Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 5 - 02.1992 / Dân ca sông Bé; Dân ca miền Nam

Dân ca sông Bé; Dân ca miền Nam

- Nguyên Thắng — published 01/01/2010 00:05, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:31
Xin ai chớ vội hồ đồ như kẻ viết những hàng này, rồi bé cái lầm, xếp sách lại mình tự trách mình thiếu lòng tin vào tài hoa người Bình Dương đất cũ.

Đọc sách


Dân ca sông Bé; Dân ca miền Nam


Nguyên Thắng



Cầm quyển sách (1) dày, in đẹp lên tay mà lòng thấp thỏm. Chuỗi địa danh Bún, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, Chơn Thành, Bến Cát, Tân Uyên ... càng dài, kỷ niệm càng dồn dập tràn về bao nhiêu thì thêm bấy nhiêu thấp thỏm. Sông Bé nước mát, cảnh đẹp, mía ngọt, trái cây thơm... xin đồng ý ký cả hai tay. Nhưng còn dân ca, ra khỏi Bến Cát, khỏi Tân Uyên, cách Sài gòn vài chục cây số đấy thôi là rừng là trảng, đất rộng người thưa, người Xtiêng, người Mạ, người M'nông..., gì là của riêng Sông Bé ?

Xin ai chớ vội hồ đồ như kẻ viết những hàng này, rồi bé cái lầm, xếp sách lại mình tự trách mình thiếu lòng tin vào tài hoa người Bình Dương đất cũ. Tội càng đáng trách vì rằng khi xưa cũng đã được biết qua tài nói lớn lối khoe bắp Bình Ninh hai người rinh một người cạp ! đã đôi lần thấm lời mời mọc tế nhị mà quyến rũ như tiếng ru vọng từ khu vườn xanh mát giữa vùng đất gò cát trắng khô cằn :

Trời Gò Dầu cây cao bóng mát
Đường Bến Cát hột cát nhỏ dễ đi

Trang rồi lại trang, hết ngạc nhiên đến thích thú, nối tiếp nhau. Dù có gác một bên, không bàn tới khía cạnh âm nhạc, nội ca dao, văn học bình dân đã óng ánh riêng màu sắc địa phương.

Hãy khoan, để dành lại sau việc so sánh với vùng khác phong cách anh con trai đất gò mà quen sông nước, những sông Bé, sông Sài Gòn, sông Mã Đà, sông Đồng Nai, thấy người, lòng dằn không nổi vọt miệng hạ vần " ú " :

Nước Tân Ba chảy qua Vàm Cú
Thấy bộ em chèo cặp vú muốn hun...

và cô con gái chẳng chịu nhịn thua đốp chát ngay câu hò

Anh muốn hun vậy mà cũng khó
Anh trở về nhà ... bắt chó anh hun

Hãy bắt đầu lần mở trí nhớ tập thể ôn lại chi tiết đời sống hàng ngày cái thời chưa xa xưa chi lắm mà nay ta đã quên

Tay em bưng rổ kiếng bước lên xe kiếng chín từng
Đường về thăm phụ mẫu trước rừng, sau truông

Xe, trong câu hát huê tình Bến Cát này không phải là xe thổ mộ mà là loại xe ngựa thời trước có bốn bánh, cửa gắn kính, dành cho khách phong lưu có tiền tục gọi là " xe kiếng ", thường người Mã Lai cầm cương nên Pháp gọi là " voiture Malabar ". Và lóng nghe vè, những bài báo truyền miệng, ghi cảnh chợ Thủ hồi bốn mươi năm về trước :

Xuống tới đầu chợ
(Có cái) cột cao thấy sợ
Lại có gắn máy đồng hồ
Cửa day trở vô
Có bán đồ đủ món
Bán dù, bán nón
Bán áo, bán khăn
Mua bán lăng xăng
Mấy chàng khách trú
Ở trần để vú

(Vè Chợ Thủ)

tả công việc hàng ngày phu đập đá Đĩ An :

Sớm mơi vác búa chạy ra hầm
Liệng một cái ầm
Tay cầm cây sắt
Anh em ơi !
Chạy cho xa lơ xa lắc
Dòm ngoái lại mà thấy ngòi xì
Đâm đầu mà chạy bất kỳ góc gai
Con gái chí những con trai
Rủ nhau đập đã sớm mai tới chiều

(Vè đập đá)

tả một thủ công nghiệp cổ truyền Ở chợ Thủ :

Con gái chí những trai tơ
Đồng lòng móc đất lập lò xứ ta
Đờn ông chí những đờn bà
Người thời đập đất, người thời giã vôi
Trộn vào với giọt mồ hôi
Đồng tiền vô cửa mấy người siêng năng
Mấy chi đạp đất lăng xăng
Mấy chị vẽ chén thì ăn miếng trầu
Nghề làm lò chén nhức đầu

(Vè làm chén)

hay đọc lại thơ rơi gói ghém tâm sự người xa nhà thả trôi vào trí nhớ tập thể mong về đến cha mẹ vợ con, như thơ phu đồn điền cao su :

Ngày thứ ba cam nhông chạy đến
Gọi phu ra nó điểm từng người
Đổ lên tất cả xe hơi
Kẻ đi Quản Lợi, người thời Xa Cam
Cũng có kẻ Mi Sơ Lanh Dầu Tiếng
(... )
Vào trong sở việc làm bó buộc
Lại tức mình chẳng được tự do
Gạo thì ăn chẳng được no
Mồng ba, mồng bảy hai kỳ lãnh lương...

Dân ca các dân tộc ít người cũng không lép, lần đầu trong đời, người viết những hàng này được biết dân ca Xtiêng, đồng bào thiểu số xưa kia cư trú trên một địa bàn khá rộng lan tới Bến Nghé, Mỹ Tho, nay thu về vài xóm nhỏ ở Bình Long, Đồng Phú, Lộc Ninh. Bài báo hạn hẹp, không thể trích nhiều, xin hiến bạn đọc Cuộc tình chia tay.

Nghe cu gáy ngoài đồng
Tôi đếm, nàng cùng đếm
Tôi buồn, nàng đau đớn
Nhòng bay lên từng đàn
(Nhòng con bay theo mẹ)
Chim bay thành sức gió
Ánh trăng rằm xẻ đôi...

Thật thi vị hình ảnh trăng rằm xẻ đôi, lại được nhà thơ Lê Giang khéo chuyển lời chọn âm điệu hạp tình hạp ý. Lư Nhất Vũ, Lê Giang và các cộng tác viên, mặc dù là thời buổi mạnh cua cua máy mạnh cây cây đào, keo sơn gắn bó với nhau suốt mười năm sưu tầm và nghiên cứu, tập họp được một khối lượng tư liệu quí báu dân ca miền Nam (2).

Nói chung ngôn ngữ không mượt mà óng ả tế nhị như dân ca đồng bằng sông Hồng đã mấy ngàn năm trau chuốt. Nó mộc mạc, hồn nhiên, thừa hưởng cung cách, môtíp văn học dân gian miền Trung, nhưng phong cách con người hiển hiện trong câu hò tiếng hát.

Cũng đồng thời làm ruộng đất gò, người Bình Trị Thiên mượn vần để nhớ lời anh dặn dò :

Ra đi anh có dặn đò
Ruộng su (sâu) cấy ló (lúa), đất gò trồng khoai

còn anh chàng trai Sông Bé a thần phù thúc dục :

Ruộng gò anh cấy lúa Nàng co
Em thương anh thì thương đại đừng đê anh gò mất công

Lối tỏ tình cũng độc đáo :

Tay cầm bó mạ rẽ hai
Miệng hò tay cấy cẳng xà lai quèo nàng

Vậy mà ít ra còn đúng được thanh luật bằng trắc, chớ xuống tới Kiên Giang cũng thời vần " ú " mà ba hồn bảy vía bay đâu mất, mắt anh chàng thấy sao miệng buột ra làm vậy, cuối câu chuỗi thanh trắc nối đuôi nhau đột ngột người nghe giựt mình :

Chèo ghe ra ngã ba Vàm Cú
Thấy dạng em chèo... cặp vú núc ních

Khi yêu thì đùng đùng lửa cháy, con trai vỗ ngực :

Dao phay kề cổ máu đổ anh không màng
Chết anh chịu chết chớ buông nàng anh không buông

lời người con gái cũng xứng với yêng hùng :

Phụ mẫu đánh anh quặt quà quặt quạt
Đem anh treo tai nhánh bần
Rủi đứt dây mà rớt xuống
Em cũng lần theo anh

Cũng tình ý ấy, quyết tâm ấy, âm điệu lời lẽ người con gái miền Thuận Hóa dìu nhẹ âm thầm :

Rượu lưu ly chân quỳ tay rót
Cha mẹ đi rồi nhón gót theo anh
Thầy mẹ đánh em trăm roi vô một chỗ, máu đổ tràn lan
Em đây lẳng lặng lấy muối bóp tan
Theo nhau cho trọn đạo kẻo thế gian chê cười

Tính người miền Nam ưa châm chọc, hài hước chế nhạo, Thủ Dầu Một có vè chửa hoang, Kiên Giang có hò sợ vợ, vè cô vợ ăn hàng, vè gái hư :

Nấu cơm bữa thiếu bữa dư
Bữa sống bữa kh
ét bữa như cháo bồi
( …)
Áo quần phơi nắng phơi mưa
Đụng đâu liệng đó thúng hia bung vành
N ồi o chẳng biết lủng lành
Bắc lên nó chảy lạnh tanh bếp lò
Chổng mông thổi lửa pho pho
Đổ thừa ông Táo ổng ho om sòm...

