Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 5 - 02.1992 / Hai cuộc triển lãm

Hai cuộc triển lãm

- Hoài Văn — published 01/03/2010 10:55, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:33
Hội hoạ và ký hoạ của Trần Trọng Vũ, Nguyễn Sơn Lâm, Jean Charles Sarrasin, Nguyễn Đức Hoà, tại Ecole des Arts appliqué; và Réfugiés dans l’art, ở Espace Cardin.

Hai cuộc triển lãm


Hội hoạ và ký hoạ
của Trần Trọng Vũ, Nguyễn Sơn Lâm,
Jean Charles Sarrasin, Nguyễn Đức Hoà


(từ ngày 17.1.1992, tại Ecole des Arts appliqué,
63 rue Olivier de Serres, 75015 Paris.)


Hoài Văn


Bốn hoạ sĩ trẻ cùng nhau tổ chức một cuộc triển lãm chung tại phòng triển lãm của trường Mỹ thuật ứng dụng, nơi chị Nguyễn Sơn Lâm và anh Jean Charles Sarrasin đã tốt nghiệp.

Đây là sáng kiến của một nhóm bạn hữu, nó có khía cạnh trẻ trung và tương ái của nó, nhưng triển lãm chung thường có cái lợi mà cũng có cái hại, vì nó hay làm loãng đi cái không khí riêng biệt do tác phẩm của mỗi hoạ sĩ tạo nên, và làm cho người xem bị mất tập trung, nhất là khi những hoạ sĩ này lại có những xu hướng nghệ thuật khác nhau.

Lẽ dĩ nhiên, ở đây có vấn đề hoàn cảnh thực tế, và người ta cũng thông cảm với các hoạ sĩ trẻ vì ở Paris thuê được một phòng triển lãm rất là khó khăn và phải trả một giá rất đắt, tiền bán tranh không thể nào bù lại được!

Mặc dù không đồng đều, nhưng nhìn chung cuộc triển lãm có chất lượng và đã hấp dẫn được người xem.

Trong bốn hoạ sĩ, Trần Trọng Vũ có lẽ là người đã có nhiều triển lãm ở Pháp nhất. Tranh của anh có một phong cách và một không khí thơ mộng đặc biệt, hơi ngả về siêu thực. Có một cái gì đó trong sự cách điệu hoá các nhân vật đến mức ngộ nghĩnh làm cho người ta nghĩ đến thế giới tranh của Chagall và, trong một chừng mực nào đó, đến trường phái biểu hiện (Expressionisme) ở Đức đầu thế kỷ XX. Tranh của Trần Trọng Vũ đẹp, đó là điều mà tôi cho là quan trọng nhất, còn khía cạnh nội tâm của chúng, chắc phải cần đến sự giải thích của chính tác giả.

Cùng tốt nghiệp ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, nữ hoạ sĩ Nguyễn Sơn Lâm, sau khi đặt chân đến Pháp đã xin vào học thêm ở trường Mỹ thuật ứng dụng và đã tốt nghiệp ở trường này. Tranh của chị cho tới gần đây có xu hướng tả chân và trang trí nhiều hơn là đi vào nội tâm. Đặc biệt là những bức sơn mài của chị có bức rất đạt về bố cục cũng như về chất liệu và màu sắc, nhưng nét vẽ thể hiện người và vật còn chưa thật sắc sảo. Tại cuộc triển lãm này, người ta được thấy nhiều bức tranh trừu tượng của chị, một loại trừu tượng hình học với những hình thể và những mảng màu sắc có ranh giới rõ nét, đan cài vào nhau trong một sự hài hoà chung. Loại tranh này ở châu Âu từ lâu đã trở thành một con đường mòn và về mặt thẩm mỹ không còn đem lại được gì mới mẻ nữa.

Jean Charles Sarrasin là một hoạ sĩ Pháp tốt nghiệp ở trường Mỹ thuật ứng dụng như trên đã nói. Anh có nét vẽ ký họa khá sinh động. Những bức ký hoạ được giới thiệu ở triển lãm mà anh đã vẽ tại chỗ trong chuyến đi tham quan Việt Nam cách đây vài năm cho thấy ở nơi người bạn Pháp có cảm tình với Việt Nam này một căn bản nghệ thuật vững vàng, một cặp mắt nhận xét tinh tế.

Nguyễn Đức Hòa cũng là một hoạ sĩ tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội và được gửi sang Pháp thực tập. Anh chuyên về tranh khắc gỗ, tiếp tục một truyền thống dân gian đáng quí. Anh có những bước đầu thử nghiệm để làm khác với những người đi trước và tìm ra một ngôn ngữ mới cho loại tranh này. Mong rằng anh sẽ có những dịp khác để giới thiệu thêm về nghệ thuật của anh.




