Đầu xuân đọc sách
Đầu xuân đọc sách
Hoa
xuyên tuyết
hồi ký của Thành
Tín
Văn Ngọc
Hoa
xuyên tuyết vươn lên từ những
tầng tuyết dày
trắng xoá là
hình ảnh của mầm sống bất diệt, của
khát vọng tự do,ấp ủ sâu
trong lòng đất băng giá...
(Thành Tín, Hoa Xuyên Tuyết, trang 331)
Mặc dầu có nhiều khuyết điểm về mặt biên tập và ấn loát, và mặc dầu được thai nghén trong những điều kiện khó khăn của cá nhân tác giả, cuốn Hoa xuyên tuyết cuối cùng đã được nhìn thấy ánh sáng mặt trời! Đây là một thành công mới của tác giả bản Kiến nghị của một công dân (công bố tại Paris ngày 27.11.90, xem Thành Tín trần tình, Đoàn Kết xuất bản, Paris 1991, trong đó ngoài bản kiến nghị còn có thêm những bài trả lời phỏng vấn đài BBC và báo Đoàn Kết của tác giả). Đây cũng là một điều vui mừng đối với tất cả những ai vẫn theo dõi tình hình Việt Nam và khao khát thông tin, nhất là những thông tin mà chế độ không bao giờ muốn để lọt ra ngoài.
Sự ra đời của cuốn Hoa xuyên tuyết là sự tiếp tục và phát triển lô-gích của những hoạt động chính trị của ông Thành Tín ở nước ngoài từ sau bản Kiến nghị của một công dân và loạt bài phỏng vấn trên đài BBC đã gây tiếng vang ở trong và ngoài nước.
Qua tác phẩm Hoa xuyên tuyết, ông Thành Tín đã kể lại cuộc dấn thân của mình một cách giản dị, từ lúc 18 tuổi vào bộ đội, trải qua ba cuộc chiến tranh, rồi cuộc đời làm báo quân đội, báo Đảng, 45 năm làm đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam cho tới khi bị khai trừ. Rồi cuộc dấn thân mới đã đến với ông ở tuổi 63, khi ông quyết định đưa ra bản Kiến nghị 12 điểm v.v...
Trên thực tế, đây là một bản cáo trạng lên án chế độ một cách khá toàn diện và tinh tế, đi từ nguồn gốc của những sai lầm là việc rập theo tư tưởng của Staline và của Mao, đến tác phong của từng nhà lãnh đạo Đảng. Tuy nhiên, ông cũng không đi sâu thêm vào tận nguồn gốc của việc rập theo Staline và Mao, cũng như, trong sự đánh giá các nhà lãnh đạo và bộ máy Đảng, ông cũng đã không vạch ra được vai trò quyết định của Ban tổ chức trung ương và nhân vật chủ chốt của nó trong một thời gian dài là ông Lê Đức Thọ. Ở đây cũng cần phân biệt những điều mà tác giả thật sự được mục kích với những điều mà ông chỉ được nghe kể lại, hoặc tự suy luận ra. Dù sao, mỗi nhận định cá nhân về một sự kiện hay về một nhân vật lịch sử nào cũng đều cần có thời gian để kiểm chứng.
Với một lượng thông tin phong phú do kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm báo Đảng và cương vị xã hội khá đặc biệt của tác giả, với ngôn ngữ bình dân, dễ đọc, dễ hiểu, cuốn Hoa xuyên tuyết của Thành Tín có một sức thuyết phục nhất định và chắc chắn sẽ đến được với nhiều tầng lớp người ở trong và ngoài nước.
