Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 3 / Việt Nam... đã qua... sắp tới...

Việt Nam... đã qua... sắp tới...

- Diễn Đàn — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 06/10/2010 12:10


Việt Nam... đã qua... sắp tới...



Khai thông ngoại giao

Tháng 11.1991 sẽ được ghi vào lịch sử ngoại giao Việt Nam như một tháng kỷ lục, ít nhất về mặt số lượng, và một phần nào, cả về chất lượng. Ngày đầu tháng, thủ tướng Võ Văn Kiệt hoàn thành cuộc viếng thăm những nước chủ chốt của khối ASEAN, chấm dứt 13 năm đối đầu. Ngày mồng 5, tổng bí thư Đỗ Mười và thủ tướng Võ Văn Kiệt chính thức đi thăm Bắc Kinh, bình thường hoá quan hệ Việt-Trung. Cuối tháng, cuộc gặp Việt-Mỹ sẽ đẩy thêm một bước quá trình (còn dài) của sự bình thường hoá. Giữa đó, lần lượt những bộ trưởng Anh, Úc, Pháp (ngoại trưởng Roland Dumas) đến Hà Nội. Cùng đi với họ, là những nhà kinh doanh lớn, muốn (hoặc họ muốn thúc đẩy) đầu tư vào Việt Nam, trước khi Mỹ đặt chân vào Việt Nam, và dầu sao đã chậm hơn Nhật, Đài Loan, Triều Tiên và các nước Đông Nam Á khác.

Về chuyến đi Trung Quốc, các nhà quan sát cho rằng về mặt kinh tế, việc giao thương sẽ phát triển, đặc biệt giữa Việt Nam và ba tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, tuy Bắc Kinh chưa chịu ký ngay hiệp định lập lại đường giao thông. Về chính trị, hai bên nhấn mạnh đến quan hệ hữu nghị giữa hai Nhà nước, tránh nói tới tình đồng chí giữa hai đảng, mặc dầu cả hai đều chọn lựa “kiên trì chủ nghĩa Mác-Lê”. Sự kín đáo này có thể giải thích bằng lý do ngoại giao (tránh gây ra nghi ngại ở phương Tây và Đông Nam Á). Song nhiều nhà quan sát cho rằng về thực chất, đã có sự xích lại gần nhau về tư tưởng.

 

Hội nghị cao cấp các nước sử dụng tiếng Pháp: Đẩy mạnh công cuộc dân chủ hoá

Hội nghị cấp cao lần thứ 4 của các nước sử dụng tiếng Pháp (francophone) đã họp tại Paris trong tháng 11 với sự tham dự của hơn năm mươi nguyên thủ và đại diện nước, trong đó có Việt Nam do phó chủ tịch Hội đồng nhà nước Nguyễn Hữu Thọ thay mặt.

Bản tuyên bố kết thúc hội nghị “ hoan nghênh những tiến bộ vừa qua của nền dân chủ ở khắp thế giới, chào mừng vai trò quyết định của nhân dân mỗi nước trong chuyển biến này và cho rằng mỗi dân tộc sẽ tự quyết định lấy những con đường thích hợp để củng cố những định chế dân chủ”. Nguyên thủ và đại diện của năm mươi nước có mặt còn “cam kết đẩy mạnh công cuộc dân chủ hoá” “quyết định phát triển một số chương trình thích hợp trong chiều hướng đó”. Trong khuôn khổ của tổ chúc A.C.C.T. (tổ chức hợp tác văn hoá và kỹ thuật), một “đơn vị nhân quyền và dân chủ” đã được hình thành với chức năng thông tin, đào tạo và cả hỗ trợ những cuộc bầu cử.

Để chuẩn bị và theo dõi những quyết định giữa hai hội nghị, một “hội đồng thường trực” gồm 16 nước, trong đó có Việt Nam, đã được thành lập. Hội nghị cấp cao lần thứ 5 sẽ họp năm 1993 tại đảo Maurice, và Việt Nam đã đề nghị tổ chức hội nghị lần thứ 6 tại Hà Nội năm 1995.

 

Thuỵ Điển cắt giảm viện trợ

Alf Svensson, bộ trưởng viện trợ, trả lời báo Svenska Dagbladet: trong năm tài khóa 1992-93, viện trợ cho Việt Nam sẽ bị cắt giảm khoảng 1/3. Việt Nam sẽ trực tiếp nhận được của Thuỵ Điển 36 triệu đôla, thay vì 53 triệu. Tuy nhiên, số 16,5 triệu còn lại cũng sẽ tới tay Việt Nam, thông qua sự trung gian của Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế FMI. Ông Svensson cho rằng “Chúng ta thấy Việt Nam đang có thay đổi. Tất cả các nước Tây phương cũng đang xét lại quan điểm về Việt Nam. Ngay Mỹ cũng bắn tín hiệu sẽ bỏ cấm vận. Thế mà bây giờ chúng ta lại quay lưng với Việt Nam thì kỳ quặc quá”.

(Lennart Simonsson, A.P, 8.11)

Đầu tư nước ngoài: 202 triệu đô la trong tháng 9.91

Theo uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, tính đến cuối tháng 9.91, tổng cộng đã có 314 dự án đầu tư của nước ngoài được cấp giấy phép với tổng số vốn là 2 tỷ 444 triệu đô la. Riêng trong tháng 9, có 12 dự án được cấp giấy phép với tổng số vốn đầu tư 202,1 triệu đô la. Đáng chú ý nhất là dự án liên doanh với hai công ty Pan Viet Corporation và Central Trading and Development Corporation nhằm xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận. Vốn đầu tư của dự án này là 88 ,9 triệu đô la.

(Thanh Niên, 20.10.1991)

ÚC đẩy mạnh đầu tư

“Việt Nam là thời vận cho các công ty Úc đặt chân vào mặt bằng (ground floor) và nắm lấy cơ hội nước này đang cởi mở về kinh tế”, đó là lời tuyên bố của ông Neal Blewett, bộ trưởng thương mãi Úc. Trong tháng 11, ông Blewett sẽ dẫn đầu một đoàn 21 giám đốc những công ty lớn về dầu mỏ, khoáng chất, ngân hàng, vận tải, dịch vụ và chế biến đi thăm Việt Nam.

Úc hiện đứng hàng thứ 5 trong các nước đầu tư ở Việt Nam, với tổng số 280 triệu đôla. Năm 1989, Úc xuất khẩu 80 ,8 triệu đôla sang Việt Nam, và nhập 18,9 triệu. Tháng 10 vừa qua, chính phủ Úc tuyên bố tái lập viện trợ song phương cho Việt Nam nhưng không nói rõ con số.

(Reuter, 12.11)

Liên doanh với Malaixia trong ngành ngân hàng và dầu khí.

“Vietnam Investment Development - Public Bank”, ngân hàng liên doanh giữa Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam với Ngân hàng Public Bank Benhad của Malaixia, sẽ ra đời vào đầu năm 1992 tại thành phố Hồ Chí Minh. Vốn pháp định là 10 triệu đô la, mỗi bên đóng góp theo tỷ lệ cân bằng. Đây là ngân hàng liên doanh với nước ngoài thứ hai của Việt Nam, sau Indovina, ngân hàng liên doanh với Indonêxia.

Công ty Petronan Carigali Overseas của Malaixia cũng đã quyết định hợp tác với Tổng Công ty dầu mỏ và khí đốt Việt Nam (Petro Vietnam) để tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam. Thời hạn hợp đồng là 25 năm với chi phí ở giai đoạn tìm kiếm thăm dò là 65 triệu đô la. Đây là hợp đồng liên doanh thứ 13 trong ngành dầu khí Việt Nam.

(Tuổi Trẻ 12.10, Nhân Dân 26.9.91)

Mở đường bay với Hồng Kông.

Tháng 10 vừa qua, hãng Air Hong Kong đã mở đường bay chở hàng đầu tiên đến thành phố Hồ Chí Minh. Từ nay, hàng tuần có hai chuyến bay và Air Hong Kong dự kiến sẽ tăng lên ba chuyến trong tháng 12. Vào giữa tháng 12, hãng Cathay Pacific cũng sẽ mở đường bay chở khách từ Hồng Kông đến thành phố (Thứ hai và thứ năm hàng tuần). Một đường bay tương tự sẽ nối Hồng Kông với Hà Nội (Thứ tư và thứ bảy).

(Tuổi Trẻ 22.10.1991)

Không nên đầu tư vào báo chí

Có phải đó là lời nhắn nhủ của giới hữu trách Việt Nam với nước ngoài? Câu hỏi đặt ra khi tờ tuần báo tiếng Anh Việt Nam Investment review vừa ra được số đầu tiên (27.9.1991) liền bị đóng cửa, vì những bài viết bàn về các vấn đề chủ đầu tư nước ngoài gặp phải ở Việt Nam không được vừa lòng chính quyền! Tờ báo là một sản phẩm liên doanh của một tổ chức kinh doanh ngành xuất bản Úc và uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư của Việt Nam. Mục tiêu hiển nhiên của nó là cung cấp những tin tức, phóng sự trung thực về các vấn đề liên quan tới kinh tế, thương mại ở Việt Nam.

(Tạp chí Kinh tế Viễn Đông, 7.11.1991)

Tham nhũng: hơn 25 nghìn tỷ đồng!

Sau một năm tiến hành chiến dịch chống tham nhũng, Tổng thanh tra nhà nước Việt Nam vừa cho biết đã tổ chức 2.572 cuộc thanh tra, qua đó đã “xử lý hành chính” 19.220 người. Trong số này, có bảy thứ trưởng và tương đương, sáu lãnh đạo cấp vụ và tổng công ty, tám tỉnh uỷ viên... Riêng ngành dự trữ quốc gia có 10% cán bộ viên chức bị xử lý, ngành ngân hàng có 2.128 người, trong đó có 134 cán bộ lãnh đạo. Số người bị khởi tố trước pháp luật về tội tham nhũng là 6.726 người. Nói chung, hoạt động xử lý được Tổng thanh tra nhà nước đánh giá là “yếu và chậm trễ”.

Số tài sản bị thất thoát vượt xa mức 25.000 tỷ đồng, gồm 1.947 triệu đô la (gần bằng tổng thu ngoại tệ của cả nước trong một năm), 1.510 tỷ đồng (gấp ba lần ngân sách giáo dục), 1.253 lạng vàng, 33.895 tấn thóc... Số tài sản được thu hồi đạt “tỷ lệ thấp”: 240 tỷ đồng (15,9 %), 133 lạng vàng (10%), 10 ngàn tấn thóc (32%). Tổng thanh tra nhà nước đánh giá cuộc đấu tranh chống tham nhũng “hiện có khuynh hướng giảm sút”.

Trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ, ông Lê Quang Thẩm, phó tổng thanh tra nhà nước thừa nhận hiệu quả thanh tra hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm của các bộ và uỷ ban nhân dân. “Nói chung, cứ vụ tiêu cực nào ít thế lực, ít dây mơ rễ má thì mới xử lý nhanh được”. Không hiếm trường hợp như ở bộ nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, người chịu trách nhiệm của một vụ tham nhũng (thứ trưởng Nguyễn Thiện Luân và vụ 51,8 tấn bột ngọt) đồng thời là người phụ trách công tác thanh tra của bộ! Và, mặc dù được “trao quyền kết luận các đơn tố cáo liên quan đến các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh”, cho đến nay Tổng thanh tra nhà nước “chưa làm được vụ nào”.

Theo ông Thẩm, tệ nạn tham nhũng hiện nay không chỉ phổ biến ở các ngành quản lý tiền, vàng, vật tư, mà còn phát triển nặng ở các ngành như giáo dục (tiết lộ đề thi) và trong lĩnh vực thi hành nghĩa vụ quân sự. Ông Thẩm công nhận, nói chung, trong các công việc hành chính, làm thủ tục gì có “xin” là phải có “điều kiện” chứ không phải được giải quyết theo chức trách.

(Tuổi Trẻ 28.9 và 8.10.1991)

Thất thu thuế: 600 tỷ đồng trong chín tháng.

Theo báo cáo của cơ quan thuế, số thuế năm 1991 tồn đọng trong cả nước đến cuối tháng 9 lên tới hơn 600 tỷ đồng. Riêng thuế xuất nhập khẩu còn đọng trên 312 tỷ đồng, trong đó thành phố Hồ Chí Minh thiếu 246 tỷ, Đồng Tháp 24 tỷ, Hải Phòng 17 tỷ... Những loại thuế khác còn đọng gần 300 tỷ trong đó thành phố Hồ Chí Minh 142 tỷ (riêng xí nghiệp Bia Sài Gòn thiếu 70 tỷ), Hà Nội 72 tỷ (Tổng cục hàng không thiếu 31 tỷ)...

Theo dự trù của chính phủ, số dự thu cho ngân sách nhà nước 1991 là 8.630 tỷ đồng (xem DĐ số 2), trong đó thuế chiếm 34% (2.930 tỷ) và phần nộp ngân sách của các xí nghiệp quốc doanh 36% (3.200 tỷ). Ngoài số thuế thu không đủ, phần nộp ngân sách của các xí nghiệp quốc doanh cũng thiếu cả ngàn tỷ đồng (chú thích của DĐ). Trong những điều kiện đó liệu con số dự trù bội chi ngân sách 2000 tỷ có thể giữ được hay sẽ bị vượt xa, kéo tỷ lệ lạm phát lên cao hơn nữa? Người ta cũng không hiểu nổi, bằng cách nào mà chỉ thị số 312 - CT của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, với nội dung chính là “Từ nay đến cuối năm 1991 phải thanh toán xong tất cả các khoản thuế còn đọng từ trước đến nay”, có thể thực hiện được? Có phép màu nào khiến cho, trong 3 tháng cuối năm, tự nhiên toàn bộ cán bộ ngành thuế năng động hẳn lên so với 9 tháng đầu năm, làm việc gấp nhiều lần hơn, thành thạo hơn và trong sạch hẳn lên, không còn móc ngoặc với bất kỳ một cơ sở kinh doanh nào nữa?

Chỉ thị 312 cùng với những con số thất thu thuế nói trên, được đăng trên báo Nhân Dân ngày 19.10.1991.

 

Việt Nam - Mỹ trên sân cỏ

Trung tuần tháng 9 vừa qua, một đoàn bóng đá học sinh Hà Nội đã sang Mỹ thi đấu giao hữu ở các trường trung học bang Connecticut và thủ đô Washington. Đoàn gồm 15 cầu thủ, từ 15 đến 17 tuổi. Các cầu thủ trẻ Việt Nam đã thắng hai, hoà ba trong năm trận thi đấu.

Trong thời gian ở Mỹ, đoàn học sinh đã được thống đốc bang Connecticut rồi phó tổng thống Hoa Kỳ tiếp tại Nhà Trắng. Linh mục Philips Cascia, người tổ chức chuyến đi của đoàn thể thao Việt Nam đầu tiên sang Mỹ, đã bày tỏ hy vọng rằng các trận đấu bóng đá sẽ giúp mở rộng cánh cửa quan hệ giữa hai nước và làm thay đổi quan điểm của giới hữu trách Hoa Kỳ (trong vấn đề Việt Nam).

(Thanh Niên 29.9, Tuổi Trẻ 5.10.1991)

Điện ảnh Việt Nam tại các liên hoan quốc tế:
Giải thưởng Uppsala và Madrid cho Gánh xiếc rong

Lần đầu tiên sau ngày giải phóng, điện ảnh Việt nam đã dự liên hoan phim Kim Mã của Đài Loan với hai bộ phim “Cánh đồng hoang” (1980) và “ Vị đắng tình yêu” (1991). Đại diện cho hai phim đến Đài Bắc có đạo diễn Hồng Sến (Cánh đồng hoang) và nữ diễn viên Thuỷ Tiên (Vị đắng tình yêu).

Tại Nhật, liên hoan phim tài liệu Iamagata đã chọn mời phim “Chuyện tử tế” của Trần Văn Thuỷ. Được biết bộ văn hóa Việt Nam đã từ chối ký giấy phép cho đạo diễn Trần Văn Thủy đi Nhật vào đầu tháng 10 để dự liên hoan.