Réfugiés dans l’art, ở Espace Cardin



Đây là một sự kiện hiếm có, một cuộc triển lãm đặc biệt, vì lần đầu tiên ở Paris người ta được thấy tận mắt những tác phẩm nghệ thuật của những thuyền nhân trong các trại tị nạn ở Hồng Kông. Chỉ tiếc là ít bà con được biết để đi coi, vì cuộc triển lãm đã chỉ diễn ra trong có mười ngày (từ 8 đến 17.1.1992). Người ta càng không khỏi ngạc nhiên khi biết đến lai lịch của nó, lẽ ra nó phải được tổ chức chặt chẽ hơn, với qui mô lớn hơn. Nguyên là cách đây hơn một năm, tháng 10.1990, ở ngay tại Trung tâm Nghệ thuật Hồng Kông đã có một cuộc triển lãm tranh của những người tị nạn, mang tên “Still Lives”, gây được nhiều tiếng vang. Sau đó, tháng 5.1991, toàn bộ cuộc triển lãm đã được đưa sang trưng ở Toà Thị chính thành phố San Francisco (Mỹ), rồi tháng 6.91 ở Nghị viện Hoa Kỳ, tháng 9 ở Minneapolis và tháng 10 ở Nouvelle Orléans. Ngay sau cuộc triển lãm “Still Lives” ở Hồng Kông, một số người ở Pháp đã đứng ra lập hội lấy tên là “Réfugiés dans l’art” (tên tiếng Anh là “Still Lives France”), với mục đích thông tin về vấn đề các trại tị nạn ở Hồng Kông và vận động để tìm ra những biện pháp giải quyết vấn đề này.

Cái tên “Réfugiés dans l’art” (“Tị nạn trong Nghệ thuật”) quả là nói lên đúng cái tâm trạng hay thảm trạng của những người làm nghệ thuật trong các trại tị nạn, bởi vì đây vừa là một cách thoát ly về mặt tinh thần, vừa là con đường đấu tranh hiệu quả nhất của họ để được “chọn” và được nhập cư vào một nước khác.

Trong 63 bức hoạ của 21 tác giả được giới thiệu, có những bức có giá trị vừa cả về mặt nghệ thuật vừa cả về mặt tài liệu thông tin, tất cả đều được sáng tác trong những điều kiện eo hẹp mà người ta có thể hình dung được. Đề tài tranh đi từ những cảnh sinh hoạt hàng ngày trong trại đến những mơ ước tự do.

Đáng chú ý nhất về mặt hội hoạ là tác phẩm của Nguyễn Đại Giang, một hoạ sĩ người Hà Nội, năm nay 44 tuổi, hiện đã được nhập cư vào nước Mỹ. Ông là một nhân vật khá độc đáo và được nhiều người biết đến qua vụ chạy vào sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội xin tị nạn chính trị ngay trong lúc Việt Nam và Trung Quốc đang có xung đột biên giới. Do phía Trung Quốc không nhận, ông đã bị kết án 12 năm tù. Năm 1987, được trả do trước thời hạn, ông đã cùng cậu con trai 12 tuổi vượt biên sang tị nạn chính trị ở Hồng Kông và hai năm sau được chuyển sang một trạm ở Phi Luật Tân trước khi được Mỹ chấp nhận cho sang cư trú.

Tranh của Nguyễn Đại Giang có vốn liếng kỹ thuật già dặn, cách nhìn phóng khoáng, hiện đại. Trong số 5, 6 bức hoạ của ông, có bức đáng được xếp vào hàng những tác phẩm có giá trị của hội hoạ Việt Nam hiện nay.

Ngoài ra, một số tác phẩm của những hoạ sĩ khác đã gây được sự thán phục của người xem. Người ta ghi nhận những tên tuổi như: Nguyễn Quang Phục, một hoạ sĩ chuyên nghiệp, đã từng vào tù nhiều lần và bị tịch thu tác phẩm trước khi vượt biên cùng vợ và hai con (ông không được công nhận là tị nạn chính trị); Trần Văn Hùng, xuất thân luật gia; Thi Phương Hữu, một nữ hoạ sĩ, 34 tuổi; Đào Vũ Bằng, 17 tuổi và Đào Vũ Minh, 10 tuổi, con của hoạ sĩ Đào Vũ Mùi hiện vẫn ở Sài Gòn.

Sáng tác trong điều kiện thiếu thốn về phương tiện, nhưng ngược lại, được thôi thúc bởi một ý chí tồn tại mãnh liệt, những tác phẩm này dù cho đôi khi có vụng về, thậm chí ngây ngô, cũng vẫn có một sức truyền cảm lớn, làm cho người xem không khỏi xúc động và suy nghĩ. Mong rằng, chúng sẽ được nhiều người biết đến hơn vào một dịp khác, với điều kiện hội “Réfugiés dans l’art” tổ chức thêm một vài cuộc triển lãm ở Paris và các tỉnh.


Hoài Văn


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us