Khủng hoảng Giáo dục
KHỦNG HOẢNG GIÁO DỤC
Tụ Ðiểm Của Mọi Khủng Hoảng Xã Hội, Văn Hóa, Kinh Tế, Chính Trị...
Bùi mộng Hùng
Nhìn đến tình trạng giáo dục nước ta hiện nay không thể không buột miệng thốt ra câu hỏi " Tại sao ? ".
Tại sao giáo dục, niềm tự hào của chế độ, trong bao năm gian khổ chiến tranh, dưới mưa bom vẫn ngang nhiên hoàn tất nhiệm vụ, đào tạo các thế hệ lớp lớp theo nhau tiến lên, bỗng nhiên đâm ra suy đốn, lụn bại với một độ gia tốc kinh người như vậy ? Năm 1986 cả nước có một triệu học sinh trung học (cấp ba), nay chỉ còn 500.000 (1), cứ đà này mà giảm sút thì theo giáo sư thứ trưởng phụ trách ngành học phổ thông Lương Ngọc Toản, đến năm 1995 ta khó lòng có đủ nổi 200.000 thí sinh để tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề (2). Mà hiện nay chẳng phải nhìn đâu xa xôi, ngay trong vùng Ðông Nam Á ta đã bị tuột quá xa lại đằng sau rồi : Nam Triều Tiên cứ 10.000 dân thì có 367 sinh viên đại học, Thái Lan cũng được 127, còn ta vỏn vẹn chỉ có 22 người. Nền giáo dục của ta hiện nay là cả một cảnh tượng điêu tàn : trường lớp xuống cấp trầm trọng, phương pháp giảng dạy – vẫn theo lời thứ trưởng Lương Ngọc Toản – quá lạc hậu, trên thế giới đã bỏ từ lâu (3), đội ngũ giáo viên chán nản bỏ nghề, 40% giáo viên yếu kém và cả nước thiếu 40.000 giáo viên tiểu học (cấp I) (1) .
Sau khi đất nước thống nhất giáo dục không phải là không được lưu tâm. Cải cách giáo dục đã được công bố và triển khai từ hơn mười năm nay, từ nghị quyết 14 ngày 11.1.1979 của Bộ chính trị Trung ương Ðảng cộng sản Việt Nam (khóa IV). Với mục tiêu là " làm tốt việc chăm sóc và giáo dục thế hệ trẻ từ tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành,..." ; " thực hiện phổ cập giáo dục toàn dân ", " đào tạo bồi dưỡng với quy mô ngày càng lớn đội ngũ lao động mới ". Với phương pháp giáo dục nhằm " thực hiện tốt việc kết hợp hữu cơ quá trình giáo dục con người với quá trình cải tạo xã hội và cải tạo tự nhiên ", " thấu suốt nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội " và " phát huy tính tự giác, chủ động, trí thông minh của học sinh ".
Tuy nhiên, dường như từ ấy nhẫn nay suốt hơn một thập kỷ, bộ máy chính quyền đã không nhận định ra được một số sự kiện ảnh hưởng sâu đậm tới nền giáo dục. Sự kiện đầu tiên là mỗi năm có thêm,một triệu trẻ em đến tuổi nhập trường. Riêng cấp tiểu học (cấp I) năm 1984 có tám triệu học sinh, năm 1987 tám triệu rưỡi và năm 1991 chín triệu (4). Trong khi đó, đầu tư vào giáo dục lụôn luôn bị dìm ở mức dưới 10% ngân sách nhà nước, năm 1986 chẳng hạn ngân sách giáo dục chỉ đạt 6,7 % (5). Mãi đến một hai năm gần đây, qua những " kỳ họp bức xúc và hết sức căng thẳng ở Quốc hội " (6), ngân sách giáo dục mới đạt được 12 % ngân sách nhà nước. Để có một ý niệm so sánh, Thái Lan dành mỗi năm từ 20 đến 30 % ngân sách quốc gia cho giáo dục. Ðiều đáng nói là đã tăng lên như vậy, nhưng vì số học sinh tới tuổi đi học mỗi năm mỗi tăng, nếu tính theo tiền dành cho một đầu học sinh, thì bộ trưởng giáo dục và đào tạo Trần Hồng Quân cũng nhìn nhận là ngày nay đầu tư cho giáo dục vẫn còn thấp hơn năm 1986 (7) !
-
...sự quản lý quá ư chặt chẽ của ngành giáo dục chi phối tư cách người thầy, làm mất tình đồng nghiệp, làm giảm uy tín các nhà giáo lão thành....
Đồng lương không đủ sống, " người giáo viên đã phải quên đi nhiều thứ thuộc về phẩm giá của nhà giáo " (9), phải " ép " học trò học kèm ngoài giờ, bán bánh kẹo cho học sinh, đi may mướn, đạp xích lô... Tuy nhiên cũng chính những nhà giáo đã lên tiếng : " đừng ngộ nhận rằng nếu nâng cao đời sống giáo viên thì họ sẽ lấy lại tư thế NGƯỜI THẦY "(10). Chúng ta hãy lắng nghe một nhà giáo già sắp về hưu : " Không phải vì đồng lương ít ỏi mà nhà giáo sờn lòng, lùi bước đến phải bỏ lớp bỏ trường, bỏ học sinh thân yêu của mình, mà chính vì các biện pháp quản lý đầy tính chất bao cấp trong tư duy, đã làm xoáy mòn " nhuệ khí " nhà giáo chúng tôi, đã làm biết bao đồng nghiệp của chúng tôi phải đau đớn, xót xa khi phải làm đơn xin thôi việc. Chúng tôi nhận thức rõ rằng chúng tôi đúng chỉ là " thợ dạy ". Chỉ có khác với những người thợ mọi ngành khác là từ một giáo sinh mới ra trường cũng như một giáo viên lão thành đều là " cá mè một lứa " : chịu sự quản lý quá ư chặt chẽ của ngành giáo dục. Nó chi phối tư cách người thầy, làm mất tình đồng nghiệp, làm giảm uy tín các nhà giáo lão thành. Hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng cứ hết kiểm tra giáo án, sổ sách, rồi dự giờ, thăm lớp, lại còn thi đua rèn chữ viết như một học sinh mới học vỡ lòng. Ðầu năm ký kết hợp đồng với ban giám hiệu định mức đạt cuối năm bao nhiêu học sinh giỏi, bao nhiêu học sinh dở, xếp loại đạo đức v.v. và v.v... và rồi cuối năm lại làm bản tự kiểm để đánh giá xếp loại giáo viên. Không một ai trong chúng tôi cho đó là xác thực, mà hoàn toàn HÌNH THỨC. Những nhà lãnh đạo giáo dục có biết đâu bệnh " HÌNH THỨC " ấy đã làm biết bao nhà giáo có tâm huyết không chịu nổi phải bỏ lớp, bỏ trường. Chính nó đã đánh giá thật sai lầm về chất lượng dạy và học của giáo viên của học sinh, cũng như phẩm chất đạo đức của thầy và trò. " (10)
Đối với nhiều nhà giáo bệnh " thi đua ", bệnh " hình thức " là cơ chế làm cho cái dốt của học sinh, từ lớp Một trở đi, cứ năm sau chồng thêm lên năm trước (9, 10). Mặc dù thế, để bảm đảm cho "thanh danh" các nhà trường tỷ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học vẫn luôn luôn đạt 90%, riêng năm nay nhân dịp Ðại hội VII, tại một số tỉnh thành 100% học sinh tốt nghiệp " Chào Mừng Ðại Hội Ðảng " (1).
Nhiều nhà giáo cũng vạch cho thấy cái nhân tố gây khủng hoảng các giá trị nhân bản. Thảm kịch của cả xã hội ta hôm nay, là sống trầm kha trong tình trạng của con bệnh bị phân liệt tâm thần : nghĩ một đường, làm một nẻo. Khi chính mỗi người bậc thầy, bậc cha mẹ ngày ngày phải mình tự dối mình, khi chính những người trách nhiệm chính quyền xem thường kỷ cương luật pháp, khi đến Nhà nước mà lời nói cũng không đi đôi với việc làm, khi mà câu vè trong dân gian " tử tế, thật thà thì thua thiệt..." nghiệm ra thấy trúng phong phóc trước mắt mỗi ngày, thì chẳng phải lên lớp giảng " đạo đức cách mạng " hay dạy luân lý, dạy công dân giáo dục một vài giờ trong tuần mà vực lại nổi lòng tin của thanh niên vào các giá trị tinh thần nhân bản. Chính vì giá trị tinh thần bị điên đảo đúng vào khi cả xã hội phải kham chịu qui luật sắt thép của cơ chế thị trường mà tình trạng văn hóa nước ta mới suy đồi bại hoại như ngày hôm nay.
