Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 5 - 02.1992 / Một Quốc hội đổi mới: một mong ước của cử tri

Một Quốc hội đổi mới: một mong ước của cử tri

- Huy Đức — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:35

 
Một Quốc hội đổi mới:
một mong ước của cử tri

 

Huy Đức

 

Cùng với việc công bố dự thảo sửa đổi Hiến pháp để lấy ý kiến của dân, Đảng cộng sản Việt Nam đã đưa ra chỉ thị “ lãnh đạo chặt chẽ các phương tiện thông tin đại chúng trong quá trình lấy ý kiến”. Chính quyền phải chăng ngại những góp ý “trật đường rầy” trên mặt báo?

Trường hợp đã xảy ra vừa qua ở Thành phố Hồ Chí Minh khi báo Tuổi Trẻ cho đăng một bài của phóng viên Huy Đức tổng hợp một số ý kiến về Quốc hội. Bị xem là “ bôi nhọ chế độ”, bài báo này đã được đưa vào hồ sơ “tội trạng” của báo Tuổi Trẻ mà chính quyền đang tiến hành xét xử.

Để rộng đường dư luận, Diễn Đàn đăng lại dưới đây bài báo này của Huy Đức nói về thực trạng của Quốc hội Việt Nam. Từ hai năm trở lại đây, dư luận đã ghi nhận một vài bước tiến trong hoạt động của Quốc hội ở mỗi kỳ họp: trong thảo luận bắt đầu có ý kiến khác nhau, trong biểu quyết đã có trường hợp kết quả khác với dự kiến và quan trọng hơn hết là hoạt động của Quốc hội được công khai hoá một phần trên báo chí. Song khoảng cách còn rất dài để đi đến một Quốc hội là “ cơ quan quyền lực cao nhất” như Hiến pháp quy định. Bài báo của Huy Đức cho thấy khoảng cách đó đồng thời nói lên điều mong ước của cử tri.

Quốc Hội “Nghiệp Dư”

Báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: nguồn gốc của hầu hết các nhược điểm của Quốc hội nằm trong quan niệm cho rằng Quốc hội chỉ là một công cụ để hợp thức hoá những quyết định của Đảng. Quan niệm này đã làm cho các hoạt động của Quốc hội không còn thực chất mà chỉ là hình thức. Từ đó hình thành một Quốc hội có tính “nghiệp dư”.

Giống như trong các khoá trước, hầu hết các đại biểu Quốc hội khoá 8 đều kiêm nhiệm, không có ai chuyên trách. Việc chọn người để đưa ra ứng cử vào Quốc hội chủ yếu căn cứ trên cơ cấu thành phần chứ không phải trên năng lực. Hạn chế này bắt đầu từ điều 2 của Luật bầu cử Quốc hội năm 1980 qui định công dân trên 21 tuổi không phân biệt trình độ văn hoá có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội.

Cơ cấu thành phần được hiểu một cách đơn giản: để đại diện cho giai cấp công nhân, Quốc hội đã cơ cấu nhiều đại biểu là thợ tiện, thợ rèn, đại diện cho giai cấp nông dân là những trưởng ban kiểm soát, những chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, đội trưởng đội sản xuất, v.v... Trong tổng số 496 đại biểu Quốc hội khoá 8, có 91 đại biểu là công nhân, 105 đại biểu là nông dân tập thể, 19 đại biểu ngành tiểu thủ công nghiệp, 49 đại biểu là quân nhân, 100 đại biểu là cán bộ chính trị, 123 đại biểu là trí thức và 9 đại biểu là nhân sĩ và đại biểu các tôn giáo. Không ít đại biểu trong cơ cấu này thạo việc cấy hái hơn là làm luật và quyết định những vấn đề quốc kế dân sinh. Ngay cả việc phản ánh những nguyện vọng của giai cấp mà họ đại diện cũng không phải là đã được đầy đủ. Trong khi yêu cầu của một đại biểu Quốc hội là phải có một trình độ văn hoá cao, một khả năng xét đoán dựa trên những tri thức vững vàng và một điều cần thiết là có kinh nghiệm hoạt động nghị trường thì mới có thể đại biểu cho cử tri một cách hiệu quả nhất.

Tính nghiệp dư được thể hiện rõ nhất là ở chỗ các đại biểu Quốc hội đều kiêm nhiệm. Tại Quốc hội, người chất vấn lại cũng có thể là người bị chất vấn, một đại biểu vừa đại diện các cơ quan lập pháp (đại biểu Quốc hội), vừa đại diện cho cơ quan hành pháp (thành viên Hội đồng bộ trưởng) và có khi còn đại diện cho cả cơ quan tư pháp. Các uỷ ban của Quốc hội bao gồm phần lớn các thành viên cấp thấp của Hội đồng bộ trưởng làm sao lại có thể giám sát, kiểm tra và phủ quyết những vấn đề do thủ trưởng trực tiếp của mình là Hội đồng bộ trưởng đưa ra? Phát biểu trong một buổi họp tổ, đại biểu Huỳnh Ngọc Điền cho biết rằng có lần ông phản ánh trước Quốc hội về một nguyện vọng của cử tri nhưng vì vấn đề đó chưa được nhất trí trong nội bộ Đảng, ý kiến của ông liền được báo về cho cấp bộ Đảng nơi ông sinh hoạt và ông đã bị phê bình.

Thực tế thì không phải ai cũng mạnh dạn nói trong khi Quốc hội có tới trên 90% là đảng viên.

5 năm nhìn lại

Quốc hội khoá 8 đã thông qua 14 luật và sửa đổi bổ sung 10 luật cũ. So với khoá 7 (chỉ thông qua 10 luật) và khoá 6 (không thông qua luật nào ngoài bản hiến pháp năm 1980) thì công tác lập pháp có tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên trong 14 luật mới này chỉ có một số ít phát huy tác dụng tốt. Một số khác hầu như không có tác dụng. Trong khi đó, tình hình kinh tế xã hội đòi hỏi cấp bách rất nhiều luật quan trọng như: luật dân sự, luật lao động, luật hành chánh... thì Quốc hội không đáp ứng được những yêu cầu đó.

Điều này một mặt là do trình độ năng lực bị hạn chế của các đại biểu (số đại biểu Quốc hội là luật gia chưa đủ đếm trên đầu ngón tay), mặt khác là do Quốc hội nghiệp dư nên thời gian dành cho nghị trường quá ít. Quốc hội khoá 8 đã tăng thời gian họp lên gấp rưỡi, nhưng mỗi kỳ họp cũng không quá 15 ngày. Ở các nước như Pháp, Phần Lan, thời gian kỳ họp đầu năm được ấn định là 80 ngày, cuối năm 90 ngày chưa kể các phiên bất thường. Nhưng lý do chủ yếu vẫn là do Hội đồng bộ trưởng còn chiếm độc quyền về sáng kiến luật, mặc dù hiến pháp giao quyền này cho cả các uỷ ban thường trực của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Trong nhiệm kỳ 8, đại biểu Phan Khắc Từ đã trình một sáng kiến về luật tôn giáo, đại biểu Huỳnh Ngọc Điền và nhóm các đại biểu phía Nam đã trình sáng kiến luật thuế sử dụng đất và hoa lợi trên đất, và uỷ ban văn hóa-giáo dục Quốc hội đưa ra sáng kiến về luật xuất bản cũng không được chấp nhận. Tất cả các dự án luật đưa ra trình Quốc hội đều do Hội đồng bộ trưởng chuẩn bị.

Khi đưa ra Quốc hội thảo luận về các vấn đề lớn như kế hoạch, ngân sách, thường nghe các đại biểu mở đầu phát biểu của mình bằng câu: “ Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với báo cáo của Hội đồng bộ trưởng” và sau khi đưa ra một vài ý kiến nho nhỏ, họ thường biểu quyết thông qua và thực chất người quyết định vẫn là Hội đồng bộ trưởng chứ không phải Quốc hội. Nguyên nhân chính là do những vấn đề quốc gia đại sự này khi đưa ra Quốc hội, Hội đồng bộ trưởng thường chỉ báo cáo chung chung, tóm gọn trong hai, ba trang. Các đại biểu Quốc hội không thể hỏi gì thêm, không có tài liệu, thông tin để thẩm định và thời gian thì không thể vượt quá chương trình nên cách tốt nhất vẫn là bản nhất trí.

Quốc hội đã làm việc bằng cái gì

Đại biểu Nguyễn Răng phát biểu rằng ở thành phố Hồ Chí Minh, “bao thơ” cho một ngày họp ít cũng đã tới 15.000, trong khi “lương” của một đại biểu Quốc hội cũng chỉ 15.000 một tháng. Khi thấy đại biểu Quốc hội đến tiếp xúc với cử tri bằng xe hơi thì biết ngay đó là một vị bộ trưởng, chủ tịch, hay một vị giám đốc; đại biểu Quốc hội đi xe đạp thì thường là đại biểu Quốc hội hưu trí, đại biểu Quốc hội là công nhân, là giáo viên... Quốc hội không bảo đảm được cho đại biểu những phương tiện cần thiết để hoạt động. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước nhưng không có ngân sách, không có thư viện, không có phòng tư liệu, không có báo chí trong và ngoài nước... Trụ sở của Văn phòng Quốc hội và Hội đồng nhà nước không bằng trụ sở của một uỷ ban nhân dân huyện, không có chỗ làm việc cho những vị lãnh đạo Quốc hội. Các hội đồng, uỷ ban gọi là thường trực Quốc hội nhưng không có ai trực.

Nhưng thiếu thốn nhất đối với các đại biểu là thiếu thông tin. Các đại biểu không được cấp một tờ báo nào ngoài tờ nguyệt san Người đại biểu nhân dân của Quốc hội. Ngay cả Công báo thì sáu tháng một lần ra Hà Nội họp mới được Văn phòng cấp cho một bó. Tất cả mọi thông tin đều phải tự tìm kiếm lấy thông qua báo chí (tự mua). Đại biểu Nguyễn Thanh Lâm nói rằng không có thông tin thì khi biểu quyết về một vấn đề chỉ là theo cảm tính, không thể coi là chính xác, khoa học và không thể có dân chủ được. Theo tư liệu của Văn phòng Quốc hội thì hầu hết các nước trên thế giới, mỗi đại biểu Quốc hội đều được cấp (hoặc cấp tiền) để thuê một phòng làm việc, một ôtô, một đến hai thư ký và một đến hai cộng tác viên.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá 8, đa số ý kiến đều nhận thấy giải pháp đúng đắn nhất là thành lập một Quốc hội chuyên nghiệp, với những đại biểu có những điều kiện cần thiết để làm tròn nhiệm vụ của mình. Trong một Nhà nước tiến bộ thì vấn đề quyền lực của Quốc hội không chỉ được định ra chung chung trên văn bản mà phải có một cơ chế để quyền lực đó được thực hiện. Cơ quan đại biểu cao nhất của dân mà không có thực quyền thì chưa thể nói tới chuyện thực thi dân chủ. Để các đại biểu Quốc hội làm tròn trọng trách người đại biểu cho dân, đại biểu cho ý chí và quyền lực cao nhất của người dân như Hiến pháp quy định, thì đại biểu Quốc hội phải là những người có phẩm chất, có năng lực và được đãi ngộ xứng đáng để xem nhiệm vụ đại biểu Quốc hội của mình là nhiệm vụ chính. Và chỉ có thể có được những người như vậy thông qua sự tuyển chọn và bầu cử một cách dân chủ.

(Tuổi Trẻ, 5.12.92)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us