Bạn Đọc và Diễn Đàn
Bạn đọc và Diễn Đàn
Trong thời gian vừa qua, Diễn Đàn tiếp tục nhận được giấy mua báo dài hạn của bạn đọc ở nhiều nước. Một số bạn đã kèm theo (hoặc gửi riêng) thư từ và bài vở cho báo:
Lê Phương (Cergy), Trần V.K. (Paris), Đỗ L.T., Nguyễn H.M. (Bỉ), Đặng H.C. (Antony), Hồng Nhuệ (Le Perreux), Mahé R. (Drôme), Đào T.N. (Lille), Ngô Đồng (Peymeinade), N.H.T. (Paris); Chúng tôi cũng đã nhận được các tạp chí Tin Nhà (Paris), Cánh Én (Baiersdorf, Đức), Điểm tin báo chí (Plzen, Tiệp), Diễn Đàn (Praha, Tiệp), Thông Luận (Paris), Người Dân (California, Mỹ), Đất Mới (Canada), Bông Sen (Mỹ)...
Xin chân thành cảm ơn các bạn. Nếu thấy bài mình không được đăng trên hai số Diễn Đàn liền, xin các tác giả tự tiện sử dụng như ý muốn.
Nhân dịp này, xin nhắc lại một số thể lệ về bài vở gửi cho Diễn Đàn (cũng là thể lệ thông thường của báo chí):
1. Trước hết, Diễn Đàn chỉ có thể xử lý những thư từ và bài vở gửi đến toà soạn với tên thật và địa chỉ của tác giả (Điều này không loại trừ việc sử dụng bút hiệu trên bài đăng báo). Nếu được, xin cho biết luôn số điện thoại của tác giả để chúng tôi dễ bề liên lạc.
2. Bài vở xin viết (đánh máy) trên một mặt giấy
3. Bài gửi cho Diễn Đàn, xin không cùng một lúc gửi cho báo khác. Bài không đăng, không trả lại bản thảo.
Bàn về “Ông” và “Người”
Sau bài “suy nghĩ nhỏ” của Hàn Thuỷ trong Diễn Đàn số 3, nói về “Bác Hồ” hay “ Ông Hồ”, chúng tôi nhận được một bài góp ý dài (8 trang đánh máy) của bạn Hồng Nhuệ và khi báo lên khuôn, một bài khác của bạn Ngô Đồng. Tiếp tục thảo luận về vấn đề Hàn Thuỷ nêu lên có lẽ là một việc chưa nhất thiết lắm, chúng tôi chỉ xin trích đăng dưới đây một hai đoạn trong bài viết của Hồng Nhuệ, về ý nghĩa ngôn ngữ học của chúng. Sau khi nhận xét – với những dẫn chứng trích từ 2 tập “ Lịch sử Việt Nam”, Hà Nội 1971 và 1985 – rằng sách vở Việt Nam nhất luật toàn dùng chữ “Người” – viết hoa – để chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong khi vẫn dùng chữ “ông” một cách bình thường khi viết về những nhân vật lịch sử khác Hồng Nhuệ viết tiếp:
“Nếu cuốn Lịch sử viết cho nội bộ dùng thì không sao, còn nếu là viết cho toàn dân thì cách xưng hô này không tiện và làm duyên cớ cho một sự phản kháng để đi tới đụng độ (...)”
Sau đây chúng tôi tìm hiểu thêm về nguồn gốc chữ “người”.
Ý nghĩa chữ “Người” theo Alexandre de Rhodes 1651.
Không phải chỉ sau này, với đảng Cộng Sản, người ta mới bắt đầu khám phá ra cái chữ thần tình này. Alexandre de Rhodes năm 1651 đã ghi trong Từ điển của ông: “Người, ille, eius, loquendo cum honore sed solum de habentibus humanam naturam (người ấy, nó, khi nói cách cung kính, nhưng chỉ nói về những người có bản thể loài người mà thôi); tôi kính dái người, illius voluntas fiat”. [Chú thích của toà soạn: kính dái = kính sợ. Đại Nam Quấc âm tự vị; Huình Tịnh Paulus Của, 1985]
Theo định nghĩa của de Rhodes thì chữ người là một đại từ chỉ ngôi thứ ba, khi nói về người nào có thế giá, có quyền hành, thế nhưng đại từ ngôi thứ ba này chỉ áp dụng cho loài người và như vậy theo ông không dùng cho Thượng Đế Thiên Chúa được vì không thuộc bản tính nhân loại.
