Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 5 - 02.1992 / Đoá mộng đầu

Đoá mộng đầu

- Đặng Tiến — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:35


Tưởng niệm Lưu Trọng Lư (1912-1991)

 

Đoá mộng đầu

 

Đặng Tiến

 

Tặng bác Hà Xuân Tế, người đã đưa tuổi thơ của tôi,
lần đầu bước vào thế giới mộng ảo của Lưu Trọng Lư

Đợi đến luân hồi sẽ gặp nhau
Cùng em nhắc lại chuyện xưa sau.

Chờ anh dưới gốc sim già nhé
Em hái đưa anh đoá mộng đầu.

(LTL)

“Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời”, là thế giới, là tâm giới, là thi giới Lưu Trọng Lư. Nguồn ánh sáng trong trẻo ấy đã đến với con nai vàng ngơ ngác từ một buổi bình minh sơ khai của Thơ Mới, là tia nắng hạnh phúc, đồng thời cũng làm giới hạn nghệ thuật và sự nghiệp Lưu Trọng Lư.

Là hạnh phúc, những bài thơ tuyệt vời của ông, khi vừa xuất hiện trên văn đàn, đã gặp ngay tri kỷ. Các nhà phê bình và sau họ là những nhà giáo, nhà soạn nhạc đã chọn và giới thiệu đúng những bài thơ hay, bình dị và trong sáng nhất, dễ thuộc nhất. Từ 1942, Vũ Ngọc Phan đã viết: “Có thể tóm tắt tất cả những ý trong thơ của Lưu Trọng Lư vào hai chữ tìnhmộng 1. Tưởng chúng ta khó thêm thắt điều gì; và từ ấy đến nay vẫn chưa thấy ai thêm được điều gì. Hoài Thanh, bạn thân và sành thơ Lưu Trọng Lư, trong trăm trang đặc sắc cũng loanh quanh với ngần ấy ý 2. Giới hạn là ở chỗ đó.

Việc còn lại, để tưởng niệm Lưu Trọng Lư, là thử phân tích hương tình và phấn mộng bàng bạc trong thơ ông và quy định biên giới của cõi tình và cõi mộng ấy.

Người em sầu mộng

Thơ Lưu Trọng Lư là niềm hoài vọng mang mang hướng về dĩ vãng, về một nền văn hoá dân tộc và đông phương đang phôi pha trước làn sóng phương tây và hiện đại. Một tàn phai, không cưỡng lại được, không hò hẹn hồi sinh.

Niềm tiếc nuối khôn nguôi, khu biệt thơ văn Lưu Trọng Lư, và đánh dấu một thời đại, từ “mấy chùm trước dậu, hoa năm ngoái” trong Nguyễn Khuyến, đến “sông kia rày đã nên đồng” ở Trần Tế Xương, và gần hơn nữa, ở một Thế Lữ gửi lòng “theo nước tràng giang ấy, sớm tối theo chàng đến Phúc Châu”, một Xuân Diệu “ trong cung nhớ nàng Dương Quý Phi” đến Vũ Hoàng Chương “nghe hồn ly phụ khóc trên tơ”, hay Huy Cận, nhất là Huy Cận “phất phơ buồn tự thời xưa thổi về”. Ấy là những người tân học đã cổ vũ cho thơ mới mạnh mẽ nhất.

Văn xuôi cũng vậy; trước Đoạn tuyệt kêu gào cải cách, Nhất Linh đã từng lưu luyến với Nho phong, Người quay tơ, Khái Hưng trước Nửa chừng xuân còn tần ngần với Hồn bướm mơ tiên. Một thế hệ u hoài về một thời vang bóng.