-
Từ khi bước vào cơ chế thị trường, hợp tác xã, nhà máy, công ty không dành kinh phí cho mẫu giáo, nhiều nơi ở nông thôn đã tan rã hoàn toàn, trên cả nước một phần ba trường lớp mẫu giáo phải đóng cửa....
Nhiều yếu kém, khuyết điểm vốn tiềm tàng trong cung cách tổ chức bị cơ chế thị trường xé toạc thêm ra. Trước đây nhà trẻ, lớp mẫu giáo mở rộng khắp nơi. Từ khi bước vào cơ chế thị trường, hợp tác xã, nhà máy, công ty không dành kinh phí cho các lớp học này nữa, nhiều nơi ở nông thôn đã tan rã hoàn toàn (8), trên cả nước một phần ba trường lớp mẫu giáo phải đóng cửa (5). Nhiều nơi lương của giáo viên " neo " lại mấy tháng liền để bù vào lỗ hổng của ngân sách huyện, ngân sách xã..., để lấy tiền mua lúa, mua bột ngọt khi các mặt hàng này xuống giá, đợi bán lại lấy lời nhằm giải quyết nạn sản xuất kinh doanh bị thua lỗ (1,8). Dạy và học đã khó lại khó hơn.
Ngân sách nhà nước thiếu trước hụt sau, từ niên học 1988- 89 đi học trường công phải đóng tiền trường. Biện pháp đó là một hớp dưỡng khí giúp cho đời sống giáo viên dễ thở hơn chút đỉnh, trường lớp đỡ xuống cấp, nhưng cứ đến đầu năm học, khoản tiền trường cho con là nỗi lo canh cánh của các bậc phụ huynh học sinh. Năm nay Quốc hội đã thông qua luật phổ cập cấp I (tiểu học), học sinh cấp này được miễn học phí. Sở giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh qui định mức thu tiền cơ sở vật chất năm học 1991-92, đối với học sinh nội thành là 15.000 đồng/năm, ngoại thành là 7.500 đ/năm ; ngoài ra không được đặt ra các khoản thu nào khác như thu trượt giá, thu để xây dựng, tu bổ thư viện, phòng thí nghiệm, mua dụng cụ máy móc..., phụ huynh học sinh nào có hảo tâm, có điều kiện có thể ủng hộ không hạn chế. Trên thực tế, lấy trường cấp I Hồ Thị Kỷ ở quận 10 làm ví dụ thì mỗi học sinh lớp 1 đầu niên học 91- 92 phải đóng 50.000 đồng gồm các khoản học cụ, y tế, tiền học thêm, hội phí hội phụ huynh học sinh, tiền cơ sở vật chất, tiền khen thưởng giáo viên, học sinh... Hiệu trưởng trường cho biết các khoản thu bắt buộc đều theo đúng quy định của Sở giáo dục, các khoản còn lại do hội phụ huynh học sinh quyết định và đã được trình ủy ban phường để xem xét có phù hợp với khả năng của nhân dân hay không. Và đây là một thực tế của nhiều trường trong thành phố (11). Sự đóng góp của phụ huynh học sinh, phổ biến nhất là " sổ vàng ", trên nguyên tắc là không bắt buộc ; nhưng anh Ðặng Văn Ð. có con mới vào học lờp 6 trường L.Q.Ð. tâm sự : " ... khi đã có Sổ vàng và mọi phụ huynh đều đóng góp cả thì mình cũng không thể không tự nguyện được. Tôi tuy thực sự có khó khăn về kinh tế nhưng khi dở Sổ vàng ra cũng phải đóng cho cháu mất 100.000 đồng vì đó là số tiền thấp nhất...".
Từ hai năm nay đã xuất hiện một số trường dân lập và trường bán công. Trường dân lập do một tổ chức được phép đứng tên xin mở trường, cử hiệu trưởng, tự lo cơ sở vật chất, chi phí lương giáo viên nhưng phải chịu sự quản lý của nhà nước ; trường bán công thì nhà nước lo cơ sở vật chất ban đầu, giáo viên và công việc quản lý, dân lo các chi phí thường xuyên cho giáo viên, tu bổ cơ sở vật chất. Nhóm chủ trương trường Thăng Long đã mở được những lớp đại học có trình độ, chất lượng và nề nếp, sinh viên được tuyển chọn theo tiêu chuẩn tri thức, học phí không cao hơn trường đại học công lập. Trong một hướng có điểm khác với Thăng Long, chương trình Hoa Sen —Lotus chú trọng về đào tạo kỹ thuật viên hơn (12). Cho đến nay có rất ít trường dân lập, còn trường bán công phát triển ở một số nơi miền Nam và đặc biệt ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cả nước mới có được 44 trường bán công và dân lập, chủ yếu là bán công, trong tổng số 15.000 trường cấp 1 và cấp 2 ; nền nếp, chất lượng dạy và học được báo Nhân Dân đánh giá là khá tốt (4). Chủ trương đa dạng hóa trường lớp (có trường công, trường bán công và trường dân lập) được dư luận xem như là một hướng giải pháp để nâng chất lượng dạy và học, để nhân dân đóng góp vào xây dựng giáo dục. Tuy nhiên cho tới nay, ngay ở Thành phố Hồ Chí Minh là nơi trường bán công phát triển mạnh nhất học sinh loại trường này mới chỉ là 6 % tổng số học sinh thành phố (13). Và trong tương lai gần, báo Nhân Dân (4) ước lượng rằng tiềm lực phát triển trường bán công và dân lập chưa mạnh, mỗi tỉnh chỉ có thể mở một vài trường. Trong việc sắp xếp tổ chức chuyển từ trường công qua trường bán công, đã có những sự kiện làm cho ta nghĩ rằng quyền lợi của học sinh có khi bị đặt xa sau lợi ích kinh tế : trường cấp II hệ B Khánh Hội A có 44 lớp, bình quân mỗi lớp 35 học sinh ; số học sinh trong một lớp như thế kể ra cũng đã là cao ; đầu năm học 91-92 chuyển thành trường bán công, số học sinh toàn trường không thay đổi so với những năm trước, nhà trường xếp lớp lại, từ 44 xuống 28 lớp, mỗi lớp từ 40 đến 50 học sinh (14). Nhà giáo nào có thể lưu tâm dạy dỗ đến từng người học trò mình trong một lớp 50 học sinh ?
-
Chủ trương đa dạng hóa trường lớp (có trường công, trường bán công và trường dân lập) được dư luận xem như là một hướng giải pháp để nâng chất lượng dạy và học, để nhân dân đóng góp vào xây dựng giáo dục. Tuy nhiên...
Tiền trường, trường bán công, trường dân lập..., cơ chế thị trường đã phân hóa học sinh giàu và học sinh nghèo. Hiện nay trong nước có đến 1.200.000 trẻ em lứa sáu đến mười tuổi phải thất học(7) vì nhà nghèo. Nhưng cùng lúc có những trường " quý tộc " không phải bất cứ ai cũng có điều kiện cho con mình vào thụ giáo ; nói được câu " Con tôi học trường X... " là một vinh dự cho một số kẻ hãnh tiến.