Vì thế mà trong Phép giảng tám ngày 1651, ông không dùng khi phải nói tới Chúa, mà chỉ dùng khi nói tới người. Và ông đã dùng không đúng chỗ. Không đúng chỗ, nhưng rất thích hợp với sự giải nghĩa của ông. Khi nói tới đoạn sách Phúc âm “Đức Giêsu vâng lời chịu lụy cha mẹ mình” thì ông viết: “Đức Chúa Giêsu chịu lụy người cho đến 30 tuổi” (sd, tr. 172). Trong một đoạn khác, khi Đức Giêsu chữa cho một cậu thiếu niên được khỏi mù, thì người ta đã làm khó dễ cho cậu và đuổi cậu ra khỏi hội đường phụng sự tôn giáo thời đó. Ông viết: “Các thầy thì thưa đều kiêu ngạo mà xỉ vả người rằng...; bây giờ xua người ra ngoài...” ( sd, tr. 198). Mặc dầu có một sự ngây ngô, nhưng cái ngây ngô của một người bập bẹ học tiếng Việt vào đầu thế kỷ 17 và tập viết bằng tiếng Việt, bằng chữ quốc ngữ thời phôi thai.
Trong Khái luận ngữ pháp tiếng Việt 1651, de Rhodes viết trong mục về các đại từ như sau: “Về ngôi thứ ba... khi chúng ta tỏ ra chức vị hoặc cấp bậc ưu đãi của họ thì dùng người, có nghĩa là người ấy nhưng có sự tôn trọng, thí dụ con người, con của người ấy... Nhưng khi nói về Thiên Chúa... thì không nên dùng...”
Chữ “người” trong Pigneaux de Béhaine (Bỉ Nhu) năm 1774. Ông này để lại một sách giáo lí viết bằng chữ nôm in tại Canton năm Cảnh Hưng tam thập tứ, chính giám mục Bá Đa Lộc đề tựa. Sách này nhan đề là Thánh giáo yếu lí quốc ngữ. Chúng tôi chép tay được bản quốc ngữ phiên âm từ bản chữ nôm. Ở đây, tác giả hoàn toàn dùng “người” để chỉ Thiên chúa, khi phải viết về ngôi thứ ba, trái với de Rhodes, vì de Rhodes tránh không muốn dùng “người” để chỉ Chúa. Thực ra, người ta cũng không thể làm gì hơn được: tiếng Việt rất khó, khi phải dùng tới cách xưng hô. Vậy chữ “người” được ghi một cách trang trọng. Hãy đọc vài câu trong cuốn giáo lí năm 1774 này.
Ngay ở phần thứ nhất dạy về sự Một Chúa Ba Ngôi, người ta đã đặt câu hỏi thưa:
“Hỏi: lấy phép tắc vô cùng nghĩa là gì? Thưa: Nghĩa là bởi không mà người phán một lời, tức thì liền có trời đất muôn vật”.
Chữ người ở đây hẳn phải viết bằng chữ hoa.
“Hỏi: Vì ý nào mà Đức Chúa Trời dựng trời đất muôn vật? Thưa: Có ý cho sáng danh Người, cùng cho ta đặng dùng.”
Như vậy từ đầu thế kỷ 17, đạo hữu Kitô hay giáo dân Kitô đã dùng chữ “Người” để chỉ Chúa một cách trang trọng và độc tôn. Đó là một thứ ngôn ngữ thuộc “nhà thờ”, “nhà chung”, “các cố đạo”. Và cứ thế cho tới ngày nay, trong các sách đạo như sách giáo lí, sách Phúc Âm, sách Kinh Thánh, sách Kinh, người ta đều dùng “Người” như vậy đó.
Chúng tôi có thể trưng thêm Taberd (1838), Theurel (1877), nhưng không cần thiết. Hai ông này cũng hiểu “Người” là đại từ ngôi thứ ba hoặc ngôi thứ hai, và đã dùng để nói về Chúa, về Thiên Chúa.
Nói tóm lại, việc dùng chữ này không gây thiệt hại cho “nhà thờ”. Ngôn ngữ văn tự sống động và có thể đổi thay theo nhu cầu diễn đạt tư tưởng, thế nhưng có hai điều chúng tôi thấy chướng tai gai mắt. Một là người ta chỉ dùng nó với một nhân vật, với một sự độc tôn, sự thần thánh hoá một cách lạm dụng, quá đáng, vô lí. Nếu người ta chỉ dùng trong nội bộ Đảng, nội bộ người cộng sản thì còn tạm được... Tất cả các bậc anh hùng mà lịch sử ghi lại cho chúng ta, tất cả các bậc vĩ nhân thuộc các ngành nghề đều được xưng hô bằng “ông” thì tại sao ông Hồ Chí Minh lại không thuộc vào cùng lớp người đó, như một người? Bởi đâu ông được độc tôn quá đáng như vậy? Thứ hai, với cách xưng hô độc tôn này, sẽ có sự chia rẽ, có gây phản kháng, trái với cách xưng hô thông thường và rất thích hợp chung cho mọi người. Và do đó người ta e rằng nếu đã có sự thiêu sách vở ngụy năm 1975 thì cũng có thể có sự hủy bỏ những sách viết “lố lăng” như thế, như người ta cũng đã thấy ở một vài nước Đông Âu họ cũng đã đốt sách Mac-Lênin. Riêng phần chúng tôi, chúng tôi thấy sẽ không xẩy ra như thế, nhưng cách xưng hô độc tôn kia chỉ thích hợp cho nội bộ mà thôi và người dân sẽ đồng đều kính trọng hết các bậc vĩ nhân theo đúng giá trị và sự nghiệp của họ, chứ không độc tôn riêng một ai.
