Ngôn từ và thực chất
Bình luận
Ngôn
từ và thực chất
Hải
Vân
Không mấy ai chờ đợi bản dự thảo sửa đổi hiến pháp – công bố ngày 31.12.1991 để “lấy ý kiến của dân” trước khi trình Quốc hội biểu quyết tháng 3 tới – sẽ đặt lại vấn đề độc quyền chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Song, sau sự sụp đổ của tất cả các chế độ cộng sản châu Âu, người ta trông đợi, muốn biết Đảng Cộng sản Việt Nam đã rút những bài học gì về việc cải tổ hệ thống chính trị. Tu sửa hiến pháp chính là một cơ hội để đảng cầm quyền bày tỏ ý định – nếu có – về dân chủ hoá đời sống quốc gia, trả quyền lại cho các cơ quan dân cử, tiến tới tách Nhà nước ra khỏi đảng. Các cuộc thảo luận chung quanh những dự thảo văn kiện đầu tiên, đặc biệt tại khoá họp tháng 7 của Quốc hội, cho thấy không phải không có những xu hướng muốn cải cách thật sự, những phương án đề nghị trao thực quyền cho Quốc hội và Chính phủ (xem Diễn Đàn số 1, tháng 10.91). Mọi chuyện đã ngã ngũ tại hội nghị trung ương đảng cuối tháng 11 vừa qua, với bản báo cáo của Bộ chính trị do ông Đỗ Mười trình bày. Quan điểm đề ra để “ đổi mới hệ thống chính trị” là “phát huy hiệu lực của Nhà nước phải đi đôi với tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước”.
Kết quả là một bản văn kiện trong đó phần sau hủy phần trước
Một mặt, để cải cách bộ máy nhà nước, bản báo cáo nêu lên một số nguyên tắc tổ chức của một nhà nước pháp quyền, có phân công giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tuy không triệt để, sự phân công này đưa đến nhiều điều cải tổ: chuyển Quốc hội sang hoạt động thường xuyên; trao cho thủ tướng quyền chọn lựa bộ trưởng, thứ trưởng, quyền bổ nhiệm chủ tịch uỷ ban hành chính các tỉnh, thành; đảm bảo thế độc lập của thẩm phán...
Mặt khác, đòi tăng cường sự lãnh đạo của mình, đảng lại vô hình chung vô hiệu hoá những nguyên tắc vừa đưa ra ở trên. Phải hiểu thế nào nguyên tắc đảng không can thiệp vào công tác xét xử của toà án khi đồng thời đảng tự cho mình quyền tham gia ý kiến về quan điểm xét xử trong các vụ án có ảnh hưởng chính trị hoặc liên quan đến đảng viên? Phải hiểu thế nào nguyên tắc đảng không làm thay công tác về nhân sự của nhà nước, khi đảng lại cho mình quyền lựa chọn, xem xét và có ý kiến đối với các chức danh cán bộ chủ chốt trước khi nhà nước quyết định bổ nhiệm? Cũng như, phải hiểu thế nào nguyên tắc đảng “không lạm dụng uy tín” để áp đặt ý kiến mình lên Quốc hội, khi hầu hết đại biểu là đảng viên và không có quyền nói ngược lại nghị quyết của đảng?
Như vậy bài học mà ban lãnh đạo đảng rút ra từ sự tan rã của chế độ cộng sản ở châu Âu đã rõ: Vì xu hướng chung của những cải tổ đã tiến hành ở châu Âu là chuyển dần quyền lực từ bộ máy đảng sang các cơ quan dân cử, thì ngược lại, lãnh đạo chặt chẽ chính phủ, quốc hội và các cơ quan dân cử khác là điều kiện để quyền lực không tuột khỏi tay đảng! Trong điều kiện đó, nói đến quyền hạn của quốc hội, của chính phủ hay toà án phải chăng chỉ là nói đến những điều hình thức.
Thật ra, việc đảng cộng sản Việt Nam tự xưng trong bản dự thảo sửa đổi hiến pháp là “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”, xét cho cùng, cũng chỉ là một điều hình thức. Bởi vì, vấn đề thật sự là đảng cộng sản Việt Nam hiện nay có năng lực lãnh đạo nhà nước và xã hội hay không? Ngay bản báo cáo của tổng bí thư Đỗ Mười cũng chỉ đưa ra một câu trả lời có điều kiện: “vấn đề quyết định là bản thân đảng ta phải tự đổ i mới, tự chỉnh đốn”. Và trong bản báo cáo cuối năm đọc trước quốc hội, thủ tướng Võ Văn Kiệt không che giấu được điều “lo ngại nhất” khi bước vào năm 1992: “ tình trạng mất trật tự, kỷ cương, vi phạm pháp luật, tệ tham nhũng, cửa quyền, ức hiếp nhân dân”. Trong hoàn cảnh đó, những nỗ lực đổi mới, “chẳng những khó thực hiện mà còn có thể bị biến dạng, đưa tới kết quả rất xấu.”
Tất cả vấn đề là ở đó: yếu kém về năng lực, bị nhiễm nặng bệnh tham nhũng, thoái hoá về mặt lý tưởng, bộ máy đảng và chính quyền còn có khả năng “tự” chỉnh đốn, “tự” cải tổ để thiết lập một kỷ cương, một trật tự mới hay không?
Các thao tác trên Tài liệu