Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 5 - 02.1992 / Phan Huỳnh Điểu, chú tôi.

Phan Huỳnh Điểu, chú tôi.

- Phan Tam Khê — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:35

 
Phan Huỳnh Điểu, chú tôi.

 
Phan Tam-Khê
 

Chị bảo tôi viết về chú Điểu ư?

Phải viết gì đây khi tôi xa chú đã hơn 40 năm nay?

Dĩ vãng thì quá xa, mà hiện tại thì cũng chẳng gần vì hai chú cháu ở hai đầu quả địa cầu xa vời vợi.

Thật vậy tôi và chú xa nhau đã 40 năm nay nghĩa là từ năm 1951. Tháng 7 năm nay khi chú ra đón tôi tại ga Sài Gòn, hai chú cháu không nhận ra nhau. Chú ngần ngại tiến lại gần chiếc valise có mang địa chỉ ở Pháp, nhìn tôi do dự: “Cô có phải là cô H. không?” . Trí nhớ tôi sực sống dậy: “Có phải chú Điểu không? ”. Khỏi phải diễn tả sự vui mừng ra đây làm chi vì nó sẽ thừa thãi và vô duyên. Tôi cảm thấy thương kính chú thiết tha vì cha tôi vừa mới mất mà chú lại hao hao giống Người.

Trong lần gặp gỡ ở nhà chú, kỷ niệm tràn về và ứ nghẹn. Mọi người tranh nhau kể, nói cười. Cũng trong dịp này tôi nhắc lại chú bài Màu tím hoa sim, chú vừa phổ nhạc thì bị cấm (khoảng năm 1951 thì phải). Tôi cất tiếng hát một mạch, vì đó là bài hát mà tôi ưa chuộng nhất, vì nó nhắc tôi nhớ nhiều đến chú tôi. Tôi bỗng thoáng thấy mắt chú tôi ươn ướt... vì chính chú, chú đã quên bẵng mất tác phẩm của mình.

Tôi thương chú bằng tình yêu của người cháu, vả lại tôi thích hát mà chú tôi lại là nhạc sĩ. Nhưng thú thật tôi chỉ hát lẩn quẩn mấy bài hát ngày xưa của chú, hát đi hát lại bài Màu tím hoa sim những khi buồn nhớ nhà và nhớ lại mùi thơm thơm của trái sim chín trong những ngày thơ ấu ở miền rừng núi xa xăm... Dạo ấy, tuy ở chung một nhà nhưng chú cháu cũng ít gặp nhau. Quanh năm suốt tháng chú phải quảy gánh – một đầu gạo, áo quần, đầu kia là nhạc cụ và tài liệu, chú chỉ dùng đàn mandoline thôi – đi công tác từ làng này sang làng khác. Chú đi làm công tác tuyên truyền một thân một mình, vừa sáng tác, vừa đàn, vừa hát, vừa nói chuyện... Ngày ấy, chuyện đó là thường, nhưng bây giờ nghĩ lại thấy thật lạ và ngộ nghĩnh quá chừng.

Chú tôi đã bỏ tất cả để ra đi theo hồn sông núi từ tuổi hai mươi. Và trên nửa thế kỷ chú đã trung thành với chọn lựa của mình. Thật vậy, với Đoàn giải phóng quân chú đã ra đi, từ Đà Nẵng lên núi, ngang dọc khắp Liên khu V, rồi từ núi ra Bắc rồi từ Bắc vào Nam, lúc nào cũng như lúc nào nhạc của Phan Huỳnh Điểu cũng bàng bạc tình yêu. Tình yêu ngự trị những nốt nhạc. Nhạc và lời quyện vào nhau, người thanh niên ấy đã yêu thơ rất sớm, yêu thơ từ lúc còn tấm bé, cho nên những bài hát của Phan Huỳnh Điểu thường là những bài thơ phổ nhạc. Những nốt nhạc làm cho lời thơ được thăng hoa (l).

Chiến tranh bao giờ cũng khủng khiếp và hậu quả của nó xáo trộn mọi sinh hoạt xã hội. Thế nhưng trong nhạc của Phan Huỳnh Điểu ta chẳng thấy những nét rùng rợn của tang tóc, như “ Tôi có người yêu chết vội vàng mình không manh áo”, hoặc vừa đi vừa “hát trên những xác người”. Xin thưa, đây không phải là một chỉ trích vì tôi rất yêu nhạc Trịnh Công Sơn, tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến sắc thái của một tâm hồn, đến chọn lựa của một con người đã lấy tình yêu làm kim chỉ nam, và nhờ thế, mọi nơi mọi lúc tình yêu đã ngự trị tất cả. Tình yêu át cả tiếng “ đại bác đêm đêm”, tình yêu che mất tiếng “trực thăng mang màu tang chế”. Tôi cũng không thấy trong nhạc của Phan Huỳnh Điểu những phản trắc lọc lừa vì với Phan Huỳnh Điểu tình yêu còn là Tin yêu, là lạc quan nữa. Dù vật đổi sao dời thì cũng có thể Nối lại đường tơ xưa đã dứt.

Cũng trong mục đích cho tình yêu được lên ngôi nhạc sĩ đã khéo chọn những bài thơ đặc sắc như bài Sợi nhớ sợi thương của Thúy Bắc. Hình ảnh của một thiếu phụ muốn che chở và gánh vác mưa nắng cho chồng – đặc điểm của các bà vợ và mẹ Việt Nam qua truyền thống dân tộc –:

Trường sơn đông, Trường sơn tây
Bên nắng cháy, bên mưa quay
Em
dang tay, em xoè tay
Mà chẳng thể nào che anh được

hoặc tình yêu của một sơn nữ, của một bà mẹ miền núi qua bài Bóng cây Kơ nia của Ngọc Anh:

Bóng ngả che ngực em, về nhớ anh không ngủ
...
Bóng tròn che hông mẹ, về nhớ anh mẹ khóc
Con giun sống nhờ đất
Chim phí sống nhớ rừng
Em và mẹ nhớ anh

Hình ảnh hai mẹ con xoắn lấy nhau để chỉ tưởng nhớ đến một người, nghe nó da diết làm sao! Từ yêu người đến yêu quê hương, lúc nào tình yêu cũng mang một nồng độ mạnh mẽ. Bài Quảng Nam yêu thương bắt đầu bằng những câu ca dao nghe như tiếng mẹ ru văng vẳng đâu đây làm mát cả một vùng trời thơ ấu:

Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đã say

Rồi thì

Đất Quảng Nam chưa đi đã nhớ
Em nói ngọt ngào vừa gặp gỡ đã yêu

Có người Quảng Nam nào mà tim không đổi nhịp khi nghe nhắc đến những mùi hương tươi mát, những miếng ngon giản dị, những địa danh quen quen:

Quế Trà Mi thơm hương rừng man mác
Mía Điện Bàn thơm ngát mùi đường non
Làn sóng
xô long lanh nước Thu Bồn
Dâu bắp lên xanh rờn
Duy Xuyên tiếng thoi dệt lụa
Nhớ chiều Hoà Vang, nhìn lên Hải Vân, Sơn Trà...

Có một đặc điểm khác trong âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu tưởng cũng cần nhắc đến. Sinh ra và lớn lên bên bờ Đại dương nên nhạc của Phan Huỳnh Điểu hoàn toàn bị chi phối bởi biển cả, bởi gió lộng, bởi mây ngàn đuổi bắt những cánh chim vượt trùng dương.

Em có thể là chim, là mây, là gió, là nắng và cũng là mưa
Nếu anh là bầu trời lồng lộng...

hoặc

Mùa thu ra biển cả theo dòng nước mênh mông
Mùa thu vào hoa cúc chỉ còn anh và em và mùa thu cũ

hoặc

Có phải tình yêu là trái tim đập vội
Cho thời
gian thêm đôi cánh bay mau
Có phải tình yêu có khi chưa dám nói
Mà lòng như sóng vỗ rạt rào

Và rồi

Em là bến bờ nằm nghe biển hát
Anh là sóng biếc ngày đêm đi khắp Đại dương
Biển rộng, sông dài như anh với em như thuyền với sóng

Và để kết thúc, bài Chiều Paris mà Phan Huỳnh Điểu đã sáng tác ngay tại nhà tôi ngày 20.11.91, chứng tỏ là trong con người của Phan Huỳnh Điểu sáng tạo và tình yêu không hề cằn cỗi và vẫn giữ được vẻ tươi mát. Đi bên dòng sông Seine mà vẫn thiết tha tưởng nhớ đến quê nhà (mới xa nhà có bốn tuần):

Bầu trời bao la làm xao xuyến tim ta
Từng cánh chim bay cành tre lá lung lay
...
Niềm thương nhớ em ơi, Hoàng lan bên đó có còn tỏa mùi hương?. ..

Tôi đã hỏi nhiều người, anh chị có biết nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu không? Họ lắc đầu trả lời không biết. Thế nhưng khi tôi hỏi anh chị có biết bài Trầu cau, bài Có một đàn chim, bài Đoàn giải phóng quân không, họ “à” lên một tiếng khoái trá. Cũng như ở Pháp mấy ai mà không biết bài Bicyclette, bài Un homme et une femme, Chabadabada? nhưng đã mấy ai biết đến tác giả của chúng!? Đó là một đặc ân của các nghệ sĩ tầm cỡ đã nhận được nơi quần chúng. Quần chúng biết đến các tác phẩm của họ mà mù tịt về tác giả.

Qua bao thăng trầm, dưới một chế độ kiểm duyệt khắt khe, nhạc của Phan Huỳnh Điểu vẫn sống và sống mạnh. Có được sự tồn tại đó là nhờ bản chất nghệ sĩ thuần tuý, sự xa lánh quyền lực và tình yêu giản dị, cả ba yếu tố đó đã giúp cho nhạc sĩ giữ được cái chân chính của nghệ thuật, giữ cho nghệ thuật chân chính khỏi pha lộn với quyền lực.

Chiều nay Paris thật sự vào thu, trời thấp, lạnh và buồn. Có những bầy chim bỏ xứ ra đi, thì con chim vàng đã tung cánh chim tìm về tổ ấm. Phan Huỳnh Điểu đã rời Paris để trở lại quê hương. Ai dám bảo quê hương mình chỉ còn rặt những quạ và diều hâu?

Paris ngày 14.12.91

 

(1) Chỉ có các bài Sợi nhớ sợi thương Bóng cây Kơ nia là lời không phải của P.H.Đ.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss