Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 4 - 01.1992 / Việt Nam... đã qua... sắp tới

Việt Nam... đã qua... sắp tới

- Diễn Đàn — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 06/10/2010 14:51

Việt Nam... đã qua... sắp tới

 

Trung ương đi trước, Nhà nước theo sau

 

Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam đã họp hội nghị thường kỳ từ ngày 25.11 đến 4.12.1991 để thảo luận về những vấn đề kinh tế và dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Hội nghị đã đề ra năm “biện pháp kinh tế lớn” nhằm ổn định tình hình tiền tệ, chống lạm phát, mở rộng khu vực kinh tế tư nhân, phát triển xuất khẩu và cải tiến hệ thống quản lý Nhà nước. Bản thông báo của hội nghị nói rõ, kinh tế quốc doanh sẽ chỉ được tăng cường ở các khu vực kinh tế chiến lược như công nghiệp nặng, năng lượng, ngân hàng. Phóng viên AFP ở Hà Nội cho biết, theo một nguồn tin gần gũi với các cấp lãnh đạo, hội nghị cũng đã thảo luận về một dự án tư nhân hoá một số xí nghiệp quốc doanh trong khu vực công nghiệp nhẹ. Thông báo cũng nêu lên các vấn đề việc làm và tiền lương, là những vấn đề mà chính phủ phải quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.

Về bản Hiến pháp, thông báo của hội nghị cho rằng “tình hình hiện nay đòi hỏi và cho phép chúng ta tiến hành một cuộc cải tổ hệ thống chính trị từng phần, cơ bản và có hệ thống hơn”. Hiến pháp được sửa đổi vẫn sẽ khẳng định “con đường xã hội chủ nghĩa” của Việt Nam, và “sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội”, nhưng sẽ chính thức thừa nhận một khu vực kinh tế tư nhân.

Kỳ họp thường kỳ của Quốc hội (từ ngày 9.12) sẽ thảo luận về các đề nghị sửa đổi Hiến pháp trên cơ sở đó, và Hiến pháp sửa đổi sẽ được thông qua trong một kỳ họp bất thường của Quốc hội dự tính được triệu tập vào đầu tháng 3.1992. Trong một cuộc họp báo ngày 9.12, ông Vũ Mão, người phát ngôn của Quốc hội cho biết, ngoài những nguyên tắc nói trên, Hiến pháp sửa đổi sẽ xác định rõ hơn vai trò của các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp, và quan hệ giữa Đảng cộng sản và Nhà nước. Sau đó, cuộc bầu cử Quốc hội khoá IX sẽ được tổ chức vào tháng 6.92, thay vì tháng 4 như các lần trước. Ngoài ra, chủ đề chính của kỳ họp Quốc hội lần này là các vấn đề kinh tế.

Trong báo cáo của chính phủ, đọc trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Võ Văn Kiệt nói, mặc dầu các tiên đoán sụp đổ, tổng sản lượng quốc dân của Việt Nam đã tăng 2,4 % trong năm qua. Ông Kiệt cho biết, sản lượng lương thực bị mất 1,3 triệu tấn vì lũ lụt trong năm, vẫn giữ được mức 21,7 triệu tấn, chỉ thấp hơn năm trước 0,3 triệu tấn. Sản lượng gạo xuất khẩu thụt từ 1,5 triệu tấn xuống còn 1 triệu tấn, vẫn là một nguồn ngoại tệ đáng kể của Việt Nam bên cạnh dầu mỏ. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu năm nay chỉ là 1,8 tỉ đôla, so với 2,19 tỉ năm ngoái, chủ yếu vì những khó khăn thi hành các hợp đồng kinh tế với Liên xô “trong hoàn cảnh những thay đổi nhanh chóng ở nước này”.

Kỳ họp Quốc hội cũng sẽ thông qua luật hàng không dân dụng và luật về quyền nhập khẩu và xuất khẩu.

Trong Diễn Đàn số tới, chúng tôi sẽ trở lại một số vấn đề của các kỳ họp này.

(AFP 6-10.12.91, những câu trích dẫn là dịch lại từ các bản tiếng Pháp và tiếng Anh của AFP).

Than: xuất khẩu một triệu tấn

Lần đầu tiên từ 10 năm nay, sản lượng than xuất khẩu của Việt Nam đã lên đến 1 triệu tấn, hơn mức năm ngoái 300 000 tấn. Theo báo Nhân Dân (13.12.1991), Việt Nam dự kiến sẽ bán ra nước ngoài 2 triệu tấn than trong năm 1992, và các hợp đồng hiện nay đã ký lên đến 1,6 triệu tấn. Ngoài những khách hàng quen thuộc như Nhật Bản, Nam Triều Tiên và Tây Âu, Việt Nam đã mở những thị trường mới ở Pakixtan, Marốc và Nam Mỹ.

Ngoài ra, như báo Tuổi Trẻ (2.11.91) cho biết, bên cạnh các xí nghiệp quốc doanh còn có những tư nhân khai thác than bất hợp pháp. Đó là một hoạt động có tổ chức, sử dụng công nhân làm thuê, thu mua than ăn cắp và bán lại rẻ hơn giá Nhà nước. Số lượng than bị thất thoát qua các hoạt động bất chính này được ước lượng khoảng 30% tổng số than khai thác của các xí nghiệp quốc doanh.

Dầu khí: nhiều hợp đồng lớn

Theo bản tin của Thông tấn xã Việt Nam ngày 1.12.91, Việt Nam vừa ký kết với nước ngoài ba hợp đồng công nghiệp dầu khí trị giá 600 triệu đôla Mỹ.

Hợp đồng lớn nhất lên đến 340 triệu đôla, ký với hai tập đoàn Nhật Marubeni và Nissho Iwai nhằm xây dựng một nhà máy nhiệt điện công suất 340 megawatt, sử dụng dầu khí khai thác ngoài khơi Vũng Tàu. Hợp đồng thứ hai nhằm xây dựng một nhà máy sản xuất phân urê, với công suất 600 000 tấn / năm, do công ty Canada Protech đầu tư, trị giá 140 triệu đôla. Hợp đồng thứ ba nhằm xây dựng đường ống dẫn dầu từ Vũng Tàu đến Bà Rịa và Thủ Đức, trị giá 120 triệu đôla. Bản tin của TTXVN không cho biết công ty nào đã ký kết đầu tư vào dự án này, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 1993.

Ngoài ra, AFP (1.12) cho biết, Cơ quan dầu lửa Thái Lan PTT đã ký bản ghi nhớ (memorandum) về một hợp đồng xây dựng tại Vũng Tàu một nhà máy sản xuất khí đốt, công suất 300 triệu mét khối / năm, dùng khí tự nhiên khai thác từ giếng dầu Bạch Hổ. Vốn đầu tư của dự án này lên đến 120 triệu đôla.

Theo VietsovPetro, tổng sản lượng dầu của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 1991 là 3,57 triệu tấn.

Nhật - Việt Nam: 1 tỉ đô la trong năm

Theo tin AFP (1 và 10.12.91), một trong những tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản, công ty Sumitomo đã tuyên bố sẽ đầu tư xây dựng tại Việt Nam một nhà máy lọc dầu. Sumitomo cho biết còn có những dự án làm ăn với Việt Nam về xây dựng nhà máy điện, nhà máy làm sản phẩm nhựa, nhà máy thép và cả những công trình xây cất hạ tầng cơ sở, thuỷ lợi. Trong năm qua, Sumitomo đã mua của Việt Nam 1 triệu tấn dầu thô. Khối lượng trao đổi thương mãi giữa công ty này và Việt Nam lên đến 100 triệu đôla riêng trong sáu tháng đầu năm nay.

Trong cả năm 1991, giá trị trao đổi thương mãi giữa Nhật và Việt Nam được ước lượng là khoảng 1 tỉ đôla. Nhật tiêu thụ 80% tổng sản lượng dầu thô của Việt Nam cho tới nay, và bán sang Việt Nam phân bón, xăng nhớt, hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, các công ty lớn của Nhật vẫn chờ đợi “đèn xanh” của chính phủ Tokyo để đầu tư lớn hơn vào Việt Nam. Là bạn hàng thương mãi số 1 của Việt Nam, Nhật chỉ đứng hàng thứ 9 trong các nước có đầu tư vào nước ta, với tổng giá trị đầu tư khoảng 100 triệu đôla. Ông Võ Văn Kiệt đã tỏ ý phiền lòng về tình hình này, nhân dịp ông tiếp một đoàn các nhà kinh doanh của công ty Nissho Iwai và một số công ty dầu mỏ khác của Nhật hôm đầu tháng 12.91.

Pháp - Việt Nam: nhỏ giọt

Trong chuyến đi thăm chính thức Việt Nam tháng 1 vừa qua, ngoại trưởng Pháp ông Roland Dumas đã thông báo quyết định của chính phủ Pháp tăng hơn gấp đôi khoản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam trong năm 1992: 95 triệu Franc, thay vì 45 triệu trong năm 91. Ngân sách hợp tác cũng sẽ tăng 25%, đạt mức 42 triệu Franc trong năm 92.

Paris cũng sẽ tiếp tục vận động cho Việt Nam tại Quỹ tiền tệ quốc tế, và cam kết cho Hà Nội vay 50 triệu đôla để trả góp khoản nợ hiện nay ước tính 138 triệu.

Các nhà quan sát cũng ghi nhận trong chuyến đi thăm này, ông Dumas đã nhấn mạnh với phía Việt Nam về các vấn đề nhân quyền.

(AFP 24.11.91)

Pháp xuất sang Việt Nam 106 triệu đôla hàng hoá, và mua của Việt Nam 28 triệu đôla, chiếm 1/4 khối lượng trao đổi thương mãi của Tây Âu với Việt Nam. Về đầu tư vào Việt Nam, Pháp đứng hàng thứ tư sau Đài Loan, Hồng Kông và Úc với tổng số vốn 272 triệu đôla.

(Tuổi Trẻ 23.11.91)

ĐỨC: viện trợ 29 triệu Mác

Ngày 21.11, chính phủ Bonn đã thông báo việc Cộng hoà liên bang Đức nối lại sự hợp tác với Việt Nam, đồng thời tiếp tục các dự án mà Đông Đức và Việt Nam đã ký kết trước đây. Bonn cho biết sẽ dành 29 triệu Mác cho Hà Nội, gồm 12 triệu viện trợ tài chính và 17 triệu viện trợ kỹ thuật. Các khoản viện trợ này tập trung vào việc đào tạo cán bộ và cải cách ngân hàng, cũng như thiết lập hệ thống cung cấp điện cho các nông trường càphê đã được Đông Đức giúp đỡ xây dựng trước đây.

Trong chuyến đi thăm Việt Nam tháng 10 vừa qua, ông Hermann Schaufler, bộ trưởng kinh tế và kỹ thuật của bang Baden Wurttenberg, đã ký một dự án hợp tác với kinh phí 10 triệu Mác (khoảng 6 ,5 triệu đôla), nhằm cải tiến công tác dạy nghề cho công nhân kỹ thuật, đào tạo giáo viên dạy nghề và trang thiết bị hiện đại cho trường đại học sư phạm kỹ thuật Thủ Đức mà CHLB Đức đã giúp xây dựng vào những năm 1970.

Cũng trong tháng 10.91, CHLB Đức đã khai trương tổng lãnh sự quán tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là tổng lãnh sự quán thứ 12 đặt tại thành phố, tiếp theo tổng lãnh sự quán của Malaixia mở hồi đầu năm nay. Ngoài ra, sau một năm mở đường bay Frankfurt - Singapore - Thành phố HCM, hãng hàng không Đức Lufthansa đã thông báo quyết định mở thêm một chuyến bay thứ nhì hàng tuần trên đường này và dự tính mở lại đường bay đi Việt Nam từ Berlin.

Mặt khác, trong tháng 11 vừa qua, Tổ chức hỗ trợ đại học Việt Nam đã trao 80 trong tổng số 120 phần thưởng cho sinh viên ở 30 trường đại học Việt Nam trong chương trình khuyến khích tài năng trẻ. Số học bổng này do Tổ chức hỗ trợ đại học CHLB Đức tài trợ.

(Tuổi Trẻ 26.10 , 12.11 và 23.11. 91)

Tin ngắn kinh tế đối ngoại

* Chính phủ Hà Lan đã quyết định viện trợ cho Việt Nam 13 triệu Florin (khoảng 7 triệu Mỹ kim gồm 8,5 triệu viện trợ trực tiếp và 4,5 triệu viện trợ thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) nhằm giúp Việt Nam mua phân bón.

(Nhân Dân 5.11.91)

* Chính phủ Thuỵ Điển đã cho biết quyết định tài trợ cho hai công trình bảo vệ môi trường tại các xí nghiệp giấy Đồng Nai và Tân Mai (tỉnh Đồng Nai), và Vĩnh Phú (tỉnh Vĩnh Phú). Tổng số tiền viện trợ cho hai công trình này là 8,2 triệu đôla, nằm ngoài khuôn khổ viện trợ hàng năm của Thuỵ Điển cho Việt Nam. 

(Nhân Dân 18 .11.91)

* Bộ trưởng thương mại Úc Neal Blewett đã tới thăm Việt Nam trong một tuần lễ giữa tháng 11. Đi cùng với ông, có 21 đại diện của nhiều công ty công và tư của Úc trong các ngành dầu mỏ, giao thông vận tải, ngân hàng, bảo hiểm... Chuyến đi thăm này tiếp theo quyết định tháng trước của Úc viện trợ lại Việt Nam. 

(AFP 16.11.91)

* Một công ty hợp doanh Việt - Thuỵ Sĩ chuyên xử lý và buôn bán vàng đã được thành lập ở Hà Nội đầu tháng 12 với vốn ban đầu một triệu đôla. Phía Thuỵ Sĩ là công ty FIMOSA hùn 50% vốn. 

(AFP 7.12.91)

* Chủ tịch hội đồng bộ trưởng Võ Văn Kiệt, trong chuyến đi thăm Singapore của tháng 10 vừa qua, đã ngỏ ý mời ông Lý Quang Diệu, nguyên Thủ tướng Singapore làm cố vấn kinh tế cho chính phủ Việt Nam.

(FEER 28.11.92)

* Việt Nam đã thành lập một công ty quốc doanh chuyên về tài chính, bước đầu để đi tới hình thành một thị trường tư bản có kiểm soát. Công ty này được đặt ở thành phố HCM, lấy tên là Saigon Finance Co. Ông Nguyễn Hữu Định, người đứng đầu Công ty Vàng bạc và Đá quí thành phố được cử làm tổng giám đốc SFC.

(AFP 3.12.91)

Thêm nhiều chuyến bay quốc tế

Từ đầu tháng 10, đường bay thẳng Úc - Việt Nam đã tăng lên hai chuyến mỗi tháng. Với chuyến bay thứ hai mỗi tuần nối Frankfurt với thành phố HCM của hãng Lufthansa, cho đến đầu tháng 11 đã có 19 chuyến bay thường xuyên của 12 hãng hàng không quốc tế nối liền sân bay Tân Sơn Nhất với 11 nước trên thế giới.

Riêng Hàng không Việt Nam có 49 chuyến bay quốc tế mỗi tuần. Trong tháng 11, Hàng không Việt Nam đã tăng cường các chuyến bay đi Hồng Kông (từ ngày 15.11) và Singapore (từ ngày 19). Ngoài ra, sân bay Tân Sơn Nhất đã nhập hệ thống giữ chỗ Gabriel II, để tạo thuận tiện cho hành khách giữ chỗ trước ở các đường bay nối tiếp.

