Bàn thêm với những chỉ số về giáo dục
Tranh luận
Một số ý về bài
"Khủng
hoảng giáo dục"
Lê văn Cường
Bùi Mộng Hùng trong bài "
Khủng Hoảng Giáo Dục..." đăng trên Diễn
Đàn số 4, có so sánh ngân sách
giáo dục của Việt nam (12% ngân sách, từ
hai năm nay) với ngân sách giáo dục của
Thái lan (từ 20 đến 30% ngân sách nhà
nước). Nhìn như vậy đầu tư của Việt Nam vào
giáo dục xem ra có vẻ yếu. Nhưng nếu dựa vào
TSP (Tổng sản phẩm quốc gia - PNB, produit national brut),
như thế, năm 1989 Việt nam đầu tư vào giáo
dục quãng 4% của TSP vì năm ấy ngân sách
nhà nước Việt Nam chiếm 35% của TSP (1). Theo số
liệu của OCDE (2), năm 1987, Pháp đầu tư 5% của
PNB, Hoa Kỳ 4,8%, Nhật 5,1%, Thổ Nhĩ Kỳ 2%. Như vậy tỷ
lệ đầu tư của Việt Nam vào giáo dục nằm
trong " norme " (nếu " ngân sách "
là ngân sách được thực hiện - budget
exécuté).
Bùi Mộng Hùng cũng so sánh tỷ lệ số sinh viên trên dân số : Nam Triều Tiên cứ 10.000 người có 367 sinh viên, Thái Lan được 127, Việt Nam 22. Theo ý tôi phải lấy tiêu chuẩn Tổng sản phẩm trên đầu người (PNB par tête).
Năm 1989, TSP/đầu người của Việt Nam là 250 đô la (3). Năm 1987, TSP/đầu người của một số nước khác là như sau (3) : Nam Triều Tiên : 2810 đô la ; Thái lan : 879 đô la ; Mã Lai : 1757 đô la ; Nam Dương : 422 đô la ; Thổ Nhĩ Kỳ : 1 300 đô la.
Nếu ta biết thêm, cứ 10.000 người Mã lai có 42 sinh viên (4), Nam Dương có 37 sinh viên (4), Thổ Nhĩ Kỳ 100 (2), thì tỷ lệ (sinh viên/dân số)/(TSP/đầu người) của Việt nam thua Nam Triều Tiên, Thái Lan, ngang với Nam Dương, Thổ Nhĩ Kỳ, hơn Mã lai. Nam Triều Tiên có tỷ lệ cao, có lẽ vì 2/3 chi phí giáo dục do tư nhân đài thọ (3). Nhưng nghĩ rằng chi tiêu cho giáo dục chủ yếu ở trong nội địa mỗi nước thì nên dùng TSP tính theo sức mua (pouvoir d'achat) ; số liệu khó kiếm hơn. Năm 1989, TSP/đầu người tính theo sức mua ở Việt Nam quãng 1 100 đô la (5). Năm 1987 TSP/đầu người của Pháp là 13600 đô la (2), của Thổ Nhĩ Kỳ là 4350 đô la (2). Tỷ lệ (sinh viên/dân số)/(tsp/đầu người tính theo sức mua) của Việt Nam không kém gì hai nước nói trên (Pháp : 230 sinh viên/10.000 người).
Những so sánh trên đây cũng là báo động : Việt Nam không thể " an tâm " vì một số tỷ lệ về giáo dục tương đối vừa phải theo những tiêu chuẩn nói trên, vì khoảng cách tuyệt đối về trí tuệ giữa Việt Nam và một số nước, nếu không có thay đổi về tỷ lệ, sẽ tăng dần và Việt Nam sẽ lún sâu vào khối các nước chậm tiến. Cũng không thể nào tăng vùn vụt đầu tư vào giáo dục vì trong ngân sách còn bao nhiêu mục khác. Như vậy phải tăng sản xuất, như mọi người đều biết.
(1) Báo cáo về kinh tế Việt Nam, chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc, tháng 12. 1990
(2) OCDE en chiffres. Statistiques sur les pays membres. Supplément à l'observateur de L'OCDE, numéro 164, Juin-juillet 1990
(3) ATLAS ECO 1991/1992
(4) Laurent Schwartz, interview, Đoàn Kết. 5. 1991
(5) Nguyễn Văn Quỳ và Lê Việt Đức : " Estimate Gross Domestic Products Per Capita On Purchasing Power Parity For Việt Nam Economy ". Trung Tâm Phân tích Hệ Thống, Viện Quản Lý Trung Ương, Hà Nội, 1991.
Bàn thêm với những chỉ số
Bùi Mộng Hùng
Nhà kinh tế học đã mau mắn nhắc
nhở phải tiết chế số liệu tuyệt đối bằng cái
nhìn tương đối và tính cho những chỉ số
đáng quý gói ghém được một số dữ
kiện quan trọng.
Tuy nhiên, tính cách gãy gọn của những con số không nói lên được cái khác biệt giữa nước tư bản và nước xã hội chủ nghĩa. Ở nước ta, nhà nước độc quyền nắm lấy giáo dục, ngân sách gồm toàn bộ sức của đầu tư. Còn trong nước tư bản ngân sách giáo dục của nhà nước chủ yếu chỉ dành cho trường công. Bên cạnh còn có trường tư mà tỷ lệ có thể rất cao. Tại nước Mỹ trường tư chiếm 23% ở cấp tiểu học và trung học, 30% ở cấp đại học. Trường đại học tư có được nhà nước giúp đỡ, nhưng phần sinh viên đóng tiền học và tư nhân tài trợ vẫn là tỷ số quan trọng, năm 1986 chiếm 72% tổng số thu nhập của các trường đại học tư (1).
Ta cũng không nên quên rằng khác biệt 0,8 hay 1% Tổng sản phẩm quốc gia (TSP) là những số tiền to tát. Nước Pháp, 56 triệu dân, sai biệt 1% TSP là 10 tỷ đô la (để so sánh, toàn bộ ngân sách nước Việt Nam năm 1987 là 4,3 tỷ đô la). Và ta cũng nên nhớ lại rằng ngân sách giáo dục 5% TSP của Pháp năm 1987 là một trong chuỗi khoảng hai chục năm liền nhà nước Pháp không lưu tâm đúng mức đến giáo dục, đưa đến những cuộc xuống đường sôi động của học sinh vào những tháng cuối năm 1990. Trong những lý do làm cho học sinh tức nước vỡ bờ có vấn đề trường ốc hư hỏng và vấn đề thiếu thầy, lương bổng người dạy học không tăng từ lâu, chẳng còn ai muốn vào ngành giáo dục nữa. Bộ giáo dục phải đề nghị một kế hoạch khẩn cấp dành 4 tỷ francs ưu tiên sửa chữa ngay các trường trung học cho đạt tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn (2). Tiếp theo đó là kế hoạch dài hạn. Riêng phần lương giáo viên và tu bổ trường ốc đã được tăng ngay 64 tỉ Franc, ngân sách giáo dục từ 1990 trở đi không còn như năm 1987 nữa. Điều mà số liệu ngân sách không sao nói lên được là tham khảo, bàn bạc giữa bộ giáo dục với các công đoàn giáo giới, các tổ chức học sinh, các hội phụ huynh học sinh, các cuộc thảo luận ở quốc hội, trên báo chí trước khi đi tới một sự đồng thuận nào đó.
Khoảng 5% TSP dành cho ngân sách giáo dục đã là thiếu hụt ở một nước mà ngoài trường công còn có thêm trường tư, và cấu trúc dân số không đông trẻ như ta – năm 1990 trẻ con dưới 15 tuổi chiếm 20,5% dân số Pháp và 39,3% ở Việt Nam – thử hỏi ngân sách 4% TSP của ta từ hai năm nay là bao so với yêu cầu thực tiễn sau gần hai chục năm đầu tư không đáng kể ?
Số liệu ngắn gọn nói lên được quan tâm của nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục. Nhưng cũng xin chớ quên phần bàn bạc thảo luận dân chủ đi đến dự phóng giáo dục cho hôm nay và cho ngày mai. Chính qua thảo luận, thương thuyết mà nhà nước cùng xã hội công dân cụ thể hóa mối liên hệ qua lại giữa phát triển và giáo dục – sản xuất để có sức đầu tư vào giáo dục nhưng giáo dục lại là tiền đề cho sản xuất và phát triển – trong đó tiềm tàng các vấn đề : phát triển cách nào, phát triển để làm gì ? Những vấn đề xem như không có gì là bức xúc nhưng thật ra là những yếu tố ngấm ngầm tạc thành bộ mặt của xã hội ngày mai, người công dân có tinh thần trách nhiệm không thể nào coi nhẹ được.
(1) Statistical Abstract of the United States, 1990, US Department of commerce, Bureau of the Census, trích dẫn theo Vũ Quang Việt và Ngô Thanh Nhàn, xem Diễn Đàn số tới.
(2) Lycées : lecture d'une crise. Le plan d'urgence du ministère. Le Monde de l'Education, số 177, tháng 12. 1990.
Các thao tác trên Tài liệu