Tham vọng của tác giả Hoa xuyên tuyết là thông tin về nhiều phía và đối thoại với nhiều phía, từ đồng bào ở trong nước, lãnh đạo Đảng tới cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Điều đó dễ hiểu do địa bàn đấu tranh của ông bây giờ. Do đó, ông đã dành một phần xứng đáng trong cuốn sách để nói đến những cái hay, cái dở trong xã hội tư bản phát triển, môi trường sinh sống và làm ăn của phần lớn cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Ông lưu tâm tìm hiểu vấn đề cộng đồng, nêu lên vấn đề hoà giải giữa những người quốc gia và cộng sản. Tất cả những thông tin và suy nghĩ trên vấn đề này đều đáng hoan nghênh và trên thực tế chúng đã làm cho cuốn sách thêm phong phú, có thêm một kích thước mới. Tuy nhiên, do phần này là phần mà ông còn đương tìm hiểu thêm, nên đã không tránh khỏi những nhận xét vội vàng. Như đoạn văn trích dẫn dưới đây, đánh giá tác dụng của những hoạt động của Việt kiều ở nước ngoài, nói lên một cái nhìn không mấy linh hoạt và lạc quan:
“... Ngay cả những lực lượng ở ngoài nước, có tinh thần dân tộc và dân chủ, đề xướng hoặc tán thành hoà giải và hoà hợp, cũng hầu như không có tác dụng gì đối với trong nước. Những tổ chức, những nhân vật của họ hầu như chẳng mấy ai ở trong nước biết đến. Họ không có tiếng nói, không có lực lượng, không có quần chúng. Ý muốn của họ mãi mãi chỉ là ý muốn, dù cho có thiện ý đến đâu...” (trang 17)
Cũng như việc đưa lên bàn cân để so sánh những tội lỗi mà hai bên quốc gia và cộng sản “thường” đổ cho nhau (ở những trang 238-249) là vụng về và không sát thực tế. Đây chắc cũng chỉ là những ý kiến của một vài người quá khích mà tác giả đã tình cờ gặp gỡ trong cộng đồng.
Dẫu sao, cuốn Hoa xuyên tuyết cũng là một tác phẩm độc đáo phong phú, súc tích và bổ ích cho sự hiểu biết về hiện tình đất nước. Nó cũng cho phép người đọc nắm bắt một cách cụ thể hơn tư tưởng chính trị của tác giả bản Kiến nghị của một công dân.
Vietnam’s
Economic Policy
since 1975
của
Võ Nhân Trí,
nxb Allen & Unwin, Sydney, 1990
Nguyễn Thanh Nhã
Một biên bản cặn kẽ ghi nhận sự phá sản của chính sách kinh tế áp dụng ở Việt Nam trong một phần ba thế kỷ (1955-1990) dẫn từ thất bại này sang khủng hoảng khác đến tình trạng băng hoại hiện nay. Chính sách chủ yếu dựa vào mô hình ý thức hệ kiểu Stalin-Mao đặt ưu tiên trên sự thiết lập cưỡng bách quan hệ sản xuất tập thể và trên cơ chế kế hoạch hoá tập trung, đồng thời dồn tối đa lực lượng sản xuất vào công nghiệp nặng, rốt cuộc gây rối loạn trầm trọng cho toàn bộ hoạt động kinh tế và làm hao phí tiềm năng phát triển.
Quá trình sa sút diễn ra trước tiên trên miền Bắc giữa khoảng 1955-1975, rồi sau đó tiếp tục đến năm 1985 trên quy mô cả nước. Liệu khúc quanh “đổi mới” khởi điểm từ 1986 có thể đảo ngược chiều hướng diễn tiến? Tác giả có quyền nghi ngờ khi trích báo cáo của những lãnh đạo có trọng trách như Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt thú nhận nhiều khuyết điểm, tuột trượt và hiệu lực còn quá yếu ớt của những biện pháp cải tổ. Chẳng những các lệch lạc, mất cân đối cố hữu (giữa cung và cầu, giữa thu và chi, giữa sản xuất và tiêu dùng, giữa các khu vực các ngành sản xuất, giữa tích lũy và phúc lợi công cộng, giữa xuất và nhập...) có chiều trở nên thâm căn, mà còn xuất hiện nhiều tệ nạn mới có sức tác hại xói rữa lớn như nạn siêu lạm phát, nạn thất thoát lợi nhuận kinh tế qua các đường dây song hành hay phi pháp, sự bành trướng của tham nhũng và hủ hoá, sự thao túng của cải đất nước bởi các vương quốc địa phương, các thành trì cát cứ trong sinh hoạt kinh tế.
Do vận dụng khá đắc ý lập luận ad hominem đối chiếu hành vi người chủ xướng với chính ý đồ dự định của họ, Võ Nhân Trí đã biến bản tường trình thành một cáo trạng khó chống đỡ, mượn lời các văn kiện chính thức lên án các sai trái thiếu sót của chính sách qua mỗi giai đoạn của tiến trình 35 năm, nhất là qua mấy kế hoạch năm năm. Tuy nhiên, độc giả ước mong quyển sách công phu này, trong kỳ tục bản, sẽ được bổ sung bằng một chương chung kết, tổng hợp hơn, có tính cách phân tích cấu trúc, kiểm điểm tất cả các nguyên nhân và khía cạnh của sự phá sản, hầu tăng sức thuyết phục của công trình nghiên cứu.
Các thao tác trên Tài liệu