Ðã manh nha một giáo dục cho con em người có của : chẳng hạn như trường trung học Trí Ðức khai giảng tháng sáu năm nay, mở hai lớp cho 80 em lứa 12 tuổi mới xong tiểu học, được tuyển sau một kỳ thi sát hạch. Dạy theo chương trình tổng quát của bộ giáo dục, nhưng trường thêm toán, kỹ thuật, ngoại ngữ, máy vi tính... Ông Trần Văn Hảo, hiệu trưởng sáng lập trường đảm nhiệm môn toán, ông cũng là giáo sư toán và giám đốc trung tâm máy vi tính trường Sư Phạm (máy vi tính dùng để dạy ở trường Trí Ðức là máy thuê của trường Sư Phạm). Trường Trí Ðức sẽ mở dần thêm lớp lên đến hết cấp trung học. Dĩ nhiên là không bảo đảm học hết chương trình học sinh sẽ có hộ chiếu đi học nước ngoài, nhưng phụ huynh tin chắc con em mình sẽ đạt trình độ vào trường đại học bất cứ ở nước nào. Học trò đóng 80.000 đồng mỗi tháng (để so sánh, lương tháng chính thức một tiến sĩ tin học khoảng 50.000 đồng).
Về hệ giáo dục đang cho mọi người này giới thầy dạy đã cảnh báo là " sự tuyệt tự của ngành giáo dục " (8) ; lời nói không khỏi có vẻ đại ngôn, nhưng phản ảnh tâm trạng của giáo giới ngày hôm nay. Riêng tại Thành Phố Hồ Chí Minh trong sáu tháng đầu niên học 90-91 đã có 500 giáo viên nghỉ việc, lý do chính vì đời sống quá khó khăn (7) ; trong khi đó các trường Sư phạm lại gặp khó khăn trong việc tuyển sinh, trong niên học 1990-91, trường Sư phạm Hà Nội chẳng hạn, chỉ tuyển được 80 sinh viên, dù chỉ tiêu của Bộ giáo dục là 200. Trước đây dù không được sinh viên ưa chuộng " nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, bỏ qua Sư phạm ", các trường Sư phạm vẫn tuyển sinh đầy đủ.
Và học trò cũng chẳng say mê gì chương trình dạy trong trường : học sinh bỏ học càng ngày càng tăng. Trước kia tỷ số bỏ học là 9 % học sinh trung học đệ nhất cấp (cấp II ) và 8 % trung học đệ nhị cấp (cấp III), đến niên học 1987-88 tỷ lệ bỏ học lên 12 % ở cấp tiểu học, 23 % ở cấp II và 22 % ở cấp III (15), năm nay 1991 tỷ lệ bỏ học và lưu ban ở lớp dứt cấp I là 22 %, ở lớp 8 cấp II là 31,2 %, có nơi ở ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ bỏ học lên đến 40 % (1). Việc học sinh bỏ học ngày mỗi tăng, việc tính toán sắp xếp lại cho có hiệu quả kinh tế, bớt khoản phúc lợi, ... làm nảy ra hiện tượng " thừa " giáo viên cấp trung học (14).
Ngoài nguyên do đời sống khó khăn, trẻ con phải ở nhà giúp bố mẹ, học sinh bỏ học chủ yếu là vì những năm đèn sách trong hệ giáo dục chính thống chẳng đem lại được chút lợi ích nào. Trả lời câu hỏi : " Sau 12 năm học tập em thấy có những kiến thức gì có thể giúp em trong công việc hiện nay ? ", một học sinh đáp : " Có lẽ chỉ có " 4 phép tính " thôi chú ạ ! " (2).
-
Ngoại thành Hà Nội, mỗi xã có từ 200 đến 600 cô tú, cậu tú thất nghiệp. Tại Ðại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, 6 tháng sau khi tốt nghiệp, 32 sinh viên (trên 400) tìm ra việc làm
Ta tự hào giáo dục phổ thông được phổ biến, ở nông thôn có nhiều người học hết lớp mười, lớp mười hai. Ðó là thảm trạng của thanh niên ngày hôm nay. Tại nhiều xã ngoại thành Hà Nội, mỗi xã thường có tới từ 200 đến 600 " cậu tú, cô tú " đang lúng túng không biết tìm đâu ra việc làm (2). Và hàng năm lại có thêm 450.000 học sinh tốt nghiệp phổ thông cơ sở và 150.000 tốt nghiệp phổ thông trung học tấn lên bổ sung cho 30 triệu lao động mà 90 % là không có nghề gì trong tay (16). Trong khi thị trường lao động mới mở ra đòi hỏi tay nghề thực dụng : sáu tháng đầu năm 91, riêng tại công ty dịch vụ và cung ứng lao động Salasco ở Thành phố Hồ Chí Minh, có hơn 400 lượt doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng trên 7.000 lao động, nhưng 80 % trong số đó yêu cầu tay nghề chuyên môn từ bậc 2/7 trở lên (16). Xét theo tỷ số sinh viên đại học ra trường tìm được chỗ làm – theo số liệu công bố trên tạp chí Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp số 2.91, trên 400 sinh viên tốt nghiệp Ðại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh tháng 7 năm 1990, đến đầu năm 1991 chỉ có 32 người tìm ra việc làm – thì đào tạo đại học của ta cũng chẳng mấy gì phù hợp với yêu cầu thị trường chất xám hiện nay.
