Trí thức Việt Nam trong dòng lịch sử
TRÍ
THỨC VIỆT
NAM TRONG DÒNG LỊCH SỬ :
LIÊN TỤC VÀ
GIÁN ÐOẠN
"ÐẶNG HUY TRỨ, con người và tác phẩm",
"CỤ NGHÈ TRƯƠNG GIA MÔ",
"VIET NAM du confucianisme au communisme"
Nguyên Thắng
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 : mới ngày hôm qua của
đất nước, của dân tộc. Chỉ có vài thập niên. Ngắn ngủi, dữ dội. Trật tự
cổ
truyền, tưởng chừng cứ mãi mãi vĩnh cửu,
sụp đổ ngay trước mắt. Thời ấy có những người,
mắt mở to, tai lắng nghe, ra rộng xa, ngoài bờ
ruộng, khỏi lũy tre, qua những điều đã được
chấp nhận như là chân lý hiển
nhiên
từ cha đến con, đời này qua đời khác.
Những nhà duy tân ấy, sao dường như xa chúng ta vời vợi ! Dù rằng thế giới ta sống hôm nay phần nào cũng là chính họ nhào nặn nên, mà thật ra chỉ là đời ông, đời cụ của thế hệ hiện nay. Xa cả một khoảng cách viễn kính lịch sử, lấp dưới hào quang hình ảnh những nhân vật nhìn xa thấy trước, nhưng thất bại, cô đơn, kêu gào chẳng ai nghe.
Người ngày nay lần giở trang sử cũ chạnh lòng tiếc nuối cho một việc không thành, cao đẹp và xa xăm. Còn đâu vị mặn đắng của giọt nước mắt mới sa, mùi tim gan dập nát tanh tưởi, nỗi dằn vặt đêm dài thao thức trước cái vô định của nước nhà, những khắc khoải quờ quạng mò mẫm tìm đường, nào thấy mối dây liên tục giữa hôm qua và ngày nay, hôm nay dân tộc, đất nước, lại đứng trước một xáo trộn sụp đổ toàn cầu.
Một số sách mới xuất bản gần đây đã san lấp bớt phần nào những thiếu sót nói trên. Cái mới là con người, tác phẩm được giới thiệu là những nhân vật được đương thời mến trọng vì chí khí, vì văn tài, vì hành động, tên còn ghi trong sử sách, nhưng thơ văn tản mạn, mất mát, tên tuổi chỉ còn vài người nhớ tới. Cũng rất mới là tác phẩm đến tay người đọc nhờ sáng kiến tư nhân, con cháu trong dòng họ nhặt nhạnh thư tịch, đóng góp vào chi phí nghiên cứu, xuất bản. Cùng một thời điểm và cũng trong hướng đó, còn phải nói đến Phan Bội Châu Toàn Tập (1), tuy các tác phẩm của Phan Sào Nam đã được in nhiều lần, nhưng có một bộ mười tập gom nhặt toàn thể văn thơ của cụ cũng tiện lợi không ít.
Xin bàn đến hai tập tài liệu về Tỉnh Trai Ðặng Huy Trứ (2) (1825-1874) và Cúc Nông Trương Gia Mô (3) (1866-1929).
Cả hai đều thuộc thế gia vọng tộc triều Nguyễn, một gốc Thừa Thiên, một miền Nam. Cả hai có lúc làm việc trong triều Huế. Cả hai sinh phải buổi đất nước nghiêng nghèo, lòng lo canh cánh không nguôi, chí đem phương sách Quản Trọng làm cho đất nước giàu mạnh – Trương Gia Mô còn lấy tự là Sư Quản – cả hai cho đến khi mất, chí không đạt. Ðặng Huy Trứ ốm chết khi Hà thành thất thủ, ông cùng với Hoàng Kế Viêm rút quân lên Ðồn Vàng, Hưng Hóa. Trương Gia Mô gieo mình tự vẫn ở núi Sam thuộc An Giang ngày nay.
Hai cuộc đời có điểm tương đồng. Nhưng hai tác phong, hai thế hệ khác nhau. Khi Pháp chiếm Gia định (1859) thì Ðặng Huy Trứ đã ra làm quan được ba năm. Còn Trương Gia Mô, vào năm ba tỉnh miền Tây bị mất nốt (1867) mới lên một, lúc khôn lớn cả nước đã hoàn toàn dưới quyền thống trị của ngoại bang.
Ðặng Huy Trứ tư cách thanh cao, yêu hoa nhài trong trắng :
-
Tên nhài quân tử ghét,
Ta trồng nhài bên hiên.
Ta yêu nhài sắc trắng,
Ta yêu nhài hương thanh.
(Hoa nhài, Ngô Linh Ngọc dịch)
- Quân tử ố nhĩ danh,
Ngã độc di hiên doanh.
Ngã ái nhĩ hoa bạch,
Ngã ái nhĩ hương thanh.
Mạt Lợi Hoa
Trương Gia Mô, tính nghệ sĩ, trằn trọc, cô đơn, mượn lời đức Khổng tử " Hình dáng là tiểu tiết, nhưng bảo (ta) giống con chó mất nhà thì thật đúng thay ! Thật đúng thay ! ", mượn ý câu kinh Dịch " Dê đực húc vào dậu, sừng bị mắc lại ", để tự cười mình :
-
Tuổi trẻ, tiếng khen hão
Vốn chẳng tài đảm đương
Cầu thơ, khổ muốn chết
Ðược rượu, mừng hóa cuồng
Ảo não chó mất chủ
Dùng dằng dê mắc vương
Nước trời không, đứng lẻ
Sông chảy, xuống tàn dương -
Tuế tảo thiết hư dự
Nhĩ thân cố bất trường
Cầu thi khổ dục tử
Ðắc tửu hỉ thành cuồng
Lũy lũy táng gia cẩu
Hành hành luy giác dương
Giang thiên không độc lập
Lưu thủy hạ tàn dương.
(Tự trào)
Tỉnh Trai trong giờ trực ở nội các, thấy mình bất lực nhưng hào khí hừng hực :
-
Những thẹn không tài lui nổi giặc,
Hùng tâm khảng khái tiếng gà năm canh -
Ðộc thị vô tài năng thoái lỗ,
(Các trực sách hữu Bùi Uẩn Trai phẩm thi)
Hùng tâm khảng khái ngũ canh kê.
Cúc Nông nhờ tập ấm, ngồi làm ở bộ công trong triều mà rười rượi ý từ quan :
-
Sửa áo đến đế đô
Cúi đầu vào công bộ
Lương hướng mỏng như giấy
Sổ sách rối tựa tơ
Soi gương, mặt xởi lởi
Trong mộng hồn u sầu
Tay chỉ núi Nam hẹn
Ngày trở về cùng chờ
- Chấn y du đế lý
Ðê thủ nhập công ty
Bổng hướng bạc ư chỉ
Bộ thư phần nhược ti
Kính trung nhan sắc hậu
Mộng lý thần hồn bi
Dao chỉ Nam sơn tế
Chung đương dữ ngã kỳ.
(Tức sự)
Bầu nhiệt huyết gởi vào mấy câu thơ tuyệt mệnh, cho núi sông cho thế hệ đi sau :
-
Thân già trả lại đất trời
Hóa ra sóng gió, hận thù thét vang
- Tức kim lão hủ hoàn thiên địa
Hoán tác phong đào, đái hận minh
(Trương Gia Kỳ Sanh dịch)
Tỉnh Trai, Cúc Nông, một giản dị mà trầm hùng, một thi vị, kín đáo nỗi lòng u uất, mỗi người mỗi vẻ, xin bạn đọc tìm đến tác phẩm của hai nhà mà trực tiếp thưởng lãm.
Nhưng trước khi, nhân những sự kiện chép trong hai quyển sách nói trên, đưa các bạn về một hướng khác, theo dòng tư tưởng duy tân từ thế hệ đầu đến thế hệ đi sau, chúng tôi xin góp một ý kiến nhỏ : Thư tịch của tổ tiên còn tàng trữ trong gia đình là những tài liệu quý vì giá trị tình cảm, vì là những tư liệu rất hiếm còn sót lại cho các thế hệ sau tìm hiểu xã hội, tư tưởng, văn hóa đời trước.
Ðã là tư liệu khoa học thì khó mà định trước phần nào quan trọng hơn phần nào. Ðể cho xu hướng nhất thời lấn áp, đến làm giảm mất lượng thông tin của tư liệu là chuyện vô cùng đáng tiếc. Mối tình của Ðặng Tỉnh Trai lúc mười tám tuổi với cô lái đò thật đẹp. Nhưng dựng cho nó thành hành động đả phá lễ giáo thì phải là những nhà giáo điều, bo bo quyết rằng đã là nhà nho thì phải hành động thế này, người cộng sản thì phải làm như thế kia, quên con người muôn vẻ, quên mất rằng không phải tìm đâu xa, chỉ ngay gần thời đó, Nguyễn Công Trứ đã chẳng ngần ngại mà " ứ hự thuyền quyên " ngay giữa đồng ! Gắng gượng gò ép cho con người lọt vào khuôn khổ giáo điều, đặt hết trọng tâm vào văn thơ, chẳng biết phần liên quan đến tư tưởng duy tân của con người duy tân đầu tiên của đất nước có được quan tâm đúng mức hay chăng ?
Ðối với người nghiên cứu, cần nhất là có trong tay tư liệu trọn vẹn, trong hình thức nguyên văn của nó. Văn Hán, văn Nôm chỉ có phiên âm là một nguồn gốc reo rắc sai lầm vì có rất nhiều đồng âm nhưng khác nghĩa và khác tự dạng. Người đọc không khỏi lấy làm tiếc không có được bản chữ Hán, chữ Nôm để đối chiếu với bản dịch trong tất cả các bộ sách nói trên.Thiết nghĩ, cách thức ngăn chặn các tác phẩm cổ không bị thất lạc và để cho các thế hệ mai sau còn có tài liệu gốc mà nghiên cứu, ngoài bản dịch còn cần có một số bản sao chụp lại nguyên bản, phân phối cất trong gia đình họ hàng và nhượng lại cho ai cần, ai thích, cho các trung tâm nghiên cứu và trường đại học. Ðã là tài liệu quý thì ai mà ngần ngại không trả cái giá phải trả.
Trở về tư tưởng duy tân, ta đọc thấy Phan Bội Châu ghi trong Việt Nam Quốc Sử Khảo rằng : " Những năm cuối thời Tự Ðức tân học chưa vào, đường biển chưa mở, nhưng đã có người bàn về đại thế của thiên hạ, nói nên kết giao với Anh, Ðức, không nên cứ ỷ lại vào Bắc triều, đã có người xin cử người xuất dương học binh pháp của Tây Âu, xin mở thương cảng thông thương với các nước, xin cử người đi học học thuật của Tây Âu : Thừa Thiên có Nguyễn Lộ Trạch, Ðặng Huy Trứ ; Quảng Ngãi có Nguyễn Ðức Thuấn ; Nghệ An có Nguyễn Trường Tộ. Họ chính là những người trồng cái mầm khai hóa đầu tiên ở Việt Nam."
Ðặng Huy Trứ (1825-1874) và Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) cùng một thế hệ, đúng là những người có tư tưởng duy tân đầu tiên ở nước ta. Nguyễn Lộ Trạch (1852-1895) đã thuộc về thế hệ sinh sau.
Nguyễn Trường Tộ đến chết không ngừng dâng điều trần cải cách (4). Ðặng Huy Trứ, là quan chức trong triều, có được một vài dịp đem thể nghiệm ý mình. Năm 1866 ông được phép lập Bình chuẩn sứ, một cơ quan kinh tế thương mại theo kiểu công tư hợp doanh ngày nay, được triều đình cấp năm chục ngàn quan tiền, ngoài ra gọi vốn tư nhân, kinh doanh trên cơ sở công tư lưỡng lợi, - từ ngữ của chính ông đặt ra. Trụ sở ở Hà Nội nhưng hoạt động mở rộng đến các tỉnh Quảng Nam, Vĩnh Long, Gia Ðịnh, lo việc buôn bán, khai mỏ, xuất cảng thiếc, tơ lụa, đường, dầu, quế sang Hương Cảng...
Phan Phú Thứ lúc đó làm trong Cơ Mật Viện tiến cử " Chuyến đi sứ này không ai hơn Ðặng Huy Trứ ", ông đi Áo Môn và Hương Cảng hai lần, những năm 1865 và 1867, cạo tóc, thắt bím ăn mặc như người Thanh, lần thứ nhì ở lại hai năm thăm dò nghiên cứu tình hình, xem xét cách chế tạo máy móc, đóng tàu, đúc súng đạn, sưu tầm, dịch sách báo các nước, ghi chép kỹ thuật máy hơi nước trong cuốn Bác Vật Tân Biên của người Anh, mua được 239 khẩu sơn pháo, đem về nước... ông mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Ðường năm 1869, khai sinh cho ngành nhiếp ảnh nước ta...
Tỉnh Trai là người đầu tiên có tư tưởng duy tân, lại may hơn Nguyễn Trường Tộ được đem thi hành tư tưởng của mình trên thực địa. Chính vì thế mà khi đọc Ðặng Huy Trứ Con Người và Tác phẩm, ta không khỏi lấy làm ấm ức chỉ được thấy tư tưởng và biện pháp duy tân của ông trong bản văn ngắn ngủi " Trong khi ốm được Dã trì chủ nhân chỉ giáo " (Bệnh trung đắc Dã trì chủ nhân tứ giáo, thi dĩ chí chi).
Thế hệ Nguyễn Trường Tộ, Ðặng Huy Trứ, chỉ lẻ loi vài người hiểu rằng dân tộc ta cần tìm đến học một nền văn hóa xa lạ, văn hóa Tây phương. Mới le lói nhen nhúm một ngọn lửa nhỏ đã bị chê bai, nghi kỵ ngay. Vua Tự Ðức, khi Ðặng Huy Trứ từ trần, phán rằng : "... lập tâm hơi thiên, sợ không bổ ích, vội làm mưu khác,... chưa thấy có hiệu quả mà đã thấy tổn hại, sợ không còn mặt mũi nào trông thấy cha anh họ hàng, cho nên tự chết cho chóng, đáng thương, đáng giận ! "
Trong thế hệ sau, trẻ hơn hai mươi tuổi có Nguyễn Lộ Trạch (1852-1895), tâm đắc điều trần của Nguyễn Trường Tộ, rút ruột viết Thời Vụ Sách dâng lên triều đình, không được lưu tâm, rồi viết Quỳ Ưu Lục, Thiên Hạ Ðại Thế Luận, cất tiếng kêu nhỏ bé đơn côi giữa cơn bão tố đùng đùng cuốn trôi chế độ xưa, thế mạnh ngoại bang tràn ngập chiếm lĩnh, đặt trật tự mới trên toàn thể đất nước. Lộ Trạch chết lúc tuổi bốn mươi ; cô độc, nước mất, tình thế duờng như tuyệt vọng...
Thế mà ngọn lửa lại không tuyệt. Tri kỷ, đồng chí còn dấu vết vương trong câu, trong chữ những bài thơ Cúc Nông tặng Hà Nhân Nguyễn Lộ Trạch, đơn cử ví dụ : Giữa tiết tháng giêng, Hà Nhân mời đi chơi sông Hương, giữa tiệc làm thơ họa vận :
-
Trường An, khách lưu trú
Nhàn, theo bạn ngao du
Ðỏ đèn phân đêm tối
Chèo lùa nước nhẹ ru
Ðàn ca, thương kỹ nữ
Thơ rượu, cười bọn ta
Cùng theo vui trước mắt
Nhớ thời thế sầu ưu. - Viễn tác Trường An khách
Nhàn bồi địa chủ du
Ðăng quang phân dạ sắc
Châu tiếp yến giang lưu
Huyền ca lân kỹ nữ
Thi tửu tiếu ngô trù
Cộng trục mục tiền lạc
Ninh tri thế thượng sầu
Lộ Trạch từ trần, ta thấy một mạng lưới kết giao những người có tư tưởng duy tân, hoạt động khắp trong nước : Trương Gia Mô là bạn thâm giao với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy, với nhân sĩ miền Nam : Trần Chánh Chiếu, chủ bút báo Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn, làm báo với ý đồ " biến cải Nam nhân ", lập hội " Minh Tân công nghệ ", mở khách sạn Nam Trung làm nơi tập họp người yêu nước, ủng hộ phong trào Ðông du, Nguyễn An Cư, Nguyễn An Khương (thân phụ của Nguyễn An Ninh) những người sáng lập " Chiêu Nam Lầu " làm cơ sở đưa đón thanh niên xuất dương, Nguyễn Viên Kiều, Nguyễn Thành Phương ở Trà Vinh cộng tác viên của Phụ nữ tân văn, Nông cổ mín đàm, các bô lão trong gia đình nhà thơ Ðông Hồ Lâm Tấn Phác ở Hà Tiên. Trong gia đình Cúc Nông ở Tân An, anh vợ là Bùi Chí Nhuận lĩnh án đày 30 năm ở Guyane, cháu rể là Trần Hữu Ðộ, dịch Lương Khải Siêu, viết Biện Chứng Pháp năm 1937-38, lập thư xã " Tân Văn hóa tòng thư ", bị tù đày nhiều phen, ...
Ta thấy sau khi từ quan năm 1904, Phan Chu Trinh (1872-1926) cùng Trần Quý Cáp (1870-1908), Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), trong dịp " Nam du " tiếp xúc với Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lội (con Nguyễn Thông), Nguyễn Quý Anh (1881-1911, em Trọng Lội, học trò Trần Quý Cáp) ở Bình Thuận, đến Phan Thiết gặp Trương Gia Mô, rồi cùng với các thân sĩ Bình Thuận, Phan Thiết này hô hào duy tân, cải cách, tổ chức công ty Liên Thành, trường Dục Thanh, lập nhà giảng sách phổ biến tư tưởng dân chủ, tự cường.
Rồi ta thấy trong khoảng 1905-1908, bùng nổ khắp ba miền phong trào Ðông du, phong trào cắt tóc, học chữ quốc ngữ, phong trào Ðông Kinh nghĩa thục, và chói lọi hai nhân cách Phan Bội Châu (1867-1940), Phan Chu Trinh.
Ta thấy cuối năm 1909, người thanh niên Nguyễn Tất Thành tìm đến người bạn thâm giao với cha mình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy : Cúc Nông Trương Gia Mô lúc ấy làm thầy thuốc ở Duồng. Ðầu tháng chạp âm lịch 1909, Cúc Nông đưa thanh niên Nguyễn Tất Thành vào thị xã Phan Thiết trên một chiếc ghe buôn của công ty Liên Thành ở Phan Rí cửa, giới thiệu vào dạy học ở trường Dục Thanh. Tháng 10 năm 1910 lại chính Cúc Nông đưa thanh niên Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba vào Sài Gòn, ngụ ở nhà người anh em con bạn dì của ông ở Xóm Cầu Rạch Bần, rồi vài ngày sau vào ngụ ở Liên Thành phân cục Chợ Lớn. Chuyện sau đó chim bằng cất cánh từ bến Nhà Rồng chắc ai ai cũng rõ.
Ðặng Huy Trứ minh họa bước gián đoạn trong tư tưởng của sĩ phu nước ta buổi giao thời va chạm giữa Ðông và Tây.
Cuộc đời Trương Gia Mô là một mắt xích trong chuỗi hành trình của tư tưởng duy tân, lúc âm ỷ lan tràn, khi bùng thành phong trào Ðông du, phong trào Ðông Kinh nghĩa thục.
Và những bước đầu của người sau này lãnh đạo công cuộc cách mạng 1945 là những bước tiếp nối theo dòng tư tưởng đó. Cách mạng 1945 xuất hiện như một đột biến, nhưng xét cho cùng chỉ là hệ quả của dòng tư tưởng duy tân, và sự có mặt của chủ nghĩa cộng sản cũng chỉ là một việc tất nhiên trong quá trình hình thành tính cách Việt Nam ngày nay, được nhào nặn nên bởi cuộc tranh chấp liên tục giữa hai văn hóa Ðông phương và Tây phương.
Tham vọng của Trịnh Văn Thảo trong Việt Nam Du Confucianisme au communisme (5) là tìm cách dựng lại hành trình xã hội – nghĩa là tập thể và cá nhân – của các thế hệ trí thức Việt nam từ 1862 cho đến 1945. Gọi là tham vọng có lẽ không quá đáng vì lý thuyết và phương pháp mà tác giả vận dụng cũng là những viên đá đầu cho một xã hội học hành động và tâm tính.
Xuất phát từ quan niệm trí thức là do vận động của lịch sử mà nảy sinh, tác giả phân tích hình thái " các thế hệ trong thời cơ ", và cho rằng trong một thế kỷ lịch sử Việt Nam vừa qua thời cơ tạo thành các thế hệ 1862 thời mở đầu vong quốc sử, thế hệ 1907 thời thành hình một xã hội tùy thuộc ngoại bang và thế hệ 1925, thời xã hội thuộc địa lâm vào khủng hoảng toàn diện, làm cho các tranh chấp xã hội, kinh tế, chính trị thêm khốc liệt, dẫn đến cách mạng 1945-1954. Thế hệ nào cũng bị phân hóa. Thế hệ 1862, sĩ phu duy tân khoanh trong vòng một thiểu số ; thế hệ 1907, không rõ phải vạch lằn ranh giữa giới cựu học và giới tân học chế độ thuộc địa đào tạo ra hay là giữa trí thức yêu nước và trí thức cộng tác với thực dân ; thế hệ 1925, khi đã có trường đại học, lại xuất hiện bên lề hệ giáo dục thống trị không ít trí thức tự học mà nên. Nhưng suốt qua mọi thế hệ dù là đằng sau người trí thức bảo thủ như Phạm Quỳnh, hay đằng sau nhà cách mạng như Hồ Chí Minh, bao giờ cũng thấy bóng dáng một nhân vật khổng giáo, đa dạng nhưng cố định : trọng học thức, trọng quyền lực, trọng chính thống.
Xét lại quá trình hình thành trí thức Việt Nam tưởng không phải là một việc phù phiếm trong giai đoạn thế giới đảo lộn hiện nay. Trước thời cơ này trí thức Việt Nam có đóng nổi vai trò của mình, có vượt nổi cái nhìn, cái cách đặt vấn đề hạn hẹp trong khuôn khổ một đất nước nhỏ bé, tìm phương thức giải quyết vấn đề riêng của dân tộc trong hướng thoát đi của cả nhân loại hay chăng ?
Không biết rồi sau này, đến khi hai ba thế hệ sau lần giở trang sử, trí thức hôm nay có còn để lại chút tiếc nuối như các nhà duy tân cuối thế kỷ thứ mười chín, hay bị sang trang vì vắng bóng, vì chẳng có gì đáng nói ?
Nguyên Thắng
-
(1) Phan Bội Châu Toàn Tập, Chương Thâu sưu tập và biên soạn, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế 1990.
-
(2) Ðặng Huy Trứ Con Người và Tác Phẩm, Nhóm Trà Lĩnh biên soạn ; Nhà Xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1990, 562 trang.
-
(3) Cụ Nghè Trương Gia Mô, Nguyễn Nam, Nhà xuất bản Tổng hợp An Giang 1989, 276 trang.
-
(4) Xin nhắc lại Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo của Trương Bá Cần, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1988, công trình nghiên cứu về Nguyễn Trường Tộ nghiêm túc và đầy đủ nhất từ xưa đến nay.
-
(5) Trịnh Văn Thảo, Việt Nam Du Confucianisme au Communisme, Editions lÕHarmattan, Paris 1990, 346 trang.
-
Các thao tác trên Tài liệu