ngân sách hội – khoảng 150.000 franc – chủ yếu (ba phần năm) do các hội đồng vùng, tỉnh, thành phố, các phòng thương mại, thủ công nghệ và nông nghiệp của vùng Loire trợ cấp (l)

“Quan niệm của P.L.E.A.S.E. – ông Dõng khẳng định – không phải là vận động viện trợ cho Việt Nam mà là tổ chức những quan hệ có lợi cho vùng Loire và Việt Nam. Chúng tôi bắt đầu với những chương trinh đào tạo song mục đích là đi đến những thực hiện có tính chất kinh tế”. Song ông công nhận “trong tình hình Việt Nam hiện nay, kinh tế chưa ổn định, nhưng luật pháp không có, giới kinh doanh vùng Loire giữ thái độ chờ đợi”.

Quê ở Cao Lãnh, 57 tuổi, ông Nguyễn Trí Dõng sang Pháp năm 1952, tốt nghiệp trường cao đẳng thương mại Nantes và trở thành nhân viên giảng dạy của trường. Công tác sau đó ở cơ quan quản lý trợ cấp thất nghiệp A.S.S.E.D.I.C. của tỉnh Loire Atlantique, ông đã phụ trách bộ phận đào tạo dạy nghề. Nghỉ hưu năm 1990, ông tiếp tục làm cố vấn pháp luật cho công đoàn F.O. ở toà án lao động.

Ngoài hiệp hội P.L.E.A.S.E., ông Nguyễn Trí Dõng còn là sáng lập viên và chủ tịch Hội ái hữu Việt kiều Nantes (trước đây Hội ái hữu sinh viên), hiện qui tụ gần hai trăm gia đình Việt Nam sinh sống trong vùng. Ông cho biết tỉnh Loire Atlantique có khoảng ba trăm gia đình Việt kiều, hơn hai phần ba đến lập nghiệp sau năm 1975 với quy chế tỵ nạn chính trị. Hoạt động của hội nhắm hai mục tiêu: tương thân tương trợ, giúp nhau hoà nhập vào xã hội Pháp (giúp đỡ thủ tục hành chính, tìm việc làm, nhà ở...); duy trì truyền thống văn hóa Việt Nam (tổ chức những ngày hội Tết Nguyên đán, Trung thu, lớp học tiếng Việt cho thiếu nhi, lớp gia chánh cho người Pháp...).

Tuy Hội ái hữu Việt kiều Nantes không có tính chất chính trị nhưng hầu hết thành viên đều “chống cộng sản, chống chế độ Việt Nam hiện nay” – ông Dõng công nhận. Giữa hoạt động cho P.L.E.A.S.E. và cho hội Việt kiều có mâu thuẫn hay không? Ông cho rằng những hoạt động của ông với tính cách hội trưởng Việt kiều chủ yếu thuộc diện quan hệ của cộng đồng Việt với xã hội Pháp, và nhằm “bảo vệ uy tín và quyền lợi của cộng đồng, làm cho dân và chính quyền vùng Loire tôn trọng người Việt Nam”. Mặc dù vậy, ông không từ bỏ hy vọng bắt “thêm” một nhịp cầu giữa sông Loire và sông Sài Gòn.


Nguyễn Hải




(l) P.L.E.A.S.E., 10 rue de Candé, 44 800 Saint Herblain, (đt 40 26 24 61)



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss