Chuyện Khỉ : Khỉ và Ta
Chuyện
Khỉ : Khỉ và
Ta
Nguyên Thắng
Kỉ niệm 10 năm ngày mất Bùi Mộng Hùng lại trùng hợp với kỉ niệm lần thứ 200 năm sinh Charles Darwin, cũng là kỉ niềm lần thứ 150 năm xuất bản tác phẩm Nguồn gốc các chủng loại. Tôi viết vậy, tất nhiên không có ý so sánh, mà chỉ để bạn đọc hiểu tại sao, từ mấy tháng nay, chúng tôi thường nói với nhau : "Giá anh Hùng còn sống, thì đã có bài về Darwin". Đúng như thế, một hay một loạt bài, về cuộc cách mạng mà Darwin đã thực hiện trong khoa học, về giá trị ngày nay của thuyết tiến hoá, cũng như về những cuộc phản công mà nó là đối tượng, nhất là thuyết "Thiết kế Thông tuệ" (Intelligent Design) đang được những thế lực phản động nhất trong Công giáo, những giáo phái Tin Lành và Hồi giáo liên minh cổ vũ. Nhưng có lẽ độc đáo và bổ ích hơn cả, Bùi Mộng Hùng sẽ cho chúng ta ngược dòng thời gian, lên tới đầu thế kỉ XX, để nghe Ngô Đức Kế thuyết trình tại Đông Kinh nghĩa thục về cái lẽ "vật cạnh thiên trạch" (sự cạnh tranh giữa các sinh vật và sự chọn lọc tự nhiên) của "nhà bác vật Đạt Nhĩ Văn", và theo dõi cuộc truân chuyên của thuyết tiến hoá và những ngộ nhận về nó ở Việt Nam từ một thế kỉ nay...
Thay vì bài viết ấy, chúng tôi xin mời độc giả đọc lại bài viết của Bùi Mộng Hùng nhân dịp tết Nhâm Thân 1992. Thể loại cũ gần bằng trái đất, chính xác hơn, cũ như những "số tết", đặc sản của báo chí Việt Nam : năm Thân nói chuyện Khỉ. Nhưng với Nguyên Thắng (một bút hiệu của Bùi Mộng Hùng), chúng ta sẽ không chỉ xem xét hình ảnh loài khỉ từ "đất tổ Hùng Vương" đến mênh mông Đồng Tháp Mười, mà còn thấy rõ con khỉ ở Việt Nam khác ở Trung Hoa và Ấn Độ như thế nào. Để, cùng tác giả, đặt câu hỏi : sự khác biệt ấy, có đáng tự hào hay cũng nên tiếc ?
Bài "Khỉ và Ta" này chỉ là một trong khoảng 100 bài viết của Bùi Mộng Hùng, mà bạn đọc có thể tìm thấy trên mạng Diễn Đàn khi điền vào cửa sổ "tìm kiếm" màu trắng ở góc phải, phía trên mấy chữ (kể cả dấu "...") : "bùi mộng hùng".
N. N. G.
Xuân từ trong ấy mới ban ra... Mỗi năm, đến đầu xuân thiên tử thay trời ban lịch, ban thời tiết để thiên hạ cày cấy làm ăn sinh sống cho hợp thời đúng tiết. Chuyện tối ư hệ trọng, tượng trưng và thực tiễn. Ta đã quen dùng lịch Trung Quốc, tự ngàn xưa đã tinh vi và cũng thật phù hợp với đời sống nông nghiệp từ khi còn nội thuộc nước Tàu. Ðến khi giành được quyền tự chủ là ta có lịch của ta từ đời Lý thế kỷ thứ 11, để khẳng định chủ quyền dưới trời Nam, nhưng tính toán lịch thì vẫn theo hệ thống Trung quốc. Cùng đi với lịch là cách tượng trưng cho chu kỳ mười hai năm bằng mười hai con vật, chuột năm tý, trâu năm sửu... và khỉ năm thân.
Thế là con khỉ theo lịch chui tọt vào văn hóa của ta ở vị trí trang trọng, một trong mười hai tinh con giáp, có lẽ chỗ đứng cao sang nhất mà ta khứng dành cho họ hàng nhà hầu. Cứ nhìn lại mà coi, đối với anh em dây mơ rễ má nhà đó, một khi đã là khỉ, là khọt, là khẹc, là tuờu, là dộc, là bú dù, là đười ươi..., dù cho có lên lão làng thành khỉ già, dù có kiệt hiệt như anh khỉ độc (khỉ đột), và dù cho là chẳng có trách nhiệm của một ai trong họ ấy đi nữa, chỉ vì rủi ro khí gió biến âm ra khỉ gió, thì ta đã có sẵn ngay cái nhìn của ta, thật khác người.
Khác với thế giới văn hóa phương Bắc. Khỉ Trung Hoa liến láu, ranh mãnh, ngồi không yên chỗ, khôn ngoan không ai bì. Tinh anh loài hầu đúc kết lại, trời cũng phải chịu thua. Truyền thống Trung quốc từ người lớn đến trẻ con không ai là không thích thú con khỉ Tôn Ngộ Không, hứng lên tung mình nhảy vọt đến vườn đào Tây vương mẫu lẻn vào bẻ trụi đào tiên mà chư tiên đành bó tay vô phương chống đỡ, lúc nổi giận trợn mắt dộc đại náo thiên cung, một thân một mình thiên biến vạn hóa, binh tướng nhà trời không sao trị nổi, Ngọc hoàng thượng đế hết kế, chỉ còn cách làm lành phong chức tước, nuốt giận làm ngơ cái danh hiệu xấc xược Tề thiên đại thánh ! Con khỉ Tôn Ngộ Không đi vào truyện dân gian, vào tiểu thuyết chương hồi, vào tuồng tích, trên sân khấu Tôn Ngộ Không là vai mà người đóng phải là tay nghề lão luyện và khán giả xem đời này qua đời kia không biết chán.
Ta xưa nay vẫn mê truyện tàu, nhưng dường như khỉ họ Tôn này không lậm được thật sâu thật đậm vào tưởng tượng dân gian, chỉ một hai chục năm bị vắng bóng là đã phôi pha trong trí nhớ tập thể... cho đến khi Tây Du theo làn sóng băng video Hồng Kông tràn ngập thị trường băng ảnh, cả xã hội trố mắt xem như một phát hiện mới, Tôn Ngộ Không đại náo màn ảnh nhỏ nước ta suốt mấy tháng vừa qua. Có điều, khi lắng đọng rồi, Tề thiên, thánh tướng ở đâu đâu, chớ xét theo tiền lệ, căn cứ vào cách ta đã đối xử với truyền thuyết khỉ anh hùng của một nền văn hóa lớn đẹp khác, sát phương Nam và Ðông nam của ta, thì khỉ rồi sẽ lại hoàn khỉ, không dễ gì được tiềm thức, được tưởng tượng tập thể người Việt ta thu nhận lấy làm của mình.
Suốt một giải từ Ấn Độ qua Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Cam Pu Chia, Mã Lai đến Nam Dương... dân tộc nào cũng mê say Ramayana, chuyện ông hoàng Rama và vợ yêu, công chúa Xita. Quỷ vương Ravana bắt cóc nàng Xita xinh đẹp, trong trắng, bay về vương quốc Lanka của hắn... Bản anh hùng ca về cuộc đấu tranh nghiêng ngửa giữa Thiện và Ác dài 24.000 câu thơ này đã dành trọn quyển thứ V, quyển Saundarakanda để kể kỳ công anh hùng khỉ Hanuman nhảy vọt qua đại dương, biến hình dọ thám Lanka phát hiện ra nàng Xita mỏi mòn rơi lệ trong ngục, mở đường cho hầu vương Xugriva đem quân khỉ giúp Rama chiến thắng Ravana, cứu Xita. Trong câu chuyện dân gian kể với nhau, trong truyện mỗi nơi viết lại bằng thổ ngữ, trong tuồng tích, trong vũ nhạc, không bao giờ vai trò họ hàng nhà khỉ bị bỏ quên. Và vũ cảnh đoàn quân hầu tụ tập, tiếng hú, tiếng hộc loài hầu hô ứng với nhau tạo nên nhạc điệu man dã cấp bách và oai hùng sáng tác ở Bali vào khoảng những năm 30, ngày nay dân làng vẫn tiếp tục trình diễn, người bất cứ xứ nào xem cũng thích thú và tán thán.
Cho đến một chuyện tiền thân đức Phật trong Lục độ tập kinh tương tự với Ramayana, không có vua quân nhà khỉ giúp thì bồ tát cũng không chiến thắng nổi kẻ ác...
Nhập vào đất nước ta, hóa thân của Ramayana là truyện Thạch Sanh. Nguồn gốc câu truyện đã được Hoa Bằng dày công khảo luận (1). Cốt truyện chắc ai cũng rõ. Chuyện đáng nói là ta mượn đủ điều, nhưng mượn gì thì mượn, chừa truyện...khỉ.
Một sự lãng quên có ý nghĩa.
Tích tịch tình tang, cây đàn thần cứu nguy cho Thạch Sanh là con vua Thủy tề tặng. Thế mới ưng bụng ta ! Rồng, ta trọng vọng tôn kính, thấp xuống một bực thì thuồng luồng ta nể ta sợ, cá tôm còn cho là tạm được đi, chứ khỉ... thì làm nên cái thá gì, ngoài việc làm trò khỉ ?
Cứ ngó mà xem, rõ khỉ ! Bộ mặt đã nhăn nhó như khỉ ăn mắm tôm, đít mình đỏ lòm chẳng thấy lại đi chê bai kẻ khác khỉ chê khỉ đỏ đít, thêm cái tội lắm lông, chó còn không chịu được, chó chê khỉ lắm lông, khỉ chê chó ăn dông ăn dài, lại đèo cái mùi đến anh chuột chù còn phải bịt mũi chuột chù chê khỉ rằng hôi, khỉ lại trả lời cả họ mày thơm ! Tính tình thì đú đởn bắt chước vặt, voi đú, khỉ cũng đú, chuột chù nhảy quanh, đã thế lại nông choẹt, cầm khỉ một ngày biết khỉ múa.
Có được cái tài khỉ leo cây, thì ra rừng mà thi thố. Theo huyền thoại của ta khỉ vốn là người, vì tham lam xấu bụng mà hóa thành khỉ, bị xóm làng đuổi đi.
Sự tích kể rằng xưa kia có một nhà trưởng giả đối đãi tồi tệ với người ở gái. Một hôm nhà có giỗ, người con gái ra giếng gánh nước, gặp một cụ già rách rưới xin ăn, vội về lấy phần cơm của mình đem ra cho. Ông cụ bảo rằng : " Ta là Bụt, con muốn gì, ta sẽ cho con được như ý nguyện". Cô gái chỉ ước sao được bớt xấu xí. Bụt dạy nàng lội xuống giếng hễ thấy hoa nào đẹp thì mút lấy. Cô gái vâng lời, thấy hoa trắng thì ưa, mút vào bỗng nhiên trở nên xinh đẹp như tiên. Quẩy nước về đến nhà, mọi người kinh ngạc xúm lại hỏi căn do, nghe cô gái kể lại sự tình, cả họ đổ xô ngay ra giếng.
Ông cụ vẫn còn ngồi đó, ai nấy rối rít đem xôi thịt mời ăn, xít xoa xin cụ làm phúc giúp cho. Bụt cũng bảo họ y như lời dặn cô gái. Xuống giếng, họ thấy hoa đỏ là đẹp, mút lấy mút để, ngờ đâu mặt mũi trở thành nhăn nheo, người quắt lại, lông lá ra đầy, đuôi mọc dài. Người làng thấy vậy hoảng hồn vớ đòn gánh đánh đuổi đi.
Khỉ chạy lên rừng ; tiếc của quá, đêm đêm lại kéo nhau mò về làng, túm tụm ngoài sân, leo lên cửa sổ, nhòm vào nhà, dẩu mỏ léo nhéo suốt đêm. Người làng sợ, bàn với nhau bôi mắm tôm vào song cửa, lại nung nóng thật nhiều lưỡi cày đặt rải rác trong sân. Khỉ kéo nhau về như thường lệ, leo lên cửa bị mắm tôm vấy đầy tay, quệt tay vào người, hôi quá, bỏ chạy ra sân ngồi bệt xuống. Vừa đặt đít phải lưỡi cày nóng bỏng chúng nhảy nhổm, kêu chí choé, ba chân bốn cẳng một mạch kéo nhau về rừng, cạch không dám vào làng phá phách nữa. Và vết bỏng cháy đỏ đít khỉ từ ấy đời đời không phai.
Huyền thuyết này, Nguyễn Ðổng Chi ghi theo lời kể của người Vĩnh Yên, Sơn Tây (2). Chính là vùng đất tổ Hùng vương ; truyện hẳn hình thành thời tổ tiên ta còn sinh sống ở đồi núi ven đồng bằng sông Hồng. Khỉ đồng loại với ta, nhưng xấu xa, ta không chấp nhận được, phải tống khứ cho thật xa, ra rừng ra rú, ra ngoài ta.
Từ ấy ta đã đi dần xuống đồng bằng sông Hồng. Mỗi ngày mỗi xa núi xa rừng, mà khỉ vẫn không ngớt gợi cho ta cảm giác ngài ngại, ai lại nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà !
Rồi ta đi tiếp, đi mãi, hướng về Nam. Miền Nam còn hoang dã, khỉ ho cò gáy. Và ta thấy họ hàng nhà khỉ xuất hiện trong ca dao như một hình ảnh trước mắt, gần gũi hàng ngày, đem ra ví von trong tiếng hò câu hát :
Vượn lìa cây có
ngày vượn rũ
Mẹ xa con rồi mặt ủ mày châu
Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu
Xin mở dấu ngoặc để nói là trong họ nhà hầu, vượn được phần nào biệt đãi, ca dao dùng vượn gợi hình ảnh hoang dại xa xôi chim kêu vượn hú thơ mộng hơn khỉ ho cò gáy. Và cũng chỉ có vượn được xuất hiện một lần trong truyện Kiều, khi Kiều gảy đàn cho Hồ Tôn Hiến :
Một cung gió thảm
mưa sầu,
Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay
Ve ngâm vượn hót nào tầy
Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu.
Nhưng ở đây, không thể trừ loại ảnh hưởng văn thơ Trung Quốc mà hình ảnh vượn thường xuất hiện đặc sắc trong nhiều bài thơ bất hủ, đơn cử bài Tảo phát Bạch Ðế thành (Sớm ra đi từ thành Bạch Ðế) của Lý Bạch :
Triêu
từ Bạch Ðế thái vân gian
Thiên lý Giang Lăng nhất nhật hoàn
Lưỡng ngạn viên thanh đề bất tận,
Khinh chu dĩ quá vạn trùng san
(Sớm
từ Bạch Ðế rực ngàn mây
Muôn dặm Giang Lăng, tới một ngày
Vượn hót ven sông nghe chẳng dứt
Thuyền qua muôn núi nhẹ như bay)
(Tương Như dịch, Trần Xuân Ðề chữa lại câu 3 đổi rỉ rả thành chẳng dứt)
Trở về lại dân ca miền Nam, ta thấy xuất hiện tên gọi đích danh những giống khỉ khác nhau trong đoạn tả cảnh Tà Lơng của Vè xa xứ , một thư gởi mẹ (thư rơi là một dạng văn bình dân miền Nam) :
Nhìn
trước mặt voi đông lố nhố
Hướng đông bắc công kêu tố hộ
Cõi tây nam gà rừng gáy ó ò o
Ngó trên cây thấy khỉ đột mặt đen mò
Nhìn dưới đất thấy lọ nồi nhăn răng trắng xác
Ðã đến Tà Lơng thì ít ra cũng được khoác lác một chút cho thỏa cái thú không riêng gì của người miền Nam. Tuy nhiên ba hoa cho vui ở vùng Sông Bé thành dạng Vè thi tài nói dóc nam nữ đối đáp với nhau, có một chàng kể thánh kể tướng rằng:
Trái
cau mới lạ trên đời
Cái vú của nó mười người ngồi bơi
Lên rừng kết bạn với đười ươi
Níu bàn tay nó, tui cười (nó) chết queo
(Văn học dân gian, Sông Bé 1988, Lư Nhất Vũ và cộng tác sưu tầm)
Khai khẩn miền Nam ta lại có dịp gần gũi với khỉ, nhận dạng từng giống lọ nồi, khỉ đột, đười ươi..., lời đại ngôn dùng hình ảnh họ hàng khỉ để gợi cảm xúc rừng rú rú ghê sợ.
Phải về đến vùng đất mới nhất, còn hoang dã khi Cần Thơ đã phồn hoa văn vật,
Xứ
Cần Thơ nam thanh nữ tú
Xứ Rạch Giá vượn hú chim kêu
chủ yếu khai phá vào thế kỷ thứ 19, đầu thế kỷ 20, mới thấy góc độ nhìn khỉ khác đôi chút trong bài hát đồng giao Cho cho trả trả :
Chơi
với nơm là nơm cho cá
Chơi với ná là ná cho chim
Chơi với kim là kim cho chỉ
Chơi với khỉthì khỉ cho bần,
Trả trái bần cho khỉ
Trả chỉ cho kim
Trả chim cho ná
Trả cá cho nơm
Trong bài hát, khỉ là một trong chuỗi những vật thông thường, không gây phản ứng thương hay ghét, một vật vô thưởng vô phạt. Nhưng mà đấy là bài hát của con trẻ chất phác vô tư đặt ra.
Ở Ðồng Tháp Mười hoang sơ, truyện dân gian biến khỉ khô, vốn cũng như khỉ mốc là từ dùng để " nói không có sự chi, không nên sự chi " (3), thành ra vật quí giá. Truyện kể rằng thằng Tâm, con Sáu Lái một hôm đi sâu vào rừng tràm theo bắn con chim tiu líu, bắt gặp xác khỉ khô chết cứng trên cây giá, lông trắng như tuyết, chẳng những không có mùi lại phảng phất thơm lạ lùng... Giá trị xác khỉ chết rũ này được ông thầy thuốc người Hoa giảng giải đó là xác bạch lão hầu sống trên 500 năm ở Ngũ Ðài Sơn, khi rũ thì tìm cho được cây có trầm, xác nó rút hết trầm vào mình, vì thế khỉ khô này quí giá vô song, là thuốc cứu bệnh nan y, thuốc trường sinh bất lão...(4)
Phải là con người đất Ðồng Tháp chua phèn, cấy lúa không đủ ăn, những lúc quá ngặt đẩy xuồng đi cắt bàng kiếm chác đắp đổi qua ngày phải chịu " muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lền như bánh canh ", ngủ " mùng gió " (ngủ mà còn chống xuồng cho muỗi không bu theo kịp), " mùng nước " (nằm ngâm mình dưới nước cho muỗi khỏi cắn), ở " nhà đá " (túp lều lúc bỏ đi lấy chân đá một cái là dọn xong), không có một xu con dính túi, mùa nước nổi minh mông buộc phải nằm khoèo trong xó nhà, mới thả hồn ra ngoài muôn trùng bay đến Ngũ Ðài Sơn, cho con bạch lão hầu huyền bí lạc tới tận rừng tràm của mình để mình làm giàu lớn, tậu ruộng, tạo nhà ngói cây mít ! Khỉ khô Ðồng Tháp là con khỉ đẹp nhất trong không gian tưởng tượng của ta, đẹp như ước mơ không bao giờ vói tới.
Nhưng mà xét cho cùng quí là cái xác ngấm trầm, chớ còn phần khỉ, dù là bạch lão hầu 500 năm hấp thụ tinh khí của trời đất, thì phải cho nó chết đi... Suốt bao thế hệ ra đi, từ đồi núi Vĩnh Yên đến mũi Cà Mau, cái nhìn căn bản của ta về khỉ có gì thay đổi ? Từ cổ chí kim, từ Bắc vào Nam đã là khỉ thì ta xem chẳng ra khỉ khô khỉ mốc gì !
Khỉ với người như bầu với bí, là họ hàng gần, khỉ là tấm gương con người nhận diện ra chính mình, một tấm gương phóng đại những gì con người đắp đậy, giấu giếm, đè nén trong thầm kín của mình. Tiềm thức tập thể dân tộc nào cũng ít nhiều đồng hóa " khỉ " với cái phần man dại trong người.
Ðiểm đáng nói là cả hai văn hóa Trung Quốc, Ấn Ðộ đều chấp nhận cái " khỉ " trong mình, nhìn nhận đó là thành phần lanh lợi, sáng tạo, không thể thiếu trong cuộc tranh chấp liên tục nghiêng ngả giữa Thiện và Ác. Rama tài ba anh hùng, Tam Tạng là bậc chơn tu, nhưng không có trí minh mẫn có tài tháo vát của khỉ Hanuman, Tôn Hành Giả giúp vào thì chỉ có bó tay mà chịu thua yêu tinh, quỷ dữ. Hành trình đi tới Chân, Thiện, Mỹ, tới trí tuệ, giác ngộ là một cuộc đồng hành, với mọi thành phần không loại trừ một phần nào, Tam Tạng từ bi bác ái, Tôn Hành Giả con khỉ tinh khôn xảo quyệt, Trư Bát Giới con heo đam mê..., một bị sót lại là thất bại chung cho mọi người.
Ta có khác, dứt khoát ruồng bỏ tống khứ những cái trong ta, trong xã hội bị ta mệnh danh là khỉ, là tườu, là bú dù, là đười ươi...
Tại sao ? Có nên chăng ?
Paris 1. 92
Nguyên Thắng
(1) Hoa Bằng, Khảo Luận Về Truyện Thạch Sanh, Nhà xuất bản Văn Sử Ðịa, Hà Nội 1957.
(2) Nguyễn Ðổng Chi, Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam, Tập I, in lần thứ 4, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội 1972.
(3) Huình Tịnhh Paulus Của, Ðại Nam quấc âm tự vị, 1895.
(4) Nguyễn Hữu Hiếu, Con Khỉ Khô Ở Ðồng Tháp trong Truyện Kể Dân Gian Nam Bộ, Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1987, tr. 311-317.
Các thao tác trên Tài liệu