Lưu Trọng Lư khác với các nhà thơ đồng lứa ở chỗ ông không mơ mộng được cái gì khác ngoài dĩ vãng của dân tộc, trong khi Xuân Diệu còn có lúc Giục giã, Huy Cận còn lo lắng cho M ai sau; họ còn sống trong hiện tại, sống cho tương lai. Con người thời đó, ý thức khá rõ những thay đổi chung quanh, như Hoài Thanh đã ghi từ 1941 “ một cái đinh cũng mang theo nó một chút quan niệm của phương Tây về nhân sinh, về vũ trụ và có ngày ta sẽ thấy thay đổi cả quan niệm của phương Đông (...) Phương Tây bây giờ đã đi tới chỗ sâu nhất trong hồn ta. Ta không còn có thể vui cái vui ngày trước, buồn cái buồn ngày trước... ”. Hoài Thanh dựa vào lời Lưu Trọng Lư, trong một buổi diễn thuyết tại Qui Nhơn, 1934: “ Các cụ ta ưa những màu đỏ choét, ta lại ưa những màu xanh nhạt... Các cụ bâng khuâng vì tiếng trùng đêm khuya ; ta nao nao vì tiếng gà lúc đứng ngọ...” 3. Nhưng màu xanh nhạt, tiếng gà trưa rồi cũng tàn phai theo một nền văn minh đang lỡ bước sang ngang. Lưu Trọng Lư chấp nhận khó khăn những đổi thay của cuộc sống: “ Tôi vừa đau đớn vừa căm giận khi nghĩ đến cái lớp đàn bà loè loẹt kia đã dám kiêu hãnh thay thế cái lớp đàn bà cũ kỹ ấy – những người đàn bà thuỳ mị với những bộ răng đen nhánh. Những người đàn bà ngày nay đã để răng trắng (...) Nhưng tôi biết nói thế nào khi người ta gọi đó là sự tiến bộ”. Ông nuối tiếc “những đồng tiền kêu lẻng kẻng một cách vui vẻ biết bao! Chúng ta ngày nay ở vào cái th ời mà đồng bạc chỉ bằng giấy (...)”; và tiếng lục lạc của tuổi thơ “Nhưng trời ơi, làm sao tôi quên được những tràng lục lạc ấy... Không phải là tiếng lục lạc cột ở chân một đứa bé, mà là tiếng rung của một thời, của một thế giới đã sập đổ, đã đổi rồi” 4. Hàm răng trắng, đồng bạc giấy, là những thay đổi tối thiểu mà một người hoàn toàn tân học như Lưu Trọng Lư năm 1941 còn không chấp nhận, nói chi đến những biến đổi thâm trầm hơn, trong phong tục trong tư tưởng hay tình cảm?

Lưu Trọng Lư mơ mộng nhưng không hão huyền. Mới đây, ông có tâm sự “ trong đời, có một câu thơ nào, hình như đều do cuộc đời gợi ý cho. Tuy vậy, cũng có những bài thơ đôi khi một mình ngâm lại vẫn không biết từ đâu tới” 5. Hoài Thanh nhầm và ví dụ không đúng về ông: “ thường ta chỉ thấy những cảnh rất mơ hồ, không có ở thời nay, mà cũng không có ở thời nào. Hãy đọc bài Thơ sầu rụng 6:

Vầng trăng từ độ lên ngôi,
Năm năm bến cũ, em ngồi quay tơ.
Để tóc vướng vần thơ sầu rụng,
Mái tóc buồn, thơ cũng buồn theo.
Năm năm tiếng lụa xe đều ,
Những ngày lạnh rớt, gió vèo trong cây.

Hình ảnh dù được thi vị hoá, cũng đã có thực trong tuổi thơ của tác giả “Đến nay mẹ tôi đã chết. Mà cái nghề tầm tang cũng đã chết ở trong làng tôi rồi (...) Tôi quên làm sao được những mảnh trăng rơi đầy trên những ruộng dâu. Tôi quên sao được tiếng đều đều của guồng xa.

“Những cảnh đầy thơ, đầy êm ái, đầy tôn nghiêm của nghề tầm tang” 7 đã gợi lên giấc mộng tình:

Chàng cùng tôi
Trong gian nhà cỏ
Tôi quay tơ
Chàng ngâm thơ
Vườn sau oanh giục giã.

Gần đây, ông có nhắc lại câu thơ Baudelaire đã từng ám ảnh tuổi thơ:

Tant l’écheveau du temps lentement se dévide
(Guồng tơ dần thu ngắn sợi thời gian)

“Làm sao mà chuyển dịch cho được cái nhịp điệu, dư ba âm hưởng ấy” 8. Ta thấy Lưu Trọng Lư đặc biệt lưu tâm đến nhạc điệu trong câu thơ Pháp; về hình ảnh, Baudelaire đã mượn ở nghề canh cửi (écheveau là cuộn chỉ, cuộn tơ, dévider là tháo chỉ, tháo tơ từ cuộn để dệt). Nghề tầm tang ở nông thôn ta, có phần vất vả nhất định, “ làm ruộng ăn nằm, chăn tăm ăn đứng”, nhưng là một sinh hoạt của phụ nữ, nhiều thi vị; từ cái buổi một cô gái hái dâu trở thành Ỷ Lan phu nhân, hay xa hơn nữa, một người đẹp rũ lụa trên bến Trữ La, nghề tầm tang đã lưu lại trong văn thơ nhiều tác phẩm hay – từ Lý Thương Ẩn đến Nguyễn Bính.

Bài Một mùa đông nổi tiếng, là điển hình cho tầm nhìn hồi cố của Lưu Trọng Lư. Bài thơ bắt nguồn từ một liên quan có thật giữa nhà thơ và một thiếu nữ tên Cúc – chị Điềm Phùng Thị nhà điêu khắc hiện nay – chuyện nhiều người biết, nhưng không ai dám nhắc vì ngại chạm đến đời tư; nay chính Lưu Trọng Lư đã kể lại vanh vách suốt năm trang trong hồi ký Nửa đêm sực tỉnh 9 thì chúng ta ghi lại như một tư liệu văn học:

Đôi mắt em lặng buồn
Nhìn thôi mà chẳng nói
Tình đôi ta vời vợi
Có nói cũng không cùng.

(...) Em là gái trong song cửa
Anh là mây bốn phương trời
Anh theo cánh gió chơi vơi
Em vẫn nằm trong nhung lụa

(...) Ngày hôm tiễn biệt buồn say đắm
Em
vẫn đùa nô uống rượu say.
Em có biết đâu đời vắng lạnh ,
Lạnh buồn như ngọn gió heo.

Môi em đượm sặc mùi nho tươi;
Đôi má em hồng núm nụ cười;
Đôi mắt em say màu sán lạn.
Trán em để lỏng làn tóc rơi.

Giai nhân ở đây là một cô gái tân thời, thuộc loại “răng trắng” đã từng làm cho nhà thơ “vừa đau đớn vừa căm hận”, nhưng bây giờ thì “lệ tràn đêm xuân, tình tràn trước ngõ, mộng trên gối chăn”. Chuyện “ tình sử” (!) diễn ra tại sân chùa Thầy, hôm ấy có cả nhà thơ Thân Thị Ngọc Quế và chồng là hoạ sĩ Dương Cẩm Chương, hiện cùng ở Paris. “Chúng tôi trải giấy nhật trình, bày bữa ăn trưa. Có ít gà quay và chai rượu vang Pháp. Thấy tôi uống, Cúc cũng bắt chước đưa cốc rượu chạm vào môi. Người em gái tuyệt vời khi trên môi nhuốm màu nho tươi và hồng đôi má, rồi để rơi trên trán vài sợi tóc cô đơn vô tình tạo thành một hình tượng nghệ thuật khó phai. Cúc nhìn tôi với nước mắt khẽ rơi” 9.

Từ cảnh thật người thật, nhà thơ đã dệt thành một giấc mơ, trong đó, cô gái mới, “ đượm sặc mùi nho tươi”, đã trở về ngôi “người em sầu mộng của muôn đời”:

Tình em như tuyết giăng đầu núi
Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời

Nhất định Lưu Trọng Lư phải thuộc câu thơ Đỗ Phủ

Song hàm Tây Lĩnh thiên thu tuyết
(Song ngậm nghìn thu ngời tuyết núi
Tản Đà đã dịch “nghìn năm tuyết núi song in sắc ").

Đoạn cuối Một mùa đông:

Thuyề n yê u không ghé bến sầu
Như đêm thiếu phụ bên lầu không trăng

gợi ta nhớ nhiều bài thơ Đường, đặc biệt bài Xuân giang hoa nguyệt dạ (Sông xuân đêm trăng hoa) của Trương Nhược Hư:

Diễm diễm tuỳ ba thiên vạn lý
Hà xứ xuân giang vô nguyệt minh
(...) thuỳ gia kim dạ biên chu tử
Hà xứ tương tư minh nguyệt lâu 10.
[Long lanh muôn dặm sóng xao,
Sông xuân một giải, cõi nào không trăng
(...) Thuyền ai thấp thoáng canh thâu,
Dưới trăng ai nhớ, trên lầu nhớ ai...

(không nhớ người dịch)]

Thơ Lưu Trọng Lư phản ánh một nền văn hoá đang phôi pha nhưng còn để lại những màu sắc, những âm thanh, những “chiếc cáng xanh”những chiếc cáng điều”, đến những câu ca dao mà ông rất sành sỏi, và thơ Đường, thơ Tống. Bài Tiếng thu, như nhiều người nhận xét, chịu ảnh hưởng thơ Pháp, như Baudelaire hay Verlaine, từ ý thơ đến nhạc điệu; nhưng không khí vẫn đông phương, với những chinh phu, cô phụ, ánh trăng mờ, con nai vàng ngơ ngác. Vũ Ngọc Phan thông thái khi nhận ra âm hưởng cái tên bài Thu thanh phú của Âu Dương Tu; và sau này Lưu Trọng Lư xác nhận đã nghe phụ thân ngâm “ có khi ông ngâm cả bài Thu thanh của Âu Dương Tu cho tôi nghe (...) Dầu sao bài thơ (?) ấy cũng gợi cho tôi một thứ nhịp điệu mơ hồ nào đó và cho tôi một cái tên để đặt cho bài thơ Tiếng thu của tôi sau này” 11. Nhưng ảnh hưởng chỉ dừng lại ở cái tên: Thu thanh = Tiếng thu; nội dung bài phú và bài thơ không tương quan. Về “ con nai vàng ngơ ngác”, Lưu Trọng Lư kể lại: “ trên vách, cạnh chỗ tôi hàng ngày ngồi học, có ghi bằng chữ Hán to, bài ký của thầy tôi, và dưới bài ký là hình một con nai có hoa. Tuổi nhỏ tôi sống bên con nai đó”. Dĩ nhiên, nai không phải là một hình ảnh đặc trưng cho cái gì, trong thơ Pháp, thơ Nhật, thơ Tàu đều có. Con nai vàng Lưu Trọng Lư, cũng như con nai cao của Huy Cận, chỉ chia sẻ nỗi sầu mông lung với “con nai bị chiều đánh lưới” của Xuân Diệu: “Mắt ngơ ngác, và thân hình ảo mộng”.

NGỰA SAY

Cái mơ gặp cái say, bỗng chếnh choáng hương tình:

Vừng trăng lên mái tóc mây,
Một hồn thu tạnh, mơ say hương nồng.
Mắt em là một giòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong giòng mắt em

(Trăng lên)

Hình ảnh vừa cổ điển vừa tân kỳ. Vũ Ngọc Phan phê là “tuyệt bút”, vì đã bắt gặp “cái phút ái ân của đôi trai gái trong lúc giáo đầu, thật là đầy tình, đầy mộng” 12. Lối giải thích máy móc quá, thành dung tục; có thể vì vậy mà bài thơ hay này đã bị loại ra khỏi Tuyển tập Lưu Trọng Lư. Với tôi bài thơ chỉ là một liên tưởng tạo hình. Người xưa lấy thiên nhiên làm tiêu chuẩn cho thẩm mỹ, thường so sánh tóc với mây: “mây thua nước tóc; tóc mây một món dao vàng...” . Lưu Trọng Lư lật ngược tương quan – Baudelaire vẫn thường hành văn như vậy – so sánh mây với tóc, một lối nhân cách hoá, toả rộng thành bầu trời, “ một hồn thu tạnh” 13. Chữ tạnh, có nghĩa là dứt cơn mưa, tạnh là một bầu trời quang đãng, dịu mát và tươi thắm, như là mới vừa gột rửa hết bụi trần. Tản Đà đã dùng chữ “sông tạnh” để dịch rất sát chữ Hán “tình xuyên” trong bài Hoàng hạc lâu “tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ”:Hán Dương sông tạnh cây bày”. Tạnh còn có nghĩa im vắng: “ dặm khuya ngắt tạnh mù khơi” (Kiều). Xuân Diệu có lần dùng chữ tạnh trong bài Thu rất hay:

Gió thầm, mây lặng, dáng thu xa,
Mới tạnh mưa trưa chiều đã tà.
Buồn ở sông xanh nghe đã lại,
Mơ hồ trong một tiếng chim qua.

Chữ tạnh gạn lọc nguồn sáng mát trong và vô tội trong cơn “mơ say hương nồng”. Hương thơm và hơi ấm len vào không gian trong vắt, vừa thực vừa mộng: “mắt em là một giòng sông”, trong suốt đến độ mọi sự vật đều phản chiếu vào đáy nước, đáy mắt, “mắt em” đầu câu lặp lại ở cuối câu, là một phản ánh. Dòng sông trong đôi mắt gợi về hình ảnh con thuyền, thuyền của “hồn ta”, ngược với lối ẩn dụ “một hồn thu tạnh”, hồn của bầu trời. Ta nhớ lại một câu khác, cùng trong bài Thu của Xuân Diệu: “hây hây thục nữ mắt như thuyền”, hay Đinh Hùng:

Em tự nghìn xưa chuyển bước về
Thuyền chao sóng mắt dẫn trăng đi.

Khi so sánh: mắt với sông, hay ngược lại, sông với mắt, ta phải đứng xa; khoảng cách đẩy lùi chân trời, làm không gian rộng lên, cao mênh mông, trong niềm yên tĩnh vô biên, “thuyền ta bơi lặng” 14. Cái bao la bao giờ cũng vô tội, như thơ Lưu Trọng Lư vậy. Những câu thơ hay và đầy chất Lưu Trọng Lư thường vẫn vời vợi. Ngược lại:

Giật mình ta thấy bồ hôi lạnh
Mộng đẹp bên chăn đã biến rồi

là một câu thơ hay, nhưng không lộng tình và ngát mộng Lưu Trọng Lư.

Trăng lên là một bài thơ tuyệt vời vì những giao ảnh và giao hưởng tế nhị, tiếp nối hài hoà tạo cảm giác rạo rực, nồng nàn, ngây ngất, nhưng vẫn thanh tân và đằm thắm. Như một đêm thu nào tĩnh và sáng mãi trong lòng ta.

Mơ và say một lần nữa lại làm ta ngất ngưởng với bài Say mà Lưu Trọng Lư có lần bảo là mình thích nhất:

Ước gì ta có ngựa say ,
Con sông bên ấy bên này của ta.
Trời cao, bến lặng,
bờ xa...
Lao đao gió sậy. la đà dặm trăng...

Một mai bên quán lại ngừng
Quẩy theo với rượu, một vừng giai
nhân.
Ta say ngựa cũng tần ngần ,
Trời cao xuống thấp, núi gần lên xa.

Bài Say đăng trên báo Hà Nội Tân Văn ngày 9.4.1940 được Vũ Ngọc Phan trích lại 16 và bản trích được xem như là văn bản chính, vì so với Tuyển tập Lưu Trọng thì đầy đủ và hợp lý hơn. Trong cơn ngây ngất, người say muốn ngựa cũng say; ngựa không chỉ là phương tiện vận chuyển, hoặc là bạn đường, mà hoá thân làm tri kỷ và đồng loã, cùng làm nghiêng ngả càn khôn. Nhịp thơ linh động, so với nhịp đôi đều đều của lục bát: “bên ấy... bên này... bến lặng... bờ xa” như giọng lẩm nhẩm của người say, không còn phân biệt phương hướng, tả, hữu, trước sau; đất liền và sông nước đều như nhau, đều “của ta”: say là chiếm hữu, là trấn ngự trần gian. Mãi làm chủ trần gian nên quên cả mình, quên tự chủ. Và mơ hồ chữ nghĩa: “gió sậy” không “lao đao” mà chỉ lao xao, con người mới lao đao; dặm trăng chỉ lờ mờ, nếu cần thì la cà chứ không la đà, cành trúc mới la đà: âm thanh và hình khối nhoè nét. Nhưng lao đao la đà vẫn có nét chung là mất thăng bằng qua âm l/đ luyến láy như trong: lảo đảo, lênh đênh, long đong, lừ đừ, lờ đờ, lật đật, lận đận... Bước chân chập choạng, nên mới “ ước gì có ngựa”. Mà ngựa phải say, niềm vui mới hài hoà, trọn vẹn, mới cùng tương đắc và tâm đắc “Bên quán lại ngừng”. Có quán rồi mà muốn chắc bụng, phải “ quẩy theo với rượu”, và quên bẵng là mình... đi ngựa. Trên ngựa thì làm sao mà gánh mà quẩy? “ Một vừng giai nhân” ở đây nên hiểu là vầng trăng hơn là một người đàn bà, như Vũ Ngọc Phan đã giải thích. Vui như thế ngây ngất như kia, ai gánh đàn bà theo làm gì? Vừng giai nhân là một hình ảnh tài hoa và hàm súc, thu gọn phong cách “nghìn năm thi sĩ tửu đồ” như lời Tản Đà hay qua câu thơ Hồ Xuân Hương:

Bầu dốc giang sơn say chấp rượu
Túi nghiêng phong nguyệt nặng vì thơ

Ánh trăng sóng sánh trong gánh nước là một hình ảnh quen thuộc trong thơ nôm Nguyễn Trãi:

Khách đến chim rừng hoa xẩy rụng,
Chè tiên nước ghín nguyệt đeo về
(Tiên
nghĩa là nấu; ghín là gánh)
Chè tiên nước ghín bầu in nguyệt
Mai rụng hoa đeo, bóng cách song

Uống chè, uống rượu trong cảnh ấy, là uống cả ánh trăng, là đón vũ trụ trong sáng vào lòng:

Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén
(Nguyễn Trãi)

Chúng ta lại nhớ Xuân Diệu: “trăng võng rượu khiến đêm mờ chếnh choáng”17.

[Về ánh trăng trong nồi nước chè mộc mạc, Quang Dũng có đoạn văn hay: “chốc chốc họ lại vục có bát vào nồi chè tươi ông cụ đã để sẵn ngoài hiên, làm tan mảnh trăng vằng vặc ở trên lớp bã chè ở đáy nồi” 18].

“Một vừng giai nhân” tạo nên một vòng hào quang, phong nhã hào hoa, tình tứ mà trân trọng. Kiểu cách một tí, lả lơi một tí; liều lĩnh mà dè dặt; chừng mực nhờ cổ kính. Nhà thơ chợt biết mình say: “ta say, ngựa cũng tần ngần”, nghĩa là ngựa còn có phần tỉnh táo – nhà thơ mong thế, trong niềm e ngại không gian đang bớt chiều cao và thêm chiều rộng:

Trời cao xuống thấp, núi gần lên xa

“Cao, thấp, gần, xa”, những khoảng cách xa ngái, gập ghềnh. “ Tần ngần” là phải. Phần e đường sá, phần thương dãi dầu. Uống rượu, ngại nhất là đường về. Về nhà hay về thực tại, đều ngại. Về là ngại.

Một tâm hồn mơ mộng, đôn hậu và trong sáng như Lưu Trọng Lư, một trái tim thi sĩ như thế nhất định phải gặp nhiều khó khăn khi va chạm vào những góc cạnh cuộc sống. Cuộc sống bình thường thôi, nói chi đến lịch sử khốc liệt của chúng ta. Sống bình thường thôi, tồn tại thôi, là đã gian nan, nói chi đến việc đưa cuộc sống vào nghệ thuật – theo những quy luật thường tình thôi – nói chi đến quan điểm hẹp hòi của chủ nghĩa hiện thực xã hội, trong một giai đoạn nghiệt ngã của đất nước.

Nhiều người có thành kiến với Lưu Trọng Lư, vì những tập thơ về sau của ông, và cũng vì thái độ cứng nhắc của ông thời chống Pháp ở Khu IV, hay qua những buổi nói chuyện về thơ sau 1975 in lại trong Mùa thu lớn. Con người mơ mộng, khi lạc bước vào những hành lang thực tế, có khi vụng về và thô bạo. Tuy gần gũi, ông không học được cái khôn của Hoài Thanh, cái khéo của Nguyễn Tuân, ông tai tiếng dù danh lợi không là bao.

Lưu Trọng Lư là một trong những nhà thơ gian khổ nhất trong hai cuộc kháng chiến. Từ 1946 ông tham dự chiến khu Hoà Mỹ tại Thừa Thiên là chiến trường ác liệt vào hạng nhất trên toàn quốc; đến tháng 5.1975, khi các nhà văn nhà thơ khác vào Nam để sum họp, đoàn tụ, thì Lưu Trọng Lư đi tìm xác đứa con trai, hy sinh tại Vàm Cỏ Tây, mất hôm trước ngày 30.4, trên đường tiến quân về Sài Gòn. Giữa hai cái mốc đánh dấu bằng lửa và máu đó, Lưu Trọng Lư không sáng tác được gì đặc sắc; chức nọ chức kia nếu có cũng chỉ là phù danh.

Thơ ông sau này không hay vì không hợp với tầm viết của ông, vì đường lối bức bách, đã đành, nhưng còn vì một chọn lựa, theo nhu cầu thời đại và đòi hỏi của lương tâm. Vì thật ra, không ai bắt ai phải làm thơ; bao nhiêu người không làm thơ. Suốt thời kỳ chống Pháp, Huy Cận không làm thơ bao nhiêu. Vì rằng, trong một xã hội, một giai đoạn nào đó, người ta có thể viết: “Em ngồi trong song cửa, Anh đứng dựa tường hoa”, nhưng vào một thời điểm khác, sau khi đã sống, đã nhận thấy những hoàn cảnh khác, người ta không còn viết được như vậy nữa. Ở Pháp cũng vậy thôi: những Aragon, Eluard, từ trường phái siêu thực bước vào kháng chiến chống Đức cũng thay đổi đề tài. Năm 1940 Camus, trong L'Etranger (Kẻ lạ) tạo nên nhân vật Meursault hoàn toàn dửng dưng với xã hội; sau những năm kháng chiến ông viết La Peste (Dịch hạch) nói đến tình tương thân tương trợ giữa con người. Nào có đường lối nào thúc ép ai đâu. Nhưng với những đề tài mới, dấn thân hơn, họ vẫn thành công vì nghệ thuật của họ đa dạng hơn. Còn Lưu Trọng Lư, dù hẹn đến luân hồi, cũng chỉ dâng được cho đời “ đoá mộng đầu” của kiếp trước, vẫn dưới một gốc sim già, một buổi bình minh của Thơ Mới. Thơ Lưu Trọng Lư chỉ trinh tiết một lần.

Lý thuyết văn nghệ rườm rà, phức tạp trong khi sự sáng tạo và thưởng ngoạn theo một vài quy luật đơn giản. Một nền văn nghệ phong phú, khi sáng tác đưa đến lý thuyết; nền văn nghệ ấy sẽ cằn cỗi khi ngược lại, lý thuyết đúc khuôn cho tác phẩm. Trường hợp Lưu Trọng Lư cũng vậy thôi. Khi thơ ông là “ một chút hồn mộng, vất chỗ này một chút, chỗ kia một chút, nó thành hình gì thì nó là cái ấy” 19, thì là những đoá hoa tráng lệ, mãi mãi lưu hương gửi sắc lại cho đời. Khi nó thu mình vào những khuôn mẫu, do lịch sử hay lý trí chỉ định, thì nó trở thành những vật dụng thường và xoàng, dù có ích hay không có ích.

Thập niên cuối cùng trong đời, từ khoảng 1980 trở đi, dường như tâm hồn Lưu Trọng Lư thanh thản hơn, như thoát ly ra khỏi trần luỵ và thế tình. Thơ ông thanh thoát, trong trẻo hơn ba mươi năm về trước, giàu cảm xúc và nghệ thuật hơn. Tập hồi ký mới đây (1989) Nửa đêm sực tỉnh là một lưu bút chân thành cảm động, xứng đáng với thế giới mà Lưu Trọng Lư, với tập Tiếng thu, đã sáng tạo nửa thế kỷ trước. Một thế giới “vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời”.

Lưu Trọng Lư sinh ngày 19.6.1912 tại Quảng Bình
mất ngày 10.8.1991 tại Hà Nội

Đặng Tiến

Orléans, 18.12.1991
Ngày giỗ Xuân Diệu

 

1 Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại III, nhà xuất bản Vĩnh Thịnh tái bản, Hà Nội, 1951, tr. 289.

2 Hoài Thanh và Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Thiều Quang tái bản, Sài Gòn 1967, tr. 298. Trích lại trong Tuyển tập Hoài Thanh I, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1982, tr. 46.

3 Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam, sđd, tr. 10, 11 và 12.

4 Chiếc cáng xanh, nhà xuất bản Tân Dân, Hà Nội, 1941, trích lại trong Tuyển tập Lưu Trọng , nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1987, tr. 210, 211, 220.

5 Nửa đêm sực tỉnh, nhà xuất bản Thuận Hoá, Huế, 1989, tr. 23.

6 Thi nhân Việt Nam, sđd, tr. 298.

7 Tuyển tập Lưu Trọng , sđd, tr. 216, Mùa thu lớn, nxb Tác phẩm mới, Hà Nội 1978, tr. 14.

8 Nửa đêm sực tỉnh, sđd, tr. 147.

9 Nửa đêm sực tỉnh, sđd, tr. 18-23.

10 Trương Nhược Hư, Xuân giang hoa nguyệt dạ, Ngô Tất Tố dịch hay. Cheng Chi Hsien (Francrois Cheng) có trình luận án về bài thơ này, phân tích hay: Analyse formelle de l’œ uvre poétique d’un auteur des Tang, Zhang Ruo Xu, Mouton, Paris La Haye, 1970.

11 Mùa thu lớn, sđd, tr. 27 và 28.

12 Vũ Ngọc Phan, sđd, tr. 294.

13 Có nơi ghi “ một hồn thu lạnh”; chúng tôi theo bản Vũ Ngọc Phan.

14 có nơi ghi “ bơi lội, bơi lặn”.

15 Nửa đêm sực tỉnh, sđd, tr. 130.

16 Vũ Ngọc Phan, sđd, tr. 296.

17 Trên ý này, nhà thơ Vũ Hân mới mất có bài Mai nguyệt hành hay:

Đêm qua chú lại tự thiên thai
quảy một bồ trăng chiếu dặm dài
Trăng Tống, trăng Đường, trăng Chiến Quốc
Trăng Chu, trăng Hán, trăng Liêu Trai
(...) Tiếc thay chú lái vì non vốn
Không tậu Hằng Nga ở nguyệt đài...
(...) Nặng quảy về đâu? đường cát bụi
Mua trăng mấy kẻ dạ gương soi?
Bán quách cho ta cho nhẹ gánh
Để ta hoà rượu được dăm chai.
Rồi ta mở tiệc mời người đến,
Chén chú ch én anh khướt nhịp hài ( ...)

(Diễm Trang, Huế, 1956)

18 Quang Dũng, Nhà đồi, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1983, tr. 116.

19 Nửa đêm sực tỉnh, sđd, tr. 23.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us