Trang giấy trắng” bộ phim hợp tác giữa Việt Nam và Thuỵ Sĩ của đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh đã tham gia vòng chung kết liên hoan phim Montréal tháng 9 vừa qua. Được biết bộ phim mới này do Hồ Quang Minh thực hiện ở Campuchia, đến nay, vẫn không được phép công chiếu ở Việt Nam.

Trong tháng 10 và tháng 11, phim “Gánh xiếc rong” (tức “Trò ảo thuật”) của Việt Linh đã tham dự các liên hoan Uppsala ở Thuỵ Điển và Madrid ở Tây Ban Nha. Tại Uppsala, riêng thể loạt phim thiếu nhi, có 9 phim thuộc các nước Đan Mạch, Hà Lan, Irlande, Islande, Phần Lan, Pháp, Na Uy, Thuỵ Điển và Việt Nam vào vòng tuyển: phim Pháp “La fracture du myocarde” của Jacques Fansten đoạt giải ban giám khảo, phim Việt Nam “Gánh xiếc rong” đoạt giải khán giả.

Tại liên hoan nữ đạo diễn điện ảnh Madrid, ban giám khảo lại là chính khán giả. Trong 6 phim truyện thuộc các nước Bỉ, Canada, Hà Lan, Pháp, Mỹ và Việt Nam đi vào vòng tuyển, “Gánh xiếc rong” đã đứng đầu về số phiếu, đoạt giải lớn của liên hoan (với phần thưởng 100.000 pesos). Tham gia liên hoan Madrid, ngoài Việt Linh còn có nữ đạo diễn Việt Nam quốc tịch Úc Trần Bảo Linh (Chan Pauline) với ba phim ngắn: The space beetwen the floor, Dusty hearts, Hang up. Ba mươi hai tuổi, quê ở Sài Gòn, rời Việt Nam năm 1974, tốt nghiệp trường điện ảnh và truyền hình Úc, Bảo Linh dự kiến thực hiện bộ phim dài đầu tay tại Việt Nam.

 

Đơn giản hoá thủ tục về Việt Nam

Nhà nước Việt Nam đã quyết định tạo điều kiện dễ dãi hơn cho Việt kiều về nước thăm gia đình – ông Nguyễn Ngọc Giao, phó ban Việt kiều trung ương đã cho biết trên báo Nhân Dân ngày 15.11 vừa qua (AFP, 15.11.91). Thông báo không nói rõ khi nào những qui định mới sẽ có hiệu lực.

Đối với Việt kiều mang hộ chiếu Việt Nam (và gia đình dù mang hộ chiếu nước ngoài), các sứ quán Việt Nam sẽ cấp thị thực nhập cảnh mà không cần hỏi ý kiến cơ quan nội vụ ở trong nước. Một sự tiến bộ so với hiện tại (thời gian cấp visa hiện nay lên đến một tháng rưỡi đối với Việt kiều đã về nước một lần), song việc một công dân Việt Nam cần xin thị thực nhập cảnh khi vào Việt Nam vẫn là một qui định bất bình thường.

Đáng chú ý hơn là qui định Việt kiều mang hộ chiếu Việt Nam sẽ được quyền tự do đi lại ở Việt Nam như người ở trong nước.

Đối với Việt kiều mang hộ chiếu nước ngoài, thời gian cấp thị thực nhập cảnh là 15 ngày từ ngày cơ quan trong nước nhận được đơn, song thời gian chuyển đơn về nước (hiện nay lên đến khoảng một tháng) vẫn không được qui định rõ. Đối với người ra đi bất hợp pháp muốn trở về Việt Nam, thời hạn để nộp đơn được qui định là 3 năm sau ngày định cư ở nước ngoài, “với điều kiện là không có vi phạm luật pháp Việt Nam hoặc có hành động chống đối Việt Nam”.

Điều mà Ban Việt kiều trung ương không nói: đó là số đông Việt kiều về Việt Nam những năm vừa qua không làm đơn về thăm gia đình mà dùng thủ tục đi du lịch, nhanh gọn hơn, với lệ phí visa khoảng 120 đôla. Thực tế này lại được chính những cơ quan ngoại giao và nội vụ khuyến khích để góp phần cải thiện đời sống của nhân viên trong cơ quan.

(M.A.)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us