Tin và Tựa
Hai chữ Diễn Đàn chắc là bút tích của bậc cao danh hay trang nghệ sĩ, cái đẹp nó lặn vào trong, nên kẻ trình độ thẩm mỹ kém như tôi không thưởng thức nổi. Bài vở đăng trên Diễn Đàn nói chung đều tốt, tôi chỉ xin góp chút ý kiến về mục đưa tin. Ví dụ : Tựa đề Tham Nhũng... (DĐ số 3, tr. 6). Nếu ai chỉ đọc DĐ thì có thể lầm tưởng hai bài rất hay trên báo Tuổi Trẻ 28.9 và 8.10.1991 chỉ có bấy nhiêu thôi. Vì các bạn không chú thích là điểm báo, trích, phỏng theo, ... gì cả. Hai bài đó nếu đăng toàn văn cũng chỉ chiếm hai trương, còn hay gấp mấy bài CƯ TRÚ chiếm ba trương giấy. Không biết ban biên tập thích hay không thích độc giả góp ý kiến, nên tôi tạo ra tiền lệ thử xem. Quyền lựa chọn bài vở lẽ tất nhiên thuộc về các bạn.
LTS. Các tin ngắn của Diễn Đàn hầu hết là viết lại từ báo chí hay tin của các hãng thông tấn, kèm theo xuất xứ trong nghĩa ấy, chúng tôi không để trong mục tin tức những bài trích (nguyên văn hoặc phần lớn). Cám ơn bạn NHT đã cho phép DĐ nói rõ điều này.
Cồng Kềnh
Chữ dùng không đủ chính xác, đôi khi gây những hiểu lầm khá “cồng kềnh” cho chính người viết. Đó là trường hợp của một chữ dùng trong bài viết “Về một buổi họp” trên Diễn Đàn số 2. Số là, một tờ báo nọ lôi tên một vài anh chị em trong ban biên tập và thân hữu của Diễn Đàn lên trình làng. Đối với những anh em đã dấn thân đưa tên mình lên mặt báo, chuyện chẳng có gì đáng nói thêm. Nhưng trong số người được liệt kê nói trên, có vài anh chị em mà ngay chính Diễn Đàn cũng chưa bao giờ công bố tên tuổi (chỉ có bút hiệu), tôn trọng những lý do riêng của mỗi người. Lại còn được gán cho những ý muốn có thể có người có, có thể không nhưng không hề được phát biểu ở buổi họp mà tờ báo trên tường thuật. Vì thế mà trong bài viết đã dẫn, có câu: “ Thế mà sau cuộc họp, một số báo và đài đã dành cho những anh chị em ban biên tập Diễn Đàn có mặt hôm đó các vinh dự khá cồng kềnh là được thấy tên tuổi mình được liệt kê vanh vách – bên cạnh những người mà tên họ chưa hề xuất hiện trên mặt báo Diễn Đàn – ...”
Chúng tôi có ý tránh từ kể cả, và thay vào đó từ bên cạnh, vì không có lý do gì buộc Diễn Đàn phải xác nhận hay phủ nhận trong số những người được kể tên, ai là trong ban biên tập (nhưng vì những lý do riêng không muốn đưa tên trên mặt báo, như đã nói), ai không. Song, đọc lại, đúng là câu viết không được rõ nghĩa lắm, khiến cho đồng nghiệp Phù Du của báo Thông Luận (số 44, tháng 12.1991) hiểu lầm rằng anh chị em Diễn Đàn kênh kiệu không muốn để tên mình bên cạnh những người khác.
Âu cũng là một kinh nghiệm, chữ sa gà chết, nhắc nhở người viết phải biết dùng chữ để phát biểu ý của mình một cách rõ ràng, chính xác nhất.
Cám ơn bạn Phù Du.
Diễn Đàn
Các thao tác trên Tài liệu