Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 4 - 01.1992 / Đọc Hoa xuyên tuyết

Đọc Hoa xuyên tuyết

- Đặng Tiến — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 06/10/2010 14:51

Đọc bút ký của Bùi Tín

 

Đọc Hoa xuyên tuyết

 

Hoa xuyên tuyết 1 là hồi ký của Thành Tín, bút hiệu của đại tá Bùi Tín, cựu phó tổng biên tập báo Nhân Dân, tác giả nổi tiếng bản Kiến nghị của một công dân công bố tại Paris ngày 27.11.1990 2. Đài BBC đã phát thanh về Việt Nam toàn văn bản kiến nghị và phỏng vấn tác giả trong 12 tuần liên tiếp; do đó những đề nghị mạnh dạn của ông Bùi Tín nhắm dân chủ hoá chế độ đã có tiếng vang lớn trong và ngoài nước.

Thừa thắng xông lên, ông Bùi Tín đã khẩn trương khai thác dứt điểm dư vang của sự cố để, non một năm sau, xuất bản tập hồi ký Hoa xuyên tuyết tại Hoa Kỳ. Tác giả có một nghìn lý do chiến lược và chiến thuật để phổ biến nhanh tác phẩm; nhưng sách viết vội vã, in hấp tấp, nhất định phải mang nhiều điểm phiến diện, thô vụng.

Sách được ghi là hồi ký, nhưng gọi nó là bút chính trị như ở bìa sau thì đúng hơn. Viết hồi ký là xem sự cố mình kể lại đã thuộc về quá khứ – là tạo một khoảng cách giữa ngòi viết và sự cố. Xưa nay vẫn vậy, và chúng ta có thể trích dẫn hàng trăm ví dụ cụ thể, như hồi ký của các tướng Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Vương Thừa Vũ, Lê Chưởng... Thành Tín thì khác: ông muốn sử dụng sự cố như một vũ khí tranh đấu để thuyết phục, phê phán. Dụng ý đó khả kính khi nó nhắm vào mục đích tốt – cải cách đất nước – nhưng không minh bạch. Tác phẩm nhắc tôi hồi ký của một cựu đại tá khác, tướng Đỗ Mậu, hai ông giống nhau ở hành văn, nhưng khác xa ở tâm trạng: ông Đỗ căm thù, ông Bùi hoà giải.

Hơn ba trăm trang sách chia làm 9 chương, mạch lạc theo thời gian, nhưng tư tưởng lộn xộn, sự cố rườm rà. Thành Tín là một nhà báo, một sĩ quan cao cấp, lao mình vào chính trị nên bén nhạy, khí khái nhưng thiếu cái sâu của người làm chính trị lẫn cái sắc của người làm văn. Ông viết sách như viết phóng sự, có lúc như mạn đàm khi tửu hậu trà dư – với một số độc giả ít thì giờ, và chờ đợi ở ông những suy nghĩ sâu lắng hơn, góc cạnh hơn, có hiệu lực công phá và xây dựng lâu dài hơn.

Sách trình bày sáu điểm chính yếu sau đây:

– thân thế và sự nghiệp tác giả, những đóng góp vào lịch sử đất nước từ 1945 đến nay.

– trong hoàn cảnh nào đưa ra Kiến nghị của một công dân và tiếng vang sau đó.

– hiểu biết về một số nhân vật từ Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn đến... Võ Đại Tôn.

– hiểu biết về các sự cố, như vụ Nhân văn - Giai phẩm, sai lầm trong việc cải cách ruộng đất, chiến tranh Campuchia, đại hội đảng lần thứ 6...

– nhận định về đời sống phương Tây qua những chuyến công du, đặc biệt đời sống của Việt kiều.

– cuối cùng, những ý kiến, đề nghị về chính trị để cải hoá chế độ và đất nước.

Nhiệt tình của Thành Tín rất rõ. Ngoài những điều mắt thấy tai nghe, ông có tra cứu, suy luận dựa trên những con số cụ thể. Nhưng vì hấp tấp, ông chưa làm nổi bật giá trị của sự cố trong hồi ức và của những luận điểm hay nhận định. Ba chương cuối, một phần ba cuốn sách, đuối sức, lặp lại những điều đã nói qua tập tư liệu Thành Tín trần tình 2 mà lại không sắc bén bằng.

Thiện chí hoà giải, hoà hợp của Thành Tín còn rõ hơn nữa. Có ít nhất là hai lý do: mọi đổi mới và phát triển của đất nước, trong chiều hướng dân chủ, đều đòi hỏi tinh thần hoà hợp, đồng thuận của dân tộc. Thứ đến, bản thân ông Bùi Tín cần sự ủng hộ của dư luận, càng nhiều người càng tốt; trong hoàn cảnh éo le của ông, ông phải đề phòng cô lập và cách phòng thủ hiệu nghiệm nhất là xông pha vào nhiều giới Việt kiều ở Pháp, ở Mỹ: có thể đây là chỗ yếu của Hoa xuyên tuyết mà sẽ có nhiều người chê là một thứ hương sắc tuỳ thời – và phù du. Nhưng bản thân tôi thì thông cảm với một Bùi Tín, ở tuổi 18 đã lăn vào tuyến lửa Trị Thiên thời Toàn quốc kháng chiến: thà làm những viên đạn lãng phí để mở đầu một cuộc tấn công cho tự do, dân chủ, còn hơn làm một thứ pháo bông cho một đêm kỷ niệm – dù là quốc khánh. Nhưng sao “công tác” hoà giải của Thành Tín vất vả quá! Chỉ một câu đầu đã thấy vật vã: “đã 15 năm nay, từ những ngày Hoà Bình, nhiều nỗi đau giằng xé lòng tôi” (tr. 1). Ông không tìm ra từ ngữ để chỉ ngày 30.4.1975 – đỉnh cao của sự nghiệp mình. Ông không tiện dùng chữ giải phóng, thống nhất... hay mất Sài Gòn, vì sợ mất lòng bên nọ, bên kia. Ông sử dụng chữ Hoà Bình, và cẩn thận viết hoa – những vòng hoa đặt lên vong hồn hơn năm vạn sinh linh vùi thân trên chiến trường Campuchia – và bao nhiêu sinh mạng tại biên giới Việt-Trung? Rồi còn bao nhiêu câu, bao nhiêu đoạn khác sẽ bị bên này, bên kia phê phán. Điều đó không quan trọng bằng hai điểm sau đây:

* Về mặt khách quan, tác phẩm của Thành Tín có đóng góp gì vào công cuộc đấu tranh cho dân chủ và dân tộc hay không? Theo tôi là có.

* Về mặt chủ quan, niềm chung thuỷ lớn lao nhất của một đời người là chung thuỷ với chính bản thân mình, với lương tâm mình trong một vài nguyên tắc sơ đẳng mình tự áp đặt cho mình từ tấm bé. Tôi thấy ở Thành Tín có sự chung thuỷ ấy. Cái còn lại là hoa lá cành, hoa hoè hoa sói, hoa xuyên tuyết hay hoa gì gì thì cũng đại khái vậy thôi.

 

Đặng Tiến

18.12.1991

1 Hoa xuyên tuyết, 1991, Nhà xuất bản Nhân Quyền, phát hành bởi Saigon Press, P.O. Box 4995, University Station, IRVINE, CA 92716, USA, giá 16 US$. Ở Pháp, có bán tại những tiệm sách như Nhà Việt Nam, Sudestasie (Paris 5), Khai Trí ( Paris 13), giá 120 FF.

2 Thành Tín trần tình, Đoàn Kết, Paris 1991.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us