(Tuổi Trẻ 2.11.91)

83 ngàn người Việt đi Mỹ trong năm 1992

Căn cứ trên ngân sách do quốc hội Hoa Kỳ vừa thông qua, ông Ellen Goff, giám đốc chương trình ODP (Ra đi có trật tự) đã cho biết, số người Việt Nam được phép đến Mỹ định cư trong năm 1992 sẽ lên đến 83 ngàn người. Trong số này, có 17 ngàn xuất cảnh theo diện con lai, 21 ngàn thuộc diện HO (sĩ quan, công chức chế độ cũ) và 45 ngàn thuộc diện ODP sang sum họp gia đình.

Tính đến ngày 1.10.91, tổng số người Việt Nam xuất cảnh chính thức sang Mỹ là 210 617 người, gồm 62 670 người thuộc diện con lai, 32 899 người thuộc diện HO và 115 298 người thuộc diện ODP

(Tuổi Trẻ 2 và 11.12.91)

Thủ tục về Việt Nam (tiếp)

Diễn Đàn số trước đã đưa tin theo AFP về một số qui định mới của Nhà nước Việt Nam đối với việc xét và cấp thị thực vào Việt Nam cho Việt kiều. Dưới đây là một số bổ sung dựa trên nguyên văn bài trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam ngày 14.11.1991 của ông Nguyễn Ngọc Giao, phó ban Việt kiều trung ương (chứ không phải một Thông báo của Ban Việt kiều như đã đưa).

Đối với Việt kiều mang hộ chiếu Việt Nam, ông Giao nói thêm là “Cha mẹ, vợ hoặc chồng, con cái họ là người nước ngoài được xét nhập cảnh cùng lúc với đương sự khi về nước”. Câu này cũng được nhắc lại trong phần nói về Việt kiều mang hộ chiếu nước ngoài, đơn xin nhập cảnh của thành phần Việt kiều này được “xét giải quyết trong 7 ngày kể từ khi trong nước nhận được đơn” (chứ không phải 15 ngày như Diễn Đàn số 3 đã đưa). Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc Giao còn ghi thành một diện riêng “Những Việt kiều đã đóng góp tích cực cho phong trào Việt kiều yêu nước và cho đất nước, những trí thức về làm việc”, mà đơn xin nhập cảnh sẽ được xét trong ba ngày kể từ khi trong nước nhận được đơn. Những Việt kiều này, và thân nhân cùng đi cũng được hưởng các qui chế về tạm trú, đi lại trong nước, ... như Việt kiều mang hộ chiếu Việt Nam. Ông không nói rõ, theo quan điểm của các cơ quan hữu trách Việt Nam thì thế nào là đã đóng góp tích cực cho phong trào Việ t kiề u yêu nước và cho đất nước?

Cưỡng bức thuyền nhân hồi hương

Hồng Kông đã bắt đầu thi hành việc cưỡng bức thuyền nhân hồi hương, tiếp theo thoả thuận giữa các chính phủ Anh và Việt Nam ngày 29.10 vừa qua. Ngày 9.11, 59 người đã bị cảnh sát dẫn lên máy bay đưa về Hà Nội. Ngày 3.12, một đợt 28 người khác bị đưa đi. Mặc đầu những phản đối chính sách hồi hương cưỡng bách này nổ ra khắp nơi, ngay trên đảo nhiều đợt biểu tình của những người tị nạn đã diễn ra, chính phủ Hồng Kông cho biết sẽ tiếp tục việc này. Người phát ngôn của Hồng Kông cũng cho biết, trong tháng 11 chỉ có 20 thuyền nhân Việt Nam đi tới Hồng Kông, bằng mức thấp nhất trong 6 năm qua, và 1414 người đã trở về nước theo chương trình hồi hương tự nguyện của Liên hiệp quốc. Hiện có khoảng 60000 người Việt Nam đến tị nạn ở Hồng Kông, khoảng 80% trong số này được coi là tị nạn kinh tế và không tìm được nước nhận cho cư trú.

Về phần mình, chính phủ Malaixia tuyên bố ngày 2.12 là sẽ không sử dụng các biện pháp cưỡng bức hồi hương đối với 12 500 người tị nạn Việt Nam hiện còn ở Malaixia. Ở Philippin, Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc (HCR) sẽ dùng biện pháp tài chính để khuyến khích người tị nạn trở về nước. Một thoả thuận giữa Philippin, Việt Nam và HCR sẽ được ký kết đầu tháng 12 về vấn đề này.

 (Reuter 28.11, AFP 2. và 6 12)

Sốt rét

Báo Quân đội Nhân dân ngày 12.12.1991 cho biết 610 người đã thiệt mạng trong 9 tháng đầu năm nay vì bệnh sốt rét hoành hành ở các huyện miền núi tỉnh Nghệ An. Theo tờ báo, có 71 000 người bị bệnh, trong đó có tới 83% bị nặng ở 6 huyện trong tỉnh. Tình trạng thiếu thuốc, thiếu cơ sở y tế và cuộc sống rất cơ cực là những nguyên nhân làm cho số người mắc bệnh lên cao như thế. Quỹ y tế của nhà nước trung ương và địa phương không đủ cấp cho mỗi người bệnh một liều thuốc. Dân địa phương ngủ không có màn che muỗi, và trẻ em không đủ quần áo che thân. Hệ thống y tế hầu như tê liệt vì các y tá y sĩ không đủ lương sống đã hoàn toàn bỏ bê công việc, tờ báo viết tiếp, và dịch bệnh vẫn tiếp tục không bị chặn đứng.

(AFP, cùng ngày 12.12)

Vỉệt - Mỹ: còn nhiều xương

Một ê-kíp Mỹ - Việt đã tìm thấy nhiều mẩu xương chung quanh chỗ máy bay của trung tá John Leighton Robertson bị bắn rơi năm 1966. Hè năm ngoái, các báo Mỹ đã đăng một tấm ảnh chụp viên trung tá này với 2 sĩ quan Mỹ khác “chứng minh” là họ còn sống. Tuy tấm ảnh đã được xác định là giả mạo, cuộc tranh cãi khi nó được đưa ra chứng minh vấn đề MIA (quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh) vẫn còn là một vấn đề hết sức dễ gây cảm xúc trong dư luận Mỹ.

Chính phủ Bush hình như đang lợi dụng vấn đề này như một cớ để làm chậm việc bình thường hoá quan hệ Mỹ - Việt. Đó là cảm tưởng của nhiều người theo dõi các cuộc đàm phán của hai bên để tiến tới bình thường hoá. Ít ra, đó là điều đã được ông Lê Mai, thứ trưởng ngoại giao Việt Nam công khai nói lên trong một câu trả lời phỏng vấn của thông tín viên AFP tại Hà Nội ngày 5.12, khi phía Mỹ tiếp tục đưa ra việc giải quyết hồ sơ của 1700 MIA như một kiểu điều kiện tiên quyết cho bình thường hoá.

Trong khi đó, áp lực của giới doanh nghiệp Mỹ đòi được làm ăn với Việt Nam vẫn tiếp tục. Một phái đoàn của Phòng thương mãi Hoa Kỳ ở Hồng Kông, do ông chủ tịch Warren Williams dẫn đầu vừa tới thăm Hà Nội và thành phố HCM từ ngày 14.12.91.

 (AFP 6.12, Reuter 13.12.91)

Hối suất đồng đôla

Giá mua ngoại tệ trên thị trường tự do thành phố Hồ Chí Minh ngày 18.12.1991:

Đôla Mỹ: 13 300 đồng, Franc Thuỵ Sĩ: 9 284 đồng, Franc Pháp: 2 402 đồng, Mark Đức: 8 202 đồng.

Giá vàng (98 %): 602 000 đồng / chỉ (Hà Nội).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us