Đùa người, cũng là cợt mình. Cái cười mình đã hàm trong ý nói chuyện cao sang không vói tới, nào đồng, nào bạc, nào vàng như bài lý ngựa ô,

Ngựa ô tôi sắm kiệu đồng, dây cương bằng bạc,
Lục lạc bằng vàng, tôi đưa nàng về dinh

có thật là ở đâu đâu chớ còn ở miền Nam người hát người nghe lòng hiểu cho lòng biết chỉ là ước mơ nói chơi cho vui. Ngoa ngoắt để nhạo chính mình nói thánh nói tướng khi thì cho lên tới mây xanh, khi khác lại dìm xuống tận đất đen, người Giồng Riềng lý ngựa ô rằng

Ngựa ô anh thắng bộ tơ, dây cương bằng lác,
Lục lạc bằng đất, hình dạng một tấc,
Chân đi lấc khấc, đưa nàng về TàKeo

Trong dân gian còn thịnh hành lối chơi chữ dí dỏm và chất phác, vè các loại cầu sưu tầm ở Tân Uyên, vè bốn mươi bảy chợ ở Thủ Dầu Một, vè các loại cá, vè các loài tôm, vè chim chóc, vè các loài kiến ở Hậu Giang, vè các loài rắn ở Kiên Giang... Nguồn cảm hứng này vẫn sinh động, thời sự đem từ lạ, ý một tới liền chụp ngay lấy ghép vào vè, có những tiếp thu mới tinh :

Quanh quẩn xó nhà
Cá Heo, cá Cóc
Công thần hưởng lộc
Là con cá Nhân
Hổng vô tập đoàn
Còn là cá Thể...

(vè các loại cá)

hoặc

Lại còn một mối
Xuất cảng nước ngoài
Thu về lai rai
Bộn bàng ngoại tệ
Đồ la đố la
Đố la, đô la...

(vè các loài rắn)

Con người mộc mạc mà chẳng thiếu tâm hồn nghệ sĩ, dân ca miền Nam tìm ra câu ra chữ diễn tả ý nhị tình yêu chớm nở, rụt rè :

Thò tay anh bứt ngọn ngò
Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ

nỗi buồn xa nhau da diết ;

Trời chuyển mưa ba bốn đám sụt sùi
Nhái bầu kêu, trống chùa đánh
Dạ em ngùi ngùi nhớ anh...

hay để ỡm ờ :

Cườm tay em trắng lại tròn
Chớ em cho ai gối nó mòn một bên

Ta không lạ là trước đây thịnh hành các loại hò, hò môi, hò huê tình, hò chèo ghe, hò cấy, hò đối đáp, hấp dẫn và lôi cuốn nhất là những cuộc hò thi mà tiếc thay nay không còn nữa. Có « hò nhân đạo » với người biết điều biết phải, nhưng cũng có " hò ngạnh trê ", " hò cá ngác " không nương tay đâm chọc kẻ khiêu khích gây hấn phải đau điếng, run en phát rét.

Khi đằng trai đã quá quắt hò lên câu:

Thằng nhỏ đương chơi chết đứng sững sờ
Tử đu táng địa mà chôn nhờ miếu xá của em

Thì đằng gái cũng chẳng nương tay đáp lễ :

Bạch hổ sơn lâm đất em có lỗ anh khỏi có đào
Chôn cha anh xuống mà đặng hào tử tôn

Dân ca, văn học dân gian gói ghém phong cách riêng của dân tộc diễn tả tình cảm của mình, ghi vào trí nhớ tập thể các sự kiện nhìn qua con mắt người dân đen. Một kho tư liệu chờ các nhà chuyên môn về nghệ thuật, văn học, xã hội học ... giúp cho ta biết rõ hơn về ta. Nhung với thường nhân thì những lượm hoa đồng cỏ nội thu hái về cũng chẳng hẹp hòi che dấu vẻ đẹp, không

Như đóa hoa thơm mà mọc giữa rừng
Thơm cay ai biết, ngát lừng ai hay ?


Nguyên Thắng




(1) Lư Nhất Vũ, Nguyễn Văn Hoa, Lê Giang, Từ Nguyên Thạch, Dân Ca Sông Bé, Nhà xuất bản tổng hợp Sông Bé, 1991, 612 trang.

(2) Lư Nhất Vũ, Lê Giang, Dân ca Bến Tre, Sở Văn hóa thông tin Bến Tre 1981.

Lư Nhất Vũ, Lê Giang, Tìm hiểu dân ca Nam Bộ, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh 1983.

Lư Nhất Vũ, Nguyễn Văn Hoa, Lê Giang, Thạch An, Minh Luân, Dân ca Cửu Long, Sở Văn hóa thông tin Cửu Long 1985.

Lư Nhất Vũ Nguyễn Văn Hoa, Lê Giang, Thạch An, Minh Luân, Dân ca Kiên Giang, SỞ Văn hóa thông tin Kiên Gìang, 1985.

Lư Nhất Vũ, Nguyễn Văn Hoa, Lê Giang, Thạch An , Minh Luân, Dân ca Hậu Giang, Sở Văn hóa thông tin Hậu Giang, 1986.

Lê Giang, Lê Anh Trung, Những bài hát ru, Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1991.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us