-
Sản phẩm đào tạo của ngành giáo dục bỗng nhiên trở thành vô dụng : cái mô hình mà từ bao nhiêu năm nay ta lấy làm gương mẫu để đào tạo con người, để xây dựng xã hội đã trở thành lạc điệu với cái xã hội Việt Nam thực tại. Sự kiện cả thày dạy lẫn phụ huynh và học sinh, trong một cái xã hội vốn tôn trọng học vấn, đâm ra mất tin tưởng vào nền giáo dục hiện hành chỉ là hiện tượng của một khủng hoảng sâu đậm.
Sản phẩm đào tạo của ngành giáo dục bỗng nhiên trở thành vô dụng : cái mô hình mà từ bao nhiêu năm nay ta lấy làm gương mẫu để đào tạo con người, để xây dựng xã hội đã trở thành lạc điệu với cái xã hội Việt Nam thực tại. Sự kiện cả thày dạy lẫn phụ huynh và học sinh, trong một cái xã hội vốn tôn trọng học vấn, đâm ra mất tin tưởng vào nền giáo dục hiện hành chỉ là hiện tượng của một khủng hoảng sâu đậm.
Ngành giáo dục hôm nay khủng hoảng trầm trọng vì đầu tư không đúng mức trong hàng thập kỷ làm cho trường lớp điêu tàn, đời sống người thầy phải khốn đốn, vì tinh thần chủ đạo, chương trình dạy học, cấu trúc, tổ chức không hợp lý và lỗi thời, về dạy nghề, trường đã ít, thiếu trang bị lại tập trung ở Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh (15), về đại học từ số lượng đến mẫu người đào tạo ra hoàn toàn không phù hợp với yêu cầu hiện tại, vấn đề đã được đề cập chi tiết hơn trong Diễn Ðàn số 3 (17). Nhưng cho có đầu tư đúng mức, có nâng cao được đời sống giáo viên, có hiện đại hóa nổi chương trình thì vẫn còn nguyên đó câu hỏi căn bản của mỗi nền giáo dục : dạy dỗ đào tạo nên con người như thế nào, cho những ai, cho mọi người hay cho một thiểu số con ông cháu cha, để xây dựng một xã hội ra làm sao ?
Không thể lấy thúng úp voi : hiện tại chỉ thấy một xã hội khủng hoảng toàn diện, chỉ thấy những mầm mống bất công tàn bạo của thời tư bản man rợ thế kỷ thứ mười chín nở rộ như nấm gặp mưa. Xã hội nhiều thành phần là một thực tại. Yêu cầu, quyền lợi có nhiều mặt khác nhau. Muốn giải quyết khủng hoảng giáo dục mà không đặt rõ vấn đề trong toàn bối cảnh xã hội, văn hóa, kinh tế, chính trị, không nêu rõ các mục tiêu, các trọng điểm của nền giáo dục tương lai, các yêu cầu về phương tiện so với những gì hiện ta nắm trong tay, những phương tiện gì ta có thể có được, không có một kế hoạch cụ thể, khả thi để đạt mục tiêu, không có thảo luận dân chủ để đi đến một sự đồng thuận rộng rãi trên các mục tiêu và trên kế hoạch cụ thể mà chỉ nhắc đi nhắc lại " quyết tâm đi theo con đường xã hội chủ nghĩa " như một câu thần chú là bịt mắt bưng tai mặc cho tình thế đẩy đưa dân tộc bước vào thế kỷ 21, vào thời đại của tri thức, với một nền giáo dục lạc hậu, với những thế hệ tấn lên đã thiếu hiểu biết tối thiểu để chen chân vào thế giới hiện đại lại mù mịt cả về văn hóa dân tộc. Và cũng là khách quan đồng lõa tạo dựng một nền giáo dục bất công, có giáo dục riêng cho con em những kẻ có của có quyền và có giáo dục hạ cấp cho con em phó thường dân, làm nền móng cho một xã hội đầy rẫy các bất công khác.
Bùi Mộng Hùng
Paris tháng 12. 1991
-
(1) Vũ Khánh : Phổ Cập Giáo Dục cấp 1 : Việc Tối Thiểu Cho Tương Lai, Tuổi Trẻ Chủ Nhật 4.8.1991.
(2) G.S. Nguyễn Lân Dũng : Nên Chăng Thị Dân Hóa Thanh Niên Trí Thức Nông Thôn ? , Thanh Niên 21- 27.10.1991.
(3) Bùi Thanh : Thử Nhìn Lại Nền Móng Của Tòa Nhà Giáo Dục, Tuổi Trẻ 15. 8. 1991.
(4) Kim Dung : Trang Giáo Dục Năm Học 1990-1991, Ðiểm Trội, Ðiểm Mới Và Ðiểm Chìm, Nhân Dân 23. 7.1991
(5) Phỏng Vấn Bộ Trưởng Giáo Dục Và Ðào Tạo Trần Hồng Quân. Giáo Dục Thời Mở Cửa : Ðược Và Mất, Tuổi Trẻ Chủ Nhật 21.7.1991.
(6) Nguyễn Viết Lểnh (Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước) : Ðầu Tư Cho Giáo Dục, Nhân Dân 15.10.1991.
(7) Murray Hiebert : An Education Crisis Follows Economic Reform. The drop-out factor, Far Eastern Economic Review 19.9.1991. Xem bản dịch, Yếu tố bỏ học, Diễn Ðàn số 2, 1.11. 1991.
(8) Vũ Khánh : Từ Thực Trạng Văn Hóa - Giáo Dục, Tính Chuyện Thoát Ra Và Cất Cánh, Tuổi Trẻ Chủ Nhật 19. 5. 1991
(9) Dương Lân (Giáo viên quận Tám) : Chính " Thi Ðua " Ðã " Giết Chết " Chất Lượng Giáo Dục, Tuổi Trẻ 3. 10. 1991.
(10) Nguyễn Thị Hạnh : Ðể Người Thầy Không Còn Nỗi Ðau : " Thợ Dạy ", Tuổi Trẻ 17. 10. 1991.
(11) Nhóm Phóng Viên Giáo Dục : Năm Học Mới, Lại Tiền Trường ý Nỗi Lo Của Phụ Huynh, Tuổi Trẻ 15. 8. 1991.
(12) Nguyễn Hải : Nhịp Cầu Giữa Sông Loire Và Sông Sài Gòn, Diễn Ðàn số 3, 1. 12. 1991, tr. 20-21.
(13) Tâm Chánh : Những Ðiều Nhân Dân Thành Phố Mong Ðợi Ở Kỳ Họp Thứ Tám Của HÐNDTP, Tuổi Trẻ 18. 07. 1991.
(14) Bùi Thanh : Giáo Viên Thừa Tại Sao Và Sẽ Giải Quyết Như Thế Nào ? Tuổi Trẻ 26. 9. 1991.
(15) Socialist Republic Of Viet Nam State Planning Committee : Report On The Economy Of Viet Nam,-United Nations Development Programme, December 1990, Education, tr. 204-212.
(16) Hữu Thiện - Tâm Chánh : Dạy Nghề : Chiếc Chìa Khóa Bị... Bỏ Quên ?, Tuổi Trẻ 17. 10. 1991.
(17) Bùi Mộng Hùng : Khoa Học Trong Sóng Gió Thị Trường, Diễn Ðàn số 3, 1. 12. 1991. -
Các thao tác